TÔI TIN KÍNH CHÚA THÁNH THẦN
“Tôi Tin Kính Chúa Thánh Thần”
133. “Để anh em thấy được anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài đến với lòng chúng ta, những người kêu lên ‘Abba! Lạy Cha!’” (Thư gửi giáo đoàn Galata 4:6). (742)
134. Từ khởi thủy cho đến tận cùng thời gian, hễ bao giờ Thiên Chúa sai Con Ngài thì Ngài cũng sai Thần Linh của Ngài: sứ vụ của cả hai liên hợp với nhau và bất khả phân ly. (743)
135. Vào lúc thời gian nên trọn, Thánh Linh đã hoàn thành nơi Đức Maria tất cả mọi sự chuẩn bị cho việc Chúa Kitô đến nơi Dân Chúa. Chúa Cha đã ban cho thế gian Đấng Emmanuel, Đấng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Phúc Âm Thánh Mathêu 1:23), nhờ tác động của Thánh Linh. (744)
136. Con Thiên Chúa được thánh hiến trở thành Đức Kitô (Đấng Thiên Sai) là bởi được xức dầu Thánh Linh khi Nhập Thể (xem Thánh Vịnh 2:6-7). (745)
137. Chúa Giêsu đã được tôn vinh làm Chúa và làm Đức Kitô (xem Tông Vụ 2:36) nhờ ở cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Được Viên Mãn, Người đã tuôn đổ Thánh Linh xuống trên các tông đồ và Giáo Hội. (746)
138. Chúa Kitô là đầu đã tuôn đổ xuống trên các chi thể của mình Thánh Linh là Đấng xây dựng, sinh động và thánh hóa Giáo Hội. Giáo Hội là bí tích hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa với loài người. (747)
“Tôi Tin Hội Thánh Công Giáo”
Giáo Hội trong Dự Án của Thiên Chúa
139. Từ ngữ “Giáo Hội” có nghĩa là “cùng ơn gọi”. Chữ này có ý nói đến việc qui tụ lại của những ai được Lời Chúa “triệu tập” để làm nên Dân Thiên Chúa, và nhờ Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng họ trở nên Thân Thể của Người. (777)
140. Giáo Hội vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của dự án Thiên Chúa: được ám chỉ trước nơi việc tạo thành, được chuẩn bị sẵn trong Cựu Ước, được xây dựng bởi những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu Kitô, được hình thành bởi Thập Giá cứu độ và cuộc Phục Sinh của Người, và nhờ việc tuôn đổ Thánh Linh Giáo Hội đã được hiện tỏ như là một mầu nhiệm cứu độ. Giáo Hội sẽ thành toàn trong vinh quang trên trời như một hội đồng gồm tất cả những ai được cứu chuộc trên trái đất này (xem Sách Khải Huyền 14:4). (778)
141. Giáo Hội vừa hữu hình vừa linh thiêng, vừa là một tổ chức có phẩm trật vừa là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội duy nhất được hình thành bởi hai yếu tố, nhân loại và thần linh. Đó là mầu nhiệm của Giáo Hội mà chỉ có đức tin mới có thể chân nhận. (779)
142. Ở trên thế gian này, Giáo Hội là bí tích cứu độ, là dấu hiệu và là phương tiện cho việc hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. (780)
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa,
là Nhiệm Thể Chúa Kitô và là Đền Thờ Chúa Thánh Thần
143. “Chúa Giêsu Kitô đã hiến mình vì chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi tất cả mọi bất chính và để thanh tẩy cho Người một dân riêng” (Thư gửi cho Titus 2:14). (802)
144. “Anh em là giòng dõi tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, là một Dân được sở hữu” (Thứ Nhất của Thánh Phêrô 2:9). (803)
145. Con người gia nhập Dân Thiên Chúa là do đức tin và Phép Rửa. “Tất cả mọi người đều được kêu gọi gia nhập Dân Chúa” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân đoạn 13), để trong Chúa Kitô, “con người làm nên một gia đình và một Dân Chúa duy nhất” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, đoạn 1). (804)
146. Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô. Nhờ Thần Linh và tác động Thần Linh nơi các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô tử nạn và phục sinh kiến tạo cộng đồng tín hữu thành nên Thân Mình của Người. (805)
147. Tình trạng hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô này có chất chứa những khác biệt về phần thể cũng như về chức năng. Tất cả mọi phần thể đều liên kết với nhau, nhất là với những phần thể khổ đau, nghèo nàn và bị bắt bớ. (806)
148. Giáo Hội là Thân Mình có Chúa Kitô làm Đầu, ở chỗ: Giáo Hội sống bởi Người, trong Người và cho Người; Người sống với Giáo Hội và sống trong Giáo Hội. (807)
149. Giáo Hội là Hôn Thê của Chúa Kitô: Người đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình vì Giáo Hội. Người đã thanh tẩy Giáo Hội bằng máu của Người và làm cho Giáo Hội trở thành một người mẹ sung sức sinh ra tất cả mọi con cái Thiên Chúa. (808)
150. Giáo Hội là Đền Thờ của Thánh Linh. Thần Linh là linh hồn của Nhiệm Thể Chúa Kitô, là nguồn mạch của sự sống Giáo Hội, của việc Giáo Hội hiệp nhất trong đa dạng, cũng như của các kho tàng tặng ân và đoàn sủng. (809)
151. “Thế nên, Giáo Hội đại đồng như ‘một Dân Tộc được làm cho nên một bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân trích lời Thánh Cyprianô, De Dom. orat. 23: PL 4, 553). (810)
Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền
152. Giáo Hội duy nhất, ở chỗ, Giáo Hội công nhận một Chúa duy nhất, tuyên xưng một đức tin duy nhất, được hạ sinh bởi một Phép Rửa duy nhất, làm nên một Thân Thể duy nhất, được sống động bởi một Thần Linh duy nhất, hướng về một niềm hy vọng duy nhất (xem Thư gửi giáo đoàn Êphêsô 4:3-5), đó là cuối cùng sẽ làm chủ được tất cả mọi chia rẽ. (866)
153. Giáo Hội thánh thiện, ở chỗ, Thiên Chúa Chí Thánh là tác nhân làm nên Giáo Hội; Chúa Kitô là phu quân của Giáo Hội đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội; Thần Linh thánh thiện ban sự sống cho Giáo Hội. Bởi còn bao gồm cả các tội nhân mà Giáo Hội là “một người vô tội được làm nên bởi các kẻ có tội”. Sự thánh thiện của Giáo Hội tỏa ra qua các vị thánh; nơi Đức Maria, Giáo Hội đã hoàn toàn thánh thiện. (867)
154. Giáo Hội công giáo, ở chỗ, Giáo Hội loan truyền một đức tin trọn vẹn. Giáo Hội mang trong mình và thừa tác tất cả mọi phương tiện cứu độ. Giáo Hội được sai đến với tất cả mọi dân nước. Giáo Hội nói với tất cả mọi người. Giáo Hội bao gồm tất cả mọi thời gian. Giáo Hội là “thừa sai bởi chính bản tính của mình” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, đoạn 2). (868)
155. Giáo Hội tông truyền, ở chỗ, Giáo Hội được xây trên một nền tảng bền vững, đó là “mười hai tông đồ của Chiên Con” (Sách Khải Huyền 21:14). Giáo Hội không thể nào bị hủy hoại (xem Phúc Âm Thánh Mathêu 16:18). Giáo Hội được bảo toàn cho khỏi bị sai lầm về chân lý: Chúa Kitô cai trị Giáo Hội qua tông đồ Phêrô và các vị tông đồ khác, thành phần vẫn đang hiện thân nơi các người thừa kế của mình là Giáo Hoàng và giám mục đoàn. (869)
156. “Giáo Hội của Chúa Kitô là một Giáo Hội, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền… hiện hữu trong Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội được cai quản bởi đấng kế thừa Thánh Phêrô cũng như bởi các vị giám mục hiệp thông với ngài. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố về sự thánh thiện và chân lý cũng được thấy ở ngoài các giới hạn hữu hình của Giáo Hội nữa” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 8). (870)
Thành phần Tín Hữu của Chúa Kitô –
Hàng giáo phẩm, người giáo dân và đời tận hiến
