GIÁO HỘI VIỆT NAM: VĂN KIỆN

 

 

TÔNG THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI

GỬI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRUNG QUỐC

 

THƯ MỤC VỤ NĂM 2005 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

HUẤN LUYỆN CHỦNG SINH VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

 

 

 

 

 

 

 

TÔNG THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI

GỬI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRUNG QUỐC

Chuyển dịch: Bs Nguyễn Tiến Cảnh

(Từ bản dịch Anh Ngữ của Vatican do văn phòng báo chí công bố ngày 30-6-2007)

 

 

LỜI TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH KHI CÔNG BỐ TÔNG THƯ:

Bác Ái, Hiệp Nhất và Sự Thật”

 

Qua bức tông thư này, được công bố trước công luận ngày hôm nay 30-6-2007, Đức Benedicto XVI đã bày tỏ lòng trìu mến và sự quan tâm cùa ngài đối với Cộng đoàn công giáo Trung Quốc. 

Hai vấn đề căn bản rõ ràng đã được đề cập đến trong bức tông thư này là:

1-     Tình yêu thiêng liêng sâu đậm đặc biệt đối với các tín hữu công giáo Trung Quốc và lòng ngưỡng mộ đối với nhân dân Trung Quốc.

2-     Thành khẩn kêu gọi trung thành với những nguyên tắc bất biến của truyền thống công giáo và Công Đồng Vatican II theo quan điểm của Giáo Hội. Do đó Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tình Bác Ái, tính Hiệp Nhất và Sự Thật.

Bức tông thư trực tiếp nói đến Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc và bàn về những vấn nạn tôn giáo nan giải hầu trả lời những thắc mắc đã có lúc các giám mục và linh mục Trung quốc trình bày với tòa thánh. Do đó đây không phải là một tài liệu về chính trị, càng không phải là một cáo buộc chính quyền mặc dù không thể làm ngơ không biết tới những khó khăn hiển nhiên mà Giáo Hội công giáo Trung Quốc hàng ngày đang phải gánh chịu.

Đức Thánh Cha nhắc lại “chương trình nguyên thủy” của Chúa Kitô đã phác họa cho Giáo Hội của Người rồi ủy thác cho các thánh tông đồ và những người kế vị các ngài là các giám mục. Theo đó Đức Thánh Cha đã để ý cứu xét những khó khăn mà Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc đã gặp phải trong 50 năm qua. Cũng từ “chương trình này”, Đức thánh cha -dưới sự linh hướng của Chúa Thánh Linh- đã đưa ra những hướng dẫn để thực hiện và giải quyết những vấn nạn nói trên trong tinh thần hiệp thông và sự thật.

Trong tông thư này, Đức Benedicto XVI cũng xác quyết rõ ràng là Ngài luôn luôn sẵn sàng đối thoại với chính quyền trong tinh thần xây dựng và hòa bình, hầu tìm ra một giải pháp giải quyết những vấn nạn liên quan đến cộng đoàn công giáo và tiến tới bình thường hóa bang giao giữa Tòa Thánh và chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, với chắc chắn rằng người công giáo được tự do tuyên xưng niềm tin của mình và làm chứng nhân đời sống một cách quảng đại, và như là những công dân tốt, họ cũng được góp phần vào lợi ích chung của nhân dân Trung Quốc.

 

*******

 

TÔNG THƯ CỦA ĐỨC BENEDICTO XVI

GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ VÀ NGƯỜI TÍN HỮU CÔNG GIÁO  

Ở  CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG QUỐC

 

“Sẵn sàng đối thoại xây dựng và tương kính”

-------------------------------

  

Lời chào mừng:

1- Anh em Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ và tất cả các tín hữu nam nữ trong Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc thân mến,

Chúng tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Thiên Chúa Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mỗi khi chúng tôi cầu nguyện cho anh chị em, bởi vì chúng tôi đã được nghe nói về niềm tin của anh chị em vào Chúa Kitô và về lòng mến của anh chị em đối với tất cả các thánh, bởi vì lòng cậy trông dành cho anh chị em trên thiên đàng….Chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện cho anh chị em và xin Thiên Chúa giúp cho anh chị em được am tường thánh ý Người với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết trong Chúa Thánh Linh để anh chị em sống xứng đáng với Chúa, làm đẹp lòng Người, sinh hoa kết trái trong mọi việc lành anh chi em làm và tăng dần sự hiểu biết Thiên Chúa hơn. Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh chị em sẽ trở nên mạnh mẽ hầu có thể kiên trì chịu đựng tất cả mọi khó nguy với sự vui mừng” (Col 1:3-5, 9-11).

Những lời này của thánh Phaolo tông đồ rất thích hợp với tôi là người kế vị thánh Phêrô và là chủ chăn phổ quát của Giáo Hội, để bày tỏ tình cảm mến của tôi với anh chị em.  Anh chị em biết rõ lòng tôi yêu mến anh chị em thế nào trong kinh nguyện hàng ngày cũng như sự liên đới hiệp thông sâu đậm thế nào đã nối kết chúng ta với nhau trong Chúa Thánh linh.

 

Mục đích của tông thư 

2- Do đó, tôi muốn gửi đến tất cả anh chị em tình thương yêu huynh đệ thắm thiết nhất của tôi. Với nỗi vui mừng vô kể, tôi biết được niềm tin vào Chúa Kito và Giáo hội của anh chị em, một niềm tin mà anh chị em đã chứng tỏ “đôi khi đã phải trả với giá quá đắt” (1), bởi vì “nhờ Chúa Kitô anh chi em đã được hưởng phúc không chỉ tin vào Người mà còn được chịu đau khổ vì Người”(Phil 1: 29). Tuy nhiên một vài mặt quan trọng về đời sống tín hữu nơi quí quốc đã khiến tôi phải đặc biệt quan tâm.

Không cần đi vào từng chi tiết một của những vấn đề phức tạp mà tất cả anh chị em đều đã biết, tôi ước mong, qua tông thư này, đưa ra một số hướng dẫn về đời sống của Giáo Hội và trách vụ rao giảng Tin Mừng Chúa ở Trung Quốc, để giúp anh chi em nhận thức ra được những điều mà Chúa, Thày chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, là “ chìa khóa, trung tâm điểm và mục đích của toàn thể lịch sử nhân loại” (2) đang kỳ vọng nơi anh chị em.

  

PHẦN MỘT

HIỆN TRẠNG CỦA GIÁO HỘI VỀ MẶT THẦN HỌC

Toàn cầu hóa, Đổi mới và Chủ nghĩa vô thần.

3- Nói đến dân tộc của anh chị em, tôi phải nói rằng đây là một dân tộc đặc biệt nổi danh ở Á Châu vì nền văn minh huy hoàng rất lâu đời với những kinh nghiệm từng trải về đức khôn ngoan, về triết học, nghệ thuật và khoa học. Tôi rất vui mừng nói lên điều này, nhất là trong những năm gần đây, quí quốc đã tiến những bước vững mạnh, đạt được những chỉ tiêu đáng kể về phát triển kinh tế xã hội, khiến toàn thể thế giới chú ý.

Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolo II đã có lần nói: “ Giáo Hội Công Giáo, về phần mình, đã rất coi trọng những bước tiến đáng nể này cũng như những kế hoạch dài hạn, đã kín đáo đề nghị góp phần  thăng tiến và bảo vệ con người nhân bản, giá trị nhân phẩm, linh đạo và ơn gọi siêu phàm. Giáo Hội cũng quan tâm rất nhiều đến những giá trị và mục đích thiết yếu hàng đầu trong việc canh tân đổi mới Trung Quốc là: Tinh thần Đoàn Kết,  tính Hòa Bình, sự Công Bằng xã hội và điều hành khôn khéo hiện tượng toàn cầu hóa” (3). 

Cấp bách đạt những phát triển cần thiết về xã hội, kinh tế cũng như những nghiên cứu  đổi mới thường kéo theo hai hiện tượng tương phản nhau. Tuy nhiên cả hai hiện tượng này cần phải được đánh giá một cách công bằng và khôn ngoan với một tinh thần tông đồ tích cực.  Một mặt, đặc biệt trong giới trẻ, người ta đã khám phá ra thấy có xu hướng chú ý về mặt tâm linh và con người nhân bản mà kết quả là họ tìm đến với tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo…. Mặt khác, cũng ở Trung Quốc, lại có những dấu chỉ đua đòi chạy theo vật chất và hưởng thụ đang lan tràn từ các thành phố lớn đến khắp cả nước. (4). 

Về mặt này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy SốngHành Động. Tôi muốn nhắc nhở anh chị em điều mà Đức Gioan Phaolo II đã từng đặc biệt nhấn mạnh: Công việc rao truyền Phúc Âm mới đòi hỏi tuyên xưng Phúc Âm cho con người mới với một nhận thức sắc bén là trong thiên niên kỷ I, Thánh Giá đã được dựng lên ở Âu Châu; trong thiên niên kỷ II, Thánh Giá được cắm ở Mỹ Châu và Phi Châu; trong thiên niên kỷ III mùa gặt hái vĩ đại Đức Tin sẽ xẩy ra ở đại lục Á Châu bừng sáng và bao la rộng lớn (6).

“Hãy ra khơi và thả lưới- Duc in altum” (Lk 5:4). Lời này hiện nay vẫn còn vang động nơi chúng ta như nhắc nhở chúng ta nhớ lại quá khứ với lòng tri ân, nhiệt tình sống với hiện tại và tin tưởng hướng về tương lai: “Chúa Giêsu Kitô là một ở hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Heb 13:8)” (7). Cũng tại Trung quốc, Giáo Hội được mời gọi để làm chứng nhân cho Chúa Kitô, nhìn về tương lai với niềm hy vọng, và –trong khi tuyên xưng Đức Tin- quí anh chị em có thể vượt qua mọi thách đố mới mà nhân dân Trung Quốc đang phải đương đầu.

Lời Chúa, một lần nữa, lại giúp chúng ta khám phá ra được ý nghĩa xâu xa huyền diệu của bước đường Giáo Hội đang đi ở trần thế. Thực ra, chủ đề của một trong những viễn kiến quan trọng nhất trong sách Khải Huyền là “Con Chiên” Thiên Chúa sắp sửa mở cuốn cảo bản trước kia đã được niêm phong kín không ai có thể mở ra được. Thánh Gioan đã phải khóc ròng vì không thể tìm ra được người xứng đáng để mở nó ra và đọc (Rev.5:4) Lịch sử vẫn còn khép kín không thể hiểu được. Cũng không ai có thể đọc được nó. Có lẽ thánh Gioan đã phải khóc trước vẻ huyển bí của lịch sử quá mờ tối đang nói lên những truy nã kinh hoàng đối với các Giáo Hội tại Á Châu trước sự thinh lặng của Thiên Chúa. Những kinh hoàng này rõ ràng phản chiếu nỗi khiếp đảm của chúng ta trước những khó khăn trầm trọng, những hiểu lầm và thù nghịch mà Giáo Hội ngày nay đang phải hứng chịu ở khắp mọi nơi trên mặt địa cầu. Chúng ta không thể hiểu được tại sao Giáo Hội lại phải qua những cơn thử thách như vậy, cũng như không thể hiểu nổi tại sao chính Chúa Giêsu cũng phải chịu cực hình như thế. Tuy nhiên những thử thách này đã làm nổi bật hai vấn đề:  một đằng là ác tính của con người khi mà họ tự mình buông thả mặc cho ma quỉ lôi kéo dụ dỗ, một đàng là sự nhiệm màu cao cả của những việc Chúa làm mà con người không tài nào hiểu nổi.” (8). 

Ngày nay, cũng như trong quá khứ, tuyên xưng Phúc Âm có nghĩa là rao truyền và làm chứng Chúa Kitô đã bị đóng đanh, chịu chết và sống lại là con Người Mới đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chúa đã dẫn đưa nhân loại / con người vào một khung trời mới trong đó lòng nhân hậu và tình thương, ngay cả đối với kẻ thù, có thể làm chứng Thánh giá đã chiến thắng mọi yếu đuối và xấu xa của con người. Ngay cả ở nơi quí quốc, tuyên xưng Chúa chịu cực hình chết trên thánh giá và sống lại, trong khi trung thành với Phúc Âm, hiệp thông với đấng kế vị thánh Phêrô tông đồ và Giáo Hội phổ quát , anh chị em cũng có thể thực thi dấu chỉ của Tình Yêu và Hiệp Nhất. ( “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã thương yêu anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thày là anh em có lòng thương yêu nhau,.….. như lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta.  Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Jn 13:34-35; 17:21).

 

Sẵn sàng đối thoại xây dựng và tương kính

4- Với tư cách là mục tử phổ quát của Giáo Hội, tôi chân thành cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho một cộng đoàn công giáo Trung Quốc luôn luôn trung thành với Đức Tin trong mọi hoàn cảnh cực kỳ khó khăn gai góc. Đồng thời, vì bổn phận thôi thúc và tình yêu cha con, tôi cảm thấy cấp bách phải xác nhận niềm tin của người công giáo Trung Quốc cũng như đặc biệt chấp nhận sự hiệp nhất của anh chị em với Giáo Hội.

Tôi cũng đặc biệt chú ý theo dõi những biến cố của toàn thể nhân dân Trung Quốc mà tôi đã từng thán phục với tình thân bằng hữu, vì vậy tôi ước mong “ những trao đổi và hợp tác cụ thể giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc mau mau được thiết lập.  Tình bằng hữu cần phải được nuôi dưỡng bằng tiếp xúc thường xuyên, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong mọi hoàn cảnh, bằng tình liên đới và tương trợ giúp đỡ nhau” (9). Để thảo luận vấn đề này, vị tiền nhiệm của tôi đã nói: “Nhân danh toàn thể Giáo Hội công giáo, vì phúc lợi của toàn thể đại gia đình nhân loại, tôi tin rằng chẳng có gì là bí mật là Tòa Thánh ước mong có những đối thoại với chính quyền của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Một khi những hiểu lầm trong quá khứ không còn nữa thì cuộc đối thoại có thể giúp chúng ta cùng nhau làm việc vì công ích của nhân dân Trung Quốc và hòa bình thế giới”. (10)

Tôi biết rằng quan hệ bình thường với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đòi hỏi phải có thời gian và lợi ích cho cả đôi bên. Về phía Giáo Hội, Tòa Thánh luôn luôn sẵn sàng mở rộng cửa để thương lượng, nếu còn tồn đọng những khó khăn hiện tại cần phải giải quyết.

Những hiểu lầm và khó khăn ngờ vực, nếu còn thì sẽ chẳng giúp ích được gì cho cả chính quyền Trung Quốc lẫn Giáo Hội công giáo ở Trung Quốc. Như Đức Gioan Phaolo II đã nói –khi ngài nhắc lại điều mà cha Matteo Ricci viết cho ngài từ Bắc Kinh- “Giáo Hội Công Giáo hôm nay không đòi hỏi nhà nước và chính quyền Trung Quốc một đặc ân nào cả mà chỉ xin được trở lại đối thoại để thiết lập bang giao trên nền tảng tương kính và thông cảm nhau đậm đà hơn” (12). Chúng tôi cam đoan với nhà cầm quyền Trung Quốc rằng Giáo Hội Công Giáo, một lần nữa, thành thật đề nghị được phục vụ cách khiêm tốn và vô vị lợi trong khả năng của mình cho thiện ích của người công giáo Trung Quốc và toàn thể nhân dân quí quốc.

Chừng nào có bang giao giữa cộng đồng chính trị và Giáo Hội ở Trung Quốc thì lúc đó việc nhắc nhở đến những lời giáo huấn của Công Đồng Vatican II mới là việc đáng làm là: “Giáo Hội, vì trách nhiệm và khả năng của mình, không có căn tính của một cộng đồng chính trị cũng như không dính dáng gì đến bất cứ một hệ thống tổ chức chính trị nào cả. Giáo Hội đồng thời là dấu chỉ và bảo vệ chiều kích siêu phàm của con người nhân bản”. …” Cộng đồng chính trị và Giáo Hội hoàn toàn tự trị và độc lập với nhau trong mọi phạm vi sinh hoạt của mình. Cả hai tổ chức, mặc dù với danh hiệu khác nhau, đều có mục đích phục vụ ơn gọi xã hội và cá thể của cùng một cá nhân. Việc phục vụ này sẽ có hiệu quả và sinh nhiều hoa trái hơn cho tất cả mọi người nếu cả hai tổ chức này cùng nhau hợp tác chặt chẽ hơn trong mọi lúc và ở mọi nơi. (13)

Vì vậy, Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc không có sứ mạng thay đổi cơ cấu tổ chức hoặc quản trị hành chánh của nhà nước; ngược lại Giáo Hội có bổn phận, dựa vào quyền năng của Thiên Chúa khi thi hành xứ vụ đặc thù của mình, tuyên xưng cho mọi người biết Chúa Kito là đấng cứu chuộc nhân loại. Như tôi đã nói trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu / Deus Caritas est: “Giáo Hội không thể và không được tham gia vào công cuộc tranh đấu chính trị để đem lại một xã hội công bằng nhất. Giáo Hội cũng không thể và không được thay thế Nhà Nước. Nhưng đồng thời Giáo Hội cũng không  thể và không được làm ngơ, đứng bên lề công cuộc tranh đấu cho công bằng công lý.  Giáo Hội phải đóng góp những tranh luận hữu lý và phải làm sống lại nghị lực tâm linh mà nếu không có nó thì công lý -là điều luôn luôn đòi hỏi phải hy sinh- sẽ không thể được thực hiện và phát triển được. Một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, không phải là thành quả của Giáo Hội. Tuy nhiên cổ võ công bằng / công lý với tâm hồn cởi mở  và ước nguyện công ích vẫn là điều mà Giáo Hội hằng lưu tâm. (14). 

Dựa vào những nguyên tắc rõ ràng này, giải quyết những vấn đề hiện có không thể tiếp tục theo đuổi những bất đồng đang xẩy ra với chính quyền dân sự; tuy nhiên cũng trong chiều hướng đó, không thể tuân theo những chính quyền này được khi mà họ ngang nhiên can thiệp vào những vấn đề thuộc phạm vi đức tin và qui luật / nguyên tắc của Giáo Hội. Chính quyền cũng đã biết chắc chắn rằng Giáo Hội, qua giáo huấn của mình, luôn luôn thôi thúc nhắc nhở giáo dân trở nên những công dân tốt, những cộng sự viên có kỷ luật và tích cực cho công ích của quê hương đất nước họ. Ngược lại Giáo Hội đòi hỏi nhà nước cũng phải bảo đảm cho những công dân công giáo đó được hoàn toàn độc lập và tự do thực thi đầy đủ niềm tin của họ.

 

Thông công giữa những Giáo Hội địa phương trong Giáo Hội phổ quát 

5- Anh chị em trong Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc thân ái, anh chị em là một đoàn chiên nhỏ bé nhưng tích cực, đang hiện diện trong một đất nước bao la rộng lớn giữa một dân tộc đông đảo đang hành trình đi qua lịch sử. Lời Chúa nói như khuyến khích hướng dẫn anh chị em: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, bởi vì Thiên Chúa là Cha anh em đã vui mừng ban Nước Trời cho anh em” (Lk 12:32). “Anh em là muối cho đời….là ánh sáng của trần gian”. Do đó hãy để ánh sáng chiếu soi cho mọi người để họ nhận biết việc lành anh chị em làm và vinh danh Thiên Chúa là Cha anh chị em ở trên thiên đình” (Mt 5:13, 14,16). 

Trong Giáo Hội Công Giáo ở Trung  Quốc có sự hiện diện của Giáo Hội phổ quát là Giáo Hội của Chúa Kitô mà chúng ta đã tuyên xưng trong kinh Tin Kính là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền, nghĩa là cộng đoàn phổ quát của các môn đệ của Chúa Kitô.

Như anh chị em biết, sự hiệp nhất xâu đậm đã gắn bó những Giáo Hội địa phương ở Trung Quốc lại với nhau, và tương tự như vậy họ thông công mật thiết với những Giáo Hội địa phương khác trên khắp hoàn vũ. Sự hiệp thông đó có chung một nguồn gốc, không phải chỉ vì chung một niềm tin và một phép  rửa tội, nhưng trên hết là do bí tích Thánh Thể và cùng một chủ chăn.(15)  Cũng như vậy, hiệp nhất với chủ chăn là Đức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô, là nền tảng và nguồn gốc  hữu hình đời đời sẽ tiếp tục qua nhiều thế kỷ với sự nối tiếp của các thánh tông đồ; đó là căn tính nền tảng của Giáo Hội qua mọi thời đại, một Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập mà thánh Phêrô và các thánh tông đồ là nền móng. (17) 

Giáo lý công giáo dạy rằng Giám Mục là nguồn gốc hữu hình và là nền tảng của sự hiệp nhất trong một Giáo Hội địa phương, trong đó sứ vụ mục tử đã được trao phó cho ngài.(18) Nhưng để trở thành một Giáo Hội trọn vẹn, tất cả các Giáo Hội địa phương cần phải có sự hiện diện của quyền lực tối cao của Giáo Hội là Giám Mục Đoàn, đứng đầu là Đức Giáo Hoàng và không một ai được tách rời khỏi Ngài. Do đó thừa tác vụ của đấng kế vị Thánh Phêrô thuộc về bản chất của mỗi một Giáo Hội địa phương khởi từ “nội tại”.(19) Ngoài ra, sự hiệp thông của tất cả những Giáo Hội địa phương trong một Giáo Hội Công Giáo duy nhất, và khởi nguồn từ đó có sự hiệp thông phẩm trật và tông truyền của tất cả các Giám mục là những người kế vị các thánh tông đồ cùng với đấng kế vị thánh Phêrô, là bảo đảm cho sự hiệp nhất niềm tin và đời sống của mọi tín hữu. Do đó, để có sự hiệp nhất với Giáo hội trong những quốc gia cá biệt thì tất cả các giám mục cần phải hiệp thông với nhau và với Đức Giáo Hoàng một cách cụ thể và rõ ràng. 

