“Đức Ái là Hồn Sống của Truyền Giáo”

 

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo năm thứ 80, 22/10/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

1.         Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giới chúng ta sẽ cử hành vào Chúa Nhật 22/10 là cơ hội để chia sẻ trong năm nay về đề tài: ‘Đức Ái là hồn sống của truyền giáo’.

 

Trừ phi việc truyền giáo được đức ái hướng động, tức là trừ phi nó xuất phát từ tác động mãnh mẽ của tình yêu thần linh, bằng không nó sẽ có cơ nguy bị biến thành một thứ hoạt động thuần túy nhân đạo và xã hội. Thật vậy, tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người làm nên cốt lõi của cảm nghiệm và việc loan truyền Phúc Âm, và những ai đón nhận tình yêu này thì cũng trở thành chứng nhân của nó. Tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu ban sự sống cho thế gian, là tình yêu đã được cống hiến cho chúng ta nơi Chúa Giêsu, Lời cứu độ, hình ảnh tuyệt hảo của tình Cha Trên Trời xót thương.

 

Sứ điệp cứu độ bởi thế có thể được tóm gọn rõ ràng nơi những lời của Thánh Ký Gioan: ‘Tình yêu của Thiên Chúa bày tỏ nơi chúng ta là thế này, đó là Ngài đã sai Người Con duy nhất của mình đến thế gian để chúng ta nhờ Người mà được sống’ (1Jn 4:9).

 

Chính sau cuộc Phục Sinh mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Đồ lệnh truyền loan báo tin mừng yêu thương này, và các Vị Tông Đồ, bề trong được quyền năng của Thánh Linh biến đổi vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, bắt đầu làm chứng cho Chúa Kitô là Đấng đã chết đi và sống lại. Từ đó, Giáo Hội đã tiếp tục sứ vụ này, một sứ vụ là một cuộc dấn thân bất khả châm chước và liên tục đối với tất cả mọi tín hữu.

 

2.         Vì vậy, hết mọi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi để làm cho Thiên Chúa là Tình Yêu được nhận biết. Trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu của mình, tôi đã muốn dừng lại suy niệm về mầu nhiệm nền tảng đức tin của chúng ta đây. Thiên Chúa làm cho tất cả tạo vật cùng lịch sử loài người thấm đậm tình yêu thương của Ngài.

 

Từ ban đầu con người xuất phát từ bàn tay của Đấng Hóa Công như hoa trái của sáng kiến yêu thương. Sau đó, tội lỗi đã làm lu mờ đi hình ảnh của thần linh nơi họ.

 

Bị đánh lừa bởi Tên Gian Ác, Adong và Evà, những vị cha mẹ tiên khởi của chúng ta, đã không sống trọn mối liên hệ của lòng tin tưởng giành cho Chúa của các vị, bằng việc chiều theo chước cám dỗ của Tên Gian Ác là kẻ gieo vào lòng họ sự ngờ vực cho rằng Chúa là một đối thủ và muốn giới hạn tự do của họ.

 

Bởi thế họ đã coi mình hơn tình yêu thần linh đã được giành cho họ, vì họ tin rằng nhờ đó họ quyết định theo ý riêng của mình. Hậu quả là họ đã đi đến chỗ mất đi hạnh phúc nguyên thủy của mình và nếm mùi đau thương của tôị lỗi và sự chết.

 

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Ngài đã hứa ban ơn cứu độ cho họ cũng như cho miêu duệ của họ, loan báo trước cho họ biết rằng Ngài sẽ sai Người Con Duy Nhất của mình là Đức Giêsu, Đấng vào thời gian viên trọn đã mạc khải tình yêu của Ngài là Cha, một tình yêu có khả năng cứu chuộc hết mọi con người tạo vật khỏi cảnh nô lệ sự dữ và sự chết.

 

Thế nên, nơi Chúa Kitô, sự sống bất tử đã được truyền đạt cho chúng ta, truyền đạt chính sự sống của Chúa Ba Ngôi. Nhờ Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành không bỏ rơi con chiên lạc của mình, con người thuộc mọi thời đại được ban cho cơ hội để được hiệp thông với Thiên Chúa, Người Cha Xót Thương sẵn sàng đón nhận về nhà Người Con Hoang Đàng.

