“Các Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng là để Giúp Cho Con Người Hiểu Biết Nhau”

 

ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới thứ 39 ngày 8/5/2005

 

 

Anh Chị Em Thân Mến,

 

1.         Ở Bức Thư của Thánh Giacôbê, chúng ta đọc thấy rằng: “Từ cùng một miệng lưỡi phát xuất ra cả những gì là chúc phúc và nguyền rủa. Hỡi anh chị em đừng có làm như thế” (3:10). Thánh Kinh đã nhắc nhở chúng ta rằng lời nói có một khả năng phi thường trong việc mang con người lại với nhau hay phân rẽ họ, tạo nên những mối liên hệ thân tình hay khêu lên thù hận.

 

Điều này chẳng những đúng với những lời của người này nói với người khác, nó còn áp dụng cho cả vấn đề truyền thông ở mọi cấp độ nữa. Kỹ thuật tân tiến chúng ta đang có trong tay cho chúng ta những cơ hội chưa từng có để hành thiện, để loan truyền sự thật cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô cũng như để cổ võ sự hòa hợp và hòa giải. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó cũng có thể gây tai hại khôn xiết kể, làm phát sinh tình trạng hiểu lầm, thành kiến và thậm chí xung đột. Đề tài được chọn cho Ngày Truyền Thông Thế Giới 2005, “Các Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng là để Giúp Cho Con Người Hiểu Biết Nhau”, nói lên cho thấy một nhu cầu khẩn trương đó là việc cổ võ mối hiệp nhất gia đình nhân loại bằng việc sử dụng những nguồn phương liệu rất hay này.

 

2.         Đường lối quan trọng duy nhất để đạt được mục đích này đó là bằng việc giáo dục. Truyền thông có thể dạy cho cả tỉ người biết về các phần đất khác trên thế giới cũng như các thứ văn hóa khác. Họ có lý để được gọi là “Những Công Đường tiên khởi của thời đại tân tiến… đối với nhiều phương tiện thông tin và giáo dục, hướng dẫn và khơi động hành vi cử chỉ của họ như là thành phần cá nhân con người, gia đình và chung xã hội” (Thông Điệp Redemptoris Missio, 37). Việc hiểu biết xác đáng là những gì cổ võ nỗi cảm thông, đánh tan thành kiến và khơi động ước muốn học biết thêm. Đặc biệt là các thứ hình ảnh có khả năng chuyên chở những ấn tượng sâu xa và tác tạo nên những thái độ. Chúng dạy cho con người cách quan niệm về những phần tử thuộc các nhóm khác cũng như thuộc các quốc gia khác, gây ảnh hưởng một cách tinh vi đến nỗi những nhóm ấy hay các quốc gia ấy được coi như là bạn hữu hay thù địch, đồng minh hay có thể là đối phương.

 

Khi những người khác được vẽ vời bằng những từ ngữ hận thù thì các mầm mống xung khắc đã được gieo vãi có thể rất dễ dàng đi đến chỗ bạo lực, chiến tranh, thậm chí diệt chủng. Thay vì xây dựng mối hiệp nhất và cảm thông thì truyền thông có thể được sử dụng để biến những nhóm xã hội, sắc tộc và tôn giáo khác thành quỉ ma, làm dậy lên men sợ hãi và hận thù. Những ai có trách nhiệm về kiểu cách và nội dung của những gì được truyền đạt có trách nhiệm nặng nề trong việc bảo đảm không để cho điều ấy  xẩy ra. Thật vậy, truyền thông có một khả năng khủng khiếp trong việc cổ võ hòa bình và dựng xây những chiếc cầu nối giữa các dân tộc, phá đổ cái vòng tử vong của bạo lực, nổi loạn, cùng với thứ bạo động mới đang quá lan tràn ngày nay. Theo lời của Thánh Phaolô, những lời làm nên cơ bản cho Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay: “Đừng để chế ngự bởi sự dữ nhưng hay chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21).

 

3.         Nếu việc đóng góp vào vấn đề xây dựng như thế là một trong những cách thức đáng kể thì truyền thông mới có thể mang con người lại với nhau, ảnh hưởng của nó mới có thể giúp vào việc động viên nhanh chóng trong vấn đề cứu trợ để đáp ứng các thiên tai. Thật là khích lệ khi thấy nhanh chóng biết bao cộng đồng quốc tế đã đáp ứng trước cơn biển động sóng thần mới đây đã làm thiệt hại cho vô số nạn nhân. Tốc độ mà tín liệu ngày nay di chuyển dĩ nhiên làm tăng thêm khả năng sử dụng những đường lối cụ thể đúng lúc để cống hiến việc trợ giúp cho đến mức tối đa. Như thế, truyền thông có thể đạt được một mức độ thiện ích khổng lồ.

 

4.         Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu muốn truyền thông được sử dụng một cách xác đáng, thì tất cả mọi người sử dụng chúng cần phải biết những nguyên tắc về phương diện luân lý và trung thành áp dụng chúng” ("Inter Mirifica," 4).

 

Nguyên tắc về luân thường đạo lý nồng cốt đó là: “Con người và cộng đồng con người là đích điểm và là thẩm lượng của vấn đề sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng; truyền thông cần phải thực hiện bởi con người cho con người vì việc phát triển toàn vẹn con người” (“Ethics in Communications”, 21). Bởi vậy, trước hết, chính các nhà truyền thông cần phải mang ra thực hành nơi đời sống của mình các giá trị và thái độ họ được kêu gọi để truyền đạt cho người khác. Đặc biệt là điều này cần phải có một cuộc dấn thân thực sự cho công ích, một sự thiện không được hạn chế vào những lợi lộc hẹp hòi của một nhóm nào hay của một quốc gia nào mà là bao gồm các nhu cầu cùng lợi lộc của tất cả mọi người, sự thiện của toàn thể gia đình nhân loại (x “Pacem in Terris”, 132). Các nhà truyền thông có cơ hội để cổ võ một thứ văn hóa sự sống đích thực, bằng việc tách mình khỏi mưu đồ chống lại sự sống ngày nay (x “Evangelium Vitae”, 17) và chuyên chở sự thật về giá trị và phẩm vị của hết mọi con người.

 

5.         Mô phạm và kiểu mẫu của tất cả vấn đề truyền thông được thấy nơi chính Lời Chúa. “Bằng nhiều cách thức khác nhau, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; thế nhưng, trong những ngày cuối cùng này, Ngài đã nói với chúng ta nơi Người Con” (Heb 1:1). Lời Nhập Thể đã thiết lập một giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, một giao ước cũng liên kết chúng ta thành một cộng đồng với nhau. “Vì Người là hòa bình của chúng ta, Đấng đã làm cho hai chúng ta thành một và đã phá đổ bức tường hận thù ngăn cách” (Eph 2:14).

 

Trong Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay tôi cầu xin để con người nam nữ đi làm truyền thông đóng vai trò của mình trong việc phá đổ các bức tường hận thù chia rẽ trên thế giới của chúng ta, những bức tường phân rẽ các dân tộc và các quốc gia, những bức tường của hiểu lầm và ngờ vực lẫn nhau. Chớ gì họ sử dụng những phương tiện trong tầm tay của họ để củng cố những liên hệ thân hữu và yêu thương là dấu chỉ rõ ràng cho sự phát triển của Vương Quốc Thiên Chúa trên trái đất này.

 

Tại Vatican ngày 24/1/2005, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô

 

Gioan Phaolô II

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/communications/documents/hf_jp-ii_mes_20050124_world-communications-day_en.html