NHẬN ĐỊNH

 

Tâm tình chia sẻ : Về Lời Chúa trên Internet

TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM CÁC PHƯƠNG TIỆN CẦN THIẾT CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

VÀI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ TÊN GỌI “TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

 

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

 

                         

 

 

 

LTS

Nhân dịp HĐGMVN sẽ họp thường niên từ ngày 4 đến 8/9/2006 tại Huế.

Chúng con xin trân trọng gởi đến Quí Đức Cha, Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ cùng toàn thể Dân Chúa và bạn đọc xa gần một vài tâm tình :

 

 

Ba bài viết được đính kèm : một là của ông Nguyễn Thụ Nhân, hiện đang sống tại vùng Tây Nguyên xa xôi hẻo lánh, hai là của Gs. Nguyễn Văn Nội, hiện đã nhiều năm tham gia làm Tông đồ Giáo dân tại VN. Sau cùng là bài viết của một Linh mục đã phải sống và làm việc trên đất lạ quê người suốt bao năm qua (như hàng triệu người Việt tha hương khác), nhưng lòng vẫn luôn trăn trở hướng về Quê hương và Giáo hội Việt nam yêu dấu – Lm. Đỗ Vân Lực, OP.

 

 

(Nếu Quí độc giả nào muốn đóng góp những tâm tình chia sẻ, xin vui lòng gởi bản văn về địa chỉ conggiaovietnam@gmail.com  )

 

 

Ngoài ra, nhân dịp này, chúng con cũng xin kính báo đến Quí vị một số chi tiết liên quan đến công việc chúng con đã và đang làm trong suốt thời gian qua, để tránh hiểu lầm hoặc phải trả lời riêng cho nhiều bạn đọc :

 

 

www.conggiaovietnam.net       conggiaovietnam@gmail.com

 

 

không phải là “công trình” của HĐGMVN hay một cấp giáo quyền nào tại Việt Nam, mà chỉ là sự “thử nghiệm” của một số cá nhân Linh mục và Giáo dân về kỹ thuật và những vấn đề liên quan đến việc dùng Internet để truyền giáo, giữa hoàn cảnh GHCGVN gần như “không” có được một phương tiện nào đáng kể.

 

 

Sở dĩ được gọi là CGVN (Công Giáo Việt Nam) là vì mục đích hướng tới : phục vụ truyền giáo tại Việt Nam và cho người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

 

 

CGVN không có “tham vọng” phát triển “lớn mạnh”, trừ khi được các cấp giáo quyền “sử dụng”. Nói cách khác, như trên chúng con đã giới thiệu, đây chỉ là một thử nghiệm, và chúng con sẵn lòng trao lại cho giáo quyền bất cứ khi nào được đề nghị hoặc ít là dưới sự “dẫn dắt” của giáo quyền.

 

 

Một câu hỏi khác chúng con thường gặp phải, đó là nếu các giáo phận cũng như các giáo xứ… muốn làm website thì có cần phải xin phép nhà nước tại VN hay không? Thưa rằng không cần thiết vì chẳng có một qui định cụ thể nào về vấn đề này. Ví dụ: Một Cty thương mại, nếu đã được phép hoạt động, thì đương nhiên có quyền làm website để phục vụ cho chính Cty đó. Tại VN, Công giáo là một tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, và việc truyền giáo là điều kiện ắt có của mọi Kitô hữu. Nếu một người Công giáo nào đó muốn làm website để truyền giáo, trong trường hợp họ thuê tên miền (Domain) hoặc chỗ chứa website (Hosting) của Việt Nam (những tên miền của VN sẽ có cái “đuôi” là hai chữ “vn”), thì có thể phải làm thủ tục “khai báo”…, còn nếu thuê của nước ngoài (như chúng con và hàng trăm website Công giáo khác đã làm) thì không có yêu cầu phải khai báo với chính quyền VN. Vì thế, nếu quí vị làm thủ tục “xin phép”, thì cũng chẳng ai có thể cấp giấy phép…, vấn đề ở chỗ, cần phải tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau để có thể đạt hiệu quả cao nhất, dễ dàng và an toàn nhất.  

 

 

Chính thánh Phaolô đã từng chia sẻ: “Hãy rao giảng kể cả trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện…”, chúng con mong ước mọi người, đặc biệt là các Linh mục trẻ, và các bạn trẻ Công giáo khắp nơi, hãy cùng góp sức với nhau để có thể tận dụng phương tiện vô cùng thiết thực này.

 

Ngoài ra, chúng con cũng rất sẵn sàng đón nhận những hướng dẫn cần thiết của Quí Bề trên, vì chúng con luôn xác tín rằng “Ý Bề trên cũng chính là Ý Chúa”

 

CGVN

 

------------------------------------------------------------------------------------

 

Tâm tình chia sẻ : Về Lời Chúa trên Internet

 

 

Trong thời đại ngày nay, cứ ngồi nhà mà được đọc Lời Chúa trên mạng điện toán toàn cầu thì còn gì thú vị cho bằng! Khỏi phải mất công tìm mua báo chí công giáo, mà thực ra cũng không phải dễ tìm mua nơi vùng sâu vùng xa như chỗ tôi đang ở. Hơn nữa, những bài  chia sẻ Lời Chúa như thế thường lại được các nhà chuyên môn viết vừa sâu sắc, vừa dễ hiểu, vừa có thì giờ ngẫm nghĩ nữa, thì làm sao không thú vị cho được?

 

Tôi có cái hạnh phúc được như thế vì đã có tạm đủ những thứ cần dùng tối thiểu: có máy vi tính và có nối mạng. Hiện nay,  máy vi tính ngày càng rẻ đi, cước phí dành cho nối mạng cũng dễ thở hơn trước đây nên ngày càng có nhiều người dùng. Bởi thế, Lời Chúa, nhờ công nghệ mới, ngày càng được nhân rộng thêm. Như vậy, hy vọng ngày càng có nhiều người đọc hơn.

 

Tuy nhiên, chất lượng của những bài viết có “hợp khẩu vị” của người từng đọc không thì lại là chuyện khác. Thật ra , vấn đề này đã được nhiều người bàn đến song vẫn còn  nguyên tính chất đa dạng và phức tạp của nó vì “ở sao cho vừa lòng người”? Tôi sẽ xin được phép trở lại vấn đề này vào một dịp khác. Cái mà hôm nay tôi muốn chia sẻ nơi đây là hình thức của trang web Công giáo mà tôi được đọc , khoan bàn đến nội dung chứa trong đó.

 

Hiện nay nhiều tờ báo điện tử và trang web Công giáo trong và ngoài nước đã xuất hiện trên mạng internet và chắc là còn xuất hiện thêm nhiều sau này nữa. Có một số địa phận đã làm trang web riêng. Nhiều dòng tu, nhiều giáo xứ cũng cũng tiến lên làm web. Đó là điều rất đáng mừng. Thế nhưng hình như không có ( hoặc là tôi chưa thấy) trang web chính thức (mà tôi rất ước ao) của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tôi thỉnh thoảng có thấy đường dẫn đến trang web này nhưng không thấy có gì. Nói không thấy có gì thì cũng không đúng hẳn mà phải nói là đường dẫn từ Vietbishops đã dẫn tôi đến những thứ quảng cáo chẳng hay ho chút nào, có khi lại còn có tính chất “công xúc tu sĩ” nữa là khác. Thật oái oăm! Hay là cáy máy vi tính của tôi không đủ “mạnh” để vào chăng? Tôi không biết và cũng không biết hỏi ai! Khỏi phải nói, trang web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (nếu có) sẽ có tầm quan trọng cho giáo dân Việt Nam như thế nào rồi. Tuy nhiên cũng rất mừng là tờ Hiệp Thông đã xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ báo điện tử khác.

 

Cũng vì có “phong trào” làm web nên tôi cũng thấy có mấy vấn đề cần chia sẻ với những người có trách nhiệm đang thực hiện những trang web đó. Trước hết , có một số trang web chỉ cập nhật  được một thời gian rồi … mồ côi! Tôi có vào xem một  trang web (của một tờ báo có uy tín và có bề dày lịch sử những mấy mươi năm ở trong nước, sau được tái bản ở nước ngoài) thì vừa thất vọng,vừa bực mình vì còn hiển thị rõ ràng số báo mới nhất vào năm 2004! Ấy thế mà nó vẫn tồn tại cho đến nay dù không còn được ai ngó ngàng gì nữa! Vậy nên chăng, cứ sau vài tháng mà không được cập nhật gì, thì xin quý vị có trách nhiệm gỡ trang web đó xuống cho bàn dân thiên hạ khỏi mất công toi! Hay là người ta cứ muốn giữ lại đó để làm “kỷ niệm” chăng? Tôi không rõ.