157. “Nơi thành phần tín hữu Kitô Giáo, theo cơ cấu thần linh, có các vị thừa tác viên thánh chức ở trong Giáo Hội được gọi là các vị giáo sĩ luật định; còn các người khác được gọi là giáo dân”. Trong cả hai thành phần này, có những tín hữu Kitô Giáo tuyên khấn các lời khuyên của phúc âm, để hiến thân cho Thiên Chúa và cộng tác vào sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội (xem Giáo Luật, khoản 207.1, 2). (934)
158. Để loan báo và gieo trồng vương quốc của mình, Chúa Kitô đã sai đến các vị tông đồ của Người và các người thừa kế của các vị. Người cho các đấng thông dự vào sứ mệnh riêng của Người. Các đấng đã nhận lãnh từ Người quyền hành sử thay thế Người. (935)
159. Chúa đã làm cho Thánh Phêrô trở thành nền tảng hữu hình của Giáo Hội Người. Người đã trao các chìa khóa của Giáo Hội cho ngài. Vị giám mục của Giáo Hội Rôma, đấng thừa kế Thánh Phêrô, là “vị thủ lãnh giám mục đoàn, là Đại Diện Chúa Kitô và là Mục Tử của Giáo Hội hoàn vũ trên trái đất này” (Giáo Luật, khoản 331). (936)
160.Vị Giáo Hoàng “có quyền tối thượng, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn theo thiết định thần linh” (Sắc Lệnh Christus Dominus, đoạn 2). (937)
161. Các vị Giám Mục được Chúa Thánh Thần đặt làm thừa kế các tông đồ. Các vị là “nguồn gốc hữu hình và là nền tảng hiệp nhất nơi Giáo Hội riêng biệt của các vị” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 23). (938)
162.Được trợ giúp bởi các linh mục là cộng sự viên của mình cũng như bởi các phó tế, vị giám mục có nhiệm vụ giảng dạy đức tin một cách chân chính, cử hành việc thờ phượng thần linh, nhất là bí tích Thánh Thể, và dẫn dắt Giáo Hội như các vị mục tử thực sự. Cùng với và hợp với Giáo Hoàng, các vị cũng có trách nhiệm quan tâm đến tất cả các Giáo Hội khác nữa. (939)
163.“Vì đặc tính của bậc giáo dân là sống cuộc đời giữa trần gian và giữa các sinh hoạt thế tục mà người giáo dân được Thiên Chúa kêu gọi làm việc tông đồ nồng nhiệt bằng tinh thần men trong thế gian của Kitô Giáo” (Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân: 2.2). (940)
164.Người giáo dân được thông dự vào chức tư tế của Chúa Kitô: càng kết hiệp với Người, họ càng biểu lộ ân sủng của Phép Rửa và Thêm Sức trong mọi khía cạnh của đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và giáo hội, nhờ đó họ hoàn tất ơn gọi nên thánh dành cho tất cả mọi người lãnh nhận bí tích rửa tội. (941)
165.Theo sứ mệnh ngôn sứ của mình, giáo dân “được kêu gọi… để làm chứng cho Chúa Kitô trong tất cả mọi cảnh sống và ở ngay giữa lòng cộng đồng nhân loại” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 43.4). (942)
166.Theo sứ mệnh vương giả của mình, giáo dân có khả năng lật đổ ách thống trị của tội lỗi nơi bản thân mình cũng như trong thế giới, bằng việc bỏ mình và đời sống thánh thiện (xem Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 36). (943)
167.Cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa được đánh dấu bằng việc công khai tuyên khấn giữ các lời khuyên khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục của phúc âm, trong một nếp sống vững vàng được Giáo Hội công nhận. (944)
168.Người được bí tích Rửa Tội thánh hiến cho Thiên Chúa, Đấng họ kính mến trên hết mọi sự, bằng việc trao phó bản thân mình cho Ngài trong nếp sống tận hiến, thì càng hiến thân phụng sự Thiên Chúa và lợi ích của toàn thể Giáo Hội thiết tha hơn nữa. (945)
Các Thánh cùng Thông Công
