Bài Giáo Lý số 11 
MẦU NHIỆM ĐỜI SỐNG TRẦN GIAN CHÚA GIÊSU KITÔ
 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

T

rong dân gian vốn có câu “thánh nhân dị chúng nhân”. Tức là, về phương diện nhân đức, đã là một vị thánh phải là một nhân vật sống khác với tất cả quần chúng, trong cách tâm tưởng, ăn nói, tác hành và phản ứng; tuy nhiên, về phương diện biến cố, một vị thánh cũng sống những hoàn cảnh như mọi người, tức cũng ăn uống, ngủ nghỉ, vui đùa, học biết, giao tiếp v.v. và cũng có những tâm tình giống hệt mọi người, tức cũng buồn vui, sướng khổ, yêu thương, giận dữ, lo âu v.v. Thế nhưng, chính trong những cái tầm thường và tự nhiên ấy mới thấy được ai là thánh nhân quân tử, ai là tiểu nhân ti tiện, và mới cho thấy cái phi thường hay phi phàm nơi thành phần “thánh nhân dị chúng nhân”. “Thời thế tạo anh hùng” chính là họ, thành phần mà, rất hiếm hoi trong loài người, còn có thể đóng cả vai trò “anh hùng tạo thời thế” nữa. 

 

Nói đến vai trò “anh hùng tạo thời thế” người ta thường nghĩ đến những bậc vĩ nhân trên thế giới, những vị cứu tinh nhân loại, như các nhà cách mạng xã hội có khả năng và công nghiệp trong việc thay đổi tệ đoan xã hội, nhờ đó mang lại thiện ích chân thực như lòng con người mong ước, hay như các vị giáo tổ của các đạo giáo lớn trên thế giới đã góp phần vào việc tìm kiếm và chỉ dẫn cho con người những chính lộ dẫn đến an hòa (Khổng giáo), thanh tĩnh (Lão giáo) hay siêu thoát (Phật giáo) v.v. Nếu Đức Giêsu Kitô, vị giáo tổ của Kitô giáo, theo niềm tin của Kitô hữu, là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (x. 1Tim 2:5; Acts 4:12), thì đời sống trần gian của Người phải là một đời sống “tạo thời thế” hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Thế nhưng:

 

1-      Nếu Chúa Kitô “thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống như chúng ta trong tất cả mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (SGL số 470) thì phải chăng đời sống trần gian của Người cũng chỉ là một đời sống bình thường như nhân loại chúng ta?

2-      Nếu “mọi sự nơi nhân tính của Chúa Kitô… đều phải được qui về ngôi vị thần linh của Người là chủ thể xứng hợp của nhân tính ấy” (SGL số 468) thì tại sao Phúc Âm không trình thuật lại đầy đủ đời sống ấu thơ và ẩn dật của Chúa Kitô?

3-      Đời sống công khai và hoạt động của Chúa Kitô một khi được các Phúc Âm trình thuật, chắc chắn phải có một tầm mức quan trọng, nhưng tầm mức quan trọng này tới  đâu và như thế nào trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa?

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

 

1-      NẾU CHÚA KITÔ “THỰC SỰ TRỞ NÊN MỘT NGƯỜI TRONG CHÚNG TA, GIỐNG NHƯ CHÚNG TA TRONG TẤT CẢ MỌI SỰ NGOẠI TRỪ TỘI LỖI” (SGL số 470) THÌ PHẢI CHĂNG ĐỜI SỐNG TRẦN GIAN CỦA NGƯỜI CŨNG CHỈ LÀ MỘT ĐỜI SỐNG BÌNH THƯỜNG NHƯ NHÂN LOẠI CHÚNG TA?

 

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo công nhận là đời sống trần gian của Chúa Kitô, nhất là thời gian ở Nazarét, kể cả thời gian hoạt động công khai, cũng không được ghi chép lại đầy đủ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phần đời sống trần gian không được nhắc tới hay nhấn mạnh đó hoàn toàn vô nghĩa và chẳng có giá trị gì, trái lại:

 

