Bài Giáo Lý số 24 

BÍ TÍCH GIẢI TỘI

(Bí Tích Chữa Lành Thứ Nhất)
 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

D

ù văn minh đến đâu đi nữa, đã là người, ai dám vỗ ngực nhận mình là toàn hảo, nhất là về phương diện luân lý. Nếu đã “nhân vô thập toàn” thì làm sao tránh được lỗi phạm đêán nhau, những lỗi lầm cần phải được con người nhìn nhận một cách âm thầm hay công khai để có thể sửa chữa bằng việc cải thiện đời sống, thậm chí có khi còn cần đến cả việc thành tâm làm hòa với nhau (như việc ký kết thỏa ước hậu chiến) và bù đắp cho nhau những thiệt hại theo phép công bằng nữa (như việc bồi thường chiến tranh).

 

Về phương diện đời sống thiêng liêng cũng thế. Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “nhờ các bí tích nhập môn Kitô Giáo, con người được nhận lãnh sự sống mới của Chúa Kitô. Hiện nay chúng ta đang mang sự sống này ‘trong những bình bằng sành’ và sự sống ấy đang ‘được dấu ẩn với Chúa Kitô trong Thiên Chúa’ (2Cor 4:7; Col 3:3). Chúng ta vẫn còn sống trong ‘chiếc lều thế gian’ của mình, phải chịu đựng khổ đau, bệnh nạn và sự chết (2Cor 5:1). Sự sống mới làm con Thiên Chúa này có thể bị suy yếu và thậm chí mất đi vì tội lỗi” (số 1420 và xem cả số 1426). Bởi thế, cũng theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “Chúa Giêsu Kitô, vị lương y của cả linh hồn lẫn thân xác chúng ta, Đấng đã tha tội cho người bại liệt và phục hồi sức khỏe cho anh ta (x Mk 2:1-12), đã muốn rằng Giáo Hội của mình, bằng quyền năng của Thánh Linh, phải tiếp tục công việc chữa lành và cứu độ của Người, ngay cả trong số các phần tử của Giáo Hội. Đó là mục đích của hai bí tích chữa lành: bí tích Thống Hối và bí tích Xức Dầu Kẻ Liệt” (số 1421). Thế nhưng,

 

1.      Tự mình con người có thể ăn năn cải thiện đời sống được chăng?

2.      Tại sao nguyên lòng ăn năn thống hối âm thầm của con người trước nhan Chúa mà thôi vẫn chưa đủ để họ được tha tội?

3.      Nếu tội nhân cần phải lãnh nhận bí tích Thống Hối mới được tha tội thì bí tích này được cử hành ra sao?

4.      Bí tích Thống Hối và Hòa Giải một khi được ban phát thì có những tác dụng như thế nào nơi hối nhân?

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

 

 

1.      TỰ MÌNH CON NGƯỜI CÓ THỂ ĂN NĂN CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG ĐƯỢC CHĂNG?

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì cải thiện đời sống là một ơn gọi và vì thế nó cần phải có ơn Chúa mới thực hiện được.

 

Cải thiện đời sống là một ơn gọi:

 

·        Chúa Giêsu kêu gọi cải thiện đời sống. Lời mời gọi này là một phần chính yếu của việc công bố Nước Trời: ‘Thời gian đã trọn, nước Thiên Chúa đã đến; hãy ăn năn hối cải và tin vào phúc âm’ (Mk 1:15). Trong việc rao giảng của Giáo Hội thì lời mời gọi này trước hết được ngỏ với những ai chưa nhận biết Chúa Kitô và Phúc Âm của Người... Chính bởi đức tin vào Phúc Âm và nhờ Phép Rửa mà con người từ bỏ sự dữ và được rỗi, tức là được ơn tha thứ mọi tội lỗi và ơn tham hưởng sự sống mới”. (số 1427)

 