 

Thứ đến là có trang web đấy nhưng không có người viết riêng cho trang web của mình mà phần lớn bài viết chỉ là … sao chép của những trang web hoặc những tờ báo điện tử khác! Những bài giới thiệu , mục đích, tôn chỉ của riêng mình thì cứ “tồn tại” hết tháng  này qua năm khác. Hoá ra nó chỉ là cái “khung” để qua đó nhét những bài sao chép vào! Cả xã hội Việt Nam  ngày nay đang chống sao chép, học vẹt… mà người có trách nhiệm của trang web đó cứ ung dung “sưu tầm” thì khó coi quá. Mà có ai quy định cái tỷ lệ cho bài viết riêng của mình và bài đăng lại trên trang web không nhỉ? Chắc là không. Tuy nhiên theo ý tôi, nên cố gắng có bài viết của riêng mình tối thiểu khoảng 40 -  50% mới tạm gọi là được. Bởi lẽ thực hiện trang web mà chỉ bỏ công đi sao chép rồi lên khuôn, thì trang web đấy có giá trị gì?

 

Ngoài ra. một số trang web lại còn có sự nhầm lẫn rất tai hại giữa tin tức và bài viết (hay bài giảng). Phần tin của giáo phận là nói lên sinh hoạt của giáo phận trong một thời gian nào đó là đúng rồi, không ai cãi nhưng rất tiếc trong mục tin tức lại chen vào bài “Thư muc vụ của Giám mục X”. “bài giảng của Linh muc Y”… Thư mục vụ của Giám mục hay bài giảng của linh mục cho dù có hay ho đến thế nào đi nữa, dứt khoát không phải là “tin”.  Ấy là chưa kể đến việc có trang web ở nước ngoài trình làng một ban biên tập rất hùng hậu, trong đó có cả vị đã quá cố! Không tin cứ xin mở tờ “Dân Chúa Châu Âu” thì rõ. Tờ này vẫn còn ghi vào Ban Biên tập một người thày đáng kình của tôi là Sư huynh TVN đã qua đời ở Pháp vào năm 2001!

 

Cuối cùng là sự bất nhất về cách xưng hô và tên riêng giữa các báo điện tử công giáo và các trang web với nhau. Đây là vấn đề cũng không kém phần phức tạp và đã được nhiều nhà chuyên môn đề cập đến. Nghe đâu vấn đề này đã được đem ra thảo luận và lấy ý kiến cách đây nhiều năm, có cả sự công tác của các  chuyên gia có tầm cỡ nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra được một tiếng nói chung.

 

Về cách xưng hô, còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo tôi trước hết là phải đạt được sự kính trọng theo đúng cách xưng hô của người Việt. Không nên nói trống không Đức Kitô, Đức Maria mà nên nói Đức Chúa Kitô, Đức Mẹ Maria. Nếu muốn ngắn gọn thì bỏ chữ “Đức” đi vẫn có thể chấp nhận được. Còn tên riêng, cũng không nên bỏ những tên đã quen gọi trong mấy trăm năm nay đã đi vào tiềm thức và ngôn ngữ của biết bao thế hệ trước đây và còn kéo dài cho đến ngày nay. Có nên gọi Phaolô, Piô, Giuse … là những tên gọi quen thuộc với giáo dân lâu nay rồi để gọi lại Paulus, Pius , Joseph .. theo đúng kiểu la tinh? Chúng ta đã và đang bàn đến cái tính kế thừa trong văn hoá, sao với tên gọi lại thiếu đi cái tính này? Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, kinh quan thày của tôi thay vì phải đọc “ Lạy ơn ông thánh Giuse, chúng tôi chạy đến cùng Người …” mà phải đọc lại là “Lạy ơn ông thánh Joseph…” thì quả là có nhiều điều không ổn!

 

Chính sự bất nhất này đã đẻ ra cách gọi mỗi nơi một kiểu. Chỉ có một Đức Giáo hoàng đương nhiệm chứ không có hai  mà Ngài được gọi khi thì Bênêđictô, khi thì Biển Đức! Sao không dùng thống nhất là Bênêđictô như các linh mục đọc trong thánh lễ cho tiện? Bày ra chữ Biển Đức thì thêm rắc rối chứ có ích gì? Bản thân tôi có góp ý cho một tờ báo là nên dùng thống nhất một tên gọi là Bênêđictô như được phần lớn ( nếu không nói là gần hết các giáo xứ) đang dùng thì nhận được lời cám ơn chân thành nhưng vẫn cứ gọi là Biển Đức!

 

Để kết luận cho bài viết này, tôi mong các vị có trách nhiệm cần đầu tư hơn nữa về chuyên môn nghiệp vụ, về cách viết báo và làm báo. Cái cần thiết nhất trong lãnh vực này là phải đào tạo con người ngay từ bây giờ để người giáo dân chúng tôi hiểu biết được Lời Chúa thì mới Sống Lời Chúa được.

 

Dù sao đi nữa, tôi cũng nhân dịp qua bài chia sẻ này để nói lên lời cám ơn chân thành của tôi đến tất cả những người cầm bút công giáo ( những nhà văn, nhà báo … ) đang âm thầm làm việc ngày đêm cho việc rao giảng Lời Chúa. Đồng thời cũng mong những vị có trách nhiệm, nếu thấy bài viết này có điều gì không đúng hoặc còn thiếu sót, xin vui lòng bỏ qua cho.

 

Nguyễn Thụ Nhân

Gia Lai, 18.8.2006

 

 

TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

CÁC PHƯƠNG TIỆN CẦN THIẾT

CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

  

VÀO ĐỀ

Chúa Thánh Thần là Người quyết định thành quả của Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội (bài 3). Nhân sự truyền giáo là nhân tố cần thiết sau Chúa Thánh Thần và được xem là công cụ của Chúa Thánh Thần (bài 4+5). Kế đến là các phương tiện mà Chúa Quan Phòng đã ban cho người tín hữu và Giáo Hội để chúng ta sử dụng chúng một cách tốt nhất cho Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng Cứu Độ chúng sinh. Trong bài 6 này chúng ta sẽ đề cập đến một số phương tiện cần thiết cho việc Truyền Giáo tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai. 

TRÌNH BÀY

1. Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II về các Phương Tiện Truyền Giáo:

“Các Ki-tô hữu phải hoạt động và cộng tác với mọi người khác để tổ chức đúng đắn các hoạt động kinh tế xã hội. Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các thanh  thiếu niên, nhi đồng bằng các loại trường học khác nhau. Ngoài ra họ còn phải tham gia vào nỗ lực của các dân tộc đang cố gắng tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn và củng cố hòa bình thế giới bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật… Tuy nhiên Giáo hội không chỉ tìm kiếm tiến bộ và thịnh vượng thuần vật chất, mà còn nâng cao nhân phẩm và sự hiệp nhất huynh đệ cho con người” (1).

Từ giáo huấn trên của Công Đồng Vatican II chúng ta hiểu rằng tất cả mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, bác ái, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật nhằm thăng tiến con người về mọi mặt (toàn diện) đều là các phương tiện Truyền Giáo. Chúng ta cũng hiểu rằng giáo huấn trên đã được khơi nguồn từ chính gương mẫu của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng, sau khi giảng dạy cho dân chúng về Nước Trời, đã cho họ bánh ăn và chữa lành mọi bệnh nạn tật nguyền (2). Vì thế chúng  ta có một định nghĩa rất cụ thể về Truyền Giáo: "Truyền giáo là tận tình giúp đỡ những người nghèo khổ, để, ở đời này họ có được một cuộc sống xứng phẩm giá con người và đời sau được đạt tới Ơn Cứu độ" (3). Do đó tất cả những việc làm giúp người nghèo về vật chất, tinh thần, tâm linh thoát khỏi cảnh nghèo ấy đều được kể là các phương tiện Truyền Giáo. 

2. Một số Phương Tiện Truyền Giáo hữu hiệu và thích hợp tại Việt Nam hiện nay:

Ngoài  các hoạt động phụng vụ, bí tích, giảng dạy giáo lý mà giáo xứ nào cũng tổ chức, chúng ta có thể nêu ra đây một số hoạt động được xem như phương tiện thích hợp giúp người không công giáo có dịp tiếp cận với người công giáo, hiểu được phần nào tinh thần, động lực và mục tiêu của mọi hoạt động của người Công giáo. Từ đó họ khám phá ra Thiên Chúa  là Đấng Tối Cao, Siêu Việt và Thánh Thiện, Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại mà tin theo Người.    

2.1 Các Chương Trình Học Bổng cho học sinh nghèo:  Trước hết là các Chương Trình học bổng cho học sinh nghèo, tức chương trình cấp mỗi tháng hay mỗi năm một khoản tiền nào đó cho một học sinh, sinh viên nghèo có thêm điều kiện để học hành. Chương Trình này rất thiết thực vì chi phí học hành là rất lớn đối với các gia đình nghèo. Chương trình này khá phổ biến và đa dạng, do nhiều người, nhiều tổ chức thực hiện độc lập với nhau: nhà nước có chương trình của nhà nước; địa phuơng có chương trình của địa phương; các hội từ thiện (trong và ngoài nước) có chương trình của hội từ thiện; các giáo xứ có chương trình của các giáo xứ.  Các Chương Trình học bổng cho học sinh nghèo được mọi người đón nhận và nếu biết cách vận động thì cũng dễ  tìm ra nguồn tài trợ.

