VỚI CÁC VỊ LINH MỤC

 

2002

 

"Anh em hãy tự mình tái nhận thức,
cũng như giúp cho những người khác cũng tái nhận thức lại vẻ đẹp của Bí Tích Hòa Giải"


(ĐTC gửi Bức Thư Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm cho Hàng Giáo Sĩ)


Theo lệ hằng năm, từ 1979, tức ngay sau năm lên làm Giáo Hoàng, ĐTC đã có lệ gửi Hàng Giáo Sĩ một Bức Thư cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Trong Bức Thư cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh Năm 2002 được ĐTC ký ngày Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay 17/3 và viết bằng một số ngôn ngữ khác nhau này, ĐTC chẳng những tiếp tục đề tài của Bức Thư Thứ Năm Tuần Thánh 2001 về Bí Tích Hòa Giải là chính, mà còn đến cả hai vấn đề khác nữa, đó là vấn đề hòa bình thế giới, và vấn đề gương mù của các linh mục. Sau đây là một số trích dẫn từ bản văn kiện 19 trang này.

“Năm nay Tôi muốn nói với anh em về một khía cạnh thuộc sứ vụ của chúng ta, một khía cạnh Tôi đã xin anh em chú trọng cũng vào dịp này năm ngoái. Tôi tin rằng nó sẽ gợi ý suy niệm hơn nữa. Tôi muốn nói đến sứ vụ Chúa Kitô đã trao cho chúng ta với vai trò đại diện của Người, không phải chỉ ở nơi Hy Tế Thánh Thể, mà còn ở cả Bí Tích Hòa Giải nữa”.

“Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta rằng: ‘Thánh Thể không thể nào hiệp nhất chúng ta nên một với Chúa Kitô mà không đồng thời thanh tẩy chúng ta khỏi những tội lỗi đã phạm và gìn giữ chúng ta khỏi những tội lỗi sau này’ (số 1393). … ‘Thánh Thể không phải là để thứ tha các tội trọng. Đó là việc riêng của Bí Tích Hòa Giải… ai biết được mình đã phạm một trọng tội thì phải lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trước khi lên hiệp lễ’ (số 1385)”.

“Tôi cảm thấy rất cần phải thúc giục anh em, như Tôi đã làm hồi năm ngoái, là anh em hãy tự mình tái nhận thức, cũng như giúp cho những người khác cũng tái nhận thức lại vẻ đẹp của Bí Tích Hòa Giải. Trong những thập niên gần đây, và vì một số lý do khác nhau, bí tích này đã bị khủng hoảng làm sao ấy. …. (Ngày nay), cần phải có những liên lạc riêng tư, một điều đang càng ngày càng trở nên họa hiếm trong chiều tốc ào ạt của xã hội kỹ thuật ngày nay, song cũng chính vì lý do này mà việc liên lạc riêng tư lại càng cảm thấy cần phải có không thể thiếu. Chắc chắn là có thể thực hiện nhu cầu này bằng nhiều cách khác nhau. Thế nhưng, làm sao chúng ta lại có thể không nhìn nhận rằng - miễn là đừng lẫn lộn bí tích này với bất cứ hình thức trị liệu về tâm lý nào khác - Bí Tích Hòa Giải có thể đáp ứng nhu cầu liên lạc tư riêng này một cách hết sức dồi dào hay sao? Bí tích này thực hiện được điều ấy, bằng việc làm cho hối nhân giao tiếp với trái tim xót thương của Thiên Chúa, qua dung nhan thân tình của một người anh em”.

“Tôi muốn lập lại rằng, hình thức bình thường của việc ban phát bí tích này là ở chỗ cử hành riêng tư, chỉ trong ‘những trường hợp hết sức cần thiết’ mới được phép sử dụng hình thức giải tội và xá tội chung mà thôi. Những điều kiện cần phải có cho hình thức xá tội này đã quá rõ ràng rồi; nhưng có lẽ chúng ta cần phải nhớ rằng, để việc xá tội thành hiệu, tín hữu phải có chủ ý xưng thú lại các tội trọng của mình một cách tư tiêng sau đó nữa (xem Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 1483)”.

“Bị bủa vây bởi nhiều cảnh trạng mục vụ khác nhau, đôi khi chúng ta cảm thấy chán nản và mất hứng, vì rất nhiều Kitô hữu không chú trọng bao nhiêu tới đời sống bí tích, dù họ có đến với các bí tích, họ cũng thường làm một cách hời hợt vậy thôi. … Vị giải tội không được bỏ qua phương tiện gặp gỡ bí tích này để làm cho hối nhân hiểu được một phần nào về đường lối Thiên Chúa đầy tình thương muốn dùng để đến với họ, giang tay ra cho họ, không phải để giáng phạt mà là để cứu vớt.

