“Đối Thoại giữa Văn Hóa và Tôn Giáo”

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI:

Sứ Điệp gửi các Chủ Tịch Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn và Văn Hóa nhân Ngày Học Hỏi 4/12/2008

 

 

Kính gửi ĐHY Jean-Louis Tauran,

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn và

ĐTGM Gianfranco Ravasi,

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa

 

Trước hết tôi muốn bày tỏ lòng chân thành hài lòng của tôi trước việc cùng khởi động của Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn và Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, những hội đồng đứng ra tổ chức một NGày Học Hỏi đề tài “Cuộc Đối Thoại giữa ác Nền Văn Hóa và chư Tôn Giáo”, như việc Tòa Thánh tham dự vào sáng kiến của Khối Hiệp Nhất Âu Châu được phê chuẩn vào tháng 12 năm 2006 khi công bố năm 2008 là “Năm Âu Châu Đối Thoại Liên Văn Hóa”. Cùng với các vị chủ tịch của những hội động trên đây, tôi thân ái gửi lời chào tới các vị hồng y, các chư huynh khả kính của tôi trong hàng giáo phẩm, các phần tử thượng hạng thuộc phái đoàn ngoại giao làm việc với Tòa Thánh, cũng như những vị đại diện thuộc thành phần tham dự viên từ các tôn giáo khác nhau vào cuộc họp ý nghĩa này.

 

Qua nhiều năm nay, Âu Châu đã từng ý thức được mối hiệp nhất thiết yếu về văn hóa của mình, bất chấp cái chùm của các th71 văn hóa quốc gia đã hình thành nên nó. Cần phải nhấn mạnh là Âu Châu hiện đại, đang nhìn thẳng vào ngàn năm thứ ba, là hoa trái của hai ngàn năm văn minh. Nền văn hóa này đâm rễ vào cả hai gia sản cổ kính lớn lao là Nhã Điển và Rôma, nhất là vào mảnh đất phì nhiêu Kitô Giáo, một mảnh đất đã cho thấy khả năng tạo nên những thứ gia sản văn hóa mới khi lãnh nhận phần đóng góp nguyên khôi của mỗi một nền văn minh. Tân nhân bản, một thứ tân nhân bản xuất phát từ việc loan truyền sứ điệp phúc âm, là những gì thăng hóa tất cả mọi yếu tố xứng đáng với con người cùng với ơn gọi siêu việt của họ, thanh tẩy chúng khỏi những gì là cặn bã làm lu mờ gương mặt chân thực của nhân loại được dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa. Nhờ đó, Âu Châu xuất hiện trước chúng ta ngày nay như là một tấm vải quí giá, với những sợi tơ được hình thành bởi những nguyên tắc và giá trị của Phúc Âm, trong lúc các nền văn hóa quốc gia đã có thể nói lên những quan điểm bao rộng cho thấy những khả năng về tôn giáo, trí tuệ, kỹ thuật, khoa học và nghệ thuật của một “Homo Europeus”. Theo chiều hướng ấy, chúng ta có thể nói rằng Âu Châu đã gây và đang gây tác dụng về văn hóa trên toàn thể nhân loại, và không thể nào lại không đặc biệt cảm thấy trách nhiệm chẳng những đối với tương lai của mình mà còn của cả nhân loại nữa.

 

