SỰ SỐNG TRONG CHÚA KITÔ
Ơn Gọi của Con Người là Sống trong Thần Linh
PHẨM GIÁ của CON NGƯỜI
CON NGƯỜI: HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
295.“Chúa Kitô bộc lộ cho con người thấy trọn vẹn bản thân họ và làm sáng tỏ ơn gọi cao cả của họ” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 22.1). (1710)
296.Có hồn thiêng, lý trí và ý muốn tự do, ngay từ đầu thai, con người đã được định hướng về Thiên Chúa và được ấn định để hưởng hạnh phúc trường sinh. Họ theo đuổi tầm vóc toàn vẹn của mình ở việc “tìm kiếm và yêu mến những gì chân thật và thiện hảo” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 15:2). (1711)
297.Tự do đích thực là một “biểu lộ trổi vượt của hình ảnh thần linh” nơi con người (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 17). (1712)
298.Con người buộc phải tuân theo luật luân lý là luật thúc giục họ “làm lành lánh dữ” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 16). Lề luật này vang động trong lương tâm của con người. (1713)
299.Với bản tính bị tổn thương vì nguyên tội, con người bị lầm lạc và hướng chiều về sự dữ trong việc sử dụng tự do của mình. (1714)
300.Ai tin vào Chúa Kitô là người có sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Đời sống luân lý, được phát triển và trưởng thành trong ân sủng, phải đạt tới tầm mức viên trọn của nó ở vinh quang trên trời. (1715)
ƠN GỌI HƯỞNG PHÚC CỦA CHÚNG TA
301.Các phúc lộc hàm chứa những lời hứa của Thiên Chúa và làm trọn những lời hứa này kể từ thời Abraham, ở chỗ chúng qui hướng về Nước Trời. Chúng đáp ứng ước vọng hạnh phúc Thiên Chúa đã gieo nơi cõi lòng con người. (1725)
302.Các phúc lộc chỉ cho chúng ta biết cùng đích Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, đó là Nước Trời, là được hưởng kiến Thiên Chúa, là được tham dự vào bản tính thần linh, là sự sống trường sinh, là tình con thảo, là được an nghỉ trong Chúa. (1726)
303.Phúc lộc được sống trường sinh là tặng ân nhưng không của Thiên Chúa. Phúc này là một phúc siêu nhiên, cũng như chính ân sủng là yếu tố dẫn chúng ta tới phúc này vậy. (1727)
304.Các phúc này khiến chúng ta phải đối đầu với những chọn lựa dứt khoát liên quan đến lợi lộc trần gian; chúng thanh tẩy lòng trí chúng ta để chúng ta biết kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. (1728)
305.Phúc trên trời đặt ra những tiêu chuẩn giúp vào việc biết cách hưởng lợi lộc trần gian hợp với lề luật Thiên Chúa. (1729)
TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
306.“Thiên Chúa muốn con người định liệu lấy (xem Sách Huấn Ca 15:14) để họ có thể tự động tìm kiếm Đấng Tạo Dựng của mình, rồi nhờ việc gắn bó với Ngài, họ đạt tới mức trọn hảo hoàn toàn và diễm phúc” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 17.1). (1743)
307.Tự do là khả năng hành động hay bỏ không hành động trong việc tự nguyện làm theo ý muốn riêng của con người. Tự do đạt đến mức toàn hảo nơi tác động của mình khi nó biết qui hướng về Thiên Chúa là Sự Thiện tối thượng. (1744)
308.Tự do là đặc tính xứng hợp của hành động thuộc về con người. Nó khiến con người phải có trách nhiệm về các hành động mà họ là tác nhân tự ý làm. Các hành động tự ý của họ là của riêng họ. (1745)
309.Vì vô tri, cưỡng bức, sợ hãi và các yếu tố tâm lý cũng như xã hội khác mà trách cứ hay trách nhiệm đối với một việc làm có thể được giảm khinh hay hủy bỏ. (1746)
310.Quyền hành sử tự do, nhất là trong những vấn đề tôn giáo và luân lý, là một đòi hỏi gắn liền với phẩm vị của con người. Tuy nhiên, việc hành sử tự do không có nghĩa là con người cho rằng mình có quyền được nói và làm bất cứ điều gì. (1747)
