Bài Giáo Lý số 2
KHẢ NĂNG CỦA CON NGƯỜI TRONG VIỆC NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
Sống trong không gian và thời gian, con người “linh ư vạn vật”, vừa hữu hình lại hữu hạn, luôn hướng về và tìm kiếm những gì vô hình và vô hạn. Điển hình nhất là lúc con người gặp tai biến, sắp nguy hại đến tính mạng, mà lại hoàn toàn bó tay bất lực sau khi đã tận lực để vượt thoát. Chẳng hạn như thiên tai bất ngờ xẩy ra ngoài sức đề phòng và chống chọi của họ, con người thường tin tưởng vào một quyền lực cứu vớt nào đó, như cầu cùng thần mưa, thần gió, thần lửa v.v. Kể cả khi tuyệt vọng, con người cũng vẫn tỏ ra tin tưởng vào số mạng, nghĩa là nếu tới số thì họ mới chết, bằng không họ sẽ không hề hấn gì, nhất là một khi đã ăn ngay ở lành, thì họ tin tưởng rằng “ở hiền gặp lành”, “cây ngay không sợ chết đứng” v.v.
Như thế, con người vốn tin có một thế giới siêu hình, một quyền lực thần linh, vượt trên thân phận bất toàn và bất lực của mình. Thế nhưng, phải chăng tất cả những gì con người duy tín (fidelism) ngày xưa tin tưởng đều hiện hữu và có thật, hay ngược lại, tất cả những gì con người duy nghiệm (empiricism) hoặc duy lý (rationalism) ngày nay phủ nhận đều không bao giờ có? Vậy căn cứ vào đâu để biết được là mình đúng?? Có một thực tại thần linh hay chăng, nếu có thì phải quan niệm thực tại ấy như thế nào??? Vậy Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chủ trương như thế nào đối với những vấn đề sau đây:
1. Con người là loài hữu hình và hữu hạn có khả năng nhận biết Thiên Chúa là Thần Linh và là Đấng vô hình được chăng? Nếu có là vì lý do gì và bởi những yếu tố nào?
2. Nếu con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa thì họ nhận biết Thiên Chúa bằng cách nào?
3. Thế nhưng, theo lý luận và tâm lý tự nhiên, phải là mình mới biết rõ được chính mình thế nào, vậy nếu con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa thì phải chăng họ cũng là chính Thiên Chúa? Mà nếu họ thực sự không phải là và không thể nào là Thiên Chúa, thì phải chăng thật ra họ không có khả năng nhận biết Thiên Chúa, hay khả năng nhận biết Thiên Chúa của họ có giới hạn?
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. CON NGƯỜI LÀ LOÀI HỮU HÌNH VÀ HỮU HẠN CÓ KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA LÀ THẦN LINH VÀ LÀ ĐẤNG VÔ HÌNH ĐƯỢC CHĂNG?
Như đã xác định ở bài giáo lý số 1, Kitô Giáo là đạo được mạc khải và do mạc khải mà có. Bởi thế, tất cả những gì Kitô hữu tin tưởng và tuân giữ đều bởi trời, nên không thể nào sai lầm, vì không phải do trí tưởng tượng hay óc chủ quan của con người vốn mang tính chất lầm lẫn mà ra. Và một trong những lý do để xác tín mạc khải không sai lầm đó là, Chúa Kitô, tột đỉnh mạc khải và là tất cả mạc khải của Thiên Chúa, là Đấng đã đến không phải để phá hủy lề luật và lời các tiên tri, trái lại, Người làm cho chúng nên trọn (x.Mt.5:17). Tức là, mạc khải hay Lời Chúa tỏ cho con người biết (về tín lý) và dạy con người sống (về luân lý), nghĩa là về những thực tại và đường lối mà tự mình con người không thể nghĩ tới hay biết được, chẳng những không phản khắc hay hủy hoại nhân bản, (như phản với lý trí và phạm đến hoặc làm suy hạ phẩm giá của con người), mà còn làm nhân bản được kiện toàn và nên trọn hảo nữa.
Chẳng hạn, dựa vào quan sát và cảm nghiệm sống của mình, con người cũng có thể suy luận ra, (theo phương pháp qui nạp – reduction method), việc Thiên Chúa hiện hữu như sau: nếu mọi sự không thể nào tự mình mà có, thì chắc chắn phải có một nguyên ủy của tất cả mọi sự, tự mình có và hằng có, đó là một Đấng Tối Cao, là Thượng Đế, là Ông Trời, là Thiên Chúa; và nếu đã là nguồn gốc của tất cả mọi sự, Đấng Tối Cao, Thượng Đế, Ông Trời, Thiên Chúa này không thể nào lại bất toàn và bất lực như những gì phải được dựng nên mới có, trái lại, Ngài phải là một Đấng Toàn Năng, làm được mọi sự, và là một Đấng Toàn Thiện, hoàn toàn, tuyệt đối trọn hảo.