Trong bối cảnh hiện nay, một bối cảnh mà những người đồng thời của chúng ta hơn bao giờ hết thường tự hỏi những vấn nạn thiết yếu vế ý nghĩa cuộc đời cùng những giá trị của nó, thì lại càng cần hơn bao giờ hết suy nghĩ về những gốc rễ xa xưa đã làm xuất phát ra dồi dào nhựa sống qua các thế kỷ. Cuộc đối thoại liên văn hóa và liên tôn hiện lên như là những gì ưu tiên đối với Khối Hiệp Nhất Âu Châu, cho thiện ích theo hàng ngang cho các lãnh vực văn hóa và truyền thông, giáo dục và khoa học, di dân và thiểu số, giới trẻ và lao nhân. Một khi tính cách đa dạng được chấp nhận như là một sự kiện tích cực thì cần phải làm cho con người chấp nhận chẳng những sự hiện hữu các nền văn hóa của nhau, mà còn ước muốn được phong phú hóa bởi nó na. Khi ngỏ cùng nhng người Công Giáo, vị tiền nhiệm của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI, đã bày tỏ niềm xác tín sâu xa của mình bằng những lời lẽ này: “Giáo Hội cần phải tham gia cuộc dối thoại với thế giới Giáo Hội đang sống. Giáo Hội trở thành thế giới, Giáo Hội trở thành sứ điệp, Giáo Hội trở thành cuộc đàm thoại” (Thông Điệp Ecclesiam Suam, 67). Chúng ta đang sống trong những gì thường gọi là một “thế giới đa phương”, được đánh dấu bằng tốc độ truyền thông, tình trạng di động của các dân tộc cùng với nền kinh tế của họ, việc liên thuộc về chính trị và văn hóa. Chính ở nơi cái thế giới đa phương ấy, có lẽ đang ở trong giờ khắc thảm thương, cho dù chẳng may nhiều người dân Âu Châu dường như đã quên đi những cội rễ Kitô Giáo của Âu Châu, thì những cội rễ Kitô Giáo của Âu Châu vẫn đang tồn tại và cần phải vạch vẽ đường đi nước bước cùng nuôi dưỡng niềm hy vọng của hằng triệu người công dân chủ trương nắm giữ những giá trị như nhau.

 

Thành phần tín hữu bao giờ cũng cần phải sẵn sàng cổ võ những khởi động cho cuộc đối thoại về liên văn hóa và liên tôn, phấn khích việc hợp tác về những đề tài tương ích, chẳng hạn như phẩm giá con người, việc tìm cầu công ích, việc xây dựng hòa bình và phát triển. Với ý hướng này, Tòa Thánh muốn cống hiến một ý nghĩa đặc biệt cho việc tham dự của mình vào cuộc đối thoại cao cấp về vấn đề hiểu biết giữa chư tôn giáo và các nền văn hóa, cũng như về việc hợp tác cho hòa bình, theo nội dung của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 62 (4-5/10/2007). Muốn trung thực, việc đối thoại cần phải tránh vấn đề chiều theo chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hòa đồng, và cần phải được tác động bởi lòng chân thành tôn trọng nhau cũng như bằng một tinh thần quảng đại giải hòa và huynh đệ.

 

Tôi khuyến khích tất cả những ai dấn thân vào việc xây dựng một Âu Châu thân tình và dễ thương trung thành với những cội nguồn của mình hơn bao giờ hết, đặc biệt tôi muốn kêu gọi thành phần tín hữu hãy góp phần chẳng những vào việc nhiệt liệt bảo vệ gia sản văn hóa và thiêng liêng là những gì làm cho họ khác biệt và làm nên yếu tố nguyên vẹn cho lịch sử của họ, mà còn dấn thân gia công tìm kiếm những cách thức mới mẻ để giải quyết cách thích đáng những thách đố lớn lao đánh dấu thời đại tân tiến này.  Trong những thứ thách đố ấy, tôi muốn đề cập tới việc bênh vực sự sống của con người qua tất cả mọi giai đoạn của nó, việc bảo toàn tất cả mọi quyền lợi của con người và gia đình, việc kiến tạo một thế giới chân chính và cảm thương, việc tôn trọng thiên nhiên, và việc đối thoại liên văn hóa và liên tôn. Theo chiều hướng ấy, tôi chúc cho ngày học hỏi này được thành đạt như dự tính và xin xin muôn vàn ơn phúc của Thiên Chúa xuống trên tất cả mọi tham dự viên.

 

 

Tại Vatican ngày 3/12/2008

Biển Đức XVI 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/2/008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

 

 

 

"Việc hiến cơ phận là một chứng từ đặc biệt của đức bác ái"

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ cho buổi triều kiến của tham dự viên hội nghị quốc tế về sự sống Thứ Sáu 7/11/2008 

 

Hội nghị này được bảo trợ bởi Giáo Hoàng Học Viện về Sự Sống, Liên Hiệp Quốc Tế Chư Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo, và Trung Tâm Chuyển Ghép Cơ Phận Quốc Gia Ý Đại Lợi, kết thúc vào ngày Thứ Bảy 8/11/2008, chủ đề “Một Tặng Ân cho Sự Sống. Những Quan Tâm đến Việc Hiến Cơ Phận”.

