VỚI CÁC VỊ LINH MỤC

 

2003

 

 

 

Linh Mục: Ðệ Nhất Giáo Lý Viên, Người của Lời Chúa, Người của Thánh Thể.

 

Ngày 8/5/2003, ÐTC đã huấn dụ các tham dự viên hội nghị về "Công Việc của các Linh Mục trong Việc Dạy Giáo Lý ở Âu Châu" do Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu tổ chức. Ngài đã nhắn nhủ các vị linh mục như sau:

 

"Vì là đệ nhất giáo lý viên trong cộng đồng, linh mục, nhất là một linh mục giáo xứ, được kêu gọi trở thành đệ nhất tín hữu và môn đệ của Lời Chúa, cũng như được kêu gọi để hết sức chú trọng đến việc nhận thức và nâng đỡ ơn gọi phục vụ vấn đề giáo lý... Là giáo lý viên trên hết mọi giáo lý viên, họ cần phải được chú trọng đến việc huấn luyện về linh đạo, tín lý và văn hóa... Ngày nay thừa tác vụ linh mục càng ngày càng vươn rộng giới hạn của nó trong các lãnh vực mục vụ làm phong phú cộng đồng Kitô hữu, thế nhưng đồng thời nó cũng gây nguy hiểm trong việc gieo rắc hành động của họ nơi cả hàng ngàn việc dấn thân và sinh hoạt của họ nữa. Việc hiện diện của họ trong việc dạy giáo lý bị yếu kém và có thể bị suy giảm nhất là ở những lúc không quyết liệt huấn luyện cho các giáo lý viên... (Ngược lại, họ) phải cảm thấy rằng việc truyền đạt Phúc Âm như là một nhiệm vụ đối với cộng đồng dân Chúa, và phải thi hành nhiệm vụ này bằng việc sửa soạn hết sức cẩn thận về thần học cũng như về văn hóa".

 

Ngoài ra, ÐTC còn kêu gọi các vị linh mục đệ nhất giáo lý viên, để thực hiện nhiệm vụ truyền đạt lời Chúa cho cộng đồng dân Chúa như thế, các vị cũng cần phải tuân hợp với tất cả những hướng dẫn nơi vấn đề dạy giáo lý cũng như với huấn quyền của mỗi một vị giám mục, của hội đồng giám mục, và với "việc học hỏi cùng sử dụng cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo... một cuốn cẩm nang bất khả thiếu được cung cấp cho các vị linh mục, cho các giáo lý viên cũng như cho tất cả mọi tín hữu, để chỉ dẫn vấn đề giáo lý theo những đường lối thực sự trung thành với Thiên Chúa và với con người ở mọi thời đại... Vấn đề dạy giáo lý trong gia đình, nơi thế giới làm việc, tại trường học và đại học, nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như bằng những ngôn ngữ mới, đều thích hợp với các vị linh mục và giáo dân, các giáo xứ và các phong trào. Tất cả đều được kêu gọi hợp tác trong việc tân truyền bá phúc âm hóa, trong việc bảo tồn và phục hồi các căn rễ chung của Kitô giáo. Ðức tin Kitô giáo đối với các dân tộc Âu Châu là gia sản phong phú nhất để hiện thực việc tiến bộ thực sự về thiêng liêng, kinh tế và xã hội".

 

Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, 11/5/2003, Chúa Nhật Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi, theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã truyền chức linh mục cho 31 phó tế thuộc giáo phận Rôma tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Thánh Lễ lúc 9 giờ sáng. Trong bài giảng, Ngài đã căn cứ vào bài Phúc Âm để huấn dụ và kêu gọi riêng các tân linh mục như sau:

 

