Với các phân bộ của Tòa Thánh

 

2002

 

 

 

ĐTC Gioan Phaolô II nói về Giáo Xứ với Đại Hội của Hội Đồng Tòa Thánh Phụ Trách Giáo Dân


Hôm Thứ Bảy 23/11/2002, ngày kết thúc tuần Đại Hội ở Rôma của Hội Đồng này, một đại hội bàn đến chủ đề “Cần phải tiếp tục cuộc hành trình được bắt đầu từ Chúa Kitô, tức từ Thánh Thể”, ĐTC đã nhấn mạnh đến vấn đề Giáo Xứ như sau:


“Cộng đồng giáo xứ là tâm điểm của sinh hoạt phụng vụ; nó là một nơi đặc biệt cho vấn đề giáo lý và việc truyền dạy đức tin. Hành trình của việc khai tâm và đào luyện tất cả mọi người Công Giáo đều diễn ra tại giáo xứ. Thật là can hệ đối với việc tái cảm nhận được cái giá trị và tầm quan trọng của giáo xứ như là một nơi truyền đạt những gì chất chứa nơi truyền thống Công Giáo. Nhiều người đã được rửa tội, một phần nào nó, vì ảnh hưởng của những trào lưu suy đồi hóa Kitô giáo mãnh liệt, dường như đã bị thất lạc đi cái di sản đạo giáo này. Đức tin thường bị loại trừ trong nhiều đoạn đời và mảnh đời. Chủ nghĩa tương đối có khuynh hướng nuôi dưỡng những thái độ bừa bãi liên quan tới những gì được chất chứa nơi tín lý và luân lý của Công Giáo, những điều được chấp nhận hay bị loại trừ tùy theo ý thích chủ quan hay độc đoán. Theo chiều hướng ấy, đức tin nhận lãnh không còn được sống như là một quà tặng thần linh nữa, như là một cơ hội đặc biệt để phát triển về nhân bản và Kitô giáo nữa, như là một biến cố cho một đời sống ý nghĩa và một đời sống hoán cải nữa. Chỉ có đức tin được cắm rễ sâu vào đời sống bí tích của Giáo Hội, một đức tin được uống từ những nguồn Lời Chúa và Truyền Thống, một đức tin được trở thành một đời sống mới và trở thành thứ khôn sáng mới cho thực tại, mới có thể làm cho người chịu phép rửa có thể chống lại một cách hiệu nghiệm hơn nữa cái ảnh hưởng của một thứ văn hóa tục hóa đang thịnh hành”.


Việc khai tâm và đào luyện được thực hiện nơi giáo xứ ấy phải đạt đến tuyệt đỉnh của mình nơi mối liên hệ của người Kitô hữu với bí tích Thánh Thể, một hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Thể “làm cho việc chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô tăng thêm, tách rời chúng ta khỏi tội lỗi và bảo trì chúng ta khỏi sa ngã phạm tội, thắt chặt những mối giây bác ái, bảo trì những nỗ lực của chúng ta trong suốt cuộc hành trình đời sống, cho phép chúng ta được tiên hưởng vinh quang giành cho chúng ta”. Bằng việc tham dự vào việc cử hành Thánh Thể người Công Giáo, ĐTC tiếp, “hiến dâng cuộc sống của họ, như những cảm xúc và khổ đau của họ, đời sống hôn nhân và gia đình của họ, hoạt động và những việc dấn thân của họ trong xã hội, như một của lễ thiêng liêng làm vui lòng Chúa Cha, nhờ đó họ thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa… Vấn đề quan trọng là vấn đề được bắt đầu từ Chúa Kitô, tức từ Thánh Thể, với tất cả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm này”.

ĐTC ban huấn từ cho các Nghị Viên tham dự Đại Hội của Thánh Bộ Về Giáo Hội Đông Phương

"Thật vậy, mỗi một cộng đồng giáo hội riêng biệt không được thu mình vào việc nghiên cứu những vấn đề nội bộ của mình mà thôi. Trái lại, họ phải hướng về những chân trời rộng lớn của việc tông đồ hiện đại nhắm đến con người của thời đại chúng ta đây, nhất là đối với giới trẻ, với người nghèo và thành phần ‘xa lìa’

Ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Thứ Năm 21/11/2002, ĐTC đã gặp 65 vị đại diện tham dự đại hội này. Trong huấn từ của mình, ĐTC đề cập đến ba vấn đề, đó là vấn đề hoạt động của Thánh Bộ này trong 4 năm qua, việc chọn lựa các vị giám mục cho các Giáo Hội thượng và tình trạng của các Giáo Hội Đông Phương.

Về vấn đề thứ nhất, Ngài nhấn mạnh là “vấn đề ưu tiên về việc thánh bộ này canh tân phụng vụ và giáo lý cũng như huấn luyện các phần tử khác nhau của Dân Chúa được nhắm vào những ứng viên lãnh nhận chức thánh và sống đời tận hiến”.

Về vấn đề thứ hai, vấn đề về cách thức chọn lựa giám mục, ĐTC nói: “Tôi lấy làm vui mừng cứu xét những dự thảo của Qúi Huynh về những qui chuẩn hiện hành của Bộ Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương. Dù sao đi nữa, khi Tòa Thánh biết được có những khó khăn trong việc áp dụng những qui chuẩn giáo luật này thì Tòa Thánh sẽ làm hết sức để giúp vào việc thắng vượt những khó khăn ấy bằng một tinh thần tích cực hợp tác”.

Về vấn đề thứ ba, vấn đề về tình trạng của Giáo Hội Đông Phương và những chiều hướng canh tân mục vụ của các Giáo Hội này, ĐTC chia sẻ Ngài đã quá biết những khó khăn các cộng đồng Đông Phương này gặp phải ở nhiều nơi: “với một số ít người, thiếu phương tiện, bị cô lập, và là một cộng đồng thường gặp trở ngại trong vấn đề chăm sóc mục vụ về giáo dục và bác ái một cách yên hàn và hiệu nghiệm. Thêm vào đó lại còn liên tục xẩy ra việc di tản sang Tâp Phương của các phần tử có khả năng nhất nơi các Giáo Hội. Và phải nói sao về nỗi khổ đau xẩy ra ở Thánh Địa cũng như ở các quốc gia Đông Phương khác, nỗi khổ đau quằn quại trong một cơn lốc nguy hiểm dường như không thể chấm dứt? Chớ gì Thiên Chúa chấm dứt trần cuồng phong bạo lực này sớm bao nhiêu có thể!”. ĐTC đã kêu gọi hòa bình qua sự cầu bầu của Vị Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII, Vị “đã sống nhiều năm ở Tây Phương và đã yêu quí các Giáo Hội Đông Phương rất nhiều… Chớ gì Ngài cũng cầu bầu để các Giáo Hội này không tự giam hãm mình nơi những lối đường của quá khứ cũng như để các Giáo Hội ấy cởi mở trước một viễn ảnh mới tích cực, như chính Ngài đã mong muốn theo chiều hướng khôn ngoan hòa hợp giữa tân thời và truyền thống ‘nova et vetera’. Thật vậy, mỗi một cộng đồng giáo hội riêng biệt không được thu mình vào việc nghiên cứu những vấn đề nội bộ của mình mà thôi. Trái lại, họ phải hướng về những chân trời rộng lớn của việc tông đồ hiện đại nhắm đến con người của thời đại chúng ta đây, nhất là đối với giới trẻ, với người nghèo và thành phần ‘xa lìa’”. ĐTC cũng xin Mẹ Maria gìn giữ che chở phần tử của các cộng đồng Đông Phương từ Trung Đông đến Phi Châu và từ Âu Châu đến Ấn Độ này (với 5 truyền thống chính là Alexandria, Antiochia, Armenia, Chaldean và Constantinopoli), “nhất là những cộng đồng ở Thánh Địa và Iraq, những cộng đồng đang trải qua những giây phút khốn khó đầy những đau thương”.

