"Một năm nữa đang khép lại"

 

 

ĐTC Biển Đức XVI – Chúc Mừng Giáng Sinh 2007 Giáo Triều Rôma tại Sảnh Đường Clementine ngày Thứ Sáu 21/12/2007

 

 

Hằng năm vào ngày Thứ Sáu cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh, Giáo Triều Rôma, bao gồm tất cả mọi người phục vụ ở Tòa Thánh Rôma, kể từ Đức Giáo Hoàng trở xuống, theo truyền thống, gặp gỡ nhau để chúc mừng Giáng Sinh cho nhau, và nghe Đức Thánh Cha đương kim chia sẻ cảm nhận của ngài về những gì đặc biệt xẩy ra trong năm vừa rồi liên quan tới hoạt động mục vụ của ngài. Cuộc gặp gỡ tất niên của Giáo Triều Rôma trong năm 2007 vừa rồi xẩy ra vào Thứ Sáu 21/12. Ngài đã bày rỏ cảm nhận của ngài về các biến cố và hoạt động mục vụ chính yếu của ngài trong năm 2007 là năm thứ ba làm Giáo Hoàng của ngài như sau:

 

Trọng Kính Quí Huynh Hồng Y,

Quí Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong buổi gặp gỡ hôm nay nay, chúng ta đã hít thở được niềm vui Giáng Sinh giờ đây đã gần kề. Tôi hết sức cám ơn anh chị em đã tham dự vào biến cố truyền thống này, một biến cố có một bầu khí đặc biệt được sống động khơi lên bởi ĐHY trưởng Hồng Y Đoàn Angelo Sodano, vị đã nhắc lại đề tài chính của Bức Thông Điệp về niềm hy vọng Kitô Giáo mới đây của tôi. Tôi ân cần cám ơn ngài về những lời ưu ái bày tỏ những chúc nguyện tốt đẹp của Hồng Y Đoàn, của các Phần Tử thuộc Giáo Triều Rôma cũng như thuộc Bộ Quản Trị cùng với các vị Đại Diện Giáo Hoàng ở khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng của chúng ta, như Huynh Hồng Y đã nhấn mạnh, thực sự là một “cộng đồng hoạt động”, được thúc buộc bởi những liên hệ của tình yêu huynh đệ là tình yêu thêm kiên vững nhờ những việc mừng lễ Giáng Sinh này. Trong tinh thần ấy, huynh đã không bỏ qua việc đề cập thích đáng tới những phần tử trước kia của gia đình Giáo Triều chúng ta là những người đã vượt qua ngưỡng cửa thời gian trong những tháng gần đây để đi vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa. Trong trường hợp như thế, lòng chúng ta cảm thấy gần gũi với những ai chia sẻ cùng chúng ta công việc của Giáo Hội và những ai giờ đây chuyển cầu cho chúng ta trước ngai tòa Thiên Chúa. Bởi thế, tôi xin cám ơn huynh về những lời lẽ của huynh, vị Hồng Y Trưởng Hồng Y Đoàn, và tôi cũng cám ơn hết mọi người hiện diện về việc đóng góp mà từng người đã thực hiện để làm hoàn trọn thừa tác vụ Chúa đã ủy thác cho tôi. 

 

1.- Chuyến Viếng Thăm Ba Tây

 

1.1       Gặp Gỡ Tổng Hội Nghị Lần 5 Chư Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh

 

