Cùng Mẹ Maria Chiêm Ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô
Bằng Kinh Mân Côi Để Truyền Bá Phúc Âm Hóa

 

Sứ Điệp của ĐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 77, 19/10/2003,

kết thúc Năm Mân Côi

 

Ngày 21/2/2003, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phổ biến sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyến Giáo lần thứ 77 này, một ngày sẽ được cử hành vào ngày 19/10/2003. Ngày Chúa Nhật 19/10/2003 này cũng trùng với ba biến cố khác: biến cố thứ nhất là việc phong chân phước cho Mẹ Têresa Calcutta, vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái; biến cố thứ hai là việc mừng Ngân Khánh 25 Năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị được bầu làm giáo hoàng ngày 16/10 và đăng quang ngày 22/10/1978; và biến cố thứ ba là kết thúc Năm Mân Côi (10/2002-2003). Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ĐTC, một sứ điệp truyền giáo liên quan đến Kinh Mân Côi.

Anh Chị Em thân mến,

1. Từ ban đầu, Tôi đã muốn đặt giáo triều của Tôi dưới sự che chở của Mẹ Maria. Ngoài ra, Tôi thường xin toàn thể cộng đồng tín hữu hãy sống lại cảm nghiệm của Căn Thượng Lầu Tiệc Ly, nơi các môn đệ “đã chuyên tâm cầu nguyện, cùng với … Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu” (Acts 1:14). Trong Thông Điệp đầu tiên của mình là “Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại” Redemptor Hominis, Tôi đã viết rằng, chỉ khi nào chúng ta ở trong bầu khí sốt sắng nguyện cầu chúng ta mới có thể “lãnh nhận Thánh Linh xuống trên chúng ta, nhờ đó, chúng ta mới có thể trở thành những chứng nhân của Chúa Kitô ‘cho đến tận cùng trái đất’, như những vị đã xuất thân từ Căn Thượng Lầu Tiệc Ly ở Giêrusalem vào ngày Lễ Ngũ Tuần” (số 22).

Giáo Hội càng nhận thức hơn về việc Giáo Hội là “mẹ” như Đức Maria. Như Tôi đã đề cập đến trong Sắc Chỉ “Mầu Nhiệm Nhập Thể” Incarnationis Mysterium, vào dịp Mừng Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội là “chiếc nôi được Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu nằm trong ấy để cho tất cả mọi dân nước tôn thờ và chiêm ngắm” (số 11). Giáo Hội có ý định tiếp tục con đường linh đạo và truyền giáo này, với cuộc đồng hành của Vị Trinh Nữ Diễm Phúc, Minh Tinh của Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, bình minh rạng ngời và là vị hướng đạo rành đường dẫn lối cho chúng ta đi” (x Tông Thư Mở Màn Cho Một Ngàn Năm Mới Novo Millennium Ineunte, số 58).

Mẹ Maria và Sứ Vụ của Giáo Hội trong Năm Mân Côi

2. Tháng 10 năm trước, thời điểm bước vào năm thứ 25 của giáo triều của mình, Tôi đã cộng bố một Năm đặc biệt như để tiếp nối thiêng liêng cho Năm Thánh, một năm được dùng để tái khám phá kinh nguyện Mân Côi rất thân thương với truyền thống Kitô Giáo. Đó là một năm cần phải được sống dưới ánh mắt của Vị mà, theo dự án nhiệm mầu của Thiên Chúa, bằng tiếng “xin vâng” của mình, đã làm cho việc cứu độ loài người được thực hiện, cũng là Vị ở Thiên Đàng tiếp tục bảo vệ những ai hướng về Mẹ, nhất là trong những lúc khốn khó trong cuộc sống.


Tôi muốn Năm Mân Côi trở thành một cơ hội thuận lợi cho các tín hữu ở tất cả mọi lục địa trong việc đi sâu vào ý nghĩa của ơn gọi Kitô Giáo của mình. Tại học đường của Vị Trinh Nữ Diễm Phúc và noi theo bắt chước gương của Người, hết mọi cộng đồng sẽ có khả năng hơn nữa trong việc làm cho hoạt động “chiêm niệm” và “truyền giáo” hòa hợp với nhau.