Không một ai ở trong Giáo Hội là kẻ xa lạ, nhưng tất cả đều là công dân của cùng một dân tộc, là chi thể của cùng một nhiệm tích thân thể của Chúa Kitô. Mối dây nối kết hiệp thông thánh này chính là bí tích thánh thể, được bảo đảm bởi thừa tác vụ của các giám mục và linh mục. (20). 

Toàn thể Giáo Hội hiện diện ở Trung Quốc đều được kêu gọi để sống và thể hiện sự hiệp nhất này trong tinh thần hiệp thông một cách dồi dào để cho Giáo Hội có thể phát triển trong sự hiệp thông cùng các phẩm trật trong Giáo Hội một cách nhịp nhàng hòa điệu, mặc dù chính Giáo Hội cũng đang ở trong những cảnh huống phức tạp và khó khăn. Vì vậy cả giáo sĩ lẫn giáo dân đều được kêu gọi để bênh vực và bảo vệ giáo lý và truyền thống của Giáo Hội.

 

Áp lực và phân hóa trong Giáo Hội: Tha Thứ và Hòa Giải

6- Trong tông thư “Novo Millennio Ineunte” nói về toàn thể Giáo Hội, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolo II đã nói: “một phạm vi quan trọng trong đó -về phía Giáo Hội phổ quát và những Giáo Hội địa phương- cam kết và hoạch định là những đòi hỏi để có hiệp thông, nó thể hiện bản chất huyền nhiệm của Giáo Hội. Hiệp thông chính là thành quả nói lên tình yêu của Thiên Chúa Cha hằng hữu đổ tràn trên chúng ta qua Chúa Thánh linh mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta (cf.Rom 5:5), để tất cả chúng ta trở nên ‘một lòng một trí ’ (Acts 4:32).  Chính trong khi xây dựng  hiệp thông tình yêu thì Giáo Hội đã chứng tỏ là ‘nhiệm màu’, là ‘dấu chỉ và khí cụ nối kết mật thiết với Chúa và giữa con người với nhau’. Về điểm này, lời Chúa  quả là quá rõ ràng, không thể hiểu cách nào khác được. Có nhiều việc cần thiết cho cuộc hành trình của Giáo Hội suyên suốt lịch sử, không phải chỉ trong niên kỷ mới này đâu; nhưng nếu không có Tình Yêu Bác Ái  (Agape)  thì tất cả sẽ chẳng là gì cả. Thánh Phaolo Tông Đồ, trong bài thánh ca Tình Yêu, đã nhắc nhở chúng ta: cho dù chúng ta nói được những ngôn ngữ  lạ kỳ, cho dù chúng ta có đức tin có thể ‘chuyển núi rời non’  nhưng không có đức Bác Ái, thì tất cả cũng ‘chẳng là gì cả’ (cf. 1Cor 13:2).  Tình Yêu / Bác Ái chính thực là ‘trái tim, trung tâm điểm’ của Giáo Hội”. (21)

Những vấn đề này liên quan đến chính bản tính của Giáo Hội phổ quát hẳn có một ý nghĩa đặc biệt đối với Giáo Hội hiện có ở Trung Quốc. Thực vậy,  như anh chị em biết, đây là những vấn đề mà Giáo Hội đang tìm cách giải quyết, cả trong nội bộ Giáo Hội lẫn ngoài xã hội dân sự. Đó là vấn đề Áp lực, Phân hóa và Chống đối.   

Về vấn đề này, năm ngoái, khi nói về Giáo Hội sơ khai, tôi đã có dịp nhắc lại: “Từ khởi đầu, cộng đoàn của các môn đệ đã nhận biết không phải chỉ có niềm hân hoan nơi Chúa Thánh Thần, là ân sủng Chân Lý và Tình Yêu mà còn có cả những thử thách, quan trọng nhất là những bất đồng về chân lý niềm tin mà kết quả đã làm tổn thương đến sự hiệp thông. Cũng như là sự hiệp thông tình yêu đã có từ đầu và sẽ tiếp tục cho đến cuối cùng (cf.1Jn:1ff), thì sự phân hóa ngay từ đầu cũng không may đã xẩy ra. Chúng ta không nên ngạc nhiên những điều đó cũng đang xẩy ra ở thời đại ngày nay…Thực vậy, ở xã hội trần thế cũng như ngay cả trong Giáo Hội, vì con người yếu đuối nên niềm tin, đức ái và tình huynh đệ cũng có nguy cơ mất mát tổn thương. Do đó, đã có những trách vụ đặc biệt cho những người tin vào Giáo Hội Tình Yêu và muốn sống trong Giáo Hội để nhận biết ra sự nguy hiểm này”. (22)

Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta thấy hiệp thông thực sự không thể được thể hiện mà không có những gian nan cố gắng nơi phép hòa giải. (23). Thực vậy, thanh tẩy ký ức, tha thứ cho những người lầm lỗi, quên đi những bất công mình đã chịu và tái tạo sư bình thản cho những tâm hồn bị xáo trộn với tình âu yếm, tất cả những điều đó -để được hoàn thành vì danh Chúa Giêsu chịu đau khổ, chịu chết trên thánh giá và sống lại- đòi hỏi chúng ta phải vượt khỏi những giới hạn cá nhân hoặc quan điểm riêng tư đã phát sinh ra từ những kinh nghiệm gian nan khổ đau. Đó là những bước phải làm cấp kỳ nếu muốn cho mối dây nối tiếp hiệp thông giữa giáo dân và mục tử của Giáo Hội tại Trung Quốc lớn mạnh và  trở thành hiện thực.  

Vì lý do này, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã nhiều lần kêu gọi anh chị em hãy tha thứ và hòa giải. Về việc này, tôi rất hân hoan nhắc lại một đoạn  trong thông điệp mà ngài đã gửi cho anh chị em dịp cận kề năm thánh 2000: “Để chuẩn bị Năm Thánh, anh chị em hãy nhớ rằng theo truyền thống kinh thánh, lúc này là dịp để tha thứ cho những ai mắc nợ mình, đền bù cho những người mà mình đã đối xử bất công và làm hòa với những người xung quanh. Anh chị em cũng đã nghe lời loan truyền ‘niềm vui lớn lao cho mọi người’: Lòng từ bi và khoan dung của Thiên Chúa Cha, Sự Cứu Chuộc nhân loại của Chúa Kitô. Cho đến nỗi chính anh chị em cũng sẵn sàng chấp nhận lời loan truyền niềm vui này và anh chị em có thể sẽ loan truyền nó, bằng đời sống của anh chị em, cho mọi người chung quanh anh chị em. Ước mong tha thiết của tôi là anh chị em sẽ đáp lại tiếng gọi lương tâm, nhờ Chúa Thánh Linh, để tha thứ cho nhau bất cứ điều gì cần phải thứ tha, để đến gần với nhau hơn, để chấp nhận nhau và để dẹp tan tất cả mọi trở ngại hầu vượt thắng tất cả căn nguyên đưa đến phân hóa.  Đừng quên lời Chúa Giêsu nói trong bữa tiệc ly: ‘Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ ta, nếu anh em có lòng yêu thương nhau’ (Jn 13:35). Tôi đã reo mừng khi nhận biết rằng anh chị em đã có ý dâng tặng vật quí hóa nhất của anh chị em vào dịp Năm Thánh là cùng nhau hiệp nhất và hiệp nhất với đấng kế vị Thánh Phêrô. Chủ tâm này chỉ có thể là thành quả do Chúa Thánh linh hướng dẫn Giáo Hội trên bước đường gian khổ hòa giải và hiệp nhất”. (24)

Tất cả chúng ta đều nhận biết rằng  cuộc hành trình này không thể một sớm một chiều có thể hoàn tất được. Nhưng anh chị em hãy tin rằng toàn thể Giáo Hội sẽ hiệp lực cùng nhau cầu nguyện liên lỷ cho anh chị em cho đến thành công. 

Ngoài ra, xin anh chị em nhớ rằng, bước đường hòa giải của anh chị em được hỗ trợ bởi gương sống và lời cầu nguyện của biết bao nhiêu là “chứng nhân niềm tin” đã chiu đau khổ và tha thứ, đã dâng hiến trọn đời mình cho tương lai của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Chính sự hiện hữu của họ tiêu biểu cho ơn phúc của anh chị em trước mặt Thiên Chúa Cha ở trên thiên đàng, và sự tưởng nhớ họ sẽ chẳng bao giờ ngừng sinh hoa kết trái dồi dào.

 

Những Giáo Đoàn và những tổ chức môi giới của nhà nước:

Liên hệ để được sống trong sự thật và bác ái    

7- Phân tích cẩn thận tình trạng đau buồn như nói ở trên về những khác biệt trầm trọng (cf mục 6 ở trên) nơi giáo dân và giáo sĩ, cho ta thấy rằng, có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố quan trọng có tính quyết định đời sống cộng đoàn công giáo là do nơi các tổ chức của chính quyền. Thực ra cho đến nay, một cộng đoàn, một nhân vật hay một cơ sở tôn giáo được coi là hợp pháp, có nghĩa là được “chính thức” hoạt động vẫn là do những tổ chức này công nhận. Việc này đã gây nên  phân hóa giữa giáo sĩ và giữa giáo dân. Đây là một tình trạng, tiên khởi là do những yếu bên ngoài Giáo Hội, nhưng nó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Giáo Hội, tạo nên nghi ngờ, tố cáo và chống phá lẫn nhau đã làm suy yếu Giáo Hội khiến Giáo Hội phải quan tâm lo lắng.

Liên quan đến vấn đề tế nhị trong giao tế cần phải có với những cơ quan nhà nước,  Công Đồng Vatican II lại cho chúng ta biết là phải tuân theo những lời dạy và cách hành sử của Chúa Giêsu Kito. Thực vậy, Chúa không mong ước  là một thiên sai chính trị có thể thống quản bằng bạo lực (25), nhưng thích gọi mình là Con Người (=Đức Kitô), đến để phụng sự và ‘hy sinh mạng sống mình hầu cứu chuộc muôn dân’ (Mk 10:45). Người tỏ ra là một Đầy Tớ toàn hảo của Thiên Chúa (26) ‘sẽ không bẻ gẫy cây sậy đã bị dầm bập, không lỡ vùi tắt ngọn đèn đang leo lắt’ (Mt 12:20). Người đã công nhận chính quyền dân sự với những quyền hạn của họ khi Người ra lệnh cho những kẻ theo Người phải đóng thuế cho Caesar, nhưng Người cũng cảnh cáo rõ ràng rằng phải tôn trọng quyền bính tối cao hơn thế nữa của Thiên Chúa. Do đó: “Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar, trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22:21). Sau cùng, Người đã đưa những điều mạc khải về mình đến viên mãn toàn hảo khi Người hoàn thành công cuộc cứu chuộc trên Thánh Giá, đem lại tự do thực cho nhân loại. Người đã làm chứng cho sự thật (27), nhưng Người từ chối dùng bạo lực để áp đặt sự thật lên những kẻ tuyên bố chống lại sự thật. Nước của Người được thiết lập không phải do bạo lực, nhưng bằng chứng nhân sự thật và biết lắng nghe sự thật. Nước của Người phát triển bởi tình yêu mà nhờ đó khi Chúa Kitô bị đưa lên thập giá thì cũng kéo mọi người đến với Người (cf.Jn 12:32)”. (29)

Sự thật và bác ái là hai cột trụ nâng đỡ đời sống của cộng đoàn Kito giáo. Vì lý do đó, tôi đã nhận thấy “Giáo Hội Tình Yêu cũng là Giáo Hội Sự Thật,  tiên khởi được hiểu như là sự trung thành với Phúc Âm đã được Chúa Giêsu ban cho những kẻ theo Người….Tuy nhiên, để cho gia đình con cái Thiên Chúa được sống trong hiệp nhất và bằng an thì cần phải có người có quyền uy gìn giữ nó trong sự thật và hướng dẫn nó một cách sáng suốt  khôn ngoan. Đó là điều mà sứ vụ các Tông Đồ đòi hỏi. Ở đây, chúng tôi muốn nói tới một điểm quan trọng:  Giáo Hội hoàn toàn là Thánh Linh, nhưng cũng có một cấu trúc, sự nối tiếp các thánh tông đồ để có thể bảo đảm cho sự trường tồn của Giáo Hội trong sự thật mà Chúa Kitô đã ban cho, nhờ Người mà chúng ta có khả năng yêu thương….Do đó, các thánh tông đồ và những người kế vị các ngài là những người bảo quản và chứng nhân  sự thật có uy quyền, như là của cải đã được ký thác nơi Giáo Hội; như vậy họ là những thừa tác viên bác ái. Đây là hai khía cạnh đi song hành…..Sự Thật và Tình Yêu là hai bộ mặt của một tặng vật đã được Thiên Chúa ban cho chúng ta, và nhờ tác vụ của các thánh tông đồ nó đựoc bảo quản nơi Giáo Hội và truyền ban cho chúng ta cho đến ngày nay!”. (30)

Vì vậy, Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng “chúng ta vẫn phải kính trọng và yêu thương những người có những suy nghĩ khác với chúng ta về những vấn đề xã hội, chính trị và tôn giáo. Thực vậy, càng hiểu được những cách suy nghĩ của họ một cách sâu sa, nhờ lịch thiệp và yêu thương thì chúng ta càng dễ dàng đi đến đối thoại với họ”. Nhưng, cũng Công Đồng Vatican II  khuyên chúng ta: “Dĩ nhiên, không phải vì Yêu thương và Lịch thiệp kiểu này, mà chúng ta có quyền thờ ơ với chân lý và thiện hảo”. (31)

Nhìn vào chương trình nguyên thủy của Chúa Giêsu, (32) rõ ràng chúng ta thấy rằng một số tổ chức được nhà nước hỗ trợ nhưng lại không có dính dáng gì với Giáo Hội, đã đòi quyền vượt trên các Giám mục và điều khiển đời sống cộng đoàn của Giáo Hội thì không phù hợp với giáo lý công giáo, một nguyên tắc đòi hỏi Giáo Hội phải là “tông truyền”, như Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh. Giáo Hội là tông truyền “từ  nguyên thủy của mình, bởi vì Giáo Hội đã được thiết lập trên nền tảng các thánh tông đồ (Eph 2:20). Giáo Hội là tông truyền vì giáo huấn của Giáo Hội giống như giáo huấn của các thánh tông đồ. Giáo Hội là tông truyền bởi lý do cơ cấu tổ chức cho đến nay vẫn được truyền dạy, thánh hóa và hướng dẫn bởi các thánh tông đồ xuyên qua các đấng kế vị là các đức giám mục đang thông công với đấng kế vị thánh Phêro, cho đến khi Chúa Kito giáng lâm trở lại”.(33). Do đó trong mỗi Giáo Hội địa phương, nhân danh Thiên Chúa,  Giám mục địa phận (và chỉ một mình ngài thôi) có quyền chăn dắt đoàn chiên đã được trao phó, và ngài hành xử như là mục tử trực tiếp, đích thực và bản quyền”. (34) Ngoài ra trên bình diện quốc gia, chỉ có hội đồng giám mục hợp pháp mới có thể ban hành những hướng dẫn mục vụ, có giá trị áp dụng cho toàn thể cộng đoàn công giáo của cả nước. (35) 

Như vậy, các tổ chức nói ở trên tuyên bố là để thi hành “những nguyên tắc độc lập và tự trị, tự quản và dân chủ của Giáo Hội là trái ngược với giáo lý công giáo, không đúng như trong kinh Tin Kính từ ngàn xưa đã tuyên xưng Giáo Hội là “Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”.

Dưới ánh sáng của những nguyên tắc đã nêu ra, các mục tử / giáo sĩ và giáo dân nên nhớ rằng việc rao truyền Phúc Âm, giảng dạy giáo lý và hoạt động bác ái, thi hành phụng tự và phụng vụ cũng như tất cả các chọn lựa mục vụ, tất cả đều thuộc thẩm quyền duy nhất của các giám mục và các linh mục trong cùng một đường dây liên tục không đứt đoạn về đức tin được lưu truyền xuống từ các thánh tông đồ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Do đó nó không thể bị chi phối bởi bất cứ một can thiệp nào từ bên ngoài.

Trong hoàn cảnh khó khăn này, một số thành viên trong cộng đoàn công giáo hỏi rằng để chính quyền dân sự chấp nhận –cần thiết để được hoạt động một cách chính thức/công khai- thì liệu có vi phạm sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ hay không? Tôi rất hiểu đây là một vấn đề gây băn khoăn, áy náy và đau nhức trong tâm của mọi mục tử và giáo dân. Ở điểm này, tiên khởi, tôi xin xác quyết rằng việc cương quyết và can đảm bảo toàn báu vật đức tin và bí tích hiệp thông phẩm trật, tự nó không đối nghịch với đối thoại với chính quyền về những khía cạnh của đời sống cộng đoàn giáo hội trong phạm vi dân sự. Chấp nhận sự công nhận của chính quyền dân sự có lẽ cũng chẳng có gì là khó khăn miễn là việc đó không chối bỏ những nguyên tắc bất biến về đức tin của cộng đoàn giáo hội.  Tuy nhiên, không phải là không có trường hợp đặc biệt, mà thực ra là hầu hết mọi trường hợp, trong khi cứu xét để chấp nhận, thì một số bộ phận đã can thiệp buộc những người có liên quan phải chấp nhận những thái độ, tỏ những cử chỉ và cam kết những điều trái với tiếng gọi lương tâm của người công giáo. Do đó, tôi hiểu, quả là khó khăn biết bao khi phải quyết định một chọn lựa chính xác trong nhiều trường hợp và điều kiện khác nhau. Vì lý do đó, Tòa Thánh, sau khi tái xác định các nguyên tắc thì để cho từng cá nhân giám mục tự quyết định sau khi tham khảo ý kiến của các linh muc thuộc quyền;  Giám mục là người hiểu rõ tình trạng địa phương hơn có thể cân nhắc những khả thi chọn lựa cụ thể và đánh giá những hậu quả có thể  trong giáo phận của mình. Có thể có những quyết định sau cùng không được sự đồng tình của tất cả các linh mục và giáo dân. Tuy nhiên, tôi cũng bày tỏ niềm hy vọng là quyết định đó rồi cũng sẽ được chấp nhận cho dù có phải đau khổ, và sự hiệp nhất của cộng đoàn giáo phận với vị mục tử của mình sẽ được duy trì. 

Sau cùng, mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp, nếu các Giám Mục và Linh Mục, với tâm hồn mục tử thực sự, tiến những bước có thể hầu tránh gây nên tình trạng tai tiếng, nắm lấy cơ hội để  thiết tạo lương tâm cho người tín hữu, nhất là những người yếu đuối nhất: Tất cả những điều này phải được biểu lộ trong tình hiệp thông cộng đoàn và hiểu biết huynh đệ, tránh xét đoán và kết án lẫn nhau. Cũng trong trường hợp này, chúng ta cần phải để ý, nhất là ở những nơi thiếu tự do, là –để đánh giá một hành vi đạo đức- chúng ta cần phải chú ý đặc biệt đến ý nghĩ thực của người liên hệ, cộng thêm với những thiếu sót khách quan. Mỗi một trường hợp đều cần phải được cân nhắc riêng rẽ,  để ý đến từng hoàn cảnh một.

 

Hàng Giám Mục Trung Quốc 

8- Trong Giáo Hội –thần dân Thiên Chúa- chỉ có những thừa tác viên có chức thánh được truyền chức hợp lệ sau khi đã được đào tạo và huấn luyện đầy đủ, mới có thể thi hành chức vụ “giảng dạy, thánh hóa và cai quản”. Đối với giáo dân, thì khi nào có phép của Giám mục, mới có thể thi hành các thừa tác vụ  trợ tá liên quan đến việc truyền bá đức tin.

Trong những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, những hiền huynh Giám Mục, đã gặp nhiều khó khăn, bởi vì những người không được “truyền chức”, đôi khi cũng không được rửa tội, đã điều khiển và ra những quyết định liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng thuộc về Giáo Hội, gồm cả việc bổ nhiệm các Giám Mục với danh nghĩa của những tổ chức của nhà nước. Vì vậy, chúng ta đã chứng kiến cảnh coi thường các thừa tác vụ của thánh Phêrô và các giám mục mà theo quan điểm của Giáo Hội thì ngay cả Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh mục, trong thực tế (nếu vi phạm như vậy) cũng sẽ mất hết mọi quyền hành và chức vụ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các thừa tác vụ của thánh Phêro và hàng Giám mục vẫn là những yếu tố chính và trọn vẹn của giáo lý công giáo về cấu trúc bí tích của Giáo Hội. Bản tính của Giáo Hội là một tặng vật Chúa Giêsu ban, bởi vì chính “Người đã để cho, kẻ thì làm tông đồ, người thì làm tiên tri, kẻ thì rao giảng tin mừng, người thì làm mục tử và thày dạy. Nhờ vậy các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô” (Eph 4:11-13).