2.2 Các Lớp Học Tình Thương:  Một Chương Trình khác giúp trẻ em nghèo là Các Lớp Học Tình Thương tức các lớp học được tổ chức cho các trẻ em không có đủ điều kiện để vào học trong các trường của nhà nước: như quá tuổi qui định, không có hộ khẩu ở thành phố, hoặc vì gia đình quá nghèo. Người hay tổ chức đứng ra mở các Lớp Học Tình Thương phải trang trải  tiền lương cho giáo viên, tiền sách vở cho học sinh và thường cho các cháu ít là một bữa ăn. Phần lớn các trẻ em này phải vừa học vừa kiếm sống: trước hay sau buổi học là các em chạy trên đường phố bán báo, kẹo chewing-gum, vé số. Có em giúp các cửa hàng ăn uống hay các bà bán rau ở chợ. Có em nhặt ve chai ở đống rác ngoại thành. Một số các em có cha có mẹ, có nơi trú nắng trú mưa và một số em mồ côi hay bị cha mẹ bỏ, sống vô gia cư, ngủ lề đường xó chợ rất tội nghiệp và dễ trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội như lạm dụng tình dục trẻ em hay nghiện ma túy.

 2.3 Các Mái Âm, Nhà Mở:  Một Chương Trình khác nữa giúp trẻ em nghèo lại bị khuyết tật (mù, câm, thiểu năng)  là Các Mái Âm, Nhà Mở. Các em được đưa vào các cơ sở này chẳng những được nuôi dưỡng tử tế mà còn được học hành đàng hoàng - học chữ và học nghề - nữa. Người hay tổ chức thành lập các Mái Ấm hay Nhà Mở phải trang trải  tiền lương cho giáo viên, tiền ăn uống, sách vở, điện nước, thuốc men cho các cháu. Một số các em có cha có mẹ  và một số em mồ côi hay bị cha mẹ bỏ, chẳng biết nương tựa vào ai.

2.4 Các Lớp Dậy Nghề:  Trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ người ta thường lấy phương châm này: "Cho cần câu tốt hơn cho con cá" vì cho con cá hay lương thực hay tiền bạc thì người nghèo ăn, xài rồi cũng hết. Chi bằng và tốt hơn là cung cấp cho họ một phương thế để họ tự kiếm sống. Đó chính là lý do và ý nghĩa của các Lớp Dậy Nghề mà nhiều người, nhiều tổ chức đang làm tại Việt Nam. Các đối tượng được nhận vào các Lớp này cũng phải được tuyển lựa một cách nào đó. Các em - phần đông là nữ- được học may, thêu, đan, vẽ, sửa xe, cắt tóc, nấu ăn, làm bánh. Có nhiều cơ sở còn giúp các em kiếm việc làm sau khi mãn khóa. Có nhiều người nghèo đã được giúp đỡ một cách thiết thực để có nghề trong tay tự kiếm sống trong xã hội từ các Lớp Dậy Nghề như thế.

2.5 Các Chuyến Công Tác Bác-Ái, Xã Hội, Từ Thiện:  Không phải người hay tập thể Công giáo nào cũng có khả năng tổ chức được các Chương Trình hay Lớp Học hay Cơ Sở vừa nêu. Có rất nhiều người không có điều kiện để giúp đỡ người nghèo theo các cách ấy thì họ vẫn có thể tham gia một hoạt động khác là các Chuyến Công Tác Bác Ái - Xã Hội -Từ Thiện. Ví dụ: nhân dịp Têt Trung Thu hay Tết Nguyên Đán, một số anh chị em huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể hay Giới Trẻ hay Hiền Mẫu mời gọi nhau đóng góp và vận động những người chung quanh đóng góp tiền, mì gòi, sữa, đường, quần áo, sách báo cũ .... cho một chuyến viếng thăm một Trại Phong, một Trung Tâm Nuôi Dưỡng người già, một Viện Mồ Côi, một Trại Cải Hóa các phụ nữ lỡ lầm....  Giới  Y Xã (y tế - xã hội) thì phối hợp việc khám bệnh phát thuốc cho các đối tượng trong các chuyến công tác của họ. Mới đây có đoàn đã tổ chức được cả thánh lễ cho những anh chị em công giáo sống trong các cơ sở này.

2.6  Các Điểm Truyền Giáo:  So với các Chương Trình hay các Hoạt Động vừa nêu thì Điểm Truyền Giáo mang tính chất truyền Giáo một cách rõ rệt hơn. Thường thì một Điểm Truyền Giáo bất đầu bằng sự hình thành một vài phòng cho Lớp Học Tình Thương, cho Lớp Dậy Nghề,  trong một khu dân cư nghèo và có ít người Công giáo. Sau một thời gian (dài ngắn tùy từng nơi, từng trường hợp) sẽ xuất hiện một ngôi nhà nguyện. Lúc đầu linh mục chỉ thỉnh thoảng đến dâng lễ, rồi dần dần thánh lễ sẽ được cử hành đều đặn hơn và các lớp giáo lý được âm thầm tổ chức cho trẻ em. Nhờ thế mà một cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé được hình thành. Với đà đô thị hóa chẳng mấy chốc Điểm Truyền Giáo này có thể biến thành một Giáo Họ, thậm chí một Giáo Xứ.

Có điều cần nêu lên ở đây là từ trước đến giờ chính quyền luôn tỏ ra khắt khe với  hoạt động này của Giáo Hội. Trong khi đó cũng phải nói rằng các Tòa Giám Mục cũng tỏ ra quá nhẫn nại chờ chính quyền thay đổi thái độ, làm cho cộng đoàn đức tin chậm ra đời tại nhiều địa phương.

2.7 Các Phương Tiện Thông Tin Đại Chúng hay Truyền Thông Xã Hội:  Nếu thời đại này là thời đại của Thông Tin Đại Chúng thì tại Việt Nam tất cả các phương tiện truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình, xuất bản) đều nằm trong tay nhà nước. Và nhà nước cho phép tới đâu, cho phép nói kiểu nào thì các cơ quan này được nói tới đó, được nói kiểu đó! Ví dụ: có một thời nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức Trung Cộng) được mọi phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam coi là kẻ thù. Nhưng chỉ sau đó mấy năm thì cũng trên các phương tiện thông tin đại chúng ấy nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là người bạn lớn của đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam.  Một thí dụ khác: Có một thời gian thì người Việt bỏ nước ra đi bị coi là phản quốc; một thòi gian sau thì lại được coi là Việt Kiều yêu nước!

Các tổ chức tôn giáo - dù được chính quyền nhìn nhận có quyền hiện hữu và hoạt động - cũng chẳng có phương tiện thông tin đại chúng nào đáng kể. Riêng Giáo Hội Công Giáo chỉ có một bản tin Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trầy trụa bao năm nay mới được "để yên". Điều trớ trêu và nực cười nhất là nhà nước lập nhà xuất bản tôn giáo để in các sách của các tôn giáo trong khi từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên của cơ quan ấy đều là người vô thần, vô tôn giáo. Cũng như từ trung ương đến các địa phương, nơi nào cũng có ban tôn giáo để quản lý những người có tôn giáo. Vô tôn giáo mà quản lý tôn giáo thì là thế nào?

Tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng - tôn giáo của VNXHCN là như thế đó!

Người ta cũng ghi nhận hiện tượng này: trong mấy năm gần đây thì trên các kênh truyền hình Việt Nam có nhiều tin và hình ảnh hơn về hoạt động của Đức Giáo Hoàng, về các Lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh ở một số nơi trong và ngoài nước. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Các kênh truyền hình trung ương và các tỉnh, thành phố lớn  nên mời các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Công Giáo v.v.. có những bài phát biểu, có những băng hình về sinh hoạt để giới thiệu với mọi người dân vào những dịp lễ lớn của tôn giáo.

3. Một số Phương Tiện Truyền Giáo mà Giáo Hội  Việt Nam có quyền đòi nhà đương quyền phải nhìn nhận và trả lại :

 Hiện nay trên thế giới khi các tổ chức tôn giáo đã được nhìn nhận thì các tổ chức tôn giáo ấy có quyền hoạt động và có quyền có các phương tiện để hoạt động, không chỉ trong lãnh vực thuần túy tôn giáo mà cả trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, từ thiện nữa. Đó là điều hết sức bình thường. Vì thế mà các tôn giáo tại Việt Nam có quyền sở hữu và điều hành các trường học, bệnh viện, trung tâm xã hội  và các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, nhà xuất bản, phát thanh, truyền hình, mạng lưới điện tử (websites).

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sàigòn đã có lần hỏi thẳng ông Nguyễn Minh Triết (lúc ông còn là Bí Thư Thành Ủy và nay là Chủ Tịch Nước): "Tại sao chính quyền không để các tôn giáo tham gia vào công việc y tế, giáo dục, xã hội .... trong khi nhà  nước lo không xuể?"  Lúc đó ông Triết đã không trả lời câu hỏi ấy của Đức Hồng Y; nhưng không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết.

Tôi thiết nghĩ Hội Đồng Giám Mục Việt  Nam nên đặt những câu hỏi  tương tự với chính quyền trung ương, nhất là trong những dịp Hội Nghị Thường Niên (4), thường có sự gặp gỡ với ban tôn giáo chính phủ. Tôi cũng thiết nghĩ các vị lãnh đạo các tôn giáo tại Việt  Nam  nên liên kết với nhau để đặt vấn đề với nhà cầm quyền, vì đó chẳng những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các vị đối với dân tộc Việt Nam nói chung và với các tín đồ của tôn giáo mình nói riêng.                                      

THAY LỜI KẾT

 Phương tiện là nhân tố cần thiết thứ ba của việc Truyền Giáo, sau Chúa Thánh Thần và Nhân Sự. Có nhân sự mà không có phương tiện thì hoạt động Truyền Giáo cũng bị giới hạn.

