Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Cho Ngày Thế Giới Ơn Gọi 11/5/2003

“Đề Xướng Cho Giới Trẻ Lý Tưởng Phục Vụ”

 


Quí Huynh khả kính trong Hàng Giáo Phẩm
Anh Chị Em rất thân mến trên thế giới!

1. “Đây là tôi tớ Ta tuyển chọn, người yêu dấu Ta lấy làm hài lòng” (Mt 12:18; cf Is 42:1-4).

 

Đề tài Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Ơn Gọi lần thứ 40 kêu gọi chúng ta trở về với cội nguồn của ơn kêu gọi Kitô Giáo, trở về với chuyện của con người đầu tiên được Chúa Cha kêu gọi là Chúa Giêsu Kitô. Người là “tôi tớ” của Chúa Cha, Vị được các tiên tri loan báo trước, như là một Đấng Cha tuyển chọn và hình thành từ trong bụng mẹ (x Is 49:1-6), Vị Cha yêu dấu và lấy làm hài lòng (x Is 42:1-9), Đấng Cha đã đặt Thần Linh của Ngài và là Đấng được Ngài thông cho quyền năng (x Is 49:5), và như Đấng Ngài sẽ vinh thăng (x Is 52:13-53:12).

Bản văn được linh ứng này đã làm cho chữ “tôi tớ” có một cung giọng hết sức tích cực, một cung giọng hết sức hiển nhiên. Trong văn hóa ngày nay, con người phục vụ được coi như bị lép vế thấp hèn; nhưng theo lịch sử thánh, người tôi tớ là người được Thiên Chúa kêu gọi để thi hành việc cứu độ và cứu chuộc đặc biệt. Người tôi tớ biết rằng họ đã nhận được tất cả những gì họ có và họ là. Từ đó, họ cũng cảm thấy được kêu gọi để đem những gì họ nhận được ra phục vụ kẻ khác.

Theo Thánh Kinh, phục vụ luôn luôn gắn liền đặc biệt với một ơn gọi riêng của Thiên Chúa. Vì lý do này, phục vụ là một tiêu biểu cho thấy tầm mức hoàn tất trọn vẹn nhất của phẩm giá tạo vật, cũng như gợi lên cho thấy chiều kích mầu nhiệm siêu việt của tạo vật. Đây là trường hợp xẩy ra nơi đời sống của cả Chúa Giêsu nữa, Người Tôi Tớ trung thành, Vị được kêu gọi để thi hành công cuộc cứu chuộc phổ quát.

2. “Như con chiên bị dẫn đi sát tế” (Is 53:7)

Theo Thánh Kinh, việc phục vụ và ơn cứu chuộc luôn luôn gắn liền với nhau một cách chặt chẽ và rõ ràng, cũng như giữa việc phục vụ và đau khổ, giữa Người Tôi Tớ và Con Chiên của Thiên Chúa. Đấng Thiên Sai là Người Đầy Tớ Khổ Đau, vác trên vai gánh nặng tội lỗi của loài người. Người là con chiên “bị dẫn đi sát tế” (Is 53:7) để trả giá chuộc lại tội lỗi do con người xúc phạm, nhờ đó mang lại cho nhân loại việc phục vụ rất cần cho họ. Người Tôi Tớ này là Con Chiên “bị bức hiếp, bị hành khổ nhưng không hề mở miệng than trách” (Is 53:7), nhờ đó đã tỏ ra một quyền năng phi thường, một quyền năng không lấy sự dữ đối lại sự dữ, nhưng bằng sự lành.

Đó là mãnh lực cao cả của người tôi tớ, người tìm thấy sức mạnh của mình nơi Thiên Chúa, và là người nhờ đó được Thiên Chúa làm cho trở thành “ánh sáng soi các dân nước”, và là Người thực hiện ơn cứu độ (Is 49:5-6). Một cách mầu nhiệm, ơn kêu gọi phục vụ là một ơn gọi tham dự thân tình nhất vào thừa tác vụ cứu độ, một sự tham dự đắt giá và đau thương cùng với những điều khác.

3.- “Thậm chí như Con Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ” (Mt 20:28).

Thật vậy, Chúa Giêsu là mẫu thức trọn hảo của một “người tôi tớ” được Thánh Kinh nói tới. Người là Đấng hoàn toàn tự hủy với “thân phận tôi đòi” (Phil 2:7) và trọn vẹn dấn thân cho những điều Chúa Cha (x Lk 2:49), như Người Con Yêu Dấu làm Cha hài lòng (x Mt 17:5). Chúa Giêsu không đến để được phục vụ, “nhưng để phục vụ và để hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28). Người đã rửa chân cho các môn đệ của mình và tuân phục ý định của Cha cho đến chết, một cái chết trên thập giá (x Phil 2:8). Vì thế, chính Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu mới và làm cho Người thánh chúa tể trời đất (x Phil 2:9-11).

