“TÔI TIN” – “CHÚNG TÔI TIN”
CON NGƯỜI CÓ “KHẢ NĂNG” NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
11. Theo bản tính và ơn gọi của mình, con người là một hữu thể có đạo. Từ Thiên Chúa mà đến và qui hướng về Ngài, con người sống một cuộc sống trọn vẹn con người của mình chỉ khi nào họ biết tự ý sống liên kết với Ngài (44).
12. Con người được dựng nên để sống hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng ở nơi Ngài họ tìm được hạnh phúc: “Khi con trọn vẹn hiệp nhất với Chúa con mới không còn sầu thương và trăn trở; có hoàn toàn đầy Chúa đời sống của con mới được mãn nguyện” (Thánh Âu-Quốc-Tinh, Tự Thú: 10, 28, 39: PL 32, 795) (45)
13. Khi con người biết lắng nghe tiếng nói của tạo vật và tiếng nói của lương tri, con người có thể suy ra được một cách chắc chắn việc hiện diện của Thiên Chúa là nguyên thủy và là cùng đích mọi sự. (46)
14. Giáo Hội dạy rằng vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, Đấng Tạo Hóa của chúng ta và là Chúa của chúng ta, có thể biết được một cách chắc chắn nơi các việc Ngài làm, bằng ánh sáng tự nhiên của trí khôn (xem Công Đồng Chung Vaticanô I, can.2.1: DS 3026) (47)
15. Chúng ta có thể thực sự gọi tên Thiên Chúa, căn cứ trước tiên vào vô số tính chất hoàn hảo nơi các tạo vật, những tính chất hoàn hảo phản ảnh Thiên Chúa vô cùng toàn hảo, cho dù ngôn ngữ hạn hữu của chúng ta không thể nào thấu suốt được mầu nhiệm này. (48)
16. “Không có Đấng Tạo Thành thì tạo vật cũng chẳng còn” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 36). Đó là lý do tại sao tín hữu biết rằng tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy họ mang ánh sáng của Thiên Chúa hằng sống đến cho những ai không biết Ngài hay cho những ai chối bỏ Ngài. (49)
THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP GỠ CON NGƯỜI
Việc Mạc Khải của Thiên Chúa
17. Bởi yêu thương, Thiên Chúa đã tỏ mình và ban mình cho con người. Như thế, Ngài đã trả lời dứt khoát qúa lòng mong ước các vấn nạn con người tự mình đặt ra về ý nghĩa và mục đích cuộc sống của họ. (68)
18. Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho con người bằng cách từ từ thông đạt mầu nhiệm riêng của Ngài ra qua việc làm và lời nói. (69)
19. Ngoài chứng cớ về mình nơi các tạo vật, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho hai vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta, đã nói với các vị và, sau khi các vị sa ngã phạm tội, đã hứa ban cho các vị ơn cứu độ (xem Sách Khởi Nguyên 3:15) và đã tỏ bày giao ước của Ngài cùng các vị. (70)
20. Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước vĩnh cửu với Noe và với tất cả mọi sinh vật (xem Sách Khởi Nguyên 9:16). Giao ước này vẫn còn hiệu lực bao lâu thế gian này tồn tại. (71)
21. Thiên Chúa đã chọn Abraham và đã thiết lập giao ước với ông cùng giòng dõi của ông. Bởi giao ước này, Thiên Chúa đã hình thành dân của Ngài và đã mạc khải lề luật của Ngài cho họ qua Moisen. Nhờ các vị tiên tri, Ngài đã sửa soạn để họ chấp nhận ơn cứu độ Ngài ban cho toàn thể nhân loại. (72)
22. Thiên Chúa đã mạc khải mình ra một cách trọn vẹn, bằng việc sai Con riêng của Ngài là Đấng nơi Người Ngài đã thiết lập giao ước muôn đời của mình. Chúa Con là lời nói cuối cùng của Cha Người; do đó, sau Người sẽ không còn một Mạc Khải nào nữa. (73)
Việc Lưu Truyền Mạc Khải Thần Linh
23. Những gì Chúa Kitô đã ký thác cho các tông đồ thì các vị cũng lưu truyền qua mọi thế hệ, cho tới khi Chúa Kitô tái giáng trong vinh quang, bằng việc các vị rao giảng và ghi chép lại theo ơn Chúa Thánh Thần linh ứng. (96)
24. “Thánh Truyền và Thánh Kinh làm nên một kho tàng Lời Chúa thánh hảo duy nhất” (Hiến Chế Lời Chúa, đoạn 10), qua đó, như qua một gương soi, Giáo Hội lữ hành chiêm ngưỡng Thiên Chúa là nguồn tất cả mọi sự phong phú. (97)
25. “Giáo Hội kéo dài và truyền đạt cho mọi thế hệ tất cả những gì là thực chất của mình, tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng, qua tín lý, đời sống và việc phụng thờ của mình (như vừa dẫn, đoạn 8.1)”. (98)