169.Giáo Hội là “mối hiệp thông của các thánh”: ý nghĩa này trước hết nói về “các sự thánh” (sancta), nhất là Thánh Thể, bí tích “làm tiêu biểu và hiện thực hóa việc hiệp nhất nơi các tín hữu, thành phần kiến tạo nên một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 3). (960)
170.Cụm từ “mối thông công của các thánh” còn ám chỉ đến mối hiệp thông của “các thánh nhân” (sancti) trong Chúa Kitô, Đấng đã chết cho tất cả mọi người”, nhờ đó những gì mỗi người làm hay chịu đựng trong và cho Chúa Kitô đều sinh ích cho tất cả. (961)
171.“Chúng ta tin rằng tất cả mọi tín hữu của Chúa Kitô, thành phần là lữ khách trên mặt đất này, là kẻ chết đang được thanh tẩy, và là phúc nhân trên trời, đều hiệp thông với nhau, hợp thành một Giáo Hội duy nhất; và chúng ta cũng tin rằng, trong mối hiệp thông này, tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa cũng như của các thánh nhân Ngài luôn luôn lắng nghe những lời nguyện cầu của chúng ta” (Đức Phaolô VI, Kinh Tin Kính Dân Chúa, đoạn 30). (962)
Đức Maria – Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội
172.Khi thốt lên lời “xin vâng” vào lúc Truyền Tin và tỏ ra ưng thuận với việc Nhập Thể, Đức Maria đã cộng tác với toàn thể công việc Con của Người phải hoàn tất. Người là mẹ đối với những gì Con của Người là Đấng Cứu Thế và là đầu của Nhiệm Thể Giáo Hội (973)
173.Sau khi hoàn tất cuộc sống trần gian, Rất Thánh Trinh Nữ Maria đã được đưa cả hồn lẫn xác lên trời vinh hiển, nơi Người được thông phần vào vinh quang Phục Sinh Con của Người, cuộc phục sinh báo trước việc sống lại của toàn thể các phần thể của Thân Mình Con của Người. (974)
174.“Chúng ta tin rằng Thánh Mẫu Thiên Chúa là tân Evà và là Mẹ của Giáo Hội ở trên trời tiếp tục thực hiện vai trò làm mẹ của Người đối với các phần thể của Chúa Kitô” (Đức Phaolô VI, Kinh Tin Kính Dân Chúa, đoạn 15). (975)
“Tôi tin phép tha tội”
175.Kinh Tin Kính nối kết “việc tha tội” với việc tuyên xưng niềm tin vào Thánh Linh là vì Chúa Kitô sống lại đã trao cho các tông đồ quyền tha tội khi Người ban Thánh Linh cho các vị. (984)
176.Phép Rửa là bí tích tha tội đầu tiên và chính yếu: bí tích này liên kết chúng ta với Chúa Kitô là Đấng đã chết và sống lại, và đã ban Thánh Linh cho chúng ta. (985)
177.Bởi ý muốn của Chúa Kitô, Giáo Hội có quyền tha tội cho thành phần đã lãnh nhận phép rửa tội, và bình thường Giáo Hội thực hành quyền này qua các vị giám mục cũng như linh mục nơi bí tích thống hối. (986)
178.“Trong việc thứ tha tội lỗi, cả linh mục lẫn bí tích chỉ là dụng cụ được Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, là tác giả duy nhất cũng là đấng duy nhất ban ơn cứu độ cho chúng ta, sử dụng trong việc xóa tội cho chúng ta và ban ơn công chính cho chúng ta” (Roman Catechism, I, 11, 6). (987)
“Tôi tin xác loài người sống lại”
179.“Xác thịt là mấu chốt của công cuộc cứu độ” (Giáo Phụ Tertullianô, De Res, 8, 2: PL 2, 852). Chúng ta tin kính Thiên Chúa là Đấng tạo nên xác thịt; chúng ta tin kính Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể để cứu chuộc xác thịt; chúng ta tin vào việc phục sinh của xác thịt là việc hoàn thành cả việc tạo thành cũng như việc cứu chuộc xác thịt. (1015)
180.Linh hồn lìa khỏi xác bởi cái chết, thế nhưng, trong việc phục sinh, Thiên Chúa sẽ ban sự sống bất tử cho thân xác được biến đổi nơi việc tái hợp với linh hồn của chúng ta. Tất cả chúng ta sẽ sống lại vào ngày sau hết như Chúa Kitô đã sống lại và sống muôn đời. (1016)
181.“Chúng ta tin có việc phục sinh thực sự của xác thịt chúng ta hiện đang có đây” (Công Đồng Lyon II: DS 854). Chúng ta gieo xuống nấm mồ một thân xác hư hoại, nhưng sống lại với một thân xác bất hoại, một “thân xác thiêng liêng” (xem Thư Nhất gửi giáo đoàn Côrintô 15:42-44). (1017)
