Bài Giáo Lý số 26
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
(Bí Tích Thứ Nhất Phục Vụ Mối Hiệp Thông)
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
L
ãnh vực tự nhiên cho thấy, để hiện hữu trên trần gian này, con người không phải có thể tự mình từ “bụi chuối chui lên”, mà phải được sinh ra bởi cha mẹ. Cũng thế, để trưởng thành cả về phần xác lẫn tinh thần, con người còn phải được cha mẹ sinh ra mình dưỡng dục cho nữa. Ngoài ra, con người còn cần đến cả lương y chữa trị bệnh tật về cả phần xác lẫn tâm thần cho mình nữa để có thể bảo trì sức khỏe mà vui sống. Vai trò sinh dưỡng con cái cùng với vai trò lương y chữa trị bệnh nhân trong tổ chức xã hội trần thế này, về phương diện của đời sống thiêng liêng, được thể hiện nơi vai trò tư tế của hàng giáo phẩm, giáo sĩ và phó tế thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng như Giáo Hội Chính Thống Đông Phương: “Những ai lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh được thánh hiến để nhân danh Chúa Kitô ‘nuôi dưỡng Giáo Hội bằng lời Chúa và ơn Chúa’ (Lumen Gentium, 11.2)” (GLGHCG số 1535); “Các Chức Thánh là bí tích giúp sứ mệnh Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Giáo Hội cho đến tận thế, bởi vậy mới được gọi là bí tích của sứ vụ tông đồ. Bí tích này gồm có ba cấp, đó là cấp giáo phẩm, giáo sĩ và phó tế” (GLGHCG số 1536). Thế nhưng,
- Tại sao chức thánh lại được chia làm ba cấp? Phạm vi của mỗi cấp ra sao?
- Bí tích truyền chức thánh được cử hành ra sao?
- Công hiệu của bí tích này như thế nào nơi thụ lãnh nhân?
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. TẠI SAO CHỨC THÁNH ĐƯỢC CHIA LÀM BA CẤP? PHẠM VI MỖI CẤP RA SAO?
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khi được rửa tội thì tất cả mọi Kitô hữu đã được tham dự vào chức tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô (xem GL số 1546). Tuy nhiên, chức tư tế phổ quát (common priesthood) này, về cả bản chất lẫn cấp độ, thực sự khác hẳn với chức tư tế thừa tác (ministerial priesthood), ở chỗ, “chức tư tế thừa tác là để phục vụ cộng đồng tư tế phổ quát... Chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Kitô dùng để không ngừng xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội của Người. Vì thế chức này mới được truyền đạt bằng một bí tích riêng, đó là bí tích Truyền Chức Thánh” (GL số 1547). Thành phần chịu chức tư tế thừa tác lãnh nhận “linh quyền” (sacred power) của Chúa Kitô (xem GL số 1551) để có thể chẳng những đóng vai của Người là đầu (in persona Christi Capitis) trong việc phục vụ Giáo Hội (xem GL số 1548), đến nỗi, bất cứ tội lỗi hay yếu hèn nào nơi bản thân của thừa tác viên cũng không làm cản trở việc thông ban ân sủng (xem GL số 1550 và xem cả số 1584), mà còn nhân danh toàn thể Giáo Hội trong việc phụng vụ Thiên Chúa nữa (xem GL số 1552). Thế nhưng, sở dĩ chức tư tế thừa tác có ba cấp là vì thiên chức này được bắt nguồn từ cơ cấu quản trị và phụng tự trong Cựu Ước được thể hiện qua “vai trò tư tế của Aaron và vai trò phục vụ của chi Lêvi, cùng với việc thiết lập 70 vị kỳ lão” (GL số 1548), nhất là vì cấp độ của thiên chức này trong việc tham dự vào tông đồ tính của mỗi cấp: cấp giáo phẩm lãnh nhận trọn vẹn chức thánh, cấp giáo sĩ là cộng tác viên của các vị giám mục và cấp phó tế là để phục vụ.
