CÔNG CUỘC BÍ TÍCH 

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua Vào Thời Của Giáo Hội 

Phụng Vụ – Một Công Việc của Chúa Ba Ngôi

 

194.Nơi phụng vụ của Giáo Hội, Thiên Chúa là Cha được chúc tụng và tôn thờ như nguồn gốc của tất cả mọi ơn lành nơi việc tạo thành và cứu độ mà Ngài đã chúc phúc cho chúng ta trong Con của Ngài, để ban cho chúng ta Thần Linh của ơn làm nghĩa tử. (1110)

 

195.Việc làm của Chúa Kitô nơi phụng vụ là một việc làm có tính cách bí tích: vì mầu nhiệm cứu độ của Người được quyền phép Thánh Linh Người hiện tại hóa nơi phụng vụ; vì Thân Mình của Người, tức là Giáo Hội, giống như một bí tích (một dấu hiệu và dụng cụ) được Thánh Linh sử dụng để ban phát mầu nhiệm cứu độ; và vì nhờ những tác động phụng vụ, Giáo Hội lữ hành tiên hưởng việc tham dự vào phụng vụ thiên quốc. (1111)

 

196.Sứ vụ của Thánh Linh nơi phụng vụ của Giáo Hội là chuẩn bị cho cộng đồng gặp gỡ Chúa Kitô; là nhắc nhở và biểu lộ Chúa Kitô trước đức tin của cộng đồng; là làm cho công cuộc cứu độ của Chúa Kitô hiện thực và sinh động bằng quyền năng biến đổi của Ngài; và là làm cho tặng ân hiệp thông sinh hoa kết trái trong Giáo Hội. (1112)

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua nơi các Bí Tích của Giáo Hội

 

197.Các bí tích là những dấu tác hiệu của ân sủng được Chúa Kitô thiết lập và trao phó cho Giáo Hội để Giáo Hội ban phát sự sống thần linh cho chúng ta. Các nghi thức bề ngoài để cử hành các bí tích là biểu hiệu cho mỗi bí tích và hiện thực các ân sủng hợp với mỗi bí tích. Các bí tích sinh ích nơi những ai lãnh nhận đúng với những điều kiện cần thiết. (1131)

 

198.Giáo Hội cử hành các bí tích như là một cộng đồng tư tế được cấu hợp nên bởi chức tư tế rửa tội và chức tư tế thừa tác. (1132)

 

199.Chúa Thánh Thần giúp sửa dọn việc lãnh nhận các bí tích bằng Lời Chúa cũng như bằng đức tin lãnh nhận lời Chúa với tấm lòng sốt sắng. Như thế, các bí tích làm kiên cường đức tin và tỏ hiện đức tin. (1133)

 

200.Hoa trái của sự sống bí tích ở nơi cả cá nhân cũng như giáo hội. Một đàng, đối với mỗi tín hữu, hoa trái này là một cuộc sống cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô; đàng khác, đối với Giáo Hội, hoa trái này là việc tăng triển trong đức ái cũng như trong sứ vụ chứng nhân của Giáo Hội. (1134)

 

 

Việc Cử Hành cách Bí Tích Mầu Nhiệm Vượt Qua 

Việc Cử Hành Phụng Vụ của Giáo Hội

 

201.Phụng vụ là công việc của toàn thể Chúa Kitô, cả Đầu và Thân. Vị Thượng Tế của chúng ta không ngừng cử hành việc phụng vụ này trong phụng vụ thiên quốc, cùng với Thánh Mẫu Thiên Chúa, các vị tông đồ, tất cả các thánh, và thành phần đông đảo những người đã vào Nước Trời. (1187)

 

202.Trong việc cử hành phụng vụ, toàn thể cộng đồng là một “phụng viên”, mỗi phần tử làm theo phận vụ mình. Chức tư tế thuộc phép rửa tội là chức tư tế của toàn Thân Chúa Kitô. Thế nhưng, có một số tín hữu được lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh để thay mặt Chúa Kitô làm đầu của Thân Mình. (1188)

 

203.Việc cử hành phụng vụ bao gồm những dấu chỉ và biểu hiệu liên quan đến việc tạo dựng (nến, nước , lửa), đến đời sống con người (tẩy rửa, xức dầu, bẻ bánh), cũng như đến lịch sử cứu độ (các nghi thức Vượt Qua). Được hội nhập với lãnh vực đức tin và được quyền phép Thánh Linh sử dụng, những yếu tố thiên nhiên, những lễ nghi nhân loại và những cử chỉ tưởng nhớ đến Thiên Chúa ấy đã chuyên chở tác động cứu độ và thánh hóa của Chúa Kitô. (1189)

 

204.Phụng Vụ Lời Chúa là một phần nguyên trọn của việc cử hành phụng vụ. Ý nghĩa của việc cử hành phụng vụ được tỏ rõ nơi Lời Chúa, Lời được công bố và được đức tin đáp ứng. (1190)

 

