GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG – 40 NĂM THÀNH LẬP
Nhớ về mái nhà giáo phận Longxuyên
SỨC SỐNG CỦA HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM
SUY NGHĨ VỀ MỘT CHUYẾN THĂM MỤC VỤ
GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG – 40 NĂM THÀNH LẬP
Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ
Và Linh Mục Đoàn Giáo phận Phú Cường
Trong niềm vui chung của cả Hội Thánh Việt Nam cử hành năm sống Lời Chúa, giáo phận Phú Cường chọn ngày 15.1.2006, vừa để long trọng mừng kỷ niệm 40 năm (1965-2005) thành lập, vừa tuyên bố trọng thể năm Sống Lời Chúa tại Phú Cường.
Để chuẩn bị cho đại lễ, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường và Ban Mục vụ giáo phận đã họp và bầu ra Ban Tổ chức lo việc mừng kỷ niệm này. Ban Mục vụ cũng đặt linh mục Micae Lê Văn Khâm, Tổng Đại diện giáo phận Phú Cường làm Trưởng Ban tổ chức lễ mừng kỷ niệm 40 năm thành lập giáo phận - khai mạc năm Sống Lời Chúa.
I. SỰ THÀNH LẬP:
1. Lược sử xa:
Nói đến giáo phận Phú Cường, người ta không thể không kể đến giáo xứ Lái Thiêu, một giáo xứ cổ xưa, chiếc nôi truyền giáo của giáo phận Đàng Trong (được thành lập 1659), nơi mà thuở ban đầu, vẫn còn là rừng rậm.
Ngày 26.11.1744, Đức Cha Hilariô Costa Hy, lúc đó đang làm Giám mục giáo phận Đàng Ngoài, nhận bài sai và vâng lời Đức Thánh Cha Bênêdictô XIV, làm Khâm Sứ Tòa Thánh kinh lý Đàng Trong, Chăm và Campuchia.
Ngày nay chúng ta còn đọc thấy văn bản tóm kết mười biên bản của mười phiên họp do Đức Cha Hilariô Costa Hy triệu tập trong lúc kinh lý Đàng Trong, dày khoảng 260 trang mà Cha Adrien Launay làm thư ký, ghi lại: “Tại Lái Thiu (Lái Thiêu), năm 1747 có 400 tín hữu”. Thời gian đó, tại Lái Thiêu có ít nhất hai nhóm thừa sai truyền giáo là các linh mục dòng Tên và dòng Phanxicô.
Người ta nghi ngờ rằng, có lẽ bắt nguồn từ các cuộc bắt đạo liến tiếp và tàn khốc trong suốt nửa thế kỷ (1617-1665) của triều đình nhà Nguyễn, các tín hữu đã tìm đến vùng đất Lái Thiêu hoang vu này để bảo toàn đức tin và gìn giữ lực lượng người Công giáo. Kể từ đó, người tín hữu Công giáo tại đây đã khai hoang, lập nghiệp, mưu tìm sự bình an để sinh sống và sống niềm tin tôn giáo của mình.
Mãi một thế kỷ sau, đến tháng 7.1789, Đức Cha Pigneau de Béhaine (tức Đức Cha Bá Đa Lộc), đã dời Chủng viện Chantaboun – Thái Lan về Lái Thiêu (Chủng viện này do Đức Cha Lambert de la Mootte cai quản Đàng Trong vận động vua Thái Lan cho mở từ năm 1667). Lúc đó Chủng viện Lái Thiêu có chừng 40 chủng sinh do linh mục thừa sai Boisserand làm Giám đốc.
Chỉ hơn 30 năm sau Chủng viện Lái Thiêu, vào năm 1821, linh mục Jean Louis Tabert Từ được bổ nhiệm làm cha sở Lái Thiêu. Sáu năm sau, 1827, cha Từ được bổ nhiệm làm Giám mục. Đến tháng 6.1830, sau khi được tấn phong Giám mục từ Thái lan trở về, Đức Cha đã đặt Tòa Giám mục tại Lái Thiêu.
Sau khi Đức Thánh Cha Grêgoriô XVI quyết định chia đôi giáo phận Đàng Trong ngày 2.3.1844, thành hai giáo phận Tây và Đông Đàng Trong, thì vùng đất Phú Cường ngày nay thuộc giáo phận Tây Đàng Trong, đã có nhiều giáo xứ như: Lái Thiêu, Bố Mua, Búng, Tha La, Brơlam…
2. Lược sử gần:
Ngày 3.12.1924, các giáo phận tại Việt Nam được đổi tên theo tên của đơn vị hành chính, nơi đặt tòa giám mục. Giáo phận Tây Đàng Trong được đổi thành giáo phận Sài Gòn.
Giáo phận Sài Gòn ngày càng phát triển vững mạnh và đông đảo, vì thế, ngày 14.10.1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành trọng sắc “In animo nostro” (Trong Lòng Ta), quyết định thành lập giáo phận Phú Cường. Trọng sắc ghi rõ: “… Khi Thánh Bộ Truyền Giáo có chương trình thành lập giáo phận mới tại Việt Nam, lập tức, ta thỉnh ý những vị liên hệ, và hôm nay, do quyền tối cao, ta quyết định và truyền những điều sau: Những tỉnh dân sự, quen gọi là Phước Thành, Bình Dương, Tây Ninh và Bình Long, nay được tách rời khỏi Tổng giáo phận Sài Gòn, để thành lập giáo phận mới, và đặt tên là giáo phận Phú Cường…”.
Đồng thời Đức Thánh Cha bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Văn Thiên, Giám Đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn làm Giám mục tiên khởi giáo phận Phú Cường. Ngõ lời với Đức tân Giám mục Phú Cường, Đức Thánh Cha viết: “… Sau khi tham khảo cùng Thánh Bộ Truyền Giáo và thỉnh ý người Anh Em đáng kính Angelo Palmas, Tổng Giám mục hiệu tòa Vibiana, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam và Cao Miên, ta đặt và bổ nhiệm hiền tử làm Giám mục cai quản giáo phận Phú Cường với mọi quyền hành và trách nhiệm của Giám mục Chánh tòa…”.
Theo thống kê năm 1938, trên phần đất của giáo phận Phú Cường hiện nay, lúc đó số tín hữu ít ỏi. Tỉnh Tây Ninh có 3 địa sở, 6 giáo họ, 4.300 giáo dân; Bình Dương có 8 địa sở, 21 giáo họ, 9.499 giáo dân; Bình Phước và huyện Củ Chi chưa có sự hiện diện của người Công giáo.
Tuy nhiên một năm sau ngày thành lập, năm 1966, Tòa giám mục tiến hành thống kê lại, thì các số liệu chính thức được ghi nhận: số giáo dân là 51.488 người trên tổng số dân cư là 715.000 người (chiếm 7,2%); số linh mục là 43 vị; 6 giáo hạt: Phú Cường, Tha La, Tây Ninh, Lạc An, Bình Long, Phước Thành; 36 họ đạo có cha sở hiện diện và 106 nhà thờ lớn nhỏ.
Bắt đầu từ năm 1967, Đức Giám mục tiên khởi của giáo phận, Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên đã cho xây dựng nhiều về tinh thần và cơ sở vật chất trong giáo phận như: Về tinh thần, Đức Cha chú ý tổ chức sinh hoạt giáo phận theo tinh thần và đường hướng Công Đồng Vatiacăn II. Về cơ sở vật chất, Đức Cha đã xây dựng Tiểu Chủng viện ở Gò Cầy và Trung Tâm Bác ái ở Lái Thiêu (1967); trường thánh Giuse Thủ Dầu Một (1968); tiếp nhận dòng Con Đức Mẹ từ Nam Vang – Campuchia về và thiết lập các cơ sở (1970); thành lập đệ tử viện Truyền giáo cho công cuộc truyền giáo (1972), nay là tu viện Lời Chúa; xây dựng tòa Giám mục (1974).
Đến năm 1974, giáo phận Phú Cường có 50.494 giáo dân trên tổng số 887.056 người trong 49 giáo xứ; họ đạo và 58 linh mục; 30 đại chủng sinh; 35 nam tu sĩ; 171 nữ tu; 50 trường trung – tiểu học; 13 cơ sở từ thiện bác ái.
Giáo phận Phú Cường được thành lập giữa lúc chiến tranh đang hoành hành dữ dội. Từ ngày thành lập đến năm 1975, giáo phận nằm trong những vùng chiến khu trọng điểm nổi tiếng luôn xảy ra nhiều chiến trận ác liệt như: chiến khu Đ, Dương Minh Châu, vùng Tam Giác Sắt, địa đạo Củ Chi hoặc trận chiến Bình Long đỏ lửa... Tình hình quá bất ổn như thế, các xứ đạo và hoạt động tôn giáo bị xáo động rất lớn. Con số giáo dân cứ giảm dần. Có giáo xứ hay giáo họ đã không còn tên trong danh sách.