·        “… Từ những chiếc tã vào đời cho tới dấm chua Khổ Nạn và khăn liệm Phục Sinh của Người, hết mọi sự nơi đời sống của Chúa Giêsu đều là dấu hiệu nói lên mầu nhiệm của Người (x Lk 2:7; Mt 27:48; Jn 20:7). Những việc làm, phép lạ và lời nói của Người, tất cả đều tỏ ra cho thấy rằng ‘toàn thể trọn vẹn thần tính ngự trị một cách thể lý ở nơi Người’ (Col 2:9). Nhân tính của Người như là ‘một bí tích’, tức như là một dấu hiệu và là một dụng cụ, của thần tính Người cũng như của ơn cứu độ Người mang đến, ở chỗ, những gì hữu hình nơi đời sống trần gian của Người đều dẫn đến mầu nhiệm vô hình của vai trò thiên tử và sứ vụ cứu chuộc của Người”. (số 515)

 

Bởi thế, những phần đời không được nhắc đến hay nhấn mạnh đó vẫn có thể hiểu được theo chiều hướng những biến cố chính yếu của Người, vẫn có những đặc tính chung liên quan đến mầu nhiệm của Người, và vì thế vẫn có liên hệ sâu xa với cuộc sống của loài người chúng ta.

 

Trước hết, đời sống của Chúa Kitô, nhất là những phần đời không được Phúc Âm nhắc đến, có thể hiểu được theo chiều hướng của các biến cố chính yếu:

 

·        Đối với đời sống của Chúa Kitô, Kinh Tin Kính chỉ nói tới các mầu nhiệm Nhập Thể (đầu thai và giáng sinh) và mầu nhiệm Vượt Qua (khổ nạn, thập giá, tử nạn, táng xác, âm phủ, phục sinh và thăng thiên). Tin Tin Kính không nói một cách tỏ tường đến những mầu nhiệm của đời sống ẩn dật hay công khai của Người cả, thế nhưng, các điều đức tin liên quan tới mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Người đã soi sáng cho cả đời sống trần gian của Người.Tất cả những gì Chúa Giêsu làm và dạy, từ đầu cho tới ngày Người được đem về trời’ (Acts 1:1-2) cần phải được thấy trong ánh sáng của các mầu nhiệm Giáng Sinh và Phục Sinh. (số 512)

 

·        nhiều sự về Chúa Giêsu khêu gợi óc tò mò của con người không được ghi chép lại trong Phúc Âm. Cuộc sống ẩn dật tại Nazarét hầu như không được đề cập tới, thậm chí một phần lớn cuộc sống công khai của Người cũng không được kể lại (x. Jn 20:30). Những gì được các Phúc Âm ghi chép lại và trình bày ‘để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin tưởng mà anh em có sự sống bởi danh Người’ (Jn 20:31)”. (số 514)

 

Sau nữa, đời sống của Chúa Kitô, một cách phổ quát, vẫn có những đặc tính chung liên quan đến các mầu nhiệm của Người:

 

·        Toàn thể đời sống trần gian của Chúa Kitô – lời Người nói, việc Người làm, Người thinh lặng và Người khổ đau, cung cách Người sống động và nói năng thực sự – là Mạc Khải của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói được rằng: ‘Ai thấy Thày là thấy Cha’, và Chúa Cha cũng nói được rằng: ‘Đây là Người Con của Ta, Người mà Ta đã Tuyển Chọn; hãy lắng nghe lời Người!’ (Jn 14:9; Lk 9:35; x. Mt 17:5; Mk 9:7). Vì Chúa của chúng ta làm người để làm theo ý muốn của Chúa Cha, nên ngay cả những đặc tính bé nhỏ nhất của các mầu nhiệm Người cũng cho thấy ‘tình yêu của Thiên Chúa… ở nơi chúng ta’ (1Jn 4:9)”. (số 516)

 

·        Toàn thể đời sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm cứu chuộc. Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta trước hết từ máu thập giá của Người (x. Eph 1:7; Col 1:13-14; 1Pt 1:18-19), song mầu nhiệm cứu chuộc này hoạt động khắp đời sống của Chúa Kitô: nơi việc Nhập Thể, nhờ trở nên nghèo nàn Người làm cho chúng ta nên giầu có bằng đức thanh bần của Người (x. 2Cor 8:9); nơi cuộc sống ẩn dật, việc Người phục tùng đã đền thay cho những bất phục tùng của chúng ta (x Lk 2:51); bằng lời nói, Người thanh tẩy thính giả của mình (x Jn 15:3); bằng việc chữa lành và trừ quỉ, Người ‘mang lấy những yếu hèn và gánh chịu những bệnh nạn của chúng ta’ (Mt 8:17; x. Is 53:4); và bằng việc Phục Sinh của mình, Người đã làm cho chúng ta được nên công chính (x Rm 4:25)”. (số 517)