Cấp giáo phẩm lãnh nhận trọn vẹn chức thánh:
· “Để hoàn tất sứ mệnh cao cả của mình, ‘các tông đồ đã nhận được Thánh Linh do Chúa Kitô tuôn đổ xuống trên các vị, để rồi, bằng việc đặt tay, các vị thông cho những người phụ tá của mình tặng ân Thần Linh này, một tặng ân được truyền đạt cho tới thời của chúng ta đây qua việc thánh hiến để làm giám mục’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 21; x Acts 1:8, 2:4; Jn 20:22-23; 1Tim 4:14; 2Tim 1:6-7)”. (số 1556)
· “Công Đồng Chung Vaticanô II ‘dạy... rằng trọn vẹn bí tích Truyền Chức Thánh được ban phát qua việc thánh hiến để làm giám mục, một mức độ trọn vẹn, theo truyền thống phụng vụ của Giáo Hội cũng như theo ngôn từ được các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội sử dụng, được gọi là chức thượng tế, tột đỉnh của thừa tác vụ thánh’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 21.2)”. (số 1557)
· “Thật vậy... bằng việc đặt tay và nhờ lời thánh hiến, âu sủng của Chúa Thánh Thần đã được thông ban và tính chất linh thánh được in ấn đến nỗi làm cho các vị giám mục đóng vai trò của chính Chúa Kitô một cách trổi vượt và cụ thể trong việc làm thày, làm mục tử và làm tư tế để tác hành như vị đại diện của Người (in Eius persona agant)’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 21). ‘Do đó, bởi Thánh Linh là Đấng đã được ban cho mình, các vị giám mục trở thành những thày dạy thực sự và chuyên chính của đức tin cũng như thành các vị giáo chủ và mục tử’ (Sắc Lệnh về Giám Mục, 2.2)”. (số 1558)
Cấp giáo sĩ là cộng tác viên của các vị giám mục:
· “... Phận vụ thừa tác của các vị giám mục được thông đạt xuống một phụ cấp cho các linh mục, để các linh mục này được bổ nhiệm vào hàng tư tế mà trở thành các cộng sự viên của hàng giáo phẩm trong việc hoàn tất tương xứng với sứ vụ tông đồ được Chúa Kitô ủy thác cho mình’ (Sắc Lệnh về Linh Mục, 2.2)”. (số 1562)
· “Vì được liên kết với hàng giáo phẩm, vai trò linh mục cũng được thông phần vào quyền bính Chúa Kitô đã dùng để xây dựng và thánh hóa cùng cai trị Thân Mình của Người...”. (số 1563)
· “’Mặc dù không ở thượng cấp của vai trò làm giáo chủ, và bất kể sự kiện phải lệ thuộc vào giám mục trong việc thi hành năng quyền xứng hợp với mình đi nữa, các linh mục vẫn được liên kết với các giám mục theo phẩm vị linh mục của mình; và bởi bí tích Truyền Chức Thánh, các vị được thánh hiến theo hình ảnh của Chúa Kitô, vị linh mục tối cao đời đời, để rao giảng Phúc Âm và chăn dắt tín hữu cũng như để cử hành việc tôn thờ thần linh như là những vị linh mục đích thực của Tân Ước’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 28; x Heb 5:1-10, 7:24, 9:11-28; Đức Innôcentê I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554 A; Thánh Gregory of Nazianzus, Oratio 2, 22: PG 35, 432B)”. (số 1564)
· “Linh mục có thể thi hành thừa tác vụ của mình hoàn toàn tùy theo đức giám mục cũng như trong mối hiệp thông với các ngài. Lời hứa vâng phục các vị tuyên ngôn với giám mục trong lúc được truyền chức và cử chỉ ôm hôn bình an của các giám mục vào cuối phụng vụ truyền chức cho thấy các giám mục coi các vị là những cộng sự viên, con cái, anh em và bạn hữu của mình, đối lại các vị phải yêu kính và tuân phục các ngài”. (số 1567)
Cấp phó tế là để phục vụ:
· “Ở bậc thấp hơn hàng giáo phẩm là các vị phó tế, thành phần được đặt tay ‘không phải để lãnh chức vị linh mục mà là để phục vụ’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 29; x Sắc Lệnh về Giám Mục, 15). Trong việc phong chức phó tế, chỉ có giám mục mới đặt tay trên tuyển nhân, đã nói lên cho thấy việc gắn bó đặc biệt của vị phó tế với đức giám mục trong các công việc ‘diakonia’ (phục vụ) của mình (x Thánh Hippolytus, Trad. ap. 8: SCh 11, 58-62)”. (số 1569)
· “Các phó tế thông phần vào sứ vụ và ân sủng của Chúa Kitô một cách đặc biệt (x Hiến Chế Lumen Gentium 41; Sắc Lệng về Tông Đồ Giáo Dân, 16). Bí tích Truyền Chức Thánh ghi dấu nơi họ, một dấu không thể xóa bỏ và làm cho họ nên giống Chúa Kitô, Đấng đã làm cho mình trở thành ‘phục vụ viên’ hay tôi tớ của tất cả mọi người (x Mk 10:45; Lk 22:27; Thánh Polycapô, Ad Phil. 5, 2: SCh 10, 182). Trong các phận sự mình làm, việc của phó tế là phụ giúp giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là Thánh Lễ, trong việc phân phát Thánh Thể, trong việc phụ giúp và chúc phúc cho các cuộc hôn phối, trong việc công bố Phúc Âm và việc giảng dạy, trong việc chủ sự các cuộc an táng, và trong việc dấn thân vào các thừa tác vụ bác ái khác nhau (x Hiến Chế Lumen Gentium, 29; Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 35.4; Sắc Lệnh Truyền Giáo, 16)”. (số 1570)
· “Trong lúc các Giáo Hội Đông Phương luôn bảo trì chức phó tế thì kể từ Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hội Latinh đã tái lập chức này ‘như là một cấp vĩnh viễn riêng biệt của hàng phẩm trật’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 29.2). Chức phó tế vĩnh viễn này, một chức có thể được ban cho nam nhân có gia đình, làm cho sứ mệnh của Giáo Hội thêm phong phú”. (số 1571)
2. BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH ĐƯỢC CỬ HÀNH RA SAO?
Về việc cử hành bí tích Truyền Chức Thánh, cũng như các bí tích khác, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã nhắc lại những vấn đề chính yếu trực tiếp liên quan đến lễ nghi, đến thừa tác viên cũng như đến thụ lãnh nhân của bí tích Truyền Chức Thánh này.
Lễ nghi của bí tích Truyền Chức Thánh:
· “Vì tầm quan trọng của việc truyền chức giám mục, linh mục hay phó tế đối với đời sống của Giáo Hội riêng biệt mà vấn đề cử hành việc này cần phải có nhiều người tham dự bao nhiêu có thể. Hay nhất là cử hành vào Chúa Nhật, ở vương cung thánh đường, một cách long trọng xứng với hoàn cảnh của việc này... trong phụng vụ Thánh Thể”. (số 1572)
· “Lễ nghi chính yếu của bí tích Truyền Chức Thánh cho cả ba cấp là ở việc vị giám mục đặt tay trên đầu của người lãnh chức, cũng như ở lời vị giám mục nguyện cầu thánh hiến xin Thiên Chúa tuôn đổ Thánh Linh cùng các tặng ân của Ngài xuống hợp với thừa tác vụ tuyển viên đang thụ lãnh (x Đức Piô XII, tông hiến Sacramentum Ordinis: DS 3858)”. (số 1573)
Thừa tác viên của bí tích Truyền Chức Thánh:
· “Vì bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích của thừa tác vụ tông đồ mà các giám mục là thừa kế của các vị tông đồ cần phảithực hiện việc truyền đạt ‘tặng ân Thần Linh’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 21.2), truyền đạt ‘hàng ngũ tông đồ’ (cùng nguồn vừa dẫn, 20). Các vị giám mục đã được thụ phong thành hiệu, như những vị theo hàng ngũ thừa kế tông đồ chẳng hạn, có thực quyền ban phát ba cấp của bí tích Truyền Chức Thánh”. (số 1576)
