Bài Giáo Lý số 29 

CON NGƯỜI: LƯƠNG TÂM, NHÂN ĐỨC VÀ TỘI LỖI 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

K

inh nghiệm sống chẳng những cho thấy “nhân chi sơ tính bản thiện” mà còn cho thấy “nhân chi sơ tính bản ác” nữa. Không phải hay sao, ai có thể lấy đồ chơi trong tay của một đứa bé mới biết chơi đồ chơi, kể cả cha mẹ của nó? Nó sẽ khóc nếu đồ chơi của nó bị lấy đi. Lớn hơn một tí nữa, thậm chí nó còn có thể đánh đứa nhỏ nào dám giành đồ chơi của nó. Thế nhưng, thiện và ác không phải là những gì con người có thể hay được quyền tự động nghĩ ra hay đặt ra cho mình, tức không phải là sản phẩm thuần túy nhân tạo, để con người toàn quyền định đoạt theo thị hiếu hay khả năng của mình, như khuynh hướng luân lý chủ quan của con người văn minh tân tiến ngày nay, một khuynh hướng đang đảo lộn tất cả mọi giá trị luân lý cổ truyền và qui tắc luân lý phổ quát. Tuy vậy, tâm lý cũng cho thấy, nếu không có lương tâm, dù có lý trí để hướng về và tìm kiếm sự thật, có lòng muốn để hướng về và tìm kiếm sự thiện, cũng như có tự do để chọn lựa và thực hiện những gì chân thật theo ý nghĩ và thiện hảo theo ước mong của mình đi nữa, con người vẫn không thể nhận ra sự thật và sự thiện, tức vẫn không thể phân biệt được đâu là đúng hay sai, đâu là phải hay trái, đâu là tốt hay xấu, đâu là thiện hay ác v.v., và bởi thế họ cũng không thể nào đạt được sự thật và sự thiện, nghĩa là cũng không thể nào sống một đời sống đức hạnh một cách chân chính và tốt lành, trái lại, họ chắc chắn sẽ sống một đời sống tội lỗi một cách lầm lạc và bất hạnh.

 

Nếu những khả năng tâm linh (lý trí và lòng muốn) và quyền lực tự do nơi con người làm cho họ sống động như một loài “nhân linh ư vạn vật” của mình, thì lương tâm và đức hạnh làm cho họ thực sự thành nhân xứng với phẩm giá “làm chủ trái đất” (Gen 1:28) của họ, một sinh vật “không nguyên sống bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Deut 8:3). Vậy, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo:

 

1.      Lương tâm là gì và đóng vai trò như thế nào trong đời sống luân lý của con người?

2.      Làm sao biết được con người sống đức hạnh? Những đức hạnh đó là gì và ra sao?

3.   Làm sao biết được con người sống tội lỗi? Tội lỗi của con người là gì, có bao nhiêu thứ, nặng nhẹ ra sao và hậu quả thế nào?

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

1.      LƯƠNG TÂM LÀ GÌ VÀ ĐÓNG VAI TRÒ NHƯ THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ CỦA CON NGƯỜI?

 

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận bản chất và ý nghĩa của lương tâm, cùng với vai trò và phận sự của lương tâm trong đời sống luân lý của con người như sau.

 

Bản chất và ý nghĩa của lương tâm:

 

·        Lương tâm là phán đoán của trí khôn làm cho con người nhận ra tính chất luân lý nơi một tác động cụ thể họ sắp làm, đang làm hay đã làm”. (số 1778)

 

·        “... Lương tâm bao gồm việc nhận thức về các nguyên tắc luân lý; việc áp dụng các nguyên tắc này vào các trường hợp xẩy ra bằng cách thực tế phân tách những lý do và thiện ích; và sau cùng là việc phán đoán về các tác động cụ thể chưa thực hiện hay đã thi hành”. (số 1780)

 