ĐTC ngỏ lời với Hội Nghị của Viện Giáo Hoàng Về Khoa Học

 

"Nếu quyền tự lập hợp pháp của khoa học được bảo vệ khỏi áp lực về kinh tế và chính trị, nếu không chịu chiều theo những thứ áp lực của công kiến hay của tìm kiếm lợi lộc, nếu dấn thân vào việc nghiên cứu vô tư nhắm đến chân lý và công ích, thì cộng đồng khoa học mới giúp cho các dân tộc trên thế giới và mới có thể phục vụ họ một cách thích đáng nhất".


Ngày Thứ Hai 11/11/2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với 60 chuyên gia và khoa học gia tụ họp tại Vatican để bàn về vấn đề “Những Giá Trị Văn Hóa của Khoa Học”, một đề tài được đề nghị bởi giáo sư Werner Arber về vi trùng học ở Biozentrum thuộc Đại Học Basle, Thụy Sĩ, người đã được giải thưởng Nobel năm 1978. Viện Khoa Học này đang sửa soạn mừng 500 năm thành lập. Hội viên gồm có Gary Becker, giáo sư kinh tế tại Đại Học Chicago, Ahmed Hassan Sewail, giáo sư hóa học và vật lý ở Viện Kỹ Thuật California, và Antonio Zichichi, Chủ Tịch Liên Hiệp Khoa Học Gia Thế Giới. Đức Thánh Cha đã dùng Anh ngữ để nói với các nghị viên như sau:


“Khoa học tự nó là biểu hiệu cho một giá trị đối với kiến thức của loài người cũng như đối với cộng đồng nhân loại. Chính nhờ khoa học mà chúng ta ngày nay hiểu được hơn nữa về vị thế của con người trong vũ trụ, về những liên hệ giữa lịch sử của loài người với lịch sử của vũ trụ, … về tính cách phức hợp đáng kể cũng như tính cách điều hợp lạ lùng của chính những tiến trình của sự sống. Chính nhờ khoa học mà chúng ta mới có thể cảm nhận được hơn bao giờ hết điều một phần tử trong viện giáo hoàng về khoa học này đã gọi là ‘kỳ công của con người’. Đây là đầu đề được ông John Eccles, vị nhận giải thưởng Nobel năm 1963 về vấn đề thần kinh thể chất học, đã đặt cho cuốn sách viết về bộ óc và trí khôn của con người. Kiến thức này tiêu biểu cho một giá trị trổi vượt và sâu xa đối với toàn thể gia đình nhân loại, và nó có một tầm mức quan trọng khôn lường đối với những qui luật của thần học và triết lý… khi hai khoa học này tìm hiểu một cách hoàn toàn hơn nữa sự phong phú của kiến thức con người cũng như của mạc khải Thánh Kinh.


“Nếu triết lý và thần học ngày nay hiểu biết hơn quá khứ ý nghĩa của loài người trên thế gian này, thì hai khoa học này mắc nợ khoa học không ít về sự hiểu biết ấy. Bởi chính khoa học đã cho chúng ta thấy các hoạt động của thiên nhiên tạo vật man vàn và phức tạp đến đâu và cái bao la dường như vô tận của vũ trụ được tạo dựng này. Sự ngỡ ngàng bộc phát khơi nguồn cho những suy tư triết lý ban đầu này về thiên nhiên tạo vật cũng không suy giảm trước những khám phá khoa học mới mẻ. Trái lại, nó còn làm tăng thêm khi có một minh thức mới nào đó nẩy lên. Những loài có khả năng ngỡ ngàng theo thân phận tạo vật của mình đều được biến đổi khi chúng ta nắm được hoàn toàn chân lý và thực tại, khi chúng ta được thúc đẩy tìm kiếm sâu xa hơn trong lãnh vực cảm nghiệm và đời sống nhân loại.


“Bởi thế, các khoa học gia chính vì được biết nhiều hơn nên được kêu gọi để phục vụ hơn. Vì quyền được tự do nghiên cứu cho họ có được một kiến thức chuyên biệt, mà họ có trách nhiệm phải sử dụng nó một cách khôn ngoan cho thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại. Đến đây Tôi chẳng những nghĩ đến những nguy hiểm chất chứa trong một thứ khoa học làm hư hỏng nền luân thường đạo lý được xây dựng nơi bản tính của con người cũng như vào việc tôn trong môi trường sinh sống, những đề tài Tôi đã nhiều lần bàn đến trong quá khứ. Tôi cũng đang nghĩ đến những thiện ích lớn lao cả thể do khoa học có thể mang lại cho các dân tộc trên thế giới bằng những cuộc nghiên cứu cần thiết cũng như bằng những ứng dụng về kỹ thuật. Nếu quyền tự lập hợp pháp của khoa học được bảo vệ khỏi áp lực về kinh tế và chính trị, nếu không chịu chiều theo những thứ áp lực của công kiến hay của tìm kiếm lợi lộc, nếu dấn thân vào việc nghiên cứu vô tư nhắm đến chân lý và công ích, thì cộng đồng khoa học mới giúp cho các dân tộc trên thế giới và mới có thể phục vụ họ một cách thích đáng nhất.


“Vào lúc mở màn cho một tân thế kỷ này, các khoa học gia cần phải hỏi mình là về vấn đề này họ có thể làm gì hơn được nữa hay chăng. Trong một thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa hơn, liệu họ có thể làm hơn nữa để tăng thêm mức độ chỉ dẫn và cải tiến những điều kiện về sức khỏe, để nghiên cứu những phương thức phân phối quân bình hơn những nguồn lợi thiên nhiên, để làm cho việc tự do luân lưu tín liệu dễ dàng hơn nhờ đó mọi người có thể đạt được thứ kiến thức có thể cải tiến phẩm chất của đời sống và tăng thêm tiêu chuẩn sinh sống của con người chăng? Họ đã làm cho tiếng nói của họ vang vọng hơn nữa và có thế giá hơn nữa cho việc xây dựng hòa bình thế giới chưa?”