“Thừa tác vụ ngồi tòa giải tội … là một thừa tác vụ bao giờ cũng bị kẹp bởi hai thái cực đối chọi nhau, đó là nghiêm ngặt và dễ dãi. … Chúng ta phải luôn luôn cẩn thận giữ mức độ thăng bằng xứng hợp để tránh rơi vào một trong hai thái cực này. Tỏ ra nghiêm ngặt thì làm cho họ rút mình lại và đẩy họ ra xa. Tỏ ra dễ dãi lại làm cho họ tưởng thật và bị lầm lạc.

“Bởi thế các vị giải tội cũng cần phải được huấn luyện một cách thích hợp để cử hành Bí Tích này. … Chúng ta cũng phải làm hết sức để cập nhật hóa việc huấn luyện cả về thần học nữa, nhất là về những vấn đề liên quan đến luân lý đạo đức. Đối diện với những vấn đề luân lý đạo đức phức tạp hiện nay, có thể xẩy ra trường hợp tín hữu ra khỏi tòa giải tội vẫn còn bị lẫn lộn sao đó, nhất là khi họ thấy rằng các vị giải tội không đồng nhất với nhau về phán đoán của các vị”.

“Quí Linh Mục thân mến! Anh em hãy biết rằng Tôi đặc biệt gần gũi với anh em khi anh em qui tụ lại với các Vị Giám Mục của anh em vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2002. Theo chiếu hướng ‘bắt đầu lại từ Chúa Kitô’, tất cả chúng ta đều cảm thấy một thời điểm mới nơi Giáo Hội vào lúc bình minh của một tân thiên niên kỷ đây. Tất cả chúng ta phải hy vọng rằng thời điểm này đây phải đi liền với một kỷ nguyên mới của tình huynh đệ cũng như của hòa bình cho toàn thể nhân loại. Cho dù chúng ta có thấy cảnh máu đổ nhiều hơn. Chúng ta lại chứng kiến thấy chiến tranh xẩy ra. Chúng ta cảm thấy buồn chán bởi thảm trạng chia rẽ và hận thù tàn phá những mối liên hệ giữa các dân tộc với nhau.

“Trong lúc này đây, là linh mục, mỗi người chúng ta cũng cảm thấy bị tác dụng sâu xa bởi những tội lỗi của một số trong anh em chúng ta đã bội phản lại với ơn Thánh Chức, khi dìm mình vào trong cả những hình thức trầm trọng nhất của mầu nhiệm tội lỗi 'mysterium iniquitatis’ đang tung hoành trên thế giới. Việc xẩy ra gương xấu nặng nề đã gây ra hậu quả là một bóng tối đen ngờ vực phủ chụp lên tất cả những vị linh mục tốt lành khác, những vị thi hành thừa tác vụ của mình một cách chân thành và liêm chính, một cách thường xả kỷ anh hùng. Trong lúc Giáo Hội tỏ thái độ quan tâm đến các nạn nhân, và cố gắng đáp ứng mỗi một trường hợp đau lòng này theo sự thật và công lý, tất cả chúng ta – ý thức nỗi yếu hèn của nhân loại, nhưng tin tưởng vào quyền năng chữa lành của ân sủng thần linh – được kêu gọi để ôm lấy mầu nhiệm Thập Giá ‘mysterim Crusis’, cũng như để quyết tâm trọn vẹn hơn nữa trong việc nên thánh. Chúng ta phải nài xin Thiên Chúa, trong Sự Quan Phòng của Ngài, hãy tác động để làm bùng lên lại những ước muốn thiết tha này trong việc hiến thân trọn vẹn cho Chúa Kitô, những ước muốn chính nền tảng của thứa tác vụ linh mục này”.

“Chúng ta biết rằng con tim nhân loại luôn chiều theo sự dữ, và con người có thể chiếu tỏa an bình và yêu thương cho những người chung quanh mình, chỉ khi nào họ gặp gỡ Chúa Kitô và để cho mình ‘được chiếm đọat’ bởi Người”.

“Là những thừa tác viên Thánh Thể và Hòa Giải theo bí tích, chúng ta đặc biệt có nhiệm vụ truyền đạt hy vọng, thiện hảo và bình an cho thế giới”.
 