26. Nhờ cảm quan siêu nhiên của đức tin, toàn thể Dân Chúa không ngừng tiếp nhận, đào sâu, và sống trọn vẹn hơn tặng ân Mạc Khải thần linh. (99)
27. Việc cắt nghĩa Lời Chúa được chính thức ủy thác cho một mình Huấn Quyền của Giáo Hội, tức là cho Đức Giáo Hoàng và cho các vị giám mục hiệp thông với ngài. (100)
Thánh Kinh
28. “Tất cả Sách Thánh chỉ là một cuốn, và cuốn sách duy nhất đó chính là Chúa Kitô, vì tất cả Cuốn Sách thần linh đều nói về Chúa Kitô và tất cả Cuốn Sách thần linh đều được nên trọn nơi Chúa Kitô” (Hugh of St. Victor, De Arca Noe 2, 8: PL 176, 642). (134)
29. “Sách Thánh chứa đựng Lời Chúa, và vì được linh ứng nên các Sách Thánh thực sự là Lời Chúa (Hiến Chế Lời Chúa, đoạn 24). (135)
30. Thiên Chúa là tác giả của Sách Thánh vì Ngài linh ứng cho các con người tác giả của các cuốn sách này; Ngài tác động trong họ và qua họ. Như thế Ngài bảo đảm rằng các bản văn của các vị dạy không sai lầm về chân lý cứu rỗi của Ngài” (như vừa dẫn, đoạn 11). (136)
31. Việc cắt nghĩa Cuốn Sách được linh ứng trước hết phải chú trọng tới những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho phần rỗi của chúng ta qua các thánh ký. Những gì từ Thần Linh mà đến không thể nào hoàn toàn “hiểu được nếu không nhờ tác động của Thần Linh” (xem giáo phụ Origen, Hom. in Ex. 4, 5 : PL 12, 320). (137)
32. Giáo Hội chấp nhận và tôn kính 46 cuốn sách về Cựu Ước và 27 cuốn về Tân Ước như là những cuốn sách được linh ứng. (138)
33. Bốn cuốn Phúc Âm chiếm chỗ chính yếu, vì tâm điểm của bốn cuốn này là Chúa Giêsu Kitô. (139)
34. Việc thống nhất hai Giao Ước xuất phát từ sự duy nhất nơi dự án của Thiên Chúa cũng như nơi Mạc Khải của Ngài. Cựu Ước dọn đường cho Tân Ước và Tân Ước làm trọn Cựu Ước; cả hai làm cho nhau sáng tỏ; cả hai đều thật sự là Lời Chúa ï. (140)
35. “Giáo Hội hằng tôn kính các Cuốn Sách thần linh như Giáo Hội vốn tôn kính Mình Thánh Chúa” (Hiến Chế Lời Chúa, đoạn 21): cả hai đều nuôi dưỡng và chi phối tất cả đời sống Kitô giáo. “Lời Chúa là đèn soi bước chân con và là ánh sáng soi đường con đi” (Thánh Vịnh 119:105; xem Tiên Tri Iaaia 50:4). (141)
CON NGƯỜI ĐÁP LẠI THIÊN CHÚA
Tôi Tin – Chúng Tôi Tin
36. Đức tin là việc liên kết riêng tư của cả con người với Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Nó bao gồm tác động của lý trí và ý muốn ưng thuận trước tác động Thiên Chúa tự tỏ mình ra qua các việc Ngài làm và các lời Ngài nói. (176)
37. “Việc tin tưởng” bởi thế có một qui chiếu lưỡng đôi: qui chiếu về bản vị và qui chiếu về chân lý; tin vào chân lý là do tin vào vị tỏ cho thấy chân lý này. (177)
38. Chúng ta không được tin tưởng một vị nào khác ngoài Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. (178)
39. Đức tin là một tặng ân siêu nhiên Thiên Chúa ban. Để tin tưởng, con người cần phải được Chúa Thánh Thần trợ giúp bên trong. (179)
40. “Việc tin tưởng” là một tác động thuộc về nhân loại, có ý thức và tự do, xứng với phẩm vị của một con người. (180)
41. “Việc tin tưởng” là một tác động thuộc về hội thánh. Đức tin của Giáo Hội dẫn đầu, phát sinh, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta. Giáo Hội là mẹ của tất cả mọi tín hữu. “Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha mà lại không có Giáo Hội làm Mẹ” (Thánh Cyprianô, De Unit. 6: PL 4, 519). (181)
42. Chúng ta tin tưởng tất cả “những gì chất chứa nơi lời Thiên Chúa, được viết thành văn hay lưu truyền lại, và tất cả những gì Giáo Hội đề ra như được thần linh mạc khải cần phải tin tưởng” (Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Kinh Tin Kính Dân Chúa, đoạn 20). (182)
43. Đức tin cần thiết cho phần rỗi. Chính Chúa đã xác nhận: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi; còn ai không tin sẽ bị luận phạt” (Phúc Âm Thánh Marcô 16:16). (183)
44. “Đức tin là việc tiền hưởng một thứ kiến thức sẽ làm cho chúng ta được vinh phúc trong cuộc sống mai hậu” (Thánh Tôma Aquinô, comp. theol. 1, 2). (184)