·        Con người có quyền tác hành theo lương tâm và tự do để tự mình có những quyết định về phương diện luân lý. ‘Họ không thể bị áp lực làm trái với lương tâm của họ. Họ cũng không bị ngăn cản hành động theo lương tâm của mình, nhất là về những vần đề tôn giáo’ (Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae, 3.2)”. (số 1782)

 

Vai trò và phận sự của lương tâm:

 

·        Lương tâm khiến chúng ta có trách nhiệm về các việc mình làm. Nếu một người phạm điều gian ác thì phán đoán chính trực của lương tâm vẫn ở nơi họ để minh chứng về thực tại phổ quát của sự thiện cũng như của sự dữ được họ cụ thể chọn lựa”. (số 1781)

 

·        “Lương tâm cần phải được đào luyện cũng như phán đoán về luân lý cần phải được soi sáng. Một lương tâm được đào luyện kỹ lưỡng thì ngay thẳng và chân thật. Nó có những phán đoán theo lý trí, hợp với sự thiện chân chính đúng như ý muốn khôn ngoan của Tạo Hóa. Việc giáo dục lương tâm con người là một việc không thể châm chước, thành phần bị nhiều ảnh hưởng tiêu cực cũng như bị tội lỗi lôi kéo theo phán đoán riêng tư mà phủ nhận những giáo huấn có thẩm quyền”. (số 1783)

 

·        “... Tuy nhiên, có thể xẩy ra trường hợp là lương tâm luân lý ở trong tình trạng vô thức và có những phán đoán sai lầm về các việc cần phải thi hành hay đã thực hiện(số 1790). “Cá nhân thường phải chịu trách nhiệm về tình trạng vô thức này. Đó là trường hợp một người ‘ít lo lắng tìm hiểu đâu là chân thật và thiện hảo, hay lương tâm bị thói quen phạm tội hầu như tới độ làm cho nó trở thành mù quáng. Trong những trường hợp như vậy người ta có lỗi về sự dữ mình làm” (số 1791). “Ngược lại, nếu tình trạng vô thức không thể tránh được, hay chủ thể luân lý không chịu trách nhiệm về phán đoán sai lạc của mình, thì không thể qui lỗi cho người ấy về sự dữ họ gây ra. Đó chỉ là một sự dữ thuần túy, một thiếu sót, một lệch lạc. Do đó, người ta phải thực hiện việc sữa chữa các lỗi lầm của lương tâm luân lý” (số 1793).

 

 

2.      LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC CON NGƯỜI SỐNG ĐỨC HẠNH? NHỮNG ĐỨC HẠNH ĐÓ LÀ GÌ VÀ RA SAO?

 

Để biết được con người có đức hạnh hay không, nói cách khác, làm sao biết được đâu là một con người đức hạnh, chúng ta chỉ cần biết Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xác định đức hạnh là gì và ra sao là đủ.

 

Đức Hạnh là gì?

 

·        Đức hạnh là một quán tính thường xuyên và vững chắc trong việc làm lành. Nó khiến con người chẳng những thực hiện các việc lành mà còn trao ban cả những gì quí nhất của  bản thân họ nữa. Con người đức hạnh hướng về sự thiện với tất cả khả năng về cảm quan cũng như về tinh thần của họ; họ theo đuổi sự lành và chọn sự lành bằng các việc làm cụ thể. ‘Mục tiêu của cuộc sống đức hạnh là trở nên giống như Thiên Chúa’ (Thánh Gregory of Nyssa, De Beatitudinibus, 1: PG 44, 1200D)(số 1803).