Hiệp thông và Hiệp nhất –như đã nói ở trên, phần 5- là những yếu tố chính và trọn vẹn của Giáo Hội Công Giáo, do đó đề nghị một Giáo Hội “tự trị” (độc lập với Tòa Thánh), về phương diện tôn giáo, là trái với giáo lý công giáo.

Tôi biết rõ những khó khăn trầm trọng mà các hiền huynh đang phải đương đầu với tình trạng nói trên, hầu giữ vững niềm tin vào Chúa Kitô, vào Giáo Hội của Người và đấng kế vị thánh Phêrô. Hãy nhớ rằng –như thánh Phaolo đã nói (cf.Rom 8:35-39)- không có khó khăn nào có thể ngăn cách / cản trở chúng ta khỏi tình yêu Chúa Kitô. Tôi tin chắc rằng, nhờ ân sủng Chúa, các hiền huynh sẽ làm mọi sự có thể để bảo toàn sự hiệp nhất và hiệp thông với Giáo Hội cho dù có phải trả những giá rất đắt.

Nhiều thành viên trong hàng Giám Mục của quí hiền huynh là những người đã lèo lái Giáo Hội trong những thập niên gần đây đã đề nghị và còn tiếp tục đề nghị làm chứng nhân sáng ngời cho các cộng đoàn của mình và của Giáo Hội hoàn vũ. Một lần nữa, hãy hát lên bài ca tạ ơn chân tình vinh danh đấng “mục tử trưởng” (1Pet 5:4). Thực vậy, đừng quên rằng đã có nhiều Giám Mục từng bị truy nã và ngăn cấm không cho thi hành thiên chức của mình, và có những vị đã hy sinh đổ máu tạo nên thành quả huy hoàng cho Giáo Hội. Thời đại mới, thách đố mới, rao giảng Tin  Mừng kiểu mới đang làm sáng ngời  trách nhiệm mục vụ của hàng Giám mục. Như Đức cố Gioan Phaolo II đã nói với các mục tử từ khắp thế giới tụ tập về Roma để mừng Năm Thánh: mục tử là người đầu tiên có trách nhiệm khuyến khích cộng đoàn dân Chúa cả về hiệp nhất lẫn truyền bá Tin Mừng.. Vì chủ nghĩa tương đối và thuyết chủ quan đang hủy hoại nền văn hóa đương đai, nên các Giám Mục được kêu gọi đứng lên để bảo vệ và cổ võ sự hiệp nhất giữa các tín hữu. Nghĩ đến từng trường hợp niềm tin đã bị mất hoặc chưa được nhận  biết, các giám mục phải làm việc cật lực để truyền bá phúc âm, đào tạo linh mục, tu sĩ và giáo dân để làm nhiệm vụ này và phải tìm kiếm mọi tài nguyên cần thiết có thể có”. (37)

Cũng trong trường hợp này, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã nhắc nhở rằng: “Giám Mục, người kế vị các thánh tông đồ, phải là người trong đó Chúa Kitô là tất cả: ‘Vì đối với tôi, sống là Chúa Kitô….’ (Phil 1: 21). Giám mục phải luôn luôn là chứng nhân cho điều đó trong mọi hành động của mình. Công Đồng Vatican II đã dạy: ‘Các Giám mục phải tận hiến  đời mình cho trách vụ tông đồ như là chứng nhân của Chúa Kitô cho tất cả mọi người’ ( Decree Christus Dominus, 11)”. (38) 

Liên quan đến trách vụ của Giám Mục, tôi muốn nhân dịp này nhắc nhở quí hiền huynh vài điều mà mới đây tôi đã nói: “Giám Mục trước tiên có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội như một gia đình của Chúa và là nơi mà mọi người luôn luôn sẵn sàng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Để thực thi sứ mệnh này, quí hiền huynh –nhờ bí tích truyền chức- đã nhận lãnh ba chức vụ: Chức vụ giảng huấn/munus docendi, chức vụ thánh hóa/munus sanctificandi và chức vụ xây dựng phát triển/munus regendi. Ba chức vụ này phối hợp lại tạo thành chức vụ quản trị/munus pascendi. Mục đích của chức vụ xây dựng phát triển là làm tăng trưởng sự hiệp thông trong Giáo Hội, nghĩa là thiết lập một cộng đoàn đồng thuận, lắng nghe giáo huấn của các Thánh Tông Đồ, bẻ bánh, cầu nguyện và thông công. Khi thi hành trách vụ chăn dắt –đúng ra là trách vụ quản trị/regendi- có sự liên hợp mật thiết với trách vụ giảng huấn và thánh hóa, vị Giám Mục đã thực hiện một hành vi yêu thương đối với Chúa và những người xung quanh, được biểu lộ trong tình bác ái mục tử”. (39)

Giống như những nơi khác trên thế giới, Giáo hội tại Trung Quốc cũng được cai quản bởi các Giám Mục hợp pháp, cũng nhận được trách vụ thánh hóa, trách vụ giảng huấn và cai quản những tín hữu đã được ủy  thác  trong giáo phận của mình với quyền hạn Chúa ban nhờ ân sủng nhiệm màu của chức thánh.  Tuy nhiên, trách vụ giảng huấn và quản trị, “do bản tính, chỉ có thể được thi hành trong sự hiệp thông phẩm trật với vị chủ tịch và các thành viên” trong Giám mục đoàn mà thôi.(40) Thực vậy, đúng như Công Đồng đã xác quyết, “một người trở nên thành viên của hội đồng Giám mục vì tích chất của phép truyền chức thánh và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với vị chủ tịch và các thành viên của hội đồng”. (41)

Hiện nay, tất cả các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc đều là con dân của nhân dân Trung Quốc. Bất kể những khó khăn gian khổ, Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, nhờ ơn sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, không hề bị tước đoạt mất quyền mục vụ là những mục tử hợp pháp tức những vị vẫn còn tuân giữ sự nối tiếp tông truyền một cách trọn vẹn. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện cố định này

-không phải là không có đau khổ- của các Giám Mục đã nhận phép truyền chức phù hợp với truyền thống Công Giáo, nghĩa là có thông công với Đức Giám Mục Roma, đấng kế vị thánh Phêrô và được đặt tay trên đầu bởi Giám mục được tấn phong hợp lệ / hợp pháp theo như nghi thức của Giáo Hội Công Giáo.

Có một số vị, vì không muốn để cho nhà nước kiểm soát đời sống của Giáo Hội và vẫn muốn nhiệt tình trung thành với đấng kế vị Thánh Phêrô và với giáo lý công giáo, đã đành phải chấp nhận chịu chức “chui”. Chịu chức chui không phải là việc bình thường trong Giáo Hội, và lịch sử đã cho thấy rằng các mục tử và tín hữu phải làm chỉ trong những trường hợp khó khăn ngặt nghèo, để bảo toàn sự nguyên vẹn của niềm tin của họ và chống lại sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của Giáo Hội. Vì lý do đó, Tòa Thánh hy vọng rằng những mục tử hợp pháp này có thể được chính quyền chấp nhận về mặt dân sự -nếu đó là cần thiết- và tất cả các tín hữu có thể bày tỏ niềm tin của mình một cách tự do trong xă hội mà họ đang sống.

Tuy nhiên, có những mục tử khác, trong những hoàn cảnh đặc biệt vì áp lực đã chấp nhận phong chức Giám Mục mà không có sự đồng ý của Tòa Thánh, nhưng sau này muốn hiệp thông với đấng kế vị thánh Phêrô và với những anh em Giám mục khác trong Giám Mục đoàn thì, sau khi cứu xét lòng thành khẩn và hoàn cảnh phức tạp của đương sự, đồng thời tham khảo ý kiến của những Giám Mục ở lân cận, Đức Giáo Hoàng vì trách nhiệm đặc biệt của một mục tử phổ quát của Giáo Hội, cũng ban cho các ngài đầy đủ quyền hạn hợp pháp để thi hành sứ vụ của một Giám Mục. Sáng kiến này của Đức Giáo Hoàng là do sự  thấu hiểu việc phong chức trong những hoàn cảnh đặc biệt và do sự quan tâm sâu xa của một mục tử về việc tái lập tính hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội. Nhưng bất hạnh thay, trong rất nhiều trường hợp, vì các linh mục và giáo dân đã không được thông tin đầy đủ cho biết là các Giám Mục đó đã được Tòa Thánh hợp thức hóa, nên đã nảy ra một số vấn nạn trầm trọng về vấn đề lương tâm. Thêm vào đó là một số Giám Mục đã được hợp thức hóa lại không thể chứng minh rõ ràng được là mình đã được hợp thức hóa. Vì lý do đó, vì lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn giáo phận đó, việc hợp thức hóa này, một khi đã được hoàn tất, thì cần phải thông báo công khai cho công chúng biết vào dịp sớm nhất, và những Giám Mục đã được hợp thức hóa phải chứng minh rõ ràng và liên tục sự hiệp thông trọn vẹn với đấng kế vị thánh Phêrô. Sau cùng, có một số Giám mục –rất ít- đã được phong chức Giám Mục mà không có phép của Đức Giáo hoàng và cũng không xin hoặc không được hợp thức hóa.. Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, những vị này coi như là bất hợp lệ, nhưng việc truyền chức lại được coi là có giá trị, chừng nào chắc chắn là họ được truyền chức bởi các Giám Mục đã được truyền chức hợp pháp và hợp lý, và những thủ tục nghi lễ truyền chức phải được tuân giữ. Do đó, mặc dù không có hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, những Giám Mục này cử hành các phép bí tích vẫn có giá trị, cho dù việc làm của họ là bất hợp pháp. Ơn phúc thiêng liêng sẽ dồi dào biết mấy cho Giáo Hội Trung Quốc nếu, cơ hội cần thiết và thuận lợi xẩy ra, tất cả những mục tử này cũng cùng hiệp thông với đấng kế vị thánh Phêrô và với toàn thể Giám Mục đoàn Công Giáo. Lúc đó không phải chỉ có thừa tác vụ của Giám Mục được hợp thức hóa mà còn có cả sự hiệp thông dồi dào của Giám Mục với linh mục và giáo dân là những người coi Giáo Hội ở Trung Quốc là một phần của Giáo Hội công giáo, hiệp nhất với Đức Giám Mục Roma và với tất cả các giáo hội địa phương khác rải rác trên khắp thế giới.

Tại mỗi quốc gia riêng rẽ, tất cả các Giám Mục hợp pháp họp thành một Hội đồng Giám Mục, được điều hành bởi luật lệ riêng của mình, nhưng theo giáo luật phải được Tòa Thánh phê chuẩn. Một Hội đồng Giám mục như vậy có mục đích bày tỏ sự hiệp thông huynh đệ giữa các Giám mục trong quốc gia đó và giải quyết những vấn đề đặc biệt về giáo lý và mục vụ của toàn thể cộng đoàn công giáo của quốc gia, tuy nhiên,  không được can thiệp vào quyền bính của Giám mục bản quyền địa phương. Ngoài ra, mỗi Hội Đồng Giám Mục nên có những liên lạc hữu ích và thức thời với chính quyền dân sự sở tại, phần là đề giúp cho sự hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước được hài hòa, nhưng Hội Đồng Giám Mục không thể lệ thuộc vào bất cứ một quyền bính dân sự nào về vấn đề đức tin và cuộc sống theo niềm tin của mình (fides et mores/đời sống ân sủng) vốn nhất thiết hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Giáo Hội.

Theo những nguyên tắc đã được giải thích như trên, Giám Mục Đoàn Công Giáo hiện tại của Trung Quốc (42) không thể được công nhận như một Hội Đồng Giám Mục do Tòa Thánh qui định: Giám mục đoàn quốc doanh này gồm có những Giám Mục bất hợp pháp và được điều hành bởi những luật lệ không thích hợp với giáo lý công giáo. Những Giám Mục “chui” / “thầm lặng” là những Giám Mục không được nhà nước công nhận nhưng vẫn  hiệp thông với Đức Giáo Hoàng thì không ở trong thành phần quốc doanh này;

 

Việc bổ nhiệm các Giám Mục

Như anh chị em biết, một trong những vấn đề tế nhị nhất trong quan hệ giữa Tòa Thánh và chính quyền của quí quốc là vấn đề bổ nhiệm các Giám Mục. Một mặt thì cũng dễ hiểu là chính quyền chú ý đến việc lựa chọn những người sẽ thi hành nhiệm vụ quan trọng là lãnh đạo và chăn dắt cộng đoàn công giáo địa phương, hiểu ngầm là -ở Trung Quốc cũng như tất cả mọi nơi trên thế giới- nhiệm vụ này bao gồm cả phạm vi dân sự lẫn tinh thần. Mặt khác, Tòa Thánh đặc biệt theo dõi việc bổ nhiệm các Giám Mục, vì nó ảnh hưởng đến trọng tâm của đời sống của Giáo Hội, bởi lẽ việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm các Giám mục là bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo Hội và tính hiệp thông của hàng giáo phẩm. Vì lý do đó, Giáo Luật (cf. c.1382) chế tài rất nặng / phạt vạ cả những Giám Mục tự tiện truyền chức Giám Mục mà không có phép của Tòa Thánh lẫn người được chịu phép truyền chức Giám mục:  Việc truyền chức như vậy, trong thực tế, đã gây tổn thương cho sự hiệp thông của Giáo Hội và vi phạm Giáo Luật rất trầm trọng.

Đức Giáo Hoàng, khi ra lệnh  truyền chức Giám Mục, là ngài thực thi quyền bính thiêng liêng tối cao của ngài: Quyền này và sự tham dự này hoàn toàn nằm gọn trong phạm vi tôn giáo mà thôi. Do đó nó không phải là vấn đề thuộc quyền hạn chính trị, can thiệp vào  nội bộ và xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Việc bổ nhiệm các Giám Mục về một giáo phận đặc biệt nào đó được hiểu –như tài liệu quốc tế ghi nhận- là một yếu tố xây dựng để thực thi đầy đủ quyền tự do tôn giáo. (43) Tòa Thánh ước mong được hoàn toàn tự do bổ nhiệm các Giám Mục; (44) do đó, nhận thấy sự phát triển đặc biệt gần đây của Giáo Hội tại Trung Quốc, tôi tin tưởng rằng một thỏa thuận có thể đạt được với Nhà Nước để có thể giải quyết một số vấn đề liên quan tới việc chọn lựa ứng viên Giám Mục, bổ nhiệm Giám Mục và chính quyền công nhận các tân Giám Mục, liên quan đến vấn đề dân sự nếu cần.

Sau cùng, để chọn lựa ứng viên Giám mục, biết rằng quí hiền huynh gặp nhiều khó khăn trong việc này, tôi muốn nhắc nhở quí hiền huynh rằng các ứng viên phải là những linh mục xứng đáng, được kính trọng và  giáo dân thương mến, có đời sống gương mẫu, và họ phải có một số kinh nghiệm mục vụ vững chắc hầu có thể đương đầu với trách nhiệm nặng nề của một Mục Tử của Giáo Hội, (45) Bất cứ khi nào không thể tìm được trong địa phận mình ứng viên có khả năng thích hợp với chức vụ Giám Mục thì có thể nhờ sự giúp đỡ cúa những Giám Mục ở các giáo phận lân cận tìm kiếm dùm.

  

PHẦN HAI 

NGỮNG HƯỚNG DẪN VỀ ĐỜI SỐNG MỤC VỤ

Những bí tích, sự cai quản giáo phận và giáo xứ

10- Thời gian gần đây, nhiều khó khăn đã xẩy ra do những sáng kiến cá nhân của các mục tử, linh mục và giáo dân, vì nhiệt tình quảng đại mục vụ đã không luôn luôn tôn trọng bổn phận và trách nhiệm của những người khác. 

Về vấn đề này, Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta là, nếu một đằng cá nhân các Giám Mục “là thành viên của Giám Mục đoàn và là người kế vị hợp pháp các thánh tông đồ, do sự sắp đặt và truyền dạy của Chúa Kitô thì  các ngài có bổn phận chăm sóc cho toàn thể Hội Thánh, thì một đằng các ngài “thi hành trách vụ mục tử trên thành phần dân Chúa được chỉ định cho các ngài thôi chứ không phải trên các giáo phận khác hay trên Giáo Hội hoàn vũ”. (46) 

Ngoài ra, vì có một số vấn đề xẩy ra tại nhiều cộng đoàn khác nhau trong giáo phận mấy năm gần đây, tôi thấy có trách nhiệm phải nhắc lại giáo luật là tất cả mọi giáo sĩ  buộc phải gia nhập vào một giáo hội địa phương nào đó hay một tu viện nào đó và phải thi hành mục vụ của mình để hiệp thông với Giám Mục địa phận sở tại. Chỉ khi nào có lý do chính đáng thì một giáo sĩ mới được phép thi hành mục vụ của mình trong giáo phận khác, nhưng luôn luôn phải được sự đồng ý trước của cả hai Giám Mục địa phận,  nghĩa là Giáo quyền / Giám Mục của giáo phận mà vị giáo sĩ đó gia nhập và Giáo quyền / Giám Mục nơi địa phận mà vị giáo sĩ đó đến thi hành mục vụ. (47) 

Cũng không phải là hiếm có xẩy ra như trường hợp đồng tế. Về trường hợp này, tôi xin nhắc anh em rằng điều kiện tiên quyết để đồng tế là mọi người phải tuyên xưng cùng một đức tin và hiệp thông phẩm trật với Đức Giáo Hoàng và với Giáo Hội phổ quát. Do đó, được phép đồng tế với Giám Mục và các linh mục hiện  thông công với Đức Giáo Hoàng, ngay cả trường hợp họ được chính quyền dân sự công nhận  và có liên hệ với những tổ chức nằm ngoài cơ chế của Giáo Hội được nhà nước yểm trợ ; như đã nói ở trên (cf.mục 7, đoạn 8) thì sự công nhận và liên hệ này cũng không thể phủ nhận được những nguyên tắc bất biến về niềm tin và sự thông công cùng Hội Thánh. Giáo dân cũng vậy là những tín hữu được phấn kích vì lòng yêu thương chân thành Chúa Kito và Giáo hội, cũng không được ngần ngại tham dự thánh lễ do các Đức Giám mục và linh mục có hiệp thông đầy đủ với đấng kế vị thánh Phêro và được chính quyền dân sự công nhận. Đối với tất cả những bí tích khác cũng thế.

Còn các Giám Mục được truyền chức mà không có phép của Đức Giáo Hoàng nhưng vẫn giữ đầy đủ những nghi thức truyền chức, thì hậu quả phải được giải quyết theo những nguyên tắc của giáo lý công giáo. Việc truyền chức các Giám mục này –như tôi đã nói ở trên (cf.mục 8, đoạn 12)- là bất hợp pháp nhưng có giá trị; giống như vậy, linh mục nào được truyền chức bởi các Giám Mục loại này thì cũng có giá tri, và các phép bí tích được thực hiện bởi các Giám Mục và linh mục loại này cũng có giá trị. Do đó, giáo dân khi muốn tham dự thánh lễ hay cần những bí tích khác thì, với giới hạn có thể, nên tìm đến những Giám Mục và linh mục có hiệp thông với Đức giáo hoàng trước; bằng không thể được vì nhiều bất tiện thì, vì lợi ích thiêng liêng, cũng có thể tìm đến với những vị không có hiệp thông với Đức Giáo hoàng.

Sau cùng, nhân dịp này tôi nêu ra cho anh chị em biết những giáo luật mà các Giám Mục phải áp dụng khi thi hành mục vụ của mình. Mỗi một Giám Mục địa phận được yêu cầu xử dụng những phương tiện cần thiết để liên lạc và hợp tác với giáo đoàn của địa phận như: Hội Đồng Giáo Phận, Hội đồng Linh mục, Hội đồng cố vấn, Hội đồng mục vụ và Hội đồng tài chánh địa phận. Những cơ quan này là biểu hiệu của sự hiệp nhất, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm chung và trợ giúp cho các Giám Mục, nhờ vậy các ngài mới có thể biểu hiện được sự hợp tác huynh đệ với các linh mục, tu sĩ và giáo dân. 

Đối với các hội đồng khác ở nơi các giáo xứ mà giáo luật qui định thì cũng giống vậy  như: Hội đồng mục vụ và Hội đồng tài chánh hàng xứ. 

Đối với cả giáo phận lẫn giáo xứ, nên để ý đặc biệt là những tài sản vật chất của Giáo Hội, động sản và bất động sản phải được đăng ký nơi chính quyền đúng theo thủ tục dân sự dưới danh nghĩa của giáo phận hay giáo xứ, không bao giờ được lấy danh nghĩa cá nhân (như Giám Mục, Linh mục quản xứ hoặc một nhóm giáo dân). Đồng thời, hướng dẫn về truyền giáo và mục vụ truyền thống, đựơc tóm gọn theo nguyên tắc “nihil sine Episcopo / làm bất cứ điều gì cũng phải xin phép đức Giám Mục”,  vẫn còn giá trị.