Một năm nữa đang khép lại. Tôi muốn đề cập tới chuyến viếng thăm Ba Tây của tôi như là biến cố đầu tiên của giai đoạn được qua đi một cách mau chóng này. Mục đích của chuyến viếng thăm ấy là Cuộc Gặp Gỡ Hội Nghị Chung Lần Năm  của Chư Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh và Caribbean. Trước khi phản tỉnh về Cuộc Họp ở Aparecida này, tôi muốn đề cập tới một vài điểm nổi bật của cuộc Hành Trình ấy. Trước hết là buổi tối trọng thể với giới trẻ ở vận động trường São Paulo: tối hôm đó, bất chấp khí hậu xấu, tất cả chúng tôi đều cảm thấy được một niềm vui nội tâm sâu xa, một cảm nghiệm sống động của mối hiệp thông cùng với ước vọng rõ ràng tỏ ra muốn phục vụ cho việc hòa giải trong Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô, muốn trở nên những bạn hữu của người nghèo và khổ đau, muốn trở nên những sứ giả của sự thiện hảo rạng ngời mà chúng ta thấy trong Phúc Âm. Những diễn tiến của Thánh Lễ được tổ chức với tác dụng duy nhất là việc tự xác quyết; người ta cảm thấy mình được cuốn hút vào những diễn tiến ấy bởi cung điệu và những âm thanh rung động, tiến độ cùng nhau cảm thấy hân hoan. Ở đó, ngược lại, chính linh hồn của họ mở ra; chúng tôi tự nhiên cảm thấy được mối hiệp thông sâu xa vào buổi tối hôm đó: được ở với nhau và sống nhau. Nó không phải là một thứ đào tẩu khỏi cuộc sống hằng ngày mà là được biến đổi thành sức mạnh để chấp nhận đời sống cách mới mẻ. Bởi thế, tôi muốn trao gửi những lời cảm tạ của tôi đến giới trẻ là thành phần tối hôm đó đã làm khơi động lên bởi việc ở với của họ, bởi lời ca tiếng hát của họ, bởi những lời lẽ của họ và các lời cầu của họ, những gì đã được thanh tẩy từ bên trong và làm cho chúng ta cải tiến – và việc cải tiến của chúng ta cho cả những người khác nữa.

 

1.2       Phong thánh cho một người con của Ba Tây là Frei Galvão

 

Vào một ngày không thể quên được, với sự qui tụ đông đảo của các vị Giám Mục, linh mục, Tu Sĩ và giáo dân, tôi đã phong thánh cho một người con của Ba Tây là Frei Galvão, công bố ngài là một Vị Thánh của Giáo Hội hoàn vũ. Chúng tôi đã được thấy ở mọi nơi những hình ảnh của ngài rạng ngời lòng thiện hảo xuất phát từ việc ngài hội ngộ với Chúa Kitô cũng như từ mối liên hệ của ngài với cộng đồng tu trì của ngài. Chúng tôi đã nói cho biết về cuộc tái giáng cuối cùng của Chúa Kitô vào lúc cánh chung là Người sẽ không đến một mình song với tất cả mọi vị thánh của Người. Bởi thế, mỗi một vị thánh tiến vào lịch sử thì đã tạo nên một phần nhỏ cho việc đến lần thứ hai của Chúa Kitô,  việc Người tiến vào thời gian một cách mới mẻ, cho chúng ta thấy hình ảnh của Người ở một chiều kích mới và bảo đảm với chúng ta về sự hiện  diện  của Người. Chúa Giêsu Kitô không thuộc về quá khứ, Người cũng chẳng bị giam hãm vào một thứ tương lai xa vời nào cả sẽ xẩy ra mà chúng ta không có can đảm để kiếm tìm xem sao. Người đến với cuộc cung nghinh long trọng của các thánh nhân. Cùng với các thánh của mình, Người đang trên đường tiến đến với chúng ta rồi, tiến đến với cái hiện  tại của chúng ta.

 

1.3       Viếng thăm Trại Cải Huấn Fazenda da Esperanca

 

Tôi nhớ một cách sống động nhất ngày tôi ở Fazenda da Esperanca là nơi con người nghiện ngập tái khám phá ra được tự do và niềm hy vọng. Khi tới đó, điều đầu tiên đã xẩy ra là tôi thấy được quyền năng chữa lành của việc Thiên Chúa tạo dựng một cách mới mẻ. Những đồi núi xanh tươi bao quanh thung lũng rộng lớn; chúng hướng mắt lên trời và đồng thời cũng có nghĩa bảo vệ.  Từ nhà tạm của ngôi nhà thờ nhỏ thuộc Dòng Carmêlô tuôn chảy ra  một giòng nước trong gợi nhớ tới lời tiên tri của Êzêkiên về giòng nước chảy ra từ Đền Thờ tẩy đi chất mặn của mặt đất, giúp vào việc tăng trưởng của những loại cây cối mang lại sự sống. Chúng ta cần phải bênh vực thiên nhiên tạo vật chẳng những vì nó ích lợi cho chúng ta mà còn vì chính nó nữa – ở chỗ nó như là một sứ điệp từ Đấng Hóa Công, một tặng ân của sự mỹ là những gì hứa hẹn và hy vọng. Phải, con người cần siêu việt thể. Chỉ một mình Thiên Chúa là đủ, Thánh nữ Têrêsa Avilla đã nói thế. Nếu vắng bóng Thiên Chúa, con người cần phải tự mình tìm kiếm ở ngoài biên cương bờ cõi của thế giới này, hiện lên trước mắt họ một không gian vô tận được Người tạo dựng nên. Bởi thế mà thuốc phiện thực sự trở thành một nhu cầu đối với họ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu họ khám phá ra rằng họ đang bị ảo ảnh khôn cùng – người ta có thể nói, một thứ lừa đảo được ma quỉ lợi dụng để phá con người. Ở đó, ở Fazenda da Esperanca, những biên cương của thế giới này thực sự được siêu việt hóa, ánh mắt hướng về Thiên Chúa, hướng tới tầm vóc viên trọn nơi sự sống của chúng ta, nhờ đó mới xẩy ra vấn đề chữa lành. Tôi ngỏ lời chân thành cảm tạ với tất cả những ai làm việc ở đó và tôi gửi lời chúc thân ái tốt đẹp của tôi cùng Phép Lành đến tất cả những ai đang tìm kiếm việc chữa lành ở đó.