Giáo phận Phú Cường đã có 4 vị Giám mục cai quản như sau:
a. Đức Cha GIUSE PHẠM VĂN THIÊN (Giám mục tiên khởi 1966 – 1993) sinh ngày: 2.5.1906, thụ phong linh mục: 17.3.1934. Trong khi đang giữ chức vụ Giám Đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, ngài được gọi làm Giám mục giáo phận Phú Cường. Ngài thụ phong Giám mục: 6.1.1966. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là: ƠN CHÚA Ở CÙNG TÔI. Ngài chính thức nhận giáo phận Phú Cường: 12.1.1966, được chấp thuận nghỉ hưu: 10.5.1993 sau 28 năm cai quản giáo phận. Ngài qua đời tại tòa Giám mục Phú Cường: 15.2.1997,
b. Đức Cha GIACÔBÊ HUỲNH VĂN CỦA (Giám mục phó: 1976 – 1979) sinh ngày: 1.11.1915, thụ phong linh mục: 20.9.1941, thụ phong Giám mục: 4.2.1976. Khẩu hiệu Giám mục là: VUA CÁC VUA, CHÚA CÁC CHÚA. Ngài được gọi làm phó Giám mục giáo phận Phú Cường. Nhưng vì bị bênh, ngài đã sớm nghỉ hưu từ năm 1979. Ngài sang Pháp chữa bệnh và qua đời tại Nice (Pháp) ngày 9.1.1995.
c. Đức Cha LU-Y HÀ KIM DANH (Giám mục Chánh tòa: 1993 – 1995) sinh ngày: 2.6.1913, thụ phong linh mục: 12.3.1940. Thụ phong Giám mục: 10.10.1982. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là KIÊN NHẪN THẮNG MỌI SỰ. Ngài được đặt làm Phó Giám mục Phú Cường. Sau khi Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên nghỉ hưu, Ngài được đặt làm Giám mục Chánh tòa giáo phận: 10.5.1993. Ngài qua đời: 22.2.1995.
Sau khi Đức Cha Lu-y Hà Kim Danh qua đời, giáo phận Phú Cường trống tòa gần 4 năm. Trong thời gian này, cha Micae Lê Văn Khâm làm Giám quản giáo phận Phú Cường.
d. Đức Cha PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ (Giám mục đương nhiệm: 1999) Sinh ngày: 2.3.1937. Ngài thụ phong linh mục: 29.4.1965. Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Phú Cường: 5.11.1998, thụ phong Giám mục do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tại Vatican: 6.1.1999 cùng với tám Giám mục khác trên thế giới. Ngài chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục của mình là: YÊU RỒI LÀM. Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II triều mến gọi là “Sứ giả của niềm hy vọng” cho giáo phận Phú Cường. Ngài chính thức nhận giáo phận: 26.1.1999. Suốt 7 năm qua, trong chức vụ Giám mục của mình, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ đã từng bước làm cho giáo phận có nhiều đổi mới và khởi sắc. Đặc biệt, ngài luôn mời gọi tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận cùng cộng tác với mình xây dựng giáo phận. Câu nói hết sức khiêm tốn mà Đức Giám mục Phú Cường đương nhiệm cứ lặp đi lặp lại hầu như nhiều nhất trong tất cả những lần gặp gỡ mọi giới, mọi thành phần trong giáo phận là: “Một mình Giám mục không thể làm được gì”.
II. ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, KINH TẾ VÀ TÔN GIÁO.
1. Vị trí địa lý.
Giáo phận Phú Cường có diện tích 10.885 km², thuộc vùng miền Đông Nam bộ, gồm các tỉnh: Tây Ninh; Bình Dương; hai huyện Bình Long, Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước và huyện Củ Chi của thành Sài Gòn. Giáo phận Phú Cường có hình bát giác không đều: Đông giáp tỉnh Đồng Nai, Tây giáp tỉnh Long An, Nam giáp Sài Gòn; Bắc giáp tỉnh Bình Phước và quốc gia Campuchia.
Tỉnh Bình Dương và Bình Phước có vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên. Địa hình có khuynh hướng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Do đất đai phì nhiêu, thảm thực vật tự nhiên và cây trồng đa dạng. Vì thế, toàn lãnh thổ giáo phận Phú Cường có chỗ là rừng tự nhiên, có chỗ thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như : cao su, cà phê, tiêu…, có chỗ lại là ruộng lúa hoặc các loại cây ăn trái, cây lương thực, thực phẩm…
Tỉnh Tây Ninh nối cao nguyên Nam Trung bộ với đồng bằng sông Cửu Long, có ngọn núi Bà Đen đứng chơ vơ giữa vùng đồng bằng rộng lớn, có đến hai con sông lớn là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn chảy qua. Có núi có sông, tỉnh Tây Ninh mang dáng vấp vừa cao nguyên, vừa đồng bằng. Tỉnh giữ vị trí làm cầu nối giữa Sài Gòn và quốc gia Campuchia, tiếp giáp ba tỉnh Campuchia là: Công Pông Chàm, Prâyveng, Svay Riêng.
2. Dân số và người dân tộc thiểu số.
Dân số khoảng gần 2,5 triệu người. Riêng những người mới nhập cư và tạm cư hầu như khó thống kê chính xác. Vì thế, tình hình có phần phức tạp và bất ổn hơn.
Theo Niên Giám Giáo Hội Công giáo Việt Nam 2004, Tỉnh Bình Dương và Bình Phước có các dân tộc thiểu số như:
- Stiêng: 54.207 người, chiếm 47,7% đồng bào dân tộc.
- Khơ me: 11.069 người, chiếm tỷ lệ 8,6%.
- Nùng: 9.848 người, chiếm tỷ lệ 8,6%
- Tày: 9823 người, chiếm tỷ lệ 8,6%
Tỉnh Tây Ninh có dân tộc Chăm (1.816 người); Khơme (5.197 người) và một số ít người Mường, Tày, Nùng, Thái, Xinh Mun, Phù Lá, Ba Na.
3. Kinh tế.
Hiện nay nhiều người làm công nghiệp, hoặc tiểu thủ công nghiệp. Nhưng nông nghiệp vẫn là thành phần chủ yếu của đa số dân cư.
Công nghiệp:
Tỉnh Bình Dương nằm trong khu vực “kinh tế trọng điểm” phía Nam, và nằm cạnh các trục giao thông của quốc gia và giao lưu quốc tế như sân bay, cảng biển, các quốc lộ lớn. Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều vùng đất của Phú Cường phát triển công nghiệp mạnh. Vì thế, nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp được hình thành như tại Củ Chi của Sài Gòn, tại thị xã Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát, huyện Thuận An, huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Những vùng kể trên, cũng là nơi thu hút đông đảo giới trẻ từ khắp mọi miền đất nước tuôn về kiếm kế sinh nhai, hầu hết là làm công nhân.
Tiểu thủ công nghiệp: Tại Bình Dương có các nghề truyền thống như: sơn mài, chế biến gỗ, gốm sứ, điêu khắc.
Nông nghiệp: Các loại cây trồng rất đa dạng phong phú như: bắp, mía, hoa màu, rau cỏ các loại, điều, tiêu, dừa, cà phê, lúa…
Lâm nghiệp: Phát triển không nhiều, tập trung vào việc trồng rừng và khai thác gỗ.
Thu nhập bình quân đầu người khoảng 200 USD/năm. Ở một số thị xã, thị trấn như thị xã Thủ Dầu Một, thị trấn Chơn Thành, số thu nhập bình quân đầu người cao hơn, khoảng 300 USD/năm.
4. Tôn giáo.
Có nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt trên phạm vi giáo phận:
Phật giáo: Nhiều hệ phái như: Cổ truyền, Lục hòa tân Việt Nam, Tịnh độ cư sĩ, Tịnh độ tông, Phật học Việt Nam, Thiên Thai giáo hoán tông, Thiên Thai Bà Rịa, Giáo hội Tăng giả khất sĩ Việt Nam.
Cáo đài giáo: Nhiều hệ phái như: Phái Tây Ninh, Phái Tiên Thiên, Phái Ban Chỉnh (Bến Tre), Phái Minh Chân lý. Riêng Phái Tây Ninh tập trung và phát triển mạnh tại Tây Ninh.
Tin lành: Số giáo hữu không đông, nhưng hoạt động khá mạnh trong cộng đồng dân tộc Stiêng.
Hồi giáo: Chỉ phát triển trong bộ phận người Chăm. Số tín đồ rất ít.
III. THÁNH PHÊRÔ QUÝ, NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA PHÚ CƯỜNG.
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý là linh mục đầu tiên của giáo xứ Búng, giáo phận Phú Cường.
Phêrô Đoàn Công Quý là con út trong sáu người con của hai ông bà Antôn Đoàn Công Miên và Annê Nguyễn Thị Tường. Ngài sinh năm 1826 tại giáo xứ Búng, làng Hưng Định, tỉnh Bình Dương.
Sau khi anh của Phêrô Đoàn Công Quý không tiếp tục đi tu nữa, cha mẹ đã đồng ý để cậu Quý tùy ý lựa chọn. Cậu đã vào chủng viện thánh Giuse ở Thị Nghè. Nhờ trí khôn sắc xảo, Phêrô Quý được gởi sang Pinăng – Malaixia để học. Năm 31 tuổi, thầy Phêrô Quý thụ phong phó tế. Năm 32 tuổi, thầy được trao ban Thánh chức linh mục tại nhà thờ Bình Dương. Vì lý do bắt đạo, Cha Phêrô Quý cử hành thánh lễ mở tay tại một ngôi nhà tư ở Gò Cầy, bây giờ là lò chén Chùm Sao. Sau khi làm linh mục, Cha đã phục vụ nhiều nơi như Búng, Lái Thiêu, Gia Định, Biên Hòa, Cái Mơn và cuối cùng là họ Đầu Nước ở cù lao Giêng. Tại đây, cha Phêrô Đoàn Công Quý đã bị bắt.
Ngày 31. 7. 1859, cha Phêrô Quý ăn mặc lịch sự, chít khăn lên đầu vuông vắn tử tế. Cha Phêrô Quý cùng ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng thuộc họ Đầu Nước đi giữa hai hàng lính. Cha khuyên giáo dân đưa tiễn cha hãy sống đạo xứng đáng. Sau khi giải tội cho ông trùm Phụng, cha cũng quỳ xuống và ăn năn tội lần cuối cùng. Sau ba tiếng thanh la vang rền, lý hình vung gươm chém đầu cha. Sau bốn nhát gươm, đầu rơi xuống đất, nhưng limh hồn cha trở về cùng Chúa, Đấng mà cha đã hiến toàn thân suốt đời phục vụ. Năm đó cha được 33 tuổi.