Căn cứ vào Mạc Khải trong Thánh Kinh của mình, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cũng công nhận con người có khả năng nhận ra Thiên Chúa hiện hữu; và lý do tại sao hay yếu tố làm cho con người có khả năng nhận ra Thiên Chúa hiện hữu, cũng như có thể chấp nhận mạc khải của Ngài, đã được Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận là nhờ trí khôn và lòng muốn của họ, vì họ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa:
· “’Giáo Hội, người mẹ thánh của chúng ta, tin tưởng và dạy rằng Thiên Chúa, nguyên lý đệ nhất và là cùng đích của tất cả mọi sự, có thể được nhận biết một cách chắc chắn từ thế giới tạo sinh bằng ánh sáng tự nhiên của lý trí con người’ (Công Đồng Chung Vaticanô I, Dei Filius 2: DS 3004; Công Đồng Chung Vaticanô II, Dei Verbum 6). Không có khả năng này, con người không thể đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Con người có khả năng này là vì họ được dựng nên ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’ (Gen.1:27)”. (số 36)
· “Khát vọng Thiên Chúa được viết ở trong lòng trí con người, vì con người đã được dựng nên bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; và Thiên Chúa lúc nào cũng lôi kéo con người đến với mình. Con người sẽ chỉ gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm nơi một mình Thiên Chúa mà thôi”. (số 27).
2. NẾU CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA THÌ HỌ NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA BẰNG CÁCH NÀO?
Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, con người có thể căn cứ vào thế giới bên ngoài là thiên nhiên tạo vật, cũng như vào thế giới bên trong là chính bản thân mình, để có thể nhận ra Thiên Chúa hiện hữu.
· “Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi để nhận biết và yêu mến Ngài, con người đi tìm kiếm Thiên Chúa khám phá ra được những đường lối để nhận biết Ngài. Những đường lối này cũng được gọi là những cách chứng minh về việc hiện hữu của Thiên Chúa, không phải theo nghĩa chứng minh trong các khoa học tự nhiên, mà là theo nghĩa ‘những lý luận am hợp và có sức thuyết phục’ (biệt chú của người biên soạn: chẳng hạn như định luật nhân quả) giúp chúng ta đạt đến niềm xác tín về sự thật. Những ‘đường lối’ tiến đến với Thiên Chúa căn cứ vào tạo vật như thế có một khởi điểm lưỡng diện từ cả thế giới vật chất cũng như từ con người ta”. (số 31)
· “Thế giới cũng như con người đều chứng tỏ cho thấy rằng tự mình không phải là nguyên lý đệ nhất hay cùng đích của chính mình, mà chỉ tham dự vào chính sự vô thủy vô chung là Sự Hữu thôi. Như thế, bằng nhiều cách khác nhau, con người có thể nhận ra được rằng chỉ có một thực tại là nguyên lý đệ nhất và là cùng đích của tất cả mọi sự, một thực tại mà mọi người gọi là ‘Thiên Chúa’ (St. Thomas Aquinas, S th I,2,3)”. (số 34)
· “Theo xu hướng tìm kiếm sự thật và sự mỹ, theo cảm thức của mình về sự thiện luân lý, theo niềm tự do và tiếng lương tâm nơi bản thân mình, cùng với những nỗi khát mong về cõi đời đời và hạnh phúc, con người thắc mắc hỏi mình về việc hiện hữu của Thiên Chúa. Trong tất cả các điều ấy, con người thấy được nơi mình dấu hiệu của một linh hồn thiêng liêng. Là một ‘hạt giống trường sinh nơi bản thân chúng ta, không thể giảm xuống thành một thứ vật chất thuần túy’ (Gaudium et Spes: 18.1; xem 14.2), linh hồn chỉ được bắt nguồn từ một mình Thiên Chúa mà thôi” (số 33).
3. TUY NHIÊN, THEO LÝ LUẬN VÀ TÂM LÝ TỰ NHIÊN, PHẢI LÀ MÌNH MỚI BIẾT RÕ ĐƯỢC CHÍNH MÌNH THẾ NÀO, VẬY NẾU CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA THÌ PHẢI CHĂNG HỌ CŨNG LÀ CHÍNH THIÊN CHÚA? MÀ NẾU HỌ THỰC SỰ KHÔNG PHẢI LÀ VÀ KHÔNG THỂ NÀO LÀ THIÊN CHÚA, THÌ PHẢI CHĂNG THẬT RA HỌ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA, HAY KHẢ NĂNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA CỦA HỌ CÓ GIỚI HẠN?
