"Chúng ta thấy quá khứ của chúng ta những biến cố lớn lao

là những gì đã lưu lại dấu vết sâu đậm nơi đời sống của Giáo Hội"

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005

 

 

Quí Đức Hồng Y

Chư Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ

Anh Chị Em thân mến,

 

Quí Đức Hồng Y

Chư Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ

Anh Chị Em thân mến,

 

Expergiscere, homo: quia pro te Deus factus est home – Hỡi con người, hãy bừng tỉnh! Vì các người mà Thiên Chúa đã hóa thân làm người” (Thánh Âu Quốc Tinh, bài giảng 185). Việc mừng Lễ Giáng Sinh giờ đây gần đến, quí cộng tác viên của Giáo Triều Rôma thân mến, tôi xin mở đầu cho cuộc gặp gỡ của tôi với anh chị em bằng lời mời gọi của Thánh Âu Quốc Tinh để hiểu được ý nghĩa thực sự của việc Chúa Kitô Giáng Sinh. Tôi xin gửi đến từng người lời chào thân ái nhất của tôi và tôi xin cám ơn anh chị em về những tâm tình mộ mến tốt đẹp chuyển đến tôi qua Đức Hồng Y Chủ Tịch, vị tôi xin ngỏ lời cám ơn.

 

Thiên Chúa đã hóa thân làm người vì chúng ta: đây là một sứ điệp mà mỗi năm từ hang Bêlem lặng lẽ được loan đi thậm chí cho tới tận cùng trái đất. Giáng Sinh là một ngày lễ của ánh sáng và an bình, nó là một ngày nỗi ngây ngất và niềm vui nội tâm tràn lan khắp vũ hoàn, vì “Thiên Chúa đã hóa thân làm người”. Từ hang Bêlem thấp hèn, Người Con hằng hữu của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một Con Trẻ tí hon, lên tiếng nói với mỗi một người trong chúng ta: Người gọi chúng ta, mời chúng ta hãy tái sinh trong Người để, cùng với Người, chúng ta có thể sống đời đời hiệp thông với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

 

Về Đức Gioan Phaolô II

 

Tâm hồn chúng ta ngập tràn niềm vui xuất phát từ việc nhận thức này, chúng ta hãy nghĩ lại những biến cố trong năm đang tới lúc kết thúc đây. Chúng ta thấy quá khứ của chúng ta những biến cố lớn lao là những gì đã lưu lại dấu vết sâu đậm nơi đời sống của Giáo Hội. Trước hết và trên hết, tôi đang nghĩ tới việc ra đi của Đức Thánh Cha yêu dấu của chúng ta là Gioan Phaolô II, một cuộc ra đi được mở màn bằng một giai đoạn dài đớn đau rồi dần dần mất tiếng nói. Không có một vị Giáo Hoàng nào như ngài đã để lại cho chúng ta một số lượng văn bản như ngài đã lưu lại cho chúng ta; không có một vị Giáo Hoàng nào như ngài đã có thể viếng thăm toàn thế giới và trực tiếp nói với dân chúng ở tất cả mọi châu lục.

 

Thế mà, cuối cùng, số phận của ngài là một cuộc hành trình đau thương và câm nín. Chúng ta không thể nào quên được những hình ảnh Chúa Nhật Lễ Lá, lúc mà, cầm trong tay cành cây dầu và cảm thấy đớn đau, ngài đã tiến đến cửa sổ để Ban Phép Lành của Chúa như chính bản thân ngài sắp sửa bước tới cây Thập Tự Giá.

 

Sau đó là cảnh ở trong Nguyện Đường Riêng của ngài, lúc mà, cầm Thánh Giá trong tay, ngài tham dự Đường Thánh Giá bấy giờ đang diễn tiến ở Hí Trường Colosseum, nơi ngài rất hay thường vác Thập Giá dẫn đầu đoàn người diễn hành theo sau.

 

Sau hết là Phép Lành âm thầm của ngài hôm Chúa Nhật Phục Sinh, nơi phép lành âm thầm này chúng ta đã thấy niềm hứa hẹn của cuộc Phục Sinh, của sự sống đời đời, rạng ngời tỏa sáng qua tất cả mọi nỗi đớn đau của ngài. Bằng cả lời nói và hành động, Đức Thánh Cha đã cống hiến cho chúng ta rất nhiều điều cao cả; bài học này cũng không kém phần quan trọng được ngài ban cho chúng ta từ ngai tòa khổ đau và câm nín.

 

Trong cuốn sách cuối cùng của ngài là “Hồi Niệm và Căn Tính” (Weidenfeld and Nicolson, 2005), ngài đã để lại cho chúng ta một dẫn giải về khổ đau không phải là một thuyết về thần học hay triết lý mà là một hoa trái chín mùi qua cuộc hành trình khổ đau của bản thân ngài, một cuộc hành trình khổ đau ngài đã quyết chịu bằng niềm tin tưởng vào Vị Chúa tử giá. Lời dẫn giải này, một việc dẫn giải được ngài khai triển bởi đức tin và là việc dẫn giải mang lại ý nghĩa cho khổ đau của ngài, một khổ đau được ngài chấp nhận trong mối hiệp thông với nỗi khổ đau của Chúa, là việc dẫn giải đã được vang lên qua thái độ âm thầm chịu đựng của ngài, khi ngài biến việc chịu đựng này thành một sứ điệp quan trọng”.

 

Cả ở phần  mở đầu và lập lại một lần nữa ở cuối cuốn sách được đề cập tới trên đây, vị Giáo Hoàng này đã cho thấy rằng ngài cảm thấy rất thấm thía trước cảnh tượng diễn ra của quyền lực sự dữ, một quyền lực sự dữ chúng ta đã trải qua một cách thê thảm trong thế kỷ vừa chấm dứt. Ngài nói trong cuốn sách này rằng: “Sự dữ… không phải là một thứ sự dữ có tầm mức nhỏ hẹp… Nó là một sự dữ có những tầm vóc khổng lồ, một sự dữ được tổ chức đáng hoàng để thực hiện hoạt động gian ác của nó, một sự dữ trở thành một cơ cấu” (trang 189).