Sau 50 năm điều tra, cha Phêrô Đoàn Công Quý được phong lên bậc chân phước ngày 2. 5. 1909. Và sau 79 năm điều tra tiếp tục, ngày 19. 6 1988 chân phước Phêrô Đoàn Công Quý được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh.
Là con cháu của thánh nhân, hôm nay mừng 40 năm ngày thành lập giáo phận, chúng ta hãy noi gương thánh nhân sống đức tin, đức cậy và đức mến kiên cường.
IV. GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG QUA 40 NĂM.
1. Giáo hạt, giáo xứ, các thành phần dân Chúa.
Dù phải trải qua nhiều thăng trầm, mọi thành phần dân Chúa vẫn không ngừng nắm tay nhau xây dựng giáo phận cách kiên cường. Từ số người tín hữu lúc ban đầu khá khiêm tốn, đến nay giáo phận đã có đến 7 giáo hạt:
a. Hạt Bình Long: Giáo xứ: 14; Giáo họ và giáo điểm: 5; Linh mục: 14; Cộng đoàn tu sĩ: 5.
b. Hạt Củ Chi: Giáo xứ: 8; Giáo họ và giáo điểm: 3; Linh mục: 11; Cộng đoàn tu sĩ: 13.
c. Hạt Lạc An: Giáo xứ: 9; Giáo họ: 1; Linh mục: 9.
d. Hạt Phú Cường: Giáo xứ: 19; Giáo họ và giáo điểm: 17; Linh mục: 24; Cộng đoàn tu sĩ: 17.
e. Hạt Phước Thành: Giáo xứ: 8; Giáo họ và giáo điểm: 2; Linh mục: 8; Cộng đoàn tu sĩ: 6.
g. Hạt Tây Ninh: Giáo xứ: 14; Giáo họ và giáo điểm: 9; Linh mục: 17; Cộng đoàn tu sĩ: 6.
h. Hạt Tha La: Giáo xứ: 5; Giáo họ và giáo điểm: 2; Linh mục: 5; Cộng đoàn tu sĩ: 3.
Trong những cuộc chiến tranh, rất nhiều nhà thờ bị tàn phá. Khoảng 15 năm qua, giáo phận Phú Cường phải sửa chữa và xây dựng mới nhiều nhà thờ để đáp ứng nhu cầu về đời sống tôn giáo và lòng đạo đức của giáo dân. Dù vậy, toàn giáo phận, hiện nay cũng chỉ mới có 85 nhà thờ (kém hơn ngày mới thành lập 21 nhà thờ). Tuy nhiên số linh mục, tu sĩ, giáo dân, các giáo xứ, giáo họ và giáo điểm tăng lên rất nhiều. Theo Sổ tay linh mục Phú Cường phát hành tháng 1.2006, giáo phận Phú Cường hiện nay có: Số linh mục là 152 vị (34 vị đã qua đời); số thầy Phó tế: 1 thầy. Tuy nhiên, vào ngày 18.2.2006 tới đây, Đức Giám mục sẽ phong chức Phó tế cho một số tu sĩ và chủng sinh, vì thế, số Phó tế sẽ gia tăng. Số chủng sinh đang tu học tại Đại Chủng viện Sài Gòn: 25 thầy; 40 giáo họ và giáo điểm; 77 giáo xứ; 20 dòng tu chia thành 60 cộng đoàn hiện diện đều khắp giáo phận. Trong số các dòng tu có ba nhà dòng có nhà mẹ đặt tại Phú Cường là tu viện Lời Chúa, dòng Con Đức Mẹ, dòng Mẹ Nhân Ái.
Với cái nhìn lạc quan, thư mục vụ tháng 1.2006 của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường cho biết: “Giáo phận ngày nay đã được khởi sắc hơn. Số giáo dân lúc mới thành lập giáo phận từ 51.488 người, đến nay, theo thống kê cuối năm 2004, đã tăng lên 118.957 người, tức quá gấp đôi. Số linh mục từ 43 vị, đến nay là 118 vị. Số giáo xứ có linh mục hiện diện, tăng từ 39 đến 74 giáo xứ ” (như vậy còn khoảng 3 giáo xứ chưa có linh mục hiện diện thường xuyên.
2. Cơ sở và tổ chức của giáo phận.
Hiện nay giáo phận có một số cơ sở tiêu biểu như Tòa Giám mục, nhà hưu dưỡng của các linh mục, đặc biệt là Nhà Chung giáo phận (trước đây là Tiểu Chủng viện Phú Cường), nơi quy tụ nhiều thành phần dân Chúa trong mỗi dịp lễ, dịp tĩnh tâm, hội hè…
Ngoài ra, tại giáo phận Phú Cường còn có nhiều cơ sở từ thiện như: Trung tâm Câm Điếc Lái Thiêu - Thuận An, trại phong Bến Sắn, Trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS Mai Hòa- Củ Chi; viện dưỡng lão thuộc giáo xứ Cao Xá- Tây Ninh; 2 nhà nuôi dưỡng người già neo đơn của hai giáo xứ Tân Thông và Lai Uyên; Hội Chữ thập đỏ nhà thờ Chánh Tòa; Nồi Súp tình thương giáo xứ Phú Cường; 2 Trung tâm giúp đỡ người dân tộc thiểu số; Chương trình Tín dụng – Tiết kiệm giáo xứ Tân Châu, các điểm mẫu giáo – nhà trẻ, nhiều lớp học tình thương tại nhiều giáo xứ…
Ngay từ ngày thành lập, Phú Cường được xác định là giáo phận truyền giáo, vì thế công tác huấn luyện và đào tạo theo tinh thần thừa sai là công tác đi đầu như: linh mục, chủng sinh, tu sĩ, nhất là đào tạo tầng lớp giáo dân trưởng thành. Trong đó không thể thiếu đội ngũ Hội đồng Giáo xứ, Giáo lý viên và các thành viên chủ chốt trong các giới.
Để giúp Đức Giám mục điều hành giáo phận, Phú Cường còn có nhiều Hội đồng, Ban Ngành như: Hội đồng Tư vấn, Hội đồng linh mục, Ban mục vụ giáo phận… Mỗi năm, Đức Giám mục đề ra đường hướng mục vụ chung. Chương trình này sẽ được các Ban ngành có liên quan triển khai và lên chương trình cho toàn dân Chúa tại Phú Cường. Đức Giám mục cũng có thư mục vụ hàng tháng để nhắn nhủ, thông tin, hướng dẫn… toàn giáo phận.
Nhiều đoàn thể trong giáo phận đang hoạt động có chiều hướng đi lên như: Thiếu nhi, Giới trẻ, Gia trưởng, Hiền mẫu, Người cao tuổi, Legio Mariae, các dòng Ba Đaminh, Camêlô, Phan Sinh tại thế, Mến Thánh Giá tại thế, Gia Đình Cùng Theo Chúa, Khôi Bình…
Tuy giáo phận nhà có khởi sắc và chan chứa hy vọng, và dù Đức Giám mục giáo phận có tỏ lộ niềm vui mừng, ngài vẫn khiêm tốn nhìn nhận: “Từ ngày nhậm chức, tôi đã cố gắng củng cố lại những cơ chế vẫn có, bổ sung những gì còn thiếu sót và nhất là tạo điều kiện và thúc đẩy để các Hội đồng, các Ban ngành, các Đoàn thể sinh hoạt thường xuyên hơn theo khả năng và hoàn cảnh cho phép” (thư mục vụ tháng 1.2006).
3. Những chuẩn bị cho việc mừng 40 năm.
Dịp mừng 40 năm thành lập giáo phận, Ban Mục vụ giáo phận soạn thảo và phổ biến trên toàn giáo phận tài liệu học hỏi về Giáo Hội và giáo phận. Các giáo xứ trong giáo phận cũng sẽ làm tuần Bát nhật (từ ngày 8-15.1.2006) tạ ơn và cầu nguyện cho giáo phận. Ban Mục vụ cũng soạn thảo kinh cầu cho giáo phận và đọc trong suốt năm 2006.
Ngoài ra, trong ngày cử hành 40 năm giáo phận Phú Cường, Đức Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú cường cũng chính thức tuyên bố năm Sống Lời Chúa trên toàn giáo phận. Cùng lúc với việc cho ra mắt lôgô sống Lời Chúa mang tên: “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118), giáo phận sẽ phát hành cuốn kỷ yếu “40 năm giáo phận Phú Cường” dày khoảng trên 300 trang.
Chương trình ngày lễ mừng 40 năm bao gồm việc đón tiếp Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn, các Đức Giám mục, các linh mục, tu sĩ, quan khách xa gần. Sau phần hoạt cảnh diễn lại 40 năm hành trình của giáo phận Phú Cường sẽ là thánh lễ đồng tế. Kết thúc là phần Đức Giám mục giáo phận trao sách Thánh cho đại diện các hạt như là lời nhắn nhủ cụ thể cho việc sống Lời Chúa.
Dịp trọng đại này, chính quyền các tỉnh (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) nằm trên địa bàn giáo phận Phú Cường cũng đã chấp nhận đơn thành lập 13 giáo xứ mới trên toàn giáo phận. Cụ thể như sau:
Hạt Phú Cường có 3 giáo xứ mới: Bà Trà, Phú Long, Tân Lập;
Hạt Phước Thành có 3 giáo xứ mới: An Linh, Tân Hiệp, Bào Ao;
Hạt Lạc An có 1 giáo xứ mới: Hiếu Liêm;
Hạt Bình Long có 4 giáo xứ mới: Minh Hưng, Nha Bích, Thanh An, Thanh Lương;
Hạt Tây Ninh có 2 giáo xứ mới: Suối Đá, Thành Long.