 

1.4       Gặp gỡ với các Vị Giám Mục Ba Tây

 

Thế rồi tôi muốn nhắc lại cuộc gặp gỡ với các Vị Giám Mục Ba Tây ở Vương Cung Thánh Đường São Paulo. Điệu nhạc long trọng đã giúp chúng tôi cảm thấy sống động không thể nào quên nổi. Những gì làm cho nó trở thành đặc biệt mỹ miều đó là sự kiện nó được thực hiện bởi một ca đoàn và dàn nhạc bao gồm toàn là thành phần  giới trẻ nghèo của thành phố đó. Bởi thế những con người này đã cống hiến cho chúng tôi cảm nghiệm về vẻ đẹp là một trong những tặng ân nhờ đó có thể vượt ra ngoài những giới hạn của bản chất thường nhật của thế giới mà nhận thấy được những thực tại cao quí hơn bảo đảm với chúng ta về vẻ đẹp của Thiên Chúa. Thế rồi cái cảm nghiệm về “đoàn tính hiệu năng và cảm năng”, về mối hiệp thông huynh đệ nơi thừa tác vụ chung của chúng tôi, làm cho chúng tôi cảm thấy niềm vui của công giáo tính. Vượt ra ngoài tất cả mọi biên giới về địa dư và văn hóa, chúng ta là anh chị em với nhau, cùng với Chúa Ktô Phục Sinh là Đấng đã kêu gọi chúng ta phục vụ Người.

 

1.5       Đề tài Thành Phần Môn Đệ và Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô…

 

Sau hết là Aparecida. Tôi đã thấy tấm hình Đức Mẹ nhỏ đặc biệt cảm động hết sức. Một số người chài lưới đã thả lưới mấy lần mà chẳng kéo được tí nào từ giòng nước của con sông, để rồi, cuối cùng, đã bắt được một mẻ cá thật nhiều. Mẹ là Đức Bà của thành phần nghèo khổ, chính Mẹ đã trở nên nghèo khó và thấp hèn. Bởi thế, chính nhờ đức tin và đức mến của thành phần nghèo khổ, mà ngôi đại Đền Thờ này đã trở thành hiện hữu chung quanh tấm hình ấy, và vì vẫn còn phản ảnh cái nghèo khổ của Thiên Chúa và lòng khiêm hạ của Người Mẹ này mà ngày qua ngày tạo nên một ngôi nhà và chỗ nương trú cho người nguyện cầu và hy vọng. Thật là tốt đẹp cho chúng ta khi qui tụ lại ở nơi đây và chính ở nơi này chúng tôi đã soạn thảo bản văn kiện về đề tài “Thành Phần Môn  Đệ và Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta có sự sống trong Người”. Dĩ nhiên có người liền hỏi: thế nhưng phải chăng đó là đề tài xác đáng vào lúc này đây của thời điểm lịch sử chúng ta đang sống? Không phải là quá đột ngột khi thực hiện một cuộc quay về với nội tâm vào lúc đang diễn ra những thử thách cả thể trong lịch sử hay sao, vào lúc đang có những vấn nạn khẩn trương về công lý, hòa bình và tự do, lúc đòi phải thực hiện việc hoàn toàn dấn thân của tất cả mọi con người thiện chí, nhất là Kitô Giáo và Giáo Hội? Chúng ta há lại chẳng phải giải quyết những vấn đề ấy hơn là rút lui vào thế giới nội tại của đức tin hay sao?