"Chúa Giêsu cho mình là Vị Mục Tử Nhân Lành, người mục tử hiến mạng sống mình cho chiên. Là mẫu gương cao cả về việc yêu thương bỏ mình, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Người, nhất là các linh mục, hãy bước theo chân Người. Người kêu gọi mỗi một vị linh mục hãy trở thành một vị mục tử nhân lành của đàn chiên được Ðấng Quan Phòng trao phó cho họ... Các vị linh mục là người của Lời Chúa, thành phần có nhiệm vụ rao truyền sứ điệp Phúc Âm cho con người nam nữ thuộc đời đại của họ. Họ phải làm điều này bằng cả cảm thức trách nhiệm, dấn thân tuân hợp hoàn toàn với Huấn Quyền của Giáo Hội. Họ còn là người của Thánh Thể là bí tích nhờ đó họ đi sâu vào tâm điểm của mầu nhiệm vượt qua. Ðặc biệt là trong Thánh Lễ, họ làm hiện thực nhu cầu hình thành bản thân họ mỗi ngày một sâu xa hơn trong việc nên giống Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, Vị Linh Mục tối cao và hằng hữu.

 

"Anh em bởi thế hãy nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa; hãy gắn bó mọi ngày với Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích bàn thờ. Hãy cảm nhận tình yêu vô biên của Trái Tim Người, hãy bỏ nhiều giờ hơn nữa trong việc chầu Thánh Thể ở những lúc quan trọng nhất đời sống của anh em, khi phải thực hiện những quyết định cá nhân và mục vụ khó khăn, ở vào lúc bắt đầu và kết thúc ngày sống. Tôi bảo đảm với anh em là 'Tôi đã có được kinh nghiệm này và nhờ đó Tôi đã lấy được sức mạnh, niềm ủi an và sự nâng đỡ!'.

 

ÐTC đã nhắc nhở các tân chức là từ nay họ sẽ là "những thừa tác viên của lòng thương xót Chúa. Là thừa tác viên ban phát bí tích hòa giải.... Anh em sẽ chứng kiến thấy rất nhiều phép lạ và sự lạ xẩy ra do lòng thương xót Chúa trong tòa giải tội! Thế nhưng, để xứng đáng thi hành sứ vụ của mình được ủy thác cho anh em hôm nay đây, anh em cần phải liên lỉ kết hiệp với Chúa trong nguyện cầu, và chính anh em phải cảm nghiệm thấy tình yêu nhân hậu của Người qua việc thường xuyên xưng tội, tìm kiếm những lời hướng dẫn bởi những vị linh hướng chuyên môn, nhất là trong những giây phút anh em gặp khốn khó".

 

Sau Thánh Lễ và trước khi nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, ÐTC đã kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các tân linh mục như sau: "Chúng ta hãy cầu nguyện để các vị tân linh mục này cũng như để tất cả mọi vị linh mục trên thế giới mỗi ngày một nên giống Chúa Kitô hơn, người tôi tớ của Chúa, Ðấng dến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ".

 


Linh Mục: Sống đời Cầu Nguyện và Trung Thành với Giáo Hội
 

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh Năm 2003, ÐTC không gửi thư riêng cho các vị nữa, mà là một Bức Thông Điệp về Chúa Giêsu Thánh Thể, để nhờ các vị chuyển đến cho giáo dân. Thế nhưng, trong Mùa Chay này, Ngài đã nhắn nhủ các vị hai vấn đề hết sức quan trọng sau đây:


Thứ nhất, vào sáng Thứ Năm, 6/3/2003, tại Sảnh Đường Clementine, theo truyền thống, ĐTC đã gặp hàng giáo sĩ Rôma và khuyên các vị phải nên thánh bằng đời sống cầu nguyện nhờ đó có thể trở nên dụng cụ của lòng thương xót Chúa khi ban bí tích giải tội. Ngài nói: “Thật vậy, chúng ta không còn con đường nào khác (ngoài việc cầu nguyện). Nếu chúng ta không khiêm nhượng và tin tưởng tìm cách tiến bước trên con đường thánh hóa này của mình, chúng ta sẽ tiến tới chỗ thỏa mãn với những nhượng bộ nho nhỏ là những gì từ từ trở thành lớn hơn, thậm chí cuối cùng chúng ta có thể đi đến chỗ, minh nhiên hay mặc nhiên, phản bội tình Thiên Chúa yêu chúng ta, kêu gọi chúng ta lên hàng linh mục… Khi lòng chúng ta cảm thấy bị đè nặng bởi những khốn khó và thử thách, chúng ta hãy nhớ đến tính cách cao trọng của tặng ân chúng ta đã lãnh nhận, nhờ đó chúng ta lại có thể ‘hân hoan hiến thân’. Chúng ta thực sự là chứng từ và là dụng cụ của lòng Chúa xót thương nhất là nơi bí tích giải tội cũng như nơi tất cả mọi khía cạnh khác nơi thừa tác vụ của mình, chúng ta là và phải là những con người biết thông truyền niềm hy vọng và thi hành những hoạt động hòa bình và hòa giải”.


Thứ hai, vào ngày Thứ Sáu 28/3/2003, ĐTC đã tiếp các vị thuộc phân bộ Giải Tội của Tòa Thánh, các vị linh mục giải tội ở các vương cung thánh đường Rôma, cùng các linh mục trẻ và chủng sinh tham dự buổi diễn đàn nội bộ hằng năm bàn về những vấn đề liên quan đến việc ban phát Bí Tích Giải Tội. Trong bài huấn từ của mình, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến khía cạnh phải trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, nhất là trong những phán quyết ở tòa giải tội. Ngài nói: “Tôi muốn đặc biệt nhắc nhở cho anh em về nhiệm vụ phải gắn bó với Huấn Quyền của Giáo Hội liên quan đến những vấn đề phức tạp xẩy ra nơi lãnh vực sinh học đạo đức cũng như liên quan đến những qui tắc luân lý và giáo luật nơi lãnh vực hôn nhân… Đối diện với những vấn đề luân lý đạo đức phức tạp hiện nay, có thể xẩy ra trường hợp tín hữu ra khỏi tòa giải tội vẫn còn bị lẫn lộn sao đó, nhất là khi họ thấy rằng các vị giải tội không đồng nhất với nhau về phán đoán của các vị. Sự thật đó là những ai làm trọn thừa tác vụ tinh tế này nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội có một nhiệm vụ đặc biệt là không ủng hộ, thậm chí không bày tỏ nơi tòa giải tội những ý kiến riêng tư của mình không hợp với những gì Giáo Hội dạy và tuyên xưng. Cũng thế, không được vì yêu thương theo cảm quan thương xót sai lầm mà lại không nói lên sự thật”.


 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các vị Linh Mục Công Giáo tuyên úy quân đội

Cũng vào Ngày Lễ Trọng Truyền Tin 25/3/2003, Tòa Thánh đã phổ biến sứ điệp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi cho các vị Tuyên Úy Quân Đội, những vị đang tham dự hôm nay và ngày mai ở Vatican buổi huấn luyện về nhân quyền, do Thánh Bộ Giám Mục và Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình tổ chức. Trong sứ điệp đề ngày 24/3/2003, ĐTC đã nói đến tình hình thế giới đang chiến tranh hiện nay như sau:

“Chính trong lúc khí giới bùng nổ mà nhu cầu cần phải có các thứ luật lệ làm cho các hoạt động quân sự bớt tính cách phi nhân bản hơn. Qua các thế kỷ, cái ý thức về nhu cầu này đã dần dần phát triển, cho tới khi hình thành khả quan một ‘cơ chế’ thực sự và thích hợp về luật pháp, được định nghĩa là ‘luật lệ nhân quyền quốc tế’. “Cơ chế’ này đã được phát triển là nhờ việc chín mùi của những nguyên tắc phản ảnh sứ điệp Kitô Giáo”.