 

“Phải chăng sự dữ là những gì bất khả thắng? Phải chăng nó là một quyền năng tối hậu của lịch sử?” Vì kinh nghiệm về sự dữ, mà đối với Giáo Hoàng Wojtyla, vấn đề cứu chuộc đã trở thành thiết yếu và là vấn đề trọng yếu trong đời sống của ngài và được suy tưởng như là một Kitô hữu. Có một giới hạn nào đó chống lại những gì bị quyền lực sự dữ này hủy hoại hay chăng? “Có đấy”, vị Giáo Hoàng này đã trả lời trong cuốn sách này của ngài cũng như trong Thông Điệp về việc cứu chuộc của ngài.

 

Quyền năng hạn chế sự dữ này là Lòng Thương Xót Chúa. Bạo lực, hình thức thể hiện của sự dữ, bị Lòng Thương Xót Chúa chống lại trong giòng lịch sử. Chúng ta có thể nói theo Sách Khải Huyền là Con Chiên mạnh hơn con rồng.

 

Ở cuối cuốn sách, bằng việc ôn lại quá khứ về cuộc tấn công vào ngày 13/5/1981, và dựa vào căn bản của kinh nghiệm nơi cuộc hành trình của ngài với Thiên Chúa cũng như với thế giới, Đức Gioan Phaolô II còn giải đáp vấn đề này một cách sâu xa hơn nữa.

 

Cái hạn chế quyền lực sự dữ, cái quyền lực chế ngự no, theo cách ngài nói, đó là nỗi khổ đau của Thiên Chúa, nỗi khổ đau của Người Con Thiên Chúa trên Thập Tự Giá: “Nỗi khổ đau của Vị Thiên Chúa Tử Giá không phải chỉ là một hình thức khổ đau duy nhất trong số những hình thức khổ đau khác…. Bằng việc hy sinh bản thân mình vì tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một tầm vóc mới, đó là tầm vóc yêu thương…. Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trên Thập Giá là những gì cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, biến đổi nó tự bản chất… Chính cái đau khổ này thiêu đốt và làm tiêu hao đi sự dữ, bằng ngọn lửa yêu thương…. Tất cả khổ đau của loài người, tất cả mọi đớn đau, tất cả mọi yếu đuối bạc nhược đều chất chứa nơi mình một hứa hẹn cứu độ; …. Sự dữ hiện diện trên thế giới một phần là để khơi động lên lòng yêu thương trong chúng ta, một tình yêu trao hiến bản thân mình trong việc phục vụ cách quảng đại và vô tư những ai bị khổ đau dằn vặt… Chúa Kitô đã cứu thế giới: “Chúng ta đã được chữa lành nhờ những vết thương của Người’ (Is 53:5)” (trang 189 và sau đó).

 

Tất cả những điều này không phải chỉ là một thứ thuần kiến thức về thần học, mà là một bày tỏ của một đức tin sống động và trưởng thành qua đau khổ. Chắc chắn là chúng ta cần phải làm mọi sự có thể để giảm bớt khổ đau và ngăn ngừa tình trạng bất công là những gì gây cho thành phần vô tội khổ đau. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải làm mọi sự trong tầm tay để con người có thể khám phá ra ý nghĩa của khổ đau, nhờ đó, họ biết chấp nhận khổ đau của họ và liên kết nó với khổ đau của Chúa Kitô.

 

Có thế, nó mới hòa nhập với tình yêu thương cứu chuộc và nhờ vậy trở thành một quyền năng chống lại sự dữ trên thế giới này.

 

Việc đáp ứng xẩy ra khắp thế giới trước cái chết của vị Giáo Hoàng này là việc hết lòng bày tỏ loòg tri ân về sự kiện là ngài đã hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa vì thế giới khi thi hành thừa tác vụ của ngài; một lời tạ ơn cho sự kiện là trong một thế giới đầy hận thù và bạo lực này, ngài đã dạy một cách mới mẻ tình yêu thương và khổ đau trong việc phục vụ tha nhân; có thể nói ngài đã tỏ cho chúng ta thấy trong xác thịt Đấng Cứu Chuộc, việc cứu chuộc, và đã cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng, thật ra sự dữ không phải là phán quyết tối hậu trên thế gian này”.

 

Về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX ở Cologne

 

Giờ đây tôi xin đề cập ngắn gọn tới hai biến cố khác được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát động, đó là Ngày Giới Trẻ Thế Giới được cử hành ở Cologne và Thượng Nghị Giám Mục về Thánh Thể, một biến cố cũng bế mạc Năm Thánh Thể được ngai khai mở.

 

Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã tồn tại như là một tặng ân cao cả nơi ký ức của những ai tham dự. Trên 1 triệu giới trẻ đã qui tụ về Thánh Phố Cologne bên bờ Sông Rhine cũng như ở các tỉnh lân cận để cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, để cùng nhau nguyện cầu, để lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, để cùng nhau ca hát và cử hành, để hân hoan vui sống và để tôn thờ cùng lãnh nhận Chúa nơi Thánh Thể trong các cuộc họp gặp gỡ đông đảo vào đêm Thứ Bảy và ngày Chúa Nhật. Những ngày này tràn đầy niềm vui.

 

Ngoại trừ việc giữ trật tự, cảnh sát không làm gì khác – Chúa đã qui tụ gia đình của Ngài lại, một gia đình tỏ tường vượt hết mọi biên cương bờ cõi và ngăn cách, và Ngài đã cho chúng ta cảm nghiệm thấy việc hiện diện của Ngài nơi mối hiệp thông cao cả giữa chúng ta.

 

Khẩu hiệu được chọn cho những ngày này là “Chúng tôi đến triều bái Người” đã chất chứa hai hình ảnh lớn lao gây phấn khởi cho hướng đi thực sự ngay từ ban đầu. Trước hết là hình ảnh về thành phần hành hương, hình ảnh của một con người, khi vươn tầm mắt vượt ra ngoài những vuệc làm và đời sống thường nhật của mình, lên đường tìm kiếm mục đích thiết yếu của mình, tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự sống chân thật, tìm kiếm Thiên Chúa. Hình ảnh này về con người đang trên đường tiến đến mục đích của đời sống là những gì chất chứa hai hàm ý khác nữa.