·        Lời Chúa Kitô mời gọi cải thiện đời sống tiếp tục vang vọng trong đời sống của người Kitô hữu. Việc cải thiện đời sống lần thứ hai này là một việc làm liên tục đối với toàn thể Giáo Hội, một Giáo Hội ‘ôm ấp các tội nhân trong lòng mình, vừa thánh hảo lại luôn cần được thanh tẩy, liên lỉ bước theo con đường thống hối và canh tân’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 8.3). Nỗ lực cải thiện này không phải chỉ là việc làm của con người thôi. Nó là tác động của một ‘cõi lòng tan nát’, được ân sủng lôi kéo và đánh động để đáp lại tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước (Ps 51:17; x Jn 6:44, 12:32; 1Jn 4:10)”. (số 1428)

 

Cải thiện đời sống cần phải có ơn Chúa mới thực hiện được:

 

·        Lời Chúa Giêsu mời gọi cải thiện đời sống và ăn năn thống hối, như lời của các vị tiên tri trước Người, trước hết không nhắm đến các việc làm bề ngoài, như ‘mặc áo thô và bỏ tro đầu’, ăn chay và đánh tội, mà là đến việc hoán cải tâm hồn, việc hoán cải nội tâm. Bằng không, những việc ăn năn đền tội này không sinh hoa kết trái và giả tạo; tuy nhiên, việc hoán cải nội tâm đòi phải tỏ ra những dấu hiệu cụ thể, đó là những cử chỉ và việc làm của lòng ăn năn thống hối (x Jl 2:12-13; Is 1:16-17; Mt 6:1-6, 16-18)”. (số 1430)

 

·        Lòng trí con người nặng nề và cứng cỏi. Thiên Chúa phải ban cho con người một lòng trí mới (x Ez 36:26-27). Việc cải thiện đời sống trước hết là việc của ơn Chúa, Đấng qui hướng lòng chúng ta về với Ngài: ‘Ôi Chúa, xin hãy qui hồi chúng tôi về với Ngài để chúng tôi được phục hồi!’ (Lam 5:21). Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để bắt đầu lại. Chính trong khi khám phá ra tình yêu cao cả của Thiên Chúa đã làm cho lòng chúng ta bị rung động trước cái kinh tởm và nặng nề của tội lỗi, để rồi bắt đầu sợ sa ngã xúc phạm đến Thiên Chúa cũng như sợ bị tách xa Ngài. Lòng trí con người được hoán cải là nhờ nhìn lên Đấng bị tội lỗi chúng ta đâm thâu (x Jn 19:37; Zech 12:10)”. (số 1432)

 

 

2.      TẠI SAO NGUYÊN LÒNG ĂN NĂN THỐNG HỐI ÂM THẦM CỦA CON NGƯỜI TRƯỚC NHAN CHÚA MÀ THÔI CŨNG VẪN CHƯA ĐỦ ĐỂ HỌ ĐƯỢC THA TỘI?

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, tự việc âm thầm ăn năn thống hối của con người trước nhan Chúa mà thôi bình thường vẫn chưa đủ để họ được chính thức tha tội, là vì tội nhân chẳng những phải làm hòa cùng Thiên Chúa là Đấng họ xúc phạm mà còn phải làm hòa với cả Giáo Hội cũng bị họ tác hại nữa (GLGHCG, số 1440), một Giáo Hội đã được Chúa Kitô thực sự ban cho toàn quyền cầm buộc và tháo cởi trên trần gian này (GLGHCG, số 1441-1442, 1444-1445, 1462). Nhất là vì “Chúa Kitô hành động nơi mỗi một bí tích. Người nói riêng với mọi tội nhân rằng: ‘Hỡi con, tội lỗi con đã được thứ tha’ (Mk 2:5). Người là vị y sĩ coi sóc từng bệnh nhân cần được chữa trị (x Mk 2:17)... Thế nên việc xưng tội riêng là hình thức hòa giải với Thiên Chúa cũng như với Giáo Hội hiển nhiên nhất” (GLGHCG số 1484). Bởi vậy, “việc ăn năn thống hối tội lỗi đòi ... tội nhân phải vui lòng chịu đựng tất cả mọi sự, phải có một tấm lòng thống hối tội lỗi, phải dùng miệng lưỡi xưng thú tội lỗi và phải thực hiện trọn vẹn đức khiêm nhượng cùng với việc đền bù tội lỗi thỏa đáng” (số 1450).