 

ĐTC ngỏ lời với hội nghị các ngành truyền thông và văn hóa


Hôm Thứ Bảy 9/11/2002, tại Vatican, ĐTC đã ban huấn từ cho hội nghị được Hội Đồng Giám Mục Ý phát động này, một hội nghị mấy ngày trước đã bàn đến đề tài: “Truyền Thông và Văn Hóa: Những Đường Lối Tân Thời cho Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa trong Ngàn Năm Thứ Ba”.


ĐTC nói những ai hoạt động trong các lãnh vực này được kêu gọi để “đọc và cắt nghĩa những thời điểm hiện đại và tìm cách để thông truyền Phúc Âm bằng ngôn ngữ và cảm nhận của con người đương thời”. Ngài thêm là ngành truyền thông cần “những người, với tặng ân đức tin, biết cắt nghĩa những vấn đề văn hóa hiện đại, bằng cách dấn thân sống kỷ nguyên truyền thông này không phải như một thời điểm xa biệt và thiên lệch mà là một thời điểm tuyệt vời trong việc tìm kiếm sự thật cũng như trong việc phát triển vấn đề hiệp thông nơi dân chúng và các phái nhóm khác nhau”. ĐTC thúc giục họ hãy nhìn lên Chúa Giêsu và hãy lắng nghe giáo huấn của Người “để việc loan truyền nhanh chóng của đường giây trời (antennae) ở trên mái nhà… được trở thành một dấu hiệu truyền thông đang phát triển trong việc phục vụ con người cũng như việc phát triển xã hội toàn diện. Chứng từ của tín hữu được thể hiện rộng lớn nơi thế giới truyền thông và văn hóa… Đó là nhiệm vụ của thành phần tín hữu giáo dân trong việc nêu gương sống nghề nghiệp chuyên môn và lương tâm Kitô hữu chân thực của họ. ĐTC xin những ai hoạt động trong lãnh vực truyền thông và đi làm văn hóa phải ý thức trách nhiệm của họ, “nhất là những người ít được bênh vực nhất, thành phần thường không được chỉ dẫn trong việc thưởng thức những trình chiếu bạo động và những trình chiếu cho thấy cái nhìn méo mó về con người, về gia đình cũng như về sự sống”. Vì lý do này, Ngài đã kêu gọi thẩm quyền dân sự và các hội đoàn phải bảo đảm để “truyền thông giữ được nguyên vẹn mục đích chính yếu của nó trong việc phục vụ dân chúng và xã hội”. Ngài kết luận: “Việc thiếu kiểm soát và tỉnh táo đề phòng không phải là việc bảo đảm cho vấn đề tự do như nhiều người đã làm cho những kẻ khác tin như thế, trái lại, nó sẽ đi đến chỗ phát động một cách bữa bãi việc sử dụng những khí cụ hết sức quyền năng mà, nếu được dùng một cách không thích đáng, sẽ làm phát sinh ra những hậu quả thiệt hại nặng nề cho lương tâm con người cũng như cho đời sống xã hội. Trong ngành truyền thông càng ngày càng trở nên phức tạp và nhiều hơn này cần phải có những điều chỉ dẫn rõ ràng và chính đáng, những chỉ dẫn bảo đảm được vấn đề đa dạng, tự do, tham dự của và cho thành phần sử dụng”.

 

“Căn Tính của các Tổ Chức Công Giáo Về Việc Chăm Lo Sức Khỏe”


ĐTGM Javier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Mục Vụ Chăm Lo Sức Khoẻ, hôm 6/11/2002, tại Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, đã trình bày cho biết về hội nghị quốc tế lần thứ 17 do phân bộ này tổ chức. Đề tài của hội nghị lần này là đầu đề trên đây. Hội nghị này sẽ kéo dài 3 ngày, từ 7-9/11/2002, tại Sảnh Đường Tân Synod ở Vatican. ĐTGM chủ tịch cho biết Giáo Hội Công Giáo đang điều hành 6.038 bệnh viện, 17.189 cấp cứu viện, 799 trại cùi, 13.238 trung tâm cho người già, yếu liệt và tật nguyền, 8.711 viện mồ côi, 10.368 trung tâm giữ trẻ, 10.565 trung tâm cố vấn gia đình, 18.789 trung tâm giáo huấn hay cải huấn xã hội, và 25.257 trung tâm thừa tác vụ chăm sóc sức khoẻ. Tổng cộng tất cả các tổ chức chăm sóc sức khoẻ của Công Giáo trên thế giới là 110.954. ĐTGM chủ tịch cũng cho biết có 34 chuyên viên từ các quốc gia khác nhau sẽ trình bày về hiện tình của các nhà thương Công Giáo và những thách đố về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, nhất là tôn giáo, đang xẩy ra ở Phi Châu, toàn Mỹ Châu, Á Châu, Âu Châu và Đại Dương Châu. Phần thứ hai của hội nghị sẽ là một cuộc tranh luận về các nguyên tắc luân lý, mục vụ và thần học chi phối các bệnh viện Công Giáo cũng như cho việc đối thoại trao đổi liên tôn với những người Do Thái, Hồi Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo. Phần thứ ba là phần cho các tham dự viên đặt vấn đề là họ có thể làm gì để cải tiến căn tính các bệnh viện Công Giáo cũng như để làm hoàn hảo những khía cạnh về kinh tế, xã hội, chính trị, tổ chức và điều hành. Sau cùng, tham dự viên sẽ cống hiến những giải pháp để làm cho nên tốt hơn những Hiệp Hội Quốc Tế Các Tổ Chức Công Giáo Chăm Sóc Sức Khoẻ cùng với khía cạnh đạo lý của Công Giáo, vì “đó là mục tiêu chính của cuộc hội nghị này của chúng tôi”.