Cùng với việc thành lập giáo xứ, Đức Giám mục cũng chấp nhận đơn nghỉ hưu của 3 linh mục hoặc vì bệnh tật, hoặc đã đến tuổi hưu là:
- Linh mục Đaminh Đinh An Khang.
- Linh mục Giuse Âu Dương Chi.
- Linh mục Âugustinô Hà Minh Nghĩa.
Đức Giám mục giáo phận cũng đã bổ nhiệm các linh mục tân chánh xứ tại các giáo xứ như:
- Linh mục Hiêrônimô Nguyễn Đoàn Thanh Phong làm chánh xứ Kiên Long.
- Linh mục Giuse Nguyễn Hồng Ánh làm cháng xứ Suối Đá.
- Linh mục Giuse Nguyễn Khắc Hoài làm chánh xứ Hảo Đước.
- Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Quốc làm chánh xứ Trảng Bàng, Kiêm giáo họ Bình Nguyên.
- Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thịnh làm cháng xứ Vinh Sơn.
- Linh mục Giuse Nguyễn Duy Nhất làm chánh xứ Tân Lập.
- Linh mục Đaminh Hà Hỏa Tiễn làm chánh xứ Bào Ao.
V. LỜI CẦU NGUYỆN CHO GIÁO PHẬN.
1. Lạy Thiên Chúa từ nhân, Chúa không ngừng đưa tay che chở đoàn dân Chúa. Từ ngàn xưa, khi dân Chúa còn đang trông chờ ơn cứu độ như lời Chúa hứa, Chúa đã dùng bàn tay mạnh cánh tay hùng che chở đoàn dân của Chúa, để qua những thăng trầm, đoàn dân Chúa luôn luôn đứng vững và trung thành.
Giáo phận Phú Cường chúng con cũng là đoàn dân được Chúa yêu thương và dẫn dắt, vì thế 40 năm qua giáo phận chúng con không ngừng phát triển, và đứng vững trong đời sống đức tin.
2. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, giáo phận Phú Cường chúng con đã được dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa. Chúng con cảm tạ Thánh Tâm Chúa vì 40 năm qua là 40 năm hồng ân dư tràn. Nhờ sự bảo trợ của Thánh Tâm, giáo phận chúng con được diễm phúc, đặt trên mảnh đất, mang dòng máu tử đạo của Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, và chứng tích gương sáng đức tin của các chứng nhân tử đạo là Côximô Trí và giếng mộ các anh hùng Thị Tính.
Chúng con tin, nhờ Thánh Tâm Chúa, 40 năm qua dù gặp nhiều khó khăn, đoàn dân Chúa tại Phú Cường vẫn can đảm sống và làm chứng cho đức tin. Vì thế, giáo phận chúng con không thiếu vắng ơn gọi. Nhiều dòng Tu, nhiều xứ đạo, nhiều cơ sở từ thiện không ngừng được thành lập và phát triển. Và biết bao nhiêu ơn lành khác mà chúng con lãnh nhận nhờ suối nguồn tình yêu tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa.
Tuy nhiên, chúng con vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc làm chứng cho đức tin, vì thế còn hàng trăm ngàn người chưa biết Chúa và nhiều anh chị em khác vẫn đang đau khổ và nghèo khó. Nhân dịp mừng 40 năm, chúng con xin Chúa tha thứ những lỗi lầm này. Chúng con xin quyết tâm tích cực cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận hoạt động cho nước Chúa ngày thêm mở rộng. Đặc biệt trong năm Sống Lời Chúa, chúng con sẽ nỗ lực học và sống Lời Chúa, để trở nên chứng tá đức tin có hiệu năng hơn.
3. Lạy Mẹ Maria, Đấng phù hộ các giáo hữu, xin giúp chúng con luôn trung thành với đức tin, biết làm sáng danh Chúa nơi mọi môi trường chúng con sống và làm việc. Xin cho chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong niềm hy vọng được cùng nhau hân hoan sum họp trên quê trời. Amen.
(Lời cầu nguyện này đã được Ban Mục vụ giáo phận sữa đổi đôi chút để làm kinh cầu cho giáo phận, được đọc tại giáo phận Phú Cường suốt năm 2006).
***
Kỷ niệm 40 năm thành lập, cộng đoàn dân Chúa tại Phú Cường có dịp nhìn lại những hồn ân lớn lao mà Chúa đã ban cho giáo phận. Đồng thời là dịp để con cháu biết ơn tiền nhân của mình đã đi trước và dày công khai phá và dựng xây, để có được một giáo phận nên vóc, nên hình như hôm nay.
Tuy nhiên cánh đồng truyền giáo tại giáo phận nhà còn mở ra trước mắt rất mênh mông, bởi vẫn còn đó đến hàng trăm ngàn người chưa nhận biết Chúa Kitô. Vì thế, công tác truyền giáo của đoàn dân Chúa tại giáo phận Phú Cường vẫn là công tác hàng đầu, thật cấp bách, đòi hỏi thật nhiều công sức, nghị lực và cả những cống hiến cụ thể về của cải vật chất…
Nhưng chúng ta tin, với ơn Chúa, dù sức người có bé nhỏ, vẫn có thể gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
Nhớ về mái nhà giáo phận Longxuyên
Năm nay Giáo phận Long Xuyên miền đồng bằng sông Cửu Long có một kỷ niệm: 45 năm thành lập giáo phận, 24.11.1960 – 24.11.2005
Một biến cố đức tin và văn hóa mang nhiều ý nghĩa tích cực cho người Công giáo nơi đó.
Xin hân hoan chúc mừng Giáo phận Long Xuyên!
Ngày kỷ niệm thành lập giáo phận cũng trùng vào ngày lễ kính các Thánh tử đạo Việtnam 24.11., trong đó có hai Thánh tử đạo Emmanuel Lê văn Phụng và Phero Ðoàn công Qúi. Hai vị Thánh này ngày xưa sinh ra lớn lên, làm ăn sinh sống, làm chứng cho đức tin vào Chúa bằng chính đời sống mình tại quê hương giáo phận Long Xuyên vùng Châu Ðốc.
Một sự trùng hợp tràn đầy ân đức thánh thiêng. Vâng, một sự quan phòng được sắp đặt từ Trời cao cho Giáo phận Long Xuyên.
Xin tạ ơn Thiên Chúa đã luôn hằng cùng đồng hành, và cho hạt giống niềm tin nảy sinh hoa trái nhân chứng Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo miền đồng bằng sông Cửu Long!
1. Cánh đồng truyền giáo thuở khai sinh
Ðồng lúa phì nhiêu, kênh nước sông lạch là bản đồ kinh tế, hình thể địa lý và sức sống cho Giáo phận Long Xuyên. Con người với cây lúa. Con người với sông nước kênh lạch, và ngược lại luôn gắn bó với nhau như hình với bóng.
Giáo phận Long Xuyên từ ngày được Á Thánh Giáo Hoàng Gioan 23. thành lập, cùng vươn lên đi theo nhịp sống đó, để làm chứng cho đức tin vào Chúa nơi con người giữa đồng ruộng lúa mạ và sông nước kênh lạch.
Tôi còn nhớ ngay từ khi giáo phận được Tòa Thánh Vatican thành lập, khắp nơi vùng Cái Sắn, Kênh nào cũng nô nức ra công gắng sức tổ chức thành xứ đạo, xây dựng Thánh đường, trường học, nhà xứ. Và đức cha giáo phận tiên khởi Michae Nguyễn khắc Ngữ hằng khuyến khích lập xứ đạo. Ngài đi đó đây tìm cách giúp đỡ xây dựng, và "chiêu hiền đãi sĩ “ mời các chủng sinh, linh mục các nơi về cộng tác cùng sống làm chứng cho Chúa trong giáo phận mới thành lập.
Ngài lập ba chủng viện Á Thánh Phụng Châu Ðốc, Toma Long Xuyên và Terexa Tác Ráng, cho việc đào tạo linh mục giáo phận. Có thế sức sống giáo phận mới được bảo đảm đứng vững, mới phát triển liên tục được, ít là về mặt nhân sự linh mục.
Không chỉ chú ý đến việc đào tạo linh mục, giúp xây dựng Thánh đường mở mang xứ đạo, nhưng ngài còn chú tâm đến việc giáo dục mở mang trí tuệ con người vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, ngài khuyến khích và góp công lao lớn vào việc hình thành xây dựng các trường trung học công giáo trong giáo phận Long Xuyên vào những năm thập niên 60. và 70. của thế kỷ trước.
Nhà thờ chánh tòa Long Xuyên Nữ vương Hoà bình, có thể nói là một công trình ưu việt cả về nghệ thuật thánh, lẫn nét văn hóa Ðông Tây ngay giữa thành phố, trung tâm của giáo phận. Không chỉ là một nơi tôn kính thờ phượng Thiên Chúa, ngôi nhà thờ chính tòa đang dần trở thành một trong những di tích văn hóa tôn giáo cho tham quan thắng cảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời hiện đại. Công trình này là dấu vết thành tích nỗ lực của Ðức cha Micae Nguyễn khắc Ngữ xây dựng cho Giáo phận trẻ Long Xuyên.
Có thể nói, từ thời kỳ khai sinh, giáo phận Long Xuyên, cùng với đức cha Micae, đang bắt đầu đi vào mùa lớn lên trưởng thành, khắp nơi bừng lên sức sống mới.