 Muốn có những phương tiện cần thiết cho hoạt động Truyền Giáo thì người và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải chủ động, sáng tạo, dũng cảm, có kế hoạch và biết dành ưu tiên cho các Phương Tiện hợp thời và hiệu quả nhất. Cũng cần có sự liên đới, san sẻ, hợp tác giữa các giáo phận, giữa hai Ủy Ban Giám mục về Loan Báo Tin Mừng và về Bác Ái xã Hội.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô Tông Đồ.

Kansas City (MO/USA ngày 24.8.2006).

.........................

Chú thích

(1) Sắc Lệnh Truyền Giáo, 12.

(2) Mc 6, 34-44.

(3) “Giáo hội trong toàn thế giới muốn là Giáo Hội của những người nghèo khổ… Do đó người nghèo là đối tượng đầu tiên của việc truyền giáo. Và loan báo Tin Mừng cho họ là một dấu chỉ và bằng chứng sứ vụ của Đức Giê-su” (Tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các Giám Mục Châu Mỹ La tinh tại Puebla).

(4) Hội Nghị Thường Niên năm nay của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ được tổ chức tại Huế từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 9 này, với chủ đề của Thư Mục Vụ "SỐNG ĐỨC TIN TRONG LÒNG XÃ HỘI"

 

 

VÀI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ TÊN GỌI

“TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

 

                                                                                                          Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

 

 

Sau khi những bài viết của tôi được phổ biến trong hai tháng qua, liên quan tới sự kiện Sài Gòn bị chế độ Cộng Sản Việt Nam đổi tên trở thành Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều đồng bào khắp nơi đã hồi đáp để hỗ trợ, đóng góp ý kiến, kêu gọi người Việt Nam bài bác tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh và đòi chế độ Cộng sản Việt Nam phải trả lại tên Sài Gòn cho Thành phố Sài Gòn. Trong số thư hồi đáp, có một số khá đông tín đồ công giáo đã nhân cơ hội này để bày tỏ sự “bức xúc” trước việc tên gọi Tổng Giáo phận Sài Gòn ( TGP/SG) bị đổi ra thành Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (TGP/TPHCM) và mong muốn vấn đề này cũng được nêu lên trước công luận.

 

Riêng tôi, từ lâu nay tôi vẫn coi cái tên gọi dài ngoằn ngoèo và sặc mùi chính trị  “Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh”, như là một thứ ung nhọt mọc lên trong thân thể của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ung nhọt này càng ngày càng mưng mủ nhức nhối và làm cho thân thể của Giáo hội Công giáo Việt Nam đang lên cơn sốt. Tôi nghĩ  rằng, trong lúc này, khi mà một số rất đông người Việt Nam trong nước và trên toàn thế giới đang lên  tiếng đòi phải vất bỏ cái tên Thành phố Hồ Chí Minh và hoàn trả lại tên Sài Gòn cho Thành phố  Sài Gòn trong dịp kỷ niệm 30 năm Sài Gòn mất tên, cũng là dịp tốt nhất để những người Công giáo Việt Nam đưa cái ung nhọt “TGP/TPHCM” này lên bàn mổ. Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta hãy tìm hiểu xem nguyên nhân nào dẫn tới việc Tổng Giáo phận Gài Gòn đã có từ lâu đời trong Giáo Hội Công giáo Việt Nam, bỗng nhiên một sớm một chiều lại biến thành “Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh”, khiến cho rất nhiều người phải ngỡ ngàng.

 

Đôi dòng lịch sử

 

Theo tài liệu “ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM” Niên Giám 2004 của Văn Phòng Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2004, chương 40, trang 692, trong phần “ TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH” có đoạn như sau:

 

Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh ngày nay là phần đất còn lại của Giáo phận Tây Đàng Trong hay giáo phận Sài Gòn, từ năm 1924. Ngày 2-7-1976 Quốc Hội Khoá VI Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã chính thức đổi tên Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23-11-1976 Toà Thánh cũng đổi tên giáo phận như tên hành chánh theo yêu cầu của TGP.”

 

Qua tài liệu đó, chúng ta được biết việc đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM là vì Quốc Hội Khoá VI Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã chính thức đổi tên Sài Gòn ra Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2-7-1976, nên Toà Thánh cũng đổi tên giáo phận như tên hành chánh. Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất trong đoạn văn có tính cách lịch sử nói trên nằm ở dòng chữ cuối cùng, tôi xin tô đậm và viết hoa “THEO YÊU CẦU CỦA TGP”. Như vậy, sở dĩ có việc Toà Thánh đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM là vì “THEO LỜI YÊU CẦU CỦA TGP”.

 

Trong hoàn cảnh của TGP/SG vào năm 1976 đó, khi mà cơn sốt chính trị tại Việt Nam đang bốc cao ngút trời, Toà Thánh không còn cách gì khác hơn là phải chấp thuận lời yêu cầu của “TGP” và đổi tên TGP/SG ra TGP/TPHCM vào ngày 23-11-1976. Tuy nhiên ba chữ  “TGP”, (hay Tổng Giáo Phận ) trong đoạn văn trên quá  mông lung, mờ ảo, người ta muốn biết một cách cụ thể “TGP” hay nói rõ hơn, những người có thẩm quyền trong TGP/SG khi Cộng sản chiếm  miền Nam vào tháng 4 năm1975 là những chức sắc nào?

 

Những người có thẩm quyền trong TGP/SG khi Cộng sản chiếm miền Nam, trước tiên phải kể Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, lúc bấy giờ là Tổng Giám mục Sài Gòn, và sau đó là một đội ngũ các Linh mục của “thời cuộc” đang bao vây chung quanh Đức cha Bình, mà tên tuổi của họ rất quen thuộc trong giới công giáo.  Đứng đầu danh sách là Linh mục HCM, kế đến là những tên tuổi khác như PKT, TBC, TL, VĐB, TC...và có thể còn nhiều người khác nữa mà tôi không biết rõ. Số này được đồng bào công giáo gán cho một tên gọi chung là nhóm “ Linh mục quốc doanh”. Hai chữ  “quốc doanh” (state-run; state-owned ) được dùng trong chế độ Cộng sản để chỉ những thứ gì thuộc về Nhà Nước, và tại sao có tên gọi là nhóm “Linh mục quốc doanh”, tôi nghĩ  chắc không cần phải giải thích ở đây.

 

Những ai đã “lập công đầu”?

 

Mặc dù tôi không biết ai đã ký tên trong văn thư của “TGP” gởi cho Toà Thánh yêu cầu đổi tên TGP/SG ra TGP/TPHCM như tài liệu đã nói, nhưng cho dù  Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã ký văn thư đó đi nữa, tôi cũng không nghĩ là Ngài đã “có sáng kiến” và tự ý xin Toà Thánh đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM, nếu có thì chỉ vì một áp lực mà Ngài không thể nào cưỡng lại được. Tôi có thể khẳng định điều đó với lòng cảm thương cho hoàn cảnh của Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình là một người rất nhân từ, đạo đức và đã già nua, lúc đó bị bao vây bởi một nhóm Linh mục có thành tích “nắm áo lôi cổ” đức Khâm Sứ Toà Thánh ra khỏi Tòa Khâm Sứ tại Sài Gòn ngay sau ngày cộng sản chiếm miền Nam. Nhóm Linh mục đó, về sau này có vài người là đại biểu Quốc Hội của cộng sản, có vài người có chân trong Mặt Trận Tổ Quốc, Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước.

 

Hiện nay mặc dù một vài người trong nhóm đó đã chết nhưng số còn lại vẫn là một tập thể đầy quyền lực dưới trướng của Linh mục HCM, người  đang nắm nhiều chức vụ …trong cái gọi là “Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh”....  Như vậy, sau khi xác định được tên tuổi những con người trong “ TGP” như tài liệu trên đã nói tới, tôi nghĩ rằng ai cũng có thể biết được những người đã “ lập công đầu” trong việc đưa tên Hồ Chí Minh vào thay thế cho tên của Tổng Giáo phận Sài Gòn.

 

Bàn tay vô hình

 

Trong bối cảnh xáo trộn và rối ren về quyền bính trong TGP/SG kể từ  khi cộng sản chiếm miền Nam, không ai thấy được một “tên” cộng sản nào xuất hiện tại địa chỉ 180 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn để thao túng TGP/SG cả. Bên trong hàng rào của Tòa Tổng Giám mục cổ kính đó, người ta chỉ thấy những giáo sĩ đi lại nhẹ nhàng, nói năng khiêm tốn, đang lo công việc của TGP một cách êm ả như không có chuyện gì xảy ra.  Trong thực tế, bên dưới bề mặt hiền hoà đó là cả một âm mưu cấu kết nhau giữa chính quyền cộng sản và nhóm Linh mục tay sai của chế độ để khống chế và khuynh đảo cơ cấu đầu não của TGP/ SG. Kết quả cuộc tình tự bất chánh đó đã đẻ ra một quái thai sanh thiếu tháng, được đặt cho cái tên sặc mùi chính trị là “Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh”, để thay thế cho tên gọi TGP/SG thân yêu đã có từ lâu đời trong tâm hồn người công giáo Việt Nam. 