 

·        Nhân đức là những thái độ quen thuộc, những quán tính vững chắc, những thói quen trọn hảo của lý trí và lòng muốn trong việc điều khiến hành vi cử chỉ của chúng ta, trong việc tiết độ những đam mê của chúng ta, cũng như trong việc hướng dẫn tác hành của chúng ta theo lý trí và đức tin. Chúng làm cho chúng ta có thể dễ dàng, tự chủ và hân hoan sống một cuộc sống tốt lành về luân lý. Con người đức hạnh là kẻ tự do hành thiện. Các nhân đức về luân lý có thể đạt được bằng nỗ lực của con người. Chúng là hoa trái và là mầm mống của các hành động lành thánh về luân lý; chúng giúp cho tất cả mọi khả năng của con người được hiệp thông với tình yêu thần linh” (số 1804).

 

·        “Các nhân đức được ăn sâu vào các thần đức, những thần đức làm cho các tài năng của con người thích ứng với việc tham dự vào bản tính thần linh (x 2Pt 1:4): vì các thần đức trực tiếp liên hệ với Thiên Chúa. Chúng giúp Kitô hữu sống trong mối liên hệ với Chúa Ba Ngôi. Chúng có Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi là nguồn gốc, động lực và đối tượng” (số 1812).

 

Đức hạnh ra sao?

 

Theo truyền thống, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chia các Đức Hạnh ra làm hai loại, bốn đức hạnh về luân lý gọi là luân đức, và ba đức hạnh hướng về thần linh gọi là thần đức, như sau.

 

Bốn luân đức

 

·        Bốn đức hạnh đóng vai trò chủ chốt và vì thế được gọi là bốn đức ‘trụ’; tất cả những đức khác đều xoay quanh bốn đức này. Đó là đức: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. ‘Nếu ai yêu mến đức công minh chính trực thì những việc làm Khôn Ngoan là các đức độ; vì Khôn Ngoan dạy sống tiết độ và khôn ngoan, công bình và can đảm’ (Wis 8:7)” (số 1805).

 

·        Khôn ngoan là đức giúp cho trí khôn thực tiễn của con người trong việc nhận thức được sự thiện chân thực của mình trong mọi hoàn cảnh cũng như trong việc chọn lựa phương tiện chính đáng để chiếm lấy nó... Chính khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn phán đoán của lương tâm. Con người khôn ngoan quyết định và hướng dẫn tác hành của mình theo phán đoán này. Nhờ đức này hỗ trợ, chúng ta biết áp dụng chắc chắn các nguyên tắc luân lý vào những trường hợp riêng biệt, và vượt qua được các mập mờ về sự thiện cần phải đạt đến cững như sự dữ cần phải tránh lánh” (số 1806).

 

·        Công bằng là luân đức hệ tại ý muốn liên lỉ và mạnh mẽ trả về cho Thiên Chúa và tha nhân những gì xứng hợp với Thiên Chúa và tha nhân. Đức công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là ‘đức thờ phượng’. Đức công bằng đối với tha nhân giúp cho người ta biết tôn trọng các quyền lợi của mỗi người và thiết lập nơi những liên hệ về nhân bản một tình trạng hòa hợp đưa đến bình đẳng liên quan đến con người và công ích” (số 1807).

 

·        Can đảm là luân đức làm con người kiên vững trong những lúc gặp khó khăn thử thách cùng kiên trì theo đuổi sự thiện. Nó tăng cường việc dứt khoát chống trả các chước cám dỗ và thắng vượt các trở ngại trong đời sống luân lý. Đức can đảm giúp cho người ta chế ngự sợ hãi, ngay cả sợ chết, mà đương đầu với các thử thách và bắt bớ” (số 1808).

 

·        Tiết độ là luân đức điều chế sự lôi cuốn của khoái lạc và giúp cho việc sử dụng các sản vật đời này ở một mức độ quân bình. Nó cho thấy vai trò chủ trị của ý muốn trên các bản năng và giữ cho các ước muốn trong tầm giới của những gì cao quí. Con người tiết độ là người biết điều khiển các thị hiếu về cảm quan đối với những gì tốt lành và bảo tồn những nhận thức lành mạnh” (số 1809).