Xin ngước mắt lên trời cao tạ ơn Thiên Chúa vì ân đức này, và ghi nhớ công ơn thịnh đức của đức cha Micae Nguyễn khắc Ngữ. Ðức cha đã hằng cùng sống làm nhân chứng cho Chúa giữa con người, như người cha trong gia đình hằng ở bên cạnh chăm sóc đoàn con cháu, hướng dẫn đoàn dân Thiên Chúa trong giáo phận đi theo hướng như Chúa muốn: Christus in vobis – Chúa Kitô ở trong anh em!
2. Cánh đồng truyền giáo thời trưởng thành.
Như một người khi còn thơ bé và tuổi niên thiếu được nuôi dưỡng lớn lên thành người trưởng thành bước chân vào đời. Giai đoạn này có nhiều thử thách phải vượt qua.
Từ năm 1975 quê hương đất nước Việtnam bước sang chuyển đổi khác về nếp sống chính trị và cả văn hóa ngoài xã hội. Vì thế giáo phận Long Xuyên gặp thử thách to lớn trong thời kỳ trưởng thành này.
Giai đoạn này Thiên Chúa quan phòng gửi một vị chủ chăn khác đến cho giáo phận, đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần. Thời kỳ này không còn là thời xây dựng nhà thờ, trường học. Nhưng là thời kỳ củng cố nếp sống đức tin cho vững mạnh trước những biến chuyển mới, cùng thách đố của thời đại.
Ðức cha Bùi Tuần với năng lực nội tâm hướng về Chúa, và tầm nhìn của một người có nền tảng trí thức uyên bác, đã cố gắng làm nhân chứng rao giảng cách sống đạo giữa lòng dân tộc. Nếp sống đó lấy tình yêu thương làm căn bản: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Chính vì thế mà ngài đã chọn khẩu hiệu giám mục: Mandatum Novum - Giới luật mới! với cây nến lòng yêu mến và niềm hy vọng làm kim chỉ nam cho việc mục vụ của mình.
Nói thế, đời sống đạo của giáo phận vào thời điểm này không chỉ biết thụ động ngồi đó nhìn diễn biến thời cuộc xảy ra, rồi thích ứng hay uốn mình cho phù hợp thôi. Không, không xây dựng to hay nhiều được những thánh đường, những trường học bằng gạch đá, xi-măng cốt sắt. Nhưng đức cha Bùi Tuần cùng với các linh mục giáo phận và người tín hữu đã tìm cách xây dựng ngôi thánh đường nội tâm nơi con người.
Thánh đường đó là cung thánh lòng con người có Thiên Chúa ngự. Thánh đường đó là những con người tín hữu Chúa Kitô sống gắn bó với quê hương xứ sở, với đồng lúa kênh lạch nơi mình sinh sống làm ăn. Thánh đường đó được xây bằng những viên gạch không phải bằng đất sét hay xi-măng nung thành, nhưng bằng viên gạch trái tim, viên gạch trí óc, viên gạch chi thể chân tay của con người.
Chính vì thế, nhiều giáo điểm truyền giáo mới được mở ra, được xây dựng ở những vừng sâu vùng xa trong khắp giáo phận.
Và với khả năng trí thức uyên bác, đức cha Bùi Tuần bằng những bài giảng nơi các xứ đạo ngài đến thăm, đến ban bí tích Thêm sức cho bạn trẻ, làm phép Thánh đường mới, cùng các bài viết trên báo chí, và các bài nói chuyện hàng tháng với các Linh mục giáo phận, đã thông tin cùng đề nghị vạch ra hướng đi sống đức tin vào Chúa giữa lòng đời trong xã hội ngày hôm nay, con đường sống đức tin làm nhân chứng cho Chúa thế nào, để nhân vị đời sống người Công Giáo Việtnam không bị hiểu lầm, nghi kỵ. Trái lại được thông cảm và có cảm tình.
Ðức cha Bùi Tuần đã đề cập đến cung cách truyền giáo như sau:
"Tôi nhìn tình hình. Tôi suy nghĩ. Tôi cầu nguyện. Thế rồi tôi thấy hiện lên trong trí tôi một mô hình hoạt động truyền giáo. Mô hình này không trả lời trực tiếp câu hỏi tôi đã đặt ra. Nhưng gợi ý cho tôi thấy là người truyền giáo tại Việnam hôm nay phải tìm tòi, nghiên cứu, phấn đấu sao cho cộng đoàn của mình, nhất là bản thân của mình, qua hoạt động và đời sống của mình, có thể giới thiệu được với xã hội Việtnam một chân dung đẹp về Hội Thánh Công giáo Việtnam. Một chân dung đẹp của Hội Thánh Việtnam mà tôi mơ ước, sẽ có ba yếu tố này:
Một là yếu tố Phúc Âm, hai là yếu tố dân tộc, ba là yếu tố hiện đại.
Cả ba yếu tố này đều cần. Nhưng quan trọng nhất là yếu tố Phúc Âm. Cả ba yếu tố này sẽ phối hợp với nhau trong mọi lãnh vực tôn giáo, như trong kiến trúc, trang trí, thánh ca, phượng tự, nếp sống v.v…“ (Gm. Bùi Tuần trong Nói với giáo dân, Ðại Kết 1997, tr. 215)
Và vào năm cuối cùng của thế kỷ 20. đức cha Bùi Tuần đã trình bày dựa theo Lời Chúa Giêsu và hoàn cảnh đời sống con người cùng kinh nghiệm riêng của ngài, bản đồ địa chỉ truyền giáo như sau:
"Hãy đi làm chứng cho Ðức Kitô đến tận cùng trái đất.
- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về địa lý, các vùng sâu vùng xa, các vùng biên giới.
- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về thời gian, cho đến tận cùng ngày, tận cùng tháng, tận cùng năm, tận cùng thế kỷ.
- Tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về thân phận con người, như các lớp người cùng khổ nhất, cô đơn nhất, bị nhục nhã nhất, bị thiệt thòi nhất.
- Tận cùng trái đất còn là ranh giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức…“ (+ Bùi Tuần, Làm chứng cho Ðức Kitô tới tận cùng trái đất. Bài giảng lễ phong chức hai tân Giám Mục Giuse Kiệt và Giuse Tiếu, Lx 29.06.1999).
Âm thầm nhẹ nhàng, chân thành, không có những công trình xây dựng to lớn về bề nổi. Nhưng cung cách xây dựng thánh đường nội tâm, cung cách sống rao giảng Tin mừng làm nhân chứng của đức cha Bùi Tuần hướng về chiều sâu giáo lý Tin Mừng, về tình người, về tình tự dân tộc trong thời buổi giai đoạn thử thách, hằng ghi khắc thâm sâu vào tâm hồn người tín hữu Chúa Kitô. Những điều đó giúp ích cho con người rất nhiều, như một lời giải đáp, một gợi ý khuyến khích phấn chấn, mỗi khi gặp thử thách trong đời sống về đức tin.
Xin cùng với đức cha thắp sáng ngọn nến đức tin, ngọn nến niềm hy vọng cậy trông vào Chúa cho giáo phận Long Xuyên miền đồng bằng sông Cửu Long hôm qua, hôm nay và ngày mai.
3. Cánh đồng truyền giáo Long Xuyên bước sang thiên niên kỷ mới
Không chỉ thời gian luân chuyển thay đổi, tháng năm cũ qua, tháng năm mới tới. Thiên niên kỷ cũ chấm dứt, thiên niên kỷ mới ló dạng. Ðời sống con người cũng thay đổi biến chuyển theo. Có thời sinh ra, có thời lớn lên phát triển trưởng thành, năng động làm việc và cũng tới thời sức lực yếu kém đi, không còn thể làm việc như mong muốn được nữa. Không ai sống mãi trường sinh bất tử và có thể làm việc được mãi mãi vượt thời gian. Và nhu cầu đổi mới không chỉ xảy đến trong thiên nhiên, nhưng còn nơi cuộc sống con người nữa trong lãnh vực xã hội hay trong cách sống đạo giáo niềm tin.
Ðó là định luật được ghi khắc trong thiên nhiên và trong đời sống con người.
Nhận thức rõ điều đó. Nên đức cha Bùi Tuần đã sớm xin Tòa Thánh bổ nhiệm một vị giám mục khác thay thế làm mục tử cho Giáo phận Long Xuyên. Ðức cha Giuse Trần xuân Tiếu được bổ nhiệm thay thế đức cha Bùi Tuần trong chức vụ mục tử cho giáo phận Long Xuyên.
Thiên niên kỷ ngàn năm thứ ba đã đến, và đời sống giáo phận Long Xuyên cũng cần một cách sống làm nhân chứng khác thích hợp với hoàn cảnh đất nước xã hội Việnam đang chuyển mình sang giai đoạn khác: giai đoạn mở cửa đổi mới xây dựng.
Nội dung Tin mừng của Chúa thời nào cũng trước sau như một. Nhưng cách sống rao giảng làm nhân chứng cho Tin Mừng cần phải đổi mới thay đổi cho hợp với từng hoàn cảnh cùng tâm lý xã hội con người thời đại.