 

Mặc dù bề ngoài xem ra việc đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM là sản phẩm của nhóm “Linh mục quốc doanh”, nhưng ai cũng biết là có bàn tay vô hình của người cộng sản trong đó. Nhóm “Linh mục quốc doanh” đã dựa vào thế lực cộng sản để làm mưa làm gió trong nội bộ của TGP/SG như  đoạn văn sau đây trong sách đã dẫn, trang 696:

 

Tháng 8 –1993 Đức Tổng (Nguyễn Văn Bình) ngã bệnh nặng, Toà Thánh cử Đức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi làm giám quản giáo phận. Sau khi hồi phục một phần sức khoẻ, Đức Tổng Phaolô (Nguyễn Văn Bình) đã bàn giao mọi việc điều hành giáo phận cho Đức cha Nicola, nhưng vẫn giữ quyến Tổng giám mục. Ngày 1-7-1995, Đức Tổng Phaolô  từ trần, Đức cha Nicola vẫn tiếp tục giữ chức  giám quản tổng giáo phận, tuy nhiên ngài đã không được chính quyền chấp thuận. Vì thế ngày 10-3-1998, Toà Thánh đặt Đức cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẩn giám mục phó giáo phận Mỹ Tho làm Tổng giám mục giáo phận TP. Hồ Chí Minh và ngài về nhận toà ngày 2-4-1998”.

 

Đoạn văn ngắn ngủi đó đã nói lên sự kiện rất đau lòng, sau khi Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình qua đời, Toà Thánh không có thể đặt một Giám mục nào khác thay thế vào ghế Tổng Giám mục Sài Gòn nếu không có sự đồng ý của Linh mục HCM và phe nhóm. Trường hợp Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi là một thí dụ điển hình. Sự kiện tòa Tổng giám mục Sài Gòn trống ngôi trong gần 3 năm từ khi Đức Cha Nguyễn Văn Bình qua đời tháng 7-1995 cho tới khi Toà thánh đặt Đức cha Phạm Minh Mẫn là giám mục phó giáo phận Mỹ Tho thay thế vào tháng 3-1998 là một bằng chứng hùng hồn khác. Việc Toà Thánh phải chọn một Giám mục phó trong một giáo phận nhỏ như Mỹ Tho để cất nhắc lên chức vụ cao trọng nhất ở miền Nam là Tổng Giám Mục của cái gọi là “Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh” phải được coi là một việc làm bất ngờ… Qua các dữ kiện đó, ai cũng có thể hiểu được, việc đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM này chắc chắn không phải là chủ trương của những người công giáo chân chính trong TGP/SG, lại càng không phải là chủ trương của Giáo hội Công giáo Việt Nam, và dĩ nhiên không phải là chủ trương của Toà Thánh. Đây là tác phẩm của nhóm “Linh mục quốc doanh” trong TGP/SG cấu kết với chính quyền cộng sản đã tạo ra.

 

Đứng trước một việc đã rồi

 

Cho dù việc đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM do ai gây ra đi nữa, thì hậu quả của hành động sai trái và nghịch lý đó cũng đã gây ra sự đau buồn và tủi nhục chung cho toàn thể những người công giáo Việt Nam trong gần 30 năm qua. Tôi gọi đây là hành động sai trái và nghịch lý vì:

 

Một Tổng Giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam không thể mang tên Hồ Chí Minh, một con người chính trị. Chúng ta không thể để cho người ngoài Giáo hội có cảm tưởng là GH/CGVN chạy theo thời cuộc và vội bám vào những thế lực chính trị nay còn mai mất. Một điều ai cũng có thể khẳng định là các tôn giáo sẽ tồn tại lâu hơn các chế độ chính trị, và nếu trong một tương lai xa gần nào đó, có một lực lượng chính trị nào nổi lên giật sập chế độ Cộng sản, liệu lúc đó GH/CGVN còn giữ lại cái tên TGP/TPHCM cho mình nữa hay không? Hay chừng đó “TGP” lại “yêu cầu Toà Thánh đổi tên TGP/SG theo tên hành chánh” một lần nữa?

 

Một Tổng Giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam không thể mang tên Hồ Chí Minh, là một nhân vật chính trị đầy tranh luận. Ở đây tôi không có ý bình phẩm về nhân vật Hồ Chí Minh, tôi chỉ muốn nói là cái tên Hồ Chí Minh  đã từng gây ra sự ghê tởm và sợ hải cho người dân miền Nam và bao nhiêu nạn nhân khác của chế độ CSVN do Hồ Chí Minh gây dựng nên.  Như vậy, nếu trong GH/CGVN có một Tổng Giáo phận mang tên Hồ Chí Minh, tôi xin hỏi rằng, như thế GH/CGVN có thực sự cảm thông và chia sẻ với tâm tư thầm kín và nổi uất hận của một thành phần Dân Tộc Việt Nam hay không?  Và như thế GH/CGVN có thực sự sống giữa lòng Dân Tộc như chúng ta vẫn thường nói không?

 

Một Tổng Giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam  không thể mang tên Hồ Chí Minh, một con người đứng đầu chế độ vô thần. Thật không có gì nghịch lý hơn khi một trong ba Tổng Giáo Phận của GH/CGVN lại mang tên của Hồ Chí Minh là kẻ cầm đầu chế độ vô thần CSVN. Một chế độ quyết tâm tiêu diệt không những Giáo hội Công giáo,  mà còn tất cả các tôn giáo khác nữa. Từ khi cướp được chính quyền, chế độ CSVN đã đàn áp các tôn giáo một cách liên tục và có hệ thống, dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến cho một số đông những tín đồ trong các tôn giáo đã lên tiếng phản đối, có người còn tự thiêu để phản đối. Không lẽ nào trước hiện trạng chế độ CSVN gây ra đau khổ chung cho các tôn giáo trong nước như vậy, mà những người Công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng trước sự việc một Tổng Giáo phận của miền Nam phải mang cái tên của Hồ Chí Minh hay sao?

 

Đã đến lúc lương tri phải lên tiếng

 

Tôi tin rằng không một người công giáo Việt Nam chân chính nào mà không đau buồn và tủi nhục trước sự kiện GH/CGVN  có một Tổng Giáo phận bị bắt buộc phải mang cái tên của Hồ Chí Minh. Tôi coi cái tên gọi “ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh”, mặc dù chỉ còn tồn tại trên giấy tờ, là một điểm ô nhục trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam.  Điều cần thiết mà tất cả những người Công giáo Việt Nam phải làm trong lúc này là đòi lại tên Sài Gòn cho TGP/GS để phù hợp với tiếng nói của số đông đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới đang lên tiếng bài bác tên Thành phố Hồ Chí Minh và đòi trả tên Sài Gòn lại cho Thành phố Sài Gòn.

 

Nếu ngày 23-11-1976, Toà Thánh đã đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM “ như tên hành chánh” theo lời yêu cầu của “TGP” bị khuynh đảo bởi nhóm “ Linh mục quốc doanh”, thì ngày 23-11-2006 sắp tới là kỷ niệm 30 Năm TGP/SG mất tên, những người Công giáo Việt Nam sẽ gởi một thư thỉnh nguyện yêu cầu Toà Thánh đổi tên TGP/TPHCM trở thành TGP/SG “như tên của Dân Tộc Việt Nam”.

 

Ba mươi năm trước Toà Thánh đã theo lời yêu cầu của một số Linh mục tay sai của chế độ CSVN đã đổi tên TGP/SG thành ra TGP/TPHCM để làm vừa lòng chế độ CSVN, thì ba mươi năm sau Toà Thánh cũng sẽ theo lời yêu cầu của những người công giáo Việt Nam chân chính mà đổi lại tên TGP/TPHCM trở lại TGP/SG để làm vừa lòng Dân Tộc Việt Nam. Vì Giáo hội Công giáo Việt Nam không phải là của chế độ Cộng sản Việt Nam, Giáo Hội Công giáo Việt Nam là của Dân Tộc Việt Nam.

 

Thể hiện bằng hành động

 

Trong tinh thần đó, tôi đề nghị những người Công giáo Việt Nam chân chính sẽ có  một  thỉnh nguyện thư  gởi tới Toà Thánh vào ngày 23-11-2006, nhân dịp kỷ niệm 30 năm TGP/SG mất tên, để yêu cầu Toà Thánh đổi tên TGP/TPHCM trở lại tên TGP/SG. Một chiến dịch vận động chữ ký của đồng bào công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân , và những người không phải là công giáo nhưng muốn hỗ trợ cho cuộc vận động này, sẽ được chính thức phát động vào ngày 23-11-2005 đúng một năm trước dịp kỷ niệm 30 năm TGP/SG mất tên. Các thư vận động chữ ký này sẽ được gởi tới các giáo phận, các giáo xứ và các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới bằng thư riêng và qua hệ thống điện toán toàn cầu, để thu thập chữ ký của những người nào cảm thấy đau buồn và tủi nhục trước sự kiện TGP/SG bị bắt buộc phải mang cái tên Hồ Chí Minh và muốn được thấy tên gọi Sài Gòn hoàn trả lại cho TGP/SG. Nội dung thư thỉnh nguyện gởi Toà Thánh và cách thức vận động chữ ký, địa điểm liên lạc đễ thu chữ ký và những việc làm cụ thể liên quan tới cuộc vận động này sẽ được phổ biến một thời gian ngắn sau khi bài viết này được gởi đi.

