Với Các Vị Giám Mục

 

2002

 

 

 

ĐTC đưa ra những chỉ dẫn để có thể thắng vượt cuộc khủng hoảng về ơn gọi tu dòng


Theo Niên Giám Thống Kê của Giáo Hội Công Giáo, Ba Tây có 144 triệu người Công Giáo, một nước nhiều Công Giáo nhất thế giới: Vào năm 1995, Ba Tây có 7600 linh mục dòng, và 36.031 nữ tu, nhưng những con số này đã giảm xuống còn 7358 linh mục dòng và 35.365 nữ tu vào năm 2000, trong khi đó, cùng giai đoạn này, linh mục triều tăng từ 7882 tới 9240. Hiện nay có 5.384 sinh viên triết lý và thần học ở các chủng viện theo học làm linh mục triều, trong khi đó chỉ có 3447 tu sĩ đang theo học làm linh mục dòng.


Đó là lý do, trong cuộc gặp gỡ ngũ niên hôm qua 10/12/2002 với hàng giám mục Ba Tây, đây là đợt của các vị thuộc vùng Đông Bắc III nước này, ĐTC đã phân tích cơn khủng hoảng ơn gọi tu dòng đáng lo ngại này, và nhìn nhận rằng “đây là vấn đề quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội trên toàn thế giới”. Ngài đã bày tỏ nhận định để có thể đáp ứng vấn đề này như sau: “Một đời sống tu trì không tỏ ra cho thấy được niềm vui thuộc về Giáo Hội và cùng với Giáo Hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô thì đã làm mất đi cơ hội đầu tiên và chính yếu cho một chương trình mục vụ về ơn gọi rồi vậy”.


Ngài đặc biệt kêu gọi những vị lãnh đạo các dòng tu và hội dòng “hãy cống hiến cho các tập sinh nam nữ một cuộc huấn luyện về nhân bản, tri thức và tinh thần có thể làm cho cả con người hoán cải trở về với Chúa Kitô, nhờ đó cuộc tận hiến sẽ càng biến thành của lễ dâng lên Chúa Cha”. Cụ thể hơn nữa, Đức Thánh Cha nói rằng “những hoạt động và chương trình của Hội Đồng Tu Sĩ Toàn Quốc trước hết phải được đánh dấu bằng tấm lòng tôn trọng kính yêu và đặc biệt vâng phục Vị Thừa Kế Thánh Phêrô cùng với những chỉ dẫn được Tòa Thánh phổ biến”. Những hoạt động của hội đồng các dòng tu “phải được các vị bề trên chính và vị giám mục địa phận coi sóc và cụ thể hành sử”.


ĐTC cũng kêu gọi các tu sĩ nam nữ hãy xét lại lương tâm về việc áp dụng thi hành cho tới nay vấn đề canh tân được Công Đồng Chung Vaticanô II đề ra: “Anh chị em đã nỗ lực trung thành theo đuổi việc canh tân này và đã làm trổ sinh hoa trái thánh thiện và lòng nhiệt thành tông đồ cần có hay chưa? Có một số văn kiện được ban hành với sự phê chuẩn của Tôi trong những năm sau này về việc huấn luyện các Viện Tu cũng như về đời sống chiêm niệm – đã được mang ra thực hành hay chưa? Việc canh tân đời sống tu trì là do việc tăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa, với ý thức liên lỉ là ‘việc chiêm niệm về những sự thần linh và mối hiệp nhất gắn bó với Thiên Chúa’ phải là nhiệm vụ trước hết và chính yếu của tất cả mọi tu sĩ’ (Giáo Luật khoản 663.1).


Đường lối tốt đẹp nhất để nhận thức hơn nữa căn tính riêng của mình đó là con đường khó nhọc nhưng đầy ủi an trong việc hoán cải chân thành và bản thân, khiêm tốn nhìn nhận những bất toàn và tội lỗi của mình; và việc tin tưởng vào quyền năng phục sinh của Chúa Kitô sẽ giúp thắng vượt tất cả mọi thứ khô khan và yếu đuối, loại trừ đi cái cảm quan ảo giác đôi khi nghiệm thấy”.

 

Tóm lại, vấn đề thắng vượt cuộc khủng hoảng ơn gọi tu dòng này, theo ĐTC, là ở chỗ cần phải có những tu sĩ “nguyện cầu và hoạt động”. “Hoạt động và chiêm niệm trong Chúa Kitô là một cặp trùng phùng không bao giờ bị suy thoái trong những cuộc đụng độ phản khắc nhau; trái lại, chúng đạt tới mức chín mùi trong sự hỗ tương nhau và hòa nhập tốt đẹp. Xã hội ngày nay cần thấy nơi những con người nam nữ tận hiến sự hòa hợp cần có giữa những gì nhân bản và thần linh, giữa những sự hữu hình và vô hình, và dù những gì thần linh trổi vượt hơn nhân bản, vô hình hơn hữu hình, nhưng không tầm thường hóa chúng hay làm mất giá chúng, trái lại còn nâng chúng lên tới tầm mức của dự án cứu độ đời đời nữa”.


 

ĐTC gặp gỡ Các Vị Giám Mục Ba Tây về Lý Do Tại Sao Ba Tây Không Đáp Ứng Được Với Những Thách Đố Về Kinh Tế và Xã Hội


ĐTC đã liên tục gặp phái đoàn các vị Giám Mục Ba Tây trong thời gian gần đây. Hôm 26/11/2002, Thứ Ba, Ngài đã gặp đợt các vị thuộc Miền Nam Vùng III-IV. Vấn đề Ngài chia sẻ với các vị là việc đáp ứng với những thách đố về kinh tế và xã hội như sau:


“Trong việc thực thi ba phận sự thánh hóa, giảng dạy và chăn dắt, các giám mục giúp cho tín hữu trở thành một chứng nhân chân thực cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Không phải lúc nào cũng đễ dàng hướng dẫn họ để họ tìm được những đáp ứng xứng hợp, theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, đối với những thách đố trong môi trường kinh tế và xã hội”.


Sau khi nhắc lại những hoạch định phát triển được áp dụng trong thế kỷ 20 để làm cho dân giầu nước mạnh, ĐTC nhận định là những hoạch định ấy vẫn “không có khả năng loại trừ tình trạng nghèo khổ và cùng cực hay giảm bớt những chênh lệch về giầu thịnh và lợi tức là những gì cứ tiếp tục tăng tiến. Có lẽ chính lịch sử về kinh tế của Ba Tây là một chứng cớ điển hình cho thấy tính cách bất công hiệu của những hệ thống kinh tế được phác họa để chúng tự giải quyết những vấn đề về việc phát triển con người, khi chúng không được bổ túc bằng một cuộc dấn thân mạnh mẽ về luân thường đạo lý và liên tục nỗ lực phục vụ nhân phẩm con người. Nguyên việc hoạch định ra những biện pháp dài hạn để chỉnh đốn lại những chênh lệnh đang xẩy ra sẽ không bao giờ được coi thường việc dấn thân đoàn kết về cơ cấu cùng với cá nhân của tất cả mọi người dân Ba Tây. Những người Công Giáo, thành phần đa số dân chúng Ba Tây, do đó có thể thực hiện một việc đóng góp quan trọng. Một quan điểm về kinh tế và các vấn đề xã hội được bắt đầu với giáo huấn về xã hội của Giáo Hội sẽ khiến chúng ta bao giờ cũng coi những sự vật theo quan điểm liên quan đến nhân phẩm của con người là yếu tố trổi vượt trên những trò thuần kinh tế. Ngoài ra, nó còn giúp cho chúng ta hiểu được rằng, việc đạt được tình trạng công bằng về xã hội rất cần thiết còn hơn việc chỉ thuần áp dụng những phác họa về lý thuyết phát xuất từ vấn đề tranh đấu giai cấp, chẳng hạn như việc chiếm cứ đất đai – được Tôi đề cập tới trong cuộc tông du mục vụ năm 1991 – và xâm chiếm những nhà cửa công tư, hay nếu không muốn nhắc đến những sự kiện khác, đó là việc chấp thuận những biện pháp quá thiên về kỹ thuật có thể mang lại nhiều hậu quả trầm trọng còn hơn cả tình trạng bất công cần phải giải quyết, việc chấp thuận này là trường hợp không làm trọn những quyết tâm của thế giới”.


