Sứ Điệp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân


 

Sứ Điệp Cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2003

 

Hằng năm, vào ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, 11/2, Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân. Năm 2003 này là năm thứ 11 và được tổ chức tại Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington DC Hoa Kỳ. Sở dĩ Đức Thánh Cha chọn ngày 11/2, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức là vì Đức Mẹ đã thực hiện rất nhiều phép lạ ở đây cho các bệnh nhân vượt trên tất cả mọi khả năng và giải thích của ngành y khoa trần thế. Trong số hằng ngàn phép lạ được tường trình, cho đến năm 2002, Giáo Hội mới công nhận phép lạ thứ 66. Vì ngày này liên quan đến Đức Mẹ như thế mà địa điểm tổ chức của nó bao giờ cũng ở những địa điểm của Đền Thánh Đức Mẹ khắp nơi trên thế giới. Sau đây là huấn từ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã thiết lập ngày này vào năm 1993, cũng như Ngài đã bắt đầu Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ năm 1985 vậy.

1. “Chúng tôi đã thấy và làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến như Đấng Cứu Độ thế gian… Chúng ta nhận biết và tin tưởng tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (1Jn 4:14,16).

Những lời này của thánh Gioan tông đồ là một tóm gọn rất hay về những gì Giáo Hội đang tìm cách thực hiện qua công cuộc mục vụ của mình trong lãnh vực chăm lo về sức khỏe cho dân chúng. Nhận biết sự hiện diện của Chúa nơi những người anh chị em đau khổ của mình, Giáo Hội nỗ lực mang lại tin mừng cho họ và trao tặng họ những dấu hiệu yêu thương đích thực.

Đó là ý nghĩa của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XI, một biến cố sẽ được tổ chức vào ngày 11/2/2003 ở Washington Hiệp Chủng Quốc, tại Đền Thánh Mẹ Vô Nhiễm. Việc chọn ngày giờ và địa điểm đây kêu mời tín hữu hãy hướng lòng trí của mình về Mẹ của Chúa. Giáo Hội, bằng việc phó mình cho Đức Mẹ của chúng ta, đã phấn khởi trong việc lập lại làm chứng cho đức bác ái, để trở thành một hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô, Người Samaritanô Nhân Lành, trong vô số những trường hợp đau khổ về thể lý cũng như luân lý trên thế giới hôm nay.

Những vấn nạn khẩn thiết về đau khổ và sự chết, hằng buồn thảm hiện diện nơi cõi lòng của hết mọi người vẫn đang chờ chực những câu giải đáp thỏa đáng, mặc dù đã có những nỗ lực liên tục do ý hệ trần gian thực hiện để loại trừ chúng hay lảng tránh chúng. Đặc biệt khi đứng trước những cảm nghiệm thê lương của nhân loại như thế, Kitô hũu được kêu gọi để làm chứng cho một sự thật an ủi về Vị Chúa Phục Sinh, Đấng mang trên mình những vết thương và tất cả mọi yếu bệnh của nhân loại, kể cả chính sự chết, và biến đổi chúng thành những cơ hội của ân sủng sự sống. Việc loan báo này và việc làm chứng này phải được chuyển tới hết mọi người, ở hết mọi nơi trên thế giới.

