Với các phân bộ của Tòa Thánh

 

2003

 

Cuốn Cẩm Nang cho Các Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo

Trưa hôm Thứ Sáu 14/11/2003, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh, có buổi ra mắt cuốn sách cẩm Nang của Các Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo “vademecum” do Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa soạn thảo. ĐHY Chủ Tịch của hội đồng này là Paul Poupard và ĐGM Guiseppe Betori thư ký của hội đồng đã điều hành buổi ra mắt này. Theo ĐHY chủ tích thì cuốn sách cẩm nang này là thành quả của các cuộc họp quốc tế của các Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo từ năm 1993. Vị chủ tịch còn cho biết dưới danh xưng Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo là “những thực tại hết sức đa diện, được đánh dấu bằng nhiều hoạt động và quan tâm” với mục đích “để làm cho đức tin Kitô giáo giao chạm với văn hóa cũng như các nền văn hóa của thời đại chúng ta, và với tất cả mọi hiện tượng liên hệ khác. Bởi thế, mối liên hệ giữa đức tin và văn hóa là một lãnh vực thiết yếu cho tất cả mọi Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo hoạt động. Để nối liền cái khoảng cách giữa đức tin và văn hóa, giữa Phúc Âm và kinh nghiệm sống thường nhật, giữa việc loan báo Chúa Kitô với tình trạng khô đạo và vô thần của nhiều con người nam nữ thuộc thời đại chúng ta, Giáo Hội đã thực hiện những bước tiến quan trọng, nhất là sau Công Đồng Chung Vaticanô II và sau lời kêu gọi của Đức Phaolô VI là vị trong Thông Điệp ‘Evangelii nuntiandi’ đã cho thấy cái phân mảnh này như là một thảm kịch thực hữu của thời đại chúng ta”.

ĐGM thư ký phân bộ này nói về “dự phóng văn hóa dựa trên truyền thống Kitô giáo là một sáng kiến được Giáo Hội Ý Quốc phát động gần 8 năm với mục đích để giao kết giữa Phúc Âm và văn hóa. Có 341 trung tâm văn hóa ghi danh đang hoạt động ở Ý. Cuốn cẩm nang này có địa chỉ của các trung tâm này, cũng như có những tín liệu về những dịch vụ được các trung tâm này cung cấp. Có thể vào màn điện toán sau đây để tìm hiểu thêm www.progettoculturale.it

ÐTC Gioan Phaolô II với Hội Nghị Quốc Tế do Hội Ðồng Tòa Thánh Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức về chủ đề Tâm Trạng Buồn Chán

Thứ Tư 12/11/2003, tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh, ĐHY Javier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh lo Thừa Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe, cùng với hai vị Thư Ký và Phó Thư Ký của mình là ĐGM Jose Luis Redrado, O.O, và linh mục Felice Ruffini, M.I, đã phổ biến chương trình của Hội Nghị Lần Thứ XVIII do phân bộ tòa thánh này tổ chức, một hội nghị năm nay, được diễn tiến 3 ngày 13-15/11/2003 ở Vatican, sẽ bàn về chủ đề tình trạng buồn chán. Trong số tham dự viên ở tại văn phòng báo chí Tòa Thánh này còn có các vị giáo sư và các nhà tâm thần trên khắp thế giới, trong đó có cả ông Benedetto Saraceno, giám đốc phân bộ Bệnh Tâm Thần của cơ quan sức khỏe thế giới WHO (World Health Organization).

ĐHY chủ tịch cho biết là phân bộ của ngài có nhiệm vụ phải làm quen với những chứng bệnh của thời đại hiện nay, mà “một trong những chứng bệnh quan trọng là tâm trạng buồn chán. Chứng bệnh buồn chán này được xếp vào một trong những bệnh ‘sát hại’ chính của thời đại chúng ta”.

Căn cứ vào nhận định về một thứ văn hóa hiện đại “rỗng tuyếch giá trị, chạy theo phúc lợi và thoả mãn, lấy lợi lộc về kinh tế làm mục đích tối hậu”, ĐHY cho biết con người “vẫn không thể nào thoát khỏi ma quái tử thần”, mặc dù họ đạt được những tiến bộ về kỹ thuật và khám phá về khoa học. Nỗi buồn phiền và lo sợ bị hủy diệt vẫn chi phối họ. ĐHY xác nhận sự kiện chết là “một nguy hiểm gây ra sợ hãi có thể biến thành tâm trạng buồn chán dưới mọi hình thức. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng cần phải suy nghĩ sâu xa hơn về chứng bệnh này”.

Theo vị chủ tịch hồng y, trong cuộc hội nghị được chia làm 3 ngày này, chủ đề về tâm trạng buồn chán trong thế giới tân tiến hiện nay, ở ngày thứ nhất, sẽ được khảo sát bởi những bài trình bày qua những đề tài như: tâm trạng buồn chán giữa bồn chồn và bệnh nạn; tâm trạng buồn chán và tình trạng khủng hoảng đạo nghĩa; cuộc khủng hoảng tự tử; truyền thông và tình trạng căng thẳng tăng phát. Ở ngày thứ hai, các đề tài sẽ được bàn đến là: lịch sử của tâm trạng buồn chán; tâm trạng buồn chán, những qui chiếu luân lý chủ quan và khách quan; việc phủ nhận đau khổ; việc tìm kiếm phúc lợi bản thân; ý nghĩa về tâm trạng buồn chán và cảm giác bồn chồn theo quan điểm Do Thái, Hồi Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo. Vào ngày thứ ba, các đề tài còn lại là: việc tiếp nhận thành phần bị buồn chán nơi môi trường y khoa và y viện; vai trò của gia đình với tâm trạng buồn chán; vấn đề chăm sóc mục vụ và tâm linh cần cho thành phần bị buồn chán và nhu cầu chăm sóc mục vụ về đức tin Kitô giáo cùng lòng tin tưởng để sống.

Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Trạng Buồn Chán: lý do và phương dược cứu chữa

Trong phần mở đầu của hội nghị quốc tế về tâm trạng buồn chán hôm nay, Thứ Năm 13/11/2003, ĐHY José Saraiva Martins, chủ tịch Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh đã cho biết những hình thức liên quan đến tâm trạng buồn chán đã được Thánh Kinh đề cập đến:

“Buồn phiền, thiếu phấn khởi, giảm hoạt năng, khó ngủ, sút cân, cảm giác tội lỗi, ý nghĩ tự tử, muốn khóc” là những triệu chứng được thấy trong sách thánh. Nếu nhân loại học theo thánh kinh đã biết về hiện tượng của tâm trạng buồn chán này thì chúng ta có thể đặt vấn đề đâu là những câu trả lời cho vấn đề này từ sách thánh. Những câu trả lời ở nơi một số niềm xác tín nồng cốt như phương dược chữa trị, niềm xác tín đó là con người luôn được Thiên Chúa yêu thương và cảm mến, là Thiên Chúa hằng gần gũi họ, và thế gian không thù hằn họ mà là tốt lành với họ. Con người chịu đựng khổ đau hoan hưởng một vị thế ân huệ theo nhân loại học Thánh Kinh cũng như theo sứ điệp Kitô giáo. Thiên Chúa không quên lãng bệnh nhân, hơn thế nữa, họ còn là tâm điểm tình yêu thương cảm của Ngài”.

Cha Tony Anatrella, một nhà phân tâm và là một bác sĩ tâm thần ở Paris, đã cho biết “tâm trạng buồn chán hiện nay cho thấy một thực tại sâu xa hơn đang chiếm được chỗ đứng nơi nhân loại cũng như đang được bộc lộ bằng việc loại bỏ ý định muốn sống. Con người không buồn vì lý do nào ngoài bản thân mình, vì tình trạng bất ổn nội tâm và vì tình trạng con người không được hoàn trọn. Con người ngày nay cũng như ngày hôm qua cảm nghiệm được nhu cầu cần phải học yêu mến cuộc sống để hoàn trọn bản thân nơi nhân tính của mình cũng như để khám phá ra ý nghĩa nơi cuộc hiện hữu của họ”.

Hội Nghị Quốc Tế về Tâm Trạng Buồn Chán được kết thúc vào Thứ Bảy này đang chú trọng đến hai đề tài: “Ánh sáng đức tin nơi thế giới buồn chán” và “Những gì cần phải làm để thoát được ngõ cụt của tầm trạng buồn chán”
 

Huấn Dụ của ÐTC Gioan Phaolô II về Tâm Trạng Buồn Chán

Sáng Thứ Sáu, 14/11/2003, ĐTC đã tiếp các tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ 18, chủ đề về Tâm Trạng Buồn Chán, do Hội Đồng Tòa Thánh Về Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức tại Vatican, từ ngày 12-15/2003. Trong bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhận định và khuyến dụ như sau:

“Tình trạng lan tràn tâm trạng buốn chán đã trở thành một hiện tượng đáng lo ngại. Tính cách mỏng dòn của con người về tâm lý và tinh thần đã bộc lộ qua bệnh tật là những gì một phần nào đó đã bị gây ra bởi xã hội. Vấn đề quan trọng là cần phải nhận thức được những ảnh hưởng phát xuất từ những phổ biến của truyền thông trước quần chúng, những gì phát động cổ võ khuynh hướng hưởng thụ, khuynh hướng tìm thỏa mãn cấp thời cho hết mọi ước muốn của con người, khuynh hướng liên tục tìm kiếm những phúc lợi vật chất hơn nữa. Cần phải đưa ra những đường lối mới để hết mọi người có thể cải tiến tư cách của mình, bằng việc vun trồng đời sống thiêng liêng là nền tảng cho việc hiện hữu trưởng thành”.

Về thành phần phục vụ những ai lâm vào tâm trạng buồn chán, ĐTC khuyên rằng: “phải giúp cho họ tái nhận thức niềm tự tin của họ, niềm tin tưởng vào khả năng của họ, chú trọng đến tương lai, mong muốn được sống. Bởi thế, cần phải giúp đỡ thành phần bệnh nhân, làm cho họ cảm thấy tấm lòng êm ái của Thiên Chúa, giúp họ hội nhập vào cộng đồng đức tin và sự sống để họ cảm thấy được yêu thương, thông cảm, nâng đỡ, kính trọng, tức là yêu thương và được thương yêu”. Về phương diện thiêng liêng, ĐTC còn khuyên đọc và suy niệm các bài Thánh Vịnh, lần hạt Mân Côi, tham dự Thánh Lễ, “nguồn mạch của an bình nội tâm”.