ĐTC nói đến tầm quan trọng của việc cổ võ cho thành phần giáo dân được dự phần “bao nhiêu có thể để giúp mang lại cho Ba Tây tình trạng công lý và đoàn kết chân thực là hoa trái của đời sống Kitô hữu gắn bó. Trong một nền dân chủ thực sự bao giờ cũng phải có những giải pháp hợp lý để những phái nhóm, thay vì tiến đến chỗ sử dụng bạo lực, có thể dễ dàng giải tỏa những dồn nén chính đáng hầu nhanh chóng thiết lập mức quân bình và công lý như tất cả mọi người hết sức ước mong. Chúng ta phải không ngừng thực hiện việc huấn luyện các chính trị gia trong tất cả mọi người dân Ba Tây để họ có quyền quyết định, lớn hay nhỏ, và nói chung, trong tất cả mọi phần tử của xã hội, để họ có thể thi hành trách nhiệm của mình một cách trọn vẹn và biết thực hiện một khuôn mặt chính trị nhân bản và hợp đoàn. Cần phải làm thấm nhập vào những lãnh vực thẩm quyền về chính trị và thương mại một tinh thần chân thực và liêm chính thực sự”.

ĐTC gặp gỡ Các Vị Giám Mục Ba Tây thuộc Miền Đông 2 sang viếng thăm Tòa Thánh Ngũ Niên

Hôm Thứ Bảy 16/11/2002, ĐTC đã gặp các vị giám mục Ba Tây này và lên án luật cho phép phá thai. “Các thứ luật lệ dân sự, các thứ luật lệ thiên về ly dị và đe dọa sự sống bằng việc nỗ lực đưa đến vấn đề phá thai một cách chính thức, đến những vận động cho việc ngừa thai là những gì, thay vì kêu gọi truyền sinh một cách có trách nhiệm bằng phương pháp đậu thai tự nhiên, đã đưa đến việc làm triệt sản cả bao nhiêu ngàn người phụ nữ, nhất là ở miền Đông Bắc (Ba Tây), và hoạch định việc sử dụng các phương pháp ngừa thai, các thứ luật lệ hiện nay đã cho thấy những hậu quả thảm thiết nhất”. Những yếu tố như “thiếu tín liệu khách quan cũng như tình trạng mất gốc về địa dư” là nguồn gốc cho “một tiến trình phân hóa nguyên tử gia đình nơi những yếu tố chính yếu nhất của nó”. Những triệu chứng khác của vấn đề phân hóa gia đình ấy là “nỗ lực của công chúng cũng như của ngành lập pháp dân sự làm cho gia đình bình đẳng với thứ gia đình hiệp nhất theo hình thức hay công nhận những con người đồng phái tính như vậy.

ĐTC gửi một sứ điệp cho cuộc họp chung của Hội Đồng Giám Mục Ý

Hội Đồng Giám Mục Ý đã họp chung đến hết Thứ Năm 21/11/2002 tại Collevalenza với đề tài “vấn đề nhân loại học”, tức là quan niệm về con người trong xã hội ngày nay và vấn đề dự thảo của Giáo Hội. Trong chương trình của mình cho thập niên tới, hội đồng Giám Mục Ý hy vọng sẽ đóng vai trò trong một “dự án văn hóa theo chiều hướng Kitô Giáo”. Trong sứ điệp của mình, ĐTC đã nói “dự án văn hóa” này phải giúp “cho việc truyền bá phúc âm hóa có một chiều kích văn hóa đậm đà và sâu sắc hơn”. Bởi thế, Đức Thánh Cha bắt đầu sứ điệp của mình bằng câu hỏi căn bản: “Con người là ai?” Liên quan đến câu trả lời cho vấn nạn ấy, ĐTC nhận định là trong xã hội có “những khuynh hướng chối bỏ hay quên đi tính chất duy nhất giữa hữu thể chúng ta với ơn gọi của chúng ta như là tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Ngài nói tiếp, những khuynh hướng như vậy “ngày nay có một lực đẩy mới phát xuất từ giả tưởng cho rằng con người có thể được cắt nghĩa một cách đầy đủ bằng những phương pháp khoa học thực nghiệm mà thôi”. Bởi thế, ĐTC nhấn mạnh rằng: “Vì xẩy ra điều ấy mà hơn lúc nào hết cần phải có một niềm xác tín rõ ràng và mạnh mẽ về phẩm giá bất khả vi phạm của con người, để có thể đương đầu với những nguy cơ của việc lạm dụng trầm trọng có thể xẩy ra nếu các nguồn liệu kỹ thuật được áp dụng cho con người mà không màng gì đến những mốc điểm trọng yếu và những qui tắc nhân loại học và luân thường đạo lý được in ấn ở nơi chính bản tính của họ. Hơn nữa, việc ý thức về phẩm giá ở nơi chúng ta ấy tự bản chất là nguyên tắc duy nhất để làm nền tảng xây dựng xã hội cùng với nền văn minh tình thương nhân bản thực sự, vào lúc mà các lợi lộc về kinh tế và các sứ điệp của truyền thông xã hội đang hoạt động ở một tầm mức hoàn vũ này, làm nguy hại đến cái gia sản của các giá trị về văn hóa và luân lý là những gì tiêu biểu cho sự giầu có đệ nhất của các dân tộc”.

Diễn Từ của ĐTC với Các Vị Giám Mục Ba Tây miền Đông Bắc dịp Các Ngài Viếng Thăm Ngũ Niên về vấn đề Đại Kết

 

“Không thể nào có sự tương hợp giữa việc dứt khoát tỏ ra gắn bó với sự thật của Chúa Giêsu Kitô và việc tôn trọng lương tâm con người. Nếu tôn giáo không phải chỉ là vấn đề của lương tâm mà còn là việc tự do gắn bó với sự thật, một sự thật được hay không được chấp nhận, thì nội dung của sự thật cũng không thể nào được dung hòa".


