"Ở Lộ Đức, thật là dễ dàng hiểu được việc Mẹ Maria đặc biệt tham dự vào vai trò cứu độ của Chúa Kitô"

Sứ Điệp của ĐTC GPII cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2004

 

Hôm Thứ Năm 5/2/2004, vào lúc 11 giờ 30 sáng, sứ điệp của ĐTC GPII cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân được chính thức phổ biến tại Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, một ngày sẽ được tổ chức tại Lộ Đức năm nay, với đề tài “Việc Hoài Thai Vô Nhiễm và Vấn Đề Chăm Sóc Sức Khỏe theo những căn gốc Kitô Giáo ở Âu Châu”. Điều hành buổi phổ biến sứ điệp này gồm có ĐHY Javier Lazano Barragan, ĐGM Jose Luis Redrado, O.H, và Cha Felice Ruffini, M.I, là những vị chủ tịch, thư ký và phó thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc Trách Việc Chăm Sóc Mục Vụ Về Sức Khỏe. Ngoài ra còn có sự hiệp diện của ĐHY Philippe Barvarin, TGM Lyon và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp Quốc, và ĐGM Jacques Perrier giáo phận Tarbes và Lộ Đức.

Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ĐTC GPII cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/2/2004, Lễ Mẹ Lộ Đức

Kính gửi Huynh Khả Kính,
ĐHY Javier Lozano Barragán,
Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Viện Chăm Sóc Mục Vụ Về Sức Khỏe

1.     Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, một biến cố được tổ chức hằng năm ở một Lục Địa khác nhau, có một ý nghĩa đặc biệt trong lần này. Thật vậy, nó sẽ diễn ra ở Lộ Đức, Pháp Quốc, địa điểm hiện ra của Đức Trinh Nữ vào ngày 11/2/1858, một địa điểm từ đó đã trở thành mục tiêu của nhiều người hành hương. Nơi miền đồi núi này, Đức Mẹ đã muốn bày tỏ tình yêu từ mẫu của mình, nhất là đối với thành phần khổ đau và bệnh nạn. Kể từ khi ấy, Mẹ tiếp tục hiện diện bằng lòng quan tâm của mình.

Đền Thánh Mẫu này được chọn là vì năm 2004 là năm kỷ niệm mừng 150 năm việc công bố Tín Điều Hoài Thai Vô Nhiễm. Chính vào ngày 8/12/1854, bằng Tông Sắc Tín Lý “Ineffabilis Deus”, Vị Tiền Nhiệm của Tôi là Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX đã xác nhận rằng “tín lý tin rằng Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được hoài thai, bởi ơn riêng và đặc ân của Thiên Chúa Toàn Năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, được gìn giữ khỏi tất cả mọi tì vết của nguyên tội, là một tín lý do Chúa mạc khải” (DS, 2803). Ở Lộ Đức, khi nói bằng thổ âm địa phương, Mẹ Maria đã tuyên bố: "Que soy era Immaculada Councepciou" (Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội).

2.     Bằng những lời này, Đức Trinh Nữ lại không muốn bày tỏ cho thấy mối liên hệ gắn bó Mẹ với sức khỏe và sự sống hay sao? Nếu sự chết đã đột nhập vào thế gian bởi nguyên tội, thì bằng công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria khỏi mọi tì vết của tội lỗi, và ban cho chúng ta ơn cứu độ và sự sống (x Rm 5:12-21).

Tín Điều Hoài Thai Vô Nhiễm đưa chúng ta vào tâm điệm của mầu nhiệm Tạo Dựng và Cứu Chuộc (x. Eph 1:4-12, 3:9-11). Thiên Chúa muốn ban sự sống dồi dào cho loài người tạo sinh (x Jn 10:10), tuy nhiên, với điều kiện là việc làm này phải được tự do và ưu ái đáp ứng. Con người thảm thương thay đã cắt đứt cuộc trao đổi sống còn này với Đấng Hóa Công, bằng việc chối từ tặng ân ấy bởi việc bất tuân gây ra tội lỗi. Tiếng “không muốn” của con người, do bởi tính kiêu căng tự mãn của con người là dấu chỉ của sự chết (x Rm 5:19), đã phản lại với tiếng “xin vâng” của Thiên Chúa.

