CÁC VIỆC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC 

 

CÁC Á BÍ TÍCH

 

288.Các á bí tích là những dấu hiệu linh thánh được Giáo Hội thiết lập, để sửa dọn cho con người lãnh nhận hoa trái của các phép bí tích, cũng như để thánh hóa các hoàn cảnh sống khác nhau. (1677)

 

289.Trong số các á bí tích thì các việc chúc lành giữ một địa vị quan trọng. Các việc chúc lành này bao gồm cả việc chúc tụng Thiên Chúa về các công cuộc và tặng ân của Ngài, lẫn việc Giáo Hội chuyển cầu cho con người để họ có thể sử dụng các tặng ân của Thiên Chúa theo tinh thần Phúc Âm. (1678)

 

290.Ngoài phụng vụ ra, đời sống Kitô hữu được dưỡng nuôi bởi một số hình thức đạo đức khác nhau được ăn rễ sâu nơi các nền văn hóa khác nhau. Trong khi cẩn thận làm sáng tỏ các hình thức đạo đức này trong ánh sáng đức tin, Giáo Hội vẫn nâng đỡ các hình thức đạo đức thông dụng biểu lộ chiều hướng Phúc Âm cùng đức khôn ngoan nhân bản, những hình thức đạo đức làm phong phú đời sống Kitô Giáo. (1679)

 

LỄ NGHI AN TÁNG CỦA KITÔ GIÁO

 

291.Tất cả các phép bí tích, nhất là các bí tích gia nhập Kitô Giáo, có mục tiêu của mình là Cuộc Vượt Qua cuối cùng của con cái Thiên Chúa, một cuộc vượt qua mà, nhờ sự chết, dẫn họ vào sự sống Nước Trời. Bởi thế, những gì họ tuyên xưng theo đức tin và lòng cậy trông sẽ được hoàn tất: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” (Kinh Tin Kính Công Đồng Chung Contantinôpôli-Nicêa). (1680)

 

292.Ý nghĩa sự chết theo Kitô Giáo được tỏ hiện nơi ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô là Đấng duy nhất chúng ta đặt niềm hy vọng. Người Kitô hữu nào chết trong Chúa Giêsu Kitô là “lìa xa thân xác và ở cùng một nhà với Chúa” (Thư Hai gửi giáo đoàn Côrintô 5:8).  (1681)

 

293.Đối với Kitô hữu, ngày chết ở vào lúc kết thúc cuộc sống bí tích của mình là ngày mở màn cho việc hoàn thành cuộc tái sinh đã được bắt đầu từ Phép Rửa Tội, cho việc hoàn toàn được “nên giống” “hình ảnh Người Con” do việc xức dầu Thánh Linh, và cho việc tham dự vào bữa tiệc Nước Trời được nếm hưởng trước nơi bí tích Thánh Thể, cho dù họ vẫn cần phải trải qua cuộc thanh tẩy cuối cùng để mắc lấy chiếc áo cưới. (1682)

 

294.Lễ nghi an táng Kitô Giáo không phải là một bí tích hay á bí tích đối với người chết, vì họ đã “ra” khỏi công cuộc của bí tích. Tuy nhiên, lễ nghi này vẫn là việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội (xem Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đoạn 81-82). Thừa tác vụ của Giáo Hội có mục đích nói lên mối hiệp thông tồn tại đối với người chết, ở việc cộng đồng tham phần vào mối hiệp thông này khi họp nhau dự lễ an táng, và ở việc loan báo sự sống trường sinh cho cộng đồng. (1684)

 

 

(4 khoản về “Lễ Nghi An Táng của Kitô Giáo” trên đây được người soạn lấy từ phần diễn giải chính thêm vào, hoàn toàn không có trong phần “tóm gọn”)