ĐTC GPII với các vị Giám Mục Pháp về vấn đề giá trị Kitô Giáo làm nên văn hóa Âu Châu

Sáng Thứ Sáu 27/2/2004, ĐTC đã tiếp các vị giám mục Pháp thuộc các giáo tỉnh Besancon cùng với ĐTGM và GM phụ tá Strasbourg. Ngài cho biết loạt bài Ngài nói với các vị giám mục Pháp thuộc các đợt viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên khác nhau liên tục từ năm ngoái tời nay đã kết thúc, và Ngài cám ơn các vị giám mục và tín hữu đã “can đảm dấn thân loan báo Phúc Âm”. Ngài cũng kính cẩn nhớ đến cố khâm sứ tòa thánh ở Burundi là ĐTGM Michael Courtney bị ám sát chết vào Tháng 12/2003 vừa rồi, vị đã từng ở Strasbourg như quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Hội Đồng Âu Châu. ĐTC đã mở đầu bằng gương sống của vị cố khâm sứ tòa thánh này như sau:

“Ngài là một thủ công viên tin tưởng thực hiện việc hợp tác giữa các Quốc Gia ở lục địa Âu Châu. Hôm nay đây Tôi kêu mời các Giáo Hội địa phương hãy dấn thân mạnh mẽ hơn nữa cho việc hiệp nhất Âu Châu. Để gặt hái được kết quả này, cần phải đọc lại lịch sử và nhớ lại rằng, qua các thế kỷ, những giá trị Kitô giáo về phương diện nhân loại học, luân lý và đạo đức đã góp phần rất nhiều trong việc hình thành các quốc gia Âu Châu khác nhau cũng như vào việc liên kết họ lại chặt chẽ với nhau… Việc hiệp nhất này không thể chiếm đạt ở chỗ gây thiệt hại cho những thứ giá trị ấy hay phản lại những giá trị ấy”.

ĐTC nhấn mạnh rằng không phải là những lợi lộc về kinh tế hay về chính trị, hoặc những thứ liên minh thuận lợi, là những gì làm nên những mối liênh hệ nơi các dân tộc. Trái lại, những gì cần phải được đặt làm như những tảng khối để dựng xây lên một Âu Châu thống nhất là những thứ giá trị thông dụng đối với tất cả mọi quốc gia: “Nhờ thế, mới phát sinh ra một Âu Châu mang căn tính được đặt nền tảng trên một cộng đồng của các thứ giá trị, một Âu Châu của tình huynh đệ và của tình đoàn kết”, một Âu Châu tìm cách “cổ võ con người, tôn trọng các quyền lợi bất khả chuyển nhượng của họ cũng như tôn trọng công ích”.

Ngài nhấn mạnh đến “sự hiện diện lâu đời của Giáo Hội nơi các xứ sở khác nhau của lục địa này qua việc việc Giáo Hội dự phần vào mối hiệp nhất giữa các dân tộc cùng với các thứ văn hóa cũng như vào sinh hoạt xã hội, nhất là nơi những lãnh vực giáo dục, bác ái, chăm sóc sức khỏe và xã hội”.

Vấn đề thứ hai ĐTC đề cập với các vị chủ chăn của Pháp đợt cuối cùng viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên này là “việc huấn luyện toàn diện giới trẻ, nhất là những ai sẽ là những người lãnh đạo quốc gia sau này…. Giáo Hội hy vọng soi sáng cho họ bằng Phúc Âm và bằng Huấn Quyền. Ở đây các đại học Công Giáo có một sứ mệnh đặc biệt… trong việc giúp cho giới trẻ biết phân tích những trường hợp riêng biệt và biết khôn ngoan luôn tìm cách đặt con người làm tâm điểm của các điều họ quyết định”.

Vấn đề thứ ba ĐTC muốn nói đến nữa là vai trò của Kitô hữu nơi tất cả mọi hình thức sinh hoạt xã hội: “Nơi sinh hoạt chính trị, nơi việc kinh tế, nơi công sở cũng như trong gia đình, tín hữu cần phải làm cho Chúa Kitô hiện diện hơn bao giờ hết cũng như phải làm cho các giá trị Phúc Âm sáng tỏ”, và phải đề cao phẩm giá con người, tâm điểm của vũ trụ và vượt trên các thứ lợi lộc cá nhân.

ĐTC nhận định tiếp: “Việc Kitô hữu tham dự vào đời sống xã hội, việc hiện diện hữu hình của Giáo Hội Công Giáo cũng như của các giáo phái khác không hề phạm đến nguyên tắc trần thế hay phạm đến những đặc quyền của Quốc Gia…. Tính cách trần thế (secularity) được nhận thứ rõ ràng không được lẫn lộn với chủ nghĩa duy thế tục (secularism); tính cách trần thế không thể xóa bỏ đi những niềm tin tưởng của cá nhân cũng như của cộng đồng…. Tôn giáo không thể được coi như là vấn đề chỉ thuộc về lãnh vực tư riêng”.

ĐTC nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu biết tôn giáo của mình và nhận thức được các truyền thống của các tôn giáo khác, khi Ngài nhấn mạnh đến việc hiện diện hùng hậu của người Hồi Giáo ở Pháp “thành phần anh em cố gắng giữ các mối liên hệ tốt đẹp và phát động việc đối thoại liên tôn là việc đối thoại bằng đời sống như Tôi đã nói đến trước đây. Cuộc đối thoại này cần phải làm sống lại nơi Kitô hữu ý thức đức tin của họ và việc họ gắn bó với Giáo Hội”.

Çtop