Hôm Thứ bảy 28/9/2002, trong cuộc triều kiến của các vị giám mục này, ĐTC kêu gọi các vị hãy trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội. Quốc gia của các vị có con số Công Giáo đông nhất, nhưng cũng được đánh dấu bằng việc phát triển những cộng đồng Kitô hữu cực bảo thủ. Tuy nhiên, để “thiết lập những căn bản cho vấn đề đại kết lành mạnh”, ĐTC nhắc lại cho các vị “Bản Hướng Dẫn Áp Dụng Các Nguyên Tắc và Qui Tắc về Việc Đại Kết”, được Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Giáo Hội phổ biến, một bản văn chủ trương “tính cách đa diện trong Giáo Hội là một chiều kích công giáo tính của Giáo Hội”. Tuy nhiên, “điều này không được đưa đến một tình trạng lạnh lùng khô đạo đặt tất cả mọi ý nghĩ ngang hàng với nhau theo chủ trương hòa đồng tôn giáo sai lầm. Tôi hy vọng rằng nỗ lực của các cộng đồng Kitô hữu được xây dựng trên sự thật trong việc đạt đến một sự hiệp nhất bền bỉ hơn”. ĐTC đồng thời cũng giải thích là “không thể nào có sự tương hợp giữa việc dứt khoát tỏ ra gắn bó với sự thật của Chúa Giêsu Kitô và việc tôn trọng lương tâm con người. Nếu tôn giáo không phải chỉ là vấn đề của lương tâm mà còn là việc tự do gắn bó với sự thật, một sự thật được hay không được chấp nhận, thì nội dung của sự thật cũng không thể nào được dung hòa. Đó là lý do tại sao cần phải dẫn giải sự thật mà không bỏ đi những yếu tố được chất chứa nơi các sự kiện được mạc khải… Thực hiện việc làm tốt nhất cho lợi ích của vấn đề đại kết đó là việc dạy giáo lý cho người lớn hay cho người trẻ hoàn toàn tự do không bắt buộc… Khi một Kitô hữu sống niềm tin của mình một cách trọn vẹn thì họ là một cực điểm thu hút, biết gây uy tín và lòng trọng kính; họ không bao giờ áp đặt những niềm xác tín tôn giáo của mình cả, nhưng biết làm thế nào để truyền đạt sự thật mà không làm thất vọng những ai tin tưởng nơi họ. Họ nhường lối cho con người mà không hề dung hòa với sai lạc… “

 

ĐTC Cảnh Giác chiều hướng giáo sĩ hóa giáo dân

 

“Phụng vụ là tác động của toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, của cả thân thể lẫn các chi thể của Người”, song “không phải ai cũng có cùng một nhiệm vụ, vì không phải ai cũng tham phần như nhau trong vai trò tư tế của Chúa Kitô”


Gặp gỡ các vị Giám Mục Ba Tây thuộc phía tây nước này hôm Thứ Bảy 21/9/2002 vừa rồi trong dịp viếng thăm ngũ niên của các vị, ĐTC đã đề cập đến “vấn đề lầm lẫn về nhiệm vụ” do việc cắt nghĩa sai lạc Công Đồng Chung Vaticanô II. Ngài nói: “Trong số những mục tiêu của việc canh tân phụng vụ được Công Đồng Chung Vaticanô II ấn định đó là nhu cầu cần phải có tất cả mọi tín hữu tham dự vào các lễ nghi phụng vụ. Tuy nhiên, trong thực hành, vào những năm sau công đồng, để hoàn tất lòng mong ước này, vấn đề lầm lẫn về các phận vụ liên quan đến thừa tác vụ linh mục và vai trò của người giáo dân lại lan tràn một cách ngang nhiên”. Những dấu hiệu cho thấy những lầm lẫn này là “việc đọc Kinh Nguyện Thánh Thể chung không phân biệt linh mục giáo dân”, “giáo dân giảng trong lễ” và “việc giáo dân phân phối Hiệp Lễ. Những lạm dụng trầm trọng này thường phát xuất từ những lầm lạc về tín lý, nhất là tín lý liên quan đến bản chất của phụng vụ, của vai trò tư tế chung nơi các Kitô hữu, của ơn gọi và sứ vụ giáo dân, cũng liên quan đến cả thừa tác vụ thánh của các linh mục nữa”.

 

ĐTC nhận định, một trong những kết quả của hiện tượng này là “việc thiếu tuân giữ một số luật lệ và qui chuẩn của Giáo Hội, việc tự tiện cắt nghĩa quan niệm ‘thay thế’, khuynh hướng ‘giáo sĩ hóa’ giáo dân v.v.” ĐTC khẳng định mặc dù “phụng vụ là tác động của toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, của cả thân thể lẫn các chi thể của Người”, song “không phải ai cũng có cùng một nhiệm vụ, vì không phải ai cũng tham phần như nhau trong vai trò tư tế của Chúa Kitô”. Ngoài ra, ĐTC còn cảnh giác vấn đề “giáo sĩ hóa giáo dân” cả trong việc quản trị giáo hội địa phương nữa. Ngài nhấn mạnh là vị giám mục “phải nghe tín hữu, giáo sĩ và giáo dân để lấy ý kiến”, thế nhưng, “thành phần này không được đi đến chỗ phán quyết tối hậu về Giáo Hội”, vì “nó xứng hợp với vị giám mục trong việc ngài tự ý thức và công bố, không phải về một vấn đề thuần túy của lương tâm mà là như một vị thày dạy đức tin”. Bởi đó, ĐTC lại đề cập đến vấn đề “tái thiết lập chức phó tế vĩnh viễn cho những người nam đã lập gia đình, một chức làm cho sứ vụ của Giáo Hội thêm phần phong phú rất nhiều”. Thế nhưng, chức vụ này bao giờ cũng phải “ở trong giới hạn đã được luật lệ ấn định, miễn là việc thi hành trọn vẹn thẩm quyền thừa tác vụ giành cho các vị linh mục”, tránh “những mập mờ có thể làm tín hữu lầm lẫn, nhất là trong việc cử hành phụng vụ”.


 

ĐTC Nhấn Mạnh đến 2 Ưu Tiên Chính của Các Vị Giám Mục Ngày Nay

 

“Công việc chính của một vị mục tử là nuôi dưỡng một lòng khao khát thánh thiện thực sự nơi tất cả mọi tín hữu, một sự thánh thiện tất cả chúng ta được kêu gọi đến và là tuyệt đỉnh của những ước vọng của con người. Ưu tiên khác của quí huynh là việc chú trọng đến hàng linh mục của quí huynh, thành phần hợp tác gần gũi nhất với thứa tác vụ của quí huynh".


Hôm nay, Thứ Hai 23/9/2002, theo chương trình của Thánh Bộ Giám Mục, 120 vị tân giám mục từ 33 quốc gia về họp tại Rôma đã đến nhà nghỉ hè của ĐTC ở Castel Gandolfo để triều kiến Ngài. Đây là lần thứ hai Thánh Bộ này tổ chức cuộc họp như thế này cho các vị tân giám mục trên thế giới. Lần đầu vào năm 2001. ĐTC nhận định rằng trong xã hội ngày nay với đặc tính nổi bật là lòng khô đạo và nhiều khi đi đến chỗ ghét đạo thì việc làm giám mục là một trong những sứ vụ khó khăn nhất.

 

“Công việc chính của một vị mục tử là nuôi dưỡng một lòng khao khát thánh thiện thực sự nơi tất cả mọi tín hữu, một sự thánh thiện tất cả chúng ta được kêu gọi đến và là tuyệt đỉnh của những ước vọng của con người. Ưu tiên khác của quí huynh là việc chú trọng đến hàng linh mục của quí huynh, thành phần hợp tác gần gũi nhất với thứa tác vụ của quí huynh. Việc chăm sóc thiêng liêng cho linh mục là nhiệm vụ chính yếu của hết mọi vị giám mục coi sóc giáo phận. Cử chỉ của vị linh mục mà vào ngày lãnh chức tư tế thừa tác đặt tay của mình vào tay của vị giám mục, tuyên xưng cùng vị giám mục ‘trọng kính và tuân phục với tình con thảo’ thoạt nhìn cứ tưởng là cử chỉ một chiều. Thật sự cử chỉ ấy liên quan đến cả hai, cả linh mục và giám mục. Vị linh mục trẻ trung thì quyết trao phó bản thân mình cho vị giám mục, và phần vị giám mục thì tự hứa với lòng mình chăm sóc cho các bàn tay ấy. Như thế vị giám mục có trách nhiệm với số mệnh của những bàn tay ngài nắm lấy trong tay của mình. Vị linh mục nào cảm thấy, nhất là trong những lúc khó khăn, những lúc lẻ loi cô độc, bàn tay của họ đã được bàn tay của các vị giám mục nắm chặt. Ngoài ra, quí huynh phải nhiệt thành dấn thân vào việc cổ động ơn gọi chân chính tiến đến thiên chức linh mục, bằng lời nguyện cầu, bằng chứng từ đời sống và bằng mối quan tâm mục vụ”.

