Tập Một
Tông Huấn
CATECHESI TRADENDAE
Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Về Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng TaBan hành ngày 16-10-1979
(Chuyển dịch từ bản Anh ngữ của St. Paul Edition, bản Anh ngữ lấy từ Tuần san L’Osservatore Romano)
Dẫn Nhập Mở Đầu
LỆNH TRUYỀN CUỐI CÙNG CỦA CHÚA KITÔ
1- Giáo Hội vẫn luôn luôn coi vấn đề giáo lý là một trong những công việc hàng đầu của mình, bởi vì, trước khi Chúa Kitô về cùng Cha của mình sau cuộc phục sinh, Người đã truyền cho các tông đồ một mệnh lệnh cuối cùng – đó là việc tuyển mộ các môn đồ nơi tất cả mọi dân nước và dạy họ tuân giữ mọi điều Người đã ban bố (xem Mathêu 28:19-20). Vậy Người đã ủy thác cho các vị sứ mệnh và quyền loan báo cho nhân loại điều các vị đã nghe, điều các vị đã tận mắt thấy, điều các vị đã trông xem và là điều tay các vị đã chạm tới, liên quan đến Lời Sự Sống (xem 1Gioan 1:1). Người cũng ủy thác cho các vị sứ mạng và thẩm quyền giải thích những gì Người đã truyền dạy cho các vị, lời nói và việc làm của Người, dấu lạ và mệnh lệnh của Người. Người cũng ban cho các vị Thần Linh để các vị hoàn thành sứ mạng của các vị.
Tiếng giáo lý đã được đặt ra rất sớm để nói lên toàn thể nỗ lực của Giáo Hội trong việc tuyển mộ các môn đồ, giúp dân chúng tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, để nhờ tin tưởng mà họ được sống bởi danh Người (xem Gioan 20:31), và dạy dỗ cùng hướng dẫn họ theo sự sống này, hầu có thể xây dựng Thân Thể Chúa Kitô. Giáo Hội đã không ngừng dồn nỗ lực của mình vào công việc ấy.
MỐI QUAN TÂM CỦA ĐỨC PHAOLÔ VI
2- Các vị Giáo Hoàng gần đây nhất đã dành cho vấn đề giáo lý một vị thế quan trọng trong mối quan tâm mục vụ của các ngài. Qua hành vi cử chỉ, qua việc giảng dạy, việc dẫn giải thẩm quyền Công Đồng Chung Vaticanô II (mà ngài coi là một vấn đề giáo lý cả thể của thời đại tân tiến này), cũng như qua cả đời sống của mình, Đức Phaolô VI, vị tiền nhiệm của Tôi, đã hoạt động đáng đặc biệt noi gương cho vấn đề giáo lý. Vào ngày 18 tháng 3 năm 1971, ngài đã chuẩn nhận Bản Tổng Dẫn Giáo Lý của Thánh Bộ Đặc Trách Giáo Sĩ, một bản hướng dẫn vẫn còn là một văn kiện nền tảng cho việc khích lệ và chỉ nam để canh tân vấn đề giáo lý của Giáo Hội khắp nơi. (xin xem bản dịch Bản Tổng Dẫn Giáo Lý này ở Tập Hai của cùng Cấp 10 trong toàn Bộ Giáo Lý Các Cấp đây). Ngài đã lập Hội Đồng Quốc Tế Cho Vấn đề Giáo Lý năm 1975. Ngài đã xác định một cách chủ yếu vai trò và tầm quan trọng của vấn đề giáo lý trong đời sống cũng như trong sứ mạng của Giáo Hội, khi ngỏ lời cùng các tham dự viên trong Hội Nghị Giáo Lý Quốc Tế ngày 25 tháng 9 năm 1971 (xem AAA 63 năm 1971, trang 758-764), và Ngài đã dứt khoát trở lại với chủ đề này trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ngài (xem các đoạn 44 cũng như 45-48 và 54 trong AAS 68 năm 1976, trang 34-35, 35-38 và 43). Ngài đã chọn vấn đề giáo lý, nhất là đối với trẻ em và giới trẻ, làm đề tài cho cuộc họp thường lệ lần thứ bốn của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới được diễn tiến trong tháng 10 năm 1977 mà chính Tôi cũng là một tham dự viên.