Theo như những vấn đề được phân tích ở trên thì bất cứ một giải quyết thực sự nào cũng phải có mục đích khuyến khích sự hiệp thông, nhờ đó ta mới có đủ nghị lực và khích lệ như là nguồn mạch là Chúa Kitô, hình ảnh của tình yêu Chúa Cha. Bác ái thì luôn luôn phải ở trên mọi sự (cf. 1Cor 13: 1-12) sẽ là sức mạnh và tiêu chuẩn cho mọi công tác mục vụ để xây dựng một giáo đoàn có khả năng chứng minh sự hiện hữu của Chúa Kito Phục Sinh nơi con người thời đại.

 

Tổng Giáo Phận 

11- Trong 50 năm vừa qua, trong phạm vi dân sự đã có nhiều thay đồi về hành chánh. Do đó ranh giới của các giáo đoàn cũng bị ảnh hưởng; có nơi bị hủy bỏ, có nơi phải thay đồi hoặc sắp xếp lại cho phù hợp với hình thái của ranh giới hành chánh dân sự. Về mặt này, tôi xác dịnh với anh chị em là Tòa Thánh đang chuẩn bị để bàn về toàn thể vấn đề ranh giới và tổng giáo phận trong một cuộc đối thoại xây dựng  và cởi mở với giám mục đoàn Trung Quốc và với chính quyền khi nào thuận lợi và hữu ích.

 

Cộng Đoàn Công Giáo

12- Tôi biết rất rõ là các cộng đoàn giáo phận và cộng đoàn giáo xứ trải rộng trên một lãnh thổ Trung Quốc bao la, chứng tỏ đời sống Kito hữu rất sốt sắng đặc biệt, chứng tá của niềm tin và mục vụ sáng tạo. Đó là một an ủi cho tôi khi nhận thấy –mặc dù biết bao khó khăn ở quá khứ và hiện tại- các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân vẫn còn ý thức xâu xa mình là những  thành viên sống động của Giáo Hội phổ quát đang hiệp thông đức tin và cuộc sống với tất cả những cộng đoàn công giáo khác trên toàn thế giới. Trong thâm tâm họ vẫn biết rõ thế nào là người công giáo.  Và chính từ cái thâm tâm công giáo này đã có những dấn thân làm cho tinh thần hiệp thông, sự hiểu biết và tha thứ -như đã nói ở trên (cf. mục 5, đoạn 4 và mục 6)- được thể hiện và sinh hoa kết trái cả nơi những cộng đoàn riêng rẽ và trong những liên hệ giữa các cộng đoàn khác. Tinh thần hiệp thông, sự hiểu biết và thứ tha này là dấu ấn rõ ràng của đời sống Kito giáo đích thực. Tôi chắc chắn rằng Thần Khí Chúa Kitô, như đã trợ giúp các cộng đoàn gìn giữ đức tin mình được sống trong thời gian bị bách hại, thì ngày nay cũng sẽ giúp tất cả mọi tín hữu công giáo phát triển trong hiệp nhất.

Như tôi đã nhận xét ở trên (cf. mục 2, đoạn 1, mục 4, đoạn 1), những thành viên của cộng đoàn công giáo nơi quí quốc –đặc biệt các Giám Mục, linh mục và tu sĩ- vẫn chưa được phép sống và biểu lộ đầy đủ và rõ ràng mình thuộc về Giáo Hội và có thông công phẩm trật với Đức Giáo hoàng, bởi vì tự do liên lạc với Tòa thánh và các cộng đoàn công giáo khác ở nhiều nước vẫn thường bị cản trở. Thực sự mà nói là những năm gần đây Giáo Hội đã được hưởng tự do tôn giáo nhiều hơn trước kia. Tuy nhiên không thể chối cãi được là vẫn còn những giới hạn trầm trọng ảnh hưởng đến trọng tâm của  đức tin và, ở một góc cạnh nào đó đang bóp nghẹt sinh hoạt mục vụ. Về điểm này, tôi xin được nhắc lại ước vọng thiết tha nhất của tôi (cf.mục 4, đoạn 2,3,4) là trong cuộc đối thoại cởi mở và nghiêm chỉnh của Tòa thánh, một mặt với các Giám Mục Trung Quốc, một mặt với chính quyền / nhà nước, những khó khăn đã đề cập có thể được vượt qua và nhờ đó một đồng thuận hữu ích có thể đạt được sẽ mang lại lợi ích cho cộng đoàn công giáo và tình liên đới xã hội.

 

Linh mục

13- Bây giờ tôi muốn gửi gấm một vài suy tư đặc biệt và lời kêu gọi của tôi đến với các linh mục –đặc biệt những vị mới được truyền chức những năm gần đây- là những vị đang đi trên bước đường mục vụ với đầy lòng quảng đại. Đối với tôi, có lẽ tình hình chính trị xã hội và hoàn cảnh giáo hội hiện nay đang đòi hỏi những nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết là ánh sáng và sức mạnh từ nguồn suối linh đạo của các linh mục. Đó là tình yêu Chúa, bước theo Chúa Kitô vô điều kiện, hăng say rao truyền Phúc Âm, trung thành với Giáo Hội và đầy lòng quảng đại phục vụ  tha nhân. (48) Về vấn đề này, thật là thiếu sót biết mấy nếu tôi không nhắc đến -như là để khuyến khích- những gương sáng ngời của các Giám Mục và linh mục, những vị, trong những năm đầy khó khăn gần đây, đã làm chứng cho tình yêu không hề lay chuyển đối với Giáo Hội và có khi hy sinh cả mạng sống mình làm lễ vật cho Giáo Hội và Chúa Kitô.

Anh em linh mục thân ái, anh em đang “làm việc cực nhọc cả ngày lại bị nắng trời thiêu đốt” (Mt 20:12), anh em đưa tay cầm cày nhưng anh em không quay đầu nhìn lại phía sau (Lk 9:62): Anh em đang nghĩ đến những nơi mà giáo dân họ đang ngóng chờ một linh mục, những nơi mà từ nhiều năm nay vắng bóng linh mục; họ luôn luôn cầu xin Chúa ban cho một linh mục đến với họ.  Tôi biết rằng, trong số anh em có những vị vì phải đương đầu với những thời gian khó khăn và hoàn cảnh ngặt nghèo đã khiến họ phải chấp nhận những địa vị mà theo quan điểm của Giáo Hội thì không thể luôn luôn tha thứ được, và những vị, bất chấp mọi sự, vẫn mong muốn trở lại hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội. Với tinh thần của phép hòa giải xâu xa đó mà vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã lặp đi lặp lại lời mời gọi Giáo Hội Trung Quốc,(49) thì nay tôi cũng mời gọi các Giám Mục hiện đang thông công với đấng kế vị thánh Phêrô, để với tinh thần cha con, quí vị xem xét những vấn nạn này, từng trường hợp một, và giải quyết ước vọng đó, nếu cần thì nhờ Tòa Thánh giúp. Và như là dấu chỉ của phép hòa giải cần thiết này, tôi nghĩ rằng không có cử chỉ nào có ý nghĩa hơn là –vào dịp ngày Linh mục Thứ Năm Tuần Thánh, như thường xẩy ra trong Giáo Hội hoàn vũ hoặc vào một dịp nào thuận tiện- tất cả cộng đoàn cùng nhau tuyên xưng Đức Tin lại, là chứng tá cho sự hiệp thông toàn diện, hầu xây dựng Dân Chúa đã được trao phó cho anh em coi sóc và ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh.

Ngoài ra, tôi nhận thấy rằng, tại Trung Quốc cũng như những nơi khác trong Giáo hội,  việc đào tạo hàng giáo sĩ thích hợp với hoàn cảnh hiện vẫn đang là một nhu cầu cấp bách. Do đó tôi kêu gọi quí hiền huynh Giám Mục là những vị lãnh đạo các giáo đoàn, hãy đặc biệt nghĩ đến thành phần giáo sĩ trẻ hiện đang phải đương đầu với những thách đố mới về mục vụ ngày càng gia tăng, liên hệ tới những đòi hỏi về trách vụ phúc âm hóa trong một xã hội phức tạp như xã hội Trung Quốc ngày nay. Đức Gioan Phaolo II đã nhắc nhở chúng ta là: Tiếp tục đào tạo linh mục “là một đòi hỏi thực tiễn để có thể tiếp nhận ân sủng và bí tích mục vụ Chúa ban. Đó là điều thiết yếu trong mọi thời đại.  Ngày nay nó đặc biệt khẩn cấp, không phải chỉ vì những thay đổi nhanh chóng về điều kiện xã hội văn hóa  của từng cá nhân và cả dân tộc, nơi mà linh mục thi hành mục vụ, mà còn vì phương  cách phúc âm hóa mới” đã tạo nên tác vụ chính và cấp bách của Giáo Hội ở cuối thiên niên kỷ II này”. (50)

  

Ơn Gọi và việc đào tạo giáo sĩ và tu sĩ

14- Trong 50 năm qua, ơn gọi làm linh mục và đời sống tu hành tận hiến đã bừng nở dồi dào  nơi Giáo Hội Trung Quốc. Vì vậy chúng ta hãy tạ ơn Chúa , vì đó là dấu hiệu của sức sống và lý do để hy vọng. Ngoài ra, trong nhiều năm nhiều dòng tu cũng đã được thiết lập: Các Giám Mục và linh mục nhờ kinh nghiệm đã nhận ra được nhu cầu đóng góp của các nữ tu vào việc dạy giáo lý và đời sống giáo xứ dưới mọi hình thức. Hơn nữa,  hợp tác với chính quyền dân sự địa phương trong việc săn sóc những người cùng khổ là một biểu hiện của bác ái và phục vụ tha nhân, là chứng tá có giá trị nhất của  sức mạnh và sức sống của Tin Mừng Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận biết sự bừng nở hoa đó không phải là không có ít nhiều khó khăn.  Do đó, về phía những vị lãnh đạo Giáo Hội, cần phải để ý phân biệt cẩn thận hơn vấn đề ơn gọi cũng như đào tạo và giáo huấn có chiều sâu những người muốn theo đuổi đời sống linh mục và tu sĩ. Cho dù có những bất ổn, vì tương lai của giáo hội ở Trung Quốc, ta cần phải cẩn trọng bước từng bước để, một mặt, săn sóc gìn giữ ơn gọi, một mặt đào tạo thật chắc chắn về mọi phương diện nhân bản, thiêng liêng, triết lý thần học và mục vụ trong các chủng viện và tu viện. 

Về vấn đề này, đào tạo đời sống độc thân của các ứng viên linh mục cần phải đặc biệt chú ý. Cần phải cho họ hiểu rằng đời sống độc thân là một báu vật được Thiên Chúa ban cho và như là dấu chỉ tuyệt trác cuối cùng làm chứng cho tình yêu không thể phân chia đối với Chúa và dân Người, và biến linh mục thành biểu tượng Chúa Giêsu Kito, là Thủ Lãnh và Tân Lang của giáo hội. Tặng vật này, thực sự, đã “nói lên sự phục vụ Giáo Hội một cách tuyệt hảo trong Chúa và với Chúa của người linh mục” (51). Đối với thế giới ngày nay, nó có một giá trị ngôn sứ. 

Về ơn gọi tu sĩ, trong bối cảnh hiện nay của Giáo hội ở Trung Quốc, hai chiều kích cần phải để ý và làm sáng tỏ hơn bao giờ hết chính là:  một mặt làm chứng tá cho ân sủng tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô qua lời hứa tuân giữ Đức Khiết Tịnh, Đức Khó Nghèo và Đức Vâng Lời, một mặt đáp ứng đòi hỏi rao truyền Phúc âm trong mọi hoàn cảnh xã hội lịch sử của đất nước ngày nay.

 

Người tín hữu giáo dân và đời sống gia đình 

15- Trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn gần đây của Giáo hội Trung Quốc, người tín hữu, cả cá nhân và gia đình cũng như những thành viên của những phong trào linh thao và tông đồ, đã chứng tỏ hoàn toàn trung thành với Phúc Âm, cho dù phải trả giá cho lòng trung thành của mình với Chúa Kitô. Anh chị em giáo hữu thân mến, ngày nay anh chị em được mời gọi để thể hiện và làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống bằng phục vụ hữu hiệu và quảng đại cho thiện ích của con người và sự phát triển của quê hương:  anh chị em sẽ hoàn thành sứ mệnh này bằng cách sống như một công dân khiêm tốn và thực thi việc rao truyền lời Chúa cho những người chung quanh anh chị em ở chốn thôn quê cũng như nơi thị thành như một cộng sự viên tích cực có trách nhiệm. Anh chị em là những người mà trong những thời gian gần đây đã can đảm làm chứng cho niềm tin, anh chị em có quyền hy vọng một tương lai sáng lạng của Giáo hội.  Điều này đòi hỏi anh chị em phải thực sự tham gia vào mọi mặt của đời sống của giáo hội và hiệp thông với các mục tử của anh chị em.

Bởi vì tương lai của nhân loại đi theo hướng của gia đình, nên tôi thấy rằng anh em giáo dân cấp thiết phải cổ võ và bảo tồn những giá trị cũng như nhu cầu của gia đình. Anh em giáo dân là những người mà niềm tin của họ có thể giúp họ nhận biết được kế hoạch kỳ diệu của Chúa dành cho gia đình, thì lại có thêm lý do để đảm nhận trách vụ đòi hỏi cụ thể này: Gia đình, thực tế là “nơi mà những người trẻ lớn lên tới lúc trưởng thành về mặt cá nhân và xã hội. Họ chính là những người thừa hưởng di sản của nhân loại, bởi vì qua gia đình, sự sống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình giữ một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa Á Đông; và, như các nghị phụ đã ghi nhận, những giá trị gia đình như lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, sự mến thương và săn sóc những người già yếu bệnh tật, yêu thương con trẻ và tính hiếu hòa đã được nêu cao trong nền văn hóa Á Đông và truyền thống tôn giáo”. (52) 

Những giá trị nêu trên đã tạo thành một phần đặc biệt của nền văn hóa Trung Quốc, nhưng cũng tại quí quốc hiện không thiếu những thế lực ảnh hưởng tiêu cực đến nếp sống gia đình bằng nhiều cách khác nhau. Do đó, vì nhận thấy lợi ích của xã hội và lợi ích của Giáo Hội cần phải liên kết chặt chẽ với lợi ích của gia đình, (53) nên Giáo Hội tại Trung Quốc cần phải có một cảm quan sắc bén và cấp thiết hơn về sứ mệnh truyền bá cho toàn thể dân chúng kế hoạch của Chúa về hôn nhân và gia đình, hầu bảo đảm đầy đủ sức sống cho cả hai. (54)

 

 Khai tâm truyền giáo cho người lớn 

16- Lịch sử Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc thời gian gần đây cho thấy có nhiều người lớn tuổi đã trở lại với đức tin công giáo, một phần nhờ có những chứng nhân nơi cộng đoàn  Kitô giáo địa phương. Tôi kêu gọi quí hiền huynh là những mục tử nên dấn thân đặc biệt vào việc truyền giáo khai tâm cho họ bằng những lớp giáo lý nghiêm chỉnh và thích hợp hầu giúp đỡ họ và chuẩn bị cho họ sống cuộc sống môn đệ Chúa Giêsu. 

Về điểm này, tôi muốn nhắc quí hiền huynh là công việc truyền bá Phúc Âm không phải chỉ là hoàn toàn lý thuyết sách vở, nhưng phải bao gồm cả kinh nghiệm sống, thanh tẩy và cải đổi toàn thể đời sống và hành trình hiệp thông. Chỉ với cách đó mới có được liên kết mật thiết giữa tư tưởng và hành động. 

Nhìn lại quá khứ, buồn thay đã có trường hợp nhiều người lớn tuổi -lúc khởi đầu học đạo- đã không được dẫn dắt đầy đủ trọn vẹn về đời sống Kitô giáo, không biết đến cả những đổi mới phong phú của Giáo hội do Công Đồng Vatican II mang lại. Do đó cần phải cấp thiết huấn luyện / đào tạo cho họ có một giáo dục Kitô giáo đầy đủ và vững chắc bằng những lớp giáo lý hậu rửa tội. (55)

 

Ơn gọi truyền giáo 

17- Giáo Hội, ở mọi không gian và thời gian, đều mang tính truyền giáo, nghĩa là Giáo

Hội được kêu gọi để rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng Phúc Âm. Giáo Hội ở Trung Quốc cũng cần phải có một trái tim nồng cháy, hăng say truyền giáo của đấng sáng lập và Thày Hội Thánh.

Huấn từ cho khách hành hương giới trẻ ở núi Tám Mối Phúc Thật vào dịp Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolo II đã nhắc lại lời Chúa: “ Trước khi lên Trời, chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ một sứ mệnh với lời xác quyết: ‘Mọi quyền lực trên trời dưới đất đã được trao cho Thày. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…..và đây, Thày sẽ ở lại với anh em luôn luôn cho đến ngày tận thế’ (Mt.28:18-20). Từ 2000 năm nay, những người theo Chúa Kitô đã thi hành sứ mệnh này. Bây giờ, khởi đầu thiên niên kỷ III, là đến lượt anh chị em. Đến lượt anh chị em xuất hành đi vào thế giới để rao giảng Mười Điều Răn Chúa và Tám Mối Phúc thật. Khi Chúa lên tiếng, Chúa nói những điều quan trọng nhất cho tất cả mọi người, nói cho những người ở thế kỷ 21 cũng không ít hơn là nói cho những người ở thế kỷ I. Mười Điều Răn Chúa và Tám Mối Phúc Thật đã nói về Sự Thật và Thiện Ích, Ân Sủng và Tự Do, về tất cả những điều cần thiết để được vào Nước trời, Vương Quốc của Chúa Kitô”. (56)

Bây giờ đến lượt anh chị em, những môn đệ Trung Hoa của Chúa, hãy là môn đệ can trường của Vương Quốc đó. Tôi tin tưởng rằng đáp ứng của anh chị em sẽ rất dồi dào phong phú.

 

KẾT LUẬN

Rút lại các chức năng và hướng dẫn mục vụ 

18- Xét rằng: Trước tiên có những thay đổi tích cực về tình trạng của Giáo Hội tại Trung Quốc; thứ đến có nhiều cơ hội và thông tin dễ dàng hơn; sau cùng là do một số Giám Mục và linh mục yêu cầu Tòa Thánh, tôi rút lại tất cả những chức năng đã cho phép trước kia để ứng sử với những nhu cầu mục vụ trong những thời gian thực sự khó khăn. 

Tất cả những hướng dẫn mục vụ ở quá khứ và mới đây cũng bị rút lại như vậy. Những nguyên tắc giáo lý giúp thi hành mục vụ trước kia giờ đây được thay thế bằng những áp dụng mới như đã được nói trong tông thư này.

 

Ngày cầu nguyện cho Giáo Hội ở Trung Quốc 

19- Các mục tử và toàn thể anh chị em giáo hữu thân mến, ngày 24 tháng 5, trong tương lai, sẽ là dịp cho mọi tín hữu trên khắp thê giới hợp nhất cầu nguyện cùng Giáo Hội Trung Quốc. Ngày này được phụng vụ dành để kính nhớ Đức Mẹ, đấng phù trợ giúp đỡ các giáo hữu, đã được tôn kính đặc biệt tại đền thánh Đức Mẹ Maria Shedan tại Thượng Hải.

Tôi muốn anh chị em lấy ngày đó làm ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Tôi ước mong anh chị em mừng lễ đó bằng cách nhắc lại lời hứa hiệp thông, trung thành với Chúa Giêsu, Chúa chúng ta và với Đức Giáo Hoàng, đồng thời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa anh chị em được bền chặt và rõ ràng hơn. Ngoài ra, tôi xin nhắc anh chị em về giới răn mà Chúa Giêsu đã cho chúng ta là hãy yêu thương kẻ thù của mình và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi truy nã chúng ta cũng như lời mời gọi của thánh Phaolo tông đồ: “Trước hết tôi khuyên ai nấy dùng lời cầu xin, khẩn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh đàng hoàng. Đó là điều tốt và đẹp lòng Chúa, đấng cứu độ chúng ta, đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết Chân Lý” (1Tim 2:1-4). 

Trong cùng ngày đó, mọi tín hữu Công Giáo trên thế giới –đặc biệt những tín hữu gốc Trung Quốc- sẽ bày tỏ tình đoàn kết huynh đệ và ân cần quan tâm đến anh chị em, cầu xin Chúa ban cho anh chị em được ơn bền vững trong Đức Tin với xác tín rằng những đau khổ của anh chị em trong quá khứ và hiện tại vì danh tánh Chúa Giêsu và lòng trung tín quả cảm đối với đấng đại diện Chúa ở trần gian sẽ được ban thưởng cho dù đôi khi mọi sự xem như thất bại.

 

Tạm biệt

20- Để kết thúc tông thư này, tôi cầu xin cho quí hiền huynh Giám Mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo hữu được luôn luôn hân hoan vui mừng, mặc dù đôi khi vẫn còn phải hứng chịu nhiều gian truân thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh chị em là thứ quí hơn vàng, vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế khi Chúa Giêsu Kito tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời ngợi khen và đem lại danh dự vinh quang (1Pet 1:6-7).