 

Một dấu hiệu bàng hoàng kinh ngạc của tình yêu này đó là Thập Giá. Tôi đã viết trong bức Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu rằng cuộc tử giá của Chúa Kitô trên Thập Giá là ‘tột đỉnh của việc Thiên Chúa quay ra chống lại chính mình, nhờ đó chính Ngài nâng con người lên và cứu độ họ… Đây là một hình thức cực đoan nhất của tình yêu … Chính ở nơi đây mới có thể chiêm ngắm được sự thật này. Chính từ đó chúng ta mới hiểu được tình yêu này. Trong việc chiêm ngắm này Kitô hữu khám phá ra con đường mà họ phải sống và theo’ (đoạn 12).

 

3.         Vào ngày áp Cuộc Khổ Giá của mình, Chúa Giêsu để lại như một chúc thư cho các môn đệ của mình, thành phần đã qui tụ lại ở Căn Thượng Lầu để cử hành Lễ Vượt Qua, ‘giới luật mới – mandatum novum’: ‘Thày truyền cho các con điều này là các con hãy yêu thương nhau’ (Jn 15:17). Tình yêu huynh đệ Chúa Kitô xin thành phần ‘bạn hữu’ của Người là tình yêu xuất phát từ tình yêu thương thân phụ của Thiên Chúa.

 

Tông Đồ Gioan ghi nhận rằng: ‘Ai yêu mến là người được hạ sinh bởi Thiên Chúa và mến yêu Thiên Chúa’ (1Jn 4:7). Bởi thế, theo ý muốn của Thiên Chúa thì để yêu thương cần phải sống trong Ngài và bởi Ngài: Thiên Chúa là ‘ngôi nhà’ đầu tiên của con người, và chỉ khi nào ở trong Thiên Chúa con người nam nữ mới bừng lên ngọn lửa yêu thương thần linh là ngọn lửa ‘nung nấu’ thế gian. 

 

Bởi vậy, không có gì là khó hiểu là mối quan tâm đích thực truyền giáo, việc dấn thân ưu tiên của Cộng Đồng Giáo Hội, được gắn liền với lòng trung thành với tình yêu thần linh, và điều này là những gì chân thực đối với mọi cá nhân kitô hữu, với mọi cộng đồng địa phương, với các Giáo Hội riêng cũng như với toàn thể Dân Chúa.

 

Việc quảng đại sẵn sàng của thành phần môn đệ Chúa Kitô trong việc đảm trách các công cuộc tiến bộ về nhân bản và tâm linh lấy được nghị lực thực sự từ ý thức của việc truyền giáo chung này. Những công cuộc ấy, như Đức Gioan Phaolô II yêu dấu viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio, cho thấy ‘hồn sống của tất cả mọi hoạt động truyền giáo là tình yêu, một tình yêu vẫn là và vẫn là mãnh lực lôi kéo của việc truyền giáo, và còn là ‘tiêu chuẩn duy nhất để phân định những gì được thực hiện hay chưa được thực hiện, những gì cần được thay đổi hay không được đổi thay. Nó là nguyên tắc cần phải hướng dẫn mọi hành động, và mọi đích điểm chi phối hành động. Khi chúng ta tác hành theo chiều hướng đức ái, hay được tác động bởi đức ái, thì không gì lại không thể và mọi sự đều tốt đẹp’ (đoạn 60).

 

Tóm lại, là thành phần thừa sai nghĩa là mến yêu Thiên Chúa với tất cả tâm hồn của mình, cho đến độ, nếu cần, chết vì Ngài. Biết bao nhiêu là các vị linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã cống hiến chứng từ cao cả yêu thương này bằng việc tử đạo ngay trong thời điểm của chúng ta đây!

 

Là thành phần thừ sai nghĩa là cúi mình xuống với những nhu cầu của tất cả mọi người, như Người Samaritanô Nhân Lành, nhất là những ai bần cùng nhất và thành phần cơ cực nhất, vì những ai yêu mến bằng Trái Tim Chúa Kitô thì không tìm kiếm tư lợi của mình mà là vinh quang của của Chúa Cha và thiện ích của tha nhân mình mà thôi.