 

Chư huynh khả kính trong hàng giáo phẩm,

Anh chị em thân mến:

 

Việc hiến cơ phận là một chứng từ đặc biệt của đức bác ái. Trong một thời điểm như của chúng ta đây, thường được đánh dấu bằng các hình thức khác nhau của chủ nghĩa duy ngã độc tôn, thì lại càng cần hơn nữa để hiểu được tại sao cần phải đi sâu vào cái lý lẽ của lòng tri ân hầu biết được sự sống cách đúng đắn. Thật vậy, vẫn có một thứ trách nhiệm của lòng yêu thương và đức bác ái thôi thúc con người biến mình thành một quà tặng cho người khác, nếu họ thật sự tìm kiếm chính tầm mức viên trọn của mình. Như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, các con cứu được sự sống của mình chỉ khi nào trao hiến nó đi mà thôi (cf Lk 9:24).

(tiếp theo là hai đoạn chào tạ vắn)

 

Lịch sử của ngành y khoa cho thấy chứng cớ về những tiến triển cả thể đã đạt được trong việc cống hiến mỗi ngày một hơn phẩm vị cho thành phần chịu đựng khổ đau. Việc chuyển ghép mô và cơ phận cho thấy một chiến thắng lớn lao của khoa y học, và thật sự là những dấu hiệu của niềm hy vọng cho những ai đang trải qua những bệnh nạn nghiêm trọng và thường là trầm trọng.

 

Nếu chúng ta nhìn đến toàn thể thế giới chúng ta sẽ dễ thấy được nhiều trường hợp phức tạp mà nhờ các kỹ thuật chuyển ghép cơ phận, nhiều người đã thắng vượt được những thứ bệnh nạn cực kỳ trầm trọng, và lấy lại được niềm vui. Điều này sẽ chẳng bao giờ xẩy ra nếu việc dấn thân của các vị y sĩ và khả năng chuyên môn của các nhà nghiên cứu không được đáp ứng bởi lòng quảng đại và vị tha của những ai cống hiến cơ phận của họ.

 

Tiếc thay, vấn đề thiếu những cơ phận quan trọng trong tay không phải là một vấn đề về lý thuyết mà là một vấn đề đáng kể về thực tế; người ta có thể nhìn thấy điều này nơi bản liệt kê chờ đợi dài của những ai nuôi một niềm hy vọng sống còn được gắn liền với con số nhỏ của những thứ trao tặng vô bổ.

 

Theo chiều hướng ấy, trước hết, thật là hữu ích để suy nghĩ về sự tiến bộ này của khoa học, nhờ đó việc gia tăng thỉnh nguyện chuyển ghép cơ phận không làm thay đổi những nguyên tắc về đạo lý cần phải tuân theo. Như tôi đã nói trong bức thông điệp đầu tiên của tôi là không bao giờ được coi thân thể như một đồ vật thuần túy (cf. "Deus Caritas Est," No. 5); bằng không nó sẽ bị áp đặt bởi một thứ lý lẽ của thị trường. Thân thể của mỗi người, cùng với tâm thần là những gì được ban cho từng người một cách cá thể, tạo nên một mối hiệp nhất bất khả phân ly phản ánh hình ảnh của chính Thiên Chúa. Không lưu ý tới chiều kích này trí khôn con người không thể nào hiểu được cái toàn thể của mầu nhiệm hiện diện nơi từng con người. Bởi vậy, cần phải ưu tiên tôn trọng phẩm giá của con người và việc bảo vệ căn tính của mỗi người.

 

Về vấn đề kỹ thuật chuyển ghép cơ phận, thì điều này có nghĩa là người ta chỉ có thể hiến cơ phận của mình nếu hành động ấy không gây nguy hiểm trầm trọng cho sức khỏe và căn tính của riêng họ, và nếu nó được thực hiện vì một lý do thành hiệu về luân lý và tương hợp. Ngoài ra, bất cứ những lý do nào khác liên quan tới vấn đề mua bán cơ phận, hay tới việc chấp thuận các tiêu chuẩn thực dụng và kỳ thị, sẽ đi tới chỗ làm vô hiệu hóa ý nghĩa của tặng ân, biến chúng thành những hành động bất hợp pháp về luân lý. Những thứ lạm dụng trong vấn đề chuyển ghép cơ phận và buôn bán cơ phận, những gì thường ảnh hưởng tới thành phần vô tội, như rẻ em chẳng hạn, cần phải được cộng đồng khoa học và y khoa liên kết chối từ. Họ cần phải cương quyết lên án như là những gì ghê tởm.