Làm sao người ta lại không đọc thấy nơi câu truyện về “người tôi tớ Giêsu” là một câu truyện của mọi thứ ơn gọi: câu truyện mà Đấng Hóa Công đã phác họa cho hết mọi con người, câu truyện được diễn tiến qua ơn gọi phục vụ và đạt đến tuyệt đích ở chỗ khám phá thấy một danh hiệu mới do Thiên Chúa ấn định cho mỗi một con người? Nơi “danh hiệu” này, người ta có thể nắm được trọn vẹn căn tính của mình, hướng nó đến một mức độ viên trọn bản thân khiến họ được tự do và hạnh phúc. Nhất là làm sao người ta lại không đọc thấy nơi dụ ngôn về Người Con, Người Tôi Tớ và là Chúa, câu truyện ơn gọi của một người được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người khít khao hơn: tức là, trở thành một người tôi tớ trong thừa tác vụ linh mục hay đời sống tận hiến tu trì? Thật vậy, ơn gọi linh mục hay ơn gọi tu sĩ bao giờ cũng là, tự bản chất của nó, ơn gọi dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

 

4. “Thày ở đâu, tôi tớ của Thày cũng ở đó” (Jn 12:26)

Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ và là Chúa, cũng là Đấng kêu gọi. Người gọi chúng ta nên giống như Người, vì chỉ có ở nơi việc phục vụ con người mới khám phá ra phẩm giá của mình cũng như phẩm giá của người khác. Họ được kêu gọi phục vụ như Người đã phục vụ. Khi những mối giao h65 liên bản vị được tác động phục vụ lẫn nhau thì tạo nên một tân thế giới, một thế giới phát triển văn hóa ơn gọi chân chính.

 

Qua sứ điệp này, Tôi xin lên tiếng thay cho Chúa Giêsu để đề ra cho giới trẻ lý tưởng phục vụ, cũng như để giúp họ thắng vượt được những khuynh hướng chiều theo cá nhân chủ nghĩa và ảo vọng trong việc chiếm đạt hạnh phúc bằng đượng lối này. Không kể đến một số mãnh lực phản ngược, hiện nay cũng đang cho thấy nơi ý hệ ngày na, trong tâm trí của nhiều người trẻ, còn có một mầm mống tự nhiên hướng về những người khác, nhất là về thành phần thiếu thốn nhất. Mầm mống này làm cho họ quảng đại, có khả năng cảm thông, sẵn sàng quên mình để lấy kẻ khác làm ưu tiên hơn những lợi lộc họ ưa thích.

Giới trẻ thân mến, phục vụ là một ơn gọi hoàn toàn tự nhiên, vì con người tự bản chất là những người tôi tớ, chứ không phải là chủ nhân ông của sự sống và hữu thể họ, nên cần phải phục vụ kẻ khác. Việc phục vụ chứng tỏ là chúng ta thoát được thái độ pha mình của cái tôi. Nó chứng tỏ là chúng ta có trách nhiệm với kẻ khác. Và mọi người đều có thể phục vụ, bằng những cử chỉ có vẻ nhỏ mọn nhuj7ng thực sự lại to lớn nếu họ được tác động bởi một tình yêu chân thành. Những người tôi tớ đích thực thì khiêm tốn và biết mình “vô ích” (Lk 17:10) như thed61 nào. Họ không tìm kiếm những lợi lộc cho cái tôi, song chia sẻ những lợi lộc ấy cho kẻ khác, cảm thấy nơi tặng ân ban phát này niềm vui của một thứ hoạt động ban tặng.


Giới trẻ thân mến, Tôi hy vọng các bạn biết lắng nghe tiếng của Thiên Chúa kêu gọi các bạn phục vụ. Đây là con đường dẫn đến nhiều thể thức tác vụ cho lợi ích của cộng đồng: từ thừa tác vụ thánh tới những thừa tác vụ khác được tổ chức và được nhìn nhận, như thừa tác vụ giáo lý, điều hạnh phụng vụ, giáo dục giới trẻ và những thể hiện khác của đức ái (x Novo Millennio Ineunte, 46). Vào lúc kết thúc Đại Năm Thánh, Tôi đã nhắc quí bạn rằng Đây là “thời điểm cho một ‘việc sáng tạo’ mới nơi Đức Ái” (Ibid. 50). Hỡi giới trẻ, vấn đề là tùy ở các bạn có biết bảo đảm là đức aí được thể hiện nơi tất cả những gì phong phú về thiêng liêng cũng như về việc tông đồ của mình.