Đó là cái bí mật của việc sinh hoa trái tông đồ nơi hoạt động truyền giáo vượt biên cương bờ cõi và các nền văn hóa, vươn tới các dân tộc và lam tới tận cùng thế giới.

 

4.         Anh chị em thân mến, chớ gì Ngày Thế Giới Truyền Giáo trở thành một cơ hội hữu ích để hiểu hơn nữa là chứng từ yêu thương, hồn sống của việc truyền giáo, là những gì liên quan tới mọi người. Thật vậy, việc phục vụ Phúc Âm không được coi là một cuộc mạo hiểm đơn độc mà là một cuộc dấn thân cần phải được mọi cộng đồng góp phần.  

 

Cũng như những ai đang ở tiền tuyến truyền bá phúc âm hóa – và ở đây tôi đang tri ân nghĩ đến những vị thừa sai nam nữ – nhiều người khác, trẻ em, giới trẻ và người lớn, qua những lời nguyện cầu và hợp tác của mình, góp phần bằng những đường lối khác nhau trong việc làn truyền Vương Quốc của Thiên Chúa trên thế gian. Hy vọng rằng việc tham dự này sẽ tiếp tục gia tăng, nhờ việc góp phần của mỗi người và mọi người.

 

Tôi muốn lợi dụng cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc cũng như với Chư Hội Truyền Giáo Của Tòa Thánh, những cơ cấu dấn thân điều hợp các nỗ lực được thực hiện khắp nơi trên thế giới để hỗ trợ hoạt động của những ai ở tiền tuyến truyền giáo.

 

Xin Trinh Nữ Maria, Vị đã chủ động hợp tác ngay từ ban đầu nơi việc truyền giáo của Giáo Hội bằng sự hiện diện của Mẹ dưới chân cây Thập Giá và bằng lời nguyện cầu của mình ở Căn Thượng Lầu, bảo trì hoạt động của họ và giúp cho các tín hữu trong Chúa Kitô càng biết yêu thương chân thực hơn, nhờ đó họ trở thành nguồn mạch nước sự sống trong một thế giới khát khao linh thiêng. Tôi hết sức mong muốn điều này, nên tôi ban Phép Lành của tôi cho tất cả anh chị em.

 

Tại Vatican ngày 29/4/2006

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/missions/documents/hf_ben-xvi_mes_20060429_world-mission-day-2006_en.html 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIX Thường Niên 22/10/2006 về Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 80. Ngày này được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập, vị đã đẩy mạnh việc truyền  giáo “cho muôn dân – ad gentes”, và trong Năm Thánh 1925 ngài đã phát động một cuộc triển lãm vĩ đại sau này đã trở thành một Cuộc Thu Thập Cuộc Truyền Giáo Sắc Tộc Học cho Các Bảo Tàng Viện của Vatican. Năm nay, trong sứ điệp bình thường nhân dịp ngày này, tôi đã nêu lên đề tài “Đức Ái là Hồn Sống của Việc Truyền Giáo”. Thật vậy, nếu việc truyền giáo không được tác động bởi yêu thương, thì nó biến thành một thứ hoạt động bác ái và xã hội. Tuy nhiên, đối với Kitô hữu, những lời của Thánh Phaolô là những gì có thể ứng dụng: “Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cor 5:14).

 

Đức ái đã khiến Chúa Cha sai Con mình vào thế gian, và Con hiến mình cho chúng ta đến chết trên thập tự giá, cũng đức ái ấy đã được Thánh Linh tuôn đổ vào tâm can của các tín hữu. Mỗi một người được lãnh nhận phép rửa, như một chồi nho được liên kết với cây nho, có thể cộng tác với sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ có thể được tóm gọn như thế này: đó là mang tin mừng cho hết mọi người biết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” và chính vì thế Ngài muốn cứu độ thế giới.