 

Tại Sảnh Đường Phaolô VI sáng nay, ĐTC đã tiếp 700 tham dự viên của hội nghị lần 17 này. Ngài nói đề tài của hội nghị “có một tầm vóc quan trọng đối với sinh hoạt và sứ vụ của Giáo Hội” vì Giáo Hội “luôn dấn thân vào việc giúp đỡ và chăm sóc thành phần bệnh nhân… bằng việc loan báo Tin Mừng”. Ngài ghi nhận là có nhiều “vị thánh bác ái và hiếu khách như Thánh Camillus de Lellis, Gioan Thánh Giá và Vincent de Paul” đã lập các tổ chức phục vụ bệnh nhân mở màn cho những bệnh viện tân tiến hiện nay. Các tổ chức Công Giáo chăm sóc sức khoẻ là “việc Giáo Hội đáp lại một cách kết đoàn và bác ái lệnh truyền của Chúa, Đấng đã sai 12 Tông Đồ đi loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nạn tật nguyền”. Ngài đi sâu vào chính vị thế của các tổ chức Công Giáo phục vụ sức khoẻ như sau: “Vai trò của các bệnh viện, y viện và dưỡng lão viện cần phải được xét lại. Những cơ sở này không phải chỉ là những cơ cấu để chăm sóc bệnh nhân hay người hấp hối chết. Trước hết, chúng phải là những địa điểm nhìn nhận và hiểu được tình trạng đau khổ, đau đớn và chết chóc theo ý nghĩa nhân bản nhất là theo ý nghĩa Kitô Giáo. Ý thức này đặc biệt phải được tỏ hiện và tác dụng nơi những tổ chức được phục vụ bởi tu sĩ hay có liên quan đến Giáo Hội cách nào đó”. Để hiểu được căn tính của các cơ quan phục vụ sức khoẻ này, ĐTC khuyên dụ “chúng ta cần phải đi vào tâm điểm của bản chất Giáo Hội, nơi chất chứa yêu thương là một thứ tối thượng luật. Các tổ chức Công Giáo về sức khoẻ nhờ đó mới trở thành những chứng từ sáng tỏ cho đức bác ái của Người Samaritanô Nhân Hậu, vì, trong việc chăm sóc cho thành phần bệnh nhân, chúng ta làm cho ý muốn của Chúa Kitô được nên trọn và góp phần vào việc làm hiện thực Vương Quốc của Thiên Chúa. Có thế, chúng mới thể hiện căn tính Giáo Hội thực sự của mình”. ĐTC còn nói đến “những người thậm chí thiếu hụt cả việc chăm sóc y tế tối căn bản nhất”, đến việc “Giáo Hội quan tâm đặc biệt nhìn vào những người anh chị em này của chúng ta, cảm thấy được thúc đẩy bởi một ‘đức ái sáng tạo’, và đến việc hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan Công Giáo và sức khoẻ công cộng.
 

ĐTC nhắn nhủ Đại Hội của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình


Cuộc đại hội này diễn ra vào những ngày 17-19/10/2002, với chủ đề “Việc Chăm Sóc Mục Vụ Gia Đình và Các Cặp Vợ Chồng Đang Gặp Khốn Khó”. Thứ Sáu, 18, ĐTC đã ngỏ lời với đại hội này về hai điều gia đình cần phải thực hành trong thời điểm lịch sử này, đó là cầu nguyện và đối thoại với nhau, như sau:


“Trong một thế giới càng ngày càng bị tục hóa thì việc các gia đình tín hữu cần phải có một ý thức về ơn gọi và sứ vụ của mình càng quan trọng hơn bao giờ hết… Trong hết mọi liên hệ và trường hợp, khởi điểm cho vấn đề ý thức này là ở chỗ bảo trì và tăng phát lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện liên lỉ cùng Chúa để tăng thêm đức tin cho con người và làm cho đức tin của họ mẹnh mẽ hơn… Như Tôi viết trong tông thư ‘Kinh Mân Côi của Trinh Nữ Maria’, được ban hành hôm Thứ Tư để mở màn năm thứ 25 cho giáo triều này, đó là ‘Gia đình nào cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống’… Thật vậy, khi con người ta trải qua những giây phút đặc biệt, thì khoa học có thể trợ giúp, nhưng không gì có thể thay thế đức tin nhiệt thành, bản vị và cậy trông hướng về Chúa cả… Không bao giờ được bỏ bê việc cầu nguyện, việc thường xuyên chạy đến với bí tích hòa giải, việc linh hướng, bằng cách sử dụng những kỹ thuật khác của những hỗ trợ về nhân bản và tâm lý thay thế…”


Về thực tế, ĐTC nhận định: “Việc các gia đình vững mạnh về đời sống thiêng liêng đạo đức và luân lý giúp đỡ về gia đình cho các cặp vợ chồng, nhất là những cặp còn trẻ” đã trở thành một trong những việc tông đồ quan trọng nhất “vào thời điểm lịch sử này… Thường gia đình không có giờ để sống với nhau và nói chuyện với nhau. Nhiều lúc cha mẹ cảm thấy không muốn, thậm chí họ sợ lãnh nhận nhiệm vụ của mình trong việc giáo dục một cách trọn vẹn cho con cái của họ… Có thể con cái chính vì thiếu trao đổi với nhau, cảm thấy những trở ngại trầm trọng trong việc nhìn thấy nơi mẹ cha của mình những mô phạm chân thực để bắt chước nên tìm ở những nơi khác các mẫu sống và lối sống thường sai lầm và tai hại cho phẩm giá của con người cũng như cho tình yêu chân chính… Tình trạng sôi nổi về tình dục, trong một xã hội sặc mùi nhục dục và thiếu vững chắc về những nguyên tắc của luân thường đạo lý, là tình trạng có thể làm hủy hoại đời sống của trẻ em, thiếu niên và thanh niên, làm trở ngại cho đào luyện chúng biết yêu thương một cách ý thức trưởng thành, và phát triển nhân cách của chúng một cách hòa hợp”.


Cũng vào ngày Thứ Sáu, ĐHY chủ tịch hội đồng này là Alfonso López Trujillo, đã nhận định tổng quan về tình trạng gia đình thì đây là “một thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử đối với việc sống còn của đời sống gia đình”. Khó khăn nhất ở chỗ nào? ĐHY vạch ra những hiện tượng thực tế, chẳng hạn như gia đình đang bị nguy hiểm bởi “việc lèo lái văn hóa cho đến độ nhìn nhận những cặp vợ chồng de facto và những đôi phối ngẫu đồng tính được hưởng cùng quyền lợi như những gia đình thành hôn theo tòa đời hay theo bí tích… Theo chiều hướng văn hóa thì gia đình ngày nay hiện lên như là một chướng ngại vật cho việc thành toàn của một người phụ nữ, như thể làm vợ và làm mẹ là những gì kỵ nhau trong việc họ hội nhập vào sinh hoạt xã hội và chính trị… Hôn nhân được coi như một biến cố tư riêng, không dính dáng gì đến việc dấn thân hay trách nhiệm đối với người phối ngẫu, đối với chung con cái cũng như đối với toàn thể gia đình… Cơ cấu gia đình tiếp tục là một sự thiện cần phải có và là một sự thật quan trọng, là căn bản và là nền tảng cho việc chung sống của con người, ở vào thời điểm lịch sử khó khăn nhất cho sự tồn vong của gia đình cũng như cho thực tại nhân bản của nó…” Đó là lý do tại sao, như ĐHY cho biết, Giáo Hội hy vọng bảo toàn “gia đình khỏi thứ văn hóa tục hóa đang cho thấy một cách mờ ám những lý do và luận chứng về những khoản luật bất chính”. Bởi thế, ĐHY tiết lộ là hội đồng của Ngài đang dọn một cuốn tự điển 1000 trang, có “90 từ ngữ mập mờ được các quốc hội khắp nơi trên thế giới sử dụng, khi họ tranh luận và lập luật về vấn đề gia đình”. Sáng kiến này, ĐHY kết luận, là một nỗ lực để “soi sáng lương tâm và nuôi dưỡng việc ý thức cần thiết theo quan điểm về luân thường đạo lý”.