 

Ba thần đức

 

·        Các thần đức là nền tảng cho sinh hoạt luân lý của Kitô hữu; chúng làm linh hoạt và hiến cho sinh hoạt này một đặc tính riêng. Chúng đào luyện và làm cho tất cả mọi luân đức có hồn. Chúng được Thiên Chúa phú bẩm vào linh hồn tín hữu để làm cho họ có thể tác hành như con cái của Ngài và chiếm được sự sống trường sinh. Chúng là bảo chứng cho việc hiện diện cũng như cho tác động của Chúa Thánh Thần nơi các quan năng của con người. Có ba thần đức là tin, cậy và mến” (số 1813).

 

·        Đức tin là thần đức làm cho chúng ta tin vào Thiên Chúa và vào tất cả những gì Ngài truyền dạy cùng mạc khải cho chúng ta, cũng như vào tất cả những gì Hội Thánh dạy chúng ta phải tin tưởng, vì Ngài là chính sự thật. Bởi đức tin, ‘con người tự nguyện hiến toàn thân cho Thiên Chúa’ (Hiến Chế Dei Verbum, 5). Đó là lý do tín hữu phải tìm biết và làm theo ý muốn của Thiên Chúa. ‘Người lành sống bởi đức tin’. Sống đức tin ‘thể hiện qua đức ái’ (Rm 1:17; Gal 5:6)’” (số 1814). “Ơn đức tin chỉ có ở nơi người nào không phạm đến đức tin. Thế nhưng ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Jas 2:26), ở chỗ, khi đức tin thiếu đức cậy và đức mến, đức tin không hoàn toàn liên kết tín hữu với Chúa Kitô và không làm cho họ thành một phần tử sống động của Thân Mình Người” (số 1815). “Môn đệ của Chúa Kitô chẳng những phải giữ đức tin và sống đức tin mà còn phải tuyên xưng đức tin, bằng việc tin tưởng làm chứng đức tin và truyền bá đức tin nữa...” (số 1816).

 

·        Đức cậy là thần đức làm cho chúng ta ước mong nước trời cùng với sự sống trường sinh như là hạnh phúc của chúng ta, bằng việc chúng ta đặt lòng tin tưởng của mình vào những lời hứa của Chúa Kitô và không cậy dựa vào sức riêng của mình song vào ơn trợ giúp của Thánh Linh” (số 1817). “Đức cậy đáp ứng khát vọng hạnh phúc Thiên Chúa đã đặt nơi cõi lòng mọi người; đức cậy thăng hóa các niềm hy vọng thúc đẩy con người hoạt động và thanh tẩy chúng để hướng chúng về Nước trời; đức cậy giữ cho con người khỏi bị thất đảm; đức cậy bảo trì họ trong những lúc họ bị bỏ rơi; đức cậy mở rộng lòng họ ra để mong đợi vinh phúc...”. “Đức cậy được thể hiện và nuôi dưỡng bằng việc nguyện cầu, nhất là bằng Kinh Lạy Cha, bản tóm lược mọi sự mà chúng ta ước mong theo như lòng trông cậy” (số 1818).

 

·        Đức mến là thần đức làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình vì tình yêu Thiên Chúa” (số 1822). “Việc thực hành tất cả mọi đức hạnh được linh hoạt và thúc đẩy bởi đức mến, một đức ‘liên kết mọi sự lại hoàn toàn hòa hợp với nhau’ (Col 3:14); đức ái là mô thức của các đức hạnh; đức ái tác động và điều khiển giữa các đức hạnh với nhau; đức ái là nguồn mạch và là mục tiêu của việc thực hành đức hạnh Kitô Giáo. Đức ái nâng đỡ và thanh tẩy khả năng loài người của chúng ta và nâng những khả năng ấy lên bậc trọn lành siêu nhiên của tình yêu thần linh” (số 1827).