 

Sứ vụ này xuất phát từ tâm can, ở chỗ, khi con người thinh lặng nguyện cầu trước một cây thập tự giá, nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu, họ không thể nào lại không cảm thấy trong bản thân mình niềm vui nhận biết rằng họ được yêu thương và mong muốn yêu mến và muốn mình trở thành dụng cụ cho tình thương và sự hòa giải. Đó là những gì đã xẩy ra, đúng 800 năm trước đây, cho con người trẻ Phanxicô Assisi, trong ngôi nhà thờ nhỏ ở San Damiano, một ngôi nhà thờ bấy giờ đã bị xiêu vẹo. Từ cây thập giá, giờ đây đang được cất giữ ở Đền Thờ Thánh Claire, Thánh Phanxicô đã nghe thấy Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đi sửa chữa ngôi nhà của Cha, như con thấy nó đang bị tàn rụi”.

 

“Ngôi nhà” ấy trước tiên là cuộc đời của ngài, một cuộc đời đã được “sửa chữa” bằng một cuộc thực tâm hoán cải; ngôi nhà ấy cũng là Giáo Hội, không phải là ngôi nhà được làm bằng gạch mà bằng con người sống động, thành phần luôn cần phải được thanh tẩy. Ngôi nhà ấy cũng là toàn thể nhân loại là nơi Thiên Chúa muốn trú ngụ. Việc truyền giáo bao giờ cũng xuất phát từ một con tim được tình yêu Thiên Chúa biến đổi, như được chứng thực bởi muôn vàn tích truyện các thánh nhân và các vị tử đạo, thành phần đã hiến cuộc sống mình phục vụ Phúc Âm bằng những đường lối khác nhau.

 

Bởi thế, việc truyền giáo là nguồn mạch bao gồm tất cả mọi người: đối với những ai quyết tâm hiện thực vương quốc của Thiên Chúa trong ngôi nhà riêng của mình; đối với những ai thực hiện việc làm chuyên nghiệp của mình theo tinh thần Kitô hữu; đối với những ai hoàn toàn hiến mình cho Chúa; đối với những ai theo Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành nơi thừa tác vụ thánh chức đối với Dân Thiên Chúa; đối với những ai đặc biệt loan báo Chúa Kitô cho thành phần chưa nhận biết Ngài. Chớ gì Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta sống niềm vui và lòng can đảm của việc truyền giáo bằng một động lực mới, tùy hoàn cảnh theo Quan Phòng Thần Linh giành cho mỗi người.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2006 

 

  

 

Tìm Hiểu và Học Hỏi Huấn Từ và Sứ Điệp về Truyền Giáo 22/10/1006 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

 

“Tháng mười cũng là tháng truyền giáo, và ngày Chúa Nhật 22/10 chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly rằng: ‘Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy’ (Jn 20:21).

 

“Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô: đó là sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể. Trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, tôi đã trình bày cho thấy đức ái thực sự là “hồn sống của việc truyền giáo”.

 

“Thánh Phaolô, vị tông đồ của thành phần Dân Ngoại, đã viết rằng: ‘Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2 Cor 5:14). Chớ gì hết mọi Kitô hữu lấy những lời đó làm của mình, hân hoan cảm nghiệm được việc mình là một thừa sai của tình yêu ở những nơi được Đấng Quan Phòng sai đến, bằng tấm lòng khiêm nhượng và can đảm, phục vụ tha nhân một cách bất vụ lợi, và cầu nguyện cho mình được mãnh lực của một đức ái hân hoan và tận tụy (Thiên Chúa là Tình Yêu, 32-39).

 

“Vị quan thày thế giới cho việc truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một trinh nữ tu Carmêlô và là một tiến sĩ của Giáo Hội, vị chúng ta thực sự tưởng kính vào ngày hôm nay đây. Chớ gì chị, người đã nhận thấy con đường “đơn sơ” nên thánh là tin tưởng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân uy tín của Phúc Âm bác ái. Xin Mẹ Maria rất thánh, vị trinh nữ của kinh mân côi và là nữ vương của việc truyền giáo, dẫn tất cả chúng ta tới Chúa Kitô là Đấng cứu độ của chúng ta”.