 

Thứ nhất là lời mời gọi đừng nhìn thế giới quanh chúng ta chỉ như là những gì nguyên vật chất chúng ta có làm gì đó, mà hãy cố gắng khám phá ra nơi chúng “chữ viết của Đấng Hóa Công”, lý trí sáng tạo và là tình yêu, nguồn mạch phát sinh thế giới và là những gì vũ trụ muốn nói với chúng ta, nếu chúng ta chú tâm, nếu cảm quan nội tại của chúng ta tỉnh táo và biết nhận định các chiều kích sâu xa nhất của thực tại.

 

Yếu tố thứ hai là lời mời gọi sâu xa hơn nữa, đó là hãy lắng nghe những tỏ hiện của lịch sử là những gì tự chúng có thể cống hiến cho chúng ta cái then chốt để dẫn giải cái mầu nhiệm thầm lặng của thiên nhiên tạo vật, vạch ra cho chúng ta thấy con đường thực tiễn dẫn tới Vị Chúa chân thực của thế giới và của lịch sử, Đấng ẩn mình nơi cảnh bần cùng của hàng lừa Bêlem.

 

Một hình ảnh khác được chất chứa nơi khẩu hiệu của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đó là con người thờ phượng: “Chúng tôi đến bái thờ Người”. Cần phải thực hiện việc tôn thờ trước bất cứ một hoạt động nào, trước thế giới có thể đổi thay. Chỉ nguyên việc tôn thờ mới có thể giải thoát chúng ta; chỉ nguyên việc tôn thờ mới cống hiến cho chúng ta các qui chuẩn để tác hành. Chính trong một thế giới thiếu vắng các qui chuẩn hướng dẫn và đe dọa đang chực chờ, một thế giới mỗi một người trở thành luật lệ cho mình, thì hết sức cần phải nhấn mạnh đến việc thờ phượng.

 

Đối với tất cả những ai hiện diện bấy giờ thì việc thinh lặng triệt để của cả triệu giới trẻ đó là những gì không thể nào quên được, một thứ thinh lặng liên kết và thăng hóa tất cả chúng ta khi Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh được đặt trên bàn thờ. Chúng ta hãy ấp ủ trong lòng các hình ảnh của Cologne: chúng là những dấu hiệu vẫn tiếp tục có giá trị. Không cần nhắc tới tên tuổi riêng của ai, nhân dịp này tôi xin cám ơn hết mọi người đã làm cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này hiện thực; thế nhưng, đặc biệt chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Chúa, thật sự là thế, chỉ một mình Người mới có thể ban cho chúng ta những ngày này chúng ta đã sống qua như thế.  

  

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và Năm Thánh Thể

 

Chữ “tôn thờ” (thờ phượng) đưa chúng ta tới biến cố cao cả thứ hai mà tôi muốn nói tới, đó là Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và Năm Thánh Thể. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể và Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, đã cống hiến cho chúng ta những đầu mối thiết yếu, đồng thời, bằng cảm nghiệm bản thân của ngài về đức tin nơi Thánh Thể ngài đã mang giáo huấn của Giáo Hội vào thực tế.

 

Thêm vào đó, Thánh Bộ Thờ Phượng, liên kết với bức Thông Điệp này, đã phổ biến Bản Hướng Dẫn Bí Tích Cứu Chuộc như là một bản chỉ nam cụ thể cho việc áp dụng đúng đắn Hiến Chế của Công Đồng về phụng vụ và việc canh tân phụng vụ. Ngoài những văn kiện này ra, thực sự còn điều gì mới mẻ hơn nữa để khai triển hơn thế nữa về toàn bộ giáo huấn này hay chăng?

 

Đó chính là cảm nghiệm cao cả của Thượng Nghị này, một thượng nghị được các Nghị Phụ đóng góp những suy tư về kho tàng sự sống Thánh Thể của Giáo Hội ngày nay và về tính cách bất tận của niềm tin của Giáo Hội vào Thánh Thể. Những gì các Nghị Phụ đã suy nghĩ và bày tỏ cần phải được trình bày, liên kết với bản Propositiones của Thượng Nghị, trong một Văn Kiện Hậu Thượng Nghị.

 

Ở đây, một lần nữa, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một điểm vừa được chúng ta đề cập tới liên quan đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đó là việc tôn thờ Vị Chúa Phục Sinh, Đấng hiện diện nơi Thánh Thể với máu và thịt, với thân xác và linh hồn, với thần tính và nhân tính của Người.

 

Tôi lấy làm cảm động khi thấy khắp nơi trong Giáo Hội niềm vui tôn thờ Thánh Thể đang được khơi động và sinh hoa kết trái. Trong giai đoạn canh tân phụng vụ, Thánh Lễ và việc tôn thờ ngoài Thánh Lễ thường được thấy như là những gì nghịch lại nhau. Đó là ý nghĩ cho rằng Bánh Thánh Thể đã không được ban cho chúng ta để chiêm ngưỡng mà là để ăn, như nhiều chống đối thời bấy giờ chủ trương.

 

Cảm nghiệm về việc cầu nguyện của Giáo Hội đã chứng tỏ cái phản đề này vô lý là chừng nào. Thánh Âu Quốc Tinh đã chính thức nói rằng: “… nemo autem illam carnem manducat, nisi prius adoraverit; … peccemus non adorando – Không ai được ăn thịt này mà trước hết không tôn thờ thịt ấy; … chún g ta sẽ phạm tội nếu chúng ta không tôn thờ thịt này” (cf. Enarr. in Ps 98: 9 CCL XXXIX 1385).

 

Thật vậy, chúng ta không chỉ lãnh nhận một điều gì đó nơi Thánh Thể. Đó là một cuộc hội ngộ và là một cuộc hiệp nhất hai ngôi vị; tuy nhiên, ngôi vị đến gặp gỡ chúng ta và muốn hiệp nhất chính bản thân mình với chúng ta là Con Thiên Chúa. Việc hiệp nhất hóa này chỉ có thể xẩy ra bằng việc tôn thờ.

 

Việc lãnh nhận Thánh Thể có nghĩa là tôn thờ Đấng chúng ta nhận lãnh. Chính vì thế và chỉ như thế chúng ta mới có thể nên một với Người. Bởi vậy, vấn đề phát triển về việc tôn thờ Thánh Thể, như nó đã hình thành trong Thời Trung Cổ, là thành quả thích hợp nhất của chính mầu nhiệm Thánh Thể: chỉ ở nơi việc tôn thờ việc chấp nhận mới có thể phát triển sâu xa và thực sự. Và chính tác động riêng tự gặp gỡ này với Chúa mới phát triển sứ vụ xã hội là sứ vụ được chất chứa nơi Thánh Thể và mới muốn phá đổ những thứ ngãng trở, chẳng những các ngãng trở giữa Chúa và chúng ta, mà còn trên hết những ngãng trở giữa chúng ta với nhau nữa.