 

 

3.    LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC CON NGƯỜI SỐNG TỘI LỖI? TỘI LỖI LÀ GÌ, CÓ BAO NHIÊU THỨ, NẶNG NHẸ RA SAO, VÀ HẬU QUẢ THẾ NÀO?

 

Cũng như vấn đề đức hạnh, muốn biết con người tội lỗi thế nào, chúng ta hãy theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo để xem tội lỗi của con người là gì, có bao nhiêu thứ,  nặng nhẹ ra sao, và hậu quả thế nào?

 

Tội lỗi của con người là gì?

 

·        Tội lỗi là việc phạm đến lý trí, đến sự thật và đến lương tâm ngay thẳng; nó là việc không chân chính yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, do bởi lòng gắn bó bại hoại với những sự vật nào đó. Nó làm tổn thương đến bản tính của con người cũng như đến mối đoàn kết nhân loại. Nó được định nghĩa như là ‘lời nói, việc làm hay ước muốn nghịch lại với lề luật đời đời (Thánh Âu-Quốc-Tinh, Contra Faustum 22: PL 42, 418; Thánh Tôma Aquinas, STh I-II, 71, 6)”. (số 1849)

 

·        Tội lỗi là việc xúc phạm đến Thiên Chúa... Như tội đầu tiên, nó là việc bất phục tùng, là việc phản lại Thiên Chúa bằng ý hướng muốn trở nên ‘như các thần linh (Gen 3:5), qua việc muốn biết và định đoạt sự lành sự dữ. Bởi thế nên tội lỗi là ‘yêu mình đến độ khinh khi Thiên Chúa’ (Thánh Âu-Quốc-Tinh, De Civ. Dei 14, 28: PL 41, 436)...” (số 1850)

 

·        Chính ở nơi cuộc Khổ Nạn, khi tình thương của Chúa Kitô sắp thắng cuộc, mà tội lỗi đã bộc lộ mình rõ ràng nhất cái hung dữ của nó cùng nhiều hình thức của nó, như việc  các vị lãnh đạo và dân chúng cứng lòng tin, hận thù sắt máu, ghê tởm và nhạo báng, việc Philatô hèn nhát và quân lính tàn bạo, việc Giuđa bội phản – còn cay đắng hơn nữa cho Chúa Giêsu, việc Phêrô chối bỏ và việc các môn đệ tẩu thoát...” (số 1851)

 

Tội lỗi có bao nhiêu thứ?

 

·        “... Thư gửi Giáo Đoàn Galata đã liệt các việc làm của xác thịt đối nghịch với hoa trái của Thần Linh: ‘Vậy những việc rõ ràng của xác thịt là: tà dâm, ô uế, lăng loàn, thờ quấy, phù phép, hận thù, tranh chấp, ghen tương, giận dữ, ích kỷ, bất hòa, cãi lẫy, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác tương tự như thế. Tôi cảnh giác anh em, như tôi đã cảnh giác anh em trước đây, là những ai làm những điều như vậy sẽ không được hưởng Vương Quốc của Thiên Chúa’ (Gal 5:19-21; x Rm 1:28-32; !Cor 9-10; Eph 5:3-5; Col 3:5-8; 1Tim 9-10; 2Tim 2-5)”. (số 1852)

 

·        Tội lỗi gây ra một khuynh hướng phạm tội; nó sinh ra thói hư nết xấu khi lập đi lập lại những hành động giống nhau. Hậu quả gây ra đó là những xu hướng lăng loàn sẽ làm mờ ám lương tâm và làm hư hỏng phán đoán phân biệt giữa sự lành sự dữ. Như thế là tội lỗi có khuynh hướng sinh sôi nẩy nở và trở thành cứng cát, nhưng nó cũng không thể hủy hoại được tận gốc rễ cảm thức về luân lý”. (số 1865)

 