 

Nguyên tắc về đạo lý tương tự cũng cần phải được lập lại nơi trường hợp tạo nên và hủy hoại các phôi bào con người nhắm mục đích trị liệu. Chính ý nghĩ coi phôi bào con người này như là “chất trị liệu” là những gì phản lại với những nền tảng về văn hóa, dân sự và đạo lý bắt nguồn từ phẩm giá của con người.

 

Việc chuyển ghép cơ phận thường xẩy ra như là một cử chỉ hoàn toàn nhưng không từ phần tử của gia đình được thật sự công bố là đã chết. Trong những trường hợp ấy, việc đồng ý một cách ý thức là điều kiện tự do tiên quyết để việc chuyển ghép này có thể được coi là một tặng ân và không bị hiểu là một hành động cưỡng bức và lạm dụng. Trong bất cứ trường hợp nào, cần phải nhớ rằng những cơ phận quan trọng khác nhau có thể được lấy “ex cadavere” (từ thân thể của người chết), một thi thể vẫn có phẩm vị riêng của nó và cần phải được tôn trọng. Trong những năm gần đây khoa học đã đạt được những tiến bộ hơn nữa trong việc xác định cái chết của một bệnh nhân. Bởi vậy, những thành quả đạt được ấy cần phải được đồng thuận của toàn thể cộng đồng khoa học trong vấn đề tìm kiếm những giải đáp giúp cho mọi người an tâm. Trong những trường hợp như thế thì không được có một mảy may ngờ vực tùy ý nào, và cần phải tiến tới chỗ hoàn toàn chắc chắn, theo đúng nguyên tắc cẩn trọng.

 

Muốn được như thế thì cần phải gia tăng việc nghiên cứu và học hỏi liên ngành để quần chúng thấy được sự thật sáng tỏ nhất về những ý nghĩa của một thứ chuyển ghép cơ phận theo nhân loại học, xã hội, đạo lý và pháp lý. Ở những trường hợp này, việc tôn trọng sự sống của hiến nhân cần phải được coi là tiêu chuẩn chính yếu, hầu việc lấy các cơ phận ra khỏi thi thể của họ chỉ xẩy ra sau khi chắc chắn họ đã chết (cf. Compendium of the Catechism of the Catholic Church, No. 476).

 

Tác động yêu thương, một tác động được thể hiện bằng tặng ân hiến các cơ phận quan trọng của mình, là một chứng từ đích thực của đức bác ái  vượt ra ngoài cái chết để sự sống luôn là những gì khải thắng. Lãnh nhận nhân cần phải ý thức được giá trị của cử chỉ họ nhận lãnh ấy, giá trị của một tặng ân vượt lên trên lợi ích về trị liệu nữa. Những gì họ lãnh nhận là một chứng từ yêu thương, và nó cần phải tạo nên một đáp ứng quảng đại tương đương, nhờ đó gia tăng thứ văn hóa của việc trao ban và lòng biết ơn.

 

Đường lối phải theo đuổi thực hiện này, cho đến khi khoa học khám phá ra những trị liệu khả hữu mới mẻ và tân tiến hơn, cần phải là đường lối cho việc hình thành và truyền bá của một thứ văn hóa có đặc tính đoàn kết và hướng về người khác không loại trừ một ai. Việc chuyển ghép các cơ phận theo chiều hướng đạo lý của việc hiến tặng đòi tất cả mọi người dấn thân trong việc đầu tư hết mọi nỗ lực khả dĩ trong vấn đề hình thành và phổ biến để càng ngày càng thức tỉnh lương tâm con người trước một vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới sự sống của rất nhiều người.

 

Bởi thế, cần phải thắng vượt những thành kiến và hiểu lầm, phải đánh tan những ngờ vực và hãi sợ và thay thế chúng bằng những gì là chắc chắn và bảo đảm, hầu tạo nên nơi tất cả mọi người một ý thức, rộng rãi hơn bao giờ hết, về một tặng ân cao cả của sự sống.

 

Mong rằng mỗi một người trong anh chị em tiếp tục việc dấn thân của mình hợp với khả năng và chuyên nghiệp của mình, tôi nguyện xin ơn Chúa giúp đỡ xuống cho các khóa họp của hội nghị này và hết lòng ban phép lành cho tất cả anh chị em.