Chớ gì Đức Maria Cực Thánh, Mẹ Giáo Hội và Nữ Vương Trung Quốc, đấng –trong giờ Thập Giá- đã kiên nhẫn chờ đợi ban mai Phục Sinh trong thinh lặng hy vọng, sẽ dẫn dắt anh chị em với lòng trắc ẩn mẫu tử và cầu bầu cho tất cả anh chị em cùng với Thánh Cả Giuse và muôn vàn thánh tử đạo Trung quốc.

Tôi xác quyết với anh chị em là tôi sẽ liên tục cầu nguyện cho anh chị em và, với lòng ưu ái tưởng nhớ đến những vị trưởng lão, những người đau yếu bệnh hoạn, các trẻ em và giới trẻ của quí Trung Quốc vĩ đại, tôi thành tâm chúc phúc lành cho tất cả anh chị em.

  

Làm tại Roma, đền Thánh Phêrô, ngày 27 tháng 5 năm 2007

Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Triều Đại Giáo Hoàng năm III

Benedicto XVI

________________________________________________________________________

GHI CHÚ:

(1] Benedict XVI, Angelus of 26 December 2006: "With special spiritual closeness, I also think of those Catholics who maintain their fidelity to the See of Peter without ceding to compromises, sometimes at the price of grave sufferings. The whole Church admires their example and prays that they will have the strength to persevere, knowing that their tribulations are the fount of victory, even if at that moment they can seem a failure''. L'Osservatore Romano, English edition, 3 January 2007, p. 12.

[2] Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World "Gaudium et Spes," 10.
[3] Message to the participants of the International Convention ''Matteo Ricci: for a dialogue between China and the West'' (24 October 2001), 4: L'Osservatore Romano, English edition, 31 October 2001, p. 3.

[4] Cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation "Ecclesia in Asia" (6 November 1999), 7: AAS 92 (2000), 456.
[5] Cf. ibid., 19, 20: AAS 92 (2000), 477-482.

[6] Cf. Address to members of the Federation of Asian Bishops' Conferences (Manila, 15 January 1995), 11: L'Osservatore Romano, English edition, 25 January 1995, p. 6.
[7] John Paul II, Apostolic Letter "Novo Millennio Ineunte" (6 January 2001), 1: AAS 93 (2001), 266.

[8] Benedict XVI, General Audience (Wednesday 23 August 2006), L'Osservatore Romano, English edition, 30 August 2006, p. 3.
[9] John Paul II, Message to the participants of the International Convention ''Matteo Ricci: for a dialogue between China and the West'' (24 October 2001), 6: L'Osservatore Romano, English edition, 31 October 2001, pp. 3-4.

[10] Ibid.
[11] Cf. Fonti Ricciane, ed. Pasquale M. D'Elia, S.J., vol. 2, Rome 1949, no. 617, p. 152.

[12] Message to the participants of the International Convention ''Matteo Ricci: for a dialogue between China and the West'' (24 October 2001), 4: L'Osservatore Romano, English edition, 31 October 2001, p. 3.
[13] Pastoral Constitution on the Church in the Modern World "Gaudium et Spes," 76.

[14] Encyclical Letter "Deus Caritas Est" (25 December 2005), 28: AAS 98 (2006), 240. Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World "Gaudium et Spes," 76.
[15] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church "Lumen Gentium," 26.

[16] Ibid., 23.
[17] Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on some aspects of the Church understood as Communion "Communionis Notio" (28 May 1992), 11-14: AAS 85 (1993), 844-847.

[18] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church "Lumen Gentium," 23.
[19] Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on some aspects of the Church understood as Communion Communionis Notio (28 May 1992), 13: AAS 85 (1993), 846.

[20] See also Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation "Sacramentum Caritatis" (22 February 2007), 6: ''The Church's faith is essentially a eucharistic faith, and it is especially nourished at the table of the Eucharist. Faith and the sacraments are two complementary aspects of ecclesial life. Awakened by the preaching of God's word, faith is nourished and grows in the grace-filled encounter with the Risen Lord which takes place in the sacraments: 'faith is expressed in the rite, while the rite reinforces and strengthens faith.' For this reason, the Sacrament of the Altar is always at the heart of the Church's life: 'thanks to the Eucharist, the Church is reborn ever anew!' The more lively the eucharistic faith of the People of God, the deeper is its sharing in ecclesial life in steadfast commitment to the mission entrusted by Christ to his disciples. The Church's very history bears witness to this. Every great reform has in some way been linked to the rediscovery of belief in the Lord's eucharistic presence among his people''.

[21] Apostolic Letter "Novo Millennio Ineunte" (6 January 2001), 42: AAS 93 (2001), 296. See also Benedict XVI, Encyclical Letter "Deus Caritas Est" (25 December 2005), 12: "Divine activity now takes on dramatic form when, in Jesus Christ, it is God himself who goes in search of the 'stray sheep', a suffering and lost humanity. When Jesus speaks in his parables of the shepherd who goes after the lost sheep, of the woman who looks for the lost coin, of the father who goes to meet and embrace his prodigal son, these are no mere words: they constitute an explanation of his very being and activity. His death on the Cross is the culmination of that turning of God against himself in which he gives himself in order to raise man up and save him. This is love in its most radical form'': AAS 98 (2006), 228.

[22] Benedict XVI, General Audience (Wednesday 5 April 2006): L'Osservatore Romano, English edition, 12 April 2006, p. 11.
[23] The lived experience of the ancient Church in time of persecution should be a source of enlightenment for all, as should the teaching given on this matter by the Church of Rome herself. Rome rejected the rigorist positions of the Novatians and the Donatists, and appealed for a generous attitude of pardon and reconciliation towards those who had apostatized during the persecutions (the "lapsi''), and wished to be readmitted to the communion of the Church.

[24] John Paul II, Message to the Catholic community in China Alla Vigilia (8 December 1999), 6: L'Osservatore Romano, English edition, 15 December 1999, p. 5.
[25] Cf. Mt 4:8-10; Jn 6:15.

[26] Cf. Is 42:1-4.
[27] Cf. Jn 18:37.

[28] Cf. Mt 26:51-53; Jn 18:36.
[29] Second Vatican Ecumenical Council, Declaration on Religious Liberty Dignitatis Humanae, 11.

[30] Benedict XVI, General Audience (Wednesday 5 April 2006): L'Osservatore Romano, English edition, 12 April 2006, p. 11.
31Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World "Gaudium et Spes," 28.

[32] Benedict XVI, General Audience (Wednesday 5 April 2006): L'Osservatore Romano, English edition, 12 April 2006, p. 11.
[33] Compendium of the Catechism of the Catholic Church, 174. Cf. Catechism of the Catholic Church, 857 and 869.

[34] John Paul II, Apostolic Letter Apostolos Suos (21 May 1998), 10: AAS 90 (1998), 648.
[35] Cf. Code of Canon Law, c. 447.

[36] Statutes of the Chinese Catholic Patriotic Association (CCPA), 2004, art. 3.
[37] Homily for the Jubilee of Bishops (8 October 2000), 5: AAS 93 (2001), 28. Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Pastoral Office of Bishops in the Church "Christus Dominus," 6.

[38] Ibid., 27.
[39] Benedict XVI, Address to new Bishops (21 September 2006): AAS 98 (2006), 696.

[40] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 21. Cf. also Code of Canon Law, c. 375 § 2.
41Dogmatic Constitution on the Church "Lumen Gentium", 22. Cf. also "Preliminary Explanatory Note'', No. 2.

[42] China Catholic Bishops' College (CCBC).
[43] At the universal level, see, for example, the provisions of art. 18, paragraph 1, of the International Covenant on Civil and Political Rights of 16 December 1966 ("Everyone shall have the right to freedom of thought, conscience and religion. This right shall include freedom to have or to adopt a religion or belief of his choice, and freedom, either individually or in community with others and in public or private, to manifest his religion or belief in worship, observance, practice and teaching'') and the interpretation, binding for Member States, given to it by the Human Rights Committee of the United Nations in "General Comment 22'' (paragraph 4) of 30 July 1993 ("the practice and teaching of religion or belief includes acts integral to the conduct by religious groups of their basic affairs, such as freedom to choose their religious leaders, priests and teachers, the freedom to establish seminaries or religious schools and the freedom to prepare and distribute religious texts or publications'').
At the regional level, then, see, for example, the following commitments, assumed at the Vienna Meeting of the Representatives of States participating in the Conference on Security and Cooperation in Europe (CSCE): "In order to ensure the freedom of the individual to profess and practise religion or belief, the participating States will, inter alia ... respect the right of these religious communities to ... organize themselves according to their own hierarchical and institutional structure ... select, appoint and replace their personnel in accordance with their respective requirements and standards as well as with any freely accepted arrangement between them and their State''. (Concluding Document of 1989, Principle No. 16 of the Section 'Questions relating to Security in Europe''). Cf. also Second Vatican Ecumenical Council, Declaration on Religious Liberty "Dignitatis Humanae," 4.

[44] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Pastoral Office of Bishops in the Church "Christus Dominus," 20.
45See, in this regard, the relevant norms of the Code of Canon Law (cf. c. 378).

[46] Dogmatic Constitution on the Church "Lumen Gentium," 23.
47Cf. Code of Canon Law, cc. 265-272.

[48] For a reflection on the doctrine and spirituality of the priest and on the charism of celibacy, I refer to my address to the Roman Curia (22 December 2006): L'Osservatore Romano, English edition, 3 January 2007, p. 6.
[49] Cf. John Paul II, Message to the Church which is in China on the Seventieth Anniversary of the Ordination in Rome of the First Group of Chinese Bishops and on the Fiftieth Anniversary of the Institution of the Ecclesiastical Hierarchy in China La Memoria Liturgica (3 December 1996), 4: AAS 89 (1997), 256.

[50] Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 70: AAS 84 (1992), 782.
51Ibid., 29: AAS 84 (1992), 704.

[52] John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation "Ecclesia in Asia" (6 November 1999), 46: AAS 92 (2000), 521. Cf. Benedict XVI, Address at Fifth World Meeting of Families in Spain (Valencia, 8 July 2006): ''The family is a necessary good for peoples, an indispensable foundation for society and a great and lifelong treasure for couples. It is a unique good for children, who are meant to be the fruit of the love, of the total and generous self-giving of their parents. To proclaim the whole truth about the family based on marriage as a domestic Church and a sanctuary of life, is a great responsibility incumbent upon all ... Christ has shown us what is always the supreme source of our life and thus of the lives of families: 'This is my commandment, that you love one another as I have loved you. No one has greater love than this, to lay down one's life for one's friends' (Jn 15:12-13). The love of God himself has been poured out upon us in Baptism. Consequently, families are called to experience this same kind of love, for the Lord makes it possible for us, through our human love, to be sensitive, loving and merciful like Christ'': AAS 98 (2006), 591-592.

[53] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World "Gaudium et Spes," 47.
[54] Cf. John Paul II, Apostolic Exhortation "Familiaris Consortio" (22 November 1981), 3: AAS 74 (1982), 84.

[55] As the Synod Fathers of the Seventh Ordinary Assembly of the Synod of Bishops observed (1-30 October 1987), in the formation of Christians "a post-baptismal catechesis in the form of a catechumenate can also be helpful by presenting again some elements from the Rite of Christian Initiation of Adults with the purpose of allowing a person to grasp and live the immense, extraordinary richness and responsibility received at Baptism'': John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation "Christifideles Laici" (30 December 1988), 61: AAS 81 (1989), 514. Cf. Catechism of the Catholic Church, 1230-1231.

[56] Homily on the Mount of the Beatitudes (Israel, 24 March 2000), 5: L'Osservatore Romano, English edition, 29 March 2000, p. 9.

----- Original Message -----
From: Cong Giao Viet Nam
To: Undisclosed-Recipient:;
Sent: Tuesday, July 17, 2007 10:13 PM
Subject: K/g TONG THU CUA DTC BENEDICTO XVI

 

 

 

 

THƯ MỤC VỤ NĂM 2005

CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

    

SỐNG LỜI CHÚA

 

    

Kính gửi: Các linh mục,

                            Các tu sĩ, chủng sinh,

                               và anh chị em giáo dân

 

1- Lời mở đầu

          Anh chị em thân mến,

          Được quy tụ bên Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã đích thân giải thích lời Thánh Kinh và bẻ bánh để chia sẻ Sự Sống của Người cho các môn đệ, đồng thời dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng ngỏ lời với các Hội Thánh (Kh 2-3), chúng tôi các Hồng Y, Giám Mục tham dự hội nghị thường niên tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 9 năm 2005, xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an của Thiên Chúa.

          Với tâm tình tạ ơn, chúng tôi vui mừng nhìn lại những hoạt động phong phú trong Năm Thánh Thể. Mỗi người chúng ta đã và đang cảm nghiệm dồi dào tình yêu thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng phó mình làm lương thực thiêng liêng và hiện diện giữa chúng ta trong Bí Tích kỳ diệu. Xin cám ơn anh chị em đã nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của chúng tôi qua việc siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể và đã có những cố gắng thiết thực nhằm “thắp sáng lên niềm tin Thánh Thể, hâm nóng thêm lòng yêu mến Thánh Thể, khơi dậy niềm hy vọng hồng phúc nơi mỗi người” (Thư Chung năm 2004, số 13).

          Ngoài bàn tiệc Thánh Thể, người Kitô còn được mời gọi tham dự  bàn tiệc thứ hai là bàn tiệc Lời Chúa. Thật ra cả hai bàn tiệc đều diễn tả cùng một mầu nhiệm, mầu nhiệm Sự Sống. Chính vì thế, sau khi đã cùng với anh chị em sống mầu nhiệm Thánh Thể trong năm vừa qua, năm nay chúng tôi mời gọi anh chị em đào sâu ý nghĩa và vai trò của LỜI CHÚA. Hơn nữa, năm nay kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Tín Lý của Công Đồng Vatican II về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công Đồng về giáo lý cũng như về mục vụ. Về giáo lý, Hiến Chế nhắc nhở chúng ta nội dung đức tin hết sức phong phú và sống động của Giáo Hội về Mạc Khải của Thiên Chúa hoàn tất trong Đức Kitô. Về mục vụ, Hiến Chế đã khẳng định chỉ có Lời đến từ Thiên Chúa, được thông truyền và diễn tả qua chính đời sống Giáo Hội cũng như qua chứng tá của mỗi Kitô hữu mới có thể đem lại ánh sáng và niềm vui cho một thế giới đang khắc khoải tìm kiếm con đường về với Sự Thật và Sự Sống (x. MK 21).

          Vì thế, với Thư mục vụ này, trước tiên chúng tôi muốn cùng với anh chị em ôn lại giáo huấn của Công Đồng về Lời Chúa, sau đó cùng suy nghĩ về phương cách sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

    

I.  THIÊN CHÚA NGỎ LỜI VỚI NHÂN LOẠI

 

2- Lời yêu thương từ Chúa Cha

   Vì yêu thương, Thiên Chúa đã ngỏ lời với chúng ta để chúng ta được thông phần hạnh phúc viên mãn của Ngài. Ngài cũng mạc khải chính mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Thiên Chúa còn ngỏ lời với con người qua lịch sử Israel, dân riêng của Ngài, đồng thời cũng là lịch sử cứu độ. Qua Thánh Kinh, Thiên Chúa nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy. Ngài đã hạ mình, mang lấy những bất toàn và giới hạn của ngôn ngữ nhân loại, để nói với chúng ta. Nhờ đó, “chúng ta học biết lượng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và biết, do quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào” (MK 13).

         

3- Lời hiện thân nơi Chúa Giêsu Kitô

          Sau khi đã ngỏ lời với nhân loại bằng nhiều thể nhiều cách, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Dt 1,2a). Đức Giêsu Kitô chính là Lời của Thiên Chúa (MK 1), Đấng “vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng ta” (1 Ga 1,2). Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu đã đến hoàn tất Mạc Khải bằng chính sự hiện diện của Người, đồng thời Người tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang. Lời Chúa không chỉ là Lời Đức Kitô rao giảng, hay lời các tông đồ rao giảng về Đức Kitô, mà còn là trọn vẹn con người và cuộc sống tại thế của Người. Như thế, không điều gì nơi Đức Kitô mà lại không phải là Lời đích thực của Thiên Chúa muốn ngỏ với chúng ta và không một chi tiết nào trong cuộc đời Đức Kitô mà không mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa cũng như về tình yêu cứu độ của Ngài. Thánh sử Gioan đã quả quyết với chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Là Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta, “vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội” (PV 7).

    

4- Lời sống động trong Chúa Thánh Thần

     Trong cuộc đối thoại kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Thánh Thần đóng một vai trò quan trọng. Bởi lẽ Thánh Kinh được viết ra dưới sự linh hứng của Ngài. Như vậy, một đàng Ngài soi sáng việc soạn thảo Thánh Kinh, đàng khác Ngài “đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý. Và để người ta hiểu biết Mạc Khải sâu xa thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng ban các ơn huệ mà kiện toàn đức tin” (MK 5). Nhờ Chúa Thánh Thần mà kho tàng Mạc Khải được lưu truyền cách nguyên vẹn cho mọi thời đại. Chính Ngài đã và đang “làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ” (MK 8). Nhờ sự soi sáng hướng dẫn của Ngài, chúng ta có thể mạnh dạn thân thưa cùng Chúa Cha trong tâm tình con thảo : “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15).

                                                           

II-  CON NGƯỜI ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA

 

5- Lời Chúa là Lời Cứu độ

          Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để sáng tạo và cứu độ. Ngài ngỏ lời với con người vì yêu thương và muốn cho con người được hạnh phúc. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho chúng ta qua Thánh Kinh, đều nhằm mục đích cứu độ chúng ta cùng với tất cả mọi loài thụ tạo. Công Đồng Vatican II lưu ý khi nghiên cứu Thánh Kinh, ngoài những yếu tố nhân loại như cá tính và văn phong của tác giả, không bao giờ được quên rằng Thánh Kinh chủ yếu chứa đựng những chân lý cứu độ mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người (MK 12). Vì thế, bầu khí thuận lợi và lý tưởng để đọc Lời Chúa vẫn là bầu khí cầu nguyện, nghĩa là đọc “trong Chúa Thánh Thần” và trong sự hiệp thông với truyền thống sống động của Giáo Hội (MK 12), vì “nhiệm vụ này đã được ủy thác cho một mình Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, quyền này được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (MK 10). Khi con người thực sự đến với Lời Chúa, tâm hồn và cuộc sống của họ được nâng lên cao, được nuôi dưỡng bằng chính Lời Hằng Sống. Bởi lẽ “tất cả những gì được viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16).

   

6- Lời Chúa là nguồn sống của Giáo Hội

          Tất cả những giáo huấn trên về Lời Thiên Chúa trong Hiến Chế của Công Đồng đều quy về một mục đích chính, đó là làm sao để Lời Chúa thực sự trở nên lương thực thiêng liêng của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu (MK 21-26 ; x. Ga 10,10), vì Lời Chúa là “quy luật tối cao hướng dẫn đức tin”, “là lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng” của tất cả chúng ta (MK 21). Chính vì thế, Lời Chúa phải được “tôn kính như chính Thân Thể Chúa” (MK 21) và phải có một vị trí quan trọng trong đời sống thiêng liêng của Kitô hữu, nếu chúng ta thực sự muốn “khởi đầu lại từ Đức Kitô”. “Cũng như đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ năng tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể, cũng thế, ta được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liêng nhận được một sự thúc đẩy mới nhờ việc tăng thêm lòng sùng kính Lời Thiên Chúa, là Lời “tồn tại muôn đời” (Is 40,8 ; 1 Pr 1,23-25)” (MK 26).

    

III. LỜI CHÚA VỚI CUỘC SỐNG HÔM NAY

         

Anh chị em thân mến,

          “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Chúng ta không chỉ loan báo Lời Chúa mà còn phải thể hiện Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Sau khi đã cùng với anh chị em tìm hiểu giáo huấn của Công Đồng, chúng tôi muốn nêu lên một vài gợi ý thực tiễn, với mong muốn cho mọi thành phần Dân Chúa có thể kín múc nơi Lời Chúa sức mạnh thiêng liêng cho đời sống đức tin và luân lý trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

 

7- “Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu” (MK 22)

          Thánh Giêrônimô đã viết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (được trích trong MK 25). Do đó, bận tâm hàng đầu của chúng tôi là làm sao cho mọi tín hữu có thể tiếp cận với Lời Chúa, không những trong Phụng vụ mà còn trong đời sống thường ngày. Cụ thể là:

-        Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước.

-        Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn.

-        Dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức.

-         Phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với

từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.

      

8- Tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh

          Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.

          Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.

     Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức. Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta.

