Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan ngỏ lời cùng ĐTC dịp triều kiến Ngài khi kết thúc cuộc viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên:

"Trong năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan đã bỏ giờ ra để cùng nhau suy niệm về Tông Thư Novo Millennio Ineunte"

Sau đây là nguyên văn bài tấu từ của ĐGM Denis Browne, chủ tịch hội đồng Giám Mục Tân Tây Lan ngày Thứ Hai 13/9/2004.

Đức Thánh Cha thân mến,

Chúng tôi đến đây là những giám mục ở Aotearoa, Tân Tây Lan, để viếng thăm Đức Thánh Cha từ miền đất xa xôi này. Chúng tôi đến để bày tỏ lòng cảm mến và kính mến của chúng tôi cũng như việc chúng tôi trung thành với Đức Thánh Cha và lòng tri ân của chúng tôi đối với vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Thánh Cha. Chúng tôi đến đây cũng là để đại diện cho tất cả mọi linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc Giáo Hội Tân Tây Lan cũng như cho tất cả mọi người thiện chí từ mảnh đất duyên dáng mỹ miều này. Thay cho tất cả mọi người trong họ, chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân của chúng tôi đối với vai trò lãnh đạo và việc phục vụ của Đức Thánh Cha là những gì đã tác động tất cả chúng tôi.

Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan là một nhóm giám mục gắn bó khắn khít với nhau, những người biết rằng khoảng cách là những gì đòi phải có một sự nâng đỡ hết sức sâu đậm và một cộng đồng nguyện cầu cùng với Đức Thánh Cha là Vị Đại Diện Chúa Kitô. Thưa Đức Thánh Cha, tôi có thể bảo đảm với Đức Thánh Cha rằng các vị giám mục Tân Tây Lan coi mình là những cộng tác viên trung thành của Đức Thánh Cha. Họ là những giám mục chuyên chăm tha thiết với giáo huấn mạnh mẽ Đức Thánh Cha ban bố cho toàn thể Giáo Hội và kêu gọi cộng đồng dân Chúa của mình thực thi giáo huấn ấy. Chúng tôi cám ơn Đức Thánh Cha về những lời khuyên bảo và khích lệ được Đức Thánh Cha tiếp tục cống hiến cho chúng tôi.

Là giám mục, chúng tôi chú trọng đến điều Đức Thánh Cha yêu cầu trong tông thư “Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ”, đó là “Tôi tha thiết xin các vị Chủ Chăn của các Giáo Hội riêng, với sự hỗ trợ của các thành phần Dân Chúa, tin tưởng phác họa những giai đoạn của cuộc hành trình trước mắt này, bằng việc hòa hợp những chọn lựa của mỗi cộng đồng giáo phận với những Giáo Hội lân bang cũng như Giáo Hội hoàn vũ” (NMI: Novo Millennio Ineunte, 29).

Trong năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan đã bỏ giờ ra để cùng nhau suy niệm về Tông Thư Novo Millennio Ineunte. Tuần cầu nguyện và suy tư ấy đã trở thành một nguồn kiến thức cho chúng tôi, khi chúng tôi một lần nữa nhìn vào các Giáo Hội địa phương của mình và tìm cách thiết lập dự án mục vụ chi tiết, “một dự án giúp cho việc loan báo Chúa Kitô có thể vươn tới con người ta, có thể khuôn đúc các cộng đồng, và có một ảnh hưởng sâu xa và sắc bén trong việc làm cho các giá trị của Phúc Âm sinh hoa kết trái nơi xã hội và văn hóa”. Từ cuộc hội ngộ này, mỗi vị giám mục trở về với giáo phận địa phương của mình đứt khoát làm mới lại sinh hoạt giáo phận của mình trong việc hoạt động cộng tác chặt chẽ với mỗi một giáo phận trong 6 giáo phận và một quân phận là tất cả những gì làm nên Giáo Hội ở Tân Tây Lan.