Toàn thể gia đình nhân loại đều bị liên lụy một cách nặng nề vào tình trạng đứt đoạn với Thiên Chúa ấy. Nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, chỉ có một mình Maria Nazarét là được thụ thai vô nhiễm nguyên tội và hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận dự án thần linh để Cha Trên Trời có thể hoàn thành nơi Mẹ ý định Ngài giành cho loài người.

Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội cho thấy mối liên kết hòa hợp giữa tiếng “xin vâng” của Thiên Chúa với tiếng “xin vâng” Mẹ Maria khi Mẹ thân thưa một cách không do dự khi thiên thần báo tin trời cao cho Mẹ (x Lk 1:38). Tiếng “xin vâng” Mẹ thân thưa nhân danh loài người đã tái mở cửa Thiên Đàng cho trần thế, nhờ việc Nhập Thể của Lời Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ theo tác động của Thánh Thần (x Lk 1:35). Nhờ đó, dự an nguyên thủy của việc tạo dựng đã được phục hồi và củng cố trong Đức Kitô; Trinh Nữ Maria cũng được tham phần vào dự án này.

3.     Nền tảng của lịch sử là ở chỗ này, đó là Việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria đã mở màn cho công cuộc Cứu Chuộc cao cả là công cuộc được nên trọn trong máu châu báu của Chúa Kitô. Nơi Người, hết mọi người đều được kêu gọi để đạt tới tầm vóc trọn hảo của sứ thánh thiện (x Col 1:28).

Bởi thế, việc Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội là rạng đông hứa hẹn cho một ngày quang sáng Chúa Kitô, Đấng đã phục hồi trọn vẹn mối hòa hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại bằng cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người. Nếu Chúa Giêsu là nguồn sống chiến thắng tử thần thì Mẹ Maria là người mẹ quan tâm đến để đáp ứng các nhu cầu của con cái mình, bằng việc giúp họ chiếm được sức khỏe phần hồn cũng như phần xác. Đó là sứ điệp được Đền Thánh Mẫu Lộ Đức liên lỉ lập lại cho thành phần sùng mộ cũng như cho các người hành hương. Đó cũng là ý nghĩa ẩn nấp bên trong các cuộc chữa lành về thân thể và tinh thần xẩy ra tại hang động Massabielle.

Tại địa điểm này, từ ngày hiện ra với Bernadette Soubirous, Mẹ Maria đã “chữa lành” đau thương và bệnh nạn, bằng cách phục hồi sức khỏe phần xác cho nhiều người con nam nữ của mình. Tuy nhiên, Mẹ đã thực hiện những phép lạ lạ lùng hơn nữa nơi linh hồn các tín hữu, sửa soạn cho họ gặp gỡ Chúa Giêsu Con Mẹ là giải đáp thực sự cho những mong đợi sâu xa nhất của tâm can con người. Chúa Thánh Thần, Đấng đã bao phủ Mẹ vào lúc Lời Nhập Thể, biến đổi linh hồn của vô số bệnh nhân chạy đến với Mẹ. Ngay cả khi họ không nhận được ơn về sức khỏe phần xác, họ cũng có thể lãnh nhận được một ơn khác còn quan trọng hơn thế nữa, đó là ơn hoán cải tâm hồn, nguồn mạch của sự an bình và niềm vui nội tâm. Tặng ân này biến đổi đời sống của họ và làm cho họ trở thành những tông đồ của Thập Giá Chúa Kitô, biểu hiệu của hy vọng, cho dù ngay giữa những con thử thách dữ dội nhất và khó khăn nhất.

4.     Trong Tông Thư “Salvifici Doloris”, Tôi đã nhận định rằng đau khổ là những gì thăng trầm của con người nam nữ trong suốt giòng lịch sử mà họ cần phải biết chấp nhận và thắng vượt nó (cf. No. 2: [11 February 1984]; L'Osservatore Romano English Edition [ORE], 20 February, p. 1). Tuy nhiên họ làm sao có thể thực hiện được điều này nếu không nhờ Thập Giá Chúa Kitô?