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/11/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

 

Khoa Học Minh Thức về Vấn Đề Tiến Hóa của Vũ Trụ và của Sự Sống

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Diễn Từ ngỏ cùng Tham Dự Viên Đại Hội Giáo Hoàng Học Viện Các Khoa Học Thứ Sáu 31/10/2008

 Cùng Quí Vị Tôn Nữ Tôn Nam. 

Tôi hân hoan gửi lời chào đến quí vị, các phần tử thuộc Giáo Hoàng Học Viện Các Khoc Học, nhân dịp Đại Hội của quí vị, và tôi xin cám ơn Giáo Sư Nicola Cabibbo về những lời kẽ tốt đẹp ngỏ cùng tôi thay cho quí vị. 

Trong việc chọn đề tài Khoa Học Minh Thức nơi Vấn Đề Tiến Hóa của Vũ Trụ và của Sự Sống, quí vị muốn tập trung vào lãnh vực tìm hiểu gây nhiều quan tâm. Thật vậy, nhiều người đương thời của chúng ta ngày nay muốn suy nghĩ về nguồn gốc tối hậu của các hữu thể, căn nguyên của chúng và cùng đích của chúng, cùng với ý nghĩa của lịch sử con người và vũ trụ này.

Theo chiều hướng ấy, tự nhiên sẽ đi đến chỗ xẩy ra những vấn đề liên quan tới mối liên hệ giữa kiến thức của khoa học về thế giới và kiến thức của Mạc Khải Kitô Giáo. Các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Piô XII và Gioan Phaolô II đã nhận định là không có vấn đề phản nghịch nhau giữa kiến thức của đức tin về việc thiên nhiên tạo vật với chứng cớ của các khoa học thực nghiệm. Ở vào những giai đoạn tiên khởi của mình, triết lý đã đưa ra những hình ảnh để cắt nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ này, dựa trên một yếu tố hay vài yếu tố thuộc thế giới thể lý. Tình trạng nguyên khởi này đã không được coi như là việc tạo dựng, mà là một thứ thay đổi hay biến đổi; nó liên quan tới một thứ giải thích theo chiều ngang nào đó về nguồn gốc của thế giới này. Vấn đề triến triển quan trọng nơi kiến thức về nguồn gốc của vũ trụ đó là việc coi hữu thể như là hữu thể cùng với mối quan tâm về siêu hình học nơi vấn nạn nồng cốt nhất về nguồn gốc ban đầu hay nguồn gốc siêu việt của hữu thể dự phần. Để tiến triển và tiến hóa, trước hết thế giới này cần phải là hư không, và do đó, từ hư không thành hữu thể. Nói cách khác, nó cần phải được dựng nên bởi Hữu Thể đệ nhất là Đấng tự hiện hữu

Nói rằng nền tảng của vũ trụ này cùng với những tiến triển của nó là những gì khôn ngoan quan phòng của Đấng Hóa Công thì không phải là nói rằng thiên nhiên tạo vật chỉ liên quan tới thuở ban đầu của lịch sử thế giới và sự sống. Trái lại, nó cố ý nói là Đấng Hóa Công đã đặt nền móng cho những triển triển này và nâng đỡ chúng, liên lỉ củng cố chúng và bảo trì chúng. Thánh Toma Aquina dạy rằng ý niệm về việc tạo dựng cần phải vượt lên trên cái nguồn gốc theo chiều ngang của việc thể hiện các biến cố tức là lịch sử, và bởi thế, vượt lên trên tất cả những cách thức thuần tự nhiên của chúng ta khi suy nghĩ và nói về vấn đề tiến hóa của thế giới này. Thánh Tôma đã nhận định rằng thiên nhiên tạo vật không phải là một biến chuyển và cũng chẳng phải là một đổi thay. Trái lại, nó là mối liên hệ sâu xa và liên tục liên kết tạo vật với Tạo Hóa, vì Ngài là căn nguyên của hết mọi hữu thể cũng như tất cả mọi biến thể (xem Tổng Luận Thần Học tập I, vấn nạn 45, vấn đáp 3).  