 

1.6       Vấn đề đạt tới vai trò làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô

 

Chúng ta tạm thời hãy bỏ qua một bên những chống đối ấy. Thật vậy, trước khi đáp lại chúng, cần phải nắm bắt được một cách thích đáng ý nghĩa đích thực của chính vấn đề; một khi vấn đề được hiểu ra thì việc đáp ứng cho vấn đề chống đối trở thành sáng tỏ thôi. Chữ chính của đề tài này đó là việc tìm kiếm sự sống, một sự sống đích thực. Về vấn đề này thì đề tài ấy ngụ ý nói rằng mục tiêu này, một mục tiêu có lẽ hết mọi người đều đồng ý, đó là vấn đề đạt tới vai trò làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô cũng như trong việc dấn thân sống Lời của Người và Sự Hiện Diện của Người. Bởi thế mà Kitô hữu ở Mỹ Châu Latinh, và cùng với họ những Kitô hữu trên khắp thế giới, là những người đầu tiên được kêu gọi một lần nữa trở thành “những người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô” tốt đẹp hơn – một điều thật sự chúng ta đã là rồi, nhờ ở Phép Rửa, một điều không có nghĩa là chúng ta không được thôi tiếp tục trở nên bằng việc chủ động thích dụng tặng ân của Bí Tích này. Là môn đệ của Chúa Kitô – điều này nghĩa là gì? Trước hết nó có nghĩa là có thể nhìn nhận Người. Làm sao điều ấy có thể xẩy ra? Đó là lời mời gọi hãy lắng nghe Người như Người nói với chúng ta trong bản văn Kinh Thánh, khi Người ngỏ lời cùng chúng ta và đến gặp gỡ chúng ta nơi việc cầu nguyện chung của Giáo Hội, nơi các phép bí tích cũng như nơi chứng từ của các vị thánh nhân. Người ta không thể bao giờ biết Chúa Kitô chỉ bằng lý thuyết. Qua việc giảng dạy cả thể của mình, người ta có thể biết được hết mọi sự về Thánh Kinh mà lại chưa hề được gặp gỡ Người. Cuộc hành trình với Người là một yếu tố toàn diện của việc nhận biết Người, thấm nhập cảm  tính của Người, như Thư gửi giáo đoàn Philiphê (2:5) viết.  Thánh Phaolô vắn gọn diễn tả những cảm tính này là có cùng một tình yêu thương, có cùng một tâm trí (sýmpsychoi), hoàn toàn hòa hợp, không làm gì vì tranh giành và kiêu hãnh, mỗi người chẳng những không tập trung vào những thiện ích riêng của mình mà còn cả những ích lợi của người khác nữa (2:2-4). Giáo lý không bao giờ chỉ là việc hướng dẫn trí khôn; nó bao giờ cũng phải trở thành một việc thực hành mối hiệp thông sự sống với Chúa Kitô, một thực hành trong khiêm tốn, công lý và yêu thương.  Chỉ có thế chúng ta mới bước đi với Chúa Giêsu Kitô trên đường nẻo của Người, chỉ có thế những con mắt tâm can của chúng ta mới mở ra; chỉ có thế chúng ta mới học biết để hiểu được Thánh Kinh và gặp gỡ Người. Cuộc hội ngộ này với Chúa Giêsu Kitô đòi phải lắng nghe, đòi phải đáp ứng bằng việc nguyện cầu cũng như bằng việc thực hành những gì Người nói với chúng ta. Khi trở nên quen biết Chúa Kitô là chúng ta trở nên quen biết Thiên Chúa, và chính nhờ việc chỉ bắt đầu từ Thiên Chúa chúng ta mới hiểu được con người và thế giới, một thế giới bằng không vẫn là một vấn đề vô nghĩa.