    

9- Canh tân đời sống trong ánh sáng Lời Chúa

     a- Với các linh mục và phó tế: chúng tôi xin mượn lời Công Đồng Vatican II để nhắc nhở anh em, hãy lo “gắn bó với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng; nếu không, sẽ có người trong họ thành “kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời đó trong lòng”

(x. T. Augustinô, được trích dẫn trong MK 25). Ước gì lời nhắn nhủ của Đức Giám mục trong Nghi lễ phong chức linh mục luôn vang mãi trong tâm trí anh em: “Chúng con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, chúng con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm Lời Chúa, chúng con hãy chú tâm tin điều chúng con đọc, dạy điều chúng con tin và thi hành điều chúng con dạy” (Nghi lễ phong chức linh mục). Loan báo Lời Chúa là sứ mạng chính yếu và là lẽ sống của chúng ta. Chính vì sứ mạng này mà chúng ta được chọn và sai đi (x. Mt 10,4; Mc 3,13-14). Đó cũng là di chúc của Thầy Chí Thánh trước khi về trời (x. Mt 28,19-20; Mc 16,15-18).

          b- Với các tu sĩ:  ước mong việc sống Lời Chúa trong năm nay sẽ là thời gian thuận lợi cho việc canh tân đoàn sủng mà anh chị em đã lãnh nhận và cam kết dấn thân. Như lời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong “Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến” (94), Lời Chúa là “nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo”. Trong Tông Thư “Khởi Đầu Ngàn Năm Mới” (39), ngài viết: “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta”. Anh chị em hãy đào sâu kinh nghiệm thiêng liêng về Lời Chúa một cách đặc biệt, nhờ đó anh chị em có thể trở lại với trọng tâm ơn gọi của mình, và giúp cho cộng đoàn tín hữu thăng tiến trên con đường thánh đức (x. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, 13).

          c- Với anh chị em giáo dân:  chúng tôi mời gọi anh chị em trở lại với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng Thánh Luca để ý thức rằng mỗi Kitô hữu vừa là người gieo giống vừa là thửa đất để đón nhận Lời Chúa (x. Lc 8,5-15). Đối với Lời Chúa, anh chị em hãy sửa soạn tâm hồn để trở thành mảnh đất màu mỡ. Đối với tha nhân, anh chị em hãy trở nên người gieo giống cần cù, kiên nhẫn tin tưởng không quản ngại chông gai sỏi đá.

          Đây là một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng để khắc phục mọi nghịch cảnh. Cuộc sống hôm nay đặt ra những thách đố lớn lao, nhiều lúc khiến anh chị em chao đảo, thất vọng. Trong những hoàn cảnh như thế, anh chị em hãy nhớ đến Chúa Giêsu trong câu chuyện hai môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24,13-35). Khi đồng hành với hai môn đệ đang bi quan chán nản, Người đã đem lại cho các ông niềm vui và sức mạnh qua việc diễn giải Thánh Kinh. Người cũng sẵn sàng hiện diện để nâng đỡ anh chị em, nếu anh chị em biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe Lời Người.

          d- Cách riêng với các bạn trẻ: chúng tôi muốn nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong bài giảng bế mạc Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại Cologne, ngày 21-8-2005: “Các bạn hãy giúp nhân loại khám phá ánh sao dẫn đường đích thực là Đức Giêsu Kitô. Chính chúng ta cũng cần tìm hiểu về Người mỗi ngày một hơn để có thể dẫn đưa tha nhân tin tưởng đến với Người. Vì thế, nếu yêu mến Thánh Kinh là điều hệ trọng, thì am hiểu đức tin của Giáo Hội cũng hệ trọng không kém, bởi vì nhờ Giáo Hội, ta mới  hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh”. Các bạn sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm  hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là Ánh Sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tính quyết định này.

 

10- Để Lời Chúa đi vào cuộc sống

        Ý chính của những gì vừa nêu ra trên đây là mỗi giới cần phải phát huy lòng yêu mến Lời Chúa sao cho phù hợp với điều kiện riêng của mình, nhưng tất cả đều phải biểu lộ lòng yêu mến ấy bằng hành động như Chúa đã dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Lòng yêu mến không phải chỉ là chuyện lý thuyết, nhưng phải minh chứng bằng việc làm: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy” (Ga 14,23). Việc thực hành Lời Chúa chính là nền tảng cho cuộc sống Kitô hữu như Lời Chúa phán: “Ai nghe Lời Ta nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Chính Đức Giêsu đã thực hành những lời Người rao giảng: Người đã tha thứ cho những kẻ giết mình, quan tâm đến những người bé mọn, hy sinh mạng sống cho nhân loại mà Người yêu mến. Trong bữa tiệc ly, sau khi giải thích sứ mạng Người Tôi Tớ, Đức Giêsu đã nêu gương cụ thể trong cử chỉ rửa chân cho các môn đệ, như để thực hiện chính điều Người đã truyền dạy. Đến ngày phán xét, Chúa không chất vấn chúng ta về sự uyên bác lý thuyết, nhưng về những việc chúng ta đã làm cho tha nhân.

          Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, Kitô hữu phải tập và nêu gương sống ngay thẳng. Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự sống con người, Kitô hữu quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn hóa sự sống. Trong một xã hội chạy theo lợi nhuận, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, gạt người nghèo sang bên lề cuộc sống… Kitô hữu được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương.

   

LỜI KẾT

 

11- Sống Lời Chúa theo gương Đức Maria

     Anh chị em thân mến,

     Để kết luận, chúng tôi mời gọi tất cả anh chị em hướng về Thập Giá, nơi có Đức Maria và người môn đệ Chúa yêu, để lắng nghe lời trăn trối: “Này là Mẹ con” (Ga 19,26-27). Tưởng không có gì sâu xa và thấm thía hơn khi Đức Giêsu chỉ công bố “mọi sự đã hoàn tất”

(Ga 19,30) sau khi thốt ra lời trao gửi đó, như thể trong việc đón nhận Mạc Khải Thiên Chúa không thể thiếu sự hiện diện của Đức Maria.

     Hành trình đức tin của Đức Maria là hành trình của người môn đệ. Mẹ là người môn đệ hoàn hảo luôn biết lắng nghe Lời Chúa và cộng tác với chương trình của Thiên Chúa qua sự vâng phục và tình mến. Trước những biến cố cứu độ được thực hiện qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, Mẹ đã ghi nhớ và suy niệm  trong lòng

(x. Lc 2,51). Ngày hôm nay Mẹ đang nói với chúng ta điều Mẹ đã nói với những người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

          Mẹ Maria, người đã đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Ngôi Lời trong lòng dạ, xin Mẹ dạy chúng ta biết sống Lời Chúa bằng tất cả tấm lòng, để chính cuộc sống chúng ta cũng trở thành Tin Mừng cho mọi người anh em,  trên quê hương Việt Nam thân yêu này.

 

Làm tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu ngày 9 - 9 - 2005

 

Thay Mặt. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

 

+ Gm. Phaolô Nguyễn văn Hoà

         Chủ Tịch

 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Soạn

      Tổng Thư Ký

 

 

(Tài Liệu được cung cấp từ Văn Phòng Thư Ký của HĐGMVN, qua điện thư Công Giáo Việt Nam conggiaovietnam@gmail.com)

 

----- Original Message -----
From: Cong Giao Viet Nam
To: Undisclosed-Recipient:;
Sent: Monday, September 12, 2005 5:50 AM
Subject: Thu Chung Muc Vu 2005 cua HDGMVN

 

 

HUẤN LUYỆN CHỦNG SINH

VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

 

19.3.1995

 

DẪN NHẬP

 

(1) Việc cử hành năm gia đình trong Giáo Hội vừa mới kết thúc đã cho Thánh Bộ này một cơ hội tốt để mời gọi sự chú ý của các Hội Đồng Giám Mục về tầm quan trọng đặc biệt mà trong việc huấn luyện linh mục cần phải góp phần vào những vấn đề liên quan đến hôn nhân và đời sống gia đình. Cho dù đề tài này đã có trong chương trình huấn luyện và vì thế không nên bỏ qua trong việc giáo dục thực tiễn cũng như trong việc học hỏi. Tuy nhiên cũng cần có những khai triển mới về phương diện giáo thuyết, luân lý, tu đức, mục vụ và nhấn mạnh đến những điều mới mẻ phù hợp với tình trạng cấp bách hiện nay. Thật vậy, theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “ngày nay cần phải đặt gia đình và sự sống làm trọng tâm của việc loan báo tin mừng” và trở nên “đối tượng của một việc học hỏi nghiêm chỉnh và có hệ thống và của việc suy tư trong các chủng viện, trong những nhà huấn luyện và trong những học viện” (Diễn văn dành cho các Giám Mục điều hành các Uy Ban giám mục về gia đình của Mỹ Châu La Tinh, ngày 18.3.1993).

 

(2) Từ nhiều tài liệu chính thức của Giáo Hội, từ những hội nghị và những buổi hội thảo khác nhau trong những năm gần đây về vấn đề Gia Đình cho chúng ta thấy rằng những bổn phận đang chờ đợi các linh mục tương lai trong lãnh vực sứ vụ này so với trước đây tế nhị hơn, đòi hỏi hơn và nhất là phức tạp hơn. Một đàng, đây là việc loan truyền sự mới mẻ và vẻ đẹp của “sự thật thần linh về gia đình” (xem Thư gởi các gia đình Gratissimam sane của ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 2.2.1994), dẫn đưa gia đình kitô hữu đến với sự hoàn thiện của đức ái và, đàng khác, lại phải đối đầu với những hoàn cảnh khủng hoảng, trước sự suy thoái của học thuyết, của những quan niệm về sự sống và phong hóa đi ngược lại với Tin Mừng và với thiện ích đích thực của con người. Nói chung, những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của các gia đình kitô hữu ngày nay đang tăng vọt một cách rõ ràng và vì thế chúng đòi hỏi việc phục vụ của các mục tử không những chỉ nhạy bén trước những vấn đề ấy mà thôi, nhưng còn phải chuyên môn về những thực tại của cuộc sống và vững vàng trên cả lãnh vực lý thuyết nữa.

Chính vì nhắm đến tình trạng này mà chúng tôi đặt ra ở đây hai câu hỏi: Ngày nay, các linh mục vừa xuất thân từ các chủng viện đã được chuẩn bị một cách đầy đủ để đáp ứng những nhu cầu mục vụ hiện thời chưa? Và, nếu câu trả lời không mấy tích cực thì phải làm gì để việc chuẩn bị ấy có thể tốt hơn và luôn trở nên hữu hiệu và đầy đủ hơn?

 

I. TÌNH TRẠNG HIỆN NAY CỦA VIỆC HUẤN LUYỆN

(3) Vì sự khác biệt lớn lao của nhiều hoàn cảnh trên toàn thế giới nên câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên của hai câu hỏi trên cũng rất khác biệt. Để có được sự phán quyết về vấn đề nêu trên, Thánh Bộ này dựa trên những kết quả của việc thăm dò gần đây tại các Hội Đồng Giám Mục theo những tin tức có được từ những cuộc kinh lý trong các chủng viện và những lần “ad limina” của các giám mục, dựa trên những tiếp xúc tại chỗ với những thực tại địa phương, dựa trên những ý kiến của một số chuyên gia, cũng như dựa trên ý kiến của các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ: thành phần sau cùng này có nhận xét khá đúng về phẩm chất của việc huấn luyện trong các chủng viện và về những ước mong của các đôi vợ chồng kitô hữu.

Chúng tôi có thể nói được rằng những tin tức khác nhau này, được nhận xét trong toàn bộ và cách chung cho phép chúng tôi đưa ra một vài kết luận mang tính cách tổng hợp cho thấy nhiều nhu cầu và đường hướng chung của công cuộc huấn luyện:

 

(4) 1. Mới nhìn vào thì chủ đề hôn nhân và gia đình xem ra không bị bỏ qua trong các chương trình học kinh viện. Chủ đề này thường đuợc lồng vào trong việc giảng dạy thần học tín lý (về việc sáng tạo), bí tích (bí tích hôn phối), luân lý (những vấn đề của đời sống hôn nhân: những mối tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, việc giáo dục), mục vụ (chương nói về mục vụ gia đình), trong giáo luật (những điều kiện để việc cử hành hôn phối được thành sự) và trong phụng vụ (nghi thức hôn phối). Đây là những môn học và những vấn đề nền tảng mà trong một nghĩa nào đó chỉ theo “truyền thống” đã có ít nhiều trong mọi chủng viện, cho dù cách thế giảng dạy có khác nhau tùy mỗi nơi và tùy theo cơ cấu tổ chức của từng học viện

 

(5) Tuy nhiên, điều mà ngày nay người ta coi trọng hơn cả không phải là tổ chức việc giảng dạy cho bằng phẩm chất và hiệu lực của nó. Theo sự phán quyết dựa trên những kinh nghiệm cũng như từ những phê bình khác nhau và từ việc nhận xét không mấy thỏa mãn tại nhiều nơi qua lối giảng dạy, lý thuyết và thực hành mục vụ, thì chúng ta phải kết luận rằng môn học này chưa đuợc giảng dạy một cách cẩn trọng và bao quát để cống hiến cho Giáo Hội những mục tử đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về lãnh vực tông đồ này. Họ phải là những mục tử có khả năng “trình bày nền giáo huấn của Giáo hội liên quan đến hôn nhân” (Phaolô VI, Humanae vitae, 28), biết soi sáng và huấn luyện lương tâm, biết thăng tiến việc cộng tác chuyên môn và khuyến khích các gia đình hoạt động tông đồ cách tích cực và mang lại một năng lực mới cho sự canh tân sâu xa về mục vụ gia đình.

 

(6)   2. Trong lãnh vực giáo thuyết, tín lý-luân lý và tu đức-phụng vụ, còn có nhiều ấn tượng về việc giảng dạy: một đàng, chưa quân bình đủ, nhất là trong thần học luân lý, và đàng khác, còn thiếu sự nhận thức rõ ràng về những mục tiêu của chúng và về những nguyên tắc của việc nghiên cứu thần học chân thực. Thật vậy, về chủ đề gia đình và đời sống hôn nhân, chúng tôi thấy không thiếu những chống đối về giáo huấn của Giáo Hội, những chiều hướng quá chú trọng đến một chủ nghĩa tâm lý và xã hội, và đôi lúc chỉ một chiều. Chúng thu hẹp việc học hỏi toàn bộ môn học vào một vài lãnh vực riêng biệt nào đó, làm thiếu tính chất chuyên môn và toàn bộ. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy không thiếu những nơi bỏ qua những việc làm quan trọng đã được Công Đồng Vaticanô II đề nghị và những tài liệu chính thức sau đó của Giáo Hội, chẳng hạn như một nền tảng triết học và kinh thánh kỹ lưỡng hơn về nhân chủng học của hôn nhân, một sự nghiên cứu học hỏi sâu xa hơn về những phương pháp tự nhiên của việc điều hòa sinh sản và nhất là một sự trình bày thần học đầy đủ và sâu sắc hơn về sự thật của gia đình và về linh đạo hôn nhân. Những việc làm này không thể thiếu để các gia đình có thể thăng tiến trong tinh thần tông đồ và trở nên một yếu tố thúc đẩy trong việc thức tỉnh thiêng liêng của cộng đoàn kitô hữu và của chính xã hội dân sự.

 

(7)   3. Tính chất trọng yếu và phức tạp của những vấn đề luân lý, y học, pháp luật và kinh tế trong hoàn cảnh hôm nay của gia đình càng nêu rõ việc chuẩn bị những linh mục tương lai cho việc tông đồ trong lãnh vực này tùy thuộc phần lớn vào phẩm chất của việc huấn luyện tri thức mà họ lãnh nhận được trong các chủng viện. Tuy nhiên, các môn học kinh viện không phải mọi nơi đều đạt được trình độ cao. Một trong những vấn đề chính là xây dựng khoa triết học mà chính ngày hôm nay luôn được mời gọi để đóng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề căn bản về nhân chủng học, cũng như cho việc giải thích và áp dụng những dữ kiện của khoa học. Điều đó cho chúng ta hiểu rằng sự chuẩn bị vững vàng cho mục vụ gia đình không thể làm khác hơn là sự huấn luyện tri thức triết học và thần học rất kỹ lưỡng và đầy đủ mà chỉ có thể đuợc bảo đảm nhờ những chủng viện có tổ chức tốt và hữu hiệu trong lãnh vực học hỏi.

 

(8)   4. Trong việc chuẩn bị các linh mục tương lai có những vấn đề đặc biệt cần phải nhắm đến như tác vụ hoà giải, hướng dẫn thiêng liêng và huấn luyện lương tâm cho các tín hữu. Đó là những vấn đề mà các đôi vợ chồng kitô hữu thường mong đợi và yêu cầu, nhưng trong nhiều trường hợp họ không nhận được sự đáp trả tương xứng. Họ tìm kiếm những linh mục giải tội và những vị linh huớng có được những tiêu chuẩn luân lý chắc chắn và chuyên môn trên đường hoàn thiện theo tin mừng, nhưng họ cho biết là có một vài khó khăn trong việc tìm kiếm các vị ấy. Theo họ, trong nhiều trường hợp họ đã gặp những linh mục không mấy quan tâm đến tác vụ ấy hoặc chưa được chuẩn bị đầy đủ. Theo Tông Huấn Reconciliatio et paenitentia, “đối với thừa tác vụ của bí tích hòa giải, mỗi linh mục cần phải được chuẩn bị ngay từ những năm học ở chủng viện, cùng với việc học hỏi về thần học tín lý, luân lý, tu đức và mục vụ (không phải chỉ thần học mà thôi) còn có những khoa về con người, phương pháp đối thoại và đặc biệt là đối thoại mục vụ” (số 29). Lời nhắc nhở long trọng ấy còn đuợc lặp lại trong thời gian sau này qua nhiều tài liệu khác nhau. Tuy nhiên, như chúng ta có thể thu thập được từ nhiều nơi, cuộc khủng hoảng chung hiện nay về bí tích hòa giải và của việc linh hướng vẫn chưa có thể vượt qua được, cho dù một vài nơi cho thấy có nhu cầu của người kitô hữu. Nhận xét này làm chúng ta phải đặt câu hỏi phải chăng trách nhiệm về tình trạng ấy, ít là một phần nào đó, là do những thiếu sót trong việc huấn luyện và trong chính lối sống tại các chủng viện.

 

(9)   5. Sự huấn luyện đặc biệt về mục vụ, trên lý thuyết và thực hành, cho việc tông đồ đối với các gia đình trong thời gian gần đây có đuợc nhiều ưu thế: trước hết là những đường hướng qua huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, tông huấn Familiaris consortio, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình và những chương trình mục vụ toàn quốc và giáo phận, cũng như ngay cả trong việc mục vụ nói chung mà gia đình đã có đuợc, bên cạnh các thành phần khác của cộng đoàn và của các bậc sống khác nhau (nam giới, nữ giới, người trẻ, người già, v.v.), một cách thế đặc biệt để có thể nhận ra và đối diện trước những vấn đề. Nhờ đó việc chuẩn bị cho những ứng viên linh mục đối với những bổn phận mục vụ trong lãnh vực này trở nên phong phú và thực tế hơn trước đây.

 

(10) Tuy nhiên, xét về mặt khác, những phát triển hứa hẹn ấy cũng gặp không ít những trở ngại: thiếu giáo sư chuyên môn, không phải các giáo sư đều có những kinh nghiệm mục vụ đầy đủ, những chương trình học đã khá nhiều nhưng lại  không bàn đến những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình một cách rộng lớn và sâu xa. Ngoài ra còn cần phải nói thêm rằng kết quả thực tế của hoạt động giáo dục đôi lúc bị giảm sút vì thiếu bảo đảm và quá lý thuyết cũng như vì thiếu sự phối kết giữa các môn học.

 

(11) Những kinh nghiệm thực tập về mục vụ của các chủng sinh mà nhu cầu mỗi ngày càng nhiều hơn trong các giáo phận có thêm nhiều sáng kiến nhằm giúp cho các gia đình (những văn phòng tư vấn, các nhóm và phong trào gia đình), sẽ giúp cho các chủng sinh có đuợc một cái nhìn đúng hơn về thực tại và nhất là cho họ cơ hội cảm nghiệm và thực thi khả năng truyền đạt và tiếp cận với con người một cách thực tế. Tuy nhiên, những hoạt động mục vụ cho đến nay đạt được kết quả rất ít ỏi, có thể bởi vì trong nhiều chủng viện còn thiếu sự chuẩn bị cho công việc này, thiếu cái nhìn và việc thẩm định từ phía những người huấn luyện, hoặc vì chính các bạn trẻ chưa trưởng thành đủ cho loại tông đồ này và thường họ cảm thấy những việc làm ấy không mấy hấp dẫn. Ngoài ra, những lần họ đi ra ngoài vào chiều tối để tham dự những buổi sinh hoạt của các nhóm gia đình cũng gây ảnh hưởng đến kỷ luật của các chủng viện.

 

(12) 6. Tuy nhiên, bên cạnh những thiếu sót và những khó khăn nhận ra đuợc, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng trong lãnh vực huấn luyện này còn có những khả năng và những chiều hướng mới. Thật vậy, có những năng lực mới không những đến từ bên trên, nhưng còn có thể nói đuợc là đến từ “bên dưới”: từ các giáo xứ và các đoàn thể tạo cho các chủng viện gặp gỡ với các gia đình và với những vấn đề của họ. Tiếp đến là hiện có nhiều khóa thường huấn và thông tin cho các nhà huấn luyện và cho các chủng sinh đuợc tổ chức nhiều lúc với sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn về mục vụ gia đình và của nhiều nhóm tông đồ khác nhau, đồng thời cần phải quan tâm đến những giúp đỡ cho vấn đề này từ tác vụ linh mục. Những can thiệp ấy cho đến nay vẫn còn hiếm hoi và ít có cơ hội nên chúng ta cần phải đi đến việc thực hiện những chương trình có hệ thống hơn và kỹ càng hơn. Cần phải có thẩm quyền chuyên môn và cái nhìn bao quát gồm cả những vấn đề lý thuyết, tu đức và mục vụ mà hôm nay thường được nói đến hơn cả. Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho việc mục vụ gia đình trong các chủng viện chỉ có thể đạt được mục tiêu đích thực của nó khi tất cả mọi người, người huấn luyện cũng như người đuợc huấn luyện, biết xác tín về tầm quan trọng thiết yếu và không thể thiếu được và thật sự xem gia đình như con đường “đầu tiên và quan trọng nhất” đối với việc thừa tác của họ (xem Gioan Phaolô II, Thư gởi các Gia Đình Gratissimam sane, 2).