 

5. “Nếu ai muốn làm đầu, họ phải làm cuối và làm đầy tớ cho mọi người” (Mk 9:35)

Đây là những gì Chúa Giêsu nói với Nhóm 12 Vị, khi Người bắt được các vị đang tranh luận với nhau về việc “ai là người cao trọng nhất” (Mk 9:34). Đó là khuynh hướng liên lỉ, một khuynh hướng thậm chí không tha cho người được kêu gọi chủ tế Thánh Lễ, Bí Tích tình yêu cao cả của “Người Tôi Tớ Khổ Đau”. Ai thi hành việc phục vụ này mới càng xứng đáng thực sự được gọi là người tôi tớ hơn nữa. Thật vậy, họ được kêu gọi để tác hành “in persona Christi” thay cho Chúa Kitô, và nhờ đó làm tái diễn những gì Chúa Giêsu đã làm ở Bữa Tiệc Ly, bằng việc, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, cho dù có hiến mạng sống mình. Bởi thế, việc chủ tế nơi Bữa Tiệc Ly của Chúa là một lời mời gọi khẩn trương trong việc hiến mình làm tặng vật, để thái độ của Người Tôi Tớ Khổ Đau và là Chúa có thể được tiếp tục và phát triển trong Giáo Hội.

Giới trẻ thân mến, các bạn hãy bảo dưỡng lòng mộ mến của các bạn với những giá trị và chọn lực chính yếu là những gì sẽ biến đổi đời sống của quí bạn thành dịch vụ cho kẻ khác, theo chân Chúa Giêsu, Con Chiên Thiên Chúa. Quí bạn đừng để cho mình bị cám dỗ bởi tiếng gọi của quyền lực và những tham vọng cá nhân. Lý tưởng linh mục phải luôn được thanh tẩy khỏi những thứ ấy và những mập mờ nguy hiểm khác.

 

Lời kêu gọi của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng hôm nay đây “nếu ai phục vụ Tôi thì hãy theo Tôi” (Jn 12:26). Quí bạn đừng sợ lời mời gọi này. Các bạn chắc chắn sẽ đụng đầu với khốn khó và hy sinh, nhưng các bạn sẽ lấy làm sung sướng phục vụ, các bạn sẽ là những chứng nhân của một niềm vui mà thế giới này không thể nào mang lại cho các bạn. Các bạn sẽ là những ngọn lửa sống động của một tình yêu vô tận và vĩnh hằng. Các bạn sẽ cảm thấu cái phong phú thiêng liêng của thiên chức linh mục, một tặng ân là một mầu nhiệm thần linh.
 

6. Như ở những dịp khác, lần này đây, chúng ta cũng hãy hướng mắt lên Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội và là Ngôi Sao cho việc tân truyền bá Phúc Âm hóa. Chúng ta hãy tin tưởng kêu cầu Mẹ, để nơi Giáo Hội sẽ không thiếu những con người nam nữ sẵn lòng đáp lại cách quảng đại lời Chúa kêu mời, Đấng kêu gọi họ trực tiếp phục vụ Phúc Âm.

“Maria, người tỳ nữ thấp hèn của Đấng Tối Cao,
Người con được Mẹ sinh ra đã làm cho Mẹ thành người tôi tớ của nhân loại.
Đời sống của Mẹ là một đời sống khiêm tốn và quảng đại phục vụ.
Mẹ là tôi tớ của Ngôi Lời khi thiên thần
Loan báo cho Mẹ biết dự án cứu độ thần linh.
Mẹ là tỳ nữ của Ngôi Con, khi ban cho Người sự sống
Và tiếp tục hướng về mầu nhiệm của Người.
Mẹ là nữ tỳ của Ơn Cứu Chuộc,
Khi can đảm đứng dưới chân Thập Giá,
Gần bên Người Tôi Tớ Khổ Đau và là Chiên Con
Đã hy sinh mình vì yêu chúng con.
Mẹ là nữ tỳ của Giáo Hội trong Ngày Lễ Ngũ Tuần,
Và với lời chuyển cầu của Mẹ, Mẹ tiếp tục sinh Giáo Hội ra nơi hết mọi tín hữu,
Ngay cả trong những lúc khó khăn và rắc rối hiện nay.
Hỡi giới trẻ của ngàn năm thứ ba hãy nhìn lên Mẹ,
Người Nữ Tử trẻ trung của dân Do Thái,
Vị biết được cái nhiệt tình của con tim giới trẻ,
Khi con tim này đối diện với dự án của Thiên Chúa Hằng Sống.
Xin hãy làm cho họ biết chấp nhận lời mời gọi của Con Mẹ
Trong việc hiến trọn đời sống mình cho vinh danh Thiên Chúa.
Xin hãy làm cho họ hiểu được rằng phục vụ Thiên Chúa là việc làm thỏa mãn tâm can,
Cũng như hiểu được rằng trong việc phục vụ Thiên Chúa và vương quốc của Ngài,
Chúng con mới nhận ra bản thân mình đúng như dự án thần linh,
Và đời sống mới trở thành một bài thánh thi ca cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh
Amen.