ĐTC cũng nhấn mạnh là đối diện với hiện tượng của tâm trạng buồn chán, Giáo Hội và xã hội cần phải “nêu lên cho con người, nhất là cho giới trẻ, những mẫu gương và những kinh nghiệm giúp họ lớn lên về lãnh vực nhân bản, tâm lý, luân lý và thiêng liêng. Sự thiết hụt những điểm qui chiếu này sẽ chỉ làm suy yếu tư cách của họ, khiến họ nghĩ tất cả mọi hành vi cử chỉ đều có giá trị như nhau. Về khía cạnh này, vai trò của gia đình, học đường, phong trào giới trẻ và hiệp hội giáo xứ rất ư là cần thiết. Vai trò của các tổ chức công cộng cũng quan trọng nữa, trong việc bảo đảm những điều kiện sống xứng đáng, nhất là cho thánh phần bị bỏ rơi, bệnh tật và già lão. Cũng thế, cần phải có những qui chế cho giới trẻ, những qui chế hiến lý do hy vọng cho các thế hệ mới, cứu vãn họ khỏi cảm giác trống rỗng hay những nguy hiểm khác”.

 

Huấn Từ của ĐTC GPII cho Hội Đồng Hàn Lâm Các Khoa Học


Nhân dịp các phần tử của Hội Đồng Hàn Lâm Các Khoa Học của Tòa Thánh tụ họp ở Rôma cùng với các khoa học gia nổi tiếng trên thế giới, để mừng 400 năm thành lập hàn lâm viện này, ĐTC GPII đã ban cho họ huấn từ ngày Thứ Hai 10/11/2003 như sau:

Quí Phần Tử của Hội Đồng Hàn Lâm của Tòa Thánh về Các Khoa Học,

Hôm nay Tôi đặc biệt hân hoan chào mừng quí anh chị em nhân dịp chúng ta cử hành Mừng Đệ Tứ Bách Niên của Hội Đồng Hàn Lâm của Tòa Thánh về Các Khoa Học này. Tôi cám ơn giáo sư Nicola Cabibbo đã thay mặt anh chị em để bày tỏ những cảm tình nồng hậu đối với Tôi, và Tôi cũng xin tri ân cảm tạ cử chỉ ghi nhớ của anh chị em trong việc tưởng niệm Ngân Khánh Giáo Triều của Tôi.

The Accademia dei Lincei được Federico Cesi thành lập ở Rôma năm 1603 với sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Clement VIII. Vào năm 1847, cơ cấu này được Đức Piô IX phục hồi và vào năm 1936 được Đức Piô XI. Lịch sử của cơ cấu này gắn liền với lịch sử của nhiều Hàn Lâm Khoa Học khác khắp thế giới. Tôi hân hoan mừng đón các Vị Chủ Tịch cùng các vị đại diện của các tổ chức này, những vị đã thân thiện tham dự với chúng ta hôm nay, nhất là vị Chủ Tịch của Accademia dei Lincei.

Tôi lấy làm biết ơn nhớ lại nhiều cuộc hội ngộ chúng ta đã thực hiện trong 25 năm qua. Chúng là những cơ hội để tôi bày tỏ lòng cảm mến sâu xa của Tôi đối với những ai hoạt động nơi các lãnh vực khoa học khác nhau. Tôi đã thận trọng lắng nghe anh chị em, chia sẻ những quan tâm của anh chị em, và xứu xét những đề nghị của anh chị em. Để khích lệ hoạt động của anh chị em, Tôi đã nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng bao giờ cũng hiện diện nơi việc tìm kiếm chân lý. Tôi cũng đã xác nhận là việc nghiên cứu khoa học phải được hướng đến công ích của xã hội cũng như đến việc phát triển toàn vẹn các phần tử của xã hội.

Những cuộc qui hội của chúng ta cũng đã cho Tôi dịp để làm sáng tỏ những khía cạnh của tín lý Giáo Hội và đời sống liên quan đến việc nghiên cứu khoa học. Chúng liên kết trong cùng một ước mong sửa lại những hiểu lầm và thậm chí để chúng ta được soi dẫn bởi một Chân Lý duy nhất điều khiển thế giới và soi dẫn đời sống của tất cả mọi con người nam nữ. Tôi càng ngày càng thâm tín rằng chân lý về khoa học, một thứ chân lý tự nó được tham phần vào Sự Thật thần linh, có thể giúp cho triết lý và thần học hiểu hoàn toàn hơn về con người cũng như Mạc Khải của Thiên Chúa về con người, một Mạc Khải được hoàn tất và nên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô. Cùng với toàn thể Giáo Hội, Tôi hết sức biết ơn về việc làm cho nhau phong phú quan thiết ấy trong việc tìm cầu chân lý và lợi ích cho nhân loại.