 

Thế nhưng, dù sao ĐTC cũng công nhận các vị giám mục cần phải dấn thân nhiều cho việc cổ động ơn gọi linh mục trong một thế giới “quá phong phú về các phương tiện kỹ thuật, các phương tiện và tiện nghi vật chất” nhưng lại “tỏ ra nghèo nàn khốn khổ về đích nhắm, gía trị và lý tưởng. Con người ngày nay, bị hụt hẫng về những bám víu về giá trị thường rút lui vào những chân trời hẹp hòi và tương đối. Sứ vụ của vị giám mục không dễ dàng gì trong cái môi trường duy vật thức lắm khi thù hằn này. Tuy nhiên, chúng ta không được đầu hàng thoái lui trước tình trạng bi quan và chán nản, vì Thần Linh hướng dẫn Giáo Hội và ban cho Giáo Hội với hơi thở sinh động của Ngài lòng hăng hái nhất định tìm kiếm những phương pháp mới trong việc truyền bá phúc âm hóa, để có thể tiến đến những lãnh vực chưa khám phá ra. Chân lý Kitô Giáo hấp dẫn và có sức chinh phục lòng người chính là vì chân lý này có thể in sâu vào cuộc sống con người một hướng đi mãnh liệt, loan báo một cách thu hút Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại. Việc loan báo này hôm nay đây vẫn còn hiệu lực, như khi mới bắt đầu có Kitô Giáo, khi thực hiện cuộc truyền bá Phúc Âm quan trọng đầu tiên”.


 

20/5/2002 Thứ Hai

ĐTC tiếp Hội Đồng Giám Mục Ecuador dịp Các Vị Viếng Thăm Ngũ Niên


Trong bài diễn từ của mình, ĐTC đã nói đến “Dự Án Mục Vụ Toàn Cầu của Giáo Hội tại Ecuador từ 2001-2010”, theo Ngài, đó là “một dự án phải áp dụng những hoạt động hiệu nghiệm, một cách liên tục và điều động, những hoạt động làm kiên cố những thứa tác mục vụ thông thường trong thập niên đầu tiên của thiên kỷ thứ hai. Thế nên, Tôi xin nhắc Quí Huynh là bất cứ một dự án mục vụ nào cũng cần phải nhắm đến mục tiêu tối hậu và bất khả phai tàn là sự thánh thiện của hết mọi Kitô hữu. Vì lý do ấy, Quí Huynh đừng bỏ qua một nỗ lực nào trong việc cổ võ những nguồn mạch căn bản nhất của hoạt động phúc âm mà thiếu hụt chúng thì khó đi đến chỗ thành đạt bất cứ một dự án nào… Phải đặc biệt chú trọng đến việc huấn luyện giáo dân cũng như chú trọng đến vai trò cùng với sứ vụ của họ trong Giáo Hội”.

ĐTC nhắc các vị giám mục này rằng các vị phải xin tất cả mọi tín hữu “chẳng những biểu lộ căn tính Kitô giáo của mình mà còn phải là những thủ công viên khéo léo trong ngành của mình nơi lãnh vực xã hội, một xã hội hơn bao giờ hết được tác động theo công lý và ít bị chi phối bởi tình trạng hư hoại, bởi xu hướng phản trắc bất trung hay bởi thiếu hụt tình đoàn kết. Thật là mâu thuẫn khi nại đến các nguyên tắc về luân thường đạo lý, ở chỗ bác bỏ một số tình trạng đáng buồn về luân lý mà lại không đòi hỏi những người làm thương mại, chính trị hay quản trị xã hội phải thực hành những giá trị được Giáo Hội và các vị chủ chiên trong Giáo Hội nhất trí truyền dạy”.

Theo thống kê cho biết, 52% trong 13 triệu dân Ecuador, bao gồm Ấn Độ, hầu hết là Quechuas, 40% Mestizos, 8% thuộc giòng máu Tây Ban Nha và Phi Châu. 95% là Công Giáo. ĐTC đã nhấn mạnh đến khía cạnh các chủng tộc này như sau: “Giáo Hội, với đức tin được bắt nguồn sâu xa nơi Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất của cả loài người, coi tính cách đa dạng của các thể thức, phát xuất từ những cảm thức và truyền thống khác nhau, là một kho tàng quí giá, nhờ đó sứ điệp duy nhất của Phúc Âm và của Giáo Hội được thể hiện. Bởi thế, phải đề cao việc tôn trọng mỗi một nền văn hóa, đồng thời, phải biến đổi và thanh tẩy khả năng của văn hóa để nó có thể là một hình thức hết sức sâu xa, hầu giúp cho bất cứ người nào hay nhóm người nào cũng gặp được Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa đã được trọn vẹn và dứt khoát tỏ mình nơi Chúa Kitô. Việc hiệp nhất nền tảng trong cùng một đức tin duy nhất này sẽ trở thành một động lực, nhờ đó, các thứ ngôn ngữ và cảm nhận khác nhau sẽ tìm thấy những cách thức diễn đạt về đạo giáo và phụng vụ nói lên sự hiệp thông sâu xa với Giáo Hội hoàn vũ”.
 

"Giữa Linh Mục và Giáo Dân: Không Bình Đẳng Nhưng Hoàn Trọn"


Sáng 7/5/2002 Thứ Ba ĐTC tiếp các vị giám mục Antilles. Trong bài huấn từ của mình bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, Ngài đã nhấn mạnh đến “tính cách hoàn trọn sâu xa” chứ không bình đẳng giữa linh mục và giáo dân, cũng như Ngài đã nhấn mạnh đến cách thức loan báo sự thật tuyệt đối và phổ quát, như sau:

“Quí Huynh đến như những Vị Mục Tử đã được kêu gọi để thông phần vào thiên chức tư tế đời đời của Chúa Kitô. Trước hết và trên hết, Quí Huynh là những vị linh mục, tức không phải là những vị quản đốc nghiệp đoàn, những vị điều hành thương vụ, những viên kinh tài hay những viên công chức, mà là những vị linh mục. Điều này có nghĩa là trước hết Quí Huynh đã được tuyển chọn để dâng hy tế, vì đó là yếu tính của thiên chức linh mục, và cốt lõi của thiên chức linh mục Kitô Giáo là hiến dâng hy tế của Chúa Kitô…

“Chúng ta biết có một số người chủ trương rằng việc giảm sút con số linh mục là việc làm của Chúa Thánh Thần, và chính Thiên Chúa sẽ dẫn dắt Giáo Hội, làm cho Giáo Hội đi đến chỗ cơ cấu giáo dân sẽ thế chỗ cho cơ cấu linh mục. Một chủ trương như vậy hoàn toàn không để ý đến những gì Các Vị Nghị Phụ (Công Đồng Chung Vaticanô II) đã nói khi các vị tìm cách cổ võ việc giáo dân tham gia nhiều hơn nữa trong Giáo Hội. Với giáo huấn của mình, Các Vị Nghị Phụ đã nhấn mạnh đến tính cách hoàn trọn sâu sa giữa linh mục và giáo dân là những gì được chất chứa nơi bản tính hợp tấu của Giáo Hội. Việc thiếu hiểu biết về tính cách hoàn trọn này đôi khi đã đưa đến một cuộc khủng hoảng về căn tính và niềm tin nơi các vị linh mục, cũng như dẫn đến những hình thức giáo dân dấn thân theo kiểu quá giáo sĩ hay quá chính trị hóa.