 

Thống hối tội lỗi:

 

·        Trong số các tác động của hối nhân thì việc thống hối tội lỗi chiếm chỗ quan trọng nhất. Thống hối tội lỗi là ‘việc linh hồn buồn phiền và chê ghét tội lỗi đã phạm cùng dốc lòng chừa không tái phạm tội nữa’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1676)” (số 1451).

 

·        Việc thống hối tội lỗi được gọi là ‘trọn hảo’ khi việc này được phát xuất từ một tấm lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Việc thống hối này xóa bỏ các tội nhẹ; nó cũng chiếm được cả ơn tha thứ cho cả các tội trọng nữa, nếu hối nhân dốc tâm đến tòa giải tội sớm bao nhiêu có thể (xem Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1677)”. (số 1452)

 

·        Việc thống hối tội lỗibất toàn’ cũng là ơn của Chúa, là việc Chúa Thánh Thần đánh động. Nó phát xuất từ việc thấy được cái tởm gớm của tội lỗi hay từ nỗi sợ hãi sẽ bị đời đời trầm luân cùng với những hình phạt khác đe dọa tội nhân. Việc lương tâm được đánh động như thế có thể làm phát sinh một tiến trình nội tâm, một tiến trình mà theo tác động của ân sủng sẽ được kết thúc ở bí tích tha tội. Tuy nhiên, tự mình, việc thống hối tội lỗi bất toàn này không mang lại ơn thứ tha cho các tội trọng, song nó cũng sửa dọn con người để họ lãnh nhận ơn tha thứ nơi bí tích Thống Hối”. (số 1453)

 

Xưng thú tội lỗi:

·        Xưng tội với một vị linh mục là một phần chính yếu của bí tích Thống Hối, ở chỗ ‘tất cả mọi tội trọng hối nhân nhận thức sau khi cẩn thận xét mình phải được kể ra trong tòa cáo giải, dù đó là những tội kín đáo nhất hay những tội phạm đến hai giới răn cuối cùng của Thập Giới; vì những tội này đôi khi làm tổn thương đến linh hồn nặng nề hơn và gây nguy hại hơn là những tội phạm công khai’ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1680; x Ex 20:17; Mt 5:28)”. (số 1456)

 

·        Theo lệnh truyền của Giáo Hội, ‘sau khi đã đủ tuổi khôn, mỗi tín hữu buộc phải trung thành xưng thú các tội trọng mỗi năm ít là một lần (x Giáo Luật, khoản 989; Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1683, 1708). Ai nhận thấy mình đã phạm tội trọng thì không được Rước Lễ nếu không xưng tội trước, cho dù họ có cảm thấy hết sức ăn năn thống hối, trừ phi họ có lý do quan trọng cần phải Rước Lễ khi không có cơ hội xưng tội (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1647, 1661; Giáo Luật khoản 916; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương khoản 711). Trẻ em phải lãnh nhận bí tích Thống Hối trước khi Rước Lễ lần đầu (x Giáo Luật khoản 914)”. (số 1457).

 

·        Việc xưng thú các lầm lỗi (tội nhẹ) thường ngày, dù không hết sức cần thiết, vẫn được Giáo Hội hết sức khích lệ (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1680; Giáo Luật khoản 988.2). Thật sự việc thường xuyên xưng thú các tội nhẹ của chúng ta sẽ giúp trau luyện lương tâm của chúng ta, chiến đấu với các khuynh hướng xấu, được Chúa Kitô chữa lành và tiến bộ trong đời sống theo Thần Linh. Bằng việc thường xuyên nhờ bí tích này lãnh nhận ân sủng của lòng thương xót Chúa Cha, chúng ta được thúc đẩy xót thương như Ngài là Đấng thương xót’ (x Lk 6:36)”. (số 1458)

 

Đền bù tội lỗi:

 