Thụ lãnh nhân của bí tích Truyền Chức Thánh:
· “’Chỉ có nam nhân đã chịu phép rửa mới lãnh nhận chức thánh hiệu thành mà thôi’ (Giáo Luật khoản 1024). Chúa Giêsu đã chọn nam nhân để làm nên tông đồ đoàn, và các vị tông đồ cũng làm như vậy khi các vị chọn các cộng tác viên để truyền lại cho họ thừa tác vụ của mình (x Mk 3:14-19; Lk 6:12-16; 1Tim 3:1-13; 2Tim 1:6; Titus 1:5-9; Thánh Clement of Rome, Ad Cor. 42, 4, 44, 3: PG 1, 292-293, 300)... Giáo Hội nhìn nhận mình buộc phải làm theo việc đã được chính Chúa định đoạt này. Ví lý do ấy, không thể nào truyền chức cho nữ giới (x Đức Gioan Phaolô II, Mulieris Dignitatem, 26-27; Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, tuyên ngôn Inter Insigniores: AAS 69 năm 1977, 98-116)”. (số 1577)
· “Tất cả mọi thừa tác viên thánh chức của Giáo Hội Latinh, ngoại trừ các phó tế vĩnh viễn, thường được chọn trong số nam nhân sống đức tin còn độc thân và có ý sống độc thân ‘vì nước trời’ (Mt 19:12)... Được kêu gọi hiến mình cho Chúa cũng như cho ‘các việc của Chúa’ (1Cor 7:32) bằng một con tim không phân chia, họ hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa và cho con người. Sống độc thân là dấu hiệu của đời sống mới để phục vụ ấy, một đời sống phục vụ mà vị thừa tác viên của Giáo Hội được thánh hiến để thực hiện; chấp nhận với một tấm lòng hoan hỉ, cuộc sống độc thân này là việc hiển nhiên loan báo Triều Đại Thiên Chúa (x Sắc Lệnh về Linh Mục, 16)”. (số 1579)
· “Các Giáo Hội Đông Phương theo một qui luật khác đã từng được thi hành qua nhiều thế kỷ, ở chỗ, các giám mục chỉ được chọn trong số các người độc thân, còn các người có gia đình có thể lãnh chức phó tế và linh mục. Tập tục này từ lâu vốn được coi là hợp pháp; những vị linh mục ấy thi hành thừa tác vụ của mình cách tốt đẹp trong cộng đồng của họ (x Sắc Lệnh về Linh Mục, 16). Tuy nhiên, việc sống đời linh mục độc thân vẫn được coi trọng ở các Giáo Hội Đông Phương này và nhiều vị linh mục tình nguyện sống như vậy vì Nước Thiên Chúa. Ở cả Đông lẫn Tây, người nào đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh thì không được lập gia đình nữa”. (số 1580)
3. CÔNG HIỆU CỦA BÍ TÍCH NÀY NHƯ THẾ NÀO NƠI THỤ LÃNH NHÂN?
Về công hiệu của bí tích Truyền Chức Thánh, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác nhận bí tích này in ấn nơi thụ lãnh nhân một dấu không thể xóa bỏ và ban cho họ ân sủng của Thánh Linh.
In ấn nơi thụ lãnh nhân một dấu không thể xóa bỏ:
· “... Như bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, bí tích Truyền Chức Thánh in ấn một dấu thiêng liêng không thể xóa bỏ và không thể tái ban hay tạm ban (x Công Đồng Chung Triđentinô: DS 1767; Hiến Chế Lumen Gentium, 21, 28, 29: Sắc Lệnh về Linh Mục, 2)” (số 1581). “Thật vậy, người đã chịu chức thánh hiệu, vì lý do chính đáng, chỉ có thể bị bãi nhiệm khỏi những trọng trách và phận vụ liên quan đến thánh chức, hay chỉ có thể bị cấm không được thi hành các trách vụ này mà thôi; chứ họ không thể trở lại làm giáo dân theo nghĩa hẹp (x Giáo Luật các khoản 290-293, 1336.1, 1338.2; Công Đồng Chung Triđentinô: DS 1774), vì dấu do chức thánh in ấn là dấu vĩnh viễn. Ơn gọi và sứ vụ họ nhận được trong ngày lãnh chức thì vĩnh viễn ghi dấu nơi họ” (số 1583).