 

 

2/5/2002 Thứ Năm

Cán Sự Xã Hội Chăm Sóc Sức Khoẻ Thực Hiện Văn Hóa Sự Sống Chống Văn Hóa Sự Chết


ĐTC ngỏ lời cùng Cuộc Họp của Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khoẻ, một Hội Đồng được Ngài thành lập năm 1995.

 

“Những giới tuyến mới của tiến bộ của các khoa học về sự sống cùng với những áp dụng từ đó mà ra đã đặt cả một quyền năng và trách nhiệm lớn lao vào tay nhân loại. Nếu nền văn hóa sự chết thắng thế, nếu người ta để mình bị chi phối bởi những lựa chọn thiên về cái tôi cũng như theo kiểu Promethean (biệt chú của người dịch: chữ này là tên của một nhân vật thần thoại Hy Lạp ăn cắp lửa của các vị thần mang cho con người, nên có thể hiểu là “liều lĩnh”) trong ngành y khoa và nghiên cứu y khoa thì phẩm vị của con người và chính sự sống con người không thể thoát được những đe dọa hiểm nghèo. Ngược lại, nếu hoạt động của lãnh vực sức khoẻ quan trọng này có tính cách của một thứ văn hóa sự sống, theo sự hướng dẫn của lương tâm ngay thẳng, con người sẽ tìm thấy những giải đáp hiệu lực cho những khát vọng sâu xa nhất của họ”.

 

ĐTC nói Giáo Hội phải phát động một “việc truyền bá phúc âm hóa khổ đau, cái khổ đau được Chúa Kitô mặc lấy và biến đổi trong cuộc phục sinh vinh thắng”. Giáo Hội phải tỏ dung nhan Chúa Kitô phục sinh ra qua việc yêu thương phục vụ môi người yếu bệnh hay khổ đau. Ngài nhấn mạnh: “Theo đó, cần phải có một đời sống cầu nguyện và năng chịu các bí tích, bằng không thành phần bệnh nhân cũng như những ai chăm sóc cho họ khó có thể sống theo đường lối tinh thần”.

 

ĐTC đã liệt kê “những vấn đề mới và phức tạp” ngày nay liên quan đến “tình trạng giảm số nữ tu phục vụ trong lãnh vực này; thừa tác vụ phức tạp của các vị tuyên úy bệnh viện; việc khó khăn thực hiện một chương trình mục vụ cho sức khoẻ ở cấp Giáo Hội địa phương; và thái độ của nhân viên chăm sóc sức khoẻ không luôn luôn am hợp với vị thế của Kitô hữu”. Để giải quyết những vấn đề này, ĐTC đã đề cao tiêu chuẩn: “phải có một thái độ tôn trọng sự sống và phẩm giá con người”.

 

ĐTC gửi sứ điệp cho Cuộc Họp Thứ Ba của Học Viện Thánh Tôma Aquinas của Tòa Thánh


Học viện này là một tổ chức được ĐTC Lêô XIII thành lập năm 1879. Hôm Thứ Sáu ngày 21/6, ĐTC đã gửi sứ điệp đến cuộc họp này kêu gọi hãy trở về với siêu hình học được Thánh Tiến Sĩ Tôma mở đường. “Ngày nay, cùng với những khám phá khoa học kỳ diệu và những tiến bộ lạ lùng về kỹ thuật, chúng ta cũng đang chứng kiến thấy hai tình trạng thiếu hụt cả thể, đó là tình trạng thiếu hụt về Thiên Chúa và hữu thể, tình trạng thiếu hụt về linh hồn và phẩm vị con người… Có những lúc tình trạng này gây nguy hại cho nỗi lo âu cần phải có những câu giải đáp sâu xa về sự thật và niềm hy vọng… Cần phải trở về với thứ siêu hình học có khả năng biến đổi các dữ kiện thực tiễn để trong việc tìm kiếm sự thật có thể tiến đến một điều gì đó tuyệt đối, tối hậu và sâu xa vững chắc… Nhiều người đồng thời của chúng ta tự hỏi mình rằng nếu Thiên Chúa hiện hữu thì tại sao Ngài lại để cho sự dữ xẩy ra? Cần phải giải thích cho thấy rằng sự dữ là tình trạng thiếu hụt của sự thiện thích hợp và tội lỗi là việc con người trở mặt cùng Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả mọi thiện hảo… Vấn đề nhân loại học rất trọng yếu cho văn hóa ngày nay chỉ có thể tìm thấy giải đáp trong ý nghĩa của những gì chúng ta định nghĩa như ‘khoa nhân loại học siêu nhiên’. Tức là nhân loại được hiểu như là một hữu thể ý thức và tự do, ‘homo viator’, một hữu thể vừa là vừa trở nên… Văn hóa của thời đại chúng ta nói nhiều về con người và biết nhiều sự về con người, nhưng nó thường lại tỏ ra cho thấy không biết gì về bản thân mình thực sự là ai. Thật vậy, con người chỉ có thể hiểu được mình hoàn toàn trong ánh sáng của Thiên Chúa mà thôi. Họ là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’ – ‘imago Dei’- được tạo dựng bởi tình yêu để sống đời đời hiệp thông với Ngài... Công Đồng Chung Vatican II đã dạy chúng ta rằng mầu nhiệm về con người chỉ tìm được giải đáp nơi ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô mà thôi. Đối diện với thảm trạng của một nền nhan bản chân chính, nhiệm vụ của người tín hữu là loan báo và làm chứng rằng nền nhân bản chân chính chỉ được thể hiện nơi một mình Chúa Kitô mà thôi".
 

