“CÁC NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG THA NHÂN…” 

 

GIỚI RĂN THỨ BỐN

 

434.“Hãy tôn kính thân phụ và thân mẫu của các người” (Sách Nhị Luật 5:16; Phúc Âm Thánh Marcô 7:10). (2247)

 

435.Theo giới răn thứ bốn, Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ của chúng ta và những vị có thẩm quyền lo đến lợi ích của chúng ta. (2248)

 

436.Cộng đồng phu thê được thiết lập trên giao ước và ưng thuận của đôi hôn thệ. Hôn nhân và gia đình hướng đến lợi ích của đôi hôn thệ, đến việc truyền sinh và giáo dục con cái. (2249)

 

437.“Tình trạng an sinh của cá nhân cũng như của cả xã hội loài người và Kitô Giáo gắn liền với tình trạng lành mạnh của đời sống phu thê và gia đình” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 47.1). (2250)

 

438.Con cái phải kính trọng cha mẹ của mình, phải biết ơn, vâng lời cách chính đáng và giúp đỡ các vị. Việc con cái kính trọng cha mẹ mình làm duy trì hòa khí cho mọi sinh hoạt trong gia đình. (2251)

 

439.Trách nhiệm trước hết của cha mẹ là giáo dục con cái mình sống đức tin, cầu nguyện và thực hành tất cả mọi nhân đức. Các vị có phận sự phải cung cấp đầy đủ các nhu cầu về thể lý cũng như tâm linh cho con cái mình bao nhiêu có thể. (2252)

 

440.Cha mẹ phải tôn trọng và khuyến khích ơn gọi nơi con cái của mình. Họ phải nhớ và dạy cho chúng biết rằng ơn gọi căn bản của Kitô hữu là theo Chúa Giêsu. (2253)

 

441.Công quyền phải tôn trọng những quyền lợi căn bản của con người và những điều kiện trong việc hành sử tự do của con người. (2254)

 

442.Phận sự của người công dân là cộng tác với chính quyền để xây dựng xã hội trong tinh thần của sự thật, công lý, kết đoàn và tự do. (2255)

 

443.Theo lương tâm, người công dân không buộc phải theo các chỉ thị của chính quyền, khi những chỉ thị này nghịch lại với các đòi hỏi thuộc lãnh vực luân lý. “Chúng tôi phải vâng phục Thiên Chúa hơn vâng phục con người” (Tông Vụ 5:29). (2256)

444.Mọi phán quyết và việc làm của xã hội phải phản ánh nhãn quan về con người và về định mệnh của họ. Không được ánh sáng Phúc Âm soi dẫn về Thiên Chúa và về con người, các tổ chức xã hội sẽ dễ trở thành độc tài. (2257)

 

 

GIỚI RĂN THỨ NĂM

 

445.“Thiên Chúa giữ trong tay hồn sống của mọi sinh vật và hơi thở của mọi xác thể con người” (Sách Ông Gióp 12:10). (2318)

 

446.Sự sống con người linh thánh từ lúc thụ thai cho tới khi chết, bởi chính vì nhân vị của mình, con người đã được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa hằng sống và thánh hảo. (2319)

 

447.Kẻ giết hại một con người là trọng phạm đến phẩm vị của con người cùng sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa. (2320)

 

448.Việc cấm giết người không hủy bỏ quyền ban cho một kẻ vũ phu bất chính mất đi khả năng hãm hại. Việc tự vệ chính đáng là một phận sự nghiêm trọng của người có trách nhiệm đối với sự sống của người khác hay đối với công ích. (2321)

 

449.Đứa nhỏ có quyền sống ngay từ lúc được thụ thai. Việc trực tiếp phá thai, tức lấy việc phá thai như một mục tiêu hay như một phương tiện, là “một tội ác” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 27.3), trọng phạm đến luật luân lý. Giáo Hội ra vạ tuyệt thông cho thứ tội ác phạm đến sự sống con người này. (2322)

 

450.Vì phải được đối xử như là một con người ngay từ lúc được thụ thai mà bào thai cần phải được bảo vệ nguyên vẹn, phải được chăm sóc và phải được chữa trị lành mạnh như mọi người khác. (2323)

 