Ban cho thụ lãnh nhân ân sủng của Thánh Linh:
· “Ân sủng của Thánh Linh hợp với bí tích này là làm cho thụ lãnh nhân nên giống Chúa Kitô Tư Tế, Thày Dạy và Mục Tử, Đấng họ được chịu chức để làm thừa tác viên của Người”. (số 1585)
TÓM LẠI:
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khi được rửa tội thì tất cả mọi Kitô hữu đã được tham dự vào chức tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô (xem GL số 1546). Tuy nhiên, chức tư tế phổ quát (common priesthood) này, về cả bản chất lẫn cấp độ, thực sự khác hẳn với chức tư tế thừa tác (ministerial priesthood), ở chỗ, “chức tư tế thừa tác là để phục vụ cộng đồng tư tế phổ quát... Chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Kitô dùng để không ngừng xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội của Người. Vì thế chức này mới được truyền đạt bằng một bí tích riêng, đó là bí tích Truyền Chức Thánh” (GL số 1547). Thành phần chịu chức tư tế thừa tác lãnh nhận “linh quyền” (sacred power) của Chúa Kitô (xem GL số 1551) để có thể chẳng những đóng vai của Người là đầu (in persona Christi Capitis) trong việc phục vụ Giáo Hội (xem GL số 1548), đến nỗi, bất cứ tội lỗi hay yếu hèn nào nơi bản thân của thừa tác viên cũng không làm cản trở việc thông ban ân sủng (xem GL số 1550 và xem cả số 1584), mà còn nhân danh toàn thể Giáo Hội trong việc phụng vụ Thiên Chúa nữa (xem GL số 1552). Thế nhưng, sở dĩ chức tư tế thừa tác có ba cấp là vì thiên chức này được bắt nguồn từ cơ cấu quản trị và phụng tự trong Cựu Ước được thể hiện qua “vai trò tư tế của Aaron và vai trò phục vụ của chi Lêvi, cùng với việc thiết lập 70 vị kỳ lão” (GL số 1548), nhất là vì cấp độ của thiên chức này trong việc tham dự vào tông đồ tính của mỗi cấp: cấp giáo phẩm lãnh nhận trọn vẹn chức thánh (GL số 1556-1558), cấp giáo sĩ là cộng tác viên của các vị giám mục và cấp phó tế là để phục vụ. Về việc cử hành bí tích Truyền Chức Thánh, cũng như các bí tích khác, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã nhắc lại những vấn đề chính yếu trực tiếp liên quan đến lễ nghi (GL số 1572-1573), đến thừa tác viên (GL số 1576), cũng như đến thụ lãnh nhân (GL số 1578-1580) của bí tích Truyền Chức Thánh này. Về công hiệu của bí tích Truyền Chức Thánh, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác nhận bí tích này in ấn nơi thụ lãnh nhân một dấu không thể xóa bỏ (GL số 1581, 1583) và ban cho họ ân sủng của Thánh Linh (GL số 1585).
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. Vì tội lỗi và yếu hèn nơi con người của các vị có chức thánh, nhất là trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ, không làm các vị mất đi quyền linh thay thế Chúa Kitô trong việc thông ban ân sủng qua các bí tích mà giáo dân vẫn phải trọng kính các vị. Nếu các vị làm điều gì thực sự gây ra gương mù gương xấu có hại đến cộng đồng dân Chúa, giáo dân nên khôn ngoan và trọng kính cho các vị biết. Nếu các vị nhất định không chịu sửa sai, sự việc bấy giờ mới nên trình lên thẩm quyền của các vị để được giải quyết trong phạm vi của nó.
2. Phần các vị tư tế đã được “bí tích Truyền Chức Thánh thông cho một ‘linh quyền’ chính là linh quyền của Chúa Kitô’. Bởi thế, việc thi hành quyền bính này phải dựa theo gương của Chúa Kitô, Đấng vì yêu thương tự mình trở nên nhỏ mọn nhất và làm tôi tớ mọi người (x Mk 10:43-45; 1Pt 5:3)”. (GL số 1551)