 

Hoàn cảnh trong nước

 

Tuy nhiên nhân dịp này, tôi xin bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang phải sống dưới áp lực rất nặng nề của chế độ vô thần CSVN, đang dùng những phần tử tay sai trong giới Linh mục để gây ra sự tủi nhục cho Giáo Hội. Trong hoàn cảnh trên đe dưới búa đó, có những vấn đề Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không thể nào lên tiếng một cách công khai được, mặc dù vẫn biết đó là điều sai trái, như việc đổi tên TGP/SG trở thành TGP/TPHCM. Tôi cũng cảm thông với các anh em Linh mục và bà con giáo dân trong nước đang sống đưới sự kềm kẹp của chế độ công an trị. Nhiều người, tuy bên ngoài phải cúi đầu cam tâm chiụ đựng cái tên “Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh” nhưng trong thâm tâm họ không chấp nhận việc làm sai trái do những phần tử trong hàng giáo sĩ làm tay sai cho chế độ Cộng sản đã gây ra.

 

Đồng bào Công Giáo Việt Nam hải ngoại

 

Ở đây tôi muốn van xin cách riêng những người Công giáo Việt Nam hải ngoại, giáo sĩ cũng như giáo dân, đang sống trong các nước tự do. Xin hãy dùng sự tự do của mình để lên tiếng nói thay cho những người không có tự do trong nước. Qua cuộc vận động chữ ký này, xin hãy hợp lại thành một tiếng nói chung của những người CGVN chân chính, để yêu cầu Toà Thánh cứu xét và đổi tên TGP/TPHCM  trở lại tên TGP/SG.  Đó là điều mà Toà Thánh có thể làm để trả lại bộ mặt đẹp đẽ tinh tuyền  cho Giáo hội Công giáo Việt Nam đang sống chung với các tôn giáo bạn giữa lòng Dân Tộc Việt Nam. Cho dù nguyện vọng chính đáng này, vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, có thể chưa được đáp ứng trong lúc này, nhưng chúng ta cũng đã chứng tỏ cho đồng bào Việt Nam thấy rằng, những người công giáoViệt Nam chân chính không chấp nhận việc áp đặt  tên Hồ Chí Minh đè lên Tổng Giáo phận Sài Gòn thân yêu đã có lâu đời của Giáo Hội Công giáo Việt Nam.

 

Để thuận tiện trong việc trao đổi và đóng góp ý kiến, chúng tôi có thực hiện  website: www.saigonforsaigon.org. Trên website này cũng có mục “Trưng Cầu Ý Kiến” về nguyện vọng trả lại tên Sài Gòn cho TGP/SG. Xin qúy vị trong giới truyền thông và các anh em, bạn bè thân hữu khắp nơi giúp phổ biến thật rộng rãi bài viết này. Tôi mong được đón nhận sự hồi đáp của đồng bào Công giáo Việt Nam và tất cả những ai quan tâm tới việc TGP/SG bị đổi tên thành TGP/TPHCM. Tất cả những ý kiến đóng góp, cho dù khác với quan điểm của bài viết này, cũng sẽ được đón nhận và hồi âm một cách trân trọng.

 

Tại Thành Phố Auckland. New Zealand

Ngày 2 tháng 11 năm 2005

 

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

P.O Box 17-516. Greenlane. Auckland

New Zealand

 

Tel.+64.9.579-5458

Email: tpslenguyen@yahoo.com

 

 

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HÔM NAY

 

(Bài phát biểu của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, tại buổi Toạ đàm Khoa học của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, ngày 20-9-2005)


Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa quý vị khách quý và các bạn thân mến,


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm bế mạc Công đồng Chung Vatican II và 25 năm thực hiện Thư Chung (1980) của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), xin cho phép tôi được chia sẻ đôi điều trong buổi Toạ đàm Khoa học của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam về Con đường đi tới của Giáo hội Việt Nam hôm nay.

 
Vâng, Giáo hội Việt Nam đang tiến tới cùng với cộng đồng dân tộc thân thương trong ánh sáng của Công đồng và của Lời Chúa như tựa đề thư mục vụ mới nhất của HĐGMVN ngày 9-9-2005. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi Giáo hội Việt Nam đang tiến bước ra sao, tiến nhanh hay chậm và chúng ta phải vận hành như thế nào để cùng tiến với Giáo Hội, với dân tộc trong ánh sáng siêu nhiên này.


1. KHỞI ĐI TỪ HIỆN TÌNH GIÁO HỘI VIỆT NAM


Trong tư cách là Thư ký Thường trực của HĐGMVN, chúng tôi vừa thực hiện bản báo cáo tổng kết tình hình 25 giáo phận cho các vị giám mục trong Hội nghị Thường niên tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu. Những dữ liệu trong bản báo cáo như phản ánh phần nào hiện tình của Giáo hội Việt Nam. Chúng ta sẽ căn cứ vào những dữ liệu ấy để xác định bước tiến của Giáo hội Việt Nam trong thời điểm vừa qua.

 
1.1. DÂN SỐ CÔNG GIÁO


Tính đến ngày 31-12-2004, số người Công giáo trên toàn quốc là 5.776.972 người trên tổng số dân cả nước là 82.032.300 người, chiếm tỷ lệ khoảng 7,04% dân số. So với 45 năm trước (1960), lúc đó dân số cả nước là 29.200.000 người, số giáo dân là 2.094.540 người, chiếm tỷ lệ khoảng 7,17%. Như thế, trong 45 năm qua dân số Công giáo Việt Nam không tăng triển.


1.2. TÌNH TRẠNG NHÂN SỰ


Số linh mục là 3.126 người, so với 1.914 người vào năm 1960.

 

Số chủng sinh là 1.249 người.

 

Tổng số tu sĩ là 14.413 người, trong đó có 2.072 nam và 12.341 nữ, so với 5.789 người vào năm 1960. Đây là dấu hiệu tốt, biểu lộ ơn gọi đời thánh hiến khá dồi dào trong Giáo hội Việt Nam, khiến nhiều dòng tu nước ngoài tìm đến để tuyển chọn.


Số giáo lý viên là 53.887 người.


Vấn đề nhân sự: Nếu tổng cộng số linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên là 75.353 người trong tổng số 5.776.972 tín hữu, chúng ta tự hỏi số nhân sự này đã được đào tạo ra sao, đã sống Tin Mừng thế nào để thu hút người khác tin theo Đức Kitô? Một vấn đề khác là những người ấy có biết liên đới và cộng tác với nhau để hình thành nên một sức mạnh tổng hợp hay bị chia rẽ bởi sự khác biệt về giáo phận, giáo xứ, dòng tu, linh đạo và đủ loại quan niệm cá nhân.


Chúng ta thử so sánh Giáo hội Việt Nam với một vài Giáo hội trong khu vực, như Giáo hội Hàn Quốc vào năm 2004 có 3.042 linh mục, 4.325.000 giáo dân trong tổng số 47.640.000 dân, chiếm 8,8% dân số, mà vào năm 1949 dân số Công giáo lúc đó mới chỉ chiếm 1% dân số toàn quốc. Có lẽ chúng ta phải nhìn lại cách đào tạo nhân sự cho Giáo hội Việt Nam hiện nay.


1.3. TÌNH TRẠNG TRUYỀN GIÁO


- Số người rửa tội là 147.127 người, trong đó có 31.519 người lớn, 11.090 trẻ em (từ 1-7 tuổi) và 104.511 trẻ sơ sinh.

 
- Qua số người được rửa tội, chúng ta có thể suy đoán phần nào về kết quả của Năm Truyền Giáo vừa qua. Nếu số người rửa tội trong năm là 147.127 người, nhưng thực tế số người Công giáo tăng thêm cả năm so với năm trước là 109.544 người, ta có thể thấy số hao hụt là 37.583 người. Chúng ta phải giải thích thế nào về số người hao hụt này? Có thể họ là những người chết chưa được tính vào hay trừ ra trong tổng số dân Công giáo? Có thể họ là những người bỏ đạo?


- Nếu chỉ căn cứ vào số nhân sự tích cực cho công cuộc truyền giáo, dựa vào các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên là 75.353 người, trong khi tổng số người lớn và trẻ em từ 1-7 tuổi được rửa tội là 42.609 người, thì trung bình mỗi người ưu tuyển đó chưa cuốn hút được 2 người theo đạo một năm. Vậy thì gần 6 triệu tín hữu khác truyền giáo như thế nào? Điều này cho thấy kết quả truyền giáo năm nay không cao hơn bao nhiêu so với năm trước (34.469 người) cũng như so với nhiều năm liên tiếp gần đây. Chúng ta đừng quên rằng rất nhiều người lớn theo đạo cũng chỉ để lập gia đình với người có đạo. Vậy đời sống đạo của chúng ta có thực sự thu hút được nhiều người khác tin theo Đức Kitô không? Tỷ lệ phát triển dân số Công giáo trong 45 năm qua hình như không xác định điều đó.