“Việc giáo dân tham gia biến thành một hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ, khi những vai trò về bí tích và phụng vụ thuộc về linh mục được giáo dân nắm giữ, hay khi giáo dân bắt đầu thực hiện những công việc quản trị mục vụ chỉ thích hợp với linh mục… Chỉ có linh mục, với tư cách là một thừa tác viên có chức thánh và nhân danh Chúa Kitô, mới là vị chủ sự cộng đồng Kitô Hữu trong lãnh vực phụng vụ và mục vụ mà thôi. Giáo dân có thể giúp linh mục trong vấn đề này bằng nhiều cách. Còn môi trường chủ yếu hơn cho giáo dân hành sử đó là thế giới của những thực tại về kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Chính trong thế giới ấy mà giáo dân đã được kêu gọi để sống ơn gọi phép rửa của mình.

“Trong một thời điểm tục hóa ngấm ngầm tác hại này, người ta có thể lạ lùng khi thấy Giáo Hội nhấn mạnh rất nhiều đến ơn gọi trần thế của giáo dân. Thế nhưng, chính chứng từ Phúc Âm ấy nơi giáo dân trong thế gian lại là tâm điểm của việc Giáo Hội đáp ứng với tình trạng bệnh hoạn này của chiều hướng tục hóa.

“Việc dấn thân của giáo dân bị chính trị hóa khi giáo dân ham hố theo đuổi việc hành sử ‘quyền lực’ trong Giáo Hội. Điều này xẩy ra khi người ta không nhìn Giáo Hội theo khía cạnh ‘mầu nhiệm’ của ân sủng làm nên Giáo Hội, mà chỉ nhìn Giáo Hội theo chiều hướng xã hội hay thậm chí theo chiều hướng chính trị… Một khi không phải là phục vụ mà là một thứ quyền lực được áp đặt lên tất cả mọi hình thức quản trị trong Giáo Hội, xẩy ra nơi thành phần giáo sĩ hay giáo dân, thì những xung khắc lợi lộc liền xuất đầu lộ diện…

“Những gì Giáo Hội cần đó là một cảm quan sâu xa hơn và ý thức hơn về tính cách hoàn trọn giữa ơn gọi linh mục và ơn gọi giáo dân…

“Giáo Hội được kêu gọi để loan báo một sự thật tuyệt đối và phổ quát trên thế giới ở vào lúc thế giới có nhiều nền văn hóa đang bị xao động rất nhiều về vấn đề không biết có một sự thật như vậy hiện hữu hay chăng. Bởi thế, Giáo Hội phải nói bằng những cách thức chất chứa cái mãnh lực của một chứng từ đích thực. Nhận định về những gì cần phải có cho việc làm này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã vạch ra 4 tính chất mà Ngài gọi là ‘perspicuitas, lenitas, fiducia, prudentia’ – minh tường, nhân bản, tin tưởng và khéo léo.

“Nói một cách minh tường nghĩa là chúng ta cần phải cắt nghĩa một cách toàn vẹn sự thật Mạc Khải cũng như những giáo huấn của Giáo Hội từ đó mà ra… Đó là những gì Tôi muốn khi nói rằng chúng ta cần một thứ hộ giáo mới, nhắm đến các nhu cầu của ngày hôm nay, một thứ hộ giáo ở chỗ việc của chúng ta không phải nhắm đến việc thắng lý mà là chiếm được lòng người… Một thứ hộ giáo như vậy sẽ cần phải thở hít một tinh thần nhân bản có lòng khiêm tốn và thương cảm hiểu được những lo âu và vấn nạn của con người.

“Nói một cách tin tưởng nghĩa là chúng ta không bao giờ lạc hướng sự thật tuyệt đối và phổ quát được mạc khải nơi Chúa Kitô ấy, cũng như không bao giờ được quên rằng sự thật này là sự thật mà tất cả mọi người đều mong mỏi, bất kể họ có tỏ ra hờ hững, chống đối hay thù hận ra sao chăng nữa. Nói một cách khôn ngoan cụ thể và đầy đủ ý nghĩa, những gì Đức Phaolô VI gọi là khéo léo… nghĩa là chúng ta giải đáp một cách rõ ràng cho thành phần đặt vấn đề ‘tôi phải làm gì?’”.

Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa và Tình Trạng Phát Triển Con Người

(Huấn từ của ĐTC hôm Thứ Ba 30/4/2002 với nhóm Các Vị Giám Mục Nigeria thứ hai dịp các vị Viếng Thăm Ngũ Niên)

1.- Tôi hiểu được mối quan tâm của Qúi Huynh về việc phát triển bình lặng của dân tộc Quí Huynh, chẳng những về vấn đề tiến bộ trên phương diện vật chất, mà nhất là về vấn đề tự do thực sự trong lãnh vực chính trị, vấn đề hòa hợp chủng tộc, cũng như vấn đề tôn trọng quyền lợi của tất cả mọi người công dân.

Vấn đề trước mắt của Quí Huynh bây giờ là làm sao để Phúc Âm có thể hội nhập vào những hoàn cảnh đang lên này? Làm sao Giáo Hội cũng như cá nhân Kitô hữu có thể tận lực đương đầu với những vấn đề khẩn trương nếu họ muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính bản thân họ cũng như cho con cái của họ.

Câu trả lời cho những vấn đề này có thể tìm thấy nơi chính các mục đích mà 5 năm về trước Qúi Huynh đã phác ra trong Dự Án Mục Vụ Toàn Quốc cho Nước Nigeria. Trong chương trình lâu dài được Ủy Ban của Hội Đồng Giám Mục về Sứ Vụ soạn thảo, hai lãnh vực rộng lớn tóm gọn cốt li của những gì Quí Huynh coi như là sứ vụ của Giáo Hội tại Nigeria trong Ngàn Năm Kitô Giáo Thứ Ba, đó là việc tân truyền bá phúc âm hóa và các thứ trách vụ của Giáo Hội trong xã hội dân sự.

Chính trong mối tương quan lưỡng diện này, Quí Huynh đã có thể thực sự qui hướng tất cả mọi đích nhắm mục vụ của Quí Huynh vào việc biến đổi nhân loại tận gốc rễ, vào việc canh tân tính cách lương thiện của tâm can dân chúng, và như Thượng Hội Giám Mục Phi Châu đề nghị, vào việc xây dựng Giáo Hội như là một gia đình. Chính yếu tố thứ ba này là yếu tố nắm vai trò chủ yếu đối với hai yếu tố đầu, ở chỗ, như Các Nghị Phụ nhìn nhận, Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa “là một diễn đạt về bản chất của Giáo Hội thích hợp cách riêng với Phi Châu. Vì hình ảnh này nhấn mạnh đến việc chăm sóc cho kẻ khác, đến tình liên đới, đến tính cách nồng nàn nơi các mối liên hệ nhân bản, đến việc chấp nhận, đến việc trao đổi và tin tưởng” (Tông Huấn Giáo Hội tại Phi Châu, 63).

Thật vậy, khi việc loan truyền và dạy giáo lý tiến đến chỗ xây dựng Giáo Hội như một gia đình thì toàn thể xã hội được hưởng các lợi ích, ở chỗ sự hòa hợp giữa những nhóm chủng tộc khác nhau có nền tảng vững chắc hơn, tránh được khuynh hướng duy chủng tộc và phấn khích sự hòa giải, thắt chặt tình liên đới hơn và dân chúng cùng được hưởng các nguồn nhiên liệu, đời sống xã hội càng thấm nhuần ý thức về những trách nhiệm phát xuất từ việc tôn trọng phẩm vị bẩm sinh của hết mọi con người.