205.Ca hát và âm nhạc được gắn liền với tác động phụng vụ. Qui tắc cho việc sử dụng xứng hợp ca nhạc này là vẻ sáng đẹp của lời cầu nguyện, việc đồng thanh tham dự của cộng đồng và tính chất thánh thiện của việc cử hành. (1191)

 

206.Các ảnh tượng thánh trong nhà thờ và gia đình của chúng ta có mục đích khơi động và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta đối với mầu nhiệm Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô mới là Đấng chúng ta tôn thờ, qua ảnh tượng của Người và qua các công việc cứu độ của Người. Chúng ta tôn kính bản vị được biểu hiệu qua tượng ảnh thánh của Mẹ Thiên Chúa, của các thiên thần cũng như của các thánh. (1192)

 

207.Ngày Chúa Nhật, “Ngày của Chúa”, là ngày chính cho việc cử hành Thánh Thể, vì đó là ngày Chúa Phục Sinh. Đó là một ngày thượng tôn của cộng đồng phụng vụ, ngày của gia đình Kitô Giáo, một ngày vui mừng và nghỉ việc. Ngày Chúa Nhật là  “chủ yếu và nhân trung của cả năm phụng vụ” (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, đoạn 106). (1193)

 

208.Giáo Hội “giãi bầy trong thời gian một năm tất cả mầu nhiệm Chúa Kitô, từ việc Người Nhập Thể và Giáng Sinh cho đến việc Người Thăng Thiên, tới Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tới việc trông đợi niềm hy vọng phúc vinh và tới Ngày Chúa Kitô trở lại” (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh: 102.2). (1194)

 

209.Bằng việc tưởng nhớ các thánh, trước hết là Thiên Chúa Thánh Mẫu, rồi tới các vị tông đồ, các vị tử đạo cùng các thánh khác, vào những ngày ấn định trong phụng niên, Giáo Hội trên mặt đất này cho thấy rằng Giáo Hội liên hợp với phụng vụ trên thiên đình. Giáo Hội tôn vinh Chúa Kitô vì Người đã hoàn tất việc cứu độ nơi các phần thể hiển vinh của Người; gương mẫu của các vị thúc đẩy Giáo Hội trên con đường Giáo Hội tiến về cùng Cha. (1195)

 

210.Người tín hữu nào cử hành Phụng Vụ theo Giờ thì, qua kinh nguyện của các Thánh Vịnh, qua việc suy niệm Lời Chúa, cũng như qua các khúc hát và các lời chúc tụng, họ được liên kết với vị thượng tế Kitô của chúng ta để hợp lời cầu nguyện liên lỉ và đại đồng của Người trong việc tôn vinh Chúa Cha và nài xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho toàn thế giới. (1196)

 

211.Chúa Kitô là đền thờ đích thực của Thiên Chúa, “nơi vinh quang Ngài ngự trị”; nhờ ơn Thiên Chúa, Kitô hữu cũng trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên những viên đá sống động xây dựng Giáo Hội. (1197)

 

212.Trong tình trạng tại thế của mình, Giáo Hội cần những nơi chốn để cộng đồng có thể tụ họp nhau. Các ngôi thánh đường cụ thể của chúng ta, tức những nơi thánh, là hình ảnh của thành thánh, của Gialiêm thiên đình, nơi chúng ta đang lữ hành tiến về. (1198)

 

213.Chính ở trong các ngôi thánh đường này Giáo Hội cử hành việc phụng thờ công cộng để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, nghe lời Chúa và hát khen chúc tụng, dâng lời cầu nguyện và hiến dâng hy tế của Chúa Kitô hiện diện một cách bí tích ở giữa cộng đồng. Các ngôi thánh đường này cũng là những nơi hồi tâm và cầu nguyện tư riêng. (1199)

 

Tính Cách Đa Dạng của Phụng Vụ và Sự Hiệp Nhất của Mầu Nhiệm

 

214.Việc cử hành phụng vụ cần hướng đến việc biểu lộ nơi văn hóa của dân nước mà Giáo Hội gặp gỡ, nhưng không lụy thuộc vào văn hóa này. Trái lại, chính phụng vụ làm phát sinh ra các thứ văn hóa và hình thành nên chúng. (1207)

 

215.Các truyền thống hay lễ nghi phụng vụ đa dạng, được công nhận một cách hợp pháp, cũng nói lên công giáo tính của Giáo Hội, vì các truyền thống hay lễ nghi phụng vụ đa dạng này biểu hiệu và thông truyền cùng một mầu nhiệm Chúa Kitô. (1208)

 

216.Qui tắc để bảo đảm cho sự hiệp nhất giữa tính cách đa dạng của các truyền thống phụng vụ là ở chỗ  trung thành với Truyền Thống tông đồ, tức là trung thành với sự hiệp thông trong đức tin cũng như trong các phép bí tích do các tông đồ truyền lại, một cuộc hiệp thông chẳng những được tiêu biểu mà còn được bảo toàn bởi việc thừa kế tông đồ. (1209)