 

·        Toàn thể đời sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm tái tạo. Tất cả những gì Chúa Giêsu thực hiện, nói năng và chịu đựng là nhắm đến mục đích để phục hồi con người sa đọa trở lại với ơn gọi nguyên thủy của họ: Nhập thể và làm người, Người đã tái tạo nơi bản thân mình cả một lịch sử dài của loài người, và mang chúng ta đến với ơn cứu độ bằng một ngõ tắt, để những gì chúng ta đã bị mất đi nơi Adong, tức là đã bị mất đi cái hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, chúng ta có thể lấy lại nơi Chúa Giêsu Kitô (Thánh Irênêô, Adv. haeres. 3, 18, 1: PG 7/1, 932). Vì lý do này, Chúa Kitô đã phải trải qua tất cả các đoạn đời của cuộc sống, nhờ đó Người làm cho tất cả mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (Thánh Irênêô, Adv. haeres. 3, 18, 7: PG 7/1, 937; x. 2, 22, 4)”. (số 518)

 

Sau hết, đời sống của Chúa Kitô vì có những đặc tính chung liên quan đến các mầu nhiệm của Người nên cũng có liên hệ sâu xa với cuộc sống của con người:

 

·        Tất cả những sự phong phú của Chúa Kitô ‘là để cho hết mọi người và là tài sản của mọi người’ (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Đấng Cứu Tinh Nhân Trần, đoạn 11). Chúa Kitô không sống đời sống của Người cho chính bản thân Người mà là cho chúng ta, từ việc Người Nhập Thể ‘vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta’, cho đến việc Người tử nạn ‘vì tội lỗi của chúng ta’ và Phục Sinh ‘cho chúng ta được nên công chính’ (1Cor 15:3; Rm 4:25). Người vẫn còn là ‘Vị bầu cửù cho chúng ta nơi Chúa Cha’, Đấng ‘luôn luôn sống là để chuyển cầu’ cho chúng ta (1Jn 2:1; Heb 7:25). Người vẫn mãi mãi ‘hiện diện nơi Thiên Chúa thay cho chúng ta, khi dâng lên cho Ngài tất cả những gì Người đã sống và chịu đựng vì chúng ta’ (Heb 9:24)”. (số 519)

 

·        Bằng cả đời sống của Người, Chúa Giêsu lấy mình làm mô phạm cho chúng ta. Người là ‘một con người thiện hảo’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 38; x. Rm 15:5; Phil 2:5), Đấng mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và theo bước chân Người. Trong việc tự hạ mình xuống, Người đã hiến cho chúng ta một mẫu gương để bắt chước, nhờ việc nguyện cầu, Người đưa chúng ta đến với việc cầu nguyện, và bằng đức nghèo khó của mình, Người kêu gọi chúng ta hãy tự do chấp nhận cảnh thiếu thốn và những bắt bớ có thể xẩy ra trong cuộc đời của chúng ta (x Jn 13:15; Lk 11:1; Mt 5:11-12)”. (số 520)

 

·        Chúa Kitô làm cho chúng ta sống trong Người tất cả những gì chính Người đã sống, và Người cũng sống những điều ấy trong chúng ta. ‘Nhờ việc Nhập Thể của mình, Người, Con Thiên Chúa, một cách nào đó đã hiệp nhất bản thân mình với mỗi một người’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 22.2). Chúng ta được kêu gọi chỉ là để được nên một với Người, vì Người làm cho chúng ta nên các phần thể của Thân Thể Người, để chúng ta được thông phần với những gì Người đã sống vì chúng ta, trong xác thịt của Người như một mô phạm cho chúng ta…”. (số 521)

 

 

2-      NẾU “MỌI SỰ NƠI NHÂN TÍNH CỦA CHÚA KITÔ… ĐỀU PHẢI ĐƯỢC QUI VỀ NGÔI VỊ THẦN LINH CỦA NGƯỜI LÀ CHỦ THỂ XỨNG HỢP CỦA NHÂN TÍNH ẤY” (SGL số 468) THÌ TẠI SAO PHÚC ÂM KHÔNG TRÌNH THUẬT LẠI ĐẦY ĐỦ ĐỜI SỐNG ẤU THƠ VÀ ẨN DẬT CỦA CHÚA KITÔ?