451.Bất cứ dưới hình thức nào hay bởi lý do gì đi nữa thì việc cố ý làm cho chết cách êm dịu cũng là việc sát nhân. Nó trọng phạm đến phẩm vị con người và đến lòng trọng kính phải có với Thiên Chúa hằng sống là Tạo Hóa của con người. (2324)

 

452.Việc tự sát trọng phạm đến đức công bằng, đến đức cậy trông và đến đức ái. Giới răn thứ năm cấm việc tự sát này. (2325)

 

453.Làm gương mù là một vi phạm nặng nề, ở chỗ chủ tâm làm cho người khác phạm tội khi mình làm hay bỏ không làm một điều gì đó. (2326)

 

454.Vì các sự dữ và bất công do mọi cuộc chiến tranh gây ra mà chúng ta phải làm mọi cách hợp pháp trong tầm tay của mình để ngăn ngừa nó. Giáo Hội nguyện cầu: “Ôi Chúa, xin giải cứu chúng con khỏi đói khát, ôn dịch và chiến tranh”. (2327)

 

455.Giáo Hội và trí khôn con người chủ trương tính cách vĩnh viễn hiệu lực của luật luân lý nơi các cuộc xung đột bằng võ lực. Các việc làm chủ ý ngược lại với luật lệ của dân gian và với các nguyên tắc phổ quát của luật lệ này đều là tội ác. (2328)

 

456.“Việc thi đua võ trang là một trong những bất hạnh lớn nhất đối với nhân loại, và tai họa nó gây ra cho thành phần nghèo khó lại càng không thể nào chấp nhận được” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 81.3). (2329)

 

457.“Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Phúc Âm Thánh Mathêu 5:9). (2330)

 

 

GIỚI RĂN THỨ SÁU

 

458.“Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người” (Tông Huấn Familiaris Consortio, đoạn 11). (2392)

 

459.Bằng việc dựng nên con người có nam có nữ, Thiên Chúa ban phẩm vị con người một cách bình đẳng cho cả nam lẫn nữ. Mỗi phái, nam nhân cũng như nữ giới, phải chân nhận và chấp nhận phái tính cá biệt của mình. (2393)

 

460.Chúa Kitô là gương mẫu khiết tịnh. Mọi người lãnh nhận phép rửa được kêu gọi sống đời khiết tịnh, mỗi người tùy theo bậc sống riêng của mình. (2394)

 

461.Khiết tịnh nghĩa là sự toàn vẹn về tính dục nơi con người. Nó đòi phải được luyện tập trong việc làm chủ bản thân mình. (2395)

 

462.Trong các trọng tội phạm đến đức khiết tịnh là tội thủ dâm, tội tà dâm, tội phổ biến khiêu dâm và các việc đồng tính luyến ái. (2396)

 

463.Giao ước do đôi hôn phối tự nguyện thề hứa với nhau đòi phải có một tình yêu thủy chung. Nó buộc họ phải sống đời hôn nhân bất khả phân ly. (2397)

 

464.Sinh sản là một việc lành, một tặng ân và là mục đích của hôn nhân. Bằng việc truyền sinh, hai vợ chồng tham dự vào vai trò làm cha của Thiên Chúa. (2398)

 

465.Việc điều hòa sinh sản nói lên một trong những khía cạnh của vai trò làm cha mẹ theo trách nhiệm. Những ý hướng chính đáng về phía vợ chồng không thể biện minh cho việc sử dụng các phương tiện theo luân lý không thể chấp nhận được (chẳng hạn như việc trực tiếp tuyệt sản hay ngừa thai). (2399)

 

466.Ngoại tình, ly dị, đa thê và hoang hôn là những vi phạm nặng nề đến phẩm giá hôn nhân. (2400)

 

 

GIỚI RĂN THỨ BẢY

 

467.“Các người không được trộm cắp” (Sách Xuất Hành 20:15; Sách Nhị Luật 5:19). “Không một kẻ trộm cắp, tham lam… cướp bóc nào sẽ được thừa hưởng vương quốc Thiên Chúa” (Thư Một gửi giáo đoàn Côrintô 6:10). (2450)

 