 

Kỷ Niệm 40 Năm Bế Mạc Công Đồng Chung Vaticanô II

 

Biến cố cuối cùng của năm nay tôi muốn chia sẻ ở đây đó là việc cử hành mừng kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II trước đây. Việc tưởng nhớ này gợi lên vấn đề: Đấu là kết quả của Công Đồng này? Công Đồng có được tiếp nhận cách tốt đẹp hay chăng? Trong việc chấp nhận Công Đồng thì đâu là những điều tốt và đâu là những điều không thích đáng hay lầm lẫn? Những gì cần phải làm là gì? Không ai có thể phủ nhận rằng ở những lãnh vực rộng lớn của Giáo Hội việc áp dụng Cộng Đồng này đã gặp phải khó khăn một cách nào đó, thậm chí không thể nào không áp dụng vào những gì xẩy ra cho những năm này lời diễn tả được Thánh Basiliô, vị đại Tiến Sĩ của Giáo Hội, đã nói về tình hình Giáo Hội sau Công Đồng Chung Nicêa: ngài đã so sánh, trong số những điều khác, tình hình Giáo Hội với một trận hải chiến trong tăm tối bão bùng như thế này: “Tiếng kêu la khàn khàn của những ai bởi bất đồng đã nổi lên chống lại nhau, của thành phần huyên thuyên khó hiểu, của thành phần lầm lẫn mà cứ ầm ĩ lên tiếng day dứt la hò, giờ đây tràn đầy hầu như khắp cả Giáo Hội, làm sai lệch đi vì thái quá và không hiểu được giáo huấn xác thực của đức tin…” (De Spiritu Sancto, XXX, 77; PG 32, 213 A; SCh 17 ff., p. 524).

 

Chúng ta không muốn áp dụng một cách chính xác lời diễn tả thê thảm ấy vào tình hình hậu công đồng chung lần này, tuy nhiên, vẫn có một cái gì đó trong tất cả những điều ấy cho thấy đã xẩy ra như vậy. Vấn đề được đặt ra ở đây là Tại sao vấn đề áp dụng Công Đồng này lại quá khó khắn như thế ở những miền rộng lớn của Giáo Hội?

 

“Một thứ dẫn giải có tính cách bất liên tục và chia lìa”

 

Thật ra tất cả đều lệ thuộc vào việc giải thích đúng đắn về Công Đồng này, hay - như chúng ta có thể nói là ngày nay – lệ thuộc vào việc dẫn giải thích đáng về Công Đồng - cái then chốt xác đáng cho việc dẫn giải và áp dụng Công Đồng. Các vấn nạn của việc áp dụng Công Đồng xuất phát từ sự kiện là có hai thứ dẫn giải phản ngược nhau ra mặt và trái nghịch nhau chan chát. Một thứ dẫn giải gây ra lầm lẫn, còn một thứ, âm thầm song càng ngày càng sáng tỏ hơn, đã và đang sinh hoa kết trái.

 

Một mặt là một thứ dẫn giải được tôi gọi là “một thứ dẫn giải có tính cách bất liên tục và chia lìa”; nó thường trở thành thuận lợi theo chiều hướng của các thứ truyền thông đại chúng, và cũng là một xu hướng của khoa thần học tân tiến. Mặt khác, cũng có “thứ dẫn giải của việc canh tân”, của việc canh tân liên tục của một chủ thể Giáo Hội duy nhất được Chúa ban cho chúng ta. Giáo Hội là chủ thể tiến triển trong thời gian và phát triển, dù bao giờ cũng vẫn thế, cũng vẫn là một chủ thể duy nhất của Dân Chúa lữ hành.

Việc dẫn giải thiên về tính cách bất liên tục có nguy cơ tiến tới chỗ phân chia Giáo Hội tiền công đồng và Giáo Hội hậu công đồng. Việc dẫn giải này chủ trương rằng các văn kiện  của Công Đồng ấy dù sao cũng không diễn đạt được tinh thần thực sự của Công Đồng. Kiểu dẫn giải này cho rằng những văn kiện ấy là thành quả của những thứ dung hòa, những gì muốn tiến tới chỗ đồng thanh nhất trí cần phải thực hiện để bảo tồn và tái xác định nhiều điều cũ kỹ giờ đây đã trở thành vô dụng. Tuy nhiên, tinh thần thực sự của Công Đồng này không ở tại những thứ dung hòa này mà là ở những động lực hướng tới những gì mới mẻ được chất chứa trong những bản văn kiện ấy.

Chí có những thứ mới mẻ ấy mới đáng làm tiêu biểu cho tinh thần đích thực của Công Đồng, và bắt đầu từ những mới mẻ ấy cũng như hợp với những thứ mới mẻ ấy tinh thần của Công Đồng mới có thể tiến phát. Chính vì các bản văn kiện này chỉ phản ảnh một cách bất toàn tinh thần thực sự của Công Đồng cũng như tính cách mới mẻ của Công Đồng mới cần phải can đảm vượt ra ngoài những văn kiện để giành chỗ cho cái mới mẻ theo ý hướng sâu xa nhất được Công Đồng bày tỏ, cho dù ý hướng ấy vẫn còn mập mờ.

Tóm lại, không cần phải tuân theo các văn kiện của Công Đồng mà là tinh thần của Công Đồng. Như thế thì hiển nhiên là có cả một giới hạn rộng lớn trước vấn đề được đặt ra ở đây đó là làm thế nào để tinh thần Công Đồng theo đó được xác định và nhờ đó tinh thần này có chỗ đứng nơi hết mọi thứ sáng kiến.