·        Nhiều tội lỗi phạm đến tha nhân của chúng ta. Người ta phải làm những gì có thể để sửa lại sự thiệt hại (như trả lại đồ đã lấy trộm, phục hồi tiếng tăm cho người bị nhục mạ, bồi thường các tổn thương). Nguyên đức công bằng thôi đã đòi phải làm như vậy rồi. Tuy nhiên, tội lỗi còn làm tổn thương và suy yếu đến chính tội nhân, cũng như đến cả mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa và tha nhân nữa. Việc xá giải chỉ tha tội chứ không sửa chữa tất cả những hư hỏng do tội lỗi gây ra (Công Đồng Chung Triđentinô năm 1712). Được nâng dậy khỏi tội lỗi, tộïi nhân vẫn cần phải phục hồi hoàn toàn sức mạnh thiêng liêng của mình, bằng cách làm một điều gì đó hơn nữa để đền bù tội lỗi, tức họ phải ‘làm việc đền tội’ hay phải ‘đền bồi’ tội lỗi của mình. Việc làm này cũng được gọi là ‘việc đền tội’” (số 1459).

 

·        Việc đền tội mà vị giải tội nêu lên phải để ý đến tình trạng riêng của hối nhân cũng như phải nhắm đến lợi ích thiêng liêng của họ. Nó phải tương xứng bao nhiêu có thể tính cách trầm trọng và bản chất của các tội phạm. Nó có thể bao gồm việc cầu nguyện, việc dâng cùng, việc từ thiện, việc phục vụ tha nhân, tự nguyện bỏ mình, hy sinh và nhất là nhẫn nại chấp nhận thập giá chúng ta phải chịu. Những việc đền tội như thế giúp chúng ta nên giống Chúa Kitô, Đấng duy nhất đền bồi tội lỗi chúng ta một lần vĩnh viễn. Các việc ấy sẽ làm cho chúng ta được trở nên đồng thừa tự với Chúa Kitô phục sinh, ‘nếu chúng ta chịu khổ với Người’ (Rm 8:17, 3:25; 1Jn 2:1-2; x Công Đồng Chung Triđentinô năm 1551: DS 1690)”. (số 1460)

 

 

3.      NẾU TỘI NHÂN CẦN PHẢI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THỐNG HỐI MỚI ĐƯỢC THA TỘI THÌ BÍ TÍCH NÀY ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO?

 

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bí tích Thống Hối thường được cử hành riêng tư, bởi những vị có chức thánh mà thôi, với công thức tha tội đặc biệt của Giáo Hội.

 

Bí tích Thống Hối thường được cử hành riêng tư:

 

·        Qua nhiều thế kỷ, hình thức cụ thể Giáo Hội dùng để thi hành quyền tha tội Chúa ban cho Giáo Hội đã trải qua khá nhiều thay đổi. Trong các thế kỷ đầu, việc hòa giải của Kitô hữu, những người đặc biệt phạm những tội trọng sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội, (như tội tôn thờ ngẫu tượng, sát nhân hay ngoại tình), bị trừng phạt rất nghiêm khắc, ở chỗ, trước khi được làm hòa với Giáo Hội, các hối nhân thường phải trải qua nhiều năm công khai đền tội lỗi của mình. Việc thừa nhận ‘thành phần hối nhân’ này (thành phần dính dáng đến một số trọng tội mà thôi) rất ít khi xẩy ra, ở vài nơi cả đời mới được một lần. Vào thế kỷ thứ bảy, chịu ảnh hưởng của truyền thống đan viện Đông Phương, các nhà truyền giáo người Ái Nhĩ Lan đã đem vào lục địa Âu Châu việc đền tội ‘riêng tư’, một việc không cần phải hoàn tất vấn đề đền tội công khai kéo dài trước khi làm hòa với Giáo Hội. Từ đó trở đi, bí tích này đã được cử hành âm thầm giữa hối nhân và vị linh mục. Việc thi hành mới mẻ ấy đã cho thấy được cơ hội lập lại bí tích này và vì thế cũng đã mở lối thường xuyên để đến với bí tích ấy. Việc này còn giúp vào vấn đề tha thứ cho cả tội trọng lẫn tội nhẹ có thể được thực hiện trong cùng một cử hành bí tích. Đó là hình thức đền tội vẫn được Giáo Hội thực hiện cho tới thời của chúng ta đây với những nét chính yếu của nó”. (số 1447)

