Bài Giáo Lý số 21
BÍ TÍCH RỬA TỘI
(Bí Tích Khởi Đầu Kitô Giáo Thứ Nhất)
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
N
ếu con người tin có thần linh, và thực sự là có thần linh thiêng liêng vô hình, thì vị thần linh này phải tỏ mình cho con người thấy một cách nào đó, để con người có thể đến với ngài, nghĩa là giữa thần linh và nhân loại phải có một giao điểm, phải có một cái gì đó hay một nơi nào đó để cả hai có thể gặp gỡ nhau và giao tiếp với nhau, bằng không tất cả những gì con người tin tưởng chỉ là giả tưởng, là ngẫu tượng mà thôi. Thiên Chúa của Kitô Giáo quả thực đã tỏ mình ra nơi “vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là con người Giêsu Kitô” (1Tim 2:5). Thế nhưng, Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô này cũng chỉ “ở giữa chúng ta” (Jn 1:14) trên trần gian này trong một giai đoạn lịch sử 33 năm ngắn ngủi. Bởi thế, để có thể “luôn ở lại cho đến tận thế” (Mt 28:20), với riêng thành phần môn đệ làm nên Giáo Hội của Người, và qua Giáo Hội với toàn thể nhân loại, thành phần “mọi dân nước” (Mt 28:19), “Chúa Kitô đã thiết lập các bí tích của tân luật. Có bảy phép bí tích là Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu, Chức Thánh và Hôn Phối” (SGL, 1210).
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo thì “bảy phép bí tích ấy đụng chạm đến tất cả mọi giai đoạn cũng như đến tất cả mọi giây phút quan trọng của cuộc đời Kitô hữu (xem Thánh Tôma Aquinas, STh III, 65, 1), ở chỗ, bảy bí tích này hạ sinh và phát triển, chữa lành và trao sứ vụ cho đời sống đức tin của Kitô hữu. Như thế, giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và những giai đoạn của đời sống thiêng liêng có một sự tương tự giống như nhau” (SGL, 1211). Trước hết, liên quan đến giai đoạn đầu tiên của đời sống thiêng liêng này có Các Bí Tích Khởi Đầu Kitô Giáo, đó là Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể: “Tín hữu được tái sinh bởi Phép Rửa, được kiên cường bởi bí tích Thêm Sức, và được nhận lãnh lương thực trường sinh nơi Thánh Thể” (SGL, 1212). Trong Các Bí Tích Khởi Đầu Kitô Giáo này, “Phép Thánh Tẩy là nền tảng cho cả cuộc sống Kitô hữu, là ngõ vào để sống sự sống trong Thần Linh và là cửa tiến đến với các bí tích khác” (SGL, 1213). Vậy:
1. Bí Tích Rửa Tội có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc cứu độ?
2. Bí Tích Rửa Tội được cử hành ra sao?
3. Thụ lãnh nhân của Bí Tích Rửa Tội là những ai?
4. Bí Tích Rửa Tội có cần thiết không và khi lãnh nhận có những công hiệu nào?
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. BÍ TÍCH RỬA TỘI CÓ Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO TRONG CÔNG CUỘC CỨU ĐỘ?
Để cho thấy ý nghĩa sâu xa và tầm vóc quan trọng của Bí Tích Rửa Tội, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã trình bày mối liên hệ mật thiết của bí tích này trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa từ Cựu Ước, qua Chúa Kitô, đến Giáo Hội của Chúa Kitô.
Bí Tích Rửa Tội liên hệ với công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong Cựu Ước.