Bởi vậy, trong bối cảnh ấy chúng ta cần đặt câu hỏi thứ hai về việc làm cho tình trạng này được trở nên tốt đẹp hơn.

 

II. ĐÂU LÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG LÀM CHO VIỆC HUẤN LUYỆN NÀY ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ VÀ HỮU HIỆU HƠN?

 

(13) Để có thể giải quyết một cách tương xứng nhiều vấn đề tế nhị liên quan đến hôn nhân và gia đình trước nhu cầu hiện nay thì cần phải có nơi các linh mục một tinh thần mục vụ chân thực và một trình độ chuyên môn thật sự. Bởi vậy, hệ thống huấn luyện trong lãnh vực này cần phải có một sự xét lại kỹ lưỡng và để thích nghi thì phải nâng cao thật sự về phẩm chất.

 

(14) 1. Mỗi một bước tiến trong ý nghĩa ấy đều phải được hướng dẫn bởi một cái nhìn rõ ràng về tính chất bao quát và về mục tiêu của lãnh vực tác vụ thánh này: việc tông đồ gia đình là một bổn phận không chỉ tùy thuộc vào một số ít linh mục đang có trách hiệm hoặc sẽ mang trách nhiệm về mục vụ gia đình, nhưng hôm nay đó là một chiều kích thiết yếu và có thể nói được là có mặt khắp nơi của việc tông đồ giáo dân, mà tất cả linh mục đều được mời gọi hoạt động trong những cách thế và mức độ trách nhiệm khác nhau. Bởi vậy, đây là việc cống hiến cho những người đang chuẩn bị làm linh mục những phương tiện huấn luyện làm sao cho họ trở nên những người chuyên môn thực hiện một cách hữu hiệu công việc tông đồ quan trọng và khó khăn này.

 

(15) 2. Vì có nhiều đề tài và bổn phận cần được huấn luyện trong lãnh vực này nên cần phải có một sự phối kết kỹ lưỡng giữa sự huấn luyện ban đầu của chủng viện và việc thường huấn. Cần phải thiết định một cách rõ ràng những gì phải được học hỏi trong các môn học ở chủng viện và những gì cần để lại sau khi thụ phong linh mục. Ngoài ra, trong việc chọn lựa những đề tài cần phải lưu ý đến mức độ trưởng thành của các học viên. Thật vậy, có những đề tài khác nhau liên quan đến đời sống hôn nhân chỉ có thể được giảng dạy với cái nhìn bao quát và cụ thể nhờ tiếp cận với việc thực hành mục vụ. Nhưng ngay cả trong những năm đầu của thừa tác vụ thánh các tân linh mục cũng cần thi hành những bổn phận ấy một cách tiệm tiến nhờ sự hướng dẫn của các mục tử trưởng thành và chuyên môn hơn.

 

(16) 3. Trong khi làm cho chủ đề gia đình có được một sự phát triển rộng lớn và sâu xa hơn thì cũng phải làm sao để có thể tránh tăng thêm nhiều giáo trình và bộ môn chuyên biệt. Về việc làm này cần phải có sự hợp tác của các khoa giữa những  bộ môn đã có và việc tổ chức toàn bộ học trình làm thế nào để chủ đề gia đình có thể trở thành chiều kích nội tại của việc huấn luyện tri thức và mục vụ. Hơn nữa, một sự phối kết giáo dục chặt chẽ như thế dù đã đuợc tiên liệu bởi sắc lệnh Optatam totius (số 17) và “Ratio fundamentalis” (các số 80, 90), nhưng chỉ có thể thành công được nhờ sự theo dõi và kiểm soát của một người chuyên môn thực sự trong những vấn đề gia đình và hôn nhân. Trong cách thế ấy, chủ đề gia đình và hôn nhân sẽ được xếp đặt vào một chỗ đúng với vị thế của nó, và sẽ làm bớt đi những toan tính tạo nên một giáo trình đặc biệt nói đến mọi khía cạnh như đã xãy ra ở một vài nơi.

 

(17) 4. Những vấn đề tổ chức chuyên biệt được đặt ra cho những Phân Khoa thần học, nơi có nhiều chủng sinh đang theo học. Những giáo trình của chu kỳ đầu thường có rất nhiều và đặc biệt hướng đến việc học hỏi về những bộ môn thần học chính yếu. Bởi vậy, bổn phận ưu tiên của các phân khoa là giới thiệu cho các học viên một sự trình bày sâu xa xét theo phương diện lý thuyết cũng như xác quyết về những nguyên tắc giáo thuyết và luân lý liên quan đến hôn nhân và gia đình để họ có thể có khả năng bênh vực và bảo vệ tính chất pháp lý của chúng và áp dụng vào trong thực tế của đời sống. Đồng thời cũng cần có một vài nỗ lực để đưa vào trong những chương trình một số giáo trình mục vụ không thể thiếu được như phần phụ thêm và những khoá hội học, cho dù thời khóa biểu đã quá đầy. Trong trường hợp dù với thiện chí cũng không còn chỗ trống cho vấn đề ấy thì cần phải bổ sung trong chu kỳ thứ hai (thường trong “năm mục vụ” đã được tính liệu bởi khoản 74,2 của costituzione apostolica Sapientia christiana), hoặc những khoá học nội bộ phụ thêm được tổ chức trong các chủng viện hay các học viện.

 

(18) Hơn nữa, cần tiên liệu làm sao để những chủ đề liên quan đến hôn nhân và gia đình được nhiều học viên chọn làm đối tượng về chuyên môn để làm tiểu luận trong chu kỳ thứ hai và làm luận án tiến sĩ trong chu kỳ thứ ba.

 

(19) 5. Sự chọn lựa các bộ môn và chủ đề để hội nhập, đổi mới hoặc khai triển phần lớn trong các chương trình đều tùy vào những hoàn cảnh văn hóa cụ thể và mục vụ địa phương. Những hướng dẫn thực tiễn về vấn đề này có thể được các Hội Đồng Giám Mục đề ra và một cách cụ thể nhờ những chương trình mục vụ gia đình cho toàn quốc và cho từng giáo phận.

Bây giờ, sau những vấn đề mang tính chất tổng quát này, chúng ta bàn đến một số việc làm đặc biệt về việc huấn luyện tri thức, tu đức và mục vụ.

 

a) Huấn luyện tri thức

 

(20) 1. Trước hết cần nhấn mạnh đến trách nhiệm riêng của các giáo sư để trình bày sự thật về con người một cách đầy đủ và chân thực, đặc biệt về hai ơn gọi căn bản của đời sống kitô hữu: đó là ơn gọi trinh khiết và ơn gọi hôn nhân và về mối tương quan giữa hai ơn gọi ấy, và về “hai chiều kích của việc vợ chồng, đó là chiều kích kết hợp và truyền sinh”, hai chiều kích ấy “không thể tách rời một cách nhân tạo mà không phương hại đến sự thật sâu thẳm của chính hành động vợ chồng” (Gioan Phaolô II, Thư gởi các gia đình Gratissimam sane, 12). Chính Đức Giáo Hoàng cũng đã khẳng định một cách rõ ràng bằng việc qui hướng về thông điệp Veritatis plendor, “chỉ khi nào sự thật về tự do và hiệp thông của con người trong hôn nhân và trong gia đình lấy lại được sự rạng ngời của mình thì mới thật sự xây dựng được nền văn minh tình thương và khi đó mới có thể nói được như Công Đồng nói một cách hữu hiệu về việc ‘thẩm định phẩm giá của hôn nhân và gia đình’” (Gratissime sane, 13). Ngoài ra, việc giảng dạy về giáo thuyết cách vững vàng, liên kết với huấn quyền và được khai triển trong khía cạnh lý thuyết và xác quyết của nó, còn tùy thuộc vào phẩm chất của linh đạo hôn nhân và việc hoạt động mục vụ của linh mục nữa.

 

(21) 2. Sự hiểu biết được nghiền ngẫm kỹ lưỡng và sâu xa về sự thật trên hôn nhân và gia đình cần phải có một suy tư triết học vững vàng, được khởi hứng theo những nguyên lý tốt lành. Sự hiểu biết ấy cần đặt dưới ánh sáng những khái niệm nền tảng về nhân chủng học, chẳng hạn như về con người, cuộc sống của con người trong tương quan liên chủ thể, định mạng của con người, những quyền bất khả nhượng của con người, “tính chất hôn ước” như là một trong những yếu tố đầu tiên được thể hiện của bản tính con người và yếu tố xây dựng xã hội. Ước mong cho những chủ đề này phải được lưu ý trong những giáo trình triết học, nhờ vậy mới có thể cống hiến được cho việc giáo dục về gia đình và về tính dục một nền tảng siêu hình vững vàng.

 

(22) 3. Trong việc giảng dạy triết học, được bổ túc bằng những dữ kiện của lịch sử, của xã hộc học và của dân tộc học, nên tìm cách cắt nghĩa cuộc khủng hoảng hiện nay về hôn nhân và định chế gia đình manh nha từ trong những trào lưu tư tưởng trước đây và bây giờ chỉ là sự biểu lộ rõ ràng của cuộc khủng hoảng sâu xa về những giá trị tinh thần, luân lý và văn hóa mà ngày nay đang lan tràn trên cả nhân loại. Nhìn trong một bối cảnh như thế, những bổn phận mục vụ cần chuẩn bị cho các bạn trẻ trong chủng viện có được chiều kích thật sự của chúng, đồng thời đó cũng là một việc phục vụ nghiêm chỉnh và sáng suốt cho sự thật và cho việc xây dựng một nền văn minh mới xứng hợp hơn với con người.

 

(23) 4. Việc chọn lựa những đề tài về luân lý sinh học mang tính chất khoa học và triết học sẽ được thực hiện bằng cách qui hướng về những đòi hỏi của khoa thần học luân lý. Khoa này cần có những dữ kiện khoa học được xem xét một cách cẩn thận để có được thẩm quyền về những vấn đề sống động nhất của đời sống hôn nhân và của gia đình. Nhiều đề tài thuộc loại này có thể được dành cho y dược mục vụ, để có thể sử dụng những sự đóng góp của y khoa.

 

(24) Thật vậy, đối với khoa thần học luân lý “hơn cả những khoa thần học khác, cần lưu ý đến những kết quả của những khoa học tự nhiên và của con người, và của kinh nghiệm về con người. Những kết quả ấy, mặc dù chúng không thể đặt để hay tạo nên những qui luật luân lý, nhưng chúng có thể mang lại nhiều ánh sáng về hoàn cảnh và về cách sống của con người” (Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Orientamenti La formazione teologica dei futuri sacerdoti, 22.2.1976, n. 99; xem các số 54-58).

 

(25) 5. Nhiều yếu tố nói đến một sự canh tân thích hợp về đề tài của các môn học bao gồm cả lãnh vực này (thần học tín lý, bí tích, luân lý, mục vụ, giáo luật) phần lớn được tìm thấy trong những tài liệu của huấn quyền giáo hoàng: các thông điệp Humanae vitae và Veritatis plendor, các tông huấn Familiaris consortio và Christifidelis laici, tông thư Mulieris dignitatem, thư gởi các gia đình Gratissimam sane, và trong nhiều tuyên ngôn của Đức Giáo Hoàng và các cơ quan của Tòa Thánh (xem tuyên ngôn Persona humana, huấn thị Donum vitae và Thư gởi các giám mục của Giáo Hội công giáo về việc mục vụ cho những người đồng tính luyến ái của Thánh Bộ Đức Tin). Đây là một “corpus” giáo thuyết và mục vụ mà trong cái nhìn chung tùy theo bản chất của mỗi chủ đề cần phải được đưa vào trong các môn học khác nhau để làm sáng tỏ và khai triển những khái niệm thần học khác nhau: để cắt nghĩa bản chất và căn tính của gia đình, để làm phong phú hóa nền thần học về “gia đình như giáo hội tại gia”, cũng như để cống hiến những giải đáp rõ ràng và tức thời cho những vấn đề ngày nay đang được bàn cải chẳng hạn như ơn gọi đến với sự hoàn thiện tin mừng, tính bất khả phân ly của dây hôn, bảo vệ sự sống.

 

(26) 6. Việc giảng dạy thần học tín lý và bí tích, để có được sự chuẩn bị cho các linh mục tương lai về mục vụ gia đình có hệ thống và chính xác hơn, thì cần phải đưa ánh sáng đức tin trên đối tượng và trên những mục đích của nó. Họ phải được thường xuyên hướng dẫn để hiểu biết hơn phẩm giá đích thực về kitô giáo và siêu nhiên của hôn nhân và gia đình, bằng cách đưa vào trong bối cảnh của công trình tạo dựng, cứu chuộc và mầu nhiệm của giáo hội. Thật vậy, với cách thế ấy vai trò chính yếu của vợ chồng kitô hữu sẽ rạng ngời trong toàn nhiệm cục cứu rỗi, với tất cả cuộc sống bí tích và ơn gọi nên thánh. Đó chính là sự mới mẻ của đời sống trong Đức Kitô xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh như sự tham dự vào tình yêu của sự sống ba ngôi, mạc khải không những cho chính đôi vợ chồng, mà còn cho cả những mục tử tương lai, sự phong phú lớn lao và sự hoàn thiện từ đó xuất phát cho tình yêu tự nhiên của con người, đồng thời cũng chỉ dẫn những mục tiêu đích thực cuối cùng mà mỗi việc tông đồ trong lãnh vực này cần nhắm tới.

 

(27) 7. Việc giảng dạy thần học luân lý được gắn liền cách chặt chẽ với tín lý mang những trách nhiệm lớn lao cho việc huấn luyện trong những linh mục tương lai về những xác tín và những thái độ căn bản đối với việc tông đồ gia đình. Việc giảng dạy ấy một cách khoa học cần phải nghiêm chỉnh và một cách giáo thuyết cần phải chắc chắn, nhờ vậy mới có thể gợi lên trong các linh mục tương lai những tâm tình mục vụ và nuôi dưỡng lòng thao thức tông đồ. Trong khi tìm giải thích những qui luật khách quan về luân lý hôn nhân cũng cần quan tâm đến “những hoàn cảnh đặc biệt” (xem tông huấn Familiaris consortio, các số 77 tt) và những trường hợp khó khăn, đồng thời cống hiến cho các mục tử tương lai những đường hướng và những giải đáp mục vụ, cùng với những chỉ dẫn cho việc sử dụng khôn ngoan về những khoa học về con người. Sự trung thành với huấn quyền sẽ giúp cho các linh mục tương lai “chăm lo gìn giữ được sự thống nhất trong những cách phán đoán của họ, để tín hữu khỏi bối rối lương tâm” (số 73).

 

(28) 8. Giáo luật áp dụng những nguyên tắc đức tin và luân lý vào cụ thể của cuộc sống, là một phần quan trọng của việc mục vụ gia đình, với qui luật của nó liên quan đến những điều kiện để cử hành bí tích hôn phối cách thành sự và để bảo đảm dây hôn. Việc chuyên cần học hỏi ấy cần mở rộng đến những vấn đề được đặt ra từ cuộc sống hiện nay và từ những tiến bộ của những khoa học về con người, sinh học và y học, cần phải cống hiến cho những linh mục tương lai những trợ giúp cần thiết để có thể đồng hành và theo dõi những cuộc hôn nhân đang thành hình cũng như những hôn nhân đã cử hành và những hôn nhân đang gặp khủng hoảng. Do đó, cần phải cho họ biết đến những vụ tháo gỡ hôn phối và thể thức của những tòa án giáo hội, cũng như những luật lệ dân sự trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến gia đình. Bởi vậy cần phải chú ý học biết Hiến Chương về quyền của gia đình do Toà Thánh ban hành nữa.

 

(29) 9. Chiều kích xã hội của những vấn đề hôn nhân và gia đình, đặc biệt những vấn đề do những hoàn cảnh khủng hoảng gây nên, chính là đối tượng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Thêm vào những vấn đề được bàn đến trong thần học luân lý từ cái nhìn luân lý cá nhân, chẳng hạn như ly dị, ngừa thai, phá thai, thụ thai nhân tạo, v.v., còn có nhiều vấn đề khác mang tính chất kinh tế và xã hội văn hóa (nạn thất nghiệp, lương bổng gia đình, quyền gia đình, việc làm của nữ giới và của trẻ em, những cách thức mới về việc chung sống hôn nhân, sự thay đổi “vai trò” trong gia đình, vị thế của người nữ trong xã hội, giáo dục học đường, nhà cửa, nghiện ngập, người khuyết tật, di dân, thời gian vui chơi giải trí, v.v.), để được học hỏi dưới ánh sáng của những nguyên tắc và giá trị thường hằng, những tiêu chuẩn phán đoán và những đường huớng hoạt động. Bộ môn này có nhiều điểm gần gũi với thần học mục vụ (đặc biệt với “mục vụ xã hội”) và vì vậy cần phải có một sự phối kết tốt đẹp giữa các bộ môn.

 

(30) Nhờ những cuộc thăm dò của mình bộ môn này sử dụng những đóng góp của các khoa học nhân loại và thực dụng (sinh học, y học, tâm lý học, kinh tế học, dân tộc học), cũng như những kết quả của nhiều cuộc phân tích và điều tra xã hội và dân số. Trong việc sử dụng những dữ kiện ấy cần phải tránh “nguy cơ sa vào trong cạm bẫy của những chủ nghĩa lèo lái việc giải thích những dữ kiện, hoặc vào trong chủ nghĩa thực chứng quá coi trọng những dữ kiện vật lý mà không có một sự hiểu biết toàn diện về con người và thế giới” (Bộ Giáo Dục Công Giáo, Tài Liệu In questi ultimi decenni. Orientamenti per lo studio e l’insegnamento della dottrina sociale della chiesa nella formazione sacerdotale, 30.12.1988, n. 68; cf. N. 10).

 

b) Huấn luyện tu đức

 

(31) 1. Điều mong ước đầu tiên và cần thiết nhất để lo việc tu đức (linh đạo) cho các vợ chồng kitô hữu và gia đình của họ là sự trưởng thành nhân bản và kitô giáo của các mục tử. Vì thế, cả hai lãnh vực này của con người linh mục tương lai cần phải được theo dõi một cách cẩn thận và được chăm sóc ngay từ những năm đầu của đời chủng sinh. Trước hết cần phải làm sao soi chiếu cho họ thấy được tất cả sự mới mẻ và vẻ đẹp của mối tương quan giữa lời mời gọi đến với sự trinh khiết và lời mời gọi đến với hôn nhân, như hai chiều kích của một ơn gọi nên thánh, luôn được nhìn dưới ánh sáng của truyền thống và của huấn quyền liên tục trong Giáo Hội (cf. Pio XII, Thông điệp Sacra virginitas, 25.3.1954: EE 6/986ss).

 

(32) 2. Như những vị giải tội tương lai và linh huớng, các chủng sinh phải được đào tạo làm sao để họ ngày càng khám phá ra vẻ đẹp và tầm quan trọng của bí tích thống hối và việc linh hướng, để trước hết họ cũng trở nên những con người nhiệt thành và chuyên cần thực hành. Thật vậy, theo tông huấn Reconciliatio et paenitentia, các linh mục không thể thi hành một cách xứng đáng và mang lại kết quả thừa tác vụ ấy mà truớc hết họ không biết lãnh nhận: “nơi một linh mục mà không còn biết xưng tội hoặc xưng tội không nên thì chức linh mục của ngài và cách làm linh mục của ngài sẽ sớm bị tỏ lộ và ngay cả cộng đoàn mà ngài là mục tử cũng sẽ nhận ra điều đó” (số 31, VI).

 

(33) 3. Dựa trên những kinh nghiệm cụ thể thì chúng ta có thể nhận thấy rằng những thái độ nhân bản của các linh mục tương lai đối với việc tông đồ gia đình thường chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bất qui tắc của những gia đình gốc. Trong những trường hợp ấy, nhiều yếu tố tâm lý tạo khó khăn cho các chủng sinh về trách nhiệm trong lãnh vực hoạt động này. Bởi vậy, chúng ta cần phải cống hiến cho họ những trợ giúp phù hợp để vượt qua những khó khăn ấy nhờ những can thiệp giáo dục cách tế nhị. Một sự chữa trị hữu hiệu đối với họ sau này sẽ là kinh nghiệm cộng đoàn trong hàng giáo sĩ của giáo phận, trong đó họ sẽ tìm thấy gia đình thiêng liêng mới của họ và cả sức mạnh kiện toàn những khả năng liên đới của họ và gặp gỡ với các gia đình kitô hữu được trao phó cho họ. Hơn nữa, những kinh nghiệm cá nhân quá khứ của họ sẽ giúp họ vững vàng hơn để trả lời bằng tình nhân loại thật sự cho nhiều hoàn cảnh mục vụ khó khăn.