Nơi cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đấng Cứu Chuộc, khổ đau của nhân loại tìm thấy được ý nghĩa sâu xa nhất của mình cùng với giá trị cứu độ của nó. Tất cả mọi gánh nặng của khổ ải và đau đớn của nhân loại được tóm lại nơi mầu nhiệm của một Vị Thiên Chúa, khi mặc lấy bản tính loài người, đã “trở thành tội lỗi… vì chúng ta” (2Cor 5:21) một cách nhục nhã. Trên Golgotha Người đã gánh lấy tội lỗi của hết mọi con người tạo sinh, và Người đã kêu lên cùng Chúa Cha trong nỗi tủi thân và niềm phó thác là “Tại sao Cha lại bỏ rơi con?” (Mt 27:46).

Từ cái mâu thuẫn của Thập Giá đã phát xuất ra câu giải đáp cho những vấn đề rắc rối nhất của chúng ta. Chúa Kitô đã chịu khổ vì chúng ta. Người đã mang lấy nơi bản thân Người các thứ khổ đau của hết mọi người và cứu chuộc chúng. Chúa Kitô chịu khổ với chúng ta, cho chúng ta được thông phần đau khổ của chúng ta với đau khổ của Người. Liên kết với đau khổ của Chúa Kitô, đau khổ của nhân loại trở thành phương tiện cứu độ; đó là lý do tại sao tín hữu có thể cùng với Thánh Phaolô nói rằng “Giờ đây tôi vì anh em vui mừng chịu đựng đau khổ của mình, và tôi hoàn tất nơi xác thịt của mình những gì còn thiếu nơi những đau thương của Chúa Kitô phải chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội” (Col 1:24). Được chấp nhận bằng đức tin, đau đớn trở thành cửa ngõ tiến vào mầu nhiệm khổ đau cứu chuộc của Chúa Kitô; một khổ đau không còn làm mất đi sự bình an và hạnh phúc vì nó được chiếu tỏa bởi ánh quang của Cuộc Phục Sinh.

5.     Đứng dưới chân Thập Giá, Mẹ Maria, trở thành mẹ của loài người, âm thầm chịu đựng, thông phần khổ đau của Con Mẹ, sẵn sàng cầu bầu để hết mọi người được ơn cứu độ (cf. John Paul II, Apostolic Letter "Salvifici Doloris" [11 February 1984], n. 25; ORE, 20 February 1984, p. 6).

Ở Lộ Đức, thật là dễ dàng hiểu được việc Mẹ Maria đặc biệt tham dự vào vai trò cứu độ của Chúa Kitô. Ơn lạ Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc nhở tín hữu về một sự thật nồng cốt, đó là tín hữu có thể đạt được ơn cứu độ chỉ cần bằng việc chân thành tham dự vào dự án của Chúa Cha, Đấng muốn cứu độ thế giới bằng cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người Con duy nhất của Ngài. Nhờ Phép Rửa, tín hữu trở nên thành phần của dự án cứu độ này và được giải thoát khỏi nguyên tội. Bệnh nạn và chết chóc, mặc dù hiện diện trong cuộc sống trần gian này, sẽ mất đi ý nghĩa tiêu cực của chúng, và theo ánh sáng đức tin, cái chết về phần xác, bị cuộc tử nạn của Chúa Kitô khắc chế (x Rm 6:4), trở thành một cửa ngõ cần thiết để tiến vào sự sống viên mãn vĩnh cửu.

6.     Trong thời đại của chúng ta, việc hiểu biết về sự sống đã đạt được nhiều tiến bộ, một sự sống là tặng ân sâu xa của Thiên Chúa mà chúng ta là những quản trị viên. Sự sống cần phải được đón nhận, tôn trọng và bênh vực ngay từ ban đầu cho tới khi tự nhiên chết đi; gia đình, cái nôi của mỗi sự sống sơ sinh,
cần phải được bảo vệ cùng với sự sống.

