TÔI TIN KÍNH THIÊN CHÚA CHA

 

“Tôi Tin Kính Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Thành Trời Đất”

  

“Tôi Tin Kính Thiên Chúa”

 

45.  “Ôi Yến-Duyên, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa của chúng ta là Chúa duy nhất…” (Sách Nhị Luật 6:4; Phúc Âm Thánh Marcô 12:29). “Hữu thể tối thượng phải là một hữu thể độc nhất bất tương đồng… Nếu Thiên Chúa không là một thì Ngài không phải là Thiên Chúa” (Giáo phụ Tertullianô, Adv. Marc. 1, 3, 5: PL 2, 274). (228)

 

46.  Đức tin nơi Thiên Chúa hướng chúng ta về một mình Ngài như là đệ nhất nguyên ủy của chúng ta và như là cùng đích tối hậu của chúng ta, và chúng ta không coi trọng bất cứ một sự gì khác hơn Ngài hay lấy bất cứ một sự gì khác thay thế Ngài. (229)

 

47.  Ngay cả khi Ngài tỏ chính mình ra, Thiên Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm khôn tả: “Nếu anh em hiểu được Ngài thì đó không phải là Thiên Chúa nữa” (Thánh Âu-Quốc-Tinh, Sermo 52, 6, 16: PL 38:360 và Sermo 117, 3, 5: PL 38, 663). (230)

 

48.  Vị Thiên Chúa của đức tin chúng ta đã mạc khải chính mình Ngài ra như Ngài là Đấng hiện hữu; và Ngài đã tỏ mình ra “tràn đầy sủng ái và lòng trung thành” (Sách Xuất Hành 34:6). Chính bản thân của Thiên Chúa là Chân Lý và là Tình Yêu. (231)

 

“là Cha”

 

49.  Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm cốt lõi của đức tin Kitô giáo cũng như của đời sống Kitô giáo. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tỏ mầu nhiệm này cho chúng ta bằng việc mạc khải mình ra là Cha và Con và Thánh Thần. (261)

 

50.  Việc Con Thiên Chúa Nhập Thể mạc khải cho thấy rằng Thiên Chúa là Cha hằng hữu và Con đồng bản thể với Cha, tức Con cùng là một Thiên Chúa nơi Cha và với Cha. (262)

 

51.  Sứ vụ của Chúa Thánh Thần, Đấng được Cha nhân danh Con sai đến (Phúc Âm Thánh Gioan 14:26) và cũng được Con sai đến “từ Cha” (Phúc Âm Thánh Gioan 15:26), mạc khải cho thấy rằng Thần Linh cũøng là một Thiên Chúa với Cha và Con. “Người cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con” (Kinh Tin Kính Nicêa). (263)

 

52.  “Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha như  nguồn gốc đệ nhất, và nhờ trở nên tặng ân đời đời được ban cho Chúa Con, Ngài cũng nhiệm sinh từ mối hiệp thông giữa cả Chúa Cha và Chúa Con (Thánh Âu-Quốc-Tinh, De Trin. 15, 26, 47: PL 42: 1095)”. (264)

 

53.  Bởi ơn được Rửa Tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, chúng ta được kêu gọi thông dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi trong một đức tin mờ mờ khi còn ở trên đời này cũng như trong ánh sáng trường sinh sau khi chết (xem Đức Thánh Cha Phaolô VI, Kinh Tin Kính Dân Chúa đoạn 9). (265)

 

54.  “Vậy đức tin Công Giáo là thế này: Chúng tôi tôn kính một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, và tôn kính Ba Ngôi trong Duy Nhất mà không lẫn lộn về ngôi vị hay phân chia bản thể; vì Cha là một ngôi, Con là một ngôi, Thánh Thần là một ngôi; song bản tính Thiên Chúa của Cha, Con và Thánh Thần là một, các vị vinh quang như nhau, đời đời uy linh cao cả như nhau (Kinh Tin Kính Thánh Athanasia; DS 75; ND 16). (266)

 

55.  Ba Ngôi thần linh chẳng những bất phân nơi những gì các vị là mà còn bất phân cả trong những gì các vị làm nữa. Thế nhưng, mỗi vị tỏ ra cho thấy những gì hợp với mình ở nơi Ba Ngôi trong cùng một hoạt động thần linh, nhất là trong sứ vụ Nhập Thể của Con và sứ vụ ban tặng của Thánh Thần. (267)

 

“Toàn Năng”

 

56.  Chúng ta hãy cùng với Gióp là người công chính tuyên xưng: “Tôi biết Chúa là Đấng Toàn Năng, Ngài thực hiện mọi sự theo ý nghĩ của Ngài” (Sách Ông Gióp 42:4). (275)

 

57.  Trung thành với chứng từ Thánh Kinh, Giáo Hội thường dâng lời nguyện cầu lên cùng “Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu” (“omnipotens sempiterne Deus…”), mạnh mẽ tin tưởng rằng “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Sách Khởi Nguyên 18:14; Phúc Âm Thánh Luca 1:37; Phúc Âm Thánh Mathêu 19:26). (276)