Ðây là một thách đố mới cho Giáo phận, cho đức cha đương kim Giuse Trần xuân Tiếu. Có lẽ cảm nghiệm được hướng đi mục vụ trong thời đại đổi mới, nên đức cha đã lấy lời cầu nguyện của Chúa Giêsu làm kim chỉ nam cho hướng mục vụ của mình trong Giáo phận: Ut sint unum - Xin cho tất cả nên một! (Ga 17,21)
Và như đức cha đã tâm tình về ý nghĩa hướng đi mục của mình: "Bây giờ đến lượt tôi, tôi muốn đi theo đường hướng của các vị tiền nhiệm là cố gắng trở thành môn đệ Ðức Kitô, nỗ lực làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách sống tinh thần hiệp nhất với Chúa, với nhau và với mọi người.“
Về đường hướng mục vụ trong giáo phận Long Xuyên, nơi cũng là quê hương của nhiều tôn giáo: "Giáo phận Long Xuyên là nơi có nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Ðài, Hồi giáo, Hiếu Nghĩa, Tin Lành… và có nhiều dân tộc khác nhau như người Kinh, người Hoa, người Chàm, người Khơme…Những tôn giáo và những dân tộc này có nhiều gía trị rất đáng trân trọng và đáng cho chúng tôi học hỏi. Người Công giáo chúng tôi ý thức mình chỉ là thành phần nhỏ bé trong cộng đồng dân tộc, vì lẽ đó, đường hướng mục vụ là phải cổ võ tinh thần hiệp nhật yêu thương, sống tôn trọng và hài hòa với nhau và với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng hay dân tộc. Và sự hài hòa này cho tới nay rất tốt đẹp.“ ( Trả lời phỏng vấn tuần báo Công giáo và dân tộc ngày 25.06.1999).
Chan hòa đạo đức tình người hơn, có lẽ khó diễn tả hơn được!
45 năm với ba đoạn đường giáo phận đã và đang trải qua. Quãng thời gian này chưa kể là dài đối với lịch sử một Giáo phận Công giáo. Nhưng chặng dừng chân nhìn lại, và cùng vui mừng kỷ niệm về những gì đã cùng nhau trải qua, cùng nhau đạt được, là điều tốt, đôi khi cần thiết để lấy đà sức, học hỏi rút kinh nghiệm đi tiếp.
Và cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, cũng như nói lên lời cám ơn nhau.
Xin chúc mừng tuổi trung niên giáo phận Long Xuyên!
Lm. Nguyễn ngọc Long
Con chiên cũ của giáo phận Long Xuyên.
SỨC SỐNG CỦA HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM
Một lần nữa, đúng vào ngày thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, 24.11, Hội Thánh Việt Nam lại tưng bừng mừng kính các thánh Tử đạo tại Việt Nam.
Năm nay khá đặc biệt, làm cho ý nghĩa của ngày lễ, vốn đã gây nên trong lòng mỗi thế hệ con cháu niềm cảm xúc, tri ân và kính phục, càng long trọng và lớn lao hơn, bởi cũng chính ngày đại lễ này, hàng giáo phẩm Việt Nam vừa tròn 45 tuổi (24.11.1960 – 24.11.2005).
Nhân dịp trọng đại, chúng ta hãy hâm nóng lại đức tin của mình bằng những giây phút suy niệm về ơn Thiên Chúa tình yêu tuôn đổ vô cùng trên cả Hội Thánh Việt Nam, trên các Kitô hữu tử đạo và trên mỗi người chúng ta. Bởi nhờ ơn Chúa, sức sống của Hội Thánh tại Việt Nam luôn luôn căng tràn và mạnh mẽ.
I. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Trước đây, khi 117 vị Tử đạo Việt Nam (trong hàng trăm ngàn người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo) chưa được phong hiển thánh, lễ mừng các chân phước Tử đạo Việt Nam vào ngày 1.9 hàng năm. Nhưng kể từ khi 117 chân phước Tử đạo Việt Nam được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 19.6.1986, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã chọn các anh hùng Tử Đạo Việt Nam làm bổn mạng của Hội Thánh tại Việt Nam, và lập lễ mừng các thánh Tử đạo vào chính ngày thành lập hàng Giáo phẩm, 24.11 hàng năm.
Nói đến thời kỳ bách hại đạo tại Việt Nam, thường người ta không quên nhắc đến chân phước Thầy giảng Anrê Phú Yên (khoảng 1625-1644) như là vị tử đạo tiên khởi và gọi Thầy cách hết sức kính trọng: Người Chứng Thứ Nhất.
Thực ra, sau giáo sĩ Inikhu (được coi là nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến đất Việt 1533), sử sách còn ghi nhận thêm những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và các nhà truyền giáo thuộc dòng Đaminh, bị vua xứ Chiêm Thành giết chết. Nếu đúng đây là những người chết cho đức tin, thì ngay từ buổi đầu, Hội Thánh trên dải đất Việt Nam này, đã có nhiều anh hùng tử đạo.
Như vậy, dù là do ai lãnh đạo (Việt, hay Chiêm, hay Chân Lạp), dù ở phía Bắc hay phía Nam, Hội Thánh tại Việt Nam vẫn phải tự khẳng định mình và lớn lên trong thử thách nặng nề, kéo dài hết thế kỷ này đến thế kỷ khác. Đặc biệt, từ thế kỷ 17, với cái chết của chân phước Anrê Phú Yên, đã khai màu cho cả một kỷ nguyên Tử đạo kéo dài qua hàng trăm năm sau đó.
Dù vậy, khoảng cách của thời gian càng kéo dài, Hội Thánh tại Việt Nam càng phải đối diện với lớp lớp khó khăn và thử thách, thì thời gian đó chính là những năm tháng hào hùng Hội Thánh tại Việt Nam làm rạng danh chính mình: Hàng trăm ngàn người con của Mẹ Hội Thánh và là con của Dân Tộc, làm chứng cho đức tin bằng dòng máu tươi nhuộm đỏ dải đất quê hương thân yêu này.
Bởi đó, 118 vị tử đạo được tuyên phong trên bàn thờ Hội Thánh – trong đó có 8 Giám mục, 50 linh mục, 60 giáo dân, trong số đó có một phụ nữ là thánh Anê Lê Thị Thành – chỉ là con số tượng trưng cho không biết bao nhiêu Anh hùng Đức tin, dù không sống trong lòng mọi người hậu thế bằng tên gọi, nhưng bằng chứng tá đức tin hùng hồn, một thứ chứng tá hết sức quý giá, không thể có gì sánh nổi. Bởi vậy, hậu thế luôn dành cho các Anh hùng Tử đạo Việt Nam niềm tôn kính lớn lao và luôn dâng lên các ngài lời kêu cầu thẳm sâu của mình.
Chỉ cần kể đến một cái giếng ở gần nhà thờ Thị Tính thuộc giáo phận Phú Cường, nơi đã từng chôn sống hơn 20 tín hữu Công giáo; hoặc 300 tín hữu Công giáo tại ngục Dinh, Bà Rịa, thuộc giáo phận Xuân Lộc (trong vài ngày nữa sẽ là giáo phận mới Bà Rịa, tách ra từ giáo phận Xuân Lộc), bị chết cháy do người ta phóng hỏa đốt ngục vào tháng 1.1862, để từ đó, chúng ta có thể làm một bài toán nhân, nhân lên gấp ngàn lần những con số của những ngôi một tập và cá nhân giống y như thế, mà mãi đến hôm nay, chúng ta không thể biết hết được.
Ngoài những vị Tử đạo bị chính đồng hương của mình nói riêng và bị bàn tay con người nói chung sát hại, còn có biết bao nhiêu vị Tử đạo khác bị thiên nhiên giết chết. Bởi các ngài vừa muốn bảo toàn đức tin, vừa không muốn chối bỏ đức tin, đã giã từ cuộc sống bình thường, tìm đến nơi rừng sâu núi thẳm để trốn trách sự giết hại tàn nhẫn của thế gian. Số đông trong số nhiều tín hữu Kitô này đã chấp nhận hiến tế chính mình bởi mọi thứ nguy hiểm: đói, rét, khát, bệnh tật, thú dữ…
Mừng lễ các thánh Tử đạo hôm nay, chúng ta nghiêng mình trước cả một bằng chứng đức tin cao cả của chính cha ông mình. Không còn có bất cứ hình thức nào diễn tả đức tin mạnh mẽ hơn là cách diễn tả bằng chính mạng sống. Các thánh Tử đạo đã trao lại cho con cháu mình gia sản đức tin cao quý được trả giá bằng chính những mạng sống ấy. Đức tin sẽ không bao giờ đến với những tâm hồn chọn cho mình một lối sống hời hợt, dễ dãi. Các thánh Tử đạo Việt Nam đã chứng minh điều đó bằng sự chấp nhận vác thánh giá với Chúa Kitô lên đồi Tử Nạn.
Ngày xưa Chúa Kitô đã ngỏ lời với các tông đồ: “Họ sẽ lôi chúng con ra tòa công nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Thầy để làm chứng cho Thầy trước mặt dâng ngoại” (Mt 10, 17-18), để rồi từ thời các thánh tông đồ, cho đến cả một dòng lịch sử dài hàng ngàn năm, đã ghi đậm dấu vết Tử đạo của không biết bao nhiêu thế hệ. Hàng trăm năm bách hại đạo thảm khốc tại Việt Nam, vẫn chỉ là một sự kiện không thay đổi, đúng như Lời Chúa Kitô đã ngỏ ngay từ thuở ban đầu cho Hội Thánh của Người.
II. LÒNG BIẾT ƠN TRONG ĐỨC TIN.
Đêm tối nào rồi cũng đi qua. Nói như thế, không có nghĩa là Hội Thánh tại Việt Nam đã qua hết rồi những đêm đen. Dẫu đến hôm nay, dù đã qua gần 5 thế kỷ, Hội Thánh tại Việt Nam vẫn là một Hội Thánh trưởng thành và từng bước tiến lên từ trong gian khổ. Bởi vẫn còn đó nhiều cám dỗ, nhiều mãnh lực, nhiều cạm bẫy cả đến sự chống đối và bách hại từ bên ngoài lẫn bên trong đối với Hội Thánh tại Việt Nam. Nhưng chúng ta tạm bằng lòng với hoàn cảnh, để có thể nhận thấy ánh sáng của một ngày mới sẽ bắt đầu bằng buổi bình minh tuyệt đẹp, nếu không phải ngay trên đầu mình, thì cũng là một ánh bình minh từ cuối chân trời đang đi lên. Nếu xem giai đoạn bị bách hại là đêm dài cần thiết để thử thách và tôi luyện đức tin, thì bình minh cho một thời đại mới, một chặng đường mới, một sức sống mới báo hiệu những nét tươi mới của Hội Thánh Việt Nam bừng sáng.