ĐTC nhấn mạnh và kêu gọi các vị tuyên úy quân đội là, “ngay cả trong những cuộc chiến nẩy lửa nhất, bao giờ cũng có thể và bởi thế có nhiệm vụ phải tôn trọng phẩm giá của quân đối phương, phẩm giá của các người thường dân, cũng như phẩm giá bất khả xóa mờ của mỗi một con người có dính dáng đến cuộc xung đột võ lực. Có như thế, việc hòa giải cần thiết cho vấn đề tái lập hòa bình sau các cuộc đụng độ mới thuận lợi”.

Nhắc đến “giờ phút khốn khó trong lịch sử” hiện nay gây ra bởi chiến tranh đang diễn tiến, ĐTC chia sẻ cảm nhận là “bao giờ cũng tỏ ra hết sức quan tâm và cảm thấy khổ đau nghĩ đến những nạn nhân, đến việc tàn phá và đến nỗi khổ đau bởi các cuộc xung đột võ lực”: “Giờ đây vấn đề đã rõ ràng là chiến tranh được sử dụng như một khí cụ để giải quyết các vấn đề xung đột giữa các quốc gia, ngay cả trước khi cho Bản Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc, đã bị lương tâm của đa số nhân loại phi bác, trừ trường hợp tự vệ chống lại kẻ tấn công. Trào lưu cả thể hiện đại thiên về hòa bình, một thứ hòa bình mà theo Công Đồng Chung Vaticanô II không phải ở chỗ ‘chỉ là tình trạng vắng bóng chiến tranh’, đã cho thấy niềm xác tín này của con người ở mọi địa lục và văn hóa”.

Sau hết, Đức Thánh Cha lập lại phương thế hiệu lực để tạo lập và bảo trì hòa bình như sau: “Sức mạnh của các tôn giáo khác nhau trong việc kiên trì tìm kiếm hòa bình là một lý do an ủi và hy vọng. Theo quan điểm đức tin của chúng ta thì hòa bình, cho dù là thành quả của các hiệp định chính trị và cảm thông giữa các cá nhân cũng như giữa các dân tộc với nhau, vẫn là một tặng ân của Thiên Chúa, Đấng chúng ta cần phải liên tục kêu xin bằng nguyện cầu và chay tịnh. Không có vấn đề hòa bình nếu không chịu hoán cải tâm hồn! Hòa bình chỉ chiếm được bởi yêu thương mà thôi! Ngay lúc này đây, tất cả chúng ta cần phải hoạt động và nguyện cầu để chiến tranh biến mất nơi chân trời nhân loại”.

 

ĐTC gặp gỡ hằng năm với chủng sinh Rôma và chia sẻ kinh nghiệm làm chủng sinh chui


Tối Thứ Bảy 1/3/2003, toàn thể chủng sinh, nhân viên và giám đốc của Đại Chủng Viện Rôma Đức Bà Của Lòng Tin Tưởng Cậy Trông đã theo truyền thống hằng năm đến gặp ĐTC tại Sảnh Đường Phaolô VI. Trong cuộc gặp gỡ này, chương trình bao gồm bài Diễn Từ được dựa theo đời sống và các công việc của Thánh Faustina Kowalska cũng như được trình diễn bởi các chủng sinh và ca đoàn của địa phận Rôma, rồi sau đó là bài huấn từ của Đức Thánh Cha. Thường thì ĐTC gặp gỡ họ ngay tại chủng viện của họ, ngôi chủng viện ở ngay sát với Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô, vào lễ Đức Bà Của Lòng Tin Tưởng Cậy Trông, một lễ được cử hành vào Thứ Bảy trước Thứ Tư Lễ Tro. Chủng viện được thành lập vào năm 1565, đầu tiên ở Đại Học Rôma là đại học do Thánh Ignatiô thành lập năm 1551 và được các cha Dòng Tên điều hành cho tới khi dòng này bị đóng cửa năm 1773. Sau này chủng viện được gọi là Chủng Viện Rôma, nhưng vẫn được di chuyển qua mấy địa điểm cho đến khi cố định ở vị trí hiện nay. Sở dĩ chủng viện này được gọi là Đức Bà Của Lòng Tin Tưởng Cậy Trông là vì, theo văn khố ghi lại, một lời khấn hứa với Đức Mẹ vào năm 1837 trong một cơn dịch tả kinh hoàng.