Ngày nay, người ta nói đến “kỷ nghệ truyền giống”, tức họ muốn nói tới một khả năng phi thường do khoa học tân tiến cống hiến để can thiệp vào chính nguồn mạch của sự sống. Hết mọi tiến bộ chân chính thuộc lãnh vực này cần phải được khích lệ, nếu nó luôn tỏ ra tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của con người từ lúc hoài thai. Thật thế, không ai được cho rằng mình có quyền hủy diệt hay ẩu tả lạm hành sự sống con người. Nhiệm vụ đặc biệt của thành phần cán sự xã hội thuộc lãnh vực Chăm Sóc Mục Vụ về Sức Khỏe là làm cho những ai làm việc trong lãnh vực tinh tế này biết nhậy cảm, nhờ đó họ luôn dấn thân phục vụ sự sống.

Nhân dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, Tôi muốn cám ơn tất cả mọi phần tử thuộc Hội Đồng Đặc Trách Chăm Sóc Mục Vụ Về Sức Khỏe, nhất là các vị Giám Mục thuộc các Hội Đồng Giám Mục khác nhau cộng tác trong lãnh vực này; các vị tuyên úy, các linh mục giáo xứ và các vị linh mục khác dấn thân trong ngành này; các dòng tu hay tu hội; các thiện nguyện nhân và những ai không ngừng cống hiến chứng từ trung thực cho cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa trước khổ đau, đớn đau và chết chóc.

Tôi cũng xin tri ân thành phần cán sự xã hội chăm sóc sức khỏe, nhân viên y tế và cứu thương, các nghiên cứu viên, nhất là những ai dấn thân để tìm tòi khám phá ra những chữa trị mới, cùng với những ai làm việc trong ngành sản xuất thuốc men để cả người nghèo cũng được hưởng dụng.

Tôi xin ký thác tất cả anh chị em cho Trinh Nữ Rất Thánh, vị được tôn kính ở Đền Thánh Mẫu Lộ Đức như là Đấng Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội. Xin Mẹ giúp cho hết mọi Kitô hữu biết làm chứng rằng chỉ có một giải đáp duy nhất cho đớn đau, khổ đau và chết chóc đó là Chúa Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.

Với tâm tình này, Tôi muốn gửi đến Huynh Đáng Kính, cũng như đến những ai tham dự vào cuộc cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân này một Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.

Tại Điện Vatican ngày 1/12/2003

JOHN PAUL II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 1/2/2004.

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 8/2 về Lễ Mẹ Lộ Đức và Đền Thánh Lộ Đức với Ngày Thế Giới Bệnh Nhân

Anh Chị Em thân mến!

1.     Thứ Tư tới đây, 11/2, lễ nhớ Mẹ Lộ Đức, là Ngày Thế Giới Bệnh Nhân. Những biến cố chính yếu này sẽ được diễn ra tại chính Đền Thánh Mẫu Lộ Đức, nơi Rất Thánh Nữ Maria đã hiện ra với Thánh Bernadette Soubirous, xưng mình là người được “Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Ngoài ra, năm nay kỷ niệm 150 năm tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội được vị tiền nhiệm khả kính của Tôi là Chân Phước Piô IX công bố, vị được phụng vụ kính nhớ hôm qua.

2.     Chúng ta thấy Mẹ Lộ Đức và thế giới khổ đau cùng tật bệnh có một liên kết chặt chẽ với nhau. Nơi ngôi đền gần hang động Massabielle, thành phần bệnh nhân bao giờ cũng đóng vai chính của sự sống và của niềm hy vọng, vì thế theo giòng thời gian tháng năm, Lộ Đức đã trở nên một pháo đài thực sự của sự sống và niềm hy vọng. Làm sao Lộ Đức lại không phải là như thế? Thật vậy, Ơn Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là hoa trái đầu mùa của việc Chúa Kitô cứu chuộc và là bảo chứng của việc Người chiến thắng sự dữ. Mạch nước vọt lên từ đất mà Mẹ Maria muồn Bernadette uống làm trí khôn nghĩ đến quyền năng của Thần Linh Chúa Kitô là quyền năng hoàn toàn chữa lành con người và ban cho họ sự sống đời đời.

3.     Xin Mẹ Maria trông đến tất cả những ai sẽ tham dự vào biến cố đực tổ chức ở Lộ Đức trong mấy ngày nữa đây, những cuộc họp về thừa tác vụ chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia Âu Châu cunõng như về mối liên hệ đặc biệt giữa Trinh Nữ Vô Nhiễm và thành phần bệnh nhân. Trước hết chúng ta hãy hiến dâng cho Vị Thánh Trinh Nữ việc cử hành Thánh Thể long trọng sẽ được chủ sự bởi vị đại diện đặc biệt của Tôi là ĐHY Lazano Barragán, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe.

 

Các Phép Lạ ở Lộ Đức được công nhận ra sao?

Có một cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Ý nói về 67 phép lạ chính thức đã được Giáo Hội công nhận và khoảng 7 ngàn những thứ chữa lành không thể cắt nghĩa theo tự nhiên kể từ năm Mẹ hiện ra 1858.

Cuốn sách này mang tựa đề "Il Medico di Fronte ai Miracoli" ("Bác Sĩ Trước Các Phép Lạ”), do Nhà Xuất Bản Thánh Phaolô phát hành, một tác phẩm được viết bởi Hiệp Hội Các Bác Sĩ Ý với sự hợp tác của ông Patrick Thiellier, giám đốc Văn Phòng Y Khoa, một trung tâm được thiết lập ở đền thờ Pháp để cứu xét về khoa học các trường hợp được trình báo chữa lành. Cuốn sách này đã được bàn đến ở Đài Phát Thanh Vatican hôm Chúa Nhật 8/2/2004.

Mỗi năm có hơn 6 triệu người đến hành hương Đền Thánh Mẫu Lộ Đức, một Đền Thánh Mẫu nổi tiếng làm phép lạ chữa lành bệnh nạn tật nguyền.

Năm 1905, ĐTC Piô X đã muốn tất cả mọi trường hợp được cáo trình là phép lạ hay chữa lành ở Lộ Đức cần phải được phân tích theo khoa học.

Theo màn điện toán của văn phòng y khoa ở Lộ Đức www.lourdes-france.com, có 4 tiêu chuẩn cần phải được căn cứ để có thể minh định phép lạ xẩy ra “một cách chắc chắn, tuyệt đối và không thể cắt nghĩa về y khoa”: “Trước hết là khám nghiệm và chẩn định sự kiện cùng triệu chứng của bệnh nạn”; “chứng bệnh phải vĩnh viễn hay nguy tử trong một thời gian ngắn”; “việc khỏi bệnh phải xẩy ra tức thời, không tái phát, khỏi hoàn toàn và vĩnh viễn”; “việc chữa trị ấy không thể được cho là nguyên nhân chữa trị hay là một hỗ trợ nào cho việc chữa trị này”.

Bệnh nhân đến hành hương Lộ Đức theo một phái đoàn hành hương được hộ tống bởi một bác sĩ có hồ sơ bệnh lý về tình trạng của họ để làm nền tảng cho việc cứu xét phép lạ nếu cho rằng xẩy ra.

Nếu phép lạ xẩy ra thật thì bệnh nhân hành hương và tập hồ sơ bệnh lý ấy phải trình cho văn phòng y khoa, để vị bác sĩ trực ở đó bấy giờ tập họp các chuyên viên y khoa cũng có mặt lúc ấy cùng nhau tham dự vào việc khảo nghiệm phép lạ.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc khám nghiệm này ra sao không được tuyên bố ngay sao đó. Đương sự sẽ được mời gặp ủy ban y khoa năm sau đó hay có thể nhiều năm sau đó.

Sau nhiều cuộc khám nghiệm thành công, hồ sơ về việc lành bệnh này, nếu được ớ các bác sĩ thực hiện việc khám nghiệm đồng ý, sẽ được gửi đến cho Ủy Ban Y Khoa Quốc Tế Lọâ Đức, một cơ quan được thành lập từ năm 1947, mới đầu chỉ mang tên “quốc gia” cho tới năm 1954 mới mang danh “quốc tế”.