Nếu Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, được xẩy ra vào đúng lúc kết thúc năm Thánh Mẫu đặc biệt này, được sửa soạn kỹ lưỡng, nó sẽ là một động lực mạnh mẽ hơn nữa cho việc dấn thân này của cộng đồng giáo hội. Tin tưởng chạy đến với Mẹ Maria, bằng việc hằng ngày đọc kinh Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm đời sống của Chúa Kitô, là chú trọng đến sự kiện sứ mệnh của Giáo Hội phải được bảo dưỡng trước hết bằng việc cầu nguyện. Thái độ “lắng nghe”, một thái độ được nhắc nhở bởi việc cầu Kinh Mân Côi, mang tín hữu lại gần với Mẹ Maria, Vị “đã giữ tất cả mọi điều ấy mà suy niệm trong lòng” (Lk 2:19). Việc thường xuyên suy niệm Lời Chúa khiến chúng ta sống “trong cuộc hiệp thông sống động với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim Mẹ của Người” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 2).

Một Giáo Hội càng chiêm niệm ở chỗ nhìn ngắm dung nhan Chúa Kitô hơn

3. “Cum Maria comtemplemur Christi vultum!” Những lời này thường gợi lên trong lòng chúng ta việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng “dung nhan” Chúa Kitô. Khi chúng ta nói về “dung nhan” của Chúa Kitô, chúng ta muốn nói đến hình ảnh nhân loại của Người chiếu tỏa vinh quang Người Con duy nhất của Chúa Cha (x Jn 1:14). “Vinh quang của Thần Tính phát tỏa từ dung nhan của Chúa Kitô” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 21). Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô dẫn chúng ta đến mối thân tình nội tại sâu xa hơn nữa với mầu nhiệm của Người. Việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu bằng đôi mắt đức tin thúc đẩy con người đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9). Với Kinh Mân Côi, chúng ta tiến triển trong cuộc hành trình mầu nhiệm này “trong niềm hiệp nhất với và ở tại học đường của Mẹ Rất Thánh của Người” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 3). Thật vậy, Mẹ Maria biến mình làm thày dạy và làm hướng đạo của chúng ta. Theo tác động của Thánh Linh, Mẹ giúp chúng ta chiếm được “cái cứng cát vững vàng” giúp tín hữu có thể truyền đạt cảm nghiệm của mình về Chúa Giêsu cũng như niềm hy vọng chi phối họ (x Thông Điệp Sứ Vụ của Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, số 24) cho những người khác.

Chúng ta hãy luôn nhìn lên Mẹ Maria, một mô phạm khôn sánh. Tất cả mọi lời Phúc Aâm đều âm vang một cách phi thường nơi tâm hồn của Mẹ. Mẹ Maria là “ký ức” chiêm niệm của Giáo Hội, một Giáo Hội mong muốn được hiệp nhất sâu xa với Vị Hôn Phu của mình, để gây thêm ảnh hưởng nơi xã hội của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể phản ứng trước những vấn đề to tát lớn lao, trước cảnh khổ đau vô tội, trước những thứ bất công gây ra bởi việc khinh khi ngạo mạn đây? Tại học đường dễ dạy của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, các tín hữu biết nhìn ra, nơi cái bề ngoài “thinh lặng của Thiên Chúa”, Lời Chúa là Đấng âm vang trong thinh lặng cho phần rỗi của chúng ta.

Một Giáo Hội thánh hảo hơn ở chỗ bắt chước và yêu mến dung nhan của Chúa Kitô


4. Nhờ phép rửa, tất cả mọi tín hữu được kêu gọi nên thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân” Lumen Gentium, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh là ơn gọi phổ quát nên thánh là ở chỗ tất cả mọi người được kêu gọi sống đức ái trọn hảo.

Đức thánh thiện và việc truyền giáo là những khía cạnh không thể tách rời nhau nơi ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa. Việc dấn thân trở nên thánh thiện hơn là việc chặt chẽ gắn liền với việc dấn thân truyền bá sứ điệp cứu độ. Trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, Tôi đã nhắc nhở rằng: “Hết mọi phần tử tín hữu được kêu gọi nên thánh và truyền giáo” (số 90). Trong việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, người tín hữu được thúc đẩy theo Chúa Kitô và chia sẻ đời sống của Người, nhờ đó, họ có thể nói với Thánh Phaolô rằng: “Không phải là tôi sống, song là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