468.Giới răn thứ bảy truyền thực hành đức công bình và bác ái trong việc quản thủ các sản vật đời này cũng như những công qủa của con người. (2451)

 

469.Các sản vật thiên nhiên là để cho toàn thể nhân loại. Quyền tư hữu không hủy bỏ mục đích chung của các sản vật. (2452)

 

470.Giới răn thứ bảy cấm trộm cắp. Trộm cắp là việc chiếm lấy sản vật của nhau trái với ý muốn chính đáng của sở hữu chủ. (2453)

 

471.Mọi cách thức lấy hay dùng của cải người khác một cách bất chính đều phạm đến giới răn thứ bảy. Người lỗi đức công bằng buộc phải đền trả. Đức công bằng tương giao đòi phải hoàn lại các đồ vật bị lấy trộm. (2454)

 

472.Luật luân lý cấm các hành động, vì mục đích buôn bán hay độc tài, khiến con người bị làm nô lệ, hay bị mua, bán hoặc đổi chác như một món hàng. (2455)

 

473.Quyền Thiên Chúa ban cho con người thống trị trên các nguồn khoáng vật, thực vật và động vật trong vũ trụ này không tách biệt với trách nhiệm luân lý buộc họ phải tôn trọng chúng, kể cả trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau. (2456)

 

474.Loài thú được trao cho con người quản trị; họ phải tỏ ra nhân lành đối với chúng. Con người được phép dùng chúng để thỏa đáng nhu cầu của mình. (2457)

 

475.Giáo Hội lên tiếng phân giải những vần đề kinh tế và xã hội, khi các quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi của các linh hồn đòi hỏi. Giáo Hội quan tâm tới ích lợi chung về phương diện trần gian của con người, vì công ích này phải nhắm tới Sự Thiện tối thượng là cùng đích của chúng ta. (2458)

 

476.Con người là chính tác giả, là trọng tâm và là mục tiêu của toàn thể sinh hoạt kinh tế cũng như xã hội. Điểm cốt yếu của vấn đề xã hội là các sản vật được Thiên Chúa dựng nên cho mọi người phải thực sự đến tay mọi người, theo đức công bằng và với sự hỗ trợ của đức bác ái. (2459)

 

477.Giá trị nguyên khởi của lao công bắt nguồn từ chính con người là tác giả cũng là người hưởng lợi của việc mình làm ra. Nhờ lao công của mình, con người được tham phần vào công cuộc tạo dựng. Việc làm được liên kết với Chúa Kitô có một giá trị cứu chuộc. (2460)

 

478.Việc tiến bộ chính thực liên quan đến toàn diện con người. Nó liên quan đến việc làm cho con người tăng thêm khả năng đáp ứng ơn gọi của mình cũng là ơn gọi của Thiên Chúa (xem Thông Điệp Bách Niên, đoạn 29). (2461)

 

479.Việc làm phúc bố thí cho người nghèo là một chứng từ của đức bác ái huynh đệ: nó cũng là việc của đức công bằng làm cho Thiên Chúa hài lòng. (2462)

 

480.Trong muôn vàn con người không có bánh ăn, mái trọ hay nơi cư trú, chúng ta làm sao không thể nhận ra được Lazarô là người ăn xin nghèo khổ trong một bài dụ ngôn (xem Phúc Âm Thánh Luca 17:19-31)? Chúng ta làm sao lại không thể nghe thấy tiếng Chúa Giêsu nói: “Khi các người không làm điều ấy cho một trong những kẻ hèn mọn nhất này là các người không làm cho chính Ta” (Phúc Âm Thánh Mathêu 25:45)? (2463)

 

 

GIỚI RĂN THỨ TÁM

 

481.“Các người không được làm chứng dối hại đến tha nhân” (Sách Xuất Hành 20:16). Các người môn đệ của Chúa Kitô phải “mặc lấy con người mới được dựng nên giống Thiên Chúa trong công chính và thánh thiện chân thực” (Thư gửi giáo đoàn Êphêsô 4:24). (2504)

 

482.Chân thật hay thành thực là nhân đức tỏ ra mình là người thật thà trong việc làm và thành thực trong lời nói, cùng cẩn phòng tránh lánh các việc tráo trở, lừa đảo và giả hình. (2505)

