Di Dân, Một Dấu Chỉ Thời Đại

 

ĐTC Biển Đức XVI 

 

Sứ Điệp cho Ngày Tị Nạn và Di Dân Thế Giới 2006

 

Ngày Tị Nạn và Di Dân Thế Giới lần thứ 92 sẽ được cử hành vào ngày 15/1/2006. Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ĐTC.

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Công Đồng Chung Vaticanô II, với giáo huấn dồi dào bao gồm nhiều lãnh vực trong đời sống giáo hội, đã bế mạc 40 năm trước đây. Hiến chế mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” đặc biệt phân tích kỹ lưỡng những sự phức tạp của thế giới ngày nay, tìm cách tốt nhất để mang sứ điệp Phúc Âm đến cho con người nam nữ ngày nay. Để đạt được mục đích này, Các Vị Nghị Phụ của Công Đồng, đáp lời kêu gọi của Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII, đã thực hiện việc cứu xét tới những dấu chỉ thời đại và dẫn giải chúng theo chiều hướng Phúc Âm, để cống hiến cho các thế hệ mới khả năng đáp ứng một cách thích đáng với những vấn nạn thường hằng về đời sống này cũng như đời sống mai hậu và về những mối liên hệ chính đáng về xã hội (x Gaudium et Spes, 4).

 

Một trong những dấu hiệu khả tri của thời đại ngày nay chắc chắc là vấn đề di dân, một hiện tượng trong thế kỷ vừa chấm dứt có thể nói được là đã có những đặc tính về cơ cấu tổ chức, trở thành một yếu tố quan trọng của thị trường lao công khắp thế giới, một trong những kết quả xuất phát từ động lực mãnh liệt của việc toàn cầu hóa. Bình thường có những yếu tố khác nhau góp phần vào “dấu chỉ thời đại” này. Chúng bao gồm việc di dân cả trong nước lẫn quốc tế, những cuộc di dân bị bắt buộc và tự nguyện, những cuộc di dân hợp lệ và bất hợp lệ, những cuộc di dân gây ra bởi việc buôn người. Cũng không thể bỏ qua loại sinh viên hải ngoại, với con số gia tăng hằng năm trên thế giới.

 

Đối với những ai di dân về vấn đề kinh tế, một sự kiện gần đây đáng chú ý đó là việc gia tăng con số nữ giới. Trong quá khứ thường chỉ có nam giới mới di dân, cho dù bao giờ cũng có nữ giới, thế nhưng những người nữ ấy di dân đặc biệt là để đi theo chồng mình hay cha mình hoặc sống với chồng với cha ở bất cứ nơi nào những người này sống.

 

Ngày nay, mặc nhiều nhiều trường hợp có tính cách này vẫn còn xẩy ra, việc di dân nữ giới càng ngày càng khó khuynh hướng tự bản thân họ. Nữ giới một mình vượt biên giới bản xứ để đi tìm kiếm việc làm ở xứ sở khác. Thật vậy, thường xẩy ra là thành phần nữ giới di dân trở nên nguồn lợi tức chính yếu cho gia đình của họ. Đó là sự kiện mà sự hiện diện của nữ giới đặc biệt trở thành thịnh hành ở những lãnh vực có mức lương thấp. Bởi thế mà nếu thành phần di dân lao động đặc biệt bị tổn hại thì trường hợp nữ giới lại càng bị tổn hại hơn nữa.

 

Những cơ hội làm việc thông dụng nhất đối với nữ giới, ngoài việc làm nội trợ, còn là việc giúp đỡ người già, chăm sóc kẻ liệt và làm việc ở các khách sạn. Ở cả những lãnh vực này đi nữa Kitô hữu cũng được kêu gọi để dấn thân bảo đảm việc đối xử chính đáng giành cho nữ giới di dân vì lòng tôn trọng nữ tính của họ theo quyền bình đẳng được nhìn nhận của họ.

 

Về vấn đề này, cần phải đề cập tới việc buôn người – nhất là nữ giới – là những gì đang triển nở khi họ bị hạn hẹp về cơ hội cải tiến mức sống của họ hay ngay cả để sống còn của họ. Thành phần buôn người nhơ dó dễ dàng cống hiến “dịch vụ” của mình cho các nạn nhân, những người thường không ngờ vực gì về những điều đang đợi chờ họ. Ở một số trường hợp, có những người nữ và em gái bị khai thác hầu như là thành phần nô lệ trong việc làm của họ, và thường lọt vào cả kỹ nghệ tình dục nữa. Cho dù ở đây tôi không thể khảo sát kỹ lưỡng việc phân tách về các hậu quả của khía cạnh di dân này đi nữa, tôi cũng mượn lời của Đức Gioan Phaolô II để lên án “thứ văn hóa khoái lạc và thương mại thịnh hành làm nẩy nở việc khai thác tính dục ấy” Thư Gửi Nữ Giới, 29/6/1995, khoản 5). Kitô hữu không thể nào rút lui khỏi toàn bộ chương trình cứu chuộc và giải phóng được nêu lên đây.

 

Nói đến những loại di dân khác – như thành phần tìm ẩn trú và tị nạn – tôi muốn nhấn mạnh đến khuynh hướng dừng lại ở vấn đề thành phần này đến mà không lưu ý tới những lý do tại sao họ đã rời bỏ quê cha đất mẹ của họ. Giáo Hội thấy cả thế giới khổ đau và bạo lực này qua con mắt của Chúa Giêsu, Đấng đã động lòng thương khi thấy đám đông lang thang như chiên vô chủ (x Mt 9:36). Hy vọng, can đảm, yêu thương và “tính cách sáng tạo của đức ái” ("Novo Millennio Ineunte," No. 50) cần phải là những gì làm phấn khởi những nỗ lực cần thiết của con người và của Kitô hữu trong việc giúp đỡ những người anh chị em đau khổ của mình. Các Giáo Hội bản xứ của họ bày tỏ mối quan tâm của mình bằng việc gửi các tác nhân mục vụ có cùng ngôn ngữ và văn hóa đến với họ, bằng cuộc trao đổi đức ái với Giáo Hội riêng là nơi đón tiếp họ.

 

Theo chiều hướng “những dấu chỉ thời đại” của ngày hôm nay, cần phải đặc biệt chú trọng tới hiện tượng thành phần sinh viên ngoại quốc. Ngoài những yếu tố khác, con số sinh viên ngoại quốc đang gia tăng vì những chương trình trao đổi hải ngoại giữa các đại học đường, nhất là ở Âu Châu, kéo theo những vấn đề về mục vụ khiến Giáo Hội không thể nào làm ngơ. Điều này đặc biệt đúng nơi trường hợp những sinh viên đến từ các quốc gia đang tiến, những sinh viên mà kinh nghiệm đại học có thể trở thành một cơ hội đặc biệt cho việc thăng tiến tâm linh của họ.

 

Để kêu cầu ơn trợ giúp của Thiên Chúa cho những ai, được thôi thúc bởi long mong ước muốn góp phần vào việc cổ võ một tương lai công lý và hòa bình trên thế giới, vận dụng nghị lực của mình cho ngành chăm sóc mục vụ để phục vụ việc chuyển nơi sinh sống của con người, tôi ban cho tất cả mọi người Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt như dấu hiệu của lòng tôi cảm mến.

 

Tại Vatican ngày 18/10/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/10/2005