2.- Sứ vụ của Giáo Hội ở Nigeria, cũng như ở khắp mọi nơi, phát xuất từ chính bản chất của Giáo Hội là bí tích hiệp nhất với Thiên Chúa cũng như hiệp nhất với tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại (x Lumen Gentium, 1). Như trong một gia đình, cần phải được liên lỉ xây dựng bình an và hoà hợp, trong Giáo Hội cũng vậy nữa, những khác biệt không được trở thành lý do xung khắc hay căng thẳng, mà là nguồn sức mạnh và hiệp nhất theo chiều hướng đa diện hợp pháp. Không phải bình an, hòa hợp, hiệp nhất, quảng đại và hợp tác nói lên cho thấy một gia đình vững chắc lành mạnh hay sao? Bởi thế, những tính chất này cũng phải là những đặc tính chuyên biệt nơi tất cả những liên hệ trong Giáo Hội. “Ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước mắt con người, để họ thấy những việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con” (Mt 5:16).

Cùng một cách thức như thế, việc chân thành và cởi mở đối thoại là thái độ quan thiết Kitô Giáo cần phải có cả bên trong cũng như bên ngoài cộng đồng Giáo Hội, với những tín đồ khác cũng như với những con người nam nữ thiện tâm. Tuy nhiên, không được lẫn lộn kiến thức sai lầm hay không trọn vẹn về việc hội nhập văn hóa hay đại kết với nhiệm vụ truyền bá phúc âm hóa là yếu tố chính yếu thuộc căn tính Công Giáo. Giáo Hội, trong khi tỏ ra hết sức tôn trọng và cảm mến những tôn giáo ngoài Kitô Giáo được nhiều người Phi Châu tin tưởng, cũng không thể không cảm thấy nhu cầu cần phải loan báo Tin Mừng cho cả bao nhiêu triệu người chưa nghe biết sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong Thông Điệp Evangelii Nuntiandi: “Giáo Hội chủ trương rằng những đám dân chúng này có quyền biết đến các kho tàng mầu nhiệm Chúa Kitô (x Eph 3:8) – những kho tàng chúng ta tin rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy trong đó, ở mức độ trọn vẹn chưa từng thấy, mọi sự mà nó đang lò mò tìm kiếm liên quan đến Thiên Chúa, đến con người cũng như đến định mệnh của họ, đến sự sống và sự chết, cũng như đến sự thật” (số 53).

3.- Hơn nữa, vấn đề truyền bá phúc âm hóa và vấn đề phát triển trọn vẹn con người – việc phát triển của mọi người cũng như của toàn thể con người – được chặt chẽ liên hệ với nhau. Công Đồng Chung Vatican II, trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến, đã khéo viết thế này: “Theo đuổi mục đích cứu độ hợp với mình, Giáo Hội chẳng những thông truyền sự sống thần linh cho con người mà còn chiếu tỏa một cách nào đó ánh sáng phản ảnh của sự sống này trên toàn thể trái đất, nhất là bằng tác dụng chữa lành và thăng hoa của nó trên phẩm vị của con người, bằng việc nó củng cố những liên hệ xã hội loài người và làm cho mọi sinh hoạt thường nhật thấm nhuần một ý nghĩa và có một tính cách quan trọng sâu xa hơn. Như thế, qua các phần tử riêng của mình cũng như qua toàn thể cộng đồng của mình, Giáo Hội tin rằng mình có thể đóng góp rất nhiều vào việc làm cho gia đình con người và lịch sử của họ được nhân bản hơn” (Gaudium et Spes, 40).

Thật vậy, chính nơi việc Nhập Thể của Lời Thiên Chúa mà lịch sử con người mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của mình; Chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc nhân trần, Đấng là nền tảng của nhân phẩm được phục hồi của con người. Vì lý do này, việc loan báo Chúa Giêsu Kitô nghĩa là việc mạc khải cho dân chúng biết phẩm vị bất khả vi phạm của họ: “Vì Giáo Hội đã được ủy thác cho công việc mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng là đích điểm tối hậu của con người, Giáo Hội mở ra cho con người cùng một lúc ý nghĩa cuộc sống của họ, tức là sự thật sâu xa nhất về bản thân họ” (cùng nguồn vừa dẫn, 41).

Chính vì con người đã được trang điểm bằng cái phẩm vị phi thường này mà không được đầy họ xuống một đời sống hạ nhân trong những điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa hay chính trị. Đó là nền tảng thần học đối với việc tranh đấu để bảo vệ công lý và hòa bình xã hội, để cổ v, giải phóng và phát triển toàn diện con người của tất cả mọi dân tộc cũng như của hết mọi cá nhân con người. Bởi thế, Các Nghị Phụ của Thượng Hội Phi Châu đã có lý nhận định rằng “việc phát triển toàn diện bao gồm việc tôn trọng phẩm vị con người, và điều này chỉ có thể đạt được trong công lý và hòa bình” (Tông Huấn Giáo Hội Tại Phi Châu, 69).

4.- Mối liên hệ giữa việc truyền bá phúc âm hóa và phát triển con người cho thấy lý do tại sao Giáo Hội hiện diện trong lãnh vực xã hội, trong lãnh vực sinh hoạt công cộng và xã hội. Theo gương của Chúa mình, Giáo Hội thực hiện vai trò ngôn sứ của mình nhân danh tất cả mọi người, nhất là thành phần bần cùng, khổ đau, bất lực; Giáo Hội trở nên tiếng nói của thành phần không tiếng nói, một tiếng nói luôn nhấn mạnh rằng phẩm vị của con người bao giờ cũng phải là tâm điểm của các chương trình hoạt động của địa phương, quốc gia và quốc tế. Giáo Hội “thách đố lương tâm của các Vị Lãnh Thủ Quốc Gia cũng như của những ai có trách nhiệm ở lãnh vực xã hội trong việc họ càng bảo vệ hơn nữa tình trạng tự do và phát triển nhân dân của mình” (cùng nguồn vừa dẫn, 70).

Thế nên, việc loan báo Tin Mừng bao gồm cả việc phát động những công cuộc góp phần phát triển và thăng hoa con người về cuộc sống tinh thần và vật chất của họ. Việc loan báo này cũng phủ nhận và chiến đấu với tất cả những gì hạ giá hay hủy hoại con người. “Việc lên án bác bỏ các sự dữ và bất công cũng là một phần của thừa tác vụ truyền bá phúc âm hóa trong lãnh vực xã hội , phần thuộc về vai trò ngôn sứ của Giáo Hội. Thế nhưng, cần phải hiểu r là việc loan báo bao giờ cũng quan trọng hơn là việc lên án bác bỏ” (Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41). Bởi thế, là những Vị Mục Tử và Chăn Dắt các linh hồn, chúng ta phải có trách nhiệm rao giảng Phúc Âm một cách tích cực, trong mọi lúc, thuận lợi cũng như bất thuận lợi (x 2Tim 4:2), để xây dựng Gia Đình Thiên Chúa là Giáo Hội, trong yêu thương và chân lý, cũng như để phục vụ toàn thể gia đình con người vì họ khát vọng một thứ công lý, tự do và hòa bình hơn nữa.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Màn Điện Toán Zenit)
 