· “Từ khởi nguyên thế giới, nước đã là nguồn mạch sự sống và sinh sản. Thánh Kinh thấy nước như ‘được bao phủ’ bởi Thần Linh Chúa (x Gn 1:2)” (số 1218). “Giáo Hội đã coi chiếc tầu Noe là tiền thân của ơn cứu độ nhờ Phép Rửa Tội…” (số 1219). “Nhất là việc vượt qua Biển Đỏ, được hiểu là việc giải phóng dân Yến Duyên khỏi cảnh làm tôi nước Ai Cập, loan báo cho thấy trước việc giải phóng do Phép Rửa mang lại” (số 1221). “Sau hết, Phép Rửa còn được báo trước bằng việc vượt qua Sông Dược-Đăng, một việc mà nhờ đó Dân Chúa chiếm hưởng mảnh đất được hứa ban cho con cái Abraham, mảnh đất tiêu biểu cho sự sống trường sinh. Lời hứa về việc thừa hưởng phúc lành này đã được nên trọn nơi Tân Ước” (số 1222).
Bí Tích Rửa Tội liên hệ với công cuộc cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô.
· “Tất cả mọi hình ảnh tiền thân đều được nên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô. Người bắt đầu cuộc đời công khai của mình sau khi lãnh nhận phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả ở sông Dược Đăng (x Mt 3:13). Sau khi phục sinh, Chúa Kitô ban bố sứ mệnh làm phép rửa cho các môn đệ của Người… (Mt 28:19-20; x Mk 16:15-16)” (số 1223). “Nơi cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Kitô đã mở ra cho tất cả mọi người suối nguồn Thanh Tẩy. Người đã nói về cuộc Khổ Nạn của Người như là một ‘Phép Rửa’ Người phải nhận lãnh (Mk 10:38; x Lk 12:50). Máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu tử giá là tiêu biểu cho Phép Rửa và Thánh Thể, các bí tích sự sống (x Jn 19:34; 1Jn 5:6-8). Từ đó con người mới có thể ‘được hạ sinh bởi nước và Thần Linh (x Jn 3:5) để vào hưởng Vương Quốc của Thiên Chúa” (số 1225).
Bí Tích Rửa Tội liên hệ với công cuộc cứu độ của Thiên Chúa nơi Giáo Hội.
· “Từ ngay ngày Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội đã cử hành và ban phát Phép Thánh Tẩy. Thật vậy, Thánh Phêrô tuyên bố cho đám đông dân chúng đang bàng hoàng về lời rao giảng của mình là: ‘Hết mọi người trong anh em hãy thống hối và lãnh phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô để được ơn thứ tha tội lỗi của mình; rồi anh em sẽ nhận được tặng ân Thánh Linh’ (Acts 2:38)… Phép Rửa luôn luôn được coi như có liên hệ với đức tin: ‘Hãy tin vào Chúa Giêsu thì ông sẽ được cứu độ, cả ông lẫn gia đình ông’ (Acts 16:31-33)” (số 1226). “Theo Thánh Tông Đồ Phaolô, tín hữu qua Phép Rửa được hiệp thông với sự chết của Chúa Kitô, được mai táng với Người và phục sinh với Người… (x Rm 6:3-4; Col 2:12). Thụ nhân phép rửa ‘mặc lấy Chúa Kitô’ (Gal 3:27). Bởi Chúa Thánh Linh, Phép Rửa là bể nước thanh tẩy, bể nước công chính hóa và là bể nước thánh hóa” (số 1227).
2. BÍ TÍCH RỬA TỘI ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO?
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết, Bí Tích Rửa Tội được cử hành sau khi hoàn tất tiến trình gia nhập, với những lễ nghi đặc biệt và có thể bởi cả những tác nhân chính thức và ngoại lệ.