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, cho dù Phúc Âm không trình thuật lại đầy đủ đời sống thơ ấu và ẩn dật của Chúa Kitô, nhưng phần đời không được nhấn mạnh này cũng đã được phản ánh nơi các biến cố chính yếu của đời sống Người (xem SGL số 512), và có những đặc tính chung liên quan đến các mầu nhiệm đời sống của Người (xem GSL số 516-518), do đó cũng có liên hệ mật thiết cả với đời sống loài người chúng ta (xem SGL số 519-521). Chẳng hạn như những biến cố được kể đến sau đây:

 

·        Việc Chúa Giêsu chịu phép cắt bì… là dấu chứng tỏ mối liên hệ giữa Người với giòng dõi Abraham cũng như với dân giao ước. Việc này là dấu chứng tỏ Người phục tùng lề luật (x Gal 4:4) và được hưởng quyền phượng tự với dân Yến Duyên là những gì Người sẽ dự phần suốt cuộc sống của Người. Dấu chỉ nơi ‘việc cắt bì của Chúa Kitô’ này là tiền thân của Phép Rửa Tội (x. Col 2:11-13)”. (số 527)

 

·        Biến cố Hiển Linh là việc Chúa Giêsu tỏ mình ra như là một Đấng Thiên Sai của dân Yến Duyên, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Tinh của thế giớiViệc các nhà đạo sĩ đến Gialiêm để tôn kính vua dân Do Thái chứng tỏ là họ, theo ánh sáng thiên sai của ngôi sao thuộc giòng tộc Đavít, muốn tìm kiếm nơi dân Yến Duyên một Đấng sẽ làm vua cai trị các dân tộc (x Mt 2:2; Num 24:17-19; Rev 22:16). Việc họ đến với Chúa Giêsu ngụ ý là dân ngoại có thể nhận ra Chúa Giêsu và tôn thờ Người như là Con Thiên Chúa và như là Đấng Cứu Tinh của thế giới, ở chỗ họ chỉ việc hướng về dân Do Thái và lãnh nhận từ nơi dân tộc này lời hứa thiên sai được chất chứa ở trong Cựu Ước (x Jn 4:22; Mt 2:4-6)…”. (số 528)

 

·        Việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ nói lên cho thấy Người là Con Trai đầu lòng, thành phần thuộc về Chúa (x Lk 2:22-39; Ex 13:2, 12-13)”. (số 529)

 

·        Việc trốn sang Ai Cập và việc tàn sát các con trẻ vô tội (x Mt 2:13-18) cho thấy tối tăm phản lại ánh sáng… Việc Chúa Giêsu ra khỏi Ai Cập nhắc lại biến cố xuất hành và cho thấy Người là vị giải cứu thực sự của dân Thiên Chúa (x Mt 2:15; Hos 11:1)”. (số 530)

 

·        “… Việc Chúa Kitô tuân phục nơi nếp sống hằng ngày của đời sống ẩn dật là mở màn cho việc Người phục hồi những gì Adong bất phục tùng đã hủy hoại đi (x Rm 5:19)” (số 532). “Cuộc sống ẩn dật ở Nazarét giúp cho hết mọi người được thông hiệp với Chúa Giêsu qua hầu hết các biến cố thông thường của đời sống hằng ngày”. (số 533)

 

·        Việc tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ là biến cố duy nhất phá vỡ cái thinh lặng của các Phúc Âm về những năm sống ẩn dật của Chúa Giêsu (x Lk 2:41-52). Ở đây Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một thoáng nhìn về mầu nhiệm Người toàn hiến cho sứ vụ phát xuất từ vai trò thiên tử của Người: ‘Cha mẹ không biết rằng Con phải làm việc của Cha Con hay sao? (Lk 2:49)”. (số 534)

 

 

3-      ĐỜI SỐNG CÔNG KHAI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA KITÔ MỘT KHI ĐƯỢC CÁC PHÚC ÂM TRÌNH THUẬT, CHẮC CHẮN PHẢI CÓ MỘT TẦM MỨC QUAN TRỌNG, NHƯNG TẦM MỨC QUAN TRỌNG NÀY TỚI ĐÂU VÀ NHƯ THẾ NÀO TRONG CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA?