Một trong những thành quả theo lòng mong ước của các vị giám mục trong việc cùng nhau gắn bó làm việc đó là việc tổ chức một hội nghị ở Aotearoa, Tân Tây Lan cho tất cả mọi linh mục giáo phận. Hội nghị này đã diễn ra vào năm ngoái và là cơ hội đầu tiên các linh mục giáo phận của toàn quốc cùng nhau phản tỉnh về những lời Đức Thánh Cha kêu gọi được lập đi lập lại là việc xây dựng những cộng đồng càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Chúng tôi hân hạnh có Cha Timothy Radcliffe, OP, là nhân vật đóng góp chính cho những suy tư diễn tỏ trong hội nghị này. Cha Radcliffe tiếp tục kêu gọi chúng ta suy tư về vai trò của người linh mục như là một dấu hiệu hy vọng; như là thừa tác viên Thánh Thể và như là một con người của niềm hy vọng và can trường.

Hội nghị này là một thành quả đặc biệt và là điều được tất cả mọi linh mục tham dự viên lấy làm biết ơn. Lòng trung thành và việc nâng đỡ của tu sĩ và giáo dân được bày tỏ qua những lời lẽ gửi đến hội nghị đã góp phần vào việc giúp cho các vị linh mục khám phá ra một cảm nhận mới về tặng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta nơi thiên chức linh mục.

Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi muốn Đức Thánh Cha biết rằng Giáo Hội ở Tân Tây Lan được các linh mục, tu sĩ và giáo dân phục vụ thật là tuyệt vời. Như rất nhiều các quốc gia Tây Phương khác, chúng tôi cũng có những thách đố gay go. Mỗi một giáo phận ở Tân Tây Lan đang nỗ lực thực hiện những cố gắng hơn nữa để cổ võ các ơn gọi làm linh mục và sống đời tu trì trước tình trạng bị giảm sút về con số.

Chúng tôi cũng phải đương đầu với một xã hội càng ngày càng tiếp tục bị tục hóa hơn. Hiện nay Quốc Hội Tân Tây Lan đang cứu xét Đạo Luật Nối Kết là những gì bị chúng tôi kịch liệt chống đối. Đạo luật này dường như là một trong những loạt đạo luật đã từng được nêu lên hay sắp được nêu lên, theo một thứ chương trình phác họa xã hội chỉ có thể làm giảm sút những giá trị Kitô Giáo được chúng tôi hết sức gìn giữ mà thôi. Chúng tôi tìm kiếm việc nâng đỡ nguyện cầu của Đức Thánh Cha, khi chúng tôi tiếp tục lên tiếng và sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo đảm là dân chúng ở Tân Tây Lan không bị suy giảm về nhân phẩm qua việc lập pháp táo tợn như thế.

Thưa Đức Thánh Cha, để làm dấu hiệu chúng tôi hiệp nhất với Đức Thánh Cha, chúng tôi xin kính tặng Đức Thánh Cha một kỷ vật Đức Bà đã từng trở thành một biểu hiệu quan trọng cho những mối liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội ở Tân Tây Lan. Đức Bà này đã được các Đan Sĩ Nữ Dòng Biển Đức ở Campus Martius kính tặng Đức Piô IX vào năm 1840. Ngược lại, Đức Bà này đã được Đức Piô IX tặng lại cho ĐTGM Pompallier nhân dịp đức tổng giám mục này viếng thăm Rôma vào Tháng Tư năm 1847. Ngài đã mang Đức Bà về Aotearoa Tân Tây Lan như “Đức Bà Pompallier”. Chúng tôi kính dâng Đức Thánh Cha bức phóng ảnh của Đức Bà này như bày tỏ lòng chúng tôi cảm mến việc Đức Thánh Cha mến yêu Đức Maria cũng như để thường xuyên nhắc nhở rằng Đức Thánh Cha đã giúp cho chúng tôi biết hiến dâng tất cả những gì chúng tôi làm vào bàn tay của Mẹ.