Khởi điểm của một ánh sáng bừng lên cho niềm hy vọng của Hội Thánh Việt Nam, khi lần đầu tiên, vào ngày 1.6.1933, một linh mục người Việt, linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, được Đức Thánh Cha Piô XI tấn phong Giám mục tại Rôma. Đức tân Giám mục Việt Nam tiên khởi được đặt làm Giám mục chánh tòa giáo phận Phát Diệm. Đó cũng là giáo phận thứ nhất được trao cho hàng giáo sĩ Việt Nam.
Kể từ sau ngày Đức giám Mục tiên khởi người Việt Nam được thụ phong, Hội Thánh Việt Nam liên tục phát triển. Để đánh dấu sự trưởng thành ấy, gần 30 năm sau, ngày 24.11.1960, một ngày đáng ghi nhớ, giữa lúc đất nước còn đang chia cắt, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã thiết lập hàng giáo phẩm VN.
Từ nay, Hội Thánh tại Việt Nam chính thức được trao cho hàng giáo phẩm Việt Nam coi sóc.
Từ sự kiện lịch sử này, cho ta thấy, không có bất cứ một khó khăn nào, dù phải đạp trên đầu sóng gió đến mức độ nào, Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, hoặc âm thầm, hoặc công khai vẫn phát triển không ngừng. Đức tin của người Công Giáo Việt Nam như một dòng chảy, cứ âm thầm trôi giữa lòng cuộc sống. Trôi đến đâu thì lan rộng đến đó. Trôi đến đâu, lại càng thấm vào trong lòng người đến đó. Không những thấm, mà còn thấm đẫm, thấm mạnh. Đó chính là sức sống của một Hội Thánh ngoan cường như Hội Thánh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, càng thừa hưởng cả một gia sản đức tin quý giá, chúng ta lại càng chẳng dám thốt lên lời cám ơn của mình dành cho các thánh Tử đạo Việt Nam. Bởi lời cám ơn đó sao mà nhỏ bé, bất xứng và thô kệch quá đỗi.
Lòng biết ơn của chúng ta đối với tiền nhân đã xây dựng Hội Thánh bằng xương máu của mình, chẳng thể là cám ơn suông, và chẳng bao giờ được phép dừng lại ở lời cám ơn. Vượt trên mọi lời cám ơn, phải là tất cả niềm hạnh phúc, nỗi tự hào được thể hiện cụ thể trong chính đời sống, trong từng hành động sống của mỗi người con của Mẹ Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Chỉ khi nào đức tin của chúng ta là một đức tin sống động, được thực hiện không ngừng trên chính đời sống của mình như thế, ta mới xứng đáng với những gì mà mình thừa hưởng.
Biết ơn các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta nguyện ước dòng máu các thánh ngày một phát triển mạnh mẽ và lớn lên không cùng, trở thành những hạt giống châu báu làm lan tỏa đức tin trên khắp quê hương Việt Nam trăm mến ngàn yêu.
Biết ơn các thánh Tử đạo Việt Nam, ta ước mong Lời Chúa Giêsu ngày xưa: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24), trở thành hiện thực, để công cuộc truyền giáo của Hội Thánh hôm nay ngày càng nỡ rộ, đức tin của người Việt hôm nay ngày càng lung linh chiếu tỏa trên mọi ngã đường truyền giáo ấy.
Và cũng nguyện ước y như thế: làm sao Lời Chúa Giêsu luôn trở thành lời tâm niệm và suy ngắm không ngừng của con cháu các thánh Tử đạo hôm nay, để Hội Thánh tại Việt Nam, biết không ngừng củng cố đức tin của chính mình, và sống đức tin kiên trung trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Bởi chính Lời Chúa mới là nền tảng vững chắc cho sức mạnh của Hội Thánh tại Việt Nam vươn lên. Có như thế, một Hội Thánh còn non trẻ như Hội Thánh tại Việt Nam mới mãi mãi căng tràn sức sống.
Cái sức sống ấy đã từng được sử gia A. Launay hết lời khen ngợi:
“Hỡi Hội Thánh tại Việt Nam, một trong những Hội Thánh đã bị bắt bớ hà khắc nhất trong các Hội Thánh trên thế giới, kể từ khi công cuộc của Chúa Cứu Thế bị bắt bớ. Một trong những Hội Thánh kiên cố lạ lùng nhất… Ta kính chào Người! và bởi hy sinh càng lớn lao, thì vinh quang càng sáng chói. Người thật xứng đáng được danh thơm muôn thuở, ngang hàng với những Hội Thánh anh hùng nhất phương Tây"
(Đã trích trong Lm Bùi Đức Sinh - Lịch Sử Giáo Hội).
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
SUY NGHĨ VỀ MỘT CHUYẾN THĂM MỤC VỤ
Trong nguyệt san "30 ngày" số 8/2005, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe đã trả lời phỏng vấn về chuyến đi Việt Nam, mà Ngài sắp thực hiện.
Trả lời của Ngài rất vắn tắt. Xin trích đoạn Ngài xác định mục đích chuyến đi này:
"Chuyến đi này có mục đích hoàn toàn và duy chỉ là mục vụ. Nó sẽ gồm những cuộc viếng thăm các Đức Giám mục và các cộng đoàn công giáo. Cũng sẽ có những cuộc gặp các vị đại diện chính quyền.
Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ là một khích lệ cho mọi người, để họ sống đức tin với niềm vui. Nhưng tôi cũng không quên sự dấn thân của Hội Thánh vào việc hỗ trợ sự phát triển tôn giáo, và cả đến văn hoá, xã hội và nhân đạo trong đại quốc gia Việt Nam".
Những lời trên đây của Đức Hồng Y Bộ Truyền giáo của Toà Thánh Vatican là những xác định khôn ngoan toả ra những hy vọng rộng mở.
Chúng ta trông đợi chuyến viếng thăm của Ngài tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.
Thế nào là một chuyến thăm mục vụ thành công tốt đẹp? Mỗi người có thể nghĩ khác nhau, tuỳ cái nhìn của mình.
Riêng tôi, tôi đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm mục vụ. Những chuyến viếng thăm này tất nhiên, ở mức thấp, trong phạm vi nhỏ. Tuy nhiên, cũng từ đó đã hình thành trong tôi hình ảnh về một chuyến viếng thăm mục vụ gọi được là thành công. Tôi xin phép chia sẻ.
Theo tôi, thành công của một chuyến thăm mục vụ sẽ tuỳ thuộc ở ba yếu tố chính yếu sau đây:
1/ Nội dung cuộc viếng thăm là tình yêu Chúa
Thực vậy, những cuộc viếng thăm hoàn toàn và duy chỉ là mục vụ bao giờ cũng chủ ý trao tặng tình yêu Thiên Chúa.
Tình yêu Thiên Chúa nói đây không phải là một chủ trương, một kế hoạch, một hệ thống lý thuyết, nhưng là một tình yêu của Thiên Chúa sống động, vô cùng quý giá, vô cùng cần thiết cho hạnh phúc con người.
Tình yêu này là một mời gọi, một quà tặng. Nó hiện diện êm đềm kín đáo trong người thăm viếng. Người thăm viếng mục vụ ra đi với tư cách người được Chúa sai đi, mang theo tình yêu của Chúa.
Chính Chúa Giêsu cũng đã được Chúa Cha sai vào thế gian, để mạc khải tình yêu Thiên Chúa. Người mạc khải bằng lời nói, việc làm và chính cuộc sống của Người.
Người rất ý thức sứ vụ của Người là như thế. Người mong muốn mọi người cũng hiểu như thế. Nhưng chẳng may, nhiều người đã hiểu sai.
Sự hiểu sai nội dung cuộc viếng thăm là một sự kiện đáng buồn. Sự kiện này ảnh hưởng nhiều đến sự thành công của việc viếng thăm mục vụ.
Vì thế, có thể nói thành công của một chuyến viếng thăm mục vụ tuỳ thuộc khá nhiều vào việc những người được viếng thăm có nhận ra đúng nội dung cuộc viếng thăm đó không.
Hiểu đúng, đó đã là một yếu tố đáng mừng. Nhưng chưa đủ. Cần một yếu tố nữa. Đó là đón nhận nội dung ấy. Như trên đã nói, nội dung chuyến viếng thăm là tình yêu Chúa.
2/ Đón nhận tình yêu Chúa trong cuộc viếng thăm
Tình yêu Chúa là một quà tặng. Quà tặng này có những mời gọi. Như mời gọi người nhận hãy để Chúa cứu họ ra khỏi xiềng xích tội lỗi, và như mời gọi họ hãy phấn đấu sống trong sạch, thánh thiện, để càng ngày càng nên xứng đáng là con Thiên Chúa.
Những mời gọi như thế của tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi người đón nhận phải phấn đấu, phải sống một đời sống biết vui với những giá trị cao đẹp của thánh giá cứu độ và của Tám Mối phúc, chứ không phải một đời sống vui với những thoả thích thấp hèn của xác thịt, trần gian theo hướng hưởng thụ.
Chính vì những đòi hỏi thánh thiện của tình yêu Thiên Chúa, mà tình yêu Chúa trao tặng có thể được người ta đón nhận và cũng có thể bị người ta từ chối.