Hai đề tài anh chị em đã chọn cho cuộc họp của anh chị em đây liên quan đến những khoa học sự sống, nhất là đến chính bản tính của sự sống con người. Đề tài thứ nhất, Trí Khôn, Khối Óc và Giáo Dục, đã làm cho chúng ta chú ý tới tính cách phức tạp của sự sống con người cũng như vai trò trổi vượt của sự sống con người trên các hình thức sự sống khác. Khoa thần kinh hệ và khoa thần kinh thể lý học, qua việc học hỏi những tiến trình của hóa chất và sinh thể nơi não bộ, góp phần rất nhiều vào việc hiểu biết sinh hoạt của nó. Thế nhưng việc học hỏi về trí khôn con người bao gồm những gì ngoài những dữ kiện khả giác hợp với các khoa học về thần kinh. Kiến thức về con người không phải chỉ phát xuất từ trình độ quan sát và phân tích theo khoa học mà còn từ mối liên hệ giữa việc học hỏi theo kinh nghiệm và hiểu biết theo suy tư nữa.

Chính các khoa học gia nhận thấy nơi việc học hỏi trí khôn con người mầu nhiệm của một thứ chiều kích thiêng liêng vượt trên cái tính chất vật lý về não óc và hướng dẫn tất cả mọi hoạt động của chúng ta là những hữu thể tự do và tự lập, có khả năng chịu trách nhiệm và yêu thương, và được đánh dấu bằng phẩm giá. Điều này được nhận thấy nơi sự kiện là anh chị em đã quyết định nới rộng việc nghiên cứu của mình bao gồm cả các khía cạnh học biết và giáo dục là những hoạt động nhân bản riêng biệt. Bởi thế mà những vấn đề cứu xét của anh chị em không phải chỉ chú trọng tới sự sống về sinh lý chung cho tất cả mọi sinh vật, mà còn bao gồm cả hoạt động dẫn giải và thẩm lượng về trí khôn con người nữa.

Các khoa học gia ngày nay thường nhìn nhận là cần phải tiếp tục phân biệt giữa trí khôn và khối óc, hay giữa con người tác hành theo tự do với những yếu tố về sinh lý là những gì bảo trì lý trí và khả năng học hiểu. Nơi sự phân biệt này, một sự phân biệt không phải là phân rẽ, chúng ta có thể thấy được nền tảng của chiều kích thiêng liêng xứng hợp với con người được Mạc Khải thánh kinh cho thấy như là một mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa Hóa Công (x Gen 2:7), Đấng mà hết mọi con người nam nữ được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài (x. Gn 2:26-27).

Đề tài thứ hai của cuộc anh chị em gặp gỡ nhau liên quan đến Kỹ Thuật Tế Bào Thân với Những Thứ Trị Liệu Mới Mẻ Khác. Việc nghiên cứu về ngành này đã phát triển rõ ràng tầm quan trọng của nó trong những năm gần đây vì niềm hy vọng nó cống hiến trong việc chữa trị những bệnh nạn ảnh hưởng đến nhiều người. Có lần Tôi đã nói rằng các tế bào thân cho mục đích thí nghiệm hay chữa trị không thể lấy từ mô sợi của bào thai con người. Trái lại, Tôi đã khuyến khích việc nghiên cứu về mô sợi con người thành nhân hay mô sợi dư thừa đối với việc phát triển bình thường của bào thai. Bất cứ trị liệu nào cho rằng cứu mạng con người, song lại dựa vào việc hủy diệt sự sống con người trong tình thai phôi thai, đều là những gì trái nghịch về luận lý và luân lý, như nơi việc sản xuất ra các bào thai con người với mục đích trực tiếp hay gián tiếp làm thí nghiệm hay hủy diệt đi từ từ.

Quí bạn vị vọng, trong khi lập lại lời cám ơn của Tôi về việc anh chị em trợ giúp sáng giá, Tôi xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho anh chị em và gia đình của anh chị em. Chớ gì hoạt động khoa học của anh chị em mang nhiều hoa trái và chớ gì các hoạt động của Hàn Lâm Viện của Tòa Thánh về Các Khoa Học tiếp tục phát động kiến thức về chân lý và đóng góp vào việc phát triển tất cả mọi dân tộc.

ĐTC GPII: Vai Trò Làm Chính Trị và một Tân Âu Châu

Hôm Thứ Sáu 7/11, ĐTC đã tiếp 200 tham dự viên của khóa học hỏi do Tổ Chức Robert Schuman tổ chức, và đã nhắn nhủ họ như sau:

“Là những Kitô hữu tham gia vào sinh hoạt công chúng, anh chị em đã cùng nhau tụ họp lại để suy tư về những khía cạnh đang hiện lên trước mặt Âu Châu”, bao gồm cả việc xây dựng một “tân” Âu Châu, một việc xây dựng “nhắm đến việc tìm một mức độ quân bằng xứng hợp giữa vai trò của Khối Hiệp Nhất Âu Châu với vai trò của các quốc gia hội viên, và giữa những thách đố không thể tránh gây ra bởi vấn đề toàn cầu hóa cho châu lục này với việc tôn trọng những chuyên biệt về lịch sử và văn hóa của nó, với những căn tính quốc gia và tôn giáo nơi dân chúng của nó, và với những đóng góp riêng biệt của mỗi quốc gia phần tử”. Thế nhưng, theo ĐTC, “để thực hiện được điều này, Âu Châu cần phải nhìn nhận và bảo trì gia sản quí giá nhất của mình, làm nên bởi những thứ giá trị phải và tiếp tục bảo đảm tầm ảnh hưởng của nó trong lịch sử văn minh… Nhiều căn gốc văn hóa đã giúp vào việc liên kết các thứ giá trị này, nhưng không thể chối cãi được rằng Kitô giáo đã là một tác lực phát động, hòa giải và đúc kết chúng. Vì lý do ấy mà theo lý bản hiệp ước hiến pháp Âu Châu sau này, một bản văn nhắm đến việc ‘hiệp nhất trong đa diện’, phải đề cập một cách minh nhiên các thứ căn gốc Kitô giáo của châu lục này. Một xã hội quên đi quá khứ của mình là một xã hội đi đến nguy cơ không thể đối đầu với hiện tại, tệ hơn nữa, còn trở nên nạn nhân của tương lai nữa!”

