ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Ngày Di Dân và Tị Nạn Thế Giới 16/1/2005:
 

“Vấn Đề Hội Nhập Liên Văn Hóa”



Anh Chị Em thân mến,

1.     Ngày Di Dân và Tị Nạn Thế Giới sắp tới. Trong Sứ Điệp hằng năm tôi thường ngỏ lời cùng anh chị em vào dịp này, tôi muốn nhân cơ hội này để nói tới hiện tượng di dân theo quan điểm hội nhập.

Nhiều người sử dụng từ ngữ này để nói lên nhu cầu của thành phần di dân cần phải thực sự tháp nhập vào xứ sở chủ quốc, thế nhưng cả nội dung lẫn việc thực hành quan niệm này không dễ gì xác định được. Về vấn đề này, tôi muốn phác họa một bức tranh qua việc nhắc lại Bản Hướng Dẫn mới đây “Tình yêu Chúa Kitô hướng về những người di dân - Erga migrantes caritas Christi” (cf. nos. 2, 42, 43, 62, 80, 89).

Nơi bản Văn Kiện này, việc hội nhập không được trình bày như là một thứ đồng hóa khiến thành phần di dân đi tới chỗ hủy hoại hay quên lãng căn tính văn hóa riêng của họ. Trái lại, việc giao tiếp với những người khác giúp cho họ khám phá ra “cái bí mật” của họ, giúp cho họ cởi mở với những người ấy để đón nhận những khía cạnh đáng giá của những người này, nhờ đó góp phần vào việc hiểu biết nhau hơn. Đây là một tiến trình lâu dài nhắm đến việc hình thành các xã hội và văn hóa, làm cho chúng càng ngày càng phản ảnh hơn những tặng ân muôn mặt của Thiên Chúa ban cho loài người. Trong tiến trình này, người di dân cần phải thực hiện những việc làm cần thiết hướng về việc tham phần vào xã hội, như việc học hỏi ngôn ngữ của quốc gia ấy cũng như việc tuân hợp với các thứ luật lệ và đòi hỏi hiện hành, hầu có thể tránh khỏi xẩy ra tình trạng biệt phân tệ hại.

Ở đây tôi không có ý bàn đến những khía cạnh khác nhau của vấn đề hội nhập. Tất cả những gì tôi muốn nói trong dịp này đó là cùng với anh chị em đi sâu hơn vào một số hàm ý của chiều kích liên văn hóa của vấn đề hội nhập này.

2.     Không ai lại không biết đến tình trạng xung khắc về căn tính thường xẩy ra nơi cuộc gặp gỡ giữa những con người khác văn hóa nhau. Những yếu tố tích cực thực sự được thể hiện ở tình trạng này. Khi đụng đầu với một môi trường sống mới, những người di dân thường ý thức hơn nữa họ là ai, nhất là khi họ cảm thấy mất mát đi những con người và những giá trị hệ trọng đối với họ.

Trong xã hội của chúng ta, một xã hội có đặc tính của một hiện tượng toàn cầu về di dân thì cá nhân con người cần phải tìm kiếm cái quân bình xứng hợp giữa việc tôn trọng căn tính riêng của mình với sự nhìn nhận căn tính nơi kẻ khác. Thật thế, cần phải nhìn nhận tính cách đa diện hợp lý của các thứ văn hóa đang có mặt ở một xứ sở, một tính cách đa văn hóa hợp với việc bảo trì luật lệ và trật tự, là những gì giúp cho xã hội được an bình và những người công dân được tự do.

Đúng vậy, cần phải loại trừ đi, một mặt, những kiểu cách đồng hóa có khuynh hướng muốn biến đổi những người khác với mình thành sao bản của mình, mặt khác, loại trừ những kiểu cách loại trừ thành phần di dân, bằng những thái độ thậm chí phát xuất từ quyết định muốn tách biệt chủng tộc. Đường lối cần phải theo đó là con đường hội nhập chân thực (cf. "Ecclesia in Europa," no. 102), với một quan niệm cởi mở không chấp nhận vấn đề chỉ chú ý tới những khác biệt giữa thành phần di dân với dân chúng địa phương mà thôi (cf. Message for World Day for Peace 2001, no. 12).