Như thế, xét về mặt truyền giáo, Giáo hội Việt Nam hình như chưa có bước tiến đáng kể.


1.4. CÁC CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI


* Giáo hội Việt Nam có 1.552 giáo xứ và giáo họ có linh mục đảm nhận mục vụ và còn 890 giáo xứ, giáo họ chưa có linh mục phụ trách.

 

Như vậy, dù số linh mục là 3.126 người, nhưng chỉ có hơn một nửa đảm nhận chức vụ trong các xứ đạo. Số còn lại vì tuổi cao sức yếu nên không thể quản trị xứ đạo. Trong vòng 10 năm nữa, số linh mục vẫn còn thiếu tại nhiều giáo phận.

 
* Có tất cả 698 nhà trẻ mẫu giáo, 94 trường cấp I và 5 trung tâm văn hoá.

 
Trong tình hình mới của đất nước, chính quyền chủ trương xã hội hoá ngành giáo dục. Nhưng các xứ đạo cũng như các tổ chức dòng tu chỉ tập trung cho nhà trẻ mẫu giáo và ít quan tâm đến trường học các cấp, một phần do không còn quản lý các cơ sở giáo dục đã có từ trước năm 1975, một phần không còn đủ nhân sự để quản lý các cơ sở ấy. Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy công cuộc Tin Mừng hoá xã hội, Giáo hội Việt Nam và cụ thể là các dòng tu, các tổ chức giáo dân nên quan tâm hơn cho công tác giáo dục các cấp, ngay cả cấp đại học bằng cách chuẩn bị đào tạo nhân sự ngay từ bây giờ.

 
* Người Công giáo, nhất là các tu sĩ, đang làm việc hoặc điều hành tại 99 trạm xá, bệnh viện, 8 trại phong, trung tâm dành cho người tâm thần, người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS, 82 cơ sở khuyết tật, cô nhi viện và nhà dưỡng lão. Trong chủ trương xã hội hoá hoạt động y tế, người tín hữu Công giáo có nhiều điều kiện dễ dàng hơn để trực tiếp thành lập và quản lý các cơ sở từ thiện xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra vẫn là tình trạng thiếu hụt trầm trọng những người có khả năng chuyên môn để làm việc trong các cơ sở đó.

 
Ở Việt Nam, nhu cầu về công tác từ thiện xã hội rất cao, với hàng chục triệu người nghèo khổ, khuyết tật, mồ côi, goá bụa, nghiện ngập (rượu, ma tuý, thuốc lá)… nhưng nhiều tín hữu Công giáo dường như chỉ nghĩ đến việc bố thí, giúp đỡ chút ít về vật chất, mà không hiểu được rằng công tác xã hội, gồm thăng tiến con người toàn diện và phát triển cộng đồng, đòi hỏi phải được đào tạo kỹ lưỡng và tổ chức chặt chẽ hơn nhiều.

 
Những số liệu trên đây tuy không nói hết được tình trạng của Giáo hội Việt Nam nhưng có thể gợi ý cho ta suy nghĩ về bước phát triển và hướng tiến trong tương lai của Giáo Hội này. Chúng ta tự hỏi Giáo hội Việt Nam có thật sự bước đi dưới ánh sáng của Công đồng và Thư chung năm 1980 không?


2. CÔNG ĐỒNG VATICAN II VÀ CUỘC CANH TÂN GIÁO HỘI VIỆT NAM


2.1. ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG ĐỒNG


40 năm qua như mời gọi chúng ta nhìn lại đoạn đường Giáo hội Việt Nam dưới ánh sáng Công đồng Vatican II để lượng định xem mình đã đi được bao nhiêu, căn cứ vào những tiêu chuẩn và sự thay đổi từ khi mới có Công đồng.


Chúng ta nhận thấy rằng, trong khoảng thời gian 1965 đến 1975, Giáo hội Việt Nam ở miền Nam đã tích cực đổi mới theo chiều hướng Công đồng trong nhiều lĩnh vực như phụng vụ, đào tạo linh mục, đời sống tu sĩ, giáo dục Kitô giáo, tông đồ giáo dân, và các phương tiện truyền thông xã hội, dù tình trạng chiến tranh có làm chậm bước tiến đôi chút so với các giáo hội khác. Bước tiến này tương đối đồng đều và trải rộng trên toàn khu vực, khác với nhiều giáo hội ở châu Âu và châu Mỹ, đã bị những áp lực nặng nề của các khuynh hướng đối nghịch sau Công đồng.


Thật vậy, Công đồng như thổi một luồng gió mới trên các giáo hội địa phương. Đi đến đâu người ta cũng nhắc đến: cải cách, cải thiện, thích nghi, đối thoại, hoà đồng, dấn thân, cập nhật hoá, cởi mở và đón nhận, làm việc tập thể và cộng đồng... Nhưng do hiểu theo ý riêng mình, thay vì theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nên những ý niệm trên dẫn tới những thái độ, hành động thái quá, hay bất cập mà không tìm được sự quân bình. Từ đó, ta thấy có nhiều khuynh hướng khác nhau: thụ động, cấp tiến, thủ cựu và trung dung…

 

Nhóm thụ động, chiếm đa số, tỏ ra lãnh đạm trước những thay đổi của Công đồng. "Họ ngờ vực những nghị quyết của Công đồng và chỉ chấp nhận cái mà họ cho là giá trị" (Đức Thánh Cha Phaolô VI, Diễn văn ngày 28-9-1965). Nhóm cấp tiến muốn đảo lộn và phá bỏ tất cả quá khứ, gây hoang mang, chia rẽ trong Giáo Hội với những đòi hỏi như cho phép linh mục được lập gia đình, phụ nữ được làm linh mục, được tự do ngừa thai bằng mọi phương tiện... khiến Đức Thánh Cha Phaolô VI phải báo động: "Giáo Hội đang phải trải qua một thời kỳ lo âu, tự chỉ trích, có thể nói là tự phá hoại. Gần như đó là một cuộc khuynh đảo bên trong, trầm trọng và phức tạp, không ai ngờ xảy ra sau Công đồng" (Diễn văn ngày 7-12-1968). Nhóm thủ cựu đã phản ứng ngược lại tất cả những đổi mới của Công đồng khi thấy số linh mục, tu sĩ sút giảm kinh khủng và các xáo trộn tiếp theo, nên muốn tìm về quá khứ như các cộng đoàn theo Đức cha Lefèbre dâng lễ bằng tiếng Latinh... May mắn thay vẫn còn có những người thiện chí, biết canh tân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, dựa trên những truyền thống thánh thiện và kinh nghiệm quý báu ngàn đời của Giáo Hội.


Tuy nhiên, dường như cuộc canh tân tốt đẹp của Giáo hội Việt Nam đã bị ngừng lại từ năm 1975 cho đến một vài năm gần đây. Người ta hầu như quên hẳn Công đồng sau những xáo trộn trầm trọng từ năm 1975. Thậm chí nhiều bản văn Công đồng đã bị đốt bỏ vì nỗi sợ hãi nào đó, nhất là ở các xứ đạo miền quê. Nhiều linh mục, tu sĩ, do công tác mục vụ bận rộn hoặc do đời sống kinh tế khó khăn, nên không có thời giờ đọc những văn kiện Công đồng. Đôi khi trong bài giảng hay giờ học, người ta nhắc đến Công đồng như một thứ gia vị thêm thắt vào cho vui hơn là một sự học hỏi nghiêm túc. Còn giáo dân thì hầu như không cần để ý đến Công đồng vì chẳng có tài liệu học hỏi, và dù có muốn cũng không biết học hỏi ở đâu.


Kết quả là đời sống đạo không mấy thay đổi hay tiến triển đối với nhiều thành phần Dân Chúa. Người ta vẫn giữ đạo theo kiểu sáng lễ, chiều kinh trong khuôn viên của nhà thờ, xứ đạo, chứ chưa đem đạo vào đời để đưa Tin Mừng thấm nhập vào mọi lĩnh vực xã hội như Công đồng đã khuyến khích và định hướng qua 16 văn kiện của mình. Dấu hiệu cụ thể nhất là số người trở lại đạo rất ít so với dân số Công giáo. Tỷ lệ người có đạo càng ngày càng giảm so với dân số cả nước. Tỷ lệ dân số Công giáo của Việt Nam trước Công đồng Vatican II được xếp vào hàng thứ 2 ở châu Á, chỉ thua Philippines. Bây giờ tụt xuống hàng thứ 4 sau cả Hàn Quốc và Đông Timor.


Từ cột mốc so sánh này, chúng ta có thể nói ánh sáng Công đồng còn khá mờ nhạt nơi tâm trí người tín hữu Việt Nam, nhất là ở miền Bắc. Hy vọng những buổi hội thảo về Công đồng nhân dịp kỷ niệm 40 năm sẽ giúp chúng ta thích thú đọc và học hỏi các văn kiện Công đồng, đồng thời tìm ra câu trả lời cho việc đổi mới Giáo hội và dân tộc Việt Nam theo đường hướng Công đồng Vatican II.