Bí Tích Rửa Tội được cử hành sau khi hoàn tất tiến trình gia nhập:
· “Từ thời các tông đồ, việc trở thành một Kitô hữu đã được hoàn tất bởi một cuộc hành trình và một cuộc nhập môn diễn tiến qua vài giai đoạn… đó là việc loan báo Lời Chúa, việc chấp nhận Phúc Âm sau khi trở lại, việc tuyên xưng đức tin, việc lãnh nhận chính Phép Rửa, việc tuôn đổ Thánh Linh và việc được hiệp thông Thánh Thể” (số 1229). “Các nghi thức cho những giai đoạn này được trình bày trong cuốn Nghi Thức Người Lớn Gia Nhập Kitô Giáo (RCIA: the Rite of Christian Initiation of Adults)” (số 1232). “Ngày nay, tất cả mọi lễ nghi, Latinh cũng như Đông Phương, việc người lớn gia nhập Kitô Giáo đều được bắt đầu bằng giai đoạn giáo lý tân tòng và kết thúc ở việc cử hành một lúc ba bí tích khởi đầu là Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể…” (số 1233)
Bí Tích Rửa Tội được cử hành với những lễ nghi đặc biệt:
· “Ý nghĩa và ân sủng của bí tích Rửa Tội được sáng tỏ nơi các nghi thức cử hành bí tích này…” (số 1234): “Dấu thánh giá ghi dấu ấn Chúa Kitô nơi kẻ sắp thuộc về Người và cho thấy ơn cứu chuộc Chúa Kitô đã lập cho chúng ta bằng thập giá của Người” (số 1235); “Việc loan báo Lời Chúa không thể tách khỏi Phép Rửa là việc soi sáng cho thụ lãnh nhân và cộng đồng tham sự chân lý mạc khải để làm cho họ có thể đáp ứng bằng đức tin…” (số 1236). “Việc trừ tà một hay vài lần trên thụ lãnh nhân, vì Phép Rửa nói lên việc giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như khỏi tên cám dỗ ma quỉ. Việc xức dầu cho thụ lãnh nhân sau đó của vị ban bí tích hay việc đặt tay ngài trên họ để họ minh nhiên tuyên bố từ bỏ Satan. Nhờ đó, họ có thể tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, một đức tin họ được Phép Rửa ban cho” (số 1237). “Việc thánh hiến nước rửa tội (vào lúc bấy giờ hay vào đêm Vọng Phục Sinh)… để những ai được rửa bởi nước ấy cũng được ‘sinh bởi nước và Thần Linh’ (Jn 3:5)” (số 1238). “Việc rửa tội được thực hiện một cách hoàn toàn nhất bằng ba lần dìm mình trong nước rửa tội. Tuy nhiên, từ xa xưa phép rửa cũng đã được ban phát bằng việc đổ nước ba lần trên đầu thụ lãnh nhân” (số 1239). “Việc xức bằng dầu thánh nói lên tặng ân Thánh Linh được ban cho tân thánh tẩy nhân, người được trở thành một Kitô hữu, tức được trở thành một người ‘được xức dầu’ bởi Thánh Linh, người được liên kết với Chúa Kitô là vị tư tế, ngôn sứ và vương chủ được xức dầu (x Rite of Baptism of Children, 62)” (số 1241). “Việc mặc chiếc áo trắng tượng trưng cho việc thánh tẩy nhân ‘mặc lấy Chúa Kitô’ cũng được sống lại với Chúa Kitô (Gal 3:27). Việc cầm cây nến sáng được thắp từ ngọn nến Phục Sinh tượng trưng việc người tân tòng được Chúa Kitô soi sáng. Trong Người, thánh tẩy nhân là ‘ánh sáng thế gian’ (Mt 5:14; x Phil 2:15)” (số 1243). “Việc Rước Lễ Lần Đầu… Vì đã trở nên con cái Thiên Chúa với chiếc áo cưới trên mình, người tân tòng được tham dự vào ‘bữa tiệc cưới của Con Chiên’ (Rev 19:9) và được lãnh nhận lương thực của sự sống mới là mình máu Chúa Kitô…” (số 1244). “Phép lành trọng thể kết thúc việc cử hành Phép Rửa…” (số 1245).