“Vế vấn đề này, Tôi hoan hỉ nhận thấy rằng nhiều người trong anh chị em đến từ các xứ sở đang sửa soạn gia nhập Khối Hiệp Nhất này, những xứ sở Kitô giáo thường có được những trợ giúp quyết liệt trên con đường tiến đến tự do. Theo quan điểm này, anh chị em cũng có thể dễ dàng thấy thật là bất công đối với Âu Châu ngày nay trong việc giấu diếm che đậy đi việc đóng góp then chốt của Kitô hữu trong việc sụp đổ của những chế độ đàn áp cũng như trong việc xây dựng một nền dân chủ chân chính”.

“Những phiền trách thường tỏ ra về sinh hoạt chính trị cũng không biện minh được cho thái độ ngờ vực xa lánh của người Công Giáo, thành phần đáng lẽ có nhiệm vụ phải lãnh nhận trách nhiệm đối với phúc hạnh của xã hội”.

ĐTC GPII với Khóa Hàn Lâm Viện Tòa Thánh Thứ Tám về Ký Ức Lịch Sử Xây Dựng Tương Lai

Vào ngày Thứ Năm 6/11, nhân dịp khóa thứ tám của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh, ĐTC đã gửi một sứ điệp đề ngày 3/11 cho ĐHY Paul Poupard, chủ tịch Hội Đồng Điều Hợp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh. Trong sứ điệp của mình, ĐTC đã viết:

“Đề tài ‘Các Vị Tử Đạo và Những Tượng Đài Tưởng Nhớ Các Vị, Những Tảng Đá Sống Dựng Xây Âu Châu’ đã cho thấy một cái then chốt để hiểu được cái biến chuyển của lịch sử chúng ta đang trải qua ở Âu Châu. Tức là chúng ta cần phải khám phá ra cái liên hệ sâu xa giữa lịch sử của ngày hôm qua và ngày hôm nay, giữa chứng từ phúc âm được thực hiện bởi rất nhiều con người nam nữ ở các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo cùng với những chứng từ ở thời đại chúng ta đây vẫn được nhiều người tin tưởng vào Chúa Kitô tiếp tục cống hiến cho thế giới để tái xác nhận tính cách tối thượng nơi Phúc Âm Chúa Kitô cũng như nơi Đức Ái của Người. Nếu không còn việc tưởng nhớ các Kitô hữu đã hiến sứ sống mình cho đức tin của các vị thì thế hệ tân tiến với những dự phóng và mơ tưởng của mình sẽ mất đi một yếu tố quí báu, vì các giá trị nhân bản và tôn giáo không còn được hỗ trợ bởi chứng từ cụ thể được biểu hiện nơi lịch sử nữa… Cùng với tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm, Kitô hữu được kêu gọi để xây dựng một ‘ngôi nhà chung’ thực sự, một ngôi nhà không phải chỉ là một lâu đài về chính trị và kinh tế mà còn là một ‘ngôi nhà’ đầy những ký ức, giá trị và những chất chứa linh thiêng. Những giá trị này đã tìm thấy và tiếp tục tìm thấy nơi Thập Giá là biểu hiệu hùng hồn thể hiện chúng và diễn đạt chúng”.

Cuối sứ điệp của mình, ĐTC ủy thác cho ĐHY chủ tịch việc trao giải thưởng hàn lâm của Tòa Thánh năm nay cho nữ sinh Girseppina Cipriano viết đề tài “Những Lăng Tẩm của Cuộc Xuất Hành và Hòa Bình ở Nghĩa Trang El-Bagawat. Những Suy Tư về Nguồn Gốc Kitô Giáo ở Ai Cập”, cũng như trao huy chương cho nữ sinh Sara Tamarri viết đề tài “Hình Ảnh Bức Tranh Con Sư Tử từ Hậu Cổ Thời tới Trung Thời”. ĐTC đã chúc mừng những nữ sinh này về công trình văn học của họ, “những công trình đề cao giá trị của cái gia sản về khảo cổ học, về phụng vụ cũng như về lịch sử, những gia sản mà văn hóa Kitô giáo vẫn nặng nợ và là những gia sản văn hóa Kitô giáo vẫn rút tỉa được những yếu tố về nhân bản chân thực”.