20/4/2002 Thứ Bảy

ĐTC nhắn nhủ các vị Giám Mục Nigeria về đời sống linh mục


Trong buổi triều kiến của các vị Giám Mục Nigeria với ĐTC Thứ Bảy hôm nay để kết thúc cuộc Viếng Thăm Tòa Thánh Ngũ Niên của các vị, các vị đã được ĐTC nhắn nhủ liên quan đến đời sống linh mục như sau: “Thiên chức linh mục không bao giờ được coi như là một phương tiện để cải tiến thân phận con người trong cuộc sống hay để chiếm hưởng thế giá. Các vị linh mục và thành phần học làm linh mục thường sống ở một mức độ trổi vượt cả về vật chất lẫn học thức hơn gia đình họ cũng như thành phần đồng lứa; bởi thế họ rất dễ có khuynh hướng nghĩ mình ngon hơn kẻ khác. Trong trường hợp này, lý tưởng phục vụ của linh mục và việc tự hiến dấn thân có thể bị lu mờ, làm cho linh mục cảm thấy không được mãn nguyện và đâm ra chán chường. Vì lý do ấy, đời sống của quí huynh cũng như đời sống của các vị linh mục thuộc quyền quí huynh phải phản ảnh một đức khó nghèo đích thực theo phúc âm, cũng như phải xa lánh những sự vật cùng những thái độ thế gian, rồi lại phải cẩn thận canh giữ cái giá trị độc thân như là một tặng ân trọn vẹn hiến mình cho Chúa cũng như cho Giáo Hội của Người… Việc đào tạo chủng sinh là một việc rất ư là quan trọng, vì việc truyền đạt những niềm xác tín và huấn luyện cụ thể là việc thiết yếu đối với sự thành công của sứ vụ Giáo Hội… Bởi vậy, là một người cha đích thực, ưu tiên đệ nhất của quí huynh là việc phát triển và canh tân tinh thần cho các vị linh mục của qúi huynh”.

 

5/3/2002 Thứ Ba. ĐTC tiếp các vị Giám Mục Á Căn Đình Viếng Thăm Tòa Thánh Ngũ Niên thuộc nhóm thứ hai.

Trong bài diễn từ của mình, ĐTC đã nhấn mạnh đến 4 điểm: tầm quan trọng của việc truyền bá phúc âm hóa liên quan đến tình hình đất nước, nhu cầu sống đạo của linh mục trong việc cử hành Thánh Lễ, tầm quan trọng của phụng vụ Thánh Lễ trong việc sống đạo, và việc mục vụ thăng tiến đời sống gia đình.

Về tầm quan trọng của việc truyền bá phúc âm hóa liên quan đến tình hình đất nước, ĐTC nói: “Quí Huynh đừng bao giờ do dự ngại ngùng không dồn tất cả lòng nhiệt thành mục vụ và quyết tâm của Quí Huynh vào công cuộc truyền bá phúc âm hóa, với một xác tín sâu xa là, công cuộc này sẽ soi sáng cho hoạt động của người Kitô hữu giáo dân, cũng như sẽ là một phương dược hiệu nghiệm và bền bỉ để chữa trị những khốn khó trầm trọng mà nhiều người ở đất nước của Quí Huynh hiện đang phải chịu đựng”.

Về nhu cầu sống đạo của linh mục trong việc cử hành Thánh Lễ, ĐTC nói vì họ là “những con người của Thiên Chúa, do đó, họ không bao giờ được lơ là đời sống đạo đức… Trong đủ các thứ hoạt động hằng ngày của hết mọi vị linh mục, việc cử hành Thánh Thể là việc cao cả nhất, một việc làm cho họ giống như Vị Thượng Tế Tối Cao và Hằng Hữu. Trước nhan Thiên Chúa, mỗi một linh mục sẽ tìm được sức mạnh để đáp ứng những đòi hỏi nơi thừa tác vụ của mình, cũng như tấm lòng đơn sơ dễ dạy để làm theo ý của Đấng đã kêu gọi, thánh hiến và sai họ đi khi ký thác cho họ một sứ vụ đặc biệt và khẩn thiết”.

Về tầm quan trọng của phụng vụ Thánh Lễ trong việc sống đạo, ĐTC tiếp, mục đích là “để xây dựng, phát triển và làm tái sinh dộng hóa các cộng đồng Kitô hữu. Không gì có thể thay thế được Thánh Lễ; cho dù việc cử hành Lời Chúa khi thiếu linh mục có giúp vào việc bảo trì đức tin chăng nữa, vẫn phải nhắm đến việc thường xuyên cử hành Thánh Lễ… Phải tăng thêm hoạt động mục vụ trong việc khuyến khích tín hữu tham dự thường xuyến hơn nữa vào Phụng Vụ Thánh Thể Chúa Nhật, một phụng vụ không phải chỉ thực hiện theo qui luật đòi buộc mà như là một nhu cầu sâu xa cần thiết cho đời sống Kitô hữu”.

Về việc mục vụ thăng tiến đời sống gia đình, ĐTC nói: “Một lãnh vực khác của hoạt động mục vụ cũng cần phải đặc biệt chú trọng, đó là việc cổ võ và bảo vệ đời sống gia đình như là một cơ cấu, một cơ cấu ngày nay đang phải trải qua những cuộc tấn công bởi rất nhiều những trận tuyến của các thứ tranh cãi đa diện và tinh xảo. Chúng ta đang chứng kiến thấy một trào lưu, rất thịnh hành ở một số nơi, có khuynh hướng làm suy yếu đi bản chất đích thực của đời sống gia đình. Có những lúc, chính giáo hữu Công Giáo, vì những lý do khác nhau, đã không tiến đến bí tích hôn nhân trước khi bắt đầu cuộc hiệp nhất yêu thương. Không được chán nản hay dửng dưng trước việc lan tràn tình trạng khủng hoảng về hôn nhân và gia đình. Trái lại, chúng ta phải tiến đến chỗ mạnh mẽ truyền dạy – như là một việc phục vụ thực sự cho gia đình và xã hội – sự thật về hôn nhân và gia đình được Thiên Chúa thiết lập. Không làm điều này sẽ là một thiếu sót trầm trọng về mục vụ, một thiếu sót làm lạc hướng cả các tín hữu cũng như những ai mang trọng trách quyết định liên quan đến công ích của quốc gia, không phải cho riêng những người Công Giáo, mà còn cho tất cả mọi con người nam nữ nào, vì hôn nhân và gia đình là một sự thiện bất khả thay thế của xã hội. … Gia đình Kitô giáo phải đi tiên phong trong việc làm chứng cho sự cao cả của đời sống hôn nhân và gia đình, một đời sống được xây trên tình yêu hỗ tương và lòng thủy chung. Chúng ta cũng không được quên rằng, để bảo vệ và nâng đỡ đời sống gia đình, vấn đề quan trọng là việc sửa soạn đầy đủ cho những ai đang dọn mình lãnh nhận bí tích hôn phối… về những khía cạnh nhân loại học nơi tình yêu con người, cũng như về nền tảng của một linh đạo hôn nhân chân thực”.

Có một chi tiết hay hay từ Vatican cho nguồn tin Zenit biết rằng, trong cuộc triều kiến với ĐTC của các vị Giám Mục Á Căn Đình thuộc nhóm thứ nhất hôm 12/2/2002 vừa qua, có vị đã nêu tên một hồng y xứng đáng kế vị giáo hoàng. ĐTC Gioan Phaolô II mỉm cười trả lời: “Người kế vị của Tôi chưa làm hồng y”.