 

Như thế, việc trở thành môn đệ của Chúa Kitô là một cuộc hành trình giáo dục tiến tới hữu thể đích thực của chúng ta, tiến tới đường lối thích đáng để làm người. Trong Cựu Ước, thái độ căn bản của một người sống Lời Chúa được tóm gọn trong chữ zadic – công chính: tức là một con người sống theo Lời Chúa thì trở nên công chính; họ thực hành và sống công lý. Ngoài ra, theo Kitô Giáo thì thái độ của thành phần môn đệ Chúa Giêsu Kitô được thể hiện bằng một chữ khác nữa, đó là trung thành. Đức tin bao hàm hết mọi sự; chữ này bởi vậy vừa có nghĩa ở với Chúa Kitô vừa có đức công chính của Người. Nơi đức tin, chúng ta lãnh nhận đức công chính của Chúa Kitô, chúng ta sống đức này và truyền  đạt nó đi. Bản văn kiện Aparecida làm cho tất cả những điều ấy trở thành cụ thể bằng việc nói tới tin mừng về phẩm vị con người, về sự sống, về gia đình, về khoa học và kỹ thuật, về lao công của con người, về mục đích chung của các sản vật thuộc trái đất này cùng với môi sinh. Đó là những chiều kích công lý được thể hiện, đức tin được sống và đáp ứng được tỏ ra trước những thách đố của thời đại chúng ta.

 

1.7       Người môn đệ của Chúa Kitô cũng cần phải là một “thừa sai”

 

Bản văn kiện này nói với chúng ta rằng người môn đệ của Chúa Kitô cũng cần phải là một “thừa sai” nữa, một sứ giả Phúc Âm. Thế nhưng, chính ở điểm này mới xẩy ra vấn đề chống đối, ở chỗ, ngày nay có còn hợp lý hay chăng cho việc “truyền bá phúc âm hóa”? Tất cả mọi tôn giáo và quan niệm trên thế giới này lại chẳng đồng hiện hữu với nhau một cách hòa bình để cùng nhau theo cách thức riêng của mình hết sức tìm cách phục vụ nhân loại hay sao? Đúng thế, tất cả chúng ta cần phải đồng hiện hữu và hợp tác trong việc chấp nhận và tương kính nhau là điều chắc chắn. Giáo Hội Công Giáo chủ động dấn thân thực hiện điều này, và qua hai cuộc hội ngộ ở Assisi, đã cho thấy những dấu hiệu hiển  nhiên về điều ấy, những dấu hiệu chúng ta đã lập lại một lần nữa ở cuộc Gặp Gỡ năm nay ở Naples. Về đề tài này, tôi muốn đề cập tới lá thư tốt lành do 138 vị lãnh đạo tín đồ Hồi Giáo gửi cho tôi ngày 13/10, chứng thực là việc họ quyết tâm chung để cổ võ hòa bình thế giới. Tôi đã hân hoan đáp lại, khi bày tỏ nỗi thiết tha tin tưởng của tôi đối với những ý hướng cao quí ấy, đồng thời cũng nhấn mạnh đến nhu cầu khẩn trương đối với một hòa ước có hiệu năng bảo toàn những thứ giá trị của việc kính trọng lẫn nhau, đối thoại với nhau và hợp tác với nhau. Việc cùng nhau nhìn nhận sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Hóa Công quan phòng và là vị Thẩm Phán chung  về việc làm của hết mọi người, trở thành nền tảng cho hoạt động chung để bênh vực việc thực sự tôn trọng phẩm vị của hết mọi con người hầu xây dựng một xã hội chân chính và hiệp nhất hơn.

 