29/4/2002 Thứ Hai

ĐTC đã ngỏ lời cùng các phần tử Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Dân và Du Nhân

“Vấn đề quan trọng là phải làm sao để các người di dân không bị hụt hẫng trước sự chấp nhận của tình yêu huynh đệ cũng như trước sự trợ giúp đầy đủ về tôn giáo, nhờ đó họ cảm thấy rằng các vấn đề của họ được cảm thông, và họ được tiếp nhận một cách tử tế bởi các tổ chức biết tôn trọng căn tính văn hóa của họ… Trong trường hợp nào cũng vậy, cần phải bảo đảm những điều kiện làm việc chính đáng hơn nữa, những điều kiện tỏ ra tôn trọng các nhu cầu cá nhân cũng như gia đình, đồng thời, cũng phải nỗ lực cống hiến cho họ những cơ hội đầy đủ để vun trồng đức tin và việc hành đạo của họ… Người ta không thể bỏ qua các thứ cống hiến du lịch chuyên về ‘những thiên đường trần thế’, những thiên đường được tạo nên bởi việc lạm dụng dân chúng địa phương cho thuần lợi lộc thương mại, cho thỏa mãn kỹ nghệ du lịch, thậm chí có những trường hợp không tôn trọng quyền lợi căn bản nhất của người dân trong vùng”.

 

18/4/2002 Thứ Năm

ĐTC gửi sứ điệp cho Hội Nghị Bắc Mỹ Châu về Ơn Gọi Tu Trì


Hội nghị này được tổ chức tại Montreal Canada từ Thứ Năm hôm nay tới hết Ngày Chúa Nhật. Chủ đề là “Vocación, Don de Dieu, Given for God’s People” (Ơn Gọi, Tặng Ân Thiên Chúa ban cho Dân Ngài). Hội Nghị này phát xuất từ lời kêu gọi của ĐTC Gioan Phaolô II. Hai hội nghị trước được tổ chức lần nhất tại Mỹ Châu Latinh (São Paulo năm 1994) và lần hai tại Âu Châu (Rôma năm 1997).

 

Trong lễ nghi khai mạc có sự hiện diện của ĐHY Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tòa Thánh về Việc Giáo Dục Kitô Giáo, và ĐHY Jean-Claude Turcotte, TGP Montreal. Các vị giám mục Canada và Hoa Kỳ lãnh trách nhiệm chính cho biến cố này. Các ngài làm việc chung với Văn Phòng Giáo Hoàng ở Rôma về Ơn Gọi trong Giáo Hội và với các vị phụ trách ơn gọi các dòng tu ở Canada và Hoa Kỳ. Ban điều hành gồm 20 vị bao gồm linh mục giáo phận, phó tế, các tu hội đời và giáo dân nam nữ, dưới sự lãnh đạo của ba đấng là ĐTGM Roger Schwietz giáo phận Anchorage Alaska, GM Richard Grecco giáo phận London Ontario và GM phụ tá André Rivest TGP Montreal. Mục đích của hội nghị này là để thiết lập một môi trường tích cực ở Bắc Mỹ Châu để cổ võ ơn gọi tu trì linh mục và tu sĩ.

 

Hội nghị nhắm đến việc liên kết và hướng dẫn Giáo Hội ở Bắc Mỹ Châu trong công tác dấn thân nhận định, ý thức và nuôi dưỡng những ơn gọi tu trì này. Những bài thuyết trình bao gồm thần học về ơn gọi, văn hóa Bắc Mỹ Châu và ảnh hưởng của nó đối với ơn gọi, và các tặng ân cùng với thách đố của tính cách đa văn hóa. Ngoài ra, còn cả cả tá buổi hội thảo về các đề tài liên quan đến ơn gọi, chẳng hạn việc sử dụng phương tiện truyền thông để cổ động ơn gọi, các cộng đồng và phong trào tu trì mới v.v. Hội Nghị sẽ được kết thúc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào Chúa Nhật, Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi. Trong sứ điệp có hai phần của mình, ĐTC đã huấn dụ Hội Nghị Về Ơn Gọi III này như sau:

“Vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết đối với việc đặt thiên chức linh mục thừa tác và đời sống tận hiến tu trì vào chiều hướng mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo Hội, để nhờ đó có thể đáp ứng một cách hiệu nghiệm các thách đố và những vấn đề phát hiện bởi môi trường xã hội và văn hóa. (Thiên chức linh mục) không được coi như là một trong những ơn gọi khác, vì sự hiện thực và phát triển của các ơn gọi khác tùy thuộc vào thiên chức linh mục này. Linh mục đại diện cho Chúa Kitô trong vai trò làm Đầu, làm Chủ Chiên, làm Tư Tế và Phu Quân, và được kêu gọi để tác hành ‘in persona Christi Capitis’ (với tư cách Chúa Kitô Thủ Lãnh) vào những giây phút linh thánh nhất trong việc linh mục phục vụ Giáo Hội. Theo chiều hướng ấy, việc cổ võ ơn gọi thừa tác vụ linh mục, một thừa tác vụ là một trong những yếu tố cấu tạo nên Giáo Hội, đòi phải có một tính chất ưu tiên trên hết… Chúa tiếp tục kêu gọi nhiều người trẻ đến với thừa tác vụ này, nhưng tiếng của Người thường bị chết ngạt bởi những tiếng gọi khác, rất tiếc, làm chi phối tinh thần của giới trẻ, với những tư tưởng về một thứ thiên chức linh mục và thừa tác vụ linh mục không trung thực với đức tin và truyền thống giáo hội”.

 

Đó là lý do, ĐTC đề nghị một “hoạt động mục vụ có khả năng bộc lộ cho thấy toàn diện ơn gọi này cùng với những hỗ trợ cần thiết cho những ai được Chúa mời gọi… Kèm theo lời cầu nguyện cho ơn goị tu trì, vấn đề là cần phải thiết tha khích lệ, bằng việc loan báo rõ ràng và bằng việc hướng dẫn giáo lý thích hợp, những ai được kêu gọi sống đời tận hiến để họ có thể đáp ứng tự do mau mắn quảng đại”.

 

11/4/2002 Thứ Năm

ĐTC tiếp các tham dự viên Đại Hội của Viện Giáo Hoàng Về Các Khoa Học Xã Hội.


Ngỏ lời với đại hội này, một đại hội bàn về vấn đề dân chủ và toàn cầu hóa cũng như về tình liên đới giữa các thế hệ, ĐTC Gioan Phaolô II hôm nay đã nhắn nhủ họ như sau:

“Việc tăng phát tình trạng liên thuộc nơi dân chúng, gia đình, công nghệ và quốc gia, cũng như nơi các nguồn lợi kinh tế và thị trường – cái mà chúng ta gọi là toàn cầu hóa – đã lật ngược lại thể chế giao hảo và những liên hệ chung. Điều này có thể mang lại những thành quả tốt, song cũng gây ra những chênh lệch nơi các nguồn lợi kinh tế cũng như nơi các dân tộc, khiến chúng ta phải xét lại vấn đề tình liên đới.

“Vấn đề ở đây là các nhà lãnh đạo về chính trị và kinh tế phải làm mọi sự có thể để tình trạng toàn cầu hóa không tác hại tới những ai có ít nguồn lợi hay yếu thế, làm tăng thêm khoảng cách giữa người giầu và người nghèo, giữa các quốc gia giầu có và các quốc gia nghèo khổ.