 

(34) 4. Sự chuẩn bị cho việc hướng dẫn thiêng liêng đối với các gia đình không bị thu hẹp và không chỉ thu hẹp vào những vấn đề thuộc tính dục mà thôi. Tuy nhiên, những vấn đề ấy vì tầm quan trọng và tính chất phức tạp của chúng đòi hỏi linh mục tương lai, ngoài sự hiểu biết vững vàng, còn có những phẩm chất nhân bản không thể thiếu: “Những người quan tâm đến việc giáo dục tính dục phải là những con người trưởng thành trong lãnh vực tính dục, có đuợc tính quân bình thực sự về tính dục. Ngoài việc hiểu biết về phương pháp và nội dung còn phải có nhân cách của nhà giáo dục, chiều hướng mà việc giáo dục tính dục đã có trước khi giảng dạy, lối sống mà việc giáo dục lãnh hội. Những hiểu biết, những lời khuyên và mối quan tâm của nhà giáo dục rất là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là cách sống của người ấy” (Bộ Giáo Dục Công Giáo, Orientamenti Il presente sussidio per la formazione al celibato sacerdotale, 11.4.1974, n. 39).

 

(35) 5. Mục đích ưu tiên của việc linh hướng của linh mục là giúp các đôi vợ chồng để gia đình của họ có thể luôn trở thành “giáo hội tại gia”, “cộng đoàn đầu tiên rao giảng tin mừng” (cf. Documento di San Domingo, n. 64), “môi trường đầu tiên của bổn phận xã hội”, “nơi ưu tiên nhất của việc nhân bản hóa con người và xã hội” (cf. Tông huấn Christifideles laici, n. 40). Bởi vậy, người linh mục tương lai phải được huấn luyện để cùng đồng hành và khuyến khích các gia đình trong những bổn phận tông đồ của họ, nhất là trong việc giúp đỡ hỗ tương trên con đường hoàn thiện theo tin mừng và thánh hóa lẫn nhau. Việc làm cho nhiều gia đình kiên vững ngay từ bên trong đòi hỏi linh mục tương lai phải biết học hỏi để trước hết trở nên bậc thầy của việc cầu nguyện, lo lắng làm sao để trong các gia đình biết cầu nguyện, dạy cho họ cầu nguyện và thực hiện các công việc bác ái; tham dự vào hy tế thánh thể với việc hiệp lễ và năng chịu bí tích thống hối; có sáng kiến để giảng dạy giáo lý cho con cái và chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích khai tâm xưng tội và rước lễ. Ngoài ra, cần phải tạo nên và vun trồng trong các gia đình tính nhạy bén đối với ơn gọi tu trì, truyền giáo và linh mục nơi con cái.

 

(36) 6. Ngày nay trong việc huấn luyện tu đức của các gia đình càng đang hiện rõ nét hơn sự cần thiết xem gia đình không phải chỉ là đối tượng nhưng còn là chủ thể hoạt động của những sáng kiến tông đồ: “Bổn phận tông đồ của những người tín hữu giáo dân trước hết là bổn phận làm cho gia đình ý thức hơn về căn tính của mình như tế bào xã hội nền tảng đầu tiên và về vai trò nguyên thủy của mình trong xã hội, để chính gia đình ngày càng trở nên nhân vật chính hoạt động và có trách nhiệm về sự tăng trưởng của mình và tham dự vào đời sống xã hội” (Tông huấn Christifideles laici, n. 40). Nhờ gặp gỡ với các nhóm và phong trào gia đình khác nhau và những tin tức về đời sống và hoạt động của họ sẽ cống hiến cho các chủng sinh những chỉ dẫn thực tiễn về tiến trình của những mục tiêu thiêng liêng, những chỉ dẫn này sẽ giúp cho việc hoạch định thừa tác vụ linh mục tương lai của họ.

 

(37) 7. Một sự trợ giúp thiêng liêng hữu hiệu cho các gia đình giả định phải có một sự hiểu biết tốt về hoàn cảnh của họ và về những vấn đề liên hệ. Muốn được như thế những linh mục tương lai cần phải được đào tạo tốt nhất là về những khó khăn và về sự khẩn thiết của những bổn phận giáo dục: làm sao vượt qua được những xung đột giữa quyền bính, giữa những đòi hỏi vâng phục và một sự tự do đúng đắn; làm sao đạt đến những mối tương quan đầy tin tưởng và trao ban giữa cha mẹ và con cái; những đòi hỏi về việc giáo dục tính dục khôn ngoan và tiệm tiến, về việc sử dụng truyền hình cách có trách nhiệm và cả những phương tiện truyền thông khác (phim ảnh, báo chí, v.v.); vấn đề chọn lựa bậc sống phù hợp và tự do. Theo Đức Giáo Hoàng thì cần cầu nguyện và hoạt động “để các gia đình trung kiên trong bổn phận giáo dục với can đảm, tín thác và hy vọng” (Thư gởi các gia đình Gratissimam sane, số 16), đồng thời giúp đỡ gia đình để họ có được một số “xác tín mạnh mẽ”, những điều ấy thường là sự bảo vệ duy nhất chống lại những khó khăn không thể tránh được của cuộc sống.

 

c) Huấn luyện mục vụ

 

(38) Từ những gì nêu trên cho chúng ta thấy rằng chủ đề hôn nhân và gia đình cần phải chiếm một chỗ ưu tiên và trọng điểm thật sự trong việc huấn luyện mục vụ lý thuyết và thực hành:

 

(39) 1. Thần học mục vụ, đã được ăn rễ một cách sâu xa trong tín lý và trong những nguyên tắc luân lý tốt lành, sẽ học biết những áp dụng cụ thể về những lối giải quyết thần học, đồng thời phải lưu ý đến những hoàn cảnh cụ thể. Bổn phận của khoa này là trình bày những nền tảng cho công cuộc hoạt động được đặt định tốt để có thể một đàng tránh những e ngại và đàng khác tránh những bước tiến không phù hợp hoặc sai lầm. Bởi vậy, trong khi đưa ra một đường lối chắc chắn cho việc tông đồ gia đình, thần học mục vụ cũng cần tìm cách sửa sai những thái độ mục vụ không phù hợp với huấn quyền mà nhiều nơi thuờng xãy ra.

 

(40) 2. Trong việc hoạch định chương trình giảng dạy chúng ta cần lưu ý đến đối tượng chất thể và mô thức của mỗi bộ môn, để có thể giới hạn lãnh vực của nó đối với những bộ môn thần học khác liên quan đến hôn nhân và gia đình duới những khía cạnh khác nhau.

 

(41) 3. Để mang lại lợi ích và hữu hiệu thực sự của việc giảng dạy thì điều quan trọng là phải có một “cái nhìn mục vụ” rất thực tiễn về cuộc khủng hoảng hiện nay của các gia đình mà chúng ta cần lưu ý đến một vài nét đặc biệt hơn cả, chẳng hạn như: không hiểu biết về tôn giáo, thiếu giáo dục, hệ thống giáo dục của nhà nước xuống cấp, mất định hướng luân lý mang lại trong cuộc sống “vì thử nghiệm và lầm lỗi”, ảnh hưởng nặng nề của các phương tiện truyền thông, những vụ hôn nhân thử ngày càng gia tăng, xa dần những hình thức truyền thống và tạo ra những lối sống mới, những điều kiện sống trong một vài vùng văn hoá theo phong tục cổ của các bộ lạc và tổ tiên, hoàn cảnh cơ cực về vật chất, v.v.

 

(42) Những linh mục tương lai cần phải biết những thực tại ấy trong lãnh vực mục vụ của họ để có thể giúp đỡ các tín hữu tự huấn và có những chọn lựa ngay trong một bối cảnh qui luật mạnh mẽ và có thể ảnh hưởng trên cuộc sống của họ.

(43) 4. Về những đề tài cụ thể phải bàn đến thì việc giảng dạy sẽ ưu tiên chọn những đề tài mà hôm nay cách chung làm cho các gia đình phải bận tâm hơn cả và vì vậy đòi hỏi phải có một sự chú ý đặc biệt từ phía các mục tử. Chẳng hạn như:

 

(44) - Việc sống đạo của con cái: làm thế nào để chúng biết cầu nguyện với cha mẹ, một cách tự do, theo một chương trình tiệm tiến, để tránh “việc bỏ bê” khi chúng trở thành người lớn hơn và sống độc lập. Cùng vấn đề ấy là việc siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích;

 

(45) - thực trạng của trường học công giáo và bổn phận bảo vệ cũng như cổ võ;

 

(46) – việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội với óc phê bình và có trách nhiệm. Đề tài này rất quan trọng đối với sự lành mạnh luân lý của gia đình, bởi vì ngày nay đó là phần lớn việc huấn luyện mà cha mẹ và con cái có được, và ngay cả các linh mục cũng chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi những mẫu mực văn hóa và lối sống do những phương tiện này đề nghị (cf. Bộ Giáo Dục Công Giáo, Orientamenti Dio sommo bene per la formazione dei futuri sacerdoti circa gli strumenti della comunicazione sociale, 19.3.1986);

 

(47) – tệ trạng của một vài hoàn cảnh kinh tế và xã hội và những nỗ lực để vượt qua;

 

(48) – nhận thức khôn ngoan nhằm giúp các gia đình giữa mọi thành phần, hoạt động chuyên môn của họ, chính trị, xã hội, kinh tế, v.v. đều có một vài tương quan với gia đình và những điều kiện sống và phát triển của họ (cf. Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 52b). Tác vụ quan trọng ấy cần nhiều thời giờ, quảng đại và một sự chuẩn bị chuyên biệt của linh mục để thực thi tác vụ của mình một cách hữu hiệu. Ở đây việc giảng dạy về thần học mục vụ sẽ gặp gỡ với việc giảng dạy về giáo huấn xã hội của Giáo Hội;

 

(49) – công việc mục vụ về vấn đề làm cha làm mẹ có trách nhiệm và điều hòa sinh sản: thế nào là chống thụ thai, là phá thai, thế nào là hoạt động tư vấn gia đình (cần phải có những tin tức chính xác và một sự nhận định tốt); tin tức về những trung tâm quảng bá những phương pháp tự nhiên, về những hoạt động của những trung tâm ấy và những kết quả liên hệ: sự tin tưởng vào khả năng giải quyết tích cực của vấn đề.

 

(50) 5. Với một sự chăm sóc đặc biệt, các linh mục tương lai cần phải đuợc huấn luyện về việc chuẩn bị và cử hành bí tích hôn phối: giáo lý tiền hôn về vấn đề liên quan, về những đòi hỏi nhân bản, đạo đức và về bản chất của hôn nhân kitô giáo; giảng dạy cho những người đã hứa hôn về những bổn phận và những quyền lợi của vợ chồng; giáo lý sau khi thành hôn; nghi thức phụng vụ của việc cử hành lễ thành hôn; đôi lúc những can thiệp mục vụ này mang tầm quan trọng có tính cách quyết định cho cả cuộc sống đạo đức của vợ chồng và của gia đình họ.

 

(51) 6. Những khía cạnh mục vụ và giáo luật của những hôn nhân hỗn hợp: mô thức của việc cử hành; những quyền lợi và bổn phận của phía công giáo, nhất là về việc rửa tội và giáo dục đức tin cho con cái; vấn đề hoạt động mục vụ (cf. Tông huấn Familiaris consortio, 78).

 

(52) 7. Mục vụ cho những người ly dị, đặc biệt cho những người tái hôn theo luật dân sự: chỗ đứng của họ trong cộng đoàn giáo xứ. Việc không cho những người ly dị tái hôn được rước lễ thì cần phải giải thích cho họ “để họ không nghĩ rằng sự tham dự vào đời sống của giáo hội chỉ giới hạn vào việc rước lễ mà thôi. Người tín hữu phải được giúp đỡ để đào sâu sự hiểu biết của họ về giá trị của việc tham dự vào hy lễ của Đức Kitô trong thánh lễ, của việc rước lễ thiêng liêng, của việc cầu nguyện, của việc suy niệm Lời Chúa, của những công việc bác ái và công bình” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Lettera ai vescovi della Chiesa cattolica circa la recezione della comunione euraristica da parte dei fedeli divorziati risposati, 14.9.1994, n. 6; cf. Tông huấn Familiaris consortio, 84).

 

(53) 8. Việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn: nghiện ngập, khuyết tật, AIDS, những chứng bệnh nan y khác; khó khăn kinh tế; các đôi vợ chồng già không con cái hoặc bị con cái bỏ rơi, v.v. (cf. Tông huấn Familiaris consortio, 71). Đây là những đòi hỏi phải có sự hiểu biết về một số yếu tố nền tảng về y học và tâm lý mục vụ.

 

(54) 9. Mặc dù có những khó khăn, việc huấn luyện mục vụ thực hành cho các mục tử tương lai trong lãnh vực quan trọng này cần phải được nâng cao và phong phú hơn về những trợ giúp và những thúc đẩy mới. Vị trách nhiệm riêng về những hoạt động mục vụ của chủng viện với sự cộng tác của giáo sư thần học mục vụ sẽ chọn lựa những kinh nghiệm và những lãnh vực tông đồ tương xứng với sự trưởng thành của các chủng sinh, hướng dẫn họ ưu tiên về những lãnh vực nào có thể đóng góp nhiều hơn cho việc hoàn thiện những thái độ mục vụ của họ: những gặp gỡ được hướng dẫn với những phong trào và hiệp hội gia đình; thăm viếng những tòa án giáo phận, những trung tâm tư vấn và những trung tâm khác về mục vụ gia đình; mời vào chủng viện những thành viên của việc tông đồ gia đình, những cặp vợ chồng dấn thân trong việc tông đồ, để biết những kinh nghịêm của họ; cùng nhau suy tư về trường hợp khác nhau mang ý nghĩa mục vụ và phân tích chúng dưới ánh sáng qua các tài liệu của Tòa Thánh và của các giáo hội địa phương. Ngoài ra cũng cần phải chú ý nhiều đến vấn đề của cùng một cách diễn tả và của việc truyền thông.

 

III. NHỮNG CHỈ THỊ THỰC TẾ

 

Để các chủng viện và những học viện huấn luyện linh mục có thể cống hiến sự đóng góp ấy cho sự canh tân lòng đạo đức của các gia đình, thì cần phải làm sao cho những hoàn cảnh hiện nay được soi chiếu bằng nhiều tài liệu đặc biệt của Đức Giáo Hoàng, mà ở đây chúng ta có thể đưa ra một số điều cần phải làm:

 

(55) 1. Dành riêng cho chủ đề này một chỗ đứng đặc biệt trong những “rationes institutionis sacerdotalis” và trong những chương trình học liên hệ và giảng dạy, đồng thời phải có những đường hướng giáo dục riêng cho những khía cạnh huấn luyện khác nhau, thích ứng với hoàn cảnh của từng giáo phận hoặc từng vùng khác nhau.

 

(56) 2. Để chủ đề hôn nhân và gia đình hiện diện nhiều hơn trong những môn học khác nhau và để bảo đảm cho chủ đề ấy một sự hợp tác hữu hiệu giữa các bộ môn, thì trong mỗi chủng viện cần có một người chuyên môn thật sự về lãnh vực này đã được đào tạo trong một Học Viện chuyên môn, chẳng hạn như Giáo Hoàng Học Viện về Hôn Nhân và Gia Đình trực thuộc Đại Học Giáo Hoàng Lateranense tại Roma.

 

(57) Nơi nào có những ứng viên linh mục đang học trong các phân khoa thần học thì cần làm sao để có được một sự phối kết phù hợp cho việc huấn luyện mục vụ giữa các phân khoa và những khóa hội học.

 

(58) 3. Cần phải tăng cường toàn bộ làm sao cho việc huấn luyện của các chủng viện được hữu hiệu hơn và nhất là việc tổ chức các môn học. Các giáo sư của từng bộ môn triết học và thần học cần phải nhấn mạnh không những vì thẩm quyền khoa học, nhưng còn vì huấn quyền và vì một cảm thức sống động của Giáo Hội nữa. Cần tổ chức cho các chủng viện những khóa thường huấn sư phạm và khoa học dưới sự hướng dẫn của các ủy ban giám mục về các chủng viện và về giáo lý đức tin.

 

(59) 4. Các Hội Đồng Giám Mục và các giám mục giáo phận phải nhắc nhở cho các giáo sư bổn phận trung thành với huấn quyền long trọng và thông thường của Giáo Hội (cf. Hiến chế tín lý Lumen gentium, 25), cho họ biết rằng những thiếu sót về điểm này không thể phù hợp với “munus docendi” trong các Học Viện huấn luyện linh mục. Các giáo sư cũng cần phải ý thức hơn rằng sự đồng nhất về phán đoán và về những nguyên tắc trong luân lý hôn nhân là điều kiện sine qua non để có được một sự huấn luyện vững chắc có tính chất mục vụ cho các linh mục tương lai và cho sự an bình lương tâm của các đôi vợ chồng kitô hữu.

 

(60) 5. Việc thường huấn là một phần chính yếu và không thể thay thế được của sự huấn luyện cho việc tông đồ gia đình và vì vậy phải có hệ thống, thật sự hữu hiệu và được phối kết với chương trình học của chủng viện.

 

(61) 6. Những thư viện của các chủng viện và của các phân khoa thần học phải có những sách vở, báo chí và những tài liệu khoa học khác nhau liên quan đến đề tài này, để các giáo sư và chủng sinh cập nhật được với những tiến bộ trong lãnh vực khoa học và mục vụ. Cũng phải cho họ có được những phương tiện giảng dạy cần thiết và sách vở tài liệu.

 

(62) 7. Trong mỗi chủng viện cần phải cổ võ việc học hỏi có hệ thống về các tài liệu chính thức của Giáo Hội, đặc biệt lưu ý đến cả những đường hướng của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình và của các Ủy Ban toàn quốc và giáo phận về gia đình.

 

(63) 8. Các giám mục bản quyền địa phương sẽ báo cáo theo một kỳ hạn nào đó cho Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo về tiến trình của mình đã có được hoặc đang dự tính để áp dụng những chỉ thị này.

  

KẾT LUẬN

 

(64) Trong khi đưa ra những yêu cầu này nhằm đến một sự canh tân tận gốc về việc chuẩn bị các linh mục tương lai đối với việc tông đồ gia đình, Thánh Bộ này rất ý thức mình đang nói lên những mong ước của chính Đức Giáo Hoàng, của các giám mục và của cả các gia đình trước nhiều khó khăn lớn lao mà ngày nay họ gặp phải. Những gia đình này đang cần đến những vị hướng dẫn thiêng liêng chuyên môn và giáo lý vững vàng. Chắc chắn rằng sự mong ước canh tân về một trật tự luân lý phù hợp với những đòi hỏi kitô giáo chỉ có thể thực hiện được nhờ sự hợp tác của các vị mục tử chân thực của các linh hồn luôn nhạy bén đối với những yếu đuối của con người, cũng như biết quan tâm thật sự đối với việc tôn trọng những lề luật không thể vi phạm của Thiên Chúa. Hoàn cảnh nặng nề hiện nay đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc nhở trong nhiều cơ hội khác nhau kêu gọi tất cả mọi người, nhất là những người có trách nhiệm huấn luyện linh mục. Hoàn cảnh ấy mời gọi chúng ta nhìn lại không những chỉ một vài phần nhỏ của đời sống chủng sinh, nhưng toàn công cuộc huấn luyện trong mọi lãnh vực của nó từ tri thức, tu đức và mục vụ nữa.

 

(65) Trong tập tài liệu này chúng tôi chỉ tìm nêu rõ một số nhu cầu giáo dục khẩn thiết, bằng việc kêu gọi sự quan tâm mục vụ của các giám mục đào sâu và thích ứng các chỉ dẫn này với những hoàn cảnh riêng của địa phương. Chủ yếu là làm sao cho vấn đề mục vụ gia đình được đưa vào trong toàn bộ hệ thống huấn luyện như là trọng tâm để có thể bắt đầu sự mong ước canh tân về tu đức và luân lý của Giáo Hội và sự canh tân của cả gia đình nhân loại. Bổn phận này không những chỉ được đặt ra nhằm cứu vãn thiện ích thiêng liêng của các tín hữu, nhưng còn đặt nền tảng không thể thiếu để có thể có được một sự tiến bộ xã hội bảo đảm và một tương lai của nhân loại tốt đẹp hơn.

 

Roma, từ Tòa Nhà của các Thánh Bộ,

trong ngày lễ trọng kính thánh Giuse, 19.3.1995

 

Pio Laghi,

Hồng Y Bộ trưởng

José Saraiva Martins,

Tổng Giám Mục hiệu tòa Tuburnica, thư ký

Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ

_____________________________________________________________________

1 CONGREGAZIONE PER L’EDUCAZIONE CATTOLICA (DEI SEMINARI E DEGLI ISTITUTI DI STUDI), Direttive La celebrazione sulla formazione dei seminaristi circa i problemi relativi al matrimonio e alla famiglia, 19 marzo 1995: oposcolo, LEV. Città del Vaticano 1995

----- Original Message -----
From: Cong Giao Viet Nam
To: Undisclosed-Recipient:;
Sent: Tuesday, August 08, 2006 7:31 AM
Subject: Tai lieu ve viec huan luyen Chung sinh...