ĐTC với Đại Hội Thánh Bộ Truyền Giáo: Việc Huấn Luyện ở các vùng truyền giáo

Trưa hôm nay, Thứ Hai 26/5, Đức Thánh Cha đã tiếp các tham dự viên Đại Hội của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, một cuộc đại hội bàn đến chủ đề “việc huấn luyện ở các vùng truyền giáo”. Trong bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc huấn luyện để tạo nên những nhà thừa sai có khả năng và thánh đức.

“Việc huấn luyện đầy đủ là một việc cần thiết để có được những nhà truyền bá phúc âm hóa có khả năng và thánh đức sống đúng vơiùi tầm mức sứ vụ truyền giáo của họ. Việc huấn luyện này bao gồm một tiến trình lâu dài và thận trọng, một tiến trình làm cho những học hỏi về thánh kinh, thần học, triết lý và mục vụ được vững vàng trong mối liên hệ riêng tư giữa con người với Chúa Kitô ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’. Giáo Hội, nhất là ở những xứ truyền giáo, cần có những con người được sửa soạn để phục vụ Phúc Âm một cách tự do và quảng đại, sẵn sàng vì Phúc Âm cổ võ những giá trị công lý và hòa bình, phá đổ hết mọi chướng ngại về văn hóa, chủng tộc, chi tộc và giòng tộc, có khả năng nhận ra ‘những dấu chỉ thời đại’ và khám phá ra ‘những mầm mống Lời Chúa’, không chấp nhận cắn xén hay chủ trương tương đối. Bởi thế, những con người này trước hết phải là ‘những chuyên gia’ và phải ‘say yêu’ Thiên Chúa… Cùng với việc sống thân mật với Chúa Giêsu, còn cần phải làm sao để liên lỉ lớn lên trong tình yêu mến và phục vụ Giáo Hội nữa”.

Đó là lý do, ĐTC kêu gọi riêng linh mục “được kêu gọi, bằng đời sống tu đức của mình, tái diễn tình yêu của Chúa Kitô, Vị Phu Quân của Giáo Hội là hiền thê của Người”. ĐTC cũng ngỏ lời cám ơn những ai “đang dấn thân cho công việc giáo dục ở các vùng truyền giáo”. Ngài kết bài hujấn từ của mình bằng việc nhắc lại vô số “những chủng sinh, linh mục, nữ tu, nam tu và giái dân ở các vùng truyền giáo đang cố gắng hoàn tất chương trình huấn luyện của họ tại các đại học hay trung tâm ở Rôma đây, những người lệ thuộc vào phân bộ của anh em”.

 

ĐTC ban huấn từ cho Viện Giáo Hoàng Về Các Khoa Học Xã Hội: Vấn Đề Toàn Cầu Hóa

Sáng Thứ Sáu 2/5/2003, ĐTC đã gặp gỡ các phần tử của Viện Giáo Hoàng này trong đại hội lần thứ chín của họ tại Rôma. Căn cứ vào chủ đề của cuộc đại hội này là “Việc Quản Trị của Vấn Đề Toàn Cầu Hóa”, ĐTC đã nói với họ là Ngài hy vọng rằng hoạt động của họ “sẽ giúp vào việc làm sao để vấn đề toàn cầu hóa có thể được hướng dẫn và điều hành một cách tốt đẹp nhất cho thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại”.

Ngài đã mở đầu bài huấn từ bằng tiếng Anh của mình bằng việc nói rằng “các tiến trình, nhờ đó giúp vào việc trao đổi và tuần hoàn vốn liếng, sản vật, tín liệu, kỹ thuật và kiến thức khắp thế giới ngày nay, thường vượt khỏi các thứ hệ thống cổ truyền của việc kiểm soát thông thường là những gì thuộc phạm vi của chính quyền toàn quốc và các cơ quan quốc tế. Những lợi lộc đặc biệt và những đòi hỏi của thị trường thường làm chủ chi phối mối quan tâm về công ích. Chiều hướng này khiến cho các phần tử yếu kém hơn trong xã hội không được bảo vệ một cách đầy đủ và có thể bắt cả nhiều dân tộc và văn hóa phải gay go đối chọi để sống còn. Ngoài ra, thật là buồn khi chứng kiến thấy một thứ toàn cầu hóa làm cho điều kiện sống của thành phần thiếu thốn trở nên tệ hơn nữa, một thứ tòan cầu hóa không góp phần một cách đầy đủ trong việc giải quyết những tình trạng của thành phần đói khổ, bần cùng và chênh lệch xã hội, một thứ toàn cầu hóa không bảo toàn môi trường thiên nhiên. Những khía cạnh này của vấn đề toàn cầu hóa có thể gây ra những phản ứng cực đoan, đưa tới khuynh hướng quốc gia quá khích, tới tình trạng cuồng tín và thậm chí tới những hành động khủng bố”.