311.“Chúa Kitô đã giải cứu cho chúng ta được tự do” (Thư gửi giáo đoàn Galata 5:1). (1748)
TÍNH CÁCH LUÂN LÝ CỦA HÀNH ĐỘNG THUỘC NHÂN
312.Có ba “nguyên tố” làm nên tính cách luân lý của những hành động thuộc nhân, đó là đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh. (1757)
313.Đối tượng do con người chọn lựa là nguyên tố xác định tính cách luân lý tác động ý muốn của con người theo như trí khôn họ nhận thức và cho rằng tác động ý muốn này là lành hay là dữ. (1758)
314.“Không thể hành ác khi viện lý là có ý hướng tốt” (xem Thánh Tôma Aquinô, Dec. Praec. 6). Mục đích không biện minh cho phương tiện. (1759)
315.Một hành vi tốt lành theo luân lý đòi cả đối tượng của nó, mục đích của nó và các hoàn cảnh của nó đều phải tốt lành. (1760)
316.Có những hành vi thiết thực nếu quyết làm bao giờ cũng sai trái, vì việc chọn thực hiện hành vi này hàm chứa cái lệch lạc của ý muốn, là một điều xấu về luân lý. Người ta không được hành ác để sinh thiện. (1761)
TÍNH CÁCH LUÂN LÝ CỦA CÁC ĐAM MÊ
317.Chữ “các đam mê” là từ ngữ nói đến những cảm mến hay cảm tình. Nhờ các cảm xúc của mình con người trực giác thấy được sự lành và cảm thấy bất ổn đối với sự dữ. (1771)
318.Các đam mê chính là yêu thương và giận ghét, ham muốn và sợ hãi, vui mừng, buồn đau và phẫn nộ (biệt chú của người dịch bản Việt Ngữ này: nếu dịch theo chữ hán việt là: ái và ố, dục và cụ, hỉ, ai và nộ; tuy nhiên, theo Đông Phương, bảy đam mê này thường được xếp theo thứ tự là: ái, ố, hỉ, ai, dục, nộ, cụ; về tổng số các đam mê thì theo Tây Phương thường có 11 đam mê, gồm 7 đam mê trên và 4 đam mê khác nữa, đó là hy vọng và thất vọng, can đảm và thất đảm). (1772)
319.Theo luân lý không có vấn đề tốt hay xấu nơi các đam mê là những biến động của cảm thức. Tuy nhiên, một khi dính dáng đến lý trí và ý muốn, chúng sẽ có tính cách luân lý tốt hay xấu. (1173)
320.Các cảm xúc và cảm tình có thể được thăng hóa thành các nhân đức hay cũng có thể bị băng hoại bởi các tính mê nết xấu. (1774)
LƯƠNG TÂM VỀ LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ
321.“Lương tâm là cốt lõi sâu kín nhất của con người, là thánh cung mà có một chỉ mình họ đối diện với Thiên Chúa và nghe được tiếng nói của Ngài” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 16). (1795)
322.Lương tâm là phán đoán của trí khôn giúp con người biết được phẩm chất luân lý nơi hành động thực tiễn của họ. (1796)
323.Đối với người làm điều gian ác thì phán quyết của lương tâm vẫn là một hứa hẹn cho việc họ cải thiện và hy vọng. (1797)
324.Một lương tâm có căn bản vững chắc là một lương tâm ngay thẳng và chân thật. Nó phán đoán theo trí khôn, hợp với sự thiện đích thực đúng như ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Mọi người phải liệu cách luyện lọc lương tâm của mình. (1798)
325.Khi phải chọn lựa về luân lý, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp với trí khôn và lề luật Thiên Chúa, hay ngược lại, cũng có thể phán đoán sai, không hợp với trí khôn và lề luật Thiên Chúa. (1799)
326.Con người luôn phải tuân theo phán quyết vững chắc của lương tâm. (1800)
327.Lương tâm vẫn có thể vô thức và phán đoán sai lầm. Việc vô thức và các sai lầm như thế không phải lúc nào cũng vô tội. (1801)
328.Lời Chúa là ánh sáng soi đường nẻo chúng ta đi. Chúng ta phải đồng hóa với lời Chúa trong đức tin và nguyện cầu, rồi đem lời Chúa ra thực hành. Đó là cách luyện lọc lương tâm về luân thường đạo lý. (1802)
CÁC ĐỨC HẠNH