Bởi vì Chúa cho con người được tự do. Người không ép buộc, không áp đặt.
Tự do đón nhận cũng có nhiều cách.
Tự do từ chối cũng có nhiều cách.
Cách tự do đón nhận đáng quý nhất là đón nhận thực tình, hân hoan, biết ơn và quyết tâm thực hiện mọi điều tình yêu Chúa đòi hỏi.
Cách tự do đón nhận đáng buồn là chỉ mang tính cách xã giao, thiếu thiện chí, bôi bác cho qua.
Hiện tượng từ chối cũng rất thường xảy ra. Nó được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ lộ liễu đến tinh vi.
Hiểu như trên, ta thấy thành công của một chuyến viếng thăm mục vụ không thể chỉ căn cứ vào những đón tiếp linh đình hoặc vài kết quả bề ngoài.
Như vậy, thành công đích thực tuỳ thuộc ở yếu tố nhận ra đúng quà tặng tình yêu Chúa và biết đón nhận quà tặng đó.
Theo thiển ý của tôi, còn một yếu tố nữa sẽ giúp cho thành công cuộc viếng thăm được hoàn thiện. Yếu tố đó là phát triển tốt hạt giống tình yêu Chúa tặng.
3/ Phát triển tốt hạt giống tình yêu Chúa
Tôi quan niệm một cuộc viếng thăm mục vụ chính là một việc gieo trồng những gì tình yêu Chúa gởi tặng cho những con người một vùng, một nước.
Việc gieo chỉ là việc của một thời gian vắn. Nhưng việc mọc mầm, lớn lên thành cây là việc của thời gian dài.
Trong thời gian dài đó, hạt giống được gieo vào đất cần được chăm sóc ân cần. Nếu không, hạt giống sẽ bị chim chóc ăn đi, hoặc bị cỏ dại lấn át làm chết dần.
Sự chăm sóc đòi nhiều tỉnh thức và khôn ngoan của ơn Chúa Thánh Thần. Nếu không, thành quả tốt ban đầu của cuộc viếng thăm mục vụ sẽ qua đi như mây khói. Thay vào đó, sẽ là những đổi mới không còn trên nền tảng Phúc Âm và những quy tụ chỉ gây nên chia rẽ. Thay vì hướng về tình yêu Chúa cứu độ, con người sẽ lạc hướng, tìm về những tình yêu tai hại.
Vài suy nghĩ trên đây đã rút ra từ những kinh nghiệm hơn là những lý thuyết.
Kinh nghiệm còn cho tôi thấy:
Những cuộc viếng thăm mục vụ đã là dịp để biết người, biết ta, biết những sự lạ lùng Chúa làm trong thế giới các tâm hồn, và biết những rào cản vô hình khác nhau chặn lối vào Nước Trời.
Với những tâm sự chân thành trên đây, tôi cầu nguyện và xin mọi người công giáo Việt Nam cầu nguyện cho chuyến đi mục vụ đầu tiên của Đức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Truyền giáo trên quê hương Việt Nam chúng ta.
+ Gm. GB. BÙI TUẦN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới gởi một thư chung mục vụ 2005 cho toàn thể mọi thành phần Dân Chúa.
Khi soi đời tôi vào thư đó, tôi như đọc thấy Lời Chúa viết trong đời mình.
Có thể nói, Lời Chúa thực sự đã viết trong tôi. Viết trong trí khôn, trí nhớ, trí sáng tạo. Có những Lời đã viết sâu tận tiềm thức, vô thức. Bình thường tưởng như những Lời ấy đã bị quên, nhưng thực sự chúng đã biến thành sự sống.
Lời Chúa được viết trong tôi và đã trở thành một sự sống hoán cải tôi. Bởi vì những Lời ấy không do người nào đã viết, nhưng do chính Chúa đã pha trộn vào sự sống của tôi. Lời Chúa là một sự sống. Sự sống ấy gieo vào sự sống của tôi những tiềm năng sự thiện.
Những tiềm năng sự thiện ấy đã lớn lên dần dần trong tôi theo tuổi đời tôi. Nếu muốn đưa ra cái nhìn về vài ích lợi trong muôn vàn của Lời Chúa trong đời tôi, thì tôi xin chia sẻ đôi chút như sau:
1/ Lời Chúa hướng dẫn tôi đi tìm và phát triển sự thiện
Tôi vẫn quan niệm rằng: Sự sống của tôi phải hướng về sự thiện và phát triển sự thiện. Sự thiện cho bản thân tôi và sự thiện cho mọi người, ưu tiên là cho những ai tôi có liên đới và trách nhiệm.
Để biết cái gì là sự thiện, tôi có thể hỏi lương tri, giáo dục, tập quán xã hội và dư luận. Nhưng mọi ngả ấy đều có thể cung cấp những chỉ dẫn sai lạc. Để biết chắc đâu là thiện, tôi tìm đến Chúa. Chúa trả lời tôi bằng Lời Chúa.
Có một điều tôi muốn nêu lên ở đây, đó là Lời Chúa giúp tôi yêu mến sự thiện, khát khao sự thiện, đi tìm sự thiện. Nhất là khi sự thiện tôi khao khát đi tìm với hết sức mình là chính Nước Trời.
Có lần Chúa Giêsu đã phán: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy
"Nước Trời lại giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có để mua lấy viên ngọc ấy" (Mt 13,44-45).
Khi tôi được gọi làm giám mục, tình hình đời đạo trên quê hương Việt Nam đang diễn tiến phức tạp trong khói lửa mịt mù. Lúc đó, tôi chọn cho đời mục tử của tôi Lời Chúa sau đây: "Điều răn mới". Đó là lời vắn tắt trích từ một lời dài Chúa Giêsu đã trối trong bữa tiệc ly: "Thầy trao cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 14,34).
Lời Chúa trên đây đã là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho tôi, và là nguồn sống thiêng liêng nuôi dưỡng tôi. Nhờ đó, tôi thấy rõ hướng tôi sẽ đi để phát triển cho dân tộc, cho địa phương, cho Giáo Hội, nhất là cho những người nghèo khổ.
Cũng nhờ Lời Chúa đã trở thành đường đi của đời tôi, nên tôi đã biết chống lại sự ác một cách có hiệu quả.
2/ Lời Chúa hướng dẫn tôi chống lại sự ác bằng sự thiện
Trong cuộc sống, sự ác là một thứ đồng hành không tránh được. Có muôn vàn thứ ác. Chúng mạnh và xuất hiện dưới nhiều hình thức. Để sống tốt, tôi phải chống lại chúng.
Tôi có thể chống ác bằng sự ác. Nhưng cách đó sẽ đưa tới tồi tệ. Nên, theo Lời Chúa hướng dẫn, tôi luôn chống ác bằng sự thiện.
Nhưng để sự thiện có sức thắng sự ác, tôi cần sống Lời Chúa một cách sâu xa. Nhờ vậy, tôi sẽ biết dùng sự thiện để đối phó với sự ác cách nào, lúc nào và mức nào.
Nhờ Lời Chúa dạy, đôi khi do sự thinh lặng, tôi đã thắng được một sự ác lớn, chứ không do tranh cãi ồn ào.
Nhờ Lời Chúa dạy, nhiều khi do sự cầu nguyện âm thầm, tôi đánh bại sự ác nguy hiểm, chứ không do những tranh đấu rầm rộ.
Trong mọi trường hợp đấu tranh với sự ác, tôi luôn nhớ Lời Chúa dạy qua thánh Phaolô: "Hãy đứng vững, lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an. Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho là Lời Thiên Chúa" (Ep 6,14-17).
Dùng sự thiện để chống lại sự ác. Lời Chúa dạy như vậy đã luôn ứng nghiệm trong đời tôi. Ngoài ra,
3/ Lời Chúa còn giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa đời tôi
Xin thú thực là: Điều làm sung sướng nhất trong đời, chính là tôi được làm con Chúa. Ngoài ra, điều làm tôi coi mình được vinh dự nhất, chính là được phần nào nên giống Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu, mà thánh Phaolô đã ca tụng bằng những bước xuống vì yêu thương loài người:
"Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không dành cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người huỷ bỏ chính mình, mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá" (Pl 2,6-11).
Trên đây là tấm bảng chỉ cho tôi thấy ý nghĩa đời tôi. Tôi càng đi sâu vào hướng đó, tôi sẽ càng thấy mình được là cành của thân cây nho là Chúa Giêsu (x. Ga 15,1-5).
Đời tôi cũng như đời mỗi người đều có hai chiều kích: Một là chiều kích bề ngang, hai là chiều kích bề cao. Chiều kích bề ngang là những quan hệ với các loại người, với môi trường, với vũ trụ. Chiều kích bề cao là quan hệ với Chúa.
Tôi được may mắn dùng những thời gian của tuổi già, để làm cho chiều kích bề cao mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Kitô hơn.
Thế là ý nghĩa đời tôi đã được xác định rõ. Dù với vô vàn giới hạn, đời tôi như một dòng tình yêu chảy về Biển Cả vô biên là Thiên Chúa Tình Yêu.
Trên đây là một thoáng nhìn về kinh nghiệm của tôi sống Lời Chúa. Kinh nghiệm diễn tả được vẫn nghèo so với kinh nghiệm không sao diễn tả được.
Hành trình tôi Sống Lời Chúa đã được thực hiện giữa một giai đoạn lịch sử Việt Nam không thiếu thử thách.
Hành trình này rất ẩn dật, khó nghèo, nhưng được Chúa cho cộng tác phần nào vào công trình cứu độ của Chúa. Xin tạ ơn Chúa đến muôn đời.
+ Gm. GB. BÙI TUẦN