 

Trong bài huấn từ truyền tin cho Chúa Nhật đầu tháng 10/2006 trên đây, ĐTC đã đề cập tới 5 điểm quan trọng về vấn đề truyền giáo chúng ta cần lưu ý như sau:

 

Thứ nhất, Đức Thánh Cha đã xác nhận niềm tin của Giáo Hội về bản chất của Giáo Hội là truyền giáo: ngài nói: “Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo”.

 

Thứ hai, Đức Thánh Cha dẫn giải tính cách thực sự của việc truyền giáo, theo ngài, “Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”.

 

Thứ ba, cũng theo ngài, nếu “việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”, thì cần phải thực hiện “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”.

 

Thứ bốn, ngài dẫn giải thêm, nếu “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”, thì “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo”, như ngài đã diễn giải “trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo” 22/10/2006.

 

Thứ năm, ngài còn dẫn chứng niềm xác tín “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo”  bằng gương truyền giáo của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, của nhị vị Thánh Quan Thày của việc truyền giáo đó là Phanxicô Xavier, và nhất là Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tiến sĩ Hội Thánh thông suốt khoa học “bé nhỏ” thiêng liêng, vị Thánh được Giáo Hội mừng kính ngay đầu tháng 10 là tháng truyền giáo của Giáo Hội.

 

Riêng về vấn đề “Đức Ái là hồn sống của việc truyền giáo”, Ngài đã dẫn giải bằng cả một sứ điệp dài gửi cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2006 này. Sau đây là một số ý tưởng chính yếu tiêu biểu được tóm gọn thế này:

 

1) Nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa thì việc truyền giáo trở thành một việc nhân bản:

 

“Trừ phi việc truyền giáo được đức ái hướng động, tức là trừ phi nó xuất phát từ tác động mãnh mẽ của tình yêu thần linh, bằng không nó sẽ có cơ nguy bị biến thành một thứ hoạt động thuần túy nhân đạo và xã hội...”

 

2) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì việc truyền giáo được nên  trọn theo Ý Chúa

 

“Đức Gioan Phaolô II yêu dấu viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio, cho thấy ‘hồn sống của tất cả mọi hoạt động truyền giáo là tình yêu, một tình yêu vẫn là mãnh lực lôi kéo của việc truyền giáo, và còn là ‘tiêu chuẩn duy nhất để phân định những gì được thực hiện hay chưa được thực hiện, những gì cần được thay đổi hay không được đổi thay. Nó là nguyên tắc cần phải hướng dẫn mọi hành động, và mọi đích điểm chi phối hành động. Khi chúng ta tác hành theo chiều hướng đức ái, hay được tác động bởi đức ái, thì không gì lại không thể và mọi sự đều tốt đẹp’ (đoạn 60).

 

3) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì vị thừa sai trung thành với sứ vụ cho tới tận tuyệt

 

“Tóm lại, là thành phần thừa sai nghĩa là thành phần mến yêu Thiên Chúa với tất cả tâm hồn của mình, cho đến độ, nếu cần, chết vì Ngài. Biết bao nhiêu là các vị linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã cống hiến chứng từ cao cả yêu thương này bằng việc tử đạo ngay trong thời điểm của chúng ta đây!

 

4) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì vị thừa sai đến không để được phục vụ mà là phục vụ

 

“Là thành phần thừa sai nghĩa là thành phần cúi mình xuống với những nhu cầu của tất cả mọi người, như Người Samaritanô Nhân Lành, nhất là những ai bần cùng nhất và thành phần cơ cực nhất, vì những ai yêu mến bằng Trái Tim Chúa Kitô thì không tìm kiếm tư lợi của mình mà là vinh quang của Chúa Cha và thiện ích của tha nhân mình mà thôi.

 

5) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì việc truyền giáo sẽ sinh muôn vàn hoa trái thiêng liêng

 

“Đó là cái bí mật của việc sinh hoa trái tông đồ nơi hoạt động truyền giáo vượt biên cương bờ cõi và các nền văn hóa, vươn tới các dân tộc và lam tới tận cùng thế giới”. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch và phân tích học hỏi