Bản chất của một Công Đồng như thế là những gì bị hiểu lầm tận gốc rễ. Theo chiều hướng ấy thì bản chất của công đồng được coi như là một thứ cấu hợp loại trừ đi một thứ pháp chế cổ xưa để tạo nên một thứ pháp chế mới mẻ. Tuy nhiên, Hội Đồng Cấu Hợp cần có một thừa ủy nhiệm viên cùng với việc xác nhận của vị thừa ủy nhiệm viên này, tức là của thành phần được pháp chế ấy phục vụ. Các Vị Nghị Phụ không có một thừa ủy nhiệm quyền nào như thế và không ai đã từng ban cho các ngài quyền này; cũng chẳng có bất cứ một ai ban cho các vị quyền này vì pháp chế thiết yếu này của Giáo Hội xuất phát từ Chúa Kitô và được ban cho chúng ta để chúng ta có thể đạt được sự sống trường sinh, và nhờ đó, bắt đầu có thể chiếu tỏa sự sống trong thời gian và chiếu tỏa chính thời gian nữa.

Qua Bí Tích được nhận lãnh, các vị Giám Mục là những người quản thủ tặng ân của Chúa. Họ là “những vị bảo quản viên các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cor 4:1); nhờ đó, họ phải tỏ ra “trung thành” và “khôn ngoan” (x Lk 12:41-48). Điều này đòi các vị phải ban phát tặng ân của Chúa một cách đúng đắn, nhờ đó tặng ân ấy không bị che đậy đi cách nào mà là sinh hoa kết trái, để rồi cuối cùng Chúa nói với thành phần quản trị viên này rằng: “Vì ngươi trung tín trong những điều nhỏ mọn Ta sẽ đặt ngươi coi sóc những việc lớn hơn” (x Mt 25:14-30; Lk 19:11-27).

Những dụ ngôn này của Phúc Âm cho thấy việc phục vụ Chúa đòi phải có một động lực của lòng trung thành; và qua những dụ ngôn này, vấn đề được sáng tỏ là, cái động lực và lòng trung thành này cần phải có nơi Công Đồng.

Dẫn giải theo chiều hướng canh tân

Lối dẫn giải theo chiều hướng bất liên tục bị đối nghịch bởi lối dẫn giải theo chiều hướng canh tân, như lối dẫn giải theo chiều hướng canh tân này được bày tỏ trước hết nơi bài khai mạc Công Đồng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ngày 11/10/1962, cũng như sau đó nơi bài diễn từ bế mạc Công Đồng ngày 7/12/1965 của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

Ở đây tôi chỉ trích dẫn những lời lẽ quá nổi tiếng của Đức Gioan XXIII, những lời nói lên một cách dứt khoát lối dẫn giải này khi ngài nói rằng Công Đồng muốn “chuyển đạt một thứ tín lý tinh tuyền và nguyên vẹn, không bị pha loãng hay méo mó”. Và ngài còn nói: “Nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ là để canh giữ kho tàng quí báu này, như thể chúng ta chỉ quan tâm tới những gì là cổ xưa, mà là để dấn thân bằng một lòng thiết tha và can đảm cho hoạt động mà thời đại của chúng ta cần đến chúng ta…”. Cần phải tỏ ra là “việc gắn bó với tất cả giáo huấn của Giáo Hội một cách trọn vẹn và chính xác của giáo huấn này…” được thể hiện nơi “việc trung thành và hoàn hảo tuân hợp với tín lý chân chính, những tín lý dầu sao cũng cần phải được học hỏi và quảng diễn bằng những phương pháp nghiên cứu cũng như bằng các hình thức văn chương của tâm tưởng tân tiến. Bản chất của tín lý xưa trong kho tàng đức tin là một vấn đề, còn đường lối trình bày tín lý này là một vấn đề khác…”, khi bảo tồn cũng một ý nghĩa và sứ điệp của tín lý ấy (The Documents of Vatican II, Walter M. Abbott, S.J., p. 715).

Vấn đề được sáng tỏ là việc dấn thân diễn đạt một sự thật đặc biệt bằng đường lối mới cần phải suy nghĩ mới về sự thật ấy cũng như cần có một mối liên hệ mới mẻ và trọng yếu với nó; vấn đề cũng được sáng tỏ là chỉ có thể khai triển những ngôn từ mới mẻ nếu chúng xuất phát từ một kiến thức rõ ràng về sự thật được bày tỏ, ngoài ra, vấn đề còn sáng tỏ là việc suy tư về đức tin cũng đòi đức tin này cần phải được sống nữa. Về vấn đề ấy, hoạch định được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phác họa thực sự là những gì hết sức cần thiết, như sự tổng hợp giữa lòng trung thành và cái động lực thúc đẩy đòi hỏi vậy.

 

Tuy nhiên, bất cứ ở đâu lối dẫn giải này chi phối việc áp dụng Công Đồng thì ở đó phát triển sự sống mới và gặt hái được hoa trái mới. Bốn mươi năm sau Công Đồng, chúng ta có thể chứng tỏ là những gì tích cực còn to lớn hơn và sống động hơn là những gì công đồng dường như ở trong những năm hỗn loạn vào thời khoảng 1968. Ngày nay, chúng ta thấy rằng, mặc dù hạt giống tốt được phát triển một cách chậm rãi song nó đang gia tăng; và lòng tri ân sâu xa của chúng ta đối với công cuộc do Công Đồng thực hiện đồng thời cũng gia tăng.

 

Trong bài diễn từ bế mạc Công Đồng, Đức Phaolô VI đã vạch ra một lý do đặc biệt hơn nữa cho thấy lý do tại sao lối dẫn giải có tính cách bất liên tục dường như có vẻ thắng thế.

 

Lý do tại sao lối dẫn giải có tính cách bất liên tục dường như có vẻ thắng thế.

 

Trong cuộc tranh luận cả thể về một con người là những gì làm nên đặc tính của thời đại tân tiến, Công Đồng đã phải chú trọng đặc biệt đến đề tài nhân loại học. Công Đồng đã đặt vấn đề một đàng về mối liên hệ giữa Giáo Hội cùng đức tin của Giáo Hội, và một đàng về con người cùng với thế giới hiện đại (xem cùng nguồn vừa dẫn). Vấn đề này càng trở thành sáng tỏ hơn, nếu, thay vì sử dụng từ ngữ chung là “thế giới hiện đại”, chúng ta chọn một từ ngữ khác chính xác hơn: Công Đồng đã quyết định bằng một đường lối mới mẻ mối liên hệ giữa Giáo Hội và kỷ nguyên tân tiến.

