“Cỏ Lùng Trong Ruộng”: “Nổi Lên Rất Đông”

 

 

Theo nhận định của văn kiện mang tựa đề “Các Giáo Phái hay Các Trào Lưu Tân Giáo” (Sects or New Religious Movements) do Văn Phòng Phát Động Hiệp Nhất Kitô Giáo của Tòa Thánh Rôma phổ biến ngày 3 tháng 5 năm 1986, một văn kiện được Văn Phòng Dịch Vụ Phát Hành và Phát Động của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phổ biến (Publication No. 100), thì:

 

Hầu hết mọi giáo hội địa phương đều thấy nổi lênphát triển nhanh chóng đủ mọi loại trào lưu, nhóm hội và hoạt động về tôn giáo hay ngụy giáo (pseudoreligious) mới. Hiện tượng mà hầu hết các hồi đáp viên (được tham khảo) cho đó là một vấn đề nghiêm trọng, còn một số khác lại cho là một vấn đề báo động (alarming matter); chỉ ở một số rất ít xứ sở dường như không có mà thôi” (chẳng hạn như ở các xứ sở toàn tòng Hồi Giáo) (1.2).

 

(những chỗ dịch được in đậm trong bài là do ý người viết để nhấn mạnh những ý điểm cần)

 

Trong Tông Huấn “Giáo Hội Tại Mỹ Châu” (Ecclesia in America) là văn kiện đúc kết cuộc Thượng Hội Giám Mục Mỹ Châu được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố ngày 22-1-1999 tại Mexico City, Trung Mỹ, chẳng những đề cập đến việc lan tràn của hiện tượng “cỏ lùng trong ruộng” mà còn cho thấy tính cách lấn át của “cỏ lùng” đối với “lúa” nữa:

 

“Hoạt động mộ giáo (proselytizing) của các giáo phái và các nhóm tân giáo ở nhiều phần đất Mỹ Châu là một trở ngại trầm trọng cho công cuộc truyền bá phúc âm. Chữ ‘mộ giáo’ (proselytism) có ý nghĩa tiêu cực khi nó nói lên đường lối chiếm đoạt tín đồ ngược lại với tự do của những ai nghe họ giảng đạo...” (5)

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 27-1-1999)

 

Trong bản Instrumentum Laboris là văn kiện đúc kết để làm tài liệu chính thức cho cuộc Thượng Hội Giám Mục Úc Châu trong việc bàn định và giải quyết các vấn đề tại địa lục của mình, cũng công nhận tính cách tràn lan và lấn át này của hiện tượng “cỏ lùng trong ruộng” rất khó phân biệt và đối phó này:

 

Việc phát triển các trào lưu tân giáo ngoài Giáo Hội, cả ở các đảo cũng như ở Papua New Guinea, là một hiện tượng trở thành một trong những thách đố cả thể đối với các Giáo Hội địa phương ở Úc Châu ngày nay. Các bản trả lời cho thấy mối quan tâm của các vị Giám Mục về việc các trào lưu tân giáo ngoài Giáo Hội này đang phân rẽ các cộng đồng và đang dẫn người ta xa lìa Giáo Hội... Vẫn còn phải tốn nhiều công phu mới biết được các tôn giáo này cũng như mới tìm ra được chữ nghĩa xứng hợp để mô tả chúng một cách xác đáng. Người Công Giáo thường không phân biệt chắc chắn giữa nhóm này với nhóm khác...” (30)

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 2-9-1998)