 

·        Bí tích Thống Hối cũng có thể thực hiện trong khuôn khổ cử hành chung, một việc giúp chúng ta dọn mình chung trước khi xưng tội và cùng nhau cảm tạ ơn chúng ta được tha thứ... việc cử hành chung này nói lên cho thấy rõ hơn tính chất Giáo Hội của việc thống hối. Tuy nhiên, bất kể cử hành cách nào, tự bản chất của mình, bí tích Thống Hối bao giờ cũng là tác động phụng vụ, bởi thế là việc làm công khai của Giáo Hội (x Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 26-27; phụ chú của riêng người soạn: về vấn đề này xin xem lại số giáo lý 1069 về tính chất của phụng vụ nói chung)”. (số 1482)

 

·        Trong trường hợp hệ trọng cấp thiết cũng có thể cử hành việc hòa giải chung bằng việc xưng tội tập thể và xá tội tập thể. Trường hợp hệ trọng cấp thiết như thế có thể xẩy ra khi nguy tử đến nơi không kịp cho vị linh mục hay các vị linh mục giải tội cho từng hối nhân. Trường hợp hệ trọng cấp thiết cũng có thể xẩy ra khi không có đủ linh mục giải tội riêng cho một số hối nhân trong một thời gian thích hợp, do đó làm cho các hối nhân không được lãnh nhận ơn bí tích hay được Rước Lễ một thời gian dài không vì lỗi của họ. Trong trường hợp này, để việc xá giải có công hiệu, người tín hữu phải có ý định đi xưng thú riêng tội lỗi của mình trong một thời gian thích hợp (x Giáo Luật các khoản 962.1). Vị giám mục địa phận có quyền phán quyết về những điều kiện cần thiết cho việc giải tội tập thể (x Giáo Luật các khoản 961.2). Việc tín hữu tụ họp đông đảo vào dịp các ngày lễ chính hay các cuộc hành hương không phải là trường hợp hệ trọng cấp thiết (x Giáo Luật các khoản 961.1)”. (số 1483)

 

Bí tích Thống Hối chỉ được cử hành bởi những vị giám mục và linh mục thừa ủy:

 

·        Vì Chúa Kitô đã trao cho các vị tông đồ của Người thừa tác vụ hòa giải (x Jn 20:23; 2Cor 5:18), mà các vị giám mục là thừa kế của các tông đồ, và các vị linh mục là cộng tác viên của giám mục, mới là thành phần tiếp tục thi hành thừa tác vụ này. Thật vậy, bởi bí tích Truyền Chức Thánh, các vị giám mục và linh mục có quyền ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’ thứ tha tất cả mọi tội lỗi. (số 1461)

 

·        Việc tha thứ tội lỗi chẳng những làm cho hối nhân hòa giải với Thiên Chúa mà còn với cả Giáo Hội nữa. Từ cổ thời, vị giám mục là thủ lãnh hữu hình của một Giáo Hội riêng biệt mới đáng được coi là vị chính thức có quyền hành và thừa tác vụ hòa giải, ở chỗ, ngài là vị chủ trì qui luật đền tội (x Hiến Chế Lumen Gentium, 26.3). Các vị linh mục cộng tác viên của ngài thực hành quyền này là vì, theo luật Giáo Hội, các vị được ủy nhiệm bởi giám mục của mình (hay bởi bề trên nhà dòng) hoặc bởi Đức Giáo Hoàng (x Giáo Luật các khoản 844, 967-969, 972; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương khoản 722.3-4)”. (số 1462)

 