Nếu tất cả mọi mầu nhiệm của Kinh Mân Côi tạo nên một học đường quan trọng cho sự thánh thiện và việc truyền bá phúc âm hóa, thì các mầu nhiệm ánh sáng giúp vào việc mang lại những khía cạnh đặc biệt liên quan đến “tác dụng phụ” của Phúc Âm. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Dược Đăng nhắc nhở là thành phần được rửa tội được tuyển chọn để trở nên “những người con nơi Người Con” (Eph 1:5; x Gaudium et Spes, số 22). Ở tiệc cưới Cana, Mẹ Maria kêu gọi những người phục dịch hãy ngoan ngoãn nghe Lời Chúa: “Các anh hãy làm theo những gì Ngài bảo” (Jn 2:5). Việc loan báo Nước Trời và lời kêu gọi cải thiện đời sống là một mệnh lệnh rõ ràng buộc hết mọi người phải theo đuổi con đường thánh thiện. Nơi việc Chúa Giêsu Biến Hình, con người lãnh nhận phép rửa cảm thấy niềm vui đang đợi chờ họ. Khi suy nkệm về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, họ thường trở về với Căn Thượng Lầu Tiệc Ly, nơi Vị Thày thần linh để lại cho các môn đệ kho tàng quí báu nhất của Người là chính bản thân Người nơi Bí Tích trên bàn thờ.

Ở một nghĩa nào đó thì những lời Vị Trinh Nữ Diễm Phúc nói ở tiệc cưới Cana đã làm nên bối cảnh cho tất cả mọi mầu nhiệm ánh sáng. Thật vậy, việc loan báo Nước Trời đã đến, lời kêu gọi cải thiện và xót thương, Việc Biến Hình trên Núi Tabo và việc thiết lập Thánh Thể đều đặc biệt vang vọng nơi con tim của Mẹ Maria. Mẹ Maria gắn chặt mắt của Mẹ vào Chúa Kitô, gìn giữ hết mọi lời của Người và tỏ cho chúng ta thấy cách làm môn đệ đích thực của Con Mẹ.

Một Giáo Hội truyền giáo hơn ở chỗ loan báo Dung Nhan Chúa Kitô

5. Không có một lúc nào Giáo Hội lại có nhiều cơ hội để loan báo Chúa Giêsu bằng lúc này, nhờ việc phát triển của phương tiện truyền thông xã hội. Vì lý do này, Giáo Hội ngày nay được kêu gọi để làm cho Dung Nhan Hôn Phu của Giáo Hội chiếu tỏa nơi sự thánh thiện rạng ngời hơn nữa của Giáo Hội. Nơi việc làm không dễ dàng này, Giáo Hội biết rằng Giáo Hội được Mẹ Maria nâng đỡ. Giáo Hội “học” trở thành một “trinh nữ” nơi Mẹ Maria, hoàn toàn hiến thân cho Vị Hôn Phu của mình là Chúa Giêsu Kitô, cũng như trở thành một “người mẹ” của nhiều con cái được Giáo Hội sinh vào sự sống trường sinh.

Dưới cái nhìn canh chừng của Mẹ mình, cộng đồng giáo hội nở hoa như một gia đình hồi sinh nhờ Thần Linh được tuôn đổ xuống tràn đầy, và khi chấp nhận những thách đố của việc tân truyền bá phúc âm hóa, chiêm ngưỡng dung nhan nhân hậu của Chúa Giêsu nơi những người anh chị em, nhất là thành phần nghèo nàn và thiếu thốn, nơi những ai còn xa đức tin và Phúc Aâm. Nhất là Giáo Hội không sợ hô lên cho thế giới nghe thấy rằng Chúa Kitô “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Jn 14:6). Giáo Hội cần phải sửa soạn cho có những nhà truyền bá phúc âm hóa có khả năng và thánh thiện. Lòng nhiệt tah2nh của các vị tông đồ không được suy yếu đi, nhất là đối với vấn đề truyền giáo “ad gentes” cho muôn dân. Kinh Mân Côi, nếu được hoàn toàn nhận thức và cảm nhận, sẽ là một khí cụ bình thường song linh thiêng và có tính cách giáo dục tốt đẹp trong việc hình thành Dân Chúa để hoạt động trong lãnh vực tông vụ rộng lớn.

Một Sứ Mệnh Thực Sự

6. Vấn đề làm sinh động việc truyền giáo cần phải được tiếp tục là một nhiệm vụ nghiêm trọng và liên tục của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa cũng như của hết mọi cộng đồng giáo hội. Dĩ nhiên, Các Hội Truyền Giáo của Tòa Thánh giữ một vai trò chuyên biệt và đặc biệt, nên Tôi xin cám ơn họ về việc dấn thân thi hành vai trò này.

Tôi xin đề nghị với tất cả mọi anh chị em là anh chị em hãy tăng thêm việc cầu kinh Mân Côi, riêng tư cũng như cộng đồng, để xin Chúa ban cho những ơn Giáo Hội và nhân loại đặc biệt cần đến. Tôi mời hết mọi người hãy làm điều này, trẻ em, người lớn, người trẻ và người già, gia đình, giáo xứ và các cộng đồng tu trì.

Trong số nhiều ý chỉ của Tôi, Tôi không quên ý chỉ hòa bình. Chiến tranh và bất công bắt nguồn từ cõi lòng “bị chia cắt”. “Bất cứ ai muốn thấu nhập mầu nhiệm Chúa Kitô – đây là mục tiêu rõ ràng của Kinh Mân Côi – đều biết được cái bí mật của hòa bình và biến nó thành dự phóng cgo đời sống của họ” (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae, số 40). Nếu Kinh Mân Côi làm cho đời sống chúng ta thăng tiến nhanh chóng thì kinh này cũng có thể trở thành một dụng cụ thuận lợi cho việc xây dựng hòa bình trong tâm hồn con người, trong gia đình cũng như nơi các dân nước. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta có thể chiếm được hết mọi sự nơi Chúa Giêsu Con Mẹ. Được Mẹ Maria nâng đỡ, chúng ta sẽ không ngần ngại quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất.

Với những cảm thức này, Tôi thân ái ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Tại Vatican ngày 12/1/2003, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.

Gioan Phaolô II

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh do Zenit phổ biến ngày 21/2/2003.

 

Màn Điện Toán của Phòng Báo Chí Tòa Thánh lên tới 22 triệu lần vào thăm.

Theo tín liệu do văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết, trong năm 2003 có tới gần 22 triệu lần màn điện toán của Tòa Thánh được viếng thăm, tức trung bình mỗi ngày có 59.667 người ghé thăm. Tháng bận nhất là Tháng 3 trong năm, có 3.598.183 điều yêu cầu được giải đáp và mỗi ngày có khoảng 116.072 ghé thăm.

Những lần vào thăm hay yêu cầu phát xuất từ Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Âu Châu và Á Châu theo thứ tự như sau: Hiệp Chủng Quốc, Ý, Hiảp Vương Quốc, Gia Nã Đại, Tây Ban Nha, Ba Tây và Pháp.

Những chữ thường được tìm kiếm nhiều nhất là chữ “Vatican, News, Information, Press service”. Những ngày có nhiều sinh hoạt nhất là Thứ Năm và Thứ Sáu. Lúc kẹt lưu thông tín liệu nhất trong ngày ở vào khoảng từ 7 tới 9 giờ sáng, giờ địa phương Rôma.

Năm 2003 VIS (Vatican Information Service) đạt tới con số cao nhất với 15.916 độc giả ghi danh để trực tiếp nhận tin (trong đó có hailmaryqueen@thoidiemmaria.net). Thành phần độc giả ghi danh trực tiếp nhận tin này có 54% muốn tin tức bằng Anh ngữ, 28.34% bằng Tây Ban Nha, 8.46% bằng tiếng Pháp và 8.54% bằng tiếng Ý.

Cuốn Niên Giám của Tòa Thánh Năm 2004

Sáng Thứ Ba 3/2/2004, ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, và ĐTGM Leonardi Sandri, đã kính trình lên ĐTC GPII cuốn Niên Giám 2004 đầu tiên, trước sự hiện diện của tất cả những ai góp phần thực hiện cuốn sách này. Sau đây là những con số quan trọng cần biết:

Căn cứ vào các dữ kiện từ năm 2002, bản thống kê cho thấy con số Công giáo đã được rửa tội là 1.071.000.000, tức 17.2% dân số thế giới (6.212.000.000), với 50% ở toàn Mỹ Châu, 26.1% ở Âu Châu, 12.8% ở Phi Châu, 10.3% ở Á Châu và 0.8% ở Đại Dương Châu. So với dân số chung ở mỗi châu thì ở Mỹ Châu có 62.4% Công giáo, ở Âu Châu có 40.5%, ở Đại Dương Châu có 26.8%, ở Phi Châu có 16.5% và ở Á Châu có 3%.

Con số hiến thân cho hoạt động mục vụ gồm có 4.217.572 người, được phân phối như sau: 4.605 giám mục, 405.058 linh mục (trong số đó có 267.334 là linh mục triều), 30.097 phó tế vĩnh viễn, 54.828 tu sĩ khấn dòng không phải là linh mục, 782.932 nữ tu (trong đó có 51.371 sống đời chiêm niệm), 28.766 phần tử của các tu hội đời; 143.745 thừa sai giáo dân và 2.767.451 giáo lý viên.

So với năm 2001, tổng số linh mục vẫn không hơn không kém, với con số 405.067 vào năm 2001. Tuy nhiên, riêng linh mục triều lại tăng, từ 266.448 vào năm 2001 lên 267.334 vào năm 2002. Con số phó tế vĩnh viễn cũng tăng 3.1% và giáo dân thừa sai tăng 3.4%, chủng sinh tằng .7%, từ 112.244 năm 2001 lên 112.982 năm 2002. Con số học làm linh mục ở Phi Châu tăng trên 5.8% và ở Mỹ Châu hơn 1.4%, trong khi ở Âu Châu và Á Châu hơn giảm một chút.
 

Thống Kê về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội


Thứ Sáu 21/2/2003, ĐHY Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Cho Các Dân Nước Crescezio Sepe, trong buổi ra mắt sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2003, đã cho biết thêm những con số thống kê liên quan đến hoạt động truyền giáo của Giáo Hội như sau:


- Có 42 ngàn trường học; 1.600 nhà thương; 6 ngàn bệnh xá, 780 trại cùi, 12 ngàn hoạt động bác ái xã hội;


- 85 ngàn vị linh mục truyền giáo trong đó có 53 ngàn linh mục giáo phận (27 ngàn hoạt động ở Phi Châu, 44 ngàn ở Á Châu, 6 ngàn ở Mỹ Châu, 5 ngàn ở Đại Dương Châu, và 3 ngàn ở Âu Châu);


- 1.075 giáo phận trực thuộc Thánh Bộ này, gần 39% các giáo phận trên thế giới;


- 28 ngàn nam tu truyền giáo, 450 ngàn nữ tu và 1.65 triệu giáo lý viên;


- Năm 1900 ở Phi Châu có 2 triệu người được rửa tội, nay có tới 110 triệu, hay 15% dân số;


- Ở Đại Dương Châu có 7 triệu người Công Giáo trong 26 triệu dân số, tức 26%.

 

Thống kê Về Giáo Hội Trên Thế Giới trong Thời Đoạn 1978-2000

Nhân dịp sắp sửa phát hành Cuốn Niên Giám Của Giáo Hội, một công trình do Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Giáo Hội bao gồm những tín liệu tính đến năm 2000, một bản thông tư được phổ biến hôm nay cho biết một số thay đổi ở khắp các lục địa trong thời khoảng 1978, năm bắt đầu giáo triều của Đức Gioan Phaolô II, đến Đại Năm Thánh 2000.

Thứ nhất, về thống kê tín hữu, thành phần rửa tội trên khắp thế giới tăng 38%, từ 757 triệu năm 1978 lên hơn một tỉ, chiếm 17.3 % dân số thế giới trong năm 2000, 62.8% ở Mỹ Châu, 40% ở Âu Châu và 2.9% ở Á Châu.

Thứ hai, về thống kê giám mục, tăng từ 3.714 vị tới 4.541 vị, tức 22%: 37.3% ở Mỹ Châu, 33% ở Âu Châu, 13.8% ở Á Châu, 13.2% ở Phi Châu và 2.7% ở Đại Dương Châu.

Thứ ba, về thống kê linh mục, vào năm 2000 là 405.178 (265.781 thuộc giáo phận và 139.397 thuộc dòng tu): giảm 3.75% so với năm 1978, trong đó, 12.4% giảm số linh mục giáo phận song tăng 1.26% linh mục dòng tu. Ở Âu Châu, linh mục giáo phận giảm nhanh hơn song linh mục dòng tu giảm ít. Trong khi đó ở Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu và Đại Dương Châu con số tăng giảm vẫn ở cùng một mức độ.

Thứ bốn, về thống kê phó tế vĩnh viễn, con số tăng gấp 5 lần trên khắp các lục địa, từ 5.562 tới 27.824, tức tăng 400.25%.

Thứ năm, về thống kê tu sĩ không có chức thánh, con số giảm từ 75.802 vào năm 1978 xuống còn 55.057 trong năm 2000. Trong khi thành phần tu sĩ giảm ở Đại Dương Châu, Âu Châu và Mỹ Châu thì lại tăng ở Phi Châu và Á Châu. Riêng nữ tu, giảm 19% trong 22 năm, tức năm 1978 gần 1 triệu, song đến năm 2000 còn 801.000.

Thứ sáu, về thống kê chủng sinh, con số tăng liên tục trên khắp thế giới, từ 64.000 vào năm 1978 lên đến 111.000 trong năm 2000.