Thế nhưng, ước muốn đối thoại và hợp tác này cũng không có nghĩa là đồng thời chúng ta không còn truyền đạt sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô nữa, không còn đề ra cho nhân loại cũng như cho thế giới tiếng gọi này và niềm hy vọng được xuất phát từ đó nữa? Những ai nhận thấy được một sự thật cao cả hay khám phá ra được một niềm vui lớn lao cần phải truyền đạt nó đi; họ chắc chắn không thể nào giữ lấy cho bản thân họ. Những tặng ân lớn lao cao cả này không bao giờ chỉ giành riêng cho một người duy nhất. Nơi Chúa Giêsu Kitô, một ánh sáng rạng ngời đã hiện lên cho chúng ta, Ánh Sáng cả thể: chúng ta khôn g thể để nó ở dưới đáy thùng, chúng ta cần phải để nó trên giá đèn, nhờ đó nó soi sáng cho tất cả những ai ở trong ngôi nhà này (x Mt 5:15). Thánh Phaolô không ngừng nghỉ thực hiện cuộc hành trình, mang theo Phúc Âm với ngài. Ngài thậm chí còn cảm thấy bị “bó buộc” phải loan truyền Phúc Âm nữa (x 1Cor 9:16) – không phải vì quan tâm đến  phần rỗi của một con người chưa lãnh nhận phép rửa vì chưa nghe thấy Phúc Âm, mà còn vì ngài nhận thấy rằng toàn thể lịch sử không thể đạt tới tầm vóc viên trọn cho đến khi Phúc Âm đạt được đầy đủ số (pléroma) Dân Ngoại (x Rm 11:25).  Để tiến tới chỗ hoàn trọn của mình, lịch sử cần đến việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi dân nước, cho tất cả mọi con người nam nữ (x Mk 13:10). Thực tế cho thấy quan trọng biết bao những quyền lực của việc hòa giải, những quyền  lực của hòa bình, những quyền năng của yêu thương và của công lý tuôn chảy vào nhau nơi nhân loại này! Quan trọng biết mấy nơi “ngân quĩ” của nhân loại, việc chống đối đã bừng lên và được kiên cường trước những gì thách đố đang đe dọa các cảm thức cùng với các thực tại bạo động và bất công! Đó là chính những gì đang xẩy ra ở sứ vụ truyền giáo của Kitô Giáo. Nhờ hội ngộ với Chúa Giêsu Kitô cũng như các thánh nhân của Người, nhờ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, mà “những thứ công phản” đã được lấp đầy bằng những quyền lực thiện hảo, mà thiếu chúng tất cả mọi chương trình cho lãnh vực xã hội của chúng ta không thể hiện thực, song – với cuộc công kích của việc áp lực hết sức mãnh liệt từ các thứ ích lợi khác phản lại hòa bình và công lý – vẫn chỉ là những thứ lý thuyết trừu tượng mà thôi.

 

Bởi vậy, chúng ta trở lại với những vấn nạn được đặt ra ngay từ đầu, đó là phải chăng Aparecida có lý khi đặt ưu tiên cho vai trò làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô cũng như cho việc truyền bá phúc âm hóa để tìm cầu sự sống cho thế giới này? Phải chăng việc rút lui vào nội tâm là sai lầm? Không! Aparecida đã quyết định đúng vì chính nhờ một cuộc hội ngộ mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô và với Phúc Âm của Người – và chỉ có thế – những năng lực được tác động mới giúp chúng ta có thể thực hiện việc đáp ứng xác đáng với những thứ thách đố của thời điểm này.

 

2.- Trung Hoa – Áo Quốc – Loreto - Naples

 

Vào cuối tháng Sáu, tôi đã gửi một Bức Thư cho các vị Giám Mục, linh mục, thành phần tận hiến và giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo nước Nhân Dân Cộng Hòa Trung Hoa. Qua bức thư này, tôi muốn bày tỏ cả lòng cảm mến sâu xa thiêng liêng của tôi với tất cả mọi người Công Giáo ở Trung Hoa lẫn việc ưu ái tôn trọng Nhân Dân Trung Quốc. Tôi đã nhắc lại trong bức thư ấy những nguyên tắc nền tảng của truyền thống Công Giáo và của Công Đồng Chung Vaticanô II theo chiều kích giáo hội học. Căn cứ vào “dự án nguyên thủy” của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người, tôi đã đề cập tới một số phương sách để đối diện và giải quyết, trong tinh thần hiệp thông và chân lý, những vấn đề tế nhị và phức tạp của đời sống Giáo Hội ở Trung Hoa. Tôi cũng nêu lên việc Tòa Thánh sẵn sàng thực hiện một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh và xây dựng với các Thẩm Quyền dân sự để tìm một giải pháp cho các vấn đề khác nhau liên quan tới cộng đồng Công Giáo. Bức Thư này đã được những người Công Giáo ở Trung Hoa hớn hở tiếp nhận và biết ơn. Tôi ước ao thấy được bức thư này sẽ mang lại hoa trái theo lòng mong ước nhờ ơn Chúa giúp.