 

58.  Thiên Chúa biểu lộ Quyền Toàn Năng của Ngài ra qua việc làm cho chúng ta hoán cải tội lỗi và bằng việc lấy ân sủng phục hồi cho chúng ta tình thân hữu với Ngài. “Lạy Chúa, Chúa chứng tỏ quyền năng tối cao của Chúa ra bằng đức nhẫn nại và lòng xót thương của Chúa…” (Sách Lễ Rôma, Chúa Nhật 26, Lời Nguyện Đầu Lễ). (277)

 

59.  Nếu chúng ta không tin tưởng tình yêu Thiên Chúa Toàn Năng thì làm sao chúng ta tin được rằng Chúa Cha có thể tạo dựng nên chúng ta, Chúa Con có thể cứu chuộc chúng ta và Chúa Thánh Thần có thể thánh hóa chúng ta? (278)

 

“Đấng Tạo Thành”

 

60.  Trong việc tạo dựng nên thế gian và con người, Thiên Chúa đã cho thấy chứng cớ đầu tiên và phổ quát về tình yêu toàn năng và đức khôn ngoan của Ngài, mở màn cho việc loan báo “dự án nhân lành” của Ngài là dự án đạt được đích điểm của mình nơi việc tân tạo trong Chúa Kitô. (315)

 

61.  Mặc dù công việc sáng tạo được đặc biệt qui về Chúa Cha, chân lý đức tin còn cho thấy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng chỉ là một nguyên lý duy nhất bất khả phân ly trong việc tạo dựng này. (316)

 

62.  Chỉ có một mình Thiên Chúa đã tự động, trực tiếp và không cần một trợ giúp nào trong việc dựng nên vũ trụ. (317)

 

63.  Không một tạo vật nào có quyền lực vô cùng là khả năng thiết yếu để “tạo dựng” theo đúng nghĩa của từ ngữ này, tức là để làm phát sinh ra một hữu thể không hề hiện hữu trước đó (làm cho hiện hữu “từ hư không”) (xem Denzinger Schonmetzer: 3624). (318)

 

64.  Thiên Chúa đã tạo thành thế gian để biệu lộ và thông ban vinh hiển của Ngài. Nhờ đó các tạo vật của Ngài được tham dự vào sự chân thật, sự thiện hảo, sự hoàn mỹ của Ngài – đó là vinh hiển giành cho các tạo vật đã được Ngài dựng nên để thừa hưởng. (319)

 

65.  Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo vũ trụ, bảo tồn vũ trụ bằng Lời của Ngài, “Người Con này là Đấng nâng đỡ vũ trụ bằng lời quyền năng của mình” (Thư gửi giáo đoàn Do Thái 1:3), cũng như bằng Thần Linh Sáng Tạo là Đấng ban sự sống của Ngài. (320)

 

66.  Việc quan phòng thần linh chính là việc Thiên Chúa  khôn ngoan và yêu thương định liệu để dẫn đưa tất cả mọi tạo vật của Ngài tới cùng đích tối hậu của chúng. (321)

 

67.  Chúa Kitô mời gọi chúng ta hãy đơn sơ phó mình cho việc quan phòng của Cha chúng ta trên trời (xem Phúc Âm Thánh Mathêu 6:26-34), và Thánh Tông Đồ Phêrô nhắc nhở: “Vì Ngài là Đấng chăm sóc anh em, anh em hãy trút hết mọi lo âu cho Ngài” (Thư 1 Thánh Phêrô 5:7; xem Thánh Vịnh 55:23). (322)

 

68.  Việc quan phòng thần linh cũng được thực hiện qua tác động của các tạo vật nữa. Thiên Chúa ban cho con người khả năng tự do hợp tác với ý định của Ngài. (323)

 

69.  Việc Thiên Chúa cho phép xẩy ra sự dữ về thể lý và thậm chí về cả luân lý là một mầu nhiệm Thiên Chúa đã chiếu giãi cho thấy nơi Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa không để sự dữ xẩy ra nếu Ngài không tạo nên từ chính sự dữ ấy một sự lành, bằng những cách thức chúng ta chỉ có thể hoàn toàn thấu hiểu ở cõi trường sinh mà thôi. (324)

 

“Trời Đất”

 

70.  Các thiên thần là những thụ tạo thiêng liêng, thành phần không ngừng tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ Ngài trong dự án Ngài muốn cứu rỗi các tạo vật khác: “Các thiên thần cùng nhau làm việc cho lợi ích của tất cả chúng ta” (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học I, 114, 3, ad 3). (350)

 

71.  Các thiên thần chầu chực Đức Kitô là Chúa của các vị. Các vị đặc biệt phục vụ Người để giúp Người hoàn thành sứ mệnh của Người trong việc cứu rỗi loài người. (351)

 

72.  Giáo Hội tôn kính các thiên thần là thành phần hộ giúp Giáo Hội trong cuộc lữ hành trần thế, cũng là thành phần bảo vệ từng người. (352)

 