Bí Tích Rửa Tội có thể được cử hành bởi cả những tác nhân chính thức và ngoại lệ:
· “Những vị thừa tác viên thông thường của Phép Rửa là giám mục và linh mục, trong Giáo Hội Latinh còn có cả thày sáu nữa (x Giáo Luật, khoản 861.1; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương, khoản 677.1). Gặp trường hợp cần thiết, bất cứ ai, ngay cả người không lãnh nhận bí tích rửa tội, cũng có thể ban phép rửa, miễn là họ có ý làm việc này… theo những gì Giáo Hội vẫn làm khi ban phép rửa và theo công thức rửa tội đọc lên nhân danh Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội thấy lý do cần phải làm như vậy là vì căn cứ vào ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa cũng như vào sự cần thiết của Phép Rửa để được cứu độ (x 1Tim 2:4)” (số 1256).
3. THỤ LÃNH NHÂN CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI LÀ NHỮNG AI?
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định thành phần thụ lãnh nhân của Bí Tích Rửa Tội là tất cả “mọi người chưa lãnh nhận bí tích rửa tội và chỉ có những người này mới được lãnh nhận phép rửa mà thôi” (SGL, 1246). Tuy nhiên, thành phần thụ lãnh nhân phép rửa này được chia ra làm hai, người lớn và trẻ em.
Thành phần thụ lãnh nhân phép rửa là người lớn.
· “Từ thuở ban đầu của Giáo Hội, Rửa Tội cho người lớn là một việc thông thường ở những nơi Phúc Âm vừa được loan báo. Việc dạy giáo lý nhập đạo (tức việc dọn mình lãnh nhận Phép Rửa) do đó chiếm một vị trí quan trọng. Việc nhập môn đức tin và đời sống Kitô Giáo này phải giúp cho người dự tòng lãnh nhận ơn Chúa nơi Phép Rửa, Thêm Sức và Thánh Thể”. (số 1247)
· “Việc dạy giáo nhập đạo, hay việc hướng dẫn các người dự tòng, là để làm cho việc họ trở lại và đức tin của họ được chín chắn, trong việc đáp ứng tác động khơi mào của Thiên Chúa cũng như trong việc hiệp nhất với cộng đồng Giáo Hội. Việc dạy giáo lý nhập đạo phải là ‘một việc hướng dẫn sống trọn cuộc đời Kitô hữu… một cuộc đời mà các người môn đệ của Chúa Kitô sẽ được liên kết với Chúa Kitô là Thày của họ. Các người dự tòng phải được khai tâm cho thấy một cách xứng hợp mầu nhiệm cứu độ cùng với việc thực hành các nhân đức Phúc Âm, họ cũng phải được dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái yêu thương của Dân Chúa bằng các nghi thức thánh tiếp nối nhau” (số 1248)
· “Các người dự tòng là thành phần ‘đã được liên kết với Giáo Hội rồi, họ đã thuộc về gia đình của Chúa Kitô, và vẫn thường sống một đời sống tin cậy mến’ (Sắc Lệnh Cho Muôn Dân, 14.5). ‘Giáo Hội yêu thương và ân cần ôm ấp họ như con cái của mình vậy’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân 14.3; x Giáo Luật, các khoản 206, 788.3)” (số 1249)
Thành phần thụ lãnh nhân phép rửa là trẻ em
· “Được sinh ra với một bản tính loài người sa phạm và bị ô nhiễm bởi nguyên tội, trẻ em cũng cần phải được tái sinh trong Phép Rửa để thoát khỏi quyền lực tối tăm mà vào lãnh giới tự do của con cái Thiên Chúa là nơi tất cả mọi người được kêu gọi đến (x Công Đồng Chung Triđentinô năm 1546: DS 1514; x Col 1:12-14)…”. (số 1250)
· “Việc Rửa Tội cho trẻ em là một truyền thống lâu đời của Giáo Hội. Có những chứng cớ rõ ràng cho thấy tục lệ này được bắt đầu từ thế kỷ thứ hai trở đi, và cũng rất có thể ngay từ khi các tông đồ bắt đầu rao giảng, lúc ấy đã có tất cả ‘những gia đình’ được lãnh nhận phép rửa, trong đó trẻ em cũng có thể được rửa tội nữa (x Acts 16:15, 33, 18:8; 1Cor 1:16; Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, bản hướng dẫn, Pastoralis actio: AAS 72 năm 1980 1137-1156)”. (số 1252)