2.2. TÌM LẠI ÁNH SÁNG CỦA CÔNG ĐỒNG


Công đồng Chung Vatican II là tác động kỳ diệu của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn cộng đồng Dân Chúa trong cuộc lữ hành đức tin và những văn kiện Công đồng có giá trị tuyệt đối trong lĩnh vực đức tin và phong hoá. Vì thế, việc học hỏi các văn kiện Công đồng rất đáng cho chúng ta quan tâm để ta có thể đi đúng con đường canh tân Giáo hội và xã hội Việt Nam. Thật vậy, Công đồng "không chỉ ngỏ lời riêng với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu cầu danh Chúa Kitô, mà còn không ngần ngại nói với tất cả mọi người. Công đồng ao ước trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay" (HC Mục vụ Gaudium et Spes, số 2).


Việc học hỏi này nên bắt đầu ngay trong các chủng viện, dòng tu để đào tạo nhân sự cho tương lai, rồi tiếp tục với những khoá thường huấn cho các linh mục, tu sĩ đã tốt nghiệp hay đang hoạt động mục vụ. Việc học hỏi về Công đồng nên mở rộng cho giáo dân, nhất là các giáo dân ưu tuyển là những người đang giữ vai trò lãnh đạo trong các cộng đoàn như các thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, các huynh trưởng của các đoàn thể Công giáo Tiến hành... Nếu được, chúng ta cũng nên tổ chức các khoá hội thảo để trình bày cho cả những người ngoài Kitô giáo về các đề tài họ quan tâm.


Cần phải đánh tan quan niệm sai lầm nơi một số người cho rằng học hỏi về Công đồng là hoài cổ, là học một thứ gì đã lỗi thời, trong khi hiện nay có nhiều văn kiện của Toà Thánh cập nhật hơn, mới mẻ hơn và thực tế hơn. Văn kiện Công đồng thật ra chính là nền tảng cho tất cả những văn kiện sau này để xây dựng nên toà nhà giáo thuyết của Giáo Hội. Nếu không có nền tảng này, những gì xây dựng sau đó có thể dễ dàng sụp đổ.

 
Trong việc học hỏi và trình bày về Công đồng, chúng ta cần nhấn mạnh đến trục chính là Giáo hội học mà tất cả các văn kiện Công đồng nối kết vào đó để Giáo Hội nhìn lại mình và nhìn ra thế giới. Vì thế, 2 văn kiện nền tảng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các văn kiện khác đó là Hiến chế Tín lý Lumen Gentium và Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes.


Để trợ giúp và thúc đẩy việc học hỏi cũng như nghiên cứu, HĐGM VN cần sớm hoàn thành bản dịch chính thức và yểm trợ tài chính để in các tài liệu, tổ chức các khoá hội thảo, các buổi thi đố vui cho các em thiếu nhi, thi tìm hiểu về Công đồng cho các bạn thanh niên…


Tuy nhiên, trong công cuộc tìm lại ánh sáng của Công đồng Vatican II để soi dọi cho bước tiến của mình, Giáo hội Việt Nam xác tín rằng ánh sáng thật sự soi chiếu cho mọi người chỉ phát ra từ Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Ga 1,9.3-5).

 
3. TIẾN BƯỚC TRONG ÁNH SÁNG CỦA LỜI CHÚA


3.1. TỪ THƯ CHUNG 1980


Có thể nói rằng Thư Chung năm 1980 của HĐGMVN gửi toàn thể dân Chúa ngày 1-5-1980 trong Hội nghị Thường niên đầu tiên của các giám mục hai miền Nam-Bắc kể từ ngày nước nhà được thống nhất, được xem là kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ của HĐGM trong một số năm vừa qua. Phần thứ nhất của thư chung này giới thiệu một Hội Thánh vì loài người như một nguyên tắc nền tảng của Công đồng Vatican II (số 5-7). Phần thứ hai giới thiệu Hội Thánh trong lòng dân tộc như một sự áp dụng nguyên tắc trên đây vào hoàn cảnh đặc biệt của Giáo hội Việt Nam lúc đó để mời gọi người tín hữu gắn bó với Đức Giêsu Kitô (số 8), gắn bó với dân tộc và đất nước (số 9), cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc (số 10), xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc (số 11).


Khẩu hiệu hay phương châm rất ý nghĩa của thư chung này thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào (số 14). Phương châm ấy cũng gợi hứng cho các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài Giáo hội Việt Nam có những hoạt động hữu ích để phục vụ đồng bào trong thời gian qua.

 
3.2. ĐẾN ÁNH SÁNG LỜI CHÚA


Trong Hội nghị Thường niên của HĐGMVN vừa qua, các vị lãnh đạo trong Giáo hội đã công bố thư mục vụ với chủ đề Sống Lời Chúa mà không nhắc đến Thư Chung 1980 và phương châm sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc trên đây. Không phải là các thành viên của hội nghị không nhớ đến năm kỷ niệm này hay muốn phân biệt sống Phúc Âm khác với sống Lời Chúa, nhưng muốn mời gọi toàn thể cộng đồng dân Chúa tiến bước nhanh hơn, xa hơn để phục vụ hữu hiệu hơn, không phải chỉ mang lại hạnh phúc cho đồng bào mà còn cho cả gia đình nhân loại và toàn thể vũ trụ. Điều này chúng ta thấy được trình bày sống động trong ba phần chính của lá thư mục vụ năm nay.

 
Khi dùng từ Sống Lời Chúa thay cho Sống Phúc Âm, HĐGMVN như muốn nhắc nhở Lời Chúa không phải chỉ là những âm thanh, những câu Kinh Thánh, đặc biệt là các lời Tin Mừng trong bốn Phúc Âm, nhưng là một ngôi vị sống động của Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta không chỉ tìm hiểu, học hỏi, giải thích lời yêu thương này của Chúa Cha (số 2) mà còn phải tiếp xúc, gặp gỡ, yêu thương và cuối cùng hoà nhập trọn vẹn để trở thành một với Ngôi Lời Thiên Chúa (số 3) nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (số 4).

 
Trong một thế giới đang bị tác động bởi của toàn cầu hoá, bị lôi kéo chạy theo nền văn minh hưởng thụ vật chất, bị xâu xé bởi sự phân hoá giữa người giàu và người nghèo, bị xáo trộn khắp nơi vì chủ nghĩa khủng bố… thì việc sống Tin Mừng không chỉ giới hạn giữa lòng dân tộc mà người tín hữu còn được mời gọi để loan báo Tin Mừng cho đại gia đình Thiên Chúa hầu xây dựng một nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương.

 
Trong một đất nước mà dân số có đến 60% thuộc về giới trẻ đang khao khát sống đúng, sống tốt, sống đẹp, sống hào hùng nhưng lại không biết nguồn của chân thiện mỹ là ai. Một đất nước gần 51% dân số là phụ nữ nhưng nhiều người còn bị bạo hành trong gia đình, chưa được hưởng sự bình đẳng về giới. Một đất nước với 26% dân số sống dưới mức nghèo khổ trong khi một thiểu số giàu có ăn chơi phung phí. Một đất nước có hơn 20 triệu người uống rượu và nghiện rượu, hơn 5 triệu người khuyết tật với nhiều dạng khác nhau, trong đó có 1,2 triệu là trẻ em, hơn 3 triệu người goá bụa, đa sống là phụ nữ sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, 263.000 người nhiễm HIV/AIDS và dịch bệnh càng ngày càng lan rộng, 160.000 người nghiện ma tuý hầu như chưa tìm được cách phục hồi cho khỏi tái nghiện…

 

Trong một đất nước như thế thì việc sống Lời Chúa không đơn giản chỉ là sáng lễ chiều kinh với những câu Tin Mừng chú giải cách này hay cách khác. Sống Lời Chúa trên con đường đi tới của Giáo hội Việt Nam chính là gặp gỡ được Đức Kitô, gắn bó với Ngài và trở thành hình ảnh sống động của Ngài để có sức mạnh và tình yêu chữa lành những người bệnh tật, giúp đỡ những người đói khát và giải thoát cho những con người đang bị trói buộc bởi đủ loại xích xiềng (số 9-11). Sống Lời Chúa hôm nay còn là tìm đủ mọi phương cách, nhất là sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, để chia sẻ cho người khác những gì ta đón nhận được từ Đức Giêsu, giúp họ sống trọn vẹn giá trị của con người và của con Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa sự cứu độ mà Đức Giêsu muốn thể hiện qua chúng ta.


KẾT LUẬN

 

Kính thưa quý vị, con đường đi tới của Giáo hội Việt Nam cũng như của mỗi người chúng ta dưới ánh sáng của Lời Chúa như đang mở ra cho chúng ta những chân trời mới, chân trời của hy vọng, hoà bình và yêu thương cho con người, đồng thời cũng mang lại sự phồn vinh, tiến bộ và hạnh phúc cho đất nước.


Chúng tôi cầu chúc cho từng người trong Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô và hoàn thành nhiệm vụ cao cả được Người giao phó khi chúng ta cùng đi với nhau trên con đường sự thật và sự sống của Người.


Cầu chúc buổi toạ đàm thành công tốt đẹp.

Kính chúc quý vị luôn an mạnh và đầy ơn Chúa.

 

LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

TOP