“Tất cả những điều ấy hoàn toàn xa lạ với những quan niệm về một thứ toàn cầu hóa biết luân thường đạo lý có khả năng đối xứ với tất cả mọi dân tộc như những bằng hữu bình đẳng chứ không phải như những phương tiện thụ động. Việc toàn cầu hòa tự bản chất không có vấn đề gì cả. Mà là những khó khăn xẩy ra do bởi thiếu những đường lối hoạt động hiệu nghiệm để lái nó đi đúng hướng… Mục tiêu này sẽ bất khả đạt nếu không được hướng dẫn bởi cộng đồng quốc tế cũng như không có qui tắc đầy đủ trong việc thiết định về chính trị thế giới. Thật vậy, trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2003, Tôi đã nhận định là đây là thời điểm ‘cùng nhau hoạt động cho một tổ chức hiến định mới của gia đình nhân loại’, một tổ chức giữ vai trò đáp ứng những đòi hỏi mới của một thế giới được toàn cầu hóa. Điều này không có nghĩa là để tạo nên một ‘siêu Quốc toàn cầu’, mà là để tiếp tục những tiến trình vốn đang diễn tiến”.

Viện Giáo Hoàng Về Các Khoa Học Xã Hội do ông Edmond Malinvaud thuộc Viện Quốc Gia Thống Kê và Nghiên Cứu Kinh Tế ở Paris làm chủ tịch. Đại hội lần chín của viện này với sự có mặt của gần đầy đủ 35 thành viên trên khắp thế giới. Theo bản thông báo của viện này thì nó “được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập từ năm 1994, với mục đích phát động việc nghiên cứu và sự tiến bộ của các ngành khoa học về xã hội, kinh tế, chính trị và luật pháp, nhờ đó cung cấp cho Giáo Hội những yếu tố hữu ích để Giáo Hội học hỏi và khai triển sâu rộng hơn vấn đề giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Sau khi bàn kỹ hai vấn đề quan trọng, trước hết là vấn đề lao động và công ăn việc làm vào những phiên họp trong các năm 1996, 1997 và 1999, rồi tới vấn đề dân chủ vào những phiên họp trong càc năm 1998 và 2000, viện này đã bắt đầu cứu xét đến vấn đề toàn cầu hóa”. Cũng theo bản thông báo thì đề tài toàn cầu hóa rất hợp với Đức Thánh Cha, vì vào năm 1997, Ngài đã nói với các phần tử của viện này như sau:

Chúng ta phải nhìn nhận rằng trong lãnh vực của một thứ kinh tế ‘được toàn cầu hóa’, thì qui luật về luân thường đạo lý và pháp luật của thị trường, khách quan mà nói, lại càng trở nên khó khăn hơn. Thật vậy, các hoạt động chính trị của các quốc gia riêng biệt không đủ để ứng dụng nó một cách hiệu nghiệm; bởi thế, cần phải thực hiện một cuộc trao đổi giữa các cường quốc, cũng như cần phải củng cố một trật tự dân chủ thế giới, với những cơ cấu cho thấy bình đẳng nhau về tất cả mọi lợi lộc của toàn thể gia đình nhân loại”.

Đại hội được khai mạc vào buổi sáng với ĐTGM Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý Và Hòa Bình của Tòa Thánh. Buổi chiều được giành để các vị chuyên viên về luật pháp chia sẻ quan điểm của mình, dưới quyền chủ tọa của giáo sư luật ở Đại Học Harvard, Mary Ann Glendon. Sáng Thứ Bảy, 3/5, chia sẻ về các quan điểm luân thường đạo lý và triết học, và buổi chiều chú trọng tới quan điểm của các nhà xã hội học. Quan điểm về khoa học sẽ được tái nghiên cứu vào chiều Thứ Hai 5/5. Ngày cuối cùng, sáng 6/5, tới quan điểm của các nhà kinh tế học, và đại hội đúc kết các quan điểm về đề tài được nêu lên và bàn đến.

 

Đức Thánh Cha nói với các vị thẩm phán của Tòa Hôn Phối Rôma về cuộc khủng hoảng hôn nhân

Khi gặp gỡ các vị thẩm phán của Tòa Hôn Phối Rôma Thứ Năm 30/1/2003, ĐTC đã nhận định cuộc khủng hoảng của hôn nhân gia đình là cuộc khủng hoảng liên quan đến ý nghĩa về Thiên Chúa, đến vấn đề yêu thương.

“Tâm thức ngày nay, bị tục hóa nặng nề, có khuynh hướng công nhận những giá trị nhân bản của cơ cấu gia đình bằng việc tách lìa những giá trị nhân bản này khỏi những giá trị tôn giáo và tuyên bố tất cả những giá trị ấy đều biệt lập khỏi Thiên Chúa. Được thu hút bởi những lối sống rất thường hay được các phương tiện truyền thông xã hội đề ra, vấn đề được đặt ra là: ‘Tại sao người ta phải luôn luôn trung thành với người phối ngẫu của mình chứ?’ Và câu hỏi này trở thành một mối ngờ vực về cuộc sống trong những trường hợp nghiêm trọng. Những khó khăn của đời sống vợ chồng có thể do nhiều loại khác nhau, nhưng tất cả cuối cùng đều phát xuất bởi vấn đề yêu thương. Bởi thế, vấn đề được đặt ra vừa rồi cần phải được đặt lại như sau: Tại sao người ta luôn luôn phải yêu người khác, ngay cả khi có nhiều động lực, dường như có lý, thúc đẩy con người lìa bỏ người khác? Có nhiều câu trả lời, trong đó chắc chắn sự thiện ích của con cái cũng như thiện ích của toàn thể xã hội là những lý do rất mạnh. Thế nhưng, câu trả lời sâu xa nhất trước hết là nhờ ở việc nhận biết tính cách khách quan của vai trò làm vợ làm chồng, một vai trò thể hiện qua việc hiến thân cho nhau, một vai trò được trở thành khả dĩ và bảo đảm bởi chính Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao lý do tối hậu cho phận sự phải trung thành yêu thương nhau không là gì khác hơn là căn cứ vào nền tảng Giao Ước Thiên Chúa ký kết với con người, ở chỗ Thiên Chúa thủy chung! Bởi thế, để hết lòng trung thành với người phối ngẫu của mình, cho dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, con người phải kêu xin Thiên Chúa, tin tưởng sẽ lãnh nhận ơn trợ giúp của Ngài. Cuộc khủng hoảng liên quan đến ý nghĩa về Thiên Chúa cũng như đến ý nghĩa của sự dữ và sự thiện luân lý đã có tác dụng làm mờ ám đi kiến thức về những nền tảng của chính hôn nhân cũng như của gia đình được xây dựng trên hôn nhân”.