2. Qua việc cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, chớ gì Phúc Aâm sự sống và tình yêu thương được âm vang to hơn, nhất là ở toàn cõi Mỹ Châu, nơi mà hơn một nửa dân số Công Giáo trên thế giới sinh sống. Ở lục địa Bắc và nam Mỹ Châu, cũng như ở khắp nơi trên thế giới, “xuất hiện một kiểu mẫu xã hội đang xuất đầu lộ diện thứ thống trị quyền lực, gạt bỏ và thậm chí loại trừ thành phần bất lực: ở đây Tôi đang nghĩ đến những trẻ em thai nhi, những nạn nhân bất lực của nạn phá thai; thành phần già cả và bị bệnh bất trị, có những lúc đã bị chết đi bằng phương pháp trợ an tử; và nhiều người khác bị chủ nghĩa hưởng thụ và duy vật đẩy ra ngoài lề xã hội. Tôi cũng không thể nào không đề cập đến việc sử dụng án tử hình không cần thiết… Kiểu mẫu xã hội này mang dấu vết của một nền văn hóa sự chết, và vì thế phản lại với sứ điệp của Phúc Aâm” (Tông Huấn Giáo Hội Tại Mỹ Châu, 63). Đối diện với sự kiện đáng lo ngại này, làm sao chúng ta lại không cho việc bênh vực nền văn hóa sự sống làm một trong những ưu tiên mục vụ của chúng ta chứ? Những người Công Giáo hoạt động ở lãnh vực chăm sóc sức khỏe có một trách nhiệm khẩn trương trong việc thực hiện tất cả những gì có thể để bênh vực sự sống khi sự sống đang bị đe dọa một cách hết sức trầm trọng, cũng như phải tác hành theo lương tâm được căn cứ vào giáo huấn đúng đắn của Giáo Hội.


Nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe được Giáo Hội Công Giáo sử dụng để cống hiến một thứ chứng từ chân thực của đức tin, đức mến và đức cậy đã là những gì đang góp phần một cách phấn khởi cho mục đích cao cả ấy. Cho đến nay những cơ sở này vẫn có thể cậy dựa vào một số lớn những con người tu sĩ nam nữ trong việc bảo toàn một thứ dịch vụ chuyên nghiệp và phục vụ đầy phẩm chất. Tôi hy vọng là một cuộc nở hoa ơn gọi sẽ giúp cho Các Tổ Chức Dòng Tu có thể tiếp tục hoạt động đáng khen của mình và thực sự vươn rộng tầm hoạt động này nhờ sự hỗ trợ của các tình nguyện viên giáo dân, cho thiện ích của con người khổ đau ở toàn cõi Mỹ Châu.

3. Việc tông đồ đặc ân này bao gồm tất cả mọi Giáo Hội địa phương. Bởi thế, hết mọi Hội Đồng Giám Mục, qua các cơ cấu thích hợp, cần phải tìm cách phát động, hướng dẫn và điều hành việc chăm sóc mục vụ cho thành phần bệnh nhân, để toàn thể Dân Chúa nhận thức được và cảm thấu được nhiều nhu cầu khác nhau của thành phần khổ đau.

Để thực hiện việc làm chứng yêu thương thực tế này, những ai tham phần vào việc chăm sóc mục vụ cho thành phần bệnh nhân phải tác hành hoàn toàn hiệp thông với nhau cũng như với các Vị Giám Mục của họ. Điều này có một tầm mức quan trọng đặc biệt nơi các bệnh viện Công Giáo, những cơ sở được kêu gọi, trong việc đáp ứng những nhu cầu tân tiến, phản ảnh rõ ràng hơn nữa nơi các qui chế của mình, những giá trị của Phúc Aâm, như được Giáo Hội đề cao nơi những điều hướng dẫn về xã hội và về luân lý. Điều này đòi phải có một cuộc liên kết dấn thân nơi các bệnh viện Công Giáo ở mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tài chính và quản trị.

Các bệnh viện Công Giáo phải là trung tâm sự sống và hy vọng, nơi cùng với các vị tuyên úy lập nên các tiểu ban đạo lý, thực hiện các chương trình huấn luyện cho các cán sự xã hội về sức khỏe thuộc thành phần giáo dân, thi hành việc chăm sóc từng bệnh nhân một cách thương cảm, tỏ ra lưu ý tới các nhu cầu của gia đình họ, và đặc biệt nhậy cảm với thành phần nghèo túng và sống bên lề xã hội. Hoạt động chuyên nghiệp phải được thực hiện với một chứng từ bác ái chân thực, luôn ghi tâm khắc cốt sự sống là một tặng ân Chúa ban, và con người chỉ là quản lý và bảo hộ của sự sống mà thôi.