·        Có những trọng tội làm cho con người mất phép thông công, hình phạt nặng nhất của Giáo Hội, một hình phạt cấm không được lãnh nhận các bí tích và thi hành một số việc làm của Giáo Hội, và vì thế, theo giáo luật, việc xá giải chỉ được thực hiện bởi Đức Giáo Hoàng, giám mục sở tại hay vị linh mục được các ngài ủy quyền (x Giáo Luật các khoản 1331, 1354-1357; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương khoản 1431, 1434, 1420). Trong trường hợp nguy tử thì bất cứ vị linh mục nào, cho dù đã bị rút lại quyền giải tội, cũng được tha thứ mọi tội lỗi và vạ tuyệt thông”. (số 1463)

 

·        Vì tính cách tế nhị và cao cả của thừa tác vụ này cũng như vì sự tôn trọng xứng với con người, Giáo Hội truyền hết mọi vị linh mục ban phép giải tội buộc phải tuyệt đối giữ kín những tội hối nhân đã xưng thú với mình, bằng không sẽ bị phạt rất nặng. Ngài không được để ý tới những gì biết được trong tòa giải tội về đời sống của hối nhân (x Giáo Luật các khoản 1388.1; Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương khoản 1456). Bí mật buộc phải giữ kín không có luật trừ này được gọi là ‘ấn tín bí tích’, vì những gì hối nhân tỏ cho vị linh mục biết được bí tích ‘niêm ấn’”. (số 1467)

 

Bí tích Thống Hối thường được cử hành với công thức tha tội đặc biệt của Giáo Hội:

 

·        Công thức xá giải được Giáo Hội Latinh sử dụng nói lên những yếu tố của bí tích này, đó là Chúa Cha giầu lòng thương xót là nguồn của mọi ơn thứ tha. Ngài thể hiện việc hòa giải với tội nhân bằng Cuộc Vượt Qua của Con Ngài cùng với tặng ân của Thần Linh Ngài, qua lời cầu nguyện và thừa tác vụ của Hội Thánh:

 

Thiên Chúa là Cha nhân từ đã dùng sự chết và sự sống lại của Con Một Người mà giao hòa thế gian với Người, và đã ban Thánh Thần để tha tội, xin Người dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’”. (số 1449).

 

 

4.      BÍ TÍCH THỐNG HỐI VÀ HÒA GIẢI MỘT KHI ĐƯỢC BAN PHÁT THÌ CÓ NHỮNG TÁC DỤNG NHƯ THẾ NÀO NƠI HỐI NHÂN?

 

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, “các hiệu quả thiêng liêng của bí tích Thống Hối là: được hòa giải với Thiên Chúa nhờ đó hối nhân phục hồi lại ân sủng; được hòa giải với Giáo Hội; được tha các hình phạt đời đời do tội trọng mà có; được tha ít là một phần hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra; được bình an và yên tâm cùng được an ủi thiêng liêng; được tăng thêm sức thiêng cho cuộc chiến đấu của người Kitô hữu”. (số 1496). Thế nhưng, tác dụng chính yếu của bí tích Thống Hối vẫn là việc làm cho hối nhân được hòa giải với cả Thiên Chúa lẫn Giáo Hội. Phần hối nhân cũng có thể hưởng thêm ân xá để được giảm bớt các hình phạt tạm thời bởi tội lỗi của mình mà ra.

 

Bí tích Thống Hối làm cho hối nhân hòa giải cả với Thiên Chúa lẫn Giáo Hội:

 

·        ’Tất cả quyền năng của bí tích Thống Hối là ở chỗ phục hồi cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa và kết hợp chúng ta với Ngài một cách sâu xa thân tình’ (Sách Giáo Lý Rôma, II, V, 18). Như thế, mục đích và công hiệu của bí tích này là việc hòa giải với Thiên Chúa... Thật vậy, bí tích Hòa Giải với Thiên Chúa làm phát sinh ‘một cuộc phục sinh thiêng liêng’ thực sự, làm phục hồi phẩm vị và các phúc lành thuộc đời sống làm con cái Thiên Chúa, trong đó mối tâm giao với Thiên Chúa là cao quí nhất (x Lk 15:32)”. (số 1468)

 