Động từ “tiến hóa” theo nghĩa đen là “mở ra một cuộn sách”, tức là đọc sách. Hình ảnh về thiên nhiên tạo vật như là một cuốn sách đã được bắt nguồn từ Kitô giáo và đã được nhiều khoa học gia thích thú chủ trương như vậy. Galileo đã thấy thiên nhiên tạo vật như là một cuốn sách mà tác giả của nó là Thiên Chúa cũng như Thánh Kinh có Ngài là tác giả vậy. Nó là một cuốn sách mà việc tiến hóa của nó, “bản văn” và ý nghĩa của nó, chúng ta “hiểu” theo những cách thức khác nhau của các khoa học, trong khi đó lúc nào cũng bao hàm sự hiện diện trọng yếu của vị tác giả muốn tỏ mình ra qua đó. Hình ảnh này cũng giúp chúng ta hiểu rằng thế giới này giống như là một cuốn sách được cấu trúc đàng hoàng, chứ không xuất phát từ những gì là hỗn mang lộn xộn; nó là một hệ thống hài hòa. Không kể những yếu tố vô tri, hỗn loạn và việc hủy hoại nơi những tiến trình thay đổi lâu dài trong vũ trụ, thì chất thể như thế là những gì “dễ hiểu”. Nó có sẵn một “môn toán học”. Nhờ đó, trí khôn của con người có thể chẳng những biết được những hiện tượng có thể đo lường nơi “vũ trụ thái” mà còn thấy được cái lý lẽ nội tại hiện lộ của vũ trụ nơi “vũ trụ học” nữa.  Thoạt tiên chúng ta không thể thấy được cả mối hài hòa của tổng thể lẫn mối hài hòa nơi những liên hệ của các phần riêng, hoặc mối liên hệ của chúng với tổng thể. Tuy nhiên, bao giờ cũng có một khoảng rộng lớn ở nơi các biến cố khả tri, và tiến trình này là những gì hợp lý ở chỗ nó cho thấy một trật tự về những tương ứng hiển nhiên cùng với những cứu cánh tính không thể phủ nhận: nơi thế giới vô cấu thể, giữa tiểu cấu thể và đại cấu thể; nơi thế giới cấu thể và thú vật, giữa cơ cấu và sinh hoạt; và nơi thế giới linh thiêng, giữa kiến thức về chân lý và nỗi khát vọng tự do. Việc tra cứu theo kinh nghiệm và triết lý dần dần khám phá thấy những thứ tự lớp lang ấy; nó thấy chúng hoạt động để tiếp tục hiện hữu, để bênh vực chúng cho khỏi bị mất quân bình, và để thắng vượt những trở ngại. Nhờ các khoa học tự nhiên, chúng ta đã gia tăng rất nhiều kiến thức của chúng ta về tính cách đặc thù chuyên nhất về vị thế của nhân loại nơi vũ trụ này.  

Việc phân biệt giữa một hữu thể sống động đơn thuần và một hữu thể linh thiêng là capax Dei cho thấy việc hiện hữu của hồn linh của một chủ thể siêu việt tự do. Thế nên Huấn Quyền của Giáo Hội đã liên lỉ khẳng định rằng “hết mọi hồn thiêng đều được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa – nó không phải là sản phẩm của cha mẹ – và nó là những gì bất tử” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 366). Điều này cho thấy tính chất đặc chuyên của khoa nhân loại học, và mời gọi khối óc tân thời hãy khảo sát nó. 

Cùng quí tôn vị hàn lâm, tôi muốn kết thúc bằng việc nhắc lại những lời được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi ngỏ cùng quí vị vào tháng 11/2003: “sự thật về khoa học, một sự thật tự nó tham dự vào Sự Thật thần linh, có thể giúp cho triết học và thần học hiểu được trọn vẹn hơn nữa con người và Mạc Khải của Thiên Chúa về con người, một Mạc Khải đã được hoàn thành và trọn hảo nơi Chúa Giêsu Kitô. Cùng với toàn thể Giáo Hội, tôi hết lòng tri ân về cái phong phú hỗ tương quan trọng này trong việc tìm kiếm sự thật cùng với thiện ích của nhân loại”.  

Tôi thân ái xin phúc lành khôn ngoan và an bình của Thiên Chúa xuống trên quí vị và gia đình của quí vị, cũng như những ai có liên quan tới hoạt động của Học Viện Giáo Hoàng Các Khoa Học.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/10/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)