Tại Vatican ngày 16/10/2002
Gioan Phaolô II


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo văn bản Tiếng Anh được Màn Điện Toán Zenit phổ biến ngày 24/11/2002, tài liệu nguyên gốc bằng tiếng Ý do Vatican Press Office ban hành cùng ngày)

ĐTC GPII ban huấn từ Ngày Tận Hiến: “Mỗi ngày hãy hân hoan ý thức lập lại tiếng ‘xin vâng’ đối với Vị Thiên Chúa của Tình Yêu”

Tối Ngày Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2004, nhiều ngàn tu sĩ nam nữ thuộc các dòng tu và hội sống tông đồ tham dự Thánh Lễ do ĐTC chủ tọa ở Đền Thờ Thánh Phêrô. ĐTC đã làm phép nến, tham dự vào cuộc rước nến lúc đầu, sau đó là Thánh Lễ được cử hành bởi ĐHY Eduardo Martinez Somalo, Bộ Trưởng Thánh Bộ Các Dòng Tu và Tu Hội Tông Đồ, cuối cùng ĐTC ban phép lành tòa thánh.

Ngày Lễ Mẹ Dâng Con đã được chọn để làm Ngày Đời Tận Hiến cách đây 7 năm, tức năm nay là năm thứ 8 tổ chức ngày này. ĐTC đã nhắc nhở các tu sĩ nam nữ như sau: “những ai vĩnh viễn hiến đời sống mình cho Chúa Kitô để làm cho Nước Chúa trị đến đều được kêu gọi để lập lại tiếng ‘xin vâng’ của mình đối với ơn gọi họ đã lãnh nhận. Toàn thể cộng đồng giáo hội đồng thời cũng tái nhận thức được cái phong phú của chứng từ ngôn sứ của đời tận hiến nơi tính cách khác nhau về đặc sủng của nó cũng như về việc dấn thân tông đồ của nó”.

Ngài đã nhắc họ là Chúa Kitô đã mời gọi họ “hãy mô phỏng Người hơn bao giờ hết, Đấng vì yêu đã tuân phục, khó nghèo và thanh sạch. Hãy tiếp tục hăng say hiến mình loan báo và phát triển vương quốc của Người, một sứ vụ vẫn cần thiết hôm nay đây cũng như trong quá khứ!”

Ngài tiếp tục kêu gọi họ hãy làm mới lại lòng trung thành của họ với Thiên Chúa “bằng cùng một lòng nhiệt thành và quảng đại như khi anh chị em mới tuyên khấn. Mỗi ngày hãy hân hoan ý thức lập lại tiếng ‘xin vâng’ đối với Vị Thiên Chúa của Tình Yêu. Trong thâm cung của đan viện hay kề cận bên thành phần nghèo khổ và sống bên lề xã hội, giữa giới trẻ hay trong các cơ cấu tổ chức của giáo hội, nơi các sinh hoạt tông đồ khác nhau hay ở những miền đất truyền giáo, Thiên Chúa đều muốn anh chị em hãy trung thành với tình yêu của Ngài và dấn thân cho thiện ích của anh chị em mình. Đó là việc đóng góp quí giá anh chị em có thể cống hiến cho Giáo Hội để phúc âm hy vọng có thể vươn tới tất cả mọi con người nam nữ thuộc thời đại chúng ta”.

Kết thúc bài giảng của mình, ĐTC kêu gọi họ hãy bắt chước Vị Trinh Nữ là Đấng “đã chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa một cách vô tư”. Mẹ Maria “là mô phạm chính yếu và cao cả nhất đối với tất cả mọi con người tận hiến.Xin anh chị em hãy phó mặc cho Mẹ hướng dẫn. Hãy tin tưởng vào sự trợ giúp của Mẹ bằng một lòng cậy trông khiêm hạ, nhất là vào những giây phút bị thử thách”.