 

483.Kitô hữu không được “hổ thẹn trong việc làm chứng cho Chúa” (Thư Hai gửi Timôthêu 1:8) bằng hành động và lời nói. Tử đạo là việc làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin. (2506)

484.Việc tôn trọng danh tiếng và danh dự của con người cấm tất cả mọi việc làm mất uy tín và vu khống bằng lời nói hay bằng thái độ. (2507)

 

485.Nói dối là nói sai sự thật với chủ ý đánh lừa con người có quyền biết sự thật. (2508)

 

486.Phạm đến sự thật là việc buộc phải đền bù. (2509)

 

487.Trong trường hợp cụ thể, qui tắc yêu nhau như bản thân mình giúp người ta biết có nên tiết lộ sự thật cho người nào muốn biết nó hay không. (2510)

 

488.“Ấn tòa giải tội bất khả tiết lộ” (Giáo Luật, khoản 983.1). Phải giữ kín các bí mật nhà nghề. Không được tiết lộ các điều riêng tư làm tổn hại đến nhau. (2511)

 

489.Xã hội có quyền thông tin theo sự thật, tự do và công bình. Người ta phải sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách điều độ và nghiêm chỉnh. (2512)

 

490.Ảnh tượng nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thánh, “tự bản chất của nó là để diễn đạt phần nào vẻ đẹp vô cùng của Thiên Chúa qua các việc do con người làm ra, cũng như để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa trọn vẹn hơn nữa, khi nó thiết tha nhắm đến việc hướng tâm trí con người lên cùng Thiên Chúa (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đoạn 122). (2513

 

 

GIỚI RĂN THỨ CHÍN

 

491.“Ai nhìn phụ nữ theo nhục dục thì đã phạm tội ngoại tình với phụ nữ ấy trong lòng mình rồi” (Phúc Âm Thánh Mathêu 5:28). (2528)

 

492.Giới răn thứ chín cảnh giác ước muốn xác thịt hay đam mê nhục dục. (2529)

493.Việc chống trả ước muốn nhục dục đòi phải thanh tẩy lòng trí và thực hành tiết độ. (2530)

 

494.Lòng trí thanh sạch mới làm chúng ta được thấy Thiên Chúa: tức nó giúp chúng ta ngay lúc này đây thấy được các sự vật hợp với Thiên Chúa. (2531)

 

495.Cầu nguyện, thực hành đức khiết tịnh, giữ ý hướng và nhãn quan trong sạch cần thiết cho việc thanh tẩy lòng trí. (2532)

 

496.Việc thanh sạch lòng trí đòi phải giữ nết na đức hạnh, tức là kiên trì, đoan trang và cẩn trọng. Giữ nết na đức hạnh là việc bảo trì nội tâm con người. (2533)

GIỚI RĂN THỨ MƯỜI

 

497.“Báu vật của các con ở đâu thì lòng trí của các con cũng ở đó” (Phúc Âm Thánh Mathêu 6:21). (2551)

 

498.Giới răn thứ mười cấm tham lam theo lòng đam mê muốn được giầu có và quyền lực bởi giầu có mà ra. (2552)

 

499.Ghen tị là buồn rầu khi thấy người khác có của và hết sức thèm khát muốn của họ là của mình. Ghen tị là một mối tội đầu. (2553)

 

500.Người đã lãnh nhận phép rửa tội chống trả lòng ghen tị bằng lòng nhân hậu, khiêm nhượng và phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. (2554)

 

501.Các tín hữu của Chúa Kitô “đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và ham muốn của nó vào thập giá” (Thư gửi giáo đoàn Galata 5:24); họ được Thần Linh dẫn dắt và chiều theo các ước muốn của Ngài. (2555)

 

502.Không dính bén với giầu sang phú qúi là việc cần thiết để được vào Nước Trời. “Phúc cho ai nghèo khó trong tinh thần”. (2556)

 

503.“Tôi muốn được thấy Thiên Chúa” là điều nói lên ước vọng thực sự của con người. Niềm khát khao Thiên Chúa được thỏa nguyện nhờ nước trường sinh (xem Phúc Âm Thánh Gioan 4:14). (2557)