Qua bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhắm đến lời nguyện vắn Chúa Giêsu dạy chị Thánh Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Chúa!”. Theo Ngài, “đây là một tác động đơn sơ nhưng sâu xa trong việc bày tỏ lòng tin tưởng và phó mình cho tình yêu Thiên Chúa”, một lời nguyện “có thể biến đổi cuộc sống. Trong những cuộc thử thách cùng với những khó khăn không thể tránh được trong cuộc sống, cũng như trong những lúc vui mừng và sốt sắng, việc phó mình cho Chúa làm cho linh hồn tràn đầy bình an, đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận thượng quyền của hoạt động thần linh, và hướng tinh thần về sự khiêm nhượng và chân lý… Nơi trái tim Chúa Giêsu, những ai khổ sầu vì những buồn đau trong cuộc sống tìm thấy được an bình; những ai chịu đựng khổ đau và bệnh nạn cảm thấy nhẹ nhàng; những ai cảm thấy tâm hồn bất ổn và phiền muộn cảm thấy hân hoan, vì trái tim Chúa Giêsu đầy tràn những ủi an và yêu thương cho những ai tin tưởng trái tim của Người”.


ĐTC nói rằng, khi Mẹ Maria bảo các người phục dịch ở tiệc cưới Cana “hãy làm những gì Người bảo”, là Mẹ đang thúc giục họ hãy tin vào Chúa Kitô. Ngài cảm nhận thêm là Mẹ Maria, “một bậc thày ngoại hạng về đời sống thiêng liêng”, đã chia sẻ với Chúa Giêsu “niềm vui cũng như nỗi lo âu, những tha thiết và đau khổ, thậm chí cho đến cuộc hiến tế cuối cùng trên cây Thập Giá, nhờ đó Mẹ cũng thông phần với Người cuộc Phục Sinh vinh hiển, cũng như trong việc nguyện cầu với các Tông Đồ ở Nhà Tiệc Ly chờ đợi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống”.

 

ĐTC cũng kể lại kỷ niệm của Ngài khi còn là chủng sinh học chui trong thời gian Nazi xâm chiếm đóng cửa các chủng viện toàn quốc” ĐHY Sapieha, vị giám mục của Tôi ở Krakow, đã lập một thứ chủng viện chui này và Tôi học ở đó, anh em có thể gọi nó là một thứ chủng viện hầm trú”. Ngài cũng chia sẻ là trong buổi Diễn Từ vừa rồi Ngài đã nhớ lại quá khứ cũng như nhớ đến Thánh Faustina, vì nữ thánh đã sống ở và nay lại được chôn cất gần Krakow, tức gần khu hóa chất ở Solvay là nơi Ngài còn trẻ đã phải làm việc 4 năm trong thời chiến cũng là thời Balan bị Nazi chiếm đóng: “Tôi chưa hề mơ tưởng khi còn là một lao công bấy giờ là Tôi đang nói về kinh nghiệm này với các chủng sinh Rôma với tư cách là một vị Giáo Hoàng”. Ngài thú nhận là Ngài không bao giờ quên được những ngày ấy, những ngày vừa là lao công vừa là chủng sinh ấy. Ngài cho biết bấy giờ Ngài làm việc một ngày 8 tiếng, Ngài đọc sách siêu hình học và triết học khi làm việc, khiến các bạn đồng nghiệp của Ngài lấy làm lạ lùng về việc đọc sách của Ngài và tìm cách giúp Ngài có giờ giấc và nơi chốn để học hành nữa. Ngài nói, sở dĩ Ngài đã có thể sống những năm tháng học chui này là nhờ lòng tin tưởng nơi Chúa và Mẹ Chúa.