Thật vậy, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, dù con người có khả năng nhận ra Thiên Chúa hiện hữu và có thể chấp nhận mạc khải của Ngài đi nữa, kiến thức của con người về Thiên Chúa cũng chỉ là một kiến thức tương đối và lệ thuộc vào thứ ngôn ngữ hạn hẹp của loài người mà thôi:
· “Vì kiến thức của chúng ta về Thiên Chúa hạn hẹp, nên ngôn từ của chúng ta về Thiên Chúa cũng bị giới hạn nữa. Chúng ta chỉ có thể xưng gọi Thiên Chúa bằng cách căn cứ vào tạo vật, cũng như xưng gọi Thiên Chúa hợp với những kiểu cách hiểu biết và suy tưởng hạn hẹp của nhân loại”. (số 40)
· “Phải công nhận rằng, khi nói về Thiên Chúa như thế, ngôn ngữ của chúng ta sử dụng các cách thức diễn đạt loài người; tuy nó thực sự là diễn đạt về Thiên Chúa song vẫn không thể diễn đạt được tính chất vô cùng đơn thuần của Ngài. Cũng thế, chúng ta phải nhớ rằng ‘không thể nào diễn đạt tương đồng giữa Tạo Hóa và tạo vật mà không chứa đựng một bất đồng còn hơn thế nữa’ (Công Đồng Chung Latêranô IV: DS 806); và phải nhớ rằng ‘đối với Thiên Chúa, chúng ta không thể thấu hiểu được cái Ngài là, mà chỉ hiểu được cái Ngài không là, cũng như chỉ hiểu được các hữu thể khác liên quan đến Ngài ra sao thôi’ (St. Thomas Aquinas, SCG I, 30)”. (số 43)
Bởi thế, ở đây Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo chỉ công nhận con người có khả năng nhận ra Thiên Chúa có mà thôi, còn khả năng nhận ra Thiên Chúa là, như Ngài biết mình Ngài để có thể sống sự sống của Ngài, thì con người không thể nào có được, ngoại trừ họ được chính Thiên Chúa vừa tỏ mình ra cho họ biết bản thân Ngài lại vừa ban ơn cho họ để họ có thể chấp nhận mạc khải của Ngài:
· “Các khả năng của con người khiến họ có thể nhận ra việc hiện diện của một Thiên Chúa cá thể. Thế nhưng, để con người có thể thực sự đi sâu vào mối thân tình với Ngài, Thiên Chúa cần phải vừa mạc khải chính mình ra cho con người vừa ban cho họ ơn để họ có thể đón nhận mạc khải này bằng đức tin. Tuy nhiên, những minh chứng về việc Thiên Chúa hiện hữu cũng dọn đường cho người ta tiến đến với đức tin, và làm cho người ta thấy rằng đức tin không tương phản với lý trí. (số 35)
TÓM LẠI:
Vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa với một hồn thiêng, con người có khả năng khao khát và nhận biết Thiên Chúa hiện hữu (xem SGL số 36), qua việc quan sát thế giới bên ngoài cũng như nơi chính bản thân con người mình (xem SGL số 31, 33, 34). Tuy nhiên, muốn biết được chính bản tính của Thiên Chúa, tức biết được Ngài là ai và muốn gì, nghĩa là biết được mầu nhiệm về Thiên Chúa, Mầu Nhiệm Thần Linh, con người cần phải được chính Ngài mạc khải ra cho và ban ơn cho họ thấu hiểu được những gì Ngài mạc khải (xem SGL số 35, 40, 43).
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. “Khát vọng Thiên Chúa được viết ở trong lòng trí con người, vì con người đã được dựng nên bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; và Thiên Chúa lúc nào cũng lôi kéo con người đến với mình. Con người sẽ chỉ gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm nơi một mình Thiên Chúa mà thôi” (Giáo Lý số 27). Bởi thế, cuộc sống trần gian của con người thực sự là một cuộc trở về nguồn cho tới khi nhắm mắt lìa đời, nghĩa là cho tới khi, theo quan niệm tin tưởng của Kitô Hữu, con người được hoàn toàn trở về cùng Thiên Chúa là nguyên thủy và là cùng đích của mình.
2. “Theo xu hướng tìm kiếm sự thật và sự mỹ, theo cảm thức của mình về sự thiện luân lý, theo niềm tự do và tiếng lương tâm nơi bản thân mình, cùng với những nỗi khát mong về cõi đời đời và hạnh phúc, con người thắc mắc hỏi mình về việc hiện hữu của Thiên Chúa. Trong tất cả các điều ấy, con người thấy được nơi mình dấu hiệu của một linh hồn thiêng liêng. Là một ‘hạt giống trường sinh nơi bản thân chúng ta, không thể giảm xuống thành một thứ vật chất thuần túy’ (Gaudium et Spes: 18.1; xem 14.2), linh hồn chỉ được bắt nguồn từ một mình Thiên Chúa mà thôi” (Giáo Lý số 33). Nếu linh hồn được bắt nguồn từ Thiên Chúa thì nó tự nhiên vốn hướng về Thiên Chúa, như kim địa bàn luôn chỉ về phía bắc, và chính vì thế, trước khi linh hồn trở về cùng Chúa qua cái chết phần xác, việc con người nhận biết Ngài qua thiên nhiên tạo vật, qua biến cố cuộc đời v.v. là con người thực sự về nguồn của mình là Thiên Chúa vậy.