·        Bí tích này hòa giải chúng ta với Giáo Hội. Tội lỗi làm hư hại hay thậm chí làm gián đoạn mối hiệp thông huynh đệ. Bí tích Thống Hối sửa chữa hay phục hồi mối hiệp thông này. Bởi thế, bí tích ấy chẳng những chữa lành con người được tái hiệp thông với Giáo Hội mà còn tái sinh động cả đời sống của Giáo Hội đã bị tổn thương bởi tội lỗi của một trong những phần tử của Giáo Hội nữa (x 1Cor 12:26). Được tái thiết hay kiên cường trong mối hiệp thông với các thánh, tội nhân được thêm sức mạnh nhờ việc trao đổi thiện ích thiêng liêng giữa tất cả các phần tử sống của Thân Thể Chúa Kitô, hoặc còn đang lữ hành hay đã ở trên quê trời (x Hiến Chế Lumen Gentium 48-50)”. (số 1469)

 

Hối nhân có thể hưởng ân xá để được giảm bớt các hình phạt bởi tội lỗi của mình:

·        ’Ân xá là được Chúa tha phạt tạm thời về những tội lỗi đã được thứ tha, một việc tha phạt mà người Kitô hữu xứng hợp nhận được theo một số điều kiện ấn định nhờ tác động của Giáo Hội là thừa tác viên của ơn cứu chuộc lấy quyền ban phát và áp dụng kho tàng đền bồi của Chúa Kitô và của các thánh cho’ (Đức Phaolô VI, tông hiến Indulgentiarum doctrina, Tiêu Chuẩn 1). ‘Ân xá có tiểu xá hay đại xá tùy theo việc ân xá tha cho từng phần hay cho tất cả mọi hình phạt tạm thời do tội phạm gây ra’ (cùng nguồn vừa dẫn, Tiêu Chuẩn 2, xem cả Tiêu Chuẩn 3). Ân xá có thể dùng cho cả kẻ sống lẫn người chết”. (số 1471)

 

·        “... Tội lỗi có một hậu quả lưỡng diện. Tội trọng làm cho chúng ta mất đi mối hiệp thông với Thiên Chúa, do đó, làm cho chúng ta mất khả năng sống trường sinh, một mất mát được gọi là ‘hình phạt đời đời’ của tội lỗi. Ngoài ra, hết mọi tội lỗi, cho dù là tội nhẹ, cũng bao gồm cả lòng dính bén không lành mạnh với tạo vật là những gì cần phải được thanh tẩy, hoặc ở ngay trên thế gian này hay sau khi chết trong một tình trạng được gọi là Luyện Ngục. Việc thanh tẩy này giải thoát người ta khỏi cái được gọi là ‘hình phạt tạm thời’ của tội lỗi...” (số 1472). “Việc thứ tha tội lỗi và phục hồi mối hiệp thông với Thiên Chúa bao gồm cả việc tha hình phạt đời đời của tội lỗi, song hình phạt tạm thời của tội vẫn còn đó...” (số 1473).

 

·        Kitô hữu tìm cách thanh tẩy bản thân cho khỏi tội lỗi của mình để nhờ ơn Chúa giúp được trở nên thánh thiện thì không lẻ loi một mình...” (số 1474). “Ân xá cá nhân Kitô hữu chiếm được là nhờ Giáo Hội, với thẩm quyền cầm buộc và tháo cởi được Chúa Kitô trao ban, đã can thiệp cho và mở ra cho họ kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô và của các thánh, để xin Chúa Cha giầu lòng thương xót tha thứ các hình phạt tạm thời gây ra bởi tội lỗi của họ...” (số 1478).