329.Đức hạnh là một khuynh hướng làm lành bền bỉ theo thói quen. (1833)
330.Các nhân đức là những khuynh hướng vững bền của lý trí và ý muốn, một lý trí và ý muốn là các tài năng điều khiển hành động của chúng ta, truyền khiến các đam mê của chúng ta và hướng dẫn việc làm của chúng ta cho hợp với trí khôn và đức tin. (1834)
331.Đức khôn ngoan giúp cho trí khôn trong thực hành biết nhận ra nơi mọi hoàn cảnh sự thiện chân thực của chúng ta và biết chọn phương tiện xứng hợp để đạt được sự thiện này. (1835)
332.Đức công bình là ở chỗ ý muốn cương quyết và kiên trì trong việc trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài cũng như cho tha nhân những gì thuộc về họ. (1836)
333.Đức can đảm giúp vững vàng trong các cơn khốn khó và kiên trì trong việc theo đuổi sự thiện. (1837)
334.Đức tiết độ điều hòa sức thu hút của khoái lạc theo giác quan và cân bằng việc sử dụng các sản vật trần gian. (1838)
335.Các luân đức phát triển nhờ việc học hỏi, nhờ các tác hành tự nguyện và nhờ kiên trì chiến đấu. Chúng được ơn Chúa thanh tẩy và thăng hóa. (1839)
336.Các thần đức giúp cho người Kitô hữu sống liên kết với Chúa Ba Ngôi. Các thần đức lấy Thiên Chúa làm nguồn gốc, động lực và đối tượng, một Thiên Chúa được nhận biết bởi đức tin, được trông cậy và yêu mến vì chính bản thân Ngài. (1840)
337.Có ba thần đức là đức tin, đức cậy và đức mến (xem Thư Một gửi giáo đoàn Côrintô 13:13). Các thần đức hướng dẫn tất cả mọi luân đức và làm cho các luân đức sống động. (1841)
338.Nhờ đức tin, chúng ta tin Thiên Chúa và tin tất cả những gì Ngài đã mạc khải cho chúng ta và là những gì Giáo Hội dạy chúng ta tin. (1842)
339.Nhờ đức cậy, chúng ta ước mong và vững lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa cho được sự sống trường sinh và được các ơn để lập công đáng thưởng. (1843)
340.Nhờ đức mến, chúng ta kính yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự và vì Chúa thương yêu tha nhân như bản thân mình. Đức mến là “giây liên kết sự trọn lành” (Thư gửi giáo đoàn Côlôsê 3:14) và làm nên tất cả mọi đức hạnh. (1844)
341.Bảy tặng ân của Chúa Thánh Thần được ban cho Kitô hữu là khôn ngoan, hiểu biết, lo liệu, sức mạnh, thông biết, đạo đức và kính sợ Chúa. (1845)
TỘI LỖI
342.“Thiên Chúa đã dồn tất cả mọi người vào việc bất phục tùng để Ngài có thể tỏ tình thương đối với tất cả mọi người” (Thư gửi giáo đoàn Rôma 11:32). (1870)
343.Tội lỗi là nói năng, hành động hay ước muốn nghịch lại với lề luật vĩnh cửu (Thánh Augustinô, Faust 22: PL 42, 418). Nó là một việc xúc phạm đến Thiên Chúa. Nó nổi lên chống lại Thiên Chúa bằng việc bất phục tùng ngược lại với việc phục tùng của Chúa Kitô. (1871)
344.Tội lỗi là một hành động nghịch lại với trí khôn. Nó đả thương bản tính con người và gây tổn hại cho tình đoàn kết nhân loại. (1872)
345.Nguồn gốc của tất cả mọi tội lỗi phát xuất từ lòng trí con người. Các loại tội và mức độ nặng nhẹ của tội chính yếu là ở đối tượng của tội. (1873)
346.Việc tự ý chọn, tức là việc vừa ý thức được lại vừa muốn chọn, một điều gì nghịch lại một cách trầm trọng với lề luật thần linh cũng như với cùng đích tối hậu của con người là phạm tội trọng. Tội trọng hủy đi nơi chúng ta đức mến cần thiết cho được hưởng hạnh phúc trường sinh. Nếu không thống hối, tội trọng sẽ mang con người đến sự chết đời đời. (1874)
347.Tội nhẹ là tội tạo nên tình trạng lệch lạc về luân lý, một tình trạng có thể được đức ái vẫn còn ở trong chúng ta đền bù. (1875)
348.Việc tái phạm tội, dù là tội nhẹ, sinh ra các tính mê nết xấu, gồm có cả các mối tội đầu. (1876)