4. BÍ TÍCH RỬA TỘI CÓ CẦN THIẾT KHÔNG VÀ CÓ NHỮNG CÔNG HIỆU NÀO?
Về tính cách khẩn thiết và tác hiệu của Phép Rửa, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định Phép Rửa tuyệt đối cần cho phần rỗi của tất cả mọi người, lớn cũng như bé, vì Phép Rửa có tác dụng tha hết tất cả mọi tội lỗi, làm cho thụ lãnh nhân trở thành một tạo vật mới của Chúa Ba Ngôi, kết hợp họ với Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, gắn bó họ với mối hiệp nhất Kitô Giáo, và ghi ấn tín không thể xóa bỏ nơi họ.
Phép Rửa tuyệt đối cần cho phần rỗi cho tất cả mọi người, lớn cũng như bé:
· “Chính Chúa Kitô đã xác nhận là Phép Rửa cần thiết cho phần rỗi (x Jn 3:5). Người còn truyền các môn đệ của Người loan báo Phúc Âm cho mọi dân nước và rửa tội cho họ nữa (x Mt 28:19-20; x Công Đồng Chung Triđentinô năm 1547: DS 1618; Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân 14; Sắc Lệnh Cho Muôn Dân, 5). Phép Rửa cần thiết cho phần rỗi của những ai được nghe loan báo Phúc Âm và là những người có cơ hội để xin lãnh nhận bí tích này (x Mk 16:16)...”. (số 1257)
· “Giáo Hội luôn luôn thâm tín một cách mạnh mẽ là những ai chịu chết vì đức tin mà không lãnh nhận Phép Rửa đều được rửa bởi cái chết cho Chúa Kitô và với Chúa Kitô của họ. Phép Rửa bằng máu này, cũng như lòng ước ao được lãnh nhận Phép Rửa, làm phát sinh ra các hoa trái của Phép Rửa ngoài bí tích”. (số 1258)
· “Đối với những người dự tòng chết trước khi lãnh nhận Phép Rửa thì ước muốn hiển nhiên của họ, cùng với lòng họ thống hối tội lỗi, cộng với đức ái, đủ bảo đảm phần rỗi mà họ không thể lãnh nhận theo bí tích”. (số 1259)
· “Đối với trẻ em chết chưa được Rửa Tội, Giáo Hội chỉ có thể phó thác các em cho tình thương Chúa... hy vọng rằng trẻ em chết chưa được Rửa Tội sẽ được cứu độ một cách nào đó. Việc Giáo Hội kêu gọi đừng ngăn trở trẻ em đến với Chúa Kitô nhờ tặng ân Thánh Tẩy càng khẩn thiết hơn bao giờ hết”. (số 1261)
Phép Rửa có tác dụng tha hết tất cả mọi tội lỗi:
· “Nhờ Phép Rửa, tất cả tội lỗi đều được tha thứ, nguyên tội cũng như mọi tư tội, cùng với hết mọi hình phạt bởi tội mà ra (x Công Đồng Chung Florence năm 1439: DS 1316)...” (số 1263). Tuy nhiên, một số hậu quả tạm thời của tội lỗi vẫn còn tồn tại nơi thánh tẩy nhân, như đau khổ, bệnh tật, chết chóc cùng với các mỏng dòn vốn có trong đời sống như những yếu đuối về tính tình v.v. cũng như xu hướng về tội lỗi được Thánh Truyền gọi là đam mê nhục dục, hay bóng bẩy hơn, là ‘ngòi tội lỗi’...”. (số 1264)
Phép Rửa làm cho thụ lãnh nhân trở thành một tạo vật mới của Chúa Ba Ngôi:
· “Phép Rửa chẳng những thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi mà còn làm cho người tân tòng nên ‘một tạo vật mới’, nên dưỡng tử của Thiên Chúa, thành phần trở thành ‘người thừa hưởng bản tính thần linh’ (2Cor 5:17; 2Pt 1:4; x Gal 4:5-7), nên phần thể của Chúa Kitô và đồng thừa tự với Người (x 1Cor 6:15, 12:27; Rm 8:17), và nên đền thờ của Chúa Thánh Thần (x 1Cor 6:19)” (số 1265). “Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho thánh tẩy nhân ơn thánh hóa, tức ơn công chính hóa, ở chỗ giúp họ tin vào Thiên Chúa, hy vọng nơi Ngài và yêu kính Ngài bằng các nhân đức đối thần; ở chỗ ban cho họ khả năng sống động và sinh hoạt theo Thánh Linh tác động nhờ các tặng ân của Thánh Linh; ở chỗ làm cho họ lớn lên một cách trọn hảo bằng các nhân đức luân lý. Như thế toàn thể cơ cấu của đời sống siêu nhiên nơi Kitô hữu đã được bắt nguồn từ Phép Rửa” (số 1266)
Phép Rửa kết hợp họ với Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô:
· “Phép Rửa làm cho chúng ta nên phần thể của Thân Mình Chúa Kitô: ‘Bởi thế... chúng ta là các chi thể của nhau’ (Eph 4:25). Phép Rửa liên kết chúng ta thành Giáo Hội. Từ bể rửa tội phát sinh một Dân Tân Ước duy nhất của Thiên Chúa, một dân tộc vượt ra ngoài tất cả mọi giới hạn về tự nhiên hay nhân bản của các quốc gia, văn hóa, chủng tộc và phái tính: ‘Vì bởi một Thần Linh tất cả chúng ta được rửa thành một thân thể duy nhất’ (1Cor 12:13)” (số 1267). “Thánh tẩy nhân đã trở nên ‘những viên đá sống động’ để ‘xây thành một ngôi nhà thiêng liêng, một thiên chức tư tế thánh hảo’ (1Pt 2:5). Bởi Phép Rửa, họ thông phần vào chức linh mục của Chúa Kitô, vào vai trò ngôn sứ và vương giả của Người...” (số 1268).
Phép Rửa gắn bó họ với mối hiệp nhất Kitô Giáo:
· “Phép Rửa làm nên nền tảng hiệp thông giữa tất cả mọi Kitô hữu, bao gồm cả những ai chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo... ‘Được công chính hóa bởi đức tin nơi Phép Rửa, họ được liên kết với Chúa Kitô; do đó, họ có quyền được gọi là Kitô hữu, và có đủ lý do để được con cái Giáo Hội Công Giáo chấp nhận là anh em của mình’ (Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, 3)”. (số 1271)
Phép Rửa ghi ấn tín không thể xóa bỏ nơi họ:
“Liên kết với Chúa Kitô bởi Phép Rửa, thánh tẩy nhân được trở nên đồng hình tượng với Chúa Kitô. Phép Rửa niêm ấn Kitô hữu bằng một dấu thiêng liêng bất khả xóa nhòa của việc họ thuộc về Chúa Kitô. Không một tội nào có thể xóa được dấu tích này, ngay cả tội lỗi làm cho Phép Rửa không sinh hoa trái cứu độ đi nữa (x Rm 8:29; Công Đồng Chung Triđentinô năm 1547: DS 1609-1619). Được ban phát một lần là vĩnh viễn, Phép Rửa không thể tái ban”. (số 1272)
TÓM LẠI:
Để cho thấy ý nghĩa sâu xa và tầm vóc quan trọng của Bí Tích Rửa Tội, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã trình bày mối liên hệ mật thiết của bí tích này trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa từ Cựu Ước (SGL, 1218-1219, 1221-1222), qua Chúa Kitô (SGL, 1223, 1225), đến Giáo Hội của Chúa Kitô (SGL, 1226-1227). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết, Bí Tích Rửa Tội được cử hành sau khi hoàn tất tiến trình gia nhập (SGL, 1229, 1232-1233), với những lễ nghi đặc biệt (SGL, 1234-1239, 1241, 1243, 1244-1245) và có thể bởi cả những tác nhân chính thức và ngoại lệ (SGL, 1256). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định thành phần thụ lãnh nhân của Bí Tích Rửa Tội là tất cả “mọi người chưa lãnh nhận bí tích rửa tội và chỉ có những người này mới được lãnh nhận phép rửa mà thôi” (SGL, 1246). Tuy nhiên, thành phần thụ lãnh nhân phép rửa này được chia ra làm hai, người lớn (SGL, 1247-1249) và trẻ em (SGL, 1250-1251). Về tính cách khẩn thiết và tác hiệu của Phép Rửa, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định Phép Rửa tuyệt đối cần cho phần rỗi của tất cả mọi người, lớn cũng như bé (SGL, 1257-1259, 1261), vì Phép Rửa có tác dụng tha hết tất cả mọi tội lỗi (SGL, 1263-1264), làm cho thụ lãnh nhân trở thành một tạo vật mới của Chúa Ba Ngôi (SGL, 1265-1266), kết hợp họ với Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô (SGL, 1267-1268), gắn bó họ với mối hiệp nhất Kitô Giáo (SGL, 1271), và ghi ấn tín không thể xóa bỏ nơi họ (SGL, 1272).
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. “Trở nên phần thể của Giáo Hội, thánh tẩy nhân không thuộc về mình nữa mà thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta (x 1Cor 6:19; 2Cor 5:15). Từ nay trở đi, họ được kêu gọi để sống cho những người khác, để phục vụ trong mối hiệp thông Giáo Hội, cũng như để ‘vâng lời và phục tùng’ các vị lãnh đạo Giáo Hội (Heb 13:17), kính trọng và quí mến các vị ấy. Phép Rửa là căn nguyên của trách nhiệm và của phận sự thế nào, thánh tẩy nhân cũng được hưởng các quyền lợi trong Giáo Hội như vậy, như được lãnh nhận các phép bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được nâng đỡ bằng những trợ giúp thiêng liêng của Giáo Hội (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 37; Giáo Luật, các khoản 208-223; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương, khoản 675:2)”. (số 1269)
2. “’Được tái sinh nên con cái Thiên Chúa, thánh tẩy nhân phải tuyên xưng trước thế nhân đức tin họ đã lãnh nhận bởi Thiên Chúa qua Giáo Hội’ và phải tham phần vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Chúa (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 11; x cùng hiến chế, 17; Sắc Lệnh Cho Muôn Dân, 7 và 23) ”. (số 1270)
3. “Thánh Linh đã ghi dấu chúng ta bằng ấn tín của Chúa ‘cho ngày cứu chuộc’ (Thánh Âu-Quốc-Tinh, Ep. 98, 5: PL 33, 362; Eph 4:30; x 1:13-14; 2Cor 1:21-22). ‘Phép Rửa thực sự là ấn tín của sự sống trường sinh’ (Thánh Irenaeus, Dem ap. 3: SCH 62, 32). Người tín hữu Kitô Giáo nào ‘giữ ấn tín’ này tới cùng, bằng cách trung thành với các đòi hỏi của việc họ lãnh nhận Phép Rửa, sẽ có thể, ‘với dấu ấn đức tin’ (Roman Missal, EP I – Roman Canon 97), với đức tin họ lãnh nhận khi chịu phép rửa, ra khỏi đời này như lòng mong ước được thị kiến Thiên Chúa – tuyệt đỉnh của đức tin – và như lòng hy vọng sẽ được phục sinh”. (số 1274)