4. Sự thật này phải được liên tục lập đi lập lại trong chiều hướng tiến bộ của khoa học cũng như những thắng đạt nơi các kỹ thuật về y khoa là những gì tìm cách hỗ trợ và cải tiến phẩm chất của sự sống con người. Thật vậy, sự thật này vẫn là một chỉ thị nồng cốt cho thấy sự sống cần phải được bảo vệ và bênh vực từ lúc nó được hoài thai cho đến lúc tự nhiên qua đi.

Như Tôi đã nói đến trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, “việc phục vụ nhân loại dẫn chúng ta đến chỗ nhấn mạnh là, dù ở vào lúc thuận tiện hay không thuận tiện, những ai sử dụng những thắng đạt mới mẻ nhất của khoa học, nhất là trong ngành kỹ thuật sinh chất, không bao giờ được coi thường những đòi hỏi căn bản của đạo lý, bằng việc đặt lại vấn đề đoàn kết là việc dần dần đưa tới tình trạng kỳ thị giữa một sự sống này với sự sống khác, cũng như bằng việc coi thường phẩm giá của hết mọi người” (số 51).

Giáo Hội vẫn cởi mở với việc tiến bộ chân thực của khoa học và kỹ thuật biết đến giá trị của việc nỗ lực và hy sinh của những ai dấn thân và chuyên nghiệp góp phần vào việc cải tiến phẩm chất của dịch vụ cung cấp cho thành phần bệnh nhân, tôn trọng phẩm giá bất khả vấp phạm của họ. Hết mọi phương thức trị liệu, tất cả mọi cuộc thí nghiệm và hết mọi thứ hoán chuyển đều phải được đối chiếu với sự thật nồng cốt này. Bởi vậy, không bao giờ hợp pháp trong việc sát hại một con người để cứu một người khác. Việc chữa trị giảm đau ở giai đoạn cuối đời dù có đáng làm, để tránh khỏi tâm thức muốn “chữa trị với bất cứ giá nào”, cũng không bao giờ được phép sử dụng những hành động hay bỏ không hành động mà tự bản chất của chúng hay theo ý hướng của tác nhân nhắm đến mục đích sát hại.

5. Niềm hy vọng thiết tha của Tôi cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân Thứ XI này là ngày này sẽ tác động các giáo phận và giáo xứ tái thực hiện cuộc dấn thân vào việc chăm sóc mục vụ cho thành phần bệnh nhân. Cần phải chú ý riêng tới thành phần bệnh nhân tại gia, vì thực sự ít ở tại nhà thương và thường được gia đình chăm sóc. Trong những xứ sở không đủ các cơ sở chăm sóc sức khỏe thì ngay cả trường hợp bị bệnh ngặt nghèo cũng chỉ ở tại nhà mà thôi. Các vị linh mục coi xứ và tất cả các nhân viên mục vụ phải chú ý và bảo đảm là thành phần bệnh nhân không hụt hẫng sự hiện diện an ủi của Chúa nơi lời Chúa và các Bí Tích.

Phải chú ý riêng tới khía cạnh mục vụ chăm sóc sức khỏe trong việc huấn luyện các linh mục và tu sĩ. Vì chính trong việc chăm sóc cho thành phần bệnh nhân là cách hay nhất để cụ thể hóa tình yêu và làm chứng cho niềm hy vọng Phục Sinh.

6. Quí tuyên úy, bác sĩ, y tá, dược sĩ, kỹ thuật viên, quản trị viên, cán sự xã hội và tình nguyện viên thân mến: Ngày Thế Giới Bệnh Nhân là một dịp đặc biệt để anh chị em cố gắng trở nên những người môn đệ dấn thân hơn bao giờ hết của Chúa Kitô Samaritanô Nhân Lành. Anh chị em hãy nhận thức cái căn tính của mình cũng như nhận biết nơi những ai đang đau khổ Dung Nhan của Vị Chúa sầu thương và vinh hiển. Anh chị em hãy mau mắn mang lại sự hỗ trợ và niềm hy vọng đặc biệt cho những ai chịu đựng những chứng bệnh mới, như hội chứng liệt kháng AIDS, và những chứng bệnh cũ, như lao phổi, sốt rét và phong cùi.
 

Anh Chị Em thân mến, những người đang khổ đau nơi thân xác hay trong tinh thần, Tôi xin bày tỏ niềm hy vọng thiết tha của Tôi với anh chị em là anh chị em sẽ biết nhìn ra và tiếp nhận Chúa là Đấng kêu gọi anh chị em trở thành những chứng nhân cho một thứ Phúc Âm đau khổ, bằng việc anh chị em biết tin tưởng và yêu mến nhìn lên Dung Nhan của Chúa Kitô Tử Giá (xem Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, 16), cũng như bằng việc liên kết khổ đau của anh chị em với của Người.

Tôi ký thác tất cả mọi anh chị em cho Vị Trinh Nữ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Guadalupe, Quan Thày của Toàn Cõi Mỹ Châu và là Sức Khỏe của Bệnh Nhân. Xin Mẹ lắng nghe những lời nguyện cầu từ thế giới khổ đau dâng lên Mẹ, xin Mẹ lau khô những giọt lệ đau thương, xin Mẹ đứng bên những ai lẻ loi cô độc trong cơn bệnh hoạn, và xin Mẹ, bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, giúp cho các tín hữu hoạt động trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe trở thành những chứng nhân khả tín cho tình yêu Chúa Kitô.

Tôi ưu ái ban Phép Lành của Tôi cho mỗi một người trong anh chị em!

Tại Điện Vatican ngày 2/2/2003.
 


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 4/2/2003)

 

Sứ Điệp Cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2004

Ngày 3/12/2003, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã phổ biến sứ điệp của ĐTC GPII đề ngày 1/12/2003 về Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2004 sẽ được tổ chức tại Đền Thánh mẫu Lộ Đức dịp kỷ niệm 150 năm Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội.

“Đền Thánh Mẫu này được chọn (để cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2004) là vì vào năm 2004 Giáo Hội mừng kỷ niệm 150 tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

ĐTC nhấn mạnh là tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria “bắt đầu công cuộc cứu chuộc cao cả, được thực hiện với máu châu báu của Chúa Kitô… Nếu Chúa Giêsu là giếng nước sự sống đã chiến thắng sự chết thì Mẹ Maria là một người mẹ ân cần nỗ lực đáp ứng cho các nhu cầu của con cái Mẹ, chiếm lấy cho họ sức khỏe về cả thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sứ điệp được Đền Thánh Mẫu Lộ Đức không ngừng gợi lên cho những người hành hương cũng như những người dấn thân phục vụ. Đó cũng là ý nghĩa của những phép lạ về tâm linh cũng như về thể xác đang được ghi nhận ở hang Massabielle”.

“Phép lạ Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc nhở các tín hữu về một sự thật nồng cốt, đó là họ có thể được cứu độ chỉ khi nào họ biết chân thành tham dự vào dự án của Chúa Cha, Đấng muốn cứu chuộc thế giới bằng cái chết và phục sinh của Người Con duy nhất Ngài…. Mặc dù hiện diện trong cuộc đời trần gian này nhưng bệnh tật và sự chết mất đi ý nghĩa tiêu cực của chúng. Theo chiều hướng đức tin, sự chết về thân xác, được chiến thắng bởi cái chết của Chúa Kitô, đã trở thành lối thoát cần thiết để hoàn toàn tiến vào sự sống trường sinh”.

Sau khi nhấn mạnh là sự sống “cần phải được chấp nhận, tôn trọng và bênh vực ngay từ giây phút khởi đầu cho tới khi tự nhiên qua đi”, ĐTC viết, “Ngày nay chúng ta nói về ‘kỹ thuật truyền giống’ khi ám chỉ đến những cơ hội ngoại thường được khoa học ngày nay cống hiến để can thiệp vào các nguồn mạch của sự sống. Tất cả mọi tiến bộ chuyên chính nơi lãnh vực này cần phải được khích lệ bao lâu các thứ quyền lợi và phẩm vị của con người từ lúc hoài thai được tôn trọng. Không ai có quyền hủy hoại hay lạm dụng bừa bãi sự sống con người”.