 

 

TÓM LẠI:

 

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng cải thiện đời sống là một ơn gọi (GL số 1427-1428) và vì thế nó cần phải có ơn Chúa mới thực hiện được (GL số 1430-1432). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, việc ăn năn thống hối âm thầm của con người trước nhan Chúa mà thôi bình thường vẫn chưa đủ để họ được chính thức tha tội, là vì tội nhân chẳng những phải làm hòa cùng Thiên Chúa là Đấng họ xúc phạm mà còn phải làm hòa với cả Giáo Hội cũng bị họ tác hại nữa (GL số 1440), một Giáo Hội đã được Chúa Kitô thực sự ban cho toàn quyền cầm buộc và tháo cởi trên trần gian này (GL số 1441-1442, 1444-1445, 1462). Nhất là vì “Chúa Kitô hành động nơi một một bí tích. Người nói riêng với mọi tội nhân rằng: ‘Hỡi con, tội lỗi con đã được thứ tha’ (Mk 2:5). Người là vị y sĩ coi sóc từng bệnh nhân cần chữa trị (x Mk 2:17)... Thế nên việc xưng tội riêng là hình thức hòa giải với Thiên Chúa cũng như với Giáo Hội hiển nhiên nhất” (GLGHCG số 1484). Bởi thế, “việc ăn năn thống hối tội lỗi đòi ... tội nhân phải vui lòng chịu đựng tất cả mọi sự, phải có một tấm lòng thống hối tội lỗi (GL số 1451-1453), phải dùng miệng lưỡi xưng thú tội lỗi (GL số 1456-1458) và phải thực hiện trọn vẹn đức khiêm nhượng cùng với việc đền bù tội lỗi thỏa đáng (GL số 1459-1460)” (GL số 1450). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết bí tích Thống Hối thường được cử hành riêng tư (GL số 1447), bởi những vị giám mục và linh mục mà thôi (GL số 1461-1463, 1467), với công thức tha tội đặc biệt của Giáo Hội (GL số 1449). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, bí tích Thống Hối làm cho hối nhân hòa giải cả với Thiên Chúa (GL số 1468) lẫn Giáo Hội (GL số 1469), và hối nhân cũng có thể hưởng thêm ân xá để được giảm bớt các hình phạt bởi tội lỗi của mình (GL số 1471-1474, 1478). 

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

1.      Thực tế cho thấy ngày nay người ta càng ngày càng ít đến với tòa giải tội. Trước hết là vì trào lưu khô đạo. Số người đi lễ còn sa sút huống nữa là đi xưng tội. Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến người ta không chịu và cảm thấy không cần đến với tòa giải tội là vì họ đã mất ý thức tội lỗi, tức là họ cho những gì vốn là tội (như ngừa thai nhân tạo, tiền dâm hậu thú, thậm chí phá thai, đồng tính luyến ái v.v.) không còn là tội nữa, mà là phúc lợi được làm (vì luật pháp cho phép) nên không có tội.

 

2.      Bởi thế, việc năng đến với tòa giải tội, nhất là ngày nay, hơn bao giờ hết, lại càng là dấu hiệu chứng tỏ con người còn lòng đạo, còn lương tâm chân chính, còn tỏ ra biết kính sợ Chúa, còn thực sự khao khát nhân đức trọn lành.

 

3.      Tuy nhiên, để bền đỗ và không ngại đến với tòa giải tội, chúng ta cần phải tập thói quen và giữ thói quen đi xưng tội định kỳ, như hằng tuần trước Thánh Lễ, hoặc hằng tháng vào Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng như Đức Mẹ kêu gọi ở Fatima.

 

4.      Và để việc thường xuyên xưng tội theo định kỳ này khỏi trở thành một việc làm máy móc theo thói quen, trái lại, càng ngày càng sinh hoa kết trái thiêng liêng hơn nữa, chúng ta phải nhất định ăn năn dốc lòng chừa các lỗi phạm theo thói quen, dù nhẹ và vô ý mấy đi nữa.

 

5.      Chẳng hạn, một khi xưng tội đọc kinh cầu nguyện cứ hay chia trí, chúng ta chẳng những phải xét xem tại sao chúng ta hay bị như vậy để tìm cách tránh cơ hội chia trí, cũng như phải tìm hết cách để chữa cho khỏi tái vấp phạm lỗi lầm này bằng được, mà hằng ngày còn phải để ý kiểm điểm xem mình có thực sự nỗ lực sửa chữa điều xưng tội chia trí đã dốc lòng chừa này chăng.