“Cỏ Lùng Trong Ruộng”: Các Kitô ngụy tạo
Trong các giáo phái (sects) từ trước đến nay, điển hình nhất, ghê gớm nhất, trắng trợn nhất và kinh hoàng nhất, phải kể đến Đạo Satan (Satanism). Ông tổ của đạo này là Aleister Crowley (1875-1947) người Anh quốc, kẻ xưng mình là một “con mãnh thú” trong Sách Khải Huyền, với chủ trương “tất cả lề luật là ở tại làm điều mình muốn”, và đệ nhất tông đồ của đạo này là Anton LaVey bên Hoa Kỳ, nhân vật đã thành lập “giáo hội Satan” và viết cuốn “kinh thánh Satan” với những tuyên ngôn như: “Satan tiêu biểu cho thỏa mãn chứ không phải cho cầm hãm (1); Satan tiêu biểu cho hiện sinh chứ không phải cho mơ mộng siêu linh hão huyền (2); Satan tiêu biểu cho báo oán hận thù chứ không phải cho việc chìa cả má kia (5); Satan tiêu biểu cho tất cả những gì là tội lỗi làm thỏa mãn về thể chất, tâm thần hay cảm xúc (8)”, và chủ trương: “Tiếp tục cuộc phản loạn ma quái chống lại Thiên Chúa và bất cứ những gì là thần linh (1); Trong tất cả những gì Satan đã chọn lựa để loại trừ thì trên hết phải loại trừ mọi ảnh hưởng của Thiên Chúa hiện diện nơi bất cứ một nơi chốn hay một khía cạnh nào (4)”.
Và trong các trào lưu tân giáo (new religious movements) từ trước đến nay, khó thấy nhất, nguy hiểm nhất và ảnh hưởng nhất phải kể đến Phong Trào Thời Mới (New Age Movement), một phong trào tràn lan từ thập niên 1960 cùng thời với Công Đồng Vaticanô II, một phong trào tân giáo có thể nói đã được phát động bởi Alice Anne Bailey (1880-1949), một chuyên viên thần tri (theosophist) và mật tri (occultist). New Age Movement là một thứ rượu mới (Tây phương) được đựng trong bình cũ (Đông phương), ở chỗ, phong trào này có khuynh hướng triết lý theo khoa tâm lý nhân bản hiện đại lại hoàn toàn hòa hợp với niềm tin của Aán Giáo và Phật Giáo cổ kính. New Age Movement chủ trương đồng nhất tính (monism): tất cả mọi sự hiện hữu kể cả Thiên Chúa đều là một và như nhau; phiếm thần (pantheism): vì tất cả mọi sự hiện hữu đều là một và như nhau nên mọi sự hiện hữu đều là thần linh, đều là Thiên Chúa, đều có thần tính, nên không cái này hơn kém cái kia; đồng điệu tính (syncretism): đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, nên theo đạo nào cũng được rỗi, đường nào cũng dẫn đến Rôma; ngộ thức (gnosticism): con người được giải thoát và biến đổi là nhờ ở kiến thức giác ngộ của mình, một kiến thức chỉ dành cho một số ít người.
Tuy nhiên, giáo phái nào thì giáo phái, trào lưu tân giáo nào thì trào lưu, dù họ có làm được phép lạ, như Chúa Giêsu báo trước trong Phúc Âm Thánh Mathêu, đoạn 24 câu 24: “Các ngụy kitô và tiên tri giả sẽ xuất hiện, làm nhiều dấu lạ và sự lạ cả thể đến nỗi lừa được cả thành phần được chọn”, thì cũng theo lời Chúa Giêsu kêu gọi: “đừng tin” (Mt.24:26). Thế nhưng, làm thế nào để có thể “coi chừng, đừng để ai lừa được” (Mt.24:4) như lời Chúa Giêsu cảnh giác, nếu không phân biệt được đâu là thật đâu là giả, tức làm sao để có thể điểm mặt “các ngụy kitô”, làm sao nhận ra chân tướng của “các tiên tri giả”. Trong cuốn “Thời Điểm Maria: Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ” (Cao-Bùi, 1998, trang 118-119), người viết đã chia sẻ như sau:
Nếu “tinh thần nào công nhận Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt là tinh thần thuộc về Thiên Chúa, còn tinh thần nào không nhận biết Người (đến trong xác thịt) là tinh thần không thuộc về Thiên Chúa. Tinh thần như thế là tinh thần phản kitô” (1Jn.4:1-2), thì thực tế cho thấy, và càng ngày càng cho thấy, “tinh thần phản kitô” ở chỗ không chấp nhận “Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt” được tỏ hiện rõ ràng qua bốn dấu hiệu sau đây:
Dấu hiệu thứ nhất của “tinh thần phản kitô” là việc không tin tưởng, khinh thường hay xúc phạm đến “Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt” đang hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể, bằng chính Mình Thánh và Máu Thánh của Người.
Dấu hiệu thứ hai của “tinh thần phản kitô” là việc không tin tưởng, bất tuân phục hay chống đối “Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt” nơi quyền bính Giáo Hoàng, một con người bằng xương bắng thịt kế vị Thánh Phêrô, để đại diện Chúa Kitô chăn dắt đoàn chiên của Người trên thế gian.
Dấu hiệu thứ ba của “tinh thần phản kitô” là việc không tin tưởng, khinh thường và bất kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội Trọn Đời Trinh Nguyên, người nữ đã thụ thai và hạ sinh “Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt”.
Dấu hiệu thứ bốn của “tinh thần phản kitô” là việc khinh bỉ (như kỳ thị), giầy đạp (như ly dị) hay hủy hoại (như phá thai) tất cả những gì thấp hèn (như nghèo khổ), yếu kém (như thai nhi) hay bất hạnh (như tật nguyền) là thân phận sống đã được “Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt” mặc lấy (x.Phil.2:7-8; 2Cor.8:9) để có thể đồng hóa mình với “các người anh em bé mọn nhất của (Người)” (Mt.25:40,45) và cũng để nhờ đó “cứu lấy những gì trầm hư” (Lk.19:10).
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, dù có đủ các dấu hiệu thứ nhất, thứ ba hay thứ bốn trên đây, nếu thiếu dấu hiệu cốt yếu thứ hai là lòng tuân phục Huấn Quyền và sùng kính Đức Thánh Cha thì cũng “hãy coi chừng, đừng để mình bị lừa đảo” (Mt.24:4).
Trước hết, đối với dấu hiệu thứ nhất, không thể nào một người tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể mà lại không hiệp nhất với Giáo Hội, mà lại công khai chỉ trích hay đả phá Giáo Quyền và Đức Thánh Cha, như Lá Thư Hoa Kỳ số 14 (20-8-1992) và 23 (1-6-1993) của một giáo dân Việt Nam ở San Dimas Nam California, hay như Tiếng Loa Cảnh Báo 1 (11/98) và 2 (12/98) của một giáo dân Việt Nam khác ở San Jose Bắc California, cả hai phổ biến đều có nội dung hay những mục chống lại Thánh Lễ canh tân theo Công Đồng Chung Vaticanô II.
Thứ đến, đối với dấu hiệu thứ ba, không thể nào tôn sùng Mẹ Maria mà lại mất lòng tin tưởng Huấn Quyền và Vị Đại Diện Con Mẹ, như trường hợp chính người viết đã gặp trong một lần được mời đến tham dự buổi đọc kinh ngày Chúa Nhật với một nhóm hơn 10 người, tại nhà một người giáo dân ở giáo phận Orange Nam California. Sau cả tiếng đồng hồ mới đọc xong một chuỗi 50 Kinh Mân Côi rất sốt sắng, với những bài hát xen kẽ, kèm theo cử chỉ giang tay và phục mình xuống đất, thì có một bà già (chứ không phải trẻ), trong lúc chia sẻ sống đạo đã phát biểu thế này: “Giáo Hội nói gì thì nói cũng tùy cái mà tin”.
Sau nữa, đối với dấu hiệu thứ bốn, không thể nào bênh vực luật tự nhiên, bênh vực sự sống con người mà lại chống đối Huấn Quyền và Đức Giáo Hoàng về cùng một vấn đề, như trường hợp của tờ A Voice Crying in the Wilderness số 1 (mà người viết nhận được biếu không vào giữa năm 1998), phát xuất từ Most Holy Family Monastery ở New York miền Đông Bắc Hoa Kỳ, cho rằng Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, cũng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, đã gây ra việc ngừa thai qúa mức, vì cả Công Đồng lẫn Đức Thánh Cha đã cổ động việc ngừa thai nhân tạo: “Vatican II and John Paul II have promoted NFP (Natural Family Planning)”
Sau hết, đối với dấu hiệu thứ hai, không thể nào tỏ ra bênh vực Giáo Hội mà lại quay ra đả pháchính Giáo Hội cũng như Đấng Đại Diện Chúa Kitô chăn dắt Giáo Hội Chúa trên trần gian, bằng những công khai tuyên bố “Giáo Hoàng Mất Đức Tin”, trong đó có “Giáo Hoàng Phaolô VI” và “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, như cuốn Trước Cơn Giông Tố (1995) của chính người giáo dân Công Giáo Việt Nam phổ biến tờ nguyệt san Tiếng Loa Cảnh Báo trên đây, hay như bản kết án “101 lạc thuyết của Giáo Hoàng Giả Gioan Phaolô II”, cũng của vị tu sĩ tác giả chủ trương tờ A Voice Crying in the Wilderness trên đây.