Chúng tôi xin bày tỏ một niềm hy vọng được quí huynh diễn đạt một cách tốt đẹp trong bức tông thư hậu Thượng Hội Giám Mục Thế Giới “Giáo Hội tại Đại Dương Châu”. Nhờ Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải với thế giới cho chính mình ngài, và Ngài đã làm cho Chúa Giêsu thành Hoàng Tử Hòa Bình ở mọi nơi và trong mọi lúc. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình Regina Pacis, giúp cho dân chúng ở Đại Dương Châu biết đến thứ hòa bình này, cũng như để chia sẻ nó với người khác”. Chúng tôi xin chia sẻ niềm hy vọng này với Đức Thánh Cha cho Giáo Hội ở Aotearoa, Tân Tây Lan và cả miền Đại Dương Châu.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 13/9/2004
 

Đời Sống Gia Đình Đang Bại Hoại Ở Tân Tây Lan


Các vị giám mục Tân Tây Lan (New Zealand) vừa thực hiện cuộc viếng thăm ngũ niên Tòa Thánh và đã cho Zenit biết và được Zenit phổ biến ngày 21/9/2004 về hiện trạng gia đình “thật là ghê rợn” đang xẩy ra ở địa phương của các vị.


Theo các vị giám mục này cho biết thì trào lưu tục hóa các gia đình đã đi đến chỗ quá sâu đậm nơi phần đông dân chúng vì tình trạng lụi bại của đời sống gia đình. ĐGM Denis Browne đã vạch ra hai chứng cớ đó là việc hợp pháp hóa vấn đề cho mãi dâm năm 2003 và nỗ lực muốn hợp thức hóa vấn đề hôn nhân đồng tính trong năm 2004.


Vị giám mục này cho biết thành phần đại diện hội đồng giám mục đã đến trình bày với ủy ban chính quyền về chủ trương của Giáo Hội đối với dự luật hôn nhân đồng phái tính. Ngài nói: “Dự luật này thực sự làm giảm giá trị hôn nhân. Chữ ‘hôn nhân’ có thể dễ dàng trở thành một chữ cổ thời nếu dự luật này được hợp pháp hóa và được thay thế bằng từ ngữ ‘hiệp nhất dân sự’. Chữ này có thể bao gồm những thứ liên hệ thực sự, những mối liên hệ đồng phái tính, nó có thể là bất cứ liên hệ nào, và điều này là những gì ĐTC đã nêu lên trong bài diễn từ ngỏ với chúng tôi”.


Những lời của ĐTC GPII về vấn đề này đã làm chấn động Tân Tây Lan, Thủ Tướng Helen Clark, người vừa gặp ngài hôm Tháng 5/2004, đã trả lời cho phóng viên báo chí rằng “Vị Giáo Hoàng này có những quan điểm mạnh mẽ về tôn giáo và ngài có quyền bày tỏ những quan điểm ấy”. Phó Thủ Tướng Michael Cullen cũng cho biết: “Hiển nhiên là vị Giáo Hoàng này có một quan điểm rất đạo lý về sự sống. Một số trong chúng ta có một quá trình thế tục rất dài và mạnh. Đã hẳn đó là truyền thống của gia đình của tôi”.


Vị giám mục trên đây cho biết: “Những thái độ tỏ ra đối với tôn giáo và giáo hội dường như đang bị suy yếu ở xứ sở chúng tôi”. Theo thống kê mới nhất cho thấy “Dân Kitô Giáo ở Tân Tây Lan dường như đang bị suy giảm và cái tăng phát lớn nhất từ lần kiểm tra dân số lần trước tới lần mới đây đó là thành phần những người không còn theo một đạo giáo nào cả. Đó thật là một cái nhẩy vọt báo động”.


“Chúng tôi là một gia đình cầu nguyện hằng ngày”, vị giám mục xuất thân từ một gia đình có 6 anh chị em, trong đó có 5 người theo đuổi ơn gọi linh mục và tu sĩ tâm sự như thế và bày tỏ thêm nhận định của mình rằng: “Nếu chúng ta đến các giáo xứ hiện nay chúng ta sẽ thấy có rất nhiều trò tiêu khiển cạnh tranh nhau ở đó”.
 

Çtop