 

Mối liên hệ này dường như đã gặp phải phong ba bão tố bắt đầu từ vụ Galileo. Rồi nó hoàn toàn bị khủng hoảng khi Kant diễn tả “tôn giáo theo lý trí thuần túy”, cũng như, trong giai đoạn quyết liệt của thời cuộc Cách Mạng Pháp xẩy ra những tuyên truyền về một thứ hình ảnh Quốc Gia và con người thực tế không còn muốn để cho Giáo Hội có chỗ đứng nữa.

 

Vào thế kỷ thứ XIX dưới thời Đức Piô IX, cuộc đụng độ giữa đức tin của Giáo Hội với chủ nghĩa tự do cực đoan và các thứ khoa học tự nhiên, những gì cho rằng mình hiểu biết tất cả mọi thực tại cho đến hết cỡ của thực tại ấy, ngang nhiên cho rằng “giả thuyết về Thiên Chúa” là đồ vô dụng, khiến cho Giáo Hội phải lên án một cách gắt gao và quyết liệt cái tinh thần của thời đại tân tiến ấy. Bởi thế, dường như không còn bất cứ khoảng trống nào cho vấn để thông cảm tích cực và tốt đẹp nữa, cùng với việc loại trừ cũng mãnh liệt của thành phần cảm thấy họ là đại diện cho kỷ nguyên mới.

 

Tuy nhiên, trong khi đó, thời đại tân tiến cũng cảm nghiệm thấy những phát triển. Con người tiến đến chỗ nhận thức được rằng Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ đã là những gì cống hiến cho mẫu thức của một Quốc Gia tân tiến, khác với mẫu thức về lý thuyết có những khuynh hướng cực đoan xuất phát trong giai đoạn thứ hai của Cuộc Cách Mạng Pháp.

 

Các khoa học tự nhiên bắt đầu cho thấy càng ngày càng rõ ràng hơn những giới hạn của mình theo phương pháp của chúng, những phương pháp, cho dù có đạt được những điều cao cả, dù sao cũng không thể nào nắm được bản chất toàn cầu của thực tại. Bởi thế mà cả đôi bên dần dần bắt đầu cởi mở hướng về nhau. Trong giai đoạn giữa hai Thế Chiến, nhất là sau Thế Chiến Thứ Hai, thành phần chính khách Công Giáo chứng tỏ rằng một Quốc Gia trần thế tân tiến có thể hiện hữu nếu không tỏ ra trung dung trước những giá trị sống còn, xuất phát từ những nguồn đạo lý cao cả được Kitô Giáo khai phá. Giáo huấn Công Giáo về xã hội, một giáo huấn dần dần phát triển, đã trở thành một mô thức quan trọng giữa chủ nghĩa tự do cực đoan và lý thuyết của Marx về Nhà Nước. Các khoa học tự nhiên, những thứ khoa học không khư khư theo phương pháp ngăn cản việc tiến tới với Thiên Chúa của mình, đã nhận thức một cách tỏ tường hơn bao giờ hết là phương pháp ấy không bao gồm tất cả thực tại. Bởi thế, một lần nữa chúng mở cửa ra cho Thiên Chúa, nhận thức rằng thực tại cao cả to lớn hơn phương pháp tự nhiên và tất cả những gì nó có thể bao phủ.

 

Có thể nói rằng có 3 vấn đề được xoay quanh ở vào thời Công Đồng Chung Vaticanô II cần được giải đáp. Trước hết là cần phải tái xác định về mối liên hệ giữa đức tin và khoa học tân tiến. Ngoài ra, mối liên hệ này chẳng những liên quan tới các khoa học tự nhiên mà còn tới khoa sử học nữa, vì theo một số trường phái thì phương pháp nhận định về lịch sử cho rằng nó là phán quyết cuối cùng đối với vấn đề giải thích Thánh Kinh, và một khi đòi toàn quyền giải thích Sách Thánh như thế, nó đã chống lại với nhiều điểm quan trọng được dẫn giải cẩn thận theo niềm tin của Giáo Hội.

 

Thứ hai, cần phải cống hiến một định nghĩa mới cho mối liên hệ giữa Giáo Hội và Quốc Gia tân tiến, một quốc gia vô tư giành chỗ đứng cho thành phần công dân thuộc các tôn giáo và ý hệ khác nhau, chỉ vì trách nhiệm đối với việc họ chung sống trong trật tự và chấp nhận lẫn nhau cũng như vì quyền tự do được hành đạo của họ.

 

Thứ ba, liên quan một cách tổng quát hơn tới điều này là vấn đề chấp nhận tôn giáo – một vấn đề đòi phải có một định nghĩa mới về mối liên hệ giữa đức tin Kitô Giáo với các tôn giáo trên thế giới. Đặc biệt là trước những tội ác mới đây của chế độ Nazi, và nói chung là với cái nhìn về quá khứ của một lịch sử lâu dài và khó khăn, cần phải thẩm định và xác định một đường lối mới nơi mối liên hệ giữa Giáo Hội và niềm tin của dân Do Thái.

 

Đó là tất cả những chủ đề rất quan trọng – chúng là những đề tài lớn thuộc phần hai của Công Đồng này – những đề tài không thể nào chia sẻ rộng hơn nữa trong lúc này đây. Vấn đề rõ ràng là trong tất cả mọi lãnh vực ấy, những lãnh vực mà tất cả cùng làm nên một vấn đề duy nhất, một thứ bất liên tục nào đó có thể hiện ra. Thật thế, một thứ bất liên tục đã tỏ hiện, thế nhưng, nơi tính chất bất liên tục này, sau khi thực hiện những việc phân tích khác nhau giữa những trường hợp cụ thể về lịch sử với những đòi hỏi của những trường hợp này cần phải làm, thì vẫn thấy rằng tính cách liên tục vẫn không bị loại trừ. Mới thoáng nhìn thì dễ bỏ qua sự kiện liên tục này.

 

Bản chất của việc canh tân thực sự.

