MƯỜI ĐIỀU RĂN CHÚA
402.“Tôi phải làm việc lành nào để được sự sống trường sinh?” – “Nếu anh muốn được hưởng sự sống thì hãy giữ các giới răn?” (Phúc Âm Thánh Mathêu 19:16-17). (2075)
403.Bằng đời sống và việc giảng dạy của mình, Chúa Giêsu đã chứng thực hiệu năng vĩnh tại của Thập Giới. (2076)
404.Tặng ân Thập Giới Thiên Chúa ban có liên hệ nội tại với giao ước được Ngài đúc kết cho dân của Ngài. Các giới răn của Thiên Chúa mặc lấy ý nghĩa đích thực của mình trong giao ước này và nhờ giao ước này. (2077)
405.Trung thành với Thánh Kinh và bắt chước gương Chúa Giêsu, Truyền Thống Giáo Hội đã luôn luôn công nhận tầm mức quan trọng và ý nghĩa khai nguyên của bản Thập Giới. (2078)
406.Bản Thập Giới làm nên một kết cấu chặt chẽ, trong đó, mỗi “lời” hay mỗi “giới răn” đều có liên hệ với nhau. Vi phạm một giới răn là phạm đến toàn bộ Lề Luật (xem Thư Thánh Giacôbê 2:10-11). (2079)
407.Bản Thập Giới có nét đặc sắc của lề luật tự nhiên. Chúng ta biết được Bản Thập Giới này nhờ mạc khải thần linh cũng như nhờ trí khôn của chúng ta. (2080)
408.Theo nội dung nồng cốt của mình, Mười Điều Răn nói lên những điều buộc hệ trọng. Tuy nhiên, việc tuân giữ các giới luật này cũng bao gồm cả những điều buộc mà theo hình thức tự nó là nhẹ nữa. (2081)
409.Những gì Thiên Chúa truyền giữ thì Ngài ban ơn khả thủ. (2082)
“CÁC NGƯƠI PHẢI KÍNH MẾN THIÊN CHÚA…”
GIỚI RĂN THỨ NHẤT
410.“Các người phải kính mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình” (Sách Nhị Luật 6:5). (2133)
411.Giới răn thứ nhất mời gọi con người tin tưởng Thiên Chúa, cậy trông nơi Ngài và kính mến Ngài trên hết mọi sự. (2134)
412.“Các người phải thờ phượng Chúa là Thiên Chúa của các người” (Mt.4:10). Tôn thờ Thiên Chúa, cầu xin Ngài, dâng kính Ngài việc thờ phượng xứng với Ngài, giữ trọn các lời thề hứa và khấn hứa với Ngài, là các tác động của đức thờ phượng là các tác động thuộc về việc tuân giữ giới răn thứ nhất. (2135)
413.Phận sự dâng kính Thiên Chúa việc thờ phượng đích thực có liên quan đến con người với tư cách là một hữu thể cá biệt và là một hữu thể xã hội. (2136)
414.“Con người hôm nay muốn tự do tuyên xưng niềm tin của mình cách tư riêng cũng như công khai” (Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo, đoạn 15). (2137)
415.Mê tín dị đoan là việc sai quấy trong vấn đề thờ phượng mà chúng ta phải qui về cho Thiên Chúa chân thật. Mê tín dị đoan được biểu lộ nơi việc tôn thờ ngẫu tượng cũng như nơi các hình thức bói toán và tà thuật khác nhau. (2138)
416.Thử thách Thiên Chúa bằng lời nói hay việc làm, cùng việc phạm thánh và mại thánh, là những tội nghịch đức thờ phượng bị giới răn thứ nhất cấm đoán. (2139)
417.Vô thần là tội phạm đến giới răn thứ nhất, vì nó phủ nhận hay chối bỏ việc hiện hữu của Thiên Chúa. (2140)
418.Việc tôn kính các ảnh tượng thánh được căn cứ vào mầu nhiệm Lời Thiên Chúa Nhập Thể. Việc này không nghịch với giới răn thứ nhất. (2141)
GIỚI RĂN THỨ HAI
419.“Ôi Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, danh Ngài uy nghi cao cả biết bao trên khắp vũ trụ” (Thánh Vịnh 8:1)! (2160)
420.Giới răn thứ hai truyền phải kính trọng danh Chúa. Danh Chúa là danh thánh. (2161)
421.Giới răn thứ hai cấm hết mọi việc sử dụng danh Thiên Chúa một cách bất xứng. Lộng ngôn là việc sử dụng danh của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô, của Trinh Nữ Maria và của các thánh một cách phạm thượng. (2162)
422.Thề gian là việc lấy danh Thiên Chúa để làm chứng dối. Bội ước là một vi phạm nặng nề nghịch với Chúa, Đấng bao giờ cũng trung thành với các lời hứa của mình. (2163)
423.“Đừng lấy Thiên Chúa hay tạo vật nào mà thề nguyền, trừ khi cần thiết thực sự và thề với lòng trọng kính” (Thánh Ignatiô Loyôla, Linh Thao, 38). (2164)
424.Khi chịu Phép Rửa Tội, người Kitô hữu đã lãnh nhận tên gọi của mình ở trong Giáo Hội. Cha mẹ, người đỡ đầu và các vị mục tử phải lo cho họ có một tên gọi Kitô Giáo. Thánh quan thầy là vị làm gương sống đức ái và khiến họ vững tâm cầu nguyện. (2165)
425.Kitô hữu bắt đầu việc cầu nguyện và các hoạt động bằng Dấu Thánh Giá: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen” (2166)
426.Thiên Chúa gọi đích danh mỗi một người (xem Tiên Tri Isaia 43:1). (2167)
GIỚI RĂN THỨ BA
427.“Hãy giữ ngày hưu lễ, làm cho ngày này thánh hảo“ (Sách Nhị Luật 5:12). “Ngày thứ bảy là một ngày lễ hoàn toàn nghỉ ngơi, ngày thánh giành cho Thiên Chúa” (Sách Xuất Hành 31:15). (2189)
428.Ngày hưu lễ, ngày biểu hiệu cho việc hoàn tất cuộc tạo thành đầu tiên, đã được thay thế bằng Chúa Nhật là ngày gợi lại cuộc tân tạo mở màn từ cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. (2190)
429.Giáo Hội cử hành ngày Phục Sinh của Chúa Kitô vào “ngày thứ tám” là Chúa Nhật, ngày đáng gọi là Ngày của Chúa. (xem Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đoạn 106). (2191)
430.“Phải giữ Chúa Nhật như một ngày lễ buộc chính trong Giáo Hội” (Giáo Luật, khoản 1246.1). “Tín hữu phải tham dự Thánh Lễ vào các Chúa Nhật và các ngày lễ buộc” (Giáo Luật, khoản 1247). (2192)
431.“Vào các Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, tín hữu phải kiêng các việc lao động cũng như các bận bịu buôn bán làm ngăn trở việc thờ phượng đối với Thiên Chúa, với việc vui hưởng xứng đáng Ngày của Chúa, hay với việc nghỉ ngơi thích đáng cho cả tâm hồn lẫn thể xác” (Giáo Luật, khoản 1247). (2193)
432.Việc lập nên Chúa Nhật là để giúp cho tất cả mọi người “được đầy đủ nghỉ ngơi và khuây khỏa lo việc trau dồi đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 67.3). (2194)
433.Mọi người Kitô hữu phải tránh tạo nên cho nhau những đòi hỏi không cần thiết, làm ngăn trở họ trong việc giữ Ngày của Chúa. (2195)