14/2/2002 Thứ Năm. ĐTC gặp hàng giáo sĩ của Giáo Phận Rôma:

“Nếu những em trai và thanh niên thấy vị linh mục bận bịu đủ thứ chuyện, dễ chán nản, động tí là than và lơ là cầu nguyện cũng như các việc tác vụ của mình, họ làm sao có thể bị thu hút đi theo con đường của đời sống linh mục được? Đúng thế, nếu họ thấy chúng ta vui tươi làm thừa tác viên của Chúa Kitô, quảng đại phục vụ Giáo Hội, và sẵn lòng chấp nhận trọng trách lo việc phát triển về nhân bản cùng tâm linh của thành phần được ủy thác cho chúng ta, họ mới cảm thấy bị đánh động để tự hỏi mình rằng đó lại không phải là ‘phần tốt hơn’ cho họ hay sao”. Sáng nay, theo truyền thống hằng năm, ĐTC đã gặp gỡ hàng giáo sĩ thuộc Giáo Phận Rôma tại Sảnh Đường Clementine. Sau khi nghe những chứng từ của một số linh mục, ĐTC đã chia sẻ về nhu cầu cần “những ơn gọi trong cuộc sống, chứng từ và các hoạt động mục vụ của các cộng đồng giáo hội”.

Theo ĐTC tình trạng ơn gọi suy giảm là do “sự nhiệt tình của đức tin và lòng sốt sắng tinh thần trở nên yếu kém. Bởi thế chúng ta không được cảm thấy thoải mái với ý tưởng là việc hiếm hoi ơn gọi linh mục đã được bù đắp bằng tình trạng phát triển của việc giáo dân dấn thân hoạt động tông đồ, hay nghĩ đó là việc Thiên Chúa Quan Phòng để xẩy ra cho việc giáo dân thuận lợi phát triển. Ngược lại, càng nhiều thành phần giáo dân tìm cách sống ơn gọi rửa tội của mình một cách quảng đại thì lại cần phải có sự hiện diện và hoạt động của các vị thừa tác viên chức thánh hơn nữa… Việc Giáo Hội quyết tâm hoạt động cho ơn gọi tự bản chất là một việc dấn thân chung cao cả; một việc dấn thân kêu gọi giáo dân, linh mục và tu sĩ, và là một dấn thân bao gồm việc tái nhận thức khía cạnh căn bản nơi đức tin của chúng ta, một nhận thức cho thấy chính cuộc sống – mỗi một cuộc sống của con người – đều là hoa trái của ơn Thiên Chúa gọi, và có thể được hoàn trọn một cách tốt đẹp chỉ khi nào nó biết đáp ứng ơn gọi này”.

ĐTC nhấn mạnh ơn gọi linh mục “là một mầu nhiệm”, một mầu nhiệm chính con người hiến thân cho Chúa Kitô để “Người có thể sử dụng họ như là một dụng cụ cứu độ… Nếu không nhận thức thấy mầu nhiệm của việc ‘trao đổi’ này thì cũng không thể nào hiểu được làm thế nào một người trẻ, sau khi nghe lời mời gọi ‘hãy theo Thày!’ lại có thể từ bỏ hết mọi sự vì Chúa Kitô với niềm xác tín rằng, khi bước theo con đường này, bản vị con người của họ sẽ hoàn toàn được thể hiện. Như thế chúng ta đã thấy rõ được lý do tại sao việc dấn thân trước hết và chính yếu cho ơn gọi chính là việc cầu nguyện… Cầu nguyện cho ơn gọi không phải là và không thể là hoa trái của việc chịu vậy sau khi đã làm mọi sự có thể với một thành quả nho nhoi…”

ĐTC thêm là việc mục vụ về ơn gọi “trước hết được gửi gấm cho việc cầu nguyện của chúng ta, cho thừa tác vụ cũng như cho chứng từ cá nhân của chúng ta… Nếu những em trai và thanh niên thấy vị linh mục bận bịu đủ thứ chuyện, dễ chán nản, động tí là than và lơ là cầu nguyện cũng như các việc tác vụ của mình, họ làm sao có thể bị thu hút đi theo con đường của đời sống linh mục được? Đúng thế, nếu họ thấy chúng ta vui tươi làm thừa tác viên của Chúa Kitô, quảng đại phục vụ Giáo Hội, và sẵn lòng chấp nhận trọng trách lo việc phát triển về nhân bản cùng tâm linh của thành phần được ủy thác cho chúng ta, họ mới cảm thấy bị đánh động để tự hỏi mình rằng đó lại không phải là ‘phần tốt hơn’ cho họ hay sao”.