 

Chính ở nơi việc tổng hợp của tính cách liên tục và bất liên tục ở các cấp độ khác nhau hiện hữu chính bản chất của việc canh tân thực sự. Trong tiến trình canh tân theo chiều hướng liên tục này chúng ta cần phải học hiểu một cách cụ thể hơn trước khi quyết định của Giáo Hội về những vấn đề tùy thuộc – chẳng hạn như, về một số hình thức cụ thể của chủ nghĩa tự do hay về một thứ phóng khoáng dẫn giải Thánh Kinh – cũng tự mình cần phải tùy thuộc, chính là vì những quyết định này liên quan tới một thực tại đặc biệt tự bản chất khả hoán. Cần phải biết nhìn nhận rằng nơi những quyết định ấy chỉ có các nguyên tắc mới cho thấy được khía cạnh vĩnh tồn mà thôi, vì chúng vẫn như là một quyết định sâu xa tác động từ bên trong.

 

Ngoài ra, không có tính cách vĩnh tồn nơi các hình thức cụ thể là những gì lệ thuộc vào trường hợp lịch sử và do đó cần phải đổi thay.

 

Bởi vậy, những quyết định căn bản tiếp tục là những gì vững chắc, trong khi đó đường lối chúng được áp dụng vào các môi trường mới là những gì có thể đổi thay. Vậy, chẳng hạn, nếu quyền tự do tôn giáo đã được coi như là biểu hiện con người nơi khả năng khám phá ra chân lý và bởi thế trở thành một thứ phong thần cho chủ nghĩa tương đối, thì nhu cầu về xã hội và lịch sử này đã được đề cao một cách không thích đáng với tầm mức siêu hình học nên đã tước đi mất ý nghĩa đích thực của nó. Do đó, điều này không thể nào khả chấp đối với những ai tin rằng con người có khả năng biết được sự thật về Thiên Chúa, và dựa vào phẩm vị nội tại của sự thật, con người buộc phải gắn bó với kiến thức ấy.

 

Mặt khác, hoàn toàn khác hẳn trong việc coi quyền tự do tôn giáo như là một nhu cầu xuất phát từ việc con người chung sống, hay thực sự là một kết quả nội tại của sự thật là những gì không thể bị áp đặt theo bề ngoài nhưng là những gì con người cần phải chấp nhận chỉ qua tiến trình xác tín mà thôi.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II, khi nhìn nhận và chấp nhận nguyên tắc thiết yếu về Quốc Gia tân tiến bằng Sắc Lệnh về Tự Do Tôn Giáo, đã tái phục hồi cái gia sản sâu xa nhất của Giáo Hội. Làm như thế, Giáo Hội có thể ý thức được việc mình hoàn toàn sống hòa hợp với giáo huấn của chính Chúa Giêsu (x Mt 22:21), cũng như với Giáo Hội của các vị tử đạo qua mọi thời đại. Giáo Hội cổ xưa thường nguyện cầu cho những vị hoàng đế và các vị lãnh đạo chính trị đã hết nhiệm vụ (x 1Tim 2:2); thế nhưng, trong khi nguyện cầu cho các vị hoàng đế như thế, Giáo Hội không chịu tôn thờ họ và do đó minh nhiên loại trừ thứ tôn giáo Quốc Gia. Các vị tử đạo thời Giáo Hội sơ khai đã chết vì đức tin của mình là niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô, và chính vì lý do này các vị cũng đã chết cho quyền tự do của lương tâm và quyền tự do tuyên xưng niềm tin của mình – một việc tuyên xưng không có một Quốc Gia nào có thể áp đặt, nhưng chỉ có thể được tuyên xưng nhờ ân sủng của Chúa theo quyền tự do của lương tâm. Một Giáo Hội truyền giáo mang danh loan truyền sứ điệp của mình cho tất cả mọi dân tộc cần phải hoạt động cho quyền tự do của niềm tin. Giáo Hội muốn truyền đạt tặng ân sự thật hiện hữu này cho từng người và mọi người.

 

Đồng thời Giáo Hội cũng bảo đảm với các dân tộc và Chính Quyền rằng Giáo Hội không muốn hủy hoại căn tính và văn hóa của họ khi làm như thế, trái lại, còn cống hiến một đáp ứng họ đang đợi chờ  ở thẳm cung sâu xa nhất của họ – một đáp ứng mà tính cách đa diện của các nền văn hóa chẳng những không bị mất đi mà trái lại còn gia tăng mối hiệp nhất giữa con người nam nữ và cả hòa bình giữa các dân tộc nữa.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II, với định nghĩa mới của mình về mối liên hệ giữa đức tin của Giáo Hội với một số yếu tố thiết yếu của tâm tưởng tân tiến, đã kiểm điểm hay thậm chí sửa sai một số những quyết định về lịch sử, thế nhưng, qua tính cách bất liên tục hiển nhiên này, Giáo Hội thực sự vẫn bảo trì và đi sâu vào bản chất thâm thúy nhất của mình cùng với căn tính đích thực của mình.

 

Giáo Hội, cả trước lẫn sau Công Đồng, đã và đang là một Giáo Hội như thế, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, tiến bước qua giòng thời gian; Giáo Hội tiếp tục “cuộc lữ hành của mình giữa những bách hại của thế gian và những niềm an ủi của Thiên Chúa”, để loan truyền cuộc tử nạn của Chúa cho tới khi Người đến (x Ánh Sáng Muôn Dân, 8).

 

Những ai mong rằng với thái độ “chiều” theo kỷ nguyên tân tiến này thì tất cả mọi căng thẳng sẽ được loại trừ và thái độ “cởi mở với thế giới” nhờ đó có được sẽ biến đổi mọi sự thành trạng thái hoàn toàn ăn khớp với nhau, thì họ đã coi nhẹ những căng thẳng nội tại cũng như những tương khắc vốn có nơi thời đại tân tiến này rồi vậy.

 

Họ đã coi thường cái mỏng manh nguy hiểm của bản tính loài người đã từng là mối đe dọa cho sự tiến bộ của con người nơi tất cả mọi giai đoạn của lịch sử cũng như nơi hết mọi thắng lợi sáng lạn của lịch sử. Những nguy hiểm này, với những triển vọng mới cùng với quyền năng mới của con người trên vật chất cũng như trên chính bản thân con người, vẫn không mất đi, trái lại, còn có những chiều kích mới nữa: cứ nhìn vào lịch sử hiện nay sẽ thấy rõ điều ấy.