Ủy ban quốc tế này gồm có 30 chuyên viên, như về mổ xẻ và các giáo sư hoặc các vị làm đầu các phân khoa y học từ các quốc gia, hằng năm gặp nhau 1 lần. Vị đương kim chủ tịch của ủy ban này là giáo sư Jean-Louis Armand-Laroche.

Thường cuộc điều tra sẽ diễn tiến trong vòng mấy năm để xem đương sự diễn tiến ra sao đối với bệnh tình được cho là chữa lành. Nếu ủy ban quốc tế này đồng ý là phép lạ thì hồ sơ được gửi đến thẩm quyền Giáo Hội của đương sự, để Giáo Hội đi đến chỗ tuyên bố sự kiện chữa lành ấy có phải thực sự là phép lạ hay chăng.

Ở cấp địa phương, vị giám mục cần phải triệu tập một ủy ban giáo phận gồm các vị linh mục, các chuyên viên về giáo luật và các thần học gia để tiếp tục khảo sát sự kiện về phương diện siêu nhiên, căn cứ vào những qui định từ năm 1734 được phác họa bởi vị sau đó làm giáo hoàng là Đức Bênêđictô XIV trong văn kiện của ngài “Về Việc Phong Chân Phước và Phong Thánh Cho Các Đầy Tớ Chúa” (Book IV, Part I, Chapter VIII No. 2).

Tóm lại, các qui định đòi hỏi là tất cả những gì được gọi là phép lạ đều phải làm sao để vượt trên tất cả mọi giải thích hữu lý về ý khoa hay khoa học, về tự nhiên hay thường tình. Ủy ban giáo phận sẽ đi đến quyết định biến cố lành bệnh được các cấp khảo sát về y khoa khám nghiệm có thực sự là phép lạ hay chăng, do Chúa làm hay chăng, có quả thực là “một dấu hiệu từ Chúa”.
 

Huấn Từ Buổi Triều Kiến Chung Hằng Tuần Thứ Tư 11/2 về Ngày Thế Giới Bệnh Nhân

Buổi triều kiến chung hằng tuần vào Ngày Thứ Tư được ĐTC sử dụng để dạy giáo lý, và loạt bài giáo lý của Ngài về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh tới bài thứ 98 tuần vừa rồi. Tuy nhiên, vào những dịp đặc biệt, như gặp các ngày lễ hay các dịp ngoại lệ, Ngài cũng dùng buổi triều kiến chung này để nói đến ý nghĩa của từng dịp, chẳng hạn như Ngày Thế Giới Bệnh Nhân Lễ Đức Mẹ Lộ Đức trùng vào chính Ngày Thứ Tư 11/2/2004. Sau đây là nguyên văn bài huấn từ của Ngài.

1.     Hôm nay tinh thần chúng ta hướng về Đền Thánh Mẫu Lộ Đức ở Dẫy Núi Pyrenees là nơi vẫn lôi cuốn các nhóm đông hành hương trên khắp thế giới, trong đó có rất nhiều bệnh nhân. Biến cố chính của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm nay đang được cử hành ở đó, một biến cố giờ đây đã trở thành truyền thống trùng hợp với việc phụng vụ cử hành lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức.

Đền Thánh Mẫu này được chọn để cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm nay chẳng những vì mối liên hệ mạnh mẽ liên kết đền thánh ấy với thế giới bệnh nạn cũng như với các nhân viên hành sự thừa tác vụ mục vụ về sức khỏe. Nhất là vì Lộ Đức năm nay mừng kỷ niệm 150 năm tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Tội được công bố vào ngày 8/12/1854. Bốn năm sau, tức vào năm 1858, tại Lộ Đức, Trinh Nữ Maria, khi hiện ra với Bernadette Soubirous ở Hang Động Massabielle, đã tự xưng mình là vị “Hoài Thai Vô Nhiễm Tội”.