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, cho dù Phúc Âm trình thuật lại đời sống công khai và hoạt động của Chúa Giêsu thì phần đời đặc biệt này của Người cũng phải được gắn liền với các biến cố chính yếu của đời sống Người (xem SGL số 512), và phải có những đặc tính chung liên quan đến các mầu nhiệm đời sống của Người (xem GSL số 516-518), do đó phần đời sống công khai và hoạt động này cũng có liên hệ mật thiết với đời sống loài người chúng ta (xem SGL số 519-521). Chẳng hạn như những biến cố được kể đến sau đây:

 

·        Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, về phần Người, đó là việc Người chấp nhận và mở màn cho sứ vụ của Người như là một Người Tôi Tớ khổ đau của Thiên Chúa. Người tự cho mình thuộc vào số các tội nhân; Người là ‘Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian’ (Jn 1:29; x. Is 53:12). Người hướng vọng tới ‘phép rửa’ là cái chết đẫm máu của Người (x Mk 10:38; Lk 12:50). Người đến để ‘làm trọn tất cả sự chính trực’, tức là, Người bắt mình hoàn toàn thuận phục ý muốn của Chúa Cha, ở chỗ, vì yêu thương Người đồng ý chấp nhận phép rửa tử nạn để xóa bỏ tội lỗi của chúng ta (Mt 3:15, x. 26:39)… Chúa Giêsu sẽ là nguồn mạch Thần Linh đổ xuống cho tất cả nhân loại. Trong lúc Người lãnh nhận phép rửa, ‘các tầng trời mở ra’ (Mt 3:16) – các tầng trời bị tội lỗi Adong đóng lại – và các giòng nước được thánh hóa bởi việc Chúa Giêsu dìm mình xuống cũng như bởi Thần Linh, đó là một dạo khúc mở màn cho cuộc tân tạo”. (số 536)

 

·        “… Việc Chúa Giêsu chiến thắng tên cám dỗ trong sa mạc báo trước việc Người chiến thắng bằng cuộc Khổ Nạn là tác động tuân phục cao cả nhất được Người thực hiện bằng tình yêu của một người con đối với Chúa Cha” (số 539). “Việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ cho thấy đường lối Con Thiên Chúa là Đấng Thiên Sai, ngược với đường lối Satan bày ra cho Người, cũng như ngược với đường lối loài người muốn gán ghép cho Người (x Mt 16:21-23). Đó là lý do tại sao Chúa Kitô chiến thắng tên Cám Dỗ cho chúng ta…”. (số 540)

 

·        “…’Để thi hành ý muốn của Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai mạc nước trời trên thế gian’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 3)…” (số 541). “… Thế nhưng, Người hoàn tất việc nước Người trị đến nơi mầu nhiệm Vượt Qua cao cả…” (số 542). “Hết mọi người được mời gọi vào nước này…” (số 543). “Nước này thuộc về thành phần nghèo khó và thấp hèn, tức là thuộc về những ai chấp nhận nước ấy bằng một tấm lòng khiêm cung…” (số 544). “Chúa Giêsu mời gọi các tội nhân đến với bàn tiệc nước này… Người mời gọi họ ăn năn hối cải là những gì không làm sẽ không thể vào được nước ấy…” (số 545). “Việc Chúa Giêsu mời gọi vào nước của Người được thực hiện bằng hình thức các dụ ngôn, một đặc tính đặc biệt của việc Người giảng dạy (x Mk 4:33-34)… Chúa Giêsu và sự hiện diện của nước này trên thế gian ở ngay cốt lõi kín nhiệm của các dụ ngôn. Người ta phải vào nước ấy, tức là phải trở nên môn đệ của Chúa Kitô, để ‘biết được những bí mật nước trời’ (Mt 13:11)…” (số 546). “Những dấu lạ Chúa Giêsu làm chứng tỏ Chúa Cha đã sai Người. Chúng khêu lên niềm tin nơi Người (x Jn 5:36, 10:25, 38)… Các phép lạ cũng làm cho đức tin vững mạnh nơi Đấng làm các công việc của Cha mình; chúng chứng thực Người là Con Thiên Chúa (x Jn 10:31-38)…” (số 548). “Nước Thiên Chúa trị đến nơi việc Satan bị đánh bại: ‘Nếu chính bởi Thần Linh Thiên Chúa mà Tôi trừ quỉ thì nước Thiên Chúa đã đến với quí vị rồi đó’ (Mt 12:26,28)… Nước Thiên Chúa thực sự đã được thiết lập nhờ thập giá của Chúa Kitô…” (số 550). “Quyền ‘cầm buộc và tháo cởi’ nghĩa là quyền tha tội, quyền công bố các phán quyết về tín điều, và quyền quyết định về luật phép trong Giáo Hội. Chúa Giêsu đã trao phó quyền hành này cho Giáo Hội qua tác vụ của các tông đồ (x Mt 18:18), nhất là qua tác vụ của Phêrô, người duy nhất được Người đặc biệt trao cho chìa khóa nước này” (số 553). “… Việc Biến Hình cho chúng ta nếm trước được việc Chúa Kitô đến trong vinh quang, khi Người ‘biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên giống thân thể vinh quang của Người’ (Phil 3:21). Thế nhưng, việc biến hình này cũng nhắc nhở là chúng ta phải vào nước Thiên Chúa qua nhiều cuộc bách hại’ (Acts 14:22)”. (số 556)