·        Các thói hư nết xấu có thể được phân loại theo các đức hạnh nghịch với chúng, hay được phân loại theo mối liên hệ của chúng với các mối tội đầu... Chúng được gọi là ‘mối tội đầu’ vì chúng sinh ra các tội khác, các thói hư nết xấu khác (x Thánh Gregory Cả, Moralia in Job, 31, 45: PL 76, 621A). Các mối tội đầu là kiêu ngạo, hà tiện, ghen tị, hờn giận, dâm dục, mê ăn, biếng nhát hay ươn hèn”. (số 1866)

 

·        Tội lỗi là một hành vi cá nhân. Hơn nữa, chúng ta còn phải chịu trách nhiệm về cả những tội kẻ khác phạm khi chúng ta cộng tác vào đó nữa, ở chỗ, khi chúng ta trực tiếp và tự nguyện tham gia; cho phép, bày vẽ, ca tụng hay tán thành; không tiết lộ hay ngăn cản khi buộc phải làm điều này; che chở cho kẻ làm điều gian ác”. (số 1868)

 

Tội lỗi nặng nhẹ ra sao?

 

·        Để thành một tội trọng phải hội đủ ba điều kiện: ‘Tội trọng là tội có một đối tượng hệ trọng và là tội phạm hoàn toàn ý thức cũng như có chủ ý muốn làm’ (Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia 17.12)”. (số 1857)

 

·        Vấn đề hệ trọng là những điều đã được liệt kê trong Mười Điều Răn, hợp với câu Chúa Giêsu trả lời cho người thanh niên giầu có, đó là ‘Chớ giết người, Chớ ngoại tình, Chớ trộm cắp, Chớ làm chứng gian, Chớ lừa dối, Hãy tôn kính cha mẹ mình’ (Mk 10:19). Tính cách trầm trọng của tội lỗi có thể hơn kém nhau, như tội sát nhân nặng hơn tội trộm cắp. Cũng phải lưu ý tới người bị xúc phạm nữa, như tội phạm đến cha mẹ tự nó vốn nặng hơn tội phạm đến người dưng nước lã”. (số 1858)

 

·        Tội trọng cần phải hoàn toàn hiểu biết và hết lòng muốn phạm... Tình trạng vô thức giả định và cứng lòng (x Mk 3:5-6; Lk 16:19-31) cũng không làm giảm bớt mà còn làm tăng thêm tính cách cố ý phạm tội nữa”. (số 1859)

 

·        “Người phạm tội nhẹ là trường hợp họ không giữ qui chuẩn theo lề luật luân lý trong một điều ít hệ trọng nào đó, hay trường hợp họ bất tuân phục lề luật luân lý trong một điều hệ trọng, song không hiểu biết cho trọn hay không hoàn toàn thuận theo”. (số 1862)

 

·        Tình trạng vô thức ngoài ý muốn có thể làm giảm bớt, thậm chí xóa bỏ, vấn đề qui lỗi cho một việc trọng phạm. Thế nhưng, không ai lại cho mình là không biết đến những nguyên tắc của qui luật về luân lý cả, thứ qui luật được ghi khắc nơi lương tâm của mọi người... Tội phạm do ác tâm gây ra là tội nặng nhất vì đã cố ý lựa chọn sự dữ”. (số 1860)

 

Tội lỗi hậu quả thế nào?

 

·        Tội trọng làm mất đi đức ái cũng như làm hụt hẫng ơn thánh hóa hay tình trạng ơn nghĩa. Nếu không được cứu chuộc bằng việc thống hối cũng như bằng ơn tha thứ của Thiên Chúa sẽ bị loại trừ khỏi vương quốc của Chúa Kitô và bị chết đời đời trong hỏa ngục, vì tự do của chúng ta đã có quyền vĩnh viễn chọn lựa, bất khả vãn hồi...” (số 1861)

 