2.     Giờ đây chúng ta thực hiện cuộc hành hương thiêng liêng đến dưới chân Đấng được Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Lộ Đức để tham dự vào việc nguyện cầu của hành giáo sĩ và giáo dân, nhất là của thành phần bệnh nhân tập trung ở đó. Ngày Thế Giới Bệnh Nhân là một lời kêu gọi mạnh mẽ hãy tái nhận thức sự hiện diện quan trọng của những ai đang chịu đựng khổ đau trong cộng đồng Kitô hữu, và quí giá hơn nữa việc đóng góp cao quí của họ. Theo quan điểm thuần nhân loại thì đau đớn và bệnh tật chắc chắn là một thực tại không thể vô lý bất khả chấp: Tuy nhiên, khi chúng ta được ánh sáng Phúc Âm soi động, chúng ta sẽ tiến tới chỗ cảm nhận đực ý nghĩa cứu độ sâu xa của thực tại này.

Tôi đã nhấn mạnh trong sứ điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân hôm nay là “Từ cái mâu thuẫn của Thập Giá đã phát xuất ra câu giải đáp cho những vấn đề rắc rối nhất của chúng ta. Chúa Kitô đã chịu khổ vì chúng ta. Người đã mang lấy nơi bản thân Người các thứ khổ đau của hết mọi người và cứu chuộc chúng. Chúa Kitô chịu khổ với chúng ta, cho chúng ta được thông phần đau khổ của chúng ta với đau khổ của Người. Liên kết với đau khổ của Chúa Kitô, đau khổ của nhân loại trở thành phương tiện cứu độ” (đoạn 4).

3.     Giờ đây Tôi hướng về tất cả những ai đang cảm thấy gánh nặng của khổ đau nơi thân xác cũng như trong tâm hồn. Với từng người trong họ, Tôi lập lại lòng cảm thương và liên kết của Tôi. Đồng thời Tôi cũng muốn nhắc nhở anh chị em là cuộc sống của nhân loại bao giờ cũng là một tặng ân của Thiên Chúa, ngay cả khi nó đầy những khổ đau đủ thứ về thể lý; một “tặng ân” cần phải được Giáo Hội và thế giới quí giá.

Chắc chắn là những ai đau khổ không bao giờ bị bỏ rơi cô độc một mình. Về khía cạnh này, Tôi hân hoan ngỏ lời cảm nhận sâu xa với những ai, bằng tinh thần chân thành phục vụ, ở bên thành phần bệnh nhân, tìm cách làm giảm bớt những đau khổ của họ, và bao nhiêu có thể, giúp họ thoát được bệnh tật nhờ sự tiến bộ của y khoa. Tôi đặc biệt nghĩ đến các nhân viên sức khỏe, các bác sĩ, y tá, khoa học gia và nghiên cứu viên, cũng như các vị tuyên úy bệnh viện và các thiện nguyện viên. Thật là một hành động yêu thương cao cả trong việc săn sóc cho những ai chịu khổ đau!

4.     "Sub tuum praesidium ...," chúng ta đã cầu nguyện khi mở đầu cuộc gặp gỡ của chúng ta đây. “Chúng con tìm nương náu trong sự chở che của Mẹ”, Trinh Nữ Vô Nhiễm Lộ Đức, Đấng đối với chúng con là mô phạm tuyệt hảo của tạo vật theo dự án nguyên thủy của Thiên Chúa. Chúng con xin ký thác cho Mẹ thành phần bệnh nhân, già yếu, những người cô độc lẻ loi một mình: xin Mẹ hãy xoa dịu nỗi đớn đau, hãy lau khô lệ sầu, và hãy xin cho mỗi người sức mạnh cần thiết để hoàn thành ý muốn thần linh.

Xin Mẹ hãy nâng đỡ những ai làm giảm đau đớn cho anh chị em họ mỗi ngày. Và xin Mẹ giúp cho tất cả chúng con tăng thêm kiến thức về Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng quyền lực sự dữ và tử thần bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người.

Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, xin cầu cho chúng con!