 

Cả trong thời điểm của chúng ta nữa, Giáo Hội vẫn là một “dấu hiệu bị chống đối” (Lk 2:34) – không phải là vô lý mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi còn là Hồng Y đã lấy đầu đề này làm chủ đề tuần Tĩnh Tâm năm 1976 cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Giáo Triều Rôma. Công Đồng không thể nào lại có chủ ý loại trừ đi cái phản nghịch của Phúc Âm với những thứ hiểm nguy và lầm lỗi của con người. Trái lại, chắc chắn là Công Đồng muốn thắng vượt những tương phản lầm lẫn hay dư thừa này để tỏ cho thế giới của chúng ta thấy được những đòi hỏi hoàn toàn cao cả và tinh tuyền của Phúc Âm.

 

Vấn đề dai dẳng liên hệ giữa đức tin và lý trí

 

Những bước tiến được Công Đồng thực hiện đối với kỷ nguyên tân tiến này phần nào đã bị trình bày một cách mơ hồ như “một thứ cởi mở với thế giới”, những bước tiến, nói tóm lại, là những gì thuộc về vấn đề dai dẳng liên hệ giữa đức tin và lý trí, một vấn đề vẫn được tái diễn qua những hình thức luôn mới mẻ. Tình hình Công Đồng phải đối diện thực sự có thể được so sánh với những biến cố của các thời đại khác.

 

Trong Bức Thư Thứ Nhất của mình, Thánh Phêrô đã thúc giục các Kitô hữu hãy luôn sẵn sàng đáp ứng (apo-logia) cho bất cứ một ai muốn chất vấn họ về logos, về lý do họ tin tưởng (x 3:15).

 

Điều này có nghĩa là đức tin của Thánh Kinh đã phải được bàn luận và đã giao tiếp với nền văn hóa Hy Lạp, và bằng việc giải thích biết nhìn nhận cái chiều hướng phân biệt song cũng qui hợp và thân thuộc nơi cả hai nơi một lý trí duy nhất do Thiên Chúa ban.

 

Vào thế kỷ 13, qua các triết gia Do Thái và Ả Rập, thời điểm tư tưởng Aristote giao tiếp với Kitô Giáo thời Trung Cổ được hình thành theo truyền thống Plato, làm cho đức tin và lý trí có nguy cơ trở thành những gì tương khắc với nhau đến độ bất khả hóa giải, thì trước hết có Thánh Tôma Aquinas, vị đã làm môi giới cho cuộc gặp gỡ mới giữa đức tin và triết lý Aristote, nhờ đó, làm cho đức tin có được một liên hệ tốt đẹp với hình thức lý trí thịnh hành thời ấy. Chắc chắn là không thể nào tránh được xẩy ra một cuộc tranh luận mệt nghỉ giữa lý trí tân tiến và đức tin Kitô Giáo, một cuộc tranh luận đã được mở màn một cách tiêu cực với vụ Galileo, rồi trải qua nhiều giai đoạn, song tới Công Đồng Chung Vaticanô II là thời điểm cần phải có một suy tư bao rộng mới mẻ.

 

Nội dung của mối liên hệ này thực sự chỉ lưu dấu vết sơ qua nơi các văn kiện của Công Đồng thôi, nhưng nó cho thấy rõ chiều hướng thiết yếu của nó, nhờ đó, cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin, ngày nay lại càng quan trọng hơn nữa, đã sinh hoa kết trái nhờ Công Đồng Chung Vaticanô II. 

 

Cuộc đối thoại này giờ đây cần phải được phát triển một cách hết sức cởi mở nhưng cũng phải hết sức ý thức được rằng thế giới có lý để mong đợi nơi chúng ta ngay vào chính lúc này đây. Bởi thế, hôm nay chúng ta mới có thể tri ân cảm tạ khi nhìn lại Công Đồng Chung Vaticanô II, ở chỗ, nếu chúng ta giải thích và áp dụng Công Đồng theo lối dẫn giải đúng đắn thì Công Đồng mới có thể mãnh liệt và mới có thể càng ngày càng trở nên mãnh liệt cho cuộc canh tân cần thiết hơn bao giờ hết của Giáo Hội.

 

Hồng Y Đoàn Bầu Tân Giáo Hoàng

 

Sau hết, tôi chẳng lẽ nhắc lại một lần nữa là ngày 19/4 năm nay, ngày tôi hết sức ngỡ ngàng khi Hồng Y Đoàn chọn tôi làm người Thừa Kế Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, làm vị Thừa Kế Thánh Phêrô trên tòa Giám Mục Rôma? Vai trò này là những gì hoàn toàn vượt ra ngoài điều tôi dự tưởng cho ơn gọi của mình. Bởi thế, với tác động hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa tôi mới nói tiếng “xin vâng” cho việc chọn lựa này. Giờ đây cũng như bấy giờ, tôi xin tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi, những lời nguyện cầu và đỡ nâng mà tôi tin tưởng.

 

Đồng thời tôi cũng hết lòng cám ơn tất cả những ai đã đón nhận tôi và vẫn đón nhận tôi với tất cả lòng tin tưởng, thân ái và cảm thông, hằng ngày hỗ trợ tôi bằng lời nguyện cầu của mình.

 

Giờ đây đã gần đến Giáng Sinh. Chúa là Thiên Chúa không đối đầu với các thứ đe dọa của lịch sử bằng quyền năng bên ngoài, như nhân loại chúng ta vẫn trông đợi theo quan điểm của thế giới chúng ta. Khí giới của Ngài là sự thiện hảo. Ngài đã tỏ mình ra là một con trẻ, hạ sinh trong một chuồng bò. Đó chính là cách Ngài đối đầu bằng quyền năng của Ngài, hoàn toàn khác với nguyền quyền năng hủy hoại của bạo lực. Ngài đã cứu chúng ta bằng chính đường lối ấy. Ngài tỏ cho chúng ta thấy những gì cứu độ bằng đường lối ấy.

 

Trong những ngày Giáng Sinh này, chúng ta hãy hoàn toàn tin tưởng gặp gỡ Ngài, như thành phần mục đồng, như các Vị Đạo Sĩ Đông Phương. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa. Chúng ta hãy xin chính Ngài chiếu tỏ dung nhan của Ngài trên chúng ta. Chúng ta cũng xin Ngài khống chế bạo lực trên thế giới này và làm cho chúng ta cảm nghiệm được quyền năng thiện hảo của Ngài. Với những cảm thức này, tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2005/december/documents/hf_ben_xvi_spe_20051222_roman-curia_en.html