CÁC BÍ TÍCH GIÚP HIỆP THÔNG 

 

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

 

269.Thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthêu của mình rằng: “Cha nhắc nhở con là con hãy làm bừng lên tặng ân của Thiên Chúa mà con có được nhờ việc đặt tay của cha” (Thư Hai gửi Timôthêu 1:6), và “nếu ai mong làm giám mục là ước ao một việc cao qúi” (Thư Nhất gửi Timôthêu 3:1). Với Titô, thánh nhân nói: “Đó là lý do tại sao Cha bỏ con ở lại Crêta để con cải tổ những gì khiếm khuyết và bổ nhiệm những vị trưởng lão tư tế ở nơi mỗi tỉnh, như cha đã hướng dẫn con” (Thư gửi Titô 1:5). (1590)

 

270.Toàn thể Giáo Hội là một dân tư tế. Nhờ phép Rửa Tội, tất cả mọi tín hữu được thông dự vào chức linh mục của Chúa Kitô. Việc tham dự này được gọi là “chức tư tế chung của tín hữu”. Dựa vào chức tư tế chung này, cũng như để nhắm đến việc phục vụ, mới có một sự tham dự khác vào sứ vụ của Chúa Kitô: đó là thừa tác vụ được lãnh nhận từ bí tích Truyền Chức Thánh, với công việc là nhân danh Chúa Kitô và thay mặt Chúa Kitô để phục vụ cộng đồng. (1591)

 

271.Chức linh mục thừa tác tự bản tính khác với chức linh mục chung nơi tín hữu, vì chức linh mục thừa tác ban quyền linh phục vụ tín hữu. Các thừa tác viên có chức thánh thực thi việc phục vụ Dân Chúa của mình bằng việc giảng dạy (munus docendi), bằng việc tôn thờ (munus liturgicum) và bằng việc coi sóc mục vụ (munus regendi). (1592)

 

272.Từ ban đầu, thừa tác vụ thánh đã được truyền phong và thực thi ở ba bậc: bậc giám mục, bậc trưởng lão tư tế và bậc phó tế. Các thừa tác vụ do việc thụ phong mà có là những thừa tác vụ không thể thay thế được đối với cấu trúc theo cơ chế của Giáo Hội: người ta không thể nói đến một Giáo Hội mà lại không có các vị giám mục, các vị trưởng lão tư tế và các vị phó tế (xem Thánh I-Nhã Antiôkia, Ad Trall. 3, 1). (1593)

 

273.Giám mục là vì lãnh nhận trọn vẹn bí tích Truyền Chức Thánh, một bí tích đưa vị giám mục này vào hàng ngũ giáo phẩm và làm cho ngài trở thành thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội riêng biệt được ủy thác cho ngài. Là các vị thừa kế các tông đồ và là phần tử của hàng giáo phẩm, các vị giám mục thông dự vào trách nhiệm tông đồ và sứ vụ truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, được đặt dưới quyền của Giáo Hoàng, vị kế thừa Thánh Phêrô. (1594)

 

274.Linh mục liên kết với giám mục trong phẩm vị tư tế, đồng thời tùy thuộc vào các vị giám mục trong việc thực thi các phận sự mục vụ của mình; các vị được kêu gọi để làm cộng sự viên khôn ngoan của  giám mục; các vị hợp lại thành một hàng giáo sĩ vây quanh giám mục trong việc chia phần trách nhiệm với ngài để lo cho Giáo Hội riêng biệt. Các vị được giám mục trao phó trách nhiệm coi cộng đoàn giáo xứ hay một vai trò ấn định trong giáo hội. (1595)

 

275.Các vị phó tế là những thừa tác viên có chức thánh lo những việc phục vụ của Giáo Hội; các vị không lãnh nhận chức linh mục thừa tác, nhưng việc thụ phong ban cho các vị những phận vụ quan trọng nơi thừa tác vụ lời Chúa, nơi việc phụng vụ thần linh, nơi việc coi sóc mục vụ, và nơi việc phục vụ bác ái, những việc các vị phải thi hành dưới thẩm quyền mục vụ của giám mục. (1596)

 

276.Bí tích Truyền Chức Thánh được ban phát bằng việc đặt tay theo sau lời nguyện thánh hiến trọng thể để xin Thiên Chúa ban cho thành phần được thụ phong những ân sủng của Chúa Thánh Thần cần thiết cho thừa tác vụ của họ. Việc truyền chức thánh in nơi vị thụ phong một ấn tích không thể phai nhòa. (1597)