“Tình liên đới xã hội ở đây tức là từ bỏ việc chỉ biết tìm kiếm những lợi lộc riêng tư… Chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ sống theo tinh thần liên đới và theo một thứ văn hóa ôm ấp hoàn cầu cũng như chú trọng đến tất cả mọi người, bất phân nòi giống, văn hóa hay tôn giáo.

Các chính trị gia phải “điều hành thị trường, qui thuộc luật thị trường theo luật liên đới, để ngăn ngừ những chênh lệch nơi các dân tộc cũng như nơi xã hội gây ra bởi tất cả những thứ thay đổi về kinh tế, và để bảo vệ những luật này khỏi tình trạng đột ngột đổi thay vì việc thao túng thị trường.

“Chớ gì, trên con đường tiến đến tình trạng hiệp nhất, liên đới và hòa bình chặt chẽ hơn, nhân loại của ngày hôm nay đây biết truyền đạt cho các thế hệ mai hậu những sản vật của tạo thành cùng với niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn!”

 

16/2/2002 Thứ Bảy. ĐTC tiếp các phần tử thuộc Viện Giáo Hoàng Thần Học:

 

“Mối liên hệ giữa huấn quyền và hoạt động thần học phải được chi phối bởi nguyên tắc hòa hợp. Khi cả hai cùng phục vụ Mạc Khải thần linh, cả hai mới tái khám phá ra được những khía cạnh mới cũng như những ý nghĩa sâu xa hơn của chân lý mạc khải”. Sáng nay, trong cuộc gặp gỡ 42 vị thuộc viện này, ĐTC đã nhấn mạnh đến nguyên tắc chính chi phối mối liên hệ giữa các nhà thần học với cộng đồng Kitô hữu như sau: “Khi xẩy ra vấn đề về sự hiệp thông trong đức tin, thì cần phải áp dụng nguyên tắc hiệp nhất về chân lý; khi xẩy ra vấn đề khác biệt về ý kiến thì cần phải áp dụng nguyên tắc hiệp nhất về đức ái… Thật vậy, mối hiệp thông của giáo hội chẳng những không giới hạn mà trái lại còn là nơi làm sinh động việc suy tư về thần học, hỗ trợ tính cách táo bạo của nó và tán thưởng tính cách ngôn sứ của nó”.


Viện Thần Học này được thành lập từ năm 1695, nhưng tuần vừa qua mới tổ chức cuộc diễn đàn lần đầu tiên kể từ khi bản nội qui mới được ĐTC Gioan Phaolô phê chuẩn vào năm 1999. Cuộc họp được đặt dưới sự chủ tọa của ĐHY Paul Poupard, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, với đề tài “Chúa Giêsu Kitô là Đường Lối, là Sự Thật và là Sự Sống: Đọc lại Sắc Lệnh ‘Chúa Giêsu’” (một sắc lệnh đã được Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin ban hành vào tháng 8 năm 2000, về tính chất chuyên nhất và phổ quát của ơn cứu độ được Chúa Kitô thực hiện qua Giáo Hội của Người).


“Thật vậy, việc tự do nghiên cứu của các nhà thần học được thực hiện trong khuôn khổ đức tin và sự hiệp thông của Giáo Hội. Trong Giáo Hội là muối đất và là ánh sáng thế gian này, việc suy tư thần học đang thực hiện vai trò của mình trong việc đáp lại ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, Đấng muốn ‘tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý’ (1Tim 2:4). Bởi thế, bằng việc đào sâu kiến thức về chân lý mạc khải, khoa thần học phục vụ toàn thể Dân Chúa, bảo trì niềm hy vọng và kiên cường mối hiệp thông của cộng đồng Dân Chúa. Việc gắn bó với Chúa Kitô Chân Lý, được thể hiện qua việc các thần học gia tuân phục huấn quyền của Giáo Hội, là một tác lực mãnh liệt để thắt kết và dựng xây. Thần học gia Công Giáo ý thức rằng huấn quyền tự mình không phải là thực tại của chân lý và đức tin, mà là yếu tố nội tại của Giáo Hội… phục vụ Lời chân lý, bảo vệ lời này khỏi những sai lệch và méo mó, luôn làm sao bảo đảm việc Dân Chúa sống trong lịch sử được Chúa Kitô Chân Lý hướng dẫn và bảo trì. Bởi thế, mối liên hệ giữa huấn quyền và hoạt động thần học phải được chi phối bởi nguyên tắc hòa hợp. Khi cả hai cùng phục vụ Mạc Khải thần linh, cả hai mới tái khám phá ra được những khía cạnh mới cũng như những ý nghĩa sâu xa hơn của chân lý mạc khải”.
 

 

28/1/2002, Thứ Hai. ĐTC tiếp các viên chức thuộc pháp viện Tòa Thánh Rôma: “sự thiện của tính cách bất khả phân lý là sự thiện của chính hôn nhân, và nếu không hiểu được bản chất bất khả phân ly này cũng không hiểu được yếu tính của hôn nhân. Người ta không được chiều theo chiều hướng chủ trương ly dị, cho rằng cái ngăn trở chúng ta là ở chỗ chúng ta tin tưởng vào những ơn tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa ban cho con người”. Sáng hôm nay, theo truyền thống, nhân dịp mở màn cho một năm tư pháp của Tòa Thánh, ĐTC đã nói với qúi viên chức phục vụ tại Pháp Đình của Tòa Thánh về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân liên quan đến chính đôi phối ngẫu, đến con cái, đến Giáo Hội cũng như đến toàn thể nhân loại như sau:

Trước hết, ĐTC cho thấy chiều hướng hiện đại đối với tính cách bất khả phân ly của hôn nhân: “Việc trình bày một cách tích cực về mối hiệp nhất bất khả phân ly để tái nhận thức được sự thiện hảo và tốt đẹp của tính cách này là một điều quan trọng. Trước hết, cần phải thắng được quan niệm về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, coi nó như những gì giới hạn quyền tự do của đôi phối ngẫu và là những gì nặng nề có những lúc không thể nào gánh vác nổi… Đối với vấn đề này cũng cần phải nói thêm về quan niệm cho rằng vấn đề hôn nhân bất khả phân ly chỉ dành cho thành phần những tín đồ mà thôi, bởi thế, họ không thể nào ‘áp đặt’ nó trên toàn khối xã hội dân sự được”.

Sau đó, ĐTC đã bác bỏ luận điệu chống lại tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, bằng cách nhấn mạnh đến “khía cạnh khách quan” nơi tính cách bất khả phân ly của hôn nhân: “Tính cách này không phải chỉ là một sự kiện chủ quan. Bởi đó, sự thiện của tính cách bất khả phân lý là sự thiện của chính hôn nhân, và nếu không hiểu được bản chất bất khả phân ly này cũng không hiểu được yếu tính của hôn nhân. Người ta không được chiều theo chiều hướng chủ trương ly dị, cho rằng cái ngăn trở chúng ta là ở chỗ chúng ta tin tưởng vào những ơn tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa ban cho con người”.