73.  Thiên Chúa muốn các tạo vật của Ngài có tính cách đa dạng, có nét tốt lành riêng biệt, có sự liên thuộc nhau và có cấp trật. Ngài muốn tất cả mọi tạo vật có thể chất phải qui về việc làm ích cho loài người. Phần con người, và, qua con người, tất cả mọi tạo vật khác, phải qui về việc làm vinh danh Thiên Chúa. (353)

 

74.  Việc tôn trọng các định luật được ghi khắc nơi tạo thành, cũng như việc tôn trọng các mối liên hệ xuất phát từ bản tính của các vật, là một nguyên tắc khôn ngoan và là nền tảng cho luân lý. (354)

 

Con Người

 

75.  “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con người tương tự như Chúa và ký thác vũ trụ cho con người, để nhờ phục vụ Chúa là Đấng Tạo Hóa của mình, họ cai trị tạo sinh” (Sách Lễ Rôma, Kinh Nguyện Thánh Thể IV, 118). (380)

 

76.  Con người được tiền định phác lại hình ảnh Con Thiên Chúa làm người, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Thư Côlôsê 1:15), để Chúa Kitô là trưởng tử của đoàn em nam nữ đông đúc (xem Thư Ephêsô 1:3-6; Thư Rôma 8:29). (381)

 

77.  Con người là “một nhất thể hợp bởi xác thể và hồn thiêng” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 14.1). Tín lý đức tin khẳng định rằng hồn thiêng bất tử được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên. (382)

 

78.  “Thiên Chúa đã không dựng nên con người là một hữu thể đơn độc. Từ ban đầu, ‘Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ’ (Sách Khởi Nguyên 1:27). Cộng đồng của họ đã làm thành một hình thức hiệp thông đầu tiên giữa các con người với nhau” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 12.4). (383)

 

79.  Mạc khải đã cho chúng ta thấy tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy của người nam và người nữ trước khi sa ngã phạm tội: niềm hạnh phúc của cuộc đời họ sống trong vườn địa đường được bắt nguồn từ việc họ thân tình với Thiên Chúa. (384)

 

Vấp Phạm

 

80.  “Thiên Chúa không tạo nên sự chết, và Ngài không thích thú gì nơi cái chết của các sinh vật. Chính vì việc ma qủi ghen hận mà sự chết đã nhập thế gian” (Sách Khôn Ngoan 1:13; 2:24). (413)

 

81.  Satan hay ma qủi và các qủi khác là các thiên thần sa đọa, thành phần tự mình từ chối không chịu phụng sự Thiên Chúa cùng dự án của Ngài. Việc các thần này quyết chống lại Thiên Chúa là một điều dứt khoát tối hậu. Các thần ấy cố lôi kéo con người theo mình phản lại Thiên Chúa. (414)

 

82.  “Mặc dù được Thiên Chúa tạo thành trong tình trạng thánh thiện, song bị Tên Gian Ác dụ dỗ, ngay từ khởi sử, con người đã lạm dụng tự do của mình bằng việc nổi lên chống lại Thiên Chúa và tìm cách chiếm đạt mục đích của mình bất cần Thiên Chúa” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 13.1). (415)

 

83.  Là con người đầu tiên, Adong vì tội lỗi của mình đã làm mất đi, nơi chính mình cũng như nơi tất cả loài người, tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy được Thiên Chúa ban cho. (416)

 

84.  Adong và Evà đã truyền lại cho con cháu một bản tính loài người đã bị tổn thương vì tội lỗi đầu tiên của mình, và bởi đó bản tính này cũng đã bị mất đi tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy. Tình trạng mất mát này được gọi là “nguyên tội”. (417)

 

85.  Bởi hậu qủa của nguyên tội, bản tính loài người bị suy yếu nơi quyền lực của mình, phải lụy thuộc tình trạng vô thức, tình trạng khổ đau và quyền thống trị của sự chết, cùng hướng chiều về tội lỗi (một hướng chiều được gọi là “đam mê nhục dục”). (418)

 

86.  “Vì thế, cùng với Công Đồng Triđentinô, chúng tôi tin rằng nguyên tội được truyền lại theo bản tính loài người, ‘bằng việc truyền sinh, chứ không phải bằng việc bắt chước lập lại’ nên nó ‘xứng hợp đối với mỗi một người’” (Đức Phaolô VI, Kinh Tin Kính Dân Chúa: 16). (419)

 

87.  Việc Chúa Kitô chiến thắng tội lỗi đã đem lại cho chúng ta các phúc lành còn lớn lao hơn cả những gì chúng ta bị tội lỗi làm mất đi: “Ở đâu tội tràn lan thì ở đấy phúc càng ngập lụt” (Thư gửi giáo đoàn Rôma 5:20). (420)

 

88.  “Theo niềm tin của Kitô hữu thì thế giới này đã được thành hình và tồn hữu bởi tình yêu của Đấng Tạo Hóa; đã rơi vào tình trạng làm tôi cho tội lỗi, tuy nhiên đã được giải cứu bởi Chúa Kitô, Đấng Tử Giá và Phục Sinh để phá tan quyền lực của Tên Gian Ác …” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 2.2). (421)