29/1/2002, ĐTC tiếp Hội Đồng Giám Mục Đài Loan:

Trong bài diễn từ của mình, ĐTC đã nhấn mạnh đến mối liên hệ của vấn đề truyền bá phúc âm hóa với đời sống nội tâm như sau:

"Vào lúc đóng cửa Năm Thánh, Tôi đã nói rằng: 'Kitô giáo được hạ sinh, và tiếp tục lấy được sức sống mới từ... việc chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên dung nhan của Chúa Kitô' (Bài giảng Đóng Cửa Năm Thánh, 6/1/2001, đoạn 6). Tôi đã nói lên niềm hy vọng của Tôi là thấy toàn thể công đồng Kitô hữu sẽ bắt đầu từ việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô này, với một lòng nhiệt thành mới cũng như với một quyết tâm mới trong việc tìm cầu thánh thiện, để làm chứng cho tình yêu của Người, 'bằng việc sống một đời Kitô hữu cho thấy mối hiệp thông, bác ái và chứng từ trước thế giới' (cùng nguồn, đoạn 8). Đây là công việc trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ Tôi đã xin các Giáo Hội riêng chú trọng, như là một đường lối xây dựng trên những gì Cuộc Mừng Kỷ Niệm Năm Thánh đạt được cho đời sống cá nhân cũng như cộng đồng.

Trong năm qua, cộng đồng Công Giáo ở Đài Loan đã tiếp tục sứ vụ này bằng việc suy tư về đề tài "Tân Thế Kỷ, Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa", với chủ đích góp phần bằng những sáng kiến cụ thể vào việc canh tân sinh hoạt Giáo Hội tại Giáo Phận của Quí Huynh. Giờ đây là lúc bắt đầu, bằng một lòng tin tưởng vào Chúa để mang những dự thảo này ra thực hiện, hầu có thể đáp ứng những thách đố của một thiên niên kỷ mới. Những sáng kiến của Quí Huynh sẽ trổ sinh hoa trái, nếu chúng phản ảnh hai chiều kích cần thiết cho tất cả mọi sinh hoạt của Giáo Hội, đó là chiều kích nội tại ad intra và chiều kích ngoại tại ad extra.

Về chiều kích nội tại, đó là một tinh thần cầu nguyện và chiêm niệm, một tinh thần sống còn cho đời sống Kitô hữu, phải là chuẩn mức cho tất cả những gì chúng ta nói và làm: "Không gì tương đương với việc cầu nguyện, vì những gì bất khả đều trở thành khả hiệu, những gì khó khăn đều thành dễ dàng" (Thánh John Chrysostom, de Anna, 4,5).

Về chiều kích ngoại tại, đó là nhiệm vụ loan truyền Chúa Kitô, thâm tín rằng việc truyền bá Phúc Âm là 'việc phục vụ chính yếu Giáo Hội có thể mang lại cho hết mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại trong thế giới tân tiến' (Thông Điệp Redemptoris Missio, đoạn 2).

Hai chiều kích này không thể tách biệt nhau, vì đời sống tinh thần cho thấy tính cách chân thực của mình trong việc loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô, trong khi hoạt động truyền giáo chỉ có thể sinh hoa kết trái khi được đâm rễ sâu vào mối hiệp thông thân mật với Thiên Chúa: không cầu nguyện, việc truyền bá phúc âm hóa của chúng ta sẽ luống công vô ích; không truyền giáo, cộng đồng Kitô hữu sẽ mất đi tính cách cứu độ và nhiệt thành của mình.

Đối diện với những khó khăn đang ảnh hưởng đến đời sống đức tin ngày nay, những vị Mục Tử có thể hướng chiều về việc chiều theo thái độ rút lui và nói như Tông Đồ Phêrô rằng: 'Thưa Thày, chúng con đã vất vả thâu đêm mà chẳng bắt được gì cả' (Lk 5:5). Thế nhưng, ngay cả khi chúng ta không thấy được thành quả nơi nỗ lực mục vụ của mình, chúng ta cũng không được thất đảm: vì chúng ta trồng cấy và vun tưới nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho phát triển (x 1Cor.3:6).

Chúa Giêsu liên lỉ kêu gọi chúng ta hãy thắng vượt nỗi sợ hãi của mình và 'hãy thả lưới ở chỗ nước sâu' (Lk 5:4). Thâm tín rằng Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x Jn 4:6), là Tin Mừng cho con người nam nữ ở mọi thời và khắp mọi nơi, khi họ tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời cũng như khi họ tìm kiếm sự thật cho nhân tính của mình (x Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, đoạn 4), chúng ta không bao giờ được sợ hãi trong việc rao giảng tất cả sự thật về Người, bất chấp mọi thách đố của nó. Tin Mừng tự mình có một quyền lực thu hút con người.
 

HIỆP NHẤT VỚI CÁC VỊ CHỦ CHIÊN

(Thánh Ignatius of Antioch, Giám Mục Tử Đạo,
Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô - No. 2, 2 - 5, 2: Funk 1. 175-177)


Anh em cần phải bằng mọi cách tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã ban vinh hiển cho anh em; anh em phải nên thánh trong tất cả mọi sự, bằng việc hiệp nhất với đức vâng lời trọn lành, tỏ ra phục tùng vị giám mục và các vị tư tế.

Tôi không truyền lệnh cho anh em như thể tôi là một kẻ quan trọng. Cho dù vì danh Chúa Kitô mà tôi bị tù ngục, tôi vẫn chưa hoàn thiện trong Chúa Giêsu Kitô. Giờ đây tôi mới bắt đầu là một người môn đệ và tôi nói với anh em như là những người môn đệ đồng môn của tôi. Chính anh em phải là những người đang làm cho tôi vững mạnh bằng đức tin của anh em, bằng những khích lệ của anh em, bằng lòng nhẫn nại của anh em, bằng sự trầm lặng của anh em. Thế nhưng, vì yêu thương mà tôi không thể nào không nói về anh em, Tôi muốn dùng cơ hội này để thôi thúc anh em hãy hiệp nhất bằng việc nên một với tâm tưởng của Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, Đấng mà thiếu Người chúng ta không thể sống, là tâm tưởng của Chúa Cha, như các vị giám mục được bổ nhiệm khắp nơi trên thế giới nên một tâm tưởng với Chúa Giêsu Kitô vậy.

Bởi thế anh em cần phải hòa hợp với tâm tưởng của vị giám mục như anh em thực sự là giám mục vậy. Quí tôn huynh tư tế, thành phần đẹp lòng Thiên Chúa, qúi huynh sánh với các vị giám mục như giây đàn của một cây đàn. Bởi thế, bài ca anh em hát trong việc hòa hợp tư tưởng và tâm hồn là Chúa Giêsu Kitô. Mọi người trong anh em phải làm nên một ca đoàn, để, trong sự hòa hợp âm thanh bằng việc hòa hợp tâm hồn, cũng như trong sự hiệp nhất bằng việc lấy cung nhạc từ Thiên Chúa, anh em đồng thanh nhờ Chúa Giêsu Kitô hát khen Thiên Chúa. Nếu anh em làm như thế, Ngài sẽ lắng nghe anh em và nhận thấy anh em là phần thể của Con Ngài nơi các việc lành anh em làm. Bởi thế việc sống hoàn toàn hiệp nhất như thế mang lại cho anh em lợi ích, để lúc nào anh em cũng được thông phần với Thiên Chúa.

Nếu trong một thời gian ngắn tôi đã trở nên một người bạn thân của vị giám mục anh em – một tình bạn không theo tự nhiên mà là được đặt trên nền tảng thiêng liêng – thì tôi nghĩ anh em còn có phúc hơn nữa, vì anh em nên một với ngài như Giáo Hội với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả mọi sự được hòa hợp với nhau nhờ sự hiệp nhất nên một. Chớ gì đừng có ai vấp phạm lầm lỗi, bởi vì, nếu không ở nơi thánh, con người bị mất đi bánh của Thiên Chúa. Vì nếu lời cầu nguyện của một hay hai người còn có một quyền lực như vậy thì lời cầu nguyện của vị giám mục và toàn thể Giáo Hội còn có mãnh lực đến đâu.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings,
Saint Paul Editions, 1983, trang 175-176,
Bài Đọc cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên )