Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2005:

“Truyền Giáo: Tấm Bánh Được Bẻ Ra Cho Thế Gian Được Sự Sống”


Thứ Sáu 15/4/2005, Tòa Thánh đã phổ biến sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo là ngày sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 23/10/2005 với đề tài “Truyền Giáo: Tấm Bánh Được Bẻ Ra Cho Thế Gian Được Sự Sống”, bản văn đề ngày 22/2/2005, Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Sau đây là một số đoạn chính yếu tiêu biểu được trích từ sứ điệp này.

Anh Chị Em thân mến,

1. Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, trong năm được giành kính Thánh Thể này, giúp chúng ta hiểu hơn nữa về ý nghĩa ‘thánh thể’ nơi đời sống của chúng ta, khi chúng ta sống lại nỗi cảm xúc ở Căn Thượng Lầu, lúc mà vào tối áp cuộc khổ nạn của mình, Chúa Giêsu đã hiến Mình cho thế gian: ‘Vào đêm Người bị nộp, Người đã cầm lấy bánh, và sau khi dâng lời tạ ơn, đã bẻ ra mà nói: ‘Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày’ (1Cor.11:23-24).

Trong Tông Thư ‘Xin Chúa Ở Với Chúng Con’ mới đây của mình, tôi đã kêu gọi anh chị em hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu ‘nơi việc bẻ bánh’ được hiến ban cho toàn thể nhân loại. Theo gương của Người, chúng ta cũng được kêu gọi để hiến đời sống của mình cho anh chị em của chúng ta, nhất là những người cần thiết nhất. Thánh Thể mang ‘dấu hiệu của tính cách đại đồng’ và là hình ảnh tiên báo một cách bí tích thời điểm khi mà ‘tất cả những ai có cùng một bản tính loài người được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Thánh Thần cho vinh hiển của Thiên Chúa đều có thể đồng tâm thưa rằng Lạy Cha (Sắc Lệnh Cho Muôn Dân ‘Ad Gentes’, 7). Như thế, trong khi Thánh Thể giúp chúng ta hiểu trọn vẹn hơn nữa ý nghĩa của việc truyền giáo, Thánh Thể còn dẫn hết mọi tín hữu, nhất là thành phần truyền giáo, trở thành ‘tấm bánh được bẻ ra cho thế gian được sự sống’.

2. Trong thời đại của chúng ta đây, xã hội loài người dường như bị bao phủ bởi những bóng đen khi nó bị rúng động bởi những biến cố thê thảm cũng như bởi những thiên tai khốc liệt. Tuy nhiên, như ‘vào đêm Người bị nộp’ (1Cor 11:23), ngày nay Chúa Giêsu cũng vẫn ‘bẻ bánh’ (x Mt 26:26) cho chúng ta ở những cuộc cử hành Thánh Thể của chúng ta và hiến mình dưới dấu hiệu yêu thương theo bí tích này đối với loài người. Đó là lý do tại sao tôi đã nhấn mạnh rằng ‘Thánh Thể không phải chỉ là một thể hiện thuần túy cho mối hiệp thông nơi đời sống Giáo Hội; Thánh Thể còn là một dự án đoàn kết cho toàn thể nhân loại nữa’ (Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con ‘Mone Nobiscum Domine’, 27); Thánh Thể là ‘bánh bởi trời’ ban sự sống cho thế gian (x Jn 6:33) và hướng tâm can nhân loại về một niềm hy vọng cao cả.

Hiện diện trong Thánh Thể, vị Cứu Chuộc này, vị đã thấy đoàn lũ thiếu thốn và cảm thấy đầy xót thương ‘vì họ long đong lận đận như chiên không người chăn dắt’ (Mt 9:36), qua các thế kỷ tiếp tục cho thấy lòng thương cảm nhân loại bần cùng và khổ đau. Chính vì danh Người, thành phần cán sự mục vụ và thừa sai đã ra đi trên những nẻo đường chưa ai khái phá để mang ‘tấm bánh’ cứu độ này đến cho tất cả mọi người. Họ được thôi thúc bởi nhận thức rằng, được kết hiệp với Chúa Kitô là ‘tâm điểm của chẳng những lịch sử Giáo Hội mà còn cả lịch sử nhân loại (x Eph 1:10; Col 1:15-20)’ (cùng tông thư trên, 6), họ mới có thể đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của tâm can con người. Một mình Chúa Giêsu mới có thể thỏa đáng được cơn đói yêu thương và cái khát công lý của nhân loại; chỉ có một mình Người mới có thể làm cho hết mọi người thông hưởng sự sống trường sinh: ‘Tôi là bánh hằng sống bởi trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời’ (Jn 6:51). Giáo Hội, hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, trở nên ‘tấm bánh bẻ ra’.

3. Khi Cộng Đồng giáo hội cử hành Thánh Thể, nhất là vào Chúa Nhật là Ngày của Chúa, Giáo Hội cảm nghiệm thấy trong ánh sáng đức tin giá trị của việc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh và càng ý thức được rằng Hy Tế Thánh Thể là “để cho nhiều người” (Mt 26:28). Chúng ta, thành phần nuôi dưỡng mình bằng Mình và Máu của Chúa Kitô tử giá và phục sinh, không thể giữ ‘tặng ân’ này cho chính chúng ta; trái lại, chúng ta cần phải chia sẻ tặng ân ấy. Tình yêu say mê đối với Chúa Kitô cần phải tiến đến chỗ can đảm loan báo Chúa Kitô; một việc loan báo mà, bằng tử đạo, trở thành một hy hiến cao cả của yêu thương đối với Thiên Chúa cũng như với nhân loại. Thánh Thể làm cho chúng ta trở thành những nhà truyền bá phúc âm hóa quảng đại, tích cực dấn thân để xây dựng một thế giới công chính và huynh đệ hơn.

Tôi thực lòng hy vọng rằng Năm Thánh Thể sẽ tác động hết mọi cộng đồng Kitô hữu biết đáp ứng ‘bằng quan tâm huynh đệ một số nào trong nhiều hình thức nghèo khổ trên thế giới này’ (Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, 28), vì ‘nhờ tình yêu thương nhau của mình, nhất là việc chúng ta quan tâm đến những ai đang cần thiết, chúng ta sẽ được nhận biết là thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô (cf. Jn 13:35; Mt 25:31-46). Đó sẽ là tiêu chuẩn để chứng thực tính cách chân chính của việc chúng ta cử hành Thánh Thể’ (cùng đoạn tông thư trên)”.

4. Cả cho đến ngày hôm nay, Chúa Kitô vẫn đang thôi thúc thành phần môn đệ của Người rằng: “Các con hãy tự cho họ ăn đi” (Mt 14:16). Nhân danh Người, tất cả các nhà truyền giáo trên khắp thế giới loan báo và làm chứng cho Phúc Âm. Qua những nỗ lực của họ, một lần nữa những lời của Đấng Cứu Thế lại được vang lên: ‘Tôi là bánh sự sống; ai đến với Tôi sẽ không bao giờ đói; ai tin vào Tôi sẽ không bao giờ khát” (Jn 6:35); cả họ nữa cũng trở nên ‘tấm bánh được bẻ ra’ cho anh chị em họ, thậm chí một số đã tiến tới chỗ hy sinh mạng sống mình. Biết bao nhiêu là những vị đã chịu tử vì đạo thừa sai trong thời đại của chúng ta đây! Chớ gì gương sáng của các vị lôi kéo nhiều người trẻ nam nữ dấn thân vào con đường anh hùng trung thành với Chúa Kitô! Giáo Hội cần những con người nam nữ muốn tận hiến mình hoàn toàn cho lý tưởng Phúc Âm cao cả.

Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo là một cơ hội thuận lợi để chúng ta gia tăng ý thức của mình về nhu cầu khẩn trương trong việc tham dự vào sứ vụ truyền bá phúc âm hóa được thực hiện bởi các cộng đồng địa phương và nhiểu tổ chức của Giáo Hội, đặc biệt là Các Hội Truyền Giáo của Tòa Thánh và các Học Viện Truyền Giáo của Tòa Thánh. Sứ vụ này cần phải được nâng đỡ chẳng những bằng lời cầu nguyện và hy sinh, mà còn bằng cả những cúng hiến về vật chất nữa. Tôi xin lợi dụng dịp này để một lần nữa nhắc nhở về việc phục vụ đáng khen được thực hiện bởi Các Hội Truyền Giáo của Tòa Thánh, và tôi xin tất cả anh chị em hãy nâng đỡ các hội này cách rộng lượng bằng việc hợp tác cả về thiêng liêng lẫn vật chất.

Chớ gì Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, giúp chúng ta sống lại cảm nghiệm của Căn Thượng Lầu, nhờ đó, các Cộng Đồng giáo hội của chúng ta có thể thực sự trở nên ‘Công giáo’; đó là Các Cộng Đồng, nơi ‘linh đạo truyền giáo’ là ‘hiệp thông thân mật với Chúa Kitô’ (Thông Điệp ‘Sứ Vụ của Đấng Cứu Thế – Redemptoris Missio’, 88), gắn bó chặt chẽ với ‘linh đạo thánh thể’ là linh đạo theo mô phạm của Mẹ Maria, “Người Nữ Thánh Thể” (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể – ‘Ecclesia de Eucharistia’, 53); là các Cộng Đồng luôn cởi mở trước tiếng của Thần Linh và nhu cầu của nhân loại, Các Cộng Đồng là nơi những tín hữu, nhất là thành phần thừa sai, không ngần ngại hiến mình như ‘tấm bánh được bẻ ra cho thế gian được sự sống’.

Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh của tôi cho tất cả mọi người!

Tại Vatican ngày 22/2/2005, Lễ Kính Ngai Tòa Thánh Phêrô

Gioan Phaolô II
 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch theo VIS và Zenit cùng ngày 15/4/2005

 

Tình Hình Thế Giới Công Giáo 25 Năm (1978-2003) theo Giáo Hội Niên Giám Thống Kê 2003: Phi Á lên, Âu Úc xuống, Mỹ vẫn vậy

Ấn bản mới của cuốn “Niên Giám Thống Kê về Giáo Hội Năm 2003” do Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Vatican. Những con số thống kê của cuốn sách này đã được phổ biến trên tờ nhật báo bán chính thức của tòa thánh là L’Osservatore Romano đã được phổ biến tuần vừa qua (tuần trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 15/5/2005).

Giữa năm 1978 và năm 2003, con số Công giáo tăng 329 triệu, từ 757 tới 1,085 tỉ. Nếu con số này so với con số dân thế giới tăng cùng thời khoảng, từ 4.2 đến 6.3, người ta thấy tỷ lệ hơi giảm người Công giáo trên thế giới, từ 18% đến trên 17% một chút. Ở Âu Châu con số cho thấy tình trạng hầu như “giậm chân tại chỗ”.

Trong năm 2003, con số tín hữu ở châu lục này gần 280 triệu, tăng khoảng 13 triệu so với năm 1978, và trên 300 ngàn so với năm 1988. Vì con số dân chúng ở châu lục này không tăng bao nhiêu bởi nạn phá thai nên trong 25 năm qua, 1978-2003, con số tín hữu chỉ hơi giảm chút xíu, từ 40.5% còn 39.6%.

Giáo Hội Công giáo gia tăng nhanh nhất là ở Phi Châu, đến độ gần gấp 3 lần trong thời khoảng này: năm 1978 mới có 55 triệu Kitô hữu (tức 12.4% trong tổng số dân ở châu lục này), đến năm 2003 đã tăng lên 144 triệu tín đồ (17% trong tổng số dân).

Giáo Hội cũng tăng mạnh ở Mỹ Châu và Á Châu, từ 47.6% tới 78.2%, vì vấn đề tăng dân số ở hai châu lục này. Ở Mỹ Châu có 62% Công giáo, trong khi đó ở Á Châu không quá 3% vào năm 2003. Đại Dương Châu vẫn không thay đổi cho lắm.

Tóm lại, trong 25 năm từ 1978 – 2003, người Công giáo Phi Châu tăng lên (từ 7% đến 13%), và tỉ lệ người Công giáo Âu Châu giảm (từ 35% xuống dưới 26%). Gần như một nữa số người Công giáo trên thế giới là ở Mỹ Châu.

Theo Thống Kê của cuốn “Các Tôn Giáo trên Thế Giới” do Viện De Agostini Geographic Institute cho Năm 2000, thì Kitô giáo chiếm 36.6% dân số thế giới, trong đó 17.5% là Công giáo, 5.6% là Tin Lành, 3.6% là Chính Thống, 1.3% là Anh giáo, 6.8% thuộc bất cứ niềm tin Kitô giáo nào, và 1.8% không thuộc về bất cứ giáo hội nào. Theo bản thống kê này thì vào năm 2000, người Hồi giáo đã qua mặt Công giáo, ở tỉ lệ 19.6% dân số thế giới.

Xét riêng về vấn đề tu trì là lãnh vực liên quan đến đời sống nội tâm và hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội, chủng sinh tăng gấp đôi trong thời khoảng 25 năm 1978-2003, nhờ Á Châu và Phi Châu. Vào năm 1978 với con số 64 ngàn, năm 2003 lên tới 112 ngàn.

Vào năm 1978, ở Âu Châu có tỉ lệ 37%, Mỹ Châu có 34%, Á Châu 18% và Phi Châu ít hơn 9%. Vào Năm 2003, Âu Châu tụt xuống còn 22%, Mỹ Châu hầu như không thay đổi, ở mức 33%, trong khi Á Châu lên 25% và Phi Châu lên 20%.

Riêng ở Âu Châu, từ 1978 đến 1985 tăng từ 24 ngàn tới 30 ngàn, giữ nguyên mức độ này cho đến năm 1994-1995, rồi từ đó giảm xuống con số như 25 năm trước. Mỹ Châu tăng đều đặn cho đến năm 1998 thì đứng nguyên tại chỗ giữa con số 36 ngàn và 37 ngàn. Ở Phi Châu cứ 100 linh mục có 72 chủng sinh, và ở Á Châu cứ 100 linh mục có 60 chủng sinh; còn ở Âu Châu, cứ 100 vị linh mục chỉ có 12 chủng sinh vào năm 2003, mặc dù năm 1978 còn ít hơn nữa, thậm chí chưa đạt tới con số 10 nữa.

Qua cùng bản thống kê này, người ta còn thấy linh mục dòng xuống nhưng linh mục triều lại lên. Nói chung thì con số linh mục trong thời khoảng 25 năm (1978-2003) đã bị suy giảm, từ con số 421 còn 405 vị, thế nhưng, từ năm 1998, Năm Chúa Thánh Thần trước Đại Năm Thánh 2000, đã xuất hiện khuynh hướng phục hồi rất nhẹ.

Số linh mục tăng 79% ở Phi Châu và 69% ở Á Châu. Nếu so sánh tỉ lệ con số giáo dân Công giáo ở từng châu lục, nếu Á Châu là ít nhất, chưa đầy 3% tổng dân số của châu lục này, mà lại tăng số chủng sinh lẫn linh mục gần tương đương với Phi Châu thì phải công nhận là Á Châu là miền đất dồi dào phong phú ơn gọi nhất thế giới Công Giáo. Con số linh mục ở Mỹ Châu vẫn không thay đổi lắm trong khi đó Đại Dương Châu xuống 12% và Âu Châu xuống 19%.

Linh mục giáo phận xuống thấp nhất vào năm 1988, với con số 257 ngàn vị, trong khi đó năm 1978 là 262 ngàn vị, và năm 2003 có 268 ngàn, tức đang phục hồi chầm chậm. Còn linh mục dòng vào năm 1978 với con số 158 ngàn, vào năm 2003 chỉ còn 137 ngàn vị. Sở dĩ linh mục triều lên là nhờ ở Phi Châu tăng hơn gấp 3 lần và ở Á Châu tăng lên gấp đôi.

Ngày nay, mỗi linh mục coi 2700 giáo dân, trong khi vào năm 1978 chỉ có 1800 người.

 

Niên Giám Tòa Thánh 2005: tổng số Công giáo là 1 tỉ 086 triệu, tăng 15 triệu

 

Cho dù hôm Thứ Hai 31/1/2005, vị bị cúm không tiếp ai, ĐTC cũng nhận Cuốn Niên Giám 2005 (dầy 2.100 trang) của Tòa Thánh, trong đó có những con số thống kê được cập nhất hóa như sau.

 

Con số tín hữu Công giáo tăng từ 1.071 tỉ trong năm 2002 đến 1.086 tỉ trong năm 2003. Ở Phi Châu tăng 4.5%; Á Châu tăng 2.2%, Đại Dương Châu 1.3%; Mỹ Châu 1.2%; Âu Châu không tăng không giảm.

 

Một nửa số Công giáo trên thế giới ở Mỹ Châu với 49.8%, Âu Châu 25.8%, Phi Châu 13.2%, Á Châu 10.4% và Đại Dương Châu 0.8%.

 

Năm 2003, tổng số linh mục là 405.450 vị, trong đó 268.041 thuộc giáo phận và 137.409 thuộc dòng tu; năm 2002 có 405.058 vị, 267.334 triều và 137.724 dòng; tăng 392 vị nói chung, linh mục triều tăng 707 nhưng linh mục dòng thụt xuống 315 vị.

 

Trong năm 2003 có 9.317 tân linh mục, năm 2002 có 9.247 vị; tân linh mục triều tăng từ 6.534 trong năm 2002 lên 6.582 trong năm 2003, và linh mục dòng tăng từ 2.713 trong năm 2002 lên 2.735 trong năm 2003.

 

Con số chủng sinh đông nhất là ở Mỹ Châu với 37.191, Á Châu 27.931, Âu Châu 24.387, Phi Châu 21.909 và Đại Dương Châu 955.

 

Năm 2003 ĐTC GPII đã chọn thêm 171 vị giám mục nữa, lập thêm 10 giáo phận, 6 tổng giáo phận và 1 Hạt Phủ Doãn Tông Tòa.