Tiếp đến, ĐTC đề ra những cách thức để bảo vệ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân: “Mục vụ phải hoạt động để bảo trì và cổ võ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân… Mọi phán quyết đích đáng về tính cách thành hiệu hay bất thành hiệu nơi hôn nhân đều là những gì đóng góp xây dựng văn hóa của tính cách bất khả phân ly này, chẳng những trong Giáo Hội mà cả trên thế giới nữa… Việc đôi phối ngẫu bằng lòng chấp nhận quyền tự do của mình để cương quyết tôn trọng những nhu cầu khách quan của thực tại hôn nhân là những gì bất khả đổi thay theo tự do của con người không phải là việc phản nghịch lại với mối liên hệ phối ngẫu. Vấn đề ly dị hầu như cắm rễ quá sâu vào một số lãnh vực xã hội, và việc đi ngược lại với nó bằng cách biện bênh cho chủ trương nắm giữ tính cách bất khả phân ly nơi cả tục lệ xã hội cũng như nơi ngành lập pháp dân sự không phải là việc làm uổng công vô ích. Nó thật sự là việc đáng làm! Chứng từ thiết yếu cho giá trị của tính cách bất khả phân ly được tỏ hiện nơi đời sống hôn nhân của các đôi phối ngẫu, nơi việc họ trung thành gắn bó với nhau trong những lúc vui sướng cũng như trong những lúc thử thách của cuộc đời. Giá trị của tính cách bất khả phân ly không được nghĩ đó chỉ là đối tượng của việc chọn lựa cá nhân, giá trị này liên quan đến một trong những nền tảng của toàn thể xã hội. Để mạnh mẽ chống lại tất cả những phương sách về pháp lý cũng như về hành pháp dẫn đến vấn đề ly dị, hay biến những thứ hiệp nhất được thừa nhận như thật, thậm chí như thứ hiệp nhất đồng tính, ngang hàng với hôn nhân, cần phải đẩy mạnh đường lối, ở mọi phương sách tài phán, thiên về việc cải tiến giúp cho xã hội nhìn nhận thực tại hôn nhân chân chính trong lãnh vực hệ thống pháp lý, một hệ thống tiếc thay lại chấp nhận vấn đề ly dị…”

Sau hết, ĐTC đề cập đến vai trò hành nghề và xử lý tư pháp, như vai trò luật sư và thẩm phán. ĐTC cũng lưu ý những vị luật sư dân sự là “phải tránh không được nhúng tay vào những gì có thể bao hàm việc cộng tác giúp thực hiện vấn đề ly dị. Đối với các vị thẩm phán điều này có thể là khó khăn, vì hệ thống pháp lý không nhìn nhận tính cách phản kháng của lương tâm để có thể châm chước cho họ khỏi việc áp đặt phán quyết. Cho dù có những lý do hệ trọng và vững chắc đến thế nào chăng nữa, các vị thẩm phán vẫn có thể tác hành theo những nguyên tắc truyền thống về sự cộng tác tích cực với điều xấu. Thế nhưng, họ cũng phải tìm những phương thế hiệu nghiệm để hỗ trợ cho vấn đề hiệp nhất hôn nhân nữa, trước hết bằng việc khôn khéo đưa đến vấn đề hòa giải. Những vị luật sư hành nghề độc lập bao giờ cũng phải từ khước sử dụng nghề nghiệp của mình vào mục đích phản lại công lý, như vào việc ly dị. Theo ý nghĩa này, họ chỉ được cộng tác hành động khi hành động của họ giúp cho thân chủ của họ đạt tới những mục đích hợp lý khác chứ không phải là ý định hủy bỏ hôn nhân”.

 

Phản chứng của việc Toàn Cầu Hóa và
vai trò của các Học Viện Tòa Thánh

 (ĐTC ngỏ lời cùng hai Học Viện của Tòa Thánh:

Học Viện Thần Học và Học Viện Thánh Tôma ngày 8/11/2001)

 

“Người ta bị một cái ấn tượng là guồng máy phức tạp do vấn đề toàn cầu hóa về kinh tế và truyền thông đại chúng gây ra đang từ từ có khuynh hướng giảm con người xuống thành một thứ thị trường giá cả phải chăng, thành một thứ hàng hóa, một guồng máy thật sự làm cho con người trở thành một yếu tố hoàn toàn vô can trong những chọn lựa trọng yếu. Con người cảm thấy mình bị guống máy toàn cầu hóa vô hình chung này nghiền nát và càng ngày càng mất đi căn tính cùng phẩm vị làm người của mình.

 “Đối với một guồng máy như vậy, các nền văn hóa cũng có cơ nguy bị đồng nhất hóa, nếu tính cách nguyên tuyền và phong phú của chúng không được chấp nhận và tôn trọng, mà lại bị bắt buộc phải thích ứng với nhu cầu thị trường và thời trang. Hậu quả không thể tránh đó là nó sẽ sinh ra một thứ sản phẩm văn hóa, mang tính cách hòa nhập nông cạn, khi áp đặt một thứ cập trật mới về giá trị, một cấp trật giá trị phát xuất từ tiêu chuẩn thường chủ quan, duy vật, hưởng thụ và phản nghịch lại với bất cứ một chiều hướng Siêu Việt nào.

 “Vào thời điểm mở màn cho một tân thiên kỷ này, nhân sinh quan, định mệnh con người và tương lai nhân loại đang gặp phải một cuộc thách đố lớn. Bởi thế mới cần phải có một nhận thức cặn kẽ và sâu xa theo triết lý và thần học về một thứ kiểu mẫu nhân loại học, một kiểu mẫu nhân loại học có được từ những thay đổi nhanh chóng với thời gian. Theo chiều hướng này, các Học Viện Giáo Hoàng có thể cống hiến những đóng góp đáng giá, bằng việc hướng dẫn những lựa chọn về văn hóa cho cộng đồng Kitô giáo cũng như cho toàn thể xã hội, đồng thời cũng đưa ra những trường hợp cùng với các cách thức giúp vào việc trao đổi giữa đức tin và văn hóa, giữa mạc khải và các vấn đề nhân sinh. Các học viện này còn được kêu gọi để phác họa những đường lối hiểu biết vững chắc và đối thoại chân thực, những đường lối đặt con người cùng với phẩm vị của họ vào tâm điểm của mọi dự phóng để giúp cho họ được toàn diện phát triển trong xã hội”.

 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 12/12/2001, trang 8, đoạn 3.2, 3.3, 4.1)