 

277.Giáo Hội chỉ ban bí tích Truyền Chức Thánh cho người được rửa tội phái nam (viris), thành phần được công nhận là hợp lệ có các khả năng để thi hành thừa tác vụ. Chỉ có một mình thẩm quyền Giáo Hội mới có trách nhiệm và quyền hạn để mời gọi người ta lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh. (1598)

 

278.Bên Giáo Hội Latinh, bí tích Truyền Chức Thánh cho hàng tư tế thường chỉ được ban cho các ứng viên sẵn sàng tự nguyện chấp nhận sống độc thân, và công khai biểu lộ ý định của mình ra trong việc sống độc thân vì yêu mến vương quốc Thiên Chúa và để phụng sự con người. (1599)

 

279.Chính giám mục là vị ban bí tích Truyền Chức Thánh cho cả ba bậc (biệt chú: xin xem lại khoản Giáo Lý 1592 trên đây). (1600)

 

 

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

 

280.Thánh Phaolô nói: “Hỡi các người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội… Đây là một mầu nhiệm cao cả tôi có ý nói đến Chúa Kitô và Giáo Hội” (Thư gửi giáo đoàn Êphêsô 5:25, 32). (1659)

 

281.Giao ước hôn nhân, một giao ước kết hợp người nam và người nữ lại với nhau thành một cuộc hiệp thông sâu xa trong sự sống và yêu thương, đã được Đấng Tạo Hóa thiết lập và ấn định với những lề luật đặc biệt của nó. Tự bản chất, giao ước hôn nhân nhắm đến lợi ích của đôi phối ngẫu, cũng như đến việc truyền sinh và giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng hôn nhân giữa thành phần chịu phép rửa tội lên phẩm vị của một bí tích (xem Giáo Luật: 1055.1; xem Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 48.1). (1660)

 

282.Bí tích Hôn Phối biểu hiệu cho việc hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Bí tích này ban cho đôi hôn nhân ân sủng để yêu thương nhau bằng một tình yêu Chúa Kitô đã thương yêu Giáo Hội; như thế, ân sủng của bí tích này làm hoàn hảo tình yêu nhân loại của đôi hôn nhân, kiên cường mối hiệp nhất bất khả phân ly của họ, và thánh hóa họ trên con đường tiến đến sự sống trường sinh. (xem Công Đồng Triđentinô: DS 1799). (1661)

 

283.Hôn nhân được căn cứ vào lòng ưng thuận của hai bên kết ước với nhau, tức là, căn cứ vào ý họ muốn hoàn toàn hiến mình cho nhau, để sống giao ước yêu thương thủy chung và tốt đẹp. (1662)

 

284.Vì hôn nhân đặt cặp phối ngẫu vào một bậc sống công khai trong Giáo Hội nên nó đáng được cử hành công cộng, bằng việc cử hành phụng vụ, trước vị linh mục (hay một chứng nhân có thẩm quyền của Giáo Hội), trước các người làm chứng, và trước hội đồng tín hữu. (1663)

 

285.Hiệp nhất nên một, bất khả phân ly và bằng lòng sinh con là các tính cách chính yếu của hôn nhân. Vấn đề đa thê không hợp với tính cách hiệp nhất nên một của hôn nhân; việc ly dị làm phân ly những gì Thiên Chúa đã liên kết lại với nhau; việc chối từ sinh sản con cái khiến cho đời sống hôn nhân mất đi “tặng ân tuyệt vời” của mình là con cái (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 50.1). (1664)

 

286.Việc tái hôn của những người ly dị người phối ngẫu hợp lệ còn sống của mình là việc làm phản lại với ý định và lề luật của Thiên Chúa như Chúa Kitô đã dạy. Tuy không bị phân lìa khỏi Giáo Hội, thành phần ly dị này cũng không được phép Hiệp Lễ. Họ sống đời Kitô hữu bằng việc đặc biệt giáo dục con cái của mình theo đức tin. (1665)

 

287.Ngôi nhà của người Kitô hữu là nơi con cái lãnh nhận việc loan báo đức tin trước hết. Vì lý do này, ngôi nhà của gia đình đáng được gọi là “Giáo Hội tại gia”, một cộng đồng của ân sủng và của nguyện cầu, một trường học các nhân đức làm người và học đức ái Kitô Giáo. (1666)