Huấn Từ của ĐTC với tham dự viên ngày học hỏi kỷ niệm 20 năm ban hành bộ Giáo Luật

Ngày học hỏi này được Hội Đồng Tòa Thánh Về Các Bản Luật Pháp tổ chức vào ngày Thứ Sáu 24/1/2003. ĐTC đã ban huấn từ cho các vị vào buổi sáng hôm nay như sau:

“Hai mươi năm qua đã đánh dấu việc Giáo Hội cần đến Bộ Tân Giáo Luật này. May mắn thay, cuộc tranh luận về luật lệ giờ đây đã được vượt qua. Tuy nhiên, cũng không nên ngây thơ bỏ qua những gì còn lại cần phải được thực hiện để củng cố một nền văn hóa giáo luật tài phán trong những hoàn cảnh hiện nay của lịch sử, cũng như củng cố phương thức giáo hội chú trọng đến khía cạnh mục vụ nội tại nơi các khoản luật của Giáo Hội”.

Ý định viết lên một Bộ Giáo Luật mới là để cho các vị mục tử cũng như tín hữu có được “một phương tiện chuẩn mực rõ ràng liên quan đến những khía cạnh chính yếu của lãnh vực tài phán. Tuy nhiên, thật là đơn sơ và lầm lẫn khi nhìn luật lệ của Giáo Hội chỉ như là một thứ tổng hợp những bản văn về pháp luật liên quan đến cái nhìn có tính tích cực về luật pháp. Các qui tắc giáo luật được chi phối bởi một thực tại còn trổi vượt hơn chính những qui tắc ấy nữa. Bộ mới của Giáo Luật – và tiêu chuẩn mới này cũng có giá trị cho cả Bộ Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông Phương – phải được giải thích và áp dụng theo cái nhìn thần học ấy. Có thế mới tránh được một số những suy diễn lệch lạc làm yếu kém đi khoa giáo luật và phương thức giáo luật, làm chúng xa lìa khỏi chân trời giáo hội chân thực của chúng. Điều này hiển nhiên có thể xẩy ra đặc biệt là lúc qui tắc giáo luật được đem ra phục vụ cho những xu lợi xa lạ với đức tin và nền luân lý Công Giáo”.

ĐTC cảnh giác về một thứ “khuynh hướng suy diễn nguy hiểm trong việc cố gắng giải thích và áp dụng các khoản luật của Giáo Hội tách lìa khỏi tín lý của Huấn Quyền. Nếu điều này xẩy ra thì những tuyên bố về tín lý sẽ không còn giá trị buộc phải tuân giữ nữa mà chỉ cần phải nhìn nhận duy có những tác động pháp luật chính thức mà thôi”. Tuy nhiên, Ngài tiếp tục nói: “Khía cạnh tài phán, vì gắn liền sâu xa về thần học với các thực tại của Giáo Hội, vẫn có thể trở thành đối tượng thuộc các giáo huấn của huấn quyền, kể cả những giáo huấn tối hậu nữa”.

ĐTC vạch ra “những khía cạnh mới quan trọng nhất” của cả hai bộ Giáo Luật đó “là qui tắc hai bản văn này ghi nhận về các nhiệm vụ và quyền lợi của người tín hữu”. Theo ĐTC khía cạnh cá nhân ấy giúp cho người ta “hiểu hơn nữa về việc phục vụ riêng biệt và bất khả thay thế mà hàng giáo phẩm của Giáo Hội cần phải tỏ ra nhận biết và bảo vệ các quyền lợi của cá nhân cũng như cộng đồng trong Giáo Hội”. ĐTC nhắc nhở tham dự viên đang nghe Ngài là các khoản luật lệ, các phương thức và các việc trừng phạt theo giáo luật “như thế mới có một ý nghĩa thực sự, một ý nghĩa mục vụ chuyên chính về mục vụ”, một việc phục vụ, như Ngài kết luận, “đôi khi có thể bị hiểu lầm và gặp khó khăn, ở chỗ, chính lúc ấy nó lại càng cần phải làm sao để đề phòng những quyết định có thể gây ra, và thậm chí có thể vô tình thiên về những gì thực sự bất công”.