3.     Như thế, nhu cầu cần phải có một cuộc đối thoại giữa thành phần sống văn hóa khác nhau trong một môi trường đa diện là những gì vượt lên trên thái độ đành chịu vậy để tiến đến chỗ thiện cảm. Nguyên việc sống cận kề nhau giữa các nhóm di dân và các người ở địa phương là những gì có chiều hướng khích lệ một thứ tương cận giữa các nền văn hóa, hay việc thiết lập nơi họ những mối liên hệ không phải chỉ có bề mặt hay chịu vậy. Trái lại, chúng ta cần phải khích lệ một thứ tương thụ về văn hóa nữa. Điều này bao hàm việc tương kiến và cởi mở giữa các nền văn hóa, trong một tương quan hiểu biết và nhân ái thực sự.

Kitô hữu, ý thức được phần của mình về hành động siêu việt của Thần Linh, cũng có thể nhận thấy nơi các thứ văn hóa khác nhau sự hiện diện của “những yếu tố quí báu về tôn giáo và nhân loại” (cf. "Gaudium et Spes," no. 92) là những gì có thể cống hiến các quan niệm vững chắc về việc hiểu biết lẫn nhau. Dĩ nhiên, cần phải bao gồm nguyên tắc tôn trọng những thứ khác biệt về văn hóa, bằng việc bảo vệ những thứ giá trị chung bất khả vi phạm, vì chúng được đặt nền tảng trên các thứ nhân quyền phổ quát. Điều này làm phát sinh ra bầu khí “hợp tình hợp lý về dân sự” giúp cho việc chung sống được thân tình và yên ổn.

Ngoài ra, nếu chúng gắn bó với nhau, Kitô hữu cũng không thể từ bỏ việc loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô cho tất cả mọi tạo vật (x Mk 16:15). Hiển nhiên là họ phải làm điều này bằng sự tôn trọng lương tâm của kẻ khác, bao giờ cũng sử dụng phương pháp bác ái yêu thương, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ thành phần Kitô hữu sơ khai (x Eph 4:15).

4.     Hình ảnh trích từ Tiên Tri Isaia, một hình ảnh có một số lần tôi đã đề cập tới ở những cuộc gặp gỡ giới trẻ khắp nơi trên thế giới (x Is 21:11-12), cũng có thể được sử dụng ở nơi đây để kêu mời tất cả mọi tín hữu hãy trở thành “những người canh gác ban mai”. Muốn được như vậy, Kitô hữu trước hết cần phải lắng nghe tiếng kêu gào giúp đỡ xuất phát từ đám đông những người di dân và tị nạn, bởi thế họ phải chủ động dấn thân nuôi dưỡng những viễn ảnh của niềm hy vọng loan báo rạng đông của một xã hội cởi mở hơn và nâng đỡ hơn. Vấn đề ở đây là họ trước hết phải làm sao để Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, ngay cả khi mà mọi sự dường như vẫn còn bị tối tăm phủ kín.

Với niềm hy vọng này, một niềm hy vọng tôi biến thành lời nguyện cầu cùng Thiên Chúa là Đấng muốn qui tụ hết mọi quốc gia và hết mọi ngôn ngữ lại bên Ngài (x Is 66:18), tôi thật lòng ưu ái gửi đến mỗi một người trong anh chị em Phép Lành của tôi.

Tại Vatican ngày 24/11/2004

Gioan Phaolô II


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 9/12/2004 (những chỗ in đậm là do người dịch muốn nhấn mạnh đến những xác tín và nhận định quan trọng của vấn đề)