·        Tội nhẹ làm suy yếu đức ái; nó bộc lộ cho thấy lòng dính bén vô loài đối với các sự vật trần gian; nó ngăn trở linh hồn tiến triển trong việc thực tập các nhân đức cũng như trong việc thi hành điều lành thánh; nó đáng chịu hình phạt tạm thời. Việc cố tình phạm tội nhẹ mà không hối hận sẽ từ từ đưa chúng ta đến việc phạm tội trọng”. (số 1863)

 

·        “’Ai lộng ngôn phạm đến Thánh Linh không bao giờ được tha thứ, họ đã phạm đến một thứ tội đời đời’ (Mk 3:29; x Mt 12:32; Lk 12:10). Tình thương của Thiên Chúa thì vô hạn, nhưng ai cố tình không chịu chấp nhận tình thương của Ngài, bằng việc thống hối, là chối bỏ ơn tha thứ tội lỗi của mình cùng với ơn cứu độ được Thánh Linh ban cho (x Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificanum 46). Việc cứng lòng này có thể sẽ đưa đến tình trạng cuối cùng là không chịu ăn năn hối cải mà hư đi đời đời”. (số 1864)

 

 

TÓM LẠI:

 

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận bản chất và ý nghĩa của lương tâm (GL số 1778, 1780, 1782), cùng với vai trò và phận sự của lương tâm (GL số 1781, 1783, 1790-1793) trong đời sống luân lý của con người. Để biết được con người có đức hạnh hay không, nói cách khác, làm sao biết được đâu là một con người đức hạnh, chúng ta chỉ cần biết Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xác định đức hạnh là gì (GL số 1803-1804, 1812) và ra sa là đủ. Theo truyền thống, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chia các Đức Hạnh ra làm hai loại, bốn đức hạnh về luân lý gọi là luân đức (GL số 1805-1809), và ba đức hạnh hướng về thần linh gọi là thần đức (GL số 1813-1818, 1822, 1827). Cũng như vấn đề đức hạnh, muốn biết con người tội lỗi thế nào, chúng ta hãy theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo để xem tội lỗi của con người là gì (GL số 1849-1851), có bao nhiêu thứ (GL số 1852, 1865-1866, 1868),  nặng nhẹ ra sao (GL số 1857-1860, 1862), và hậu quả thế nào (GL số 1861, 1863-1864)?

 

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

1.      “Khi phải quyết định chọn lựa về phương diện luân lý, lương tâm có thể, một là phán đoán đúng, hợp với lý trí và lề luật thần linh, hay ngược lại, có phán đoán sai, không đúng với lý trí và lề luật thần linh” (số 1786). “Con người đôi khi gặp những trường hợp có những phán đoán về luân lý không bảo đảm và khó đi đến quyết định. Nhưng bao giờ họ cũng phải cẩn thận tìm kiếm những gì là xác thực và thiện hảo, và phải nhận thức được ý Chúa nơi lề luật thần linh” (số 1787). “Để được như vậy, con người phải cố gắng cắt nghĩa các dữ kiện nghiệm thấy cùng với các dấu chỉ thời đại, theo đức khôn ngoan chỉ dẫn, theo lời cố vấn của người có khả năng, cũng như theo ơn trợ giúp của Thánh Linh và các tặng ân của Ngài” (số 1788).

 

2.      “Một số qui tắc được áp dụng vào mọi trường hợp là: Không bao giờ được làm sự dữ để được sự lành; ‘muốn người khác làm gì cho mình hãy làm cho họ như vậy’ (Mt 7:12; x Lk 6:31; Tob 4:15); bác ái bao giờ cũng được thi hành bằng việc tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ... Bởi thế ‘không được làm gì làm cho anh em mình vấp phạm’ (Rm 14:21). “Loài người bao giờ cũng phải nghe theo phán đoán vững chắc của lương tâm mình. Nếu cố ý tác hành nghịch lại với lương tâm là họ tự luận tội lấy mình” (số 1790).

 

3.      “Đời sống luân lý của