 

Tiếc thay, tôi chỉ có thể đề cập cách vắn gọn những giây phút khác của năm này. Thật vậy, các biến cố ấy, như chuyến viếng thăm tuyệt vời Áo Quốc, có cùng một mục đích và có ý nhắm tới những phương sách tương tự. Tờ L’ Osservatore Romano đã đã diễn tả tuyệt vời về cơn mưa đi kèm với chúng tôi: “cơn mưa đức tin”; không phải là những trận mua làm giảm thiểu đi niềm vui của đức tin chúng ta nơi Chúa Kitô, niềm vui cảm nghiệm được khi nhìn vào Mẹ của Người, thế nhưng, ngược lại, chúng kiên cường nó. Niềm vui này thấm qua bức màn mây lơ lửng trên đầu của chúng ta. Khi cùng với Mẹ Maria nhìn lên Chúa Kitô chúng ta thấy được Ánh Sáng tỏ cho chúng ta thấy con đường xuyên qua tất cả những gì là tăm tối của thế giới này.  Tôi xin ân cần cám ơn các vị Giám Mục Áo Quốc, các linh mục, nữ tu, nam tu và nhiều tín hữu đã bước đi bên tôi trong cuộc hành trình tiến với Chúa Kitô trong những ngày ấy đối với dấu hiệu phấn khởi về đức tin được họ cống hiến cho chúng ta thấy.

 

Cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Agora ở Loreto cũng là một dấu hiệu quan trọng của niềm vui mừng và hy vọng: nếu có rất nhiều giới trẻ muốn gặp gỡ Mẹ Maria, và cùng với Mẹ Maria, gặp gỡ Chúa Kitô, nếu họ để cho mình bị thu hút bởi niềm vui của đức tin, thì chúng ta có thể âm thầm tiến tới gặp gỡ tương lai.

 

Tôi đã nói điều này với giới trẻ vào một số dịp khác nhau: trong chuyến tôi Viếng Thăm Casal del Marmo Juvemile Penitentiary cũng như trong Những Bài Triều Kiến Chung hay Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật. Trong việc tái tấu vấn đề giáo dục và kêu gọi dấn thân của các Giáo Hội địa phương đối với việc chăm sóc mục vụ các ơn gọi, tôi đã thấy được những niềm mong đợi và ý hướng quảng đại của giới trẻ. Dĩ nhiên là tôi không quên bác bỏ những hình thức khai thác giới trẻ ngày nay có thể gặp phải hay những thứ hiểm nguy làm cho họ bị hụt hẫng xã hội của ngày mai.

 

Tôi đã đề cập vắn gọn tới Cuộc Gặp Gỡ Naples. Cả ở đây nữa, trời đổ mưa – một biến cố bất thường nhất đối với thành phố đầy ánh sáng mặt trời và rạng ngời này – thế nhưng cũng có cả cái ấm cúng của loài người và đức tin sống động đã xuyên thấu các đám mây mù, khiến cho chúng tôi cảm nghiệm thấy được niềm vui xuất phát từ Phúc Âm.

 

Tất nhiên người ta không được tự lừa dối mình, Những vấn đề chính yếu đang gây ra bởi khuynh hướng tục hóa trong thời đại chúng ta cũng như bởi áp lực của những thứ giả định về ý hệ thu hút lương tâm của thành phần tục hóa bằng chủ trương dứt khoát hoàn toàn duy lý. Chúng ta nhận thấy điều này và biết được nỗ lực chiến đấu áp đặt trên  chúng ta trong thời đại của chúng ta đây. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng Chúa giữ lời hứa của Người: “Này đây, Thày ở cùng các con mãi mãi cho đến  tận thế” (Mt 28:20). Trong niềm tin tưởng hoan hỉ này, khi chấp nhận cái khích lệ của những chia sẻ ở Aparecida đối với chúng ta trong việc tái thực hiện việc ở với Chúa Kitô, chúng ta hãy tin tưởng tiến lên nghênh đón năm mới. Chúng ta hãy tiếp tục hành trình dưới ánh mắt từ mẫu của Aparecida, Mẹ là vị bày tỏ mình là “nữ tỳ của Chúa”. Chớ gì việc bảo vệ chở che của Mẹ gìn giữ chúng ta an toàn và làm cho chúng ta tràn đầy niềm hy vọng. Với những cảm thức ấy, tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em là những người hiện diện nơi đây cũng như cho tất cả mọi anh chị em thuộc về đại gia đình Giáo Triều Rôma.

 

Chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh (trừ những chỗ in đậm và phân chia tiểu mục do chính người dịch thực hiện)

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/december/documents/hf_ben-xvi_spe_20071221_curia-romana_en.html