 

·        Việc Chúa Giêsu vào thành Gialiêm đã tỏ lộ cho thấy việc trị đến của vương quốc mà Đức Vua Thiên Sai sắp phải hoàn tất bằng Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh Vượt Qua của Người”. (số 560)

 

 

TÓM LẠI:

 

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo công nhận là đời sống trần gian của Chúa Kitô, nhất là thời gian ở Nazarét, kể cả thời gian hoạt động công khai, cũng không được ghi chép lại đầy đủ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phần đời sống trần gian không được nhắc tới đó hoàn toàn vô nghĩa và chẳng có giá trị gì, trái lại, những phần đời không được nhắc đến đó vẫn có thể hiểu được theo chiều hướng những biến cố chính yếu của Người (SGL số 512, 514), vẫn có những đặc tính chung liên quan đến mầu nhiệm của Người (SGL số 516-518), và vì thế vẫn có liên hệ sâu xa với cuộc sống của loài người (SGL số 519-521). Chẳng hạn như những biến cố đã được các Phúc Âm kể đến về đời sống thơ ấu và ẩn dật của Người (SGL số 527-530, 533-534) cũng như về đời sống công khai và hoạt động của Người (SGL số 536, 539-540, 542-546, 548, 550, 553, 556, 560).

 

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

 

1-     Nếu “bằng cả đời sống của Người, Chúa Giêsu lấy mình làm mô phạm cho chúng ta” (SGL số 520), thì càng noi gương bắt chước Chúa Kitô Kitô hữu chúng ta càng trở nên giống như Người, tức càng trở nên một người “con yêu dấu, đẹp lòng Cha mọi đàng” (Mk 1:11). Bởi thế, trong mọi sự Kitô hữu chúng ta nghĩ tưởng, nói năng, tác động, phản ứng và giao tiếp, chúng ta hãy đặt Chúa Giêsu vào trường hợp hay hoàn cảnh của chúng ta bấy giờ, rồi nghĩ xem Người sẽ tỏ hiện ra sao, rồi cứ thế mà theo, chắc chắn chúng ta chẳng những sẽ không sợ bị sai lầm, trái lại, thái độ và hành vi cử chỉ của chúng ta còn trọn lành nữa, và kết quả là, chúng ta sẽ “đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là đầu” (Eph 4:15).

 

2-     Nếu “cuộc sống ẩn dật ở Nazarét giúp cho hết mọi người được thông hiệp với Chúa Giêsu qua hầu hết các biến cố thông thường của đời sống hằng ngày” (SGL số 533), thì không có một việc gì là tầm thường và hèn hạ, vì tất cả, dù là lao nhọc vất vả, dù là bần cùng thiếu thốn, dù là vô danh tiểu tốt, dù bị khinh chê coi thường, kể cả dù có phải chịu đựng những sự dữ về thể lý như bị bệnh hoạn tật nguyền, hay sự dữ về tâm lý như bị dốt nát bất tài, đã được Người thánh hóa. Bởi thế, Kitô hữu chúng ta phải dâng lên Người mọi sự, sau đó phải kết hợp với Người trong mọi sự, và hết sức cố gắng để “Chúa Kitô làm cho chúng ta sống trong Người tất cả những gì chính Người đã sống, và Người cũng sống những điều ấy trong chúng ta(SGL số 521).