182.Bởi hậu qủa của nguyên tội, con người phải chịu “chết về thể lý, một cái chết đáng lẽ con người được miễn trừ nếu không sa ngã phạm tội” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 18). (1018)
183.Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tự nguyện chịu chết vì chúng ta, bằng việc hoàn toàn sẵn sàng thuận phục ý muốn của Thiên Chúa, Cha của Người. Nhờ cái chết của mình, Người đã chiến thắng sự chết để mở đường cứu độ cho tất cả mọi người. (1019)
“Tôi tin có sự sống trường sinh”
184.Mọi người đều nhận được phần đền bồi vĩnh cửu của mình nơi linh hồn bất tử của họ, vào lúc họ lâm chung, trước tòa phán xét riêng của Chúa Kitô là vị thẩm phán của kẻ sống và kẻ chết. (1051)
185.“Chúng ta tin rằng linh hồn của tất cả những ai chết trong ân sủng của Chúa Kitô… đều là Dân của Thiên Chúa ở bên kia cõi chết, một cõi chết sẽ hoàn toàn bị chế ngự vào ngày phục sinh, lúc mà những linh hồn của những người ấy được tái hợp với thân xác của họ” (Đức Phaolô VI, Kinh Tin Kính Dân Chúa, đoạn 28). (1052)
186.“Chúng ta tin rằng thành phần đông đảo qui tụ bên Chúa Giêsu và Đức Maria trên Thiên Đàng làm nên một Giáo Hội thiên quốc, nơi các vị chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Ngài là, trong vinh phúc trường sinh, cũng là nơi các vị, tùy theo mức độ khác nhau, liên kết với các thánh thiên thần, cộng tác vào việc quản trị thần linh của Chúa Kitô trong vinh hiển, bằng mối quan tâm huynh đệ khi các vị cầu bầu cho chúng ta và trợ giúp nỗi yếu hèn của chúng ta,” (Đức Phaolô VI, Kinh Tin Kính Dân Chúa, đoạn 28) (1053)
187.Những ai chết trong ơn nghĩa Chúa mà chưa được hoàn toàn thanh sạch, mặc dù đã được nắm chắc phần rỗi đời đời, cũng phải trải qua một cuộc thanh tẩy sau khi chết, hầu đạt tới mức thánh thiện cần thiết để có thể nhập cuộc hoan hưởng Thiên Chúa. (1054)
188.Tin tưởng việc “các thánh cùng thông công”, Giáo Hội phó dâng kẻ chết cho lòng từ bi Thiên Chúa, và dâng kinh nguyện, nhất là thánh lễ, để cầu cho họ. (1055)
189.Theo gương Chúa Kitô, Giáo Hội cảnh giác tín hữu về “thực tại của sự chết đời đời buồn sầu và thảm thương” (Thánh Bộ về Giáo Sĩ, Bản Tổng Dẫn Giáo Lý, đoạn 69), cũng được gọi là “hỏa ngục”. (1056)
190.Hình phạt chính của hỏa ngục là ở chỗ đời đời bị lìa xa Thiên Chúa, Đấng mà nơi một mình Ngài con người mới có thể được sự sống và hạnh phúc là những gì họ được dựng nên để hưởng cũng là những gì họ khát mong. (1057)
191.Giáo Hội cầu xin để không một ai bị hư đi: “Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để tôi lìa xa Chúa”. Nếu qủa thật không ai có thể tự cứu được mình thì cũng qủa thật Thiên Chúa “muốn tất cả mọi người được cứu độ” (Thư Nhất gửi Timôthêu 2:4), và qủa thật “tất cả mọi sự đều có thể” (Phúc Âm Thánh Mathêu 19:26) với Ngài. (1058)
192.“Hội Thánh Rôma vững tin và tuyên xưng rằng, vào Ngày Phán Xét, tất cả mọi người sẽ đến trước tòa Chúa Kitô với thân xác của mình để trả lẽ về các việc mình làm” (Công Đồng Lyon II [1274]: DS 859; xem DS 1549). (1059)
193.Vào lúc tận cùng thời gian, Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ hoàn toàn trị đến. Bấy giờ, với cả hồn xác vinh quang, kẻ lành sẽ cùng Chúa Kitô muôn đời hiển trị, và chính vũ trụ vật chất cũng sẽ được biến đổi. Bấy giờ, nơi cõi sống trường sinh, Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong mọi sự” (Thư Nhất gửi giáo đoàn Côrintô 15:28). (1060)