THÀNH QUẢ THƯỢNG HỘI GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN BỐN
3- Vào cuối cuộc họp này, các nghị phụ đã trình lên Đức Giáo Hoàng một văn kiện rất phong phú, bao gồm các chia sẻ khác nhau của mỗi nghị phụ, đúc kết của các nhóm, sứ điệp các vị được ngài đồng ý gửi cho Dân Chúa, nhất là một danh sách dài “những đệ đạt” nói lên quan điểm của các vị về một số lớn những phương diện của vấn đề giáo lý ngày nay.
Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn đã làm việc trong một bầu không khí cảm tạ và hy vọng khác thường. Cuộc Thượng Hội này đã thấy được nơi việc canh tân vấn đề giáo lý tặng ân qúi hóa do Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội của ngày hôm nay, một tặng ân được các cộng đồng Kitô hữu thuộc mọi tầng lớp trên khắp thế giới tận tình quảng đại và hứng khởi đáp ứng một cách đáng khen. Bởi thế cần phải nhận thức thực tại rất sống động này, một nhận thức có lợi khi thấy được việc Dân Chúa mở lòng ra trước ơn của Ngài, cũng như việc họ hưởng ứng những chỉ dẫn của huấn quyền giáo hội.
MỤC ĐÍCH CỦA BỨC TÔNG HUẤN NÀY
4- Chính trong cùng một bầu khí tin tưởng và hy vọng như thế, Qúi Huynh kính mến và qúi con cái nam nữ thân mến, hôm nay đây Tôi muốn gửi đến các người bức tông huấn này. Vì chủ đề về vấn đề giáo lý rất rộng lớn, mà bức tông huấn nói lên thành qủa tốt đẹp của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn đây chỉ chú ý tới những phương diện chủ yếu và quan trọng nhất mà thôi. Thật ra, bức tông huấn này chỉ tiếp tục những tư tưởng đã được Đức Phaolô VI dọn viết, căn cứ rất nhiều vào các văn từ của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới. Đức Gioan Phaolô I, vị có một lòng nhiệt thành và nhiều ơn của một chuyên viên giáo lý làm chúng ta cảm phục, cũng đã tiếp tục công việc này và đang sửa soạn phổ biến thì Chúa gọi ngài về. Ngài đã để lại cho tất cả chúng ta một mẫu gương giáo lý vừa phổ thông vừa chính yếu, một mẫu gương tỏ ra những lời nói và tác động làm cảm kích tâm can. Bởi thế, ở đây Tôi tiếp tục di sản của hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm trong việc đáp lại lời yêu cầu của các vị Giám Mục đã chính thức ngỏ ý xin vào cuối Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới lần bốn cũng là một lời yêu cầu được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đón nhận trong bài nói kết thúc cuộc Thượng Hội của ngài (xem AAS 69 năm 1977, trang 633). Tôi cũng nhận làm việc này để hoàn trọn một trong những nhiệm vụ chính nơi vai trò giảng dạy của Tôi. Giáo lý luôn luôn là một mối quan tâm chính yếu trong tác vụ linh mục cũng như Giám Mục của Tôi.
Tôi thiết tha ước mong rằng bức tông huấn này phải mang lại cho toàn thể Giáo Hội một sức tăng cường trong việc liên kết đức tin và đời sống Kitô hữu, một nghị lực mới cho các sáng kiến hiện có, một khích lệ sáng tạo trong khôn ngoan, và một trợ giúp trong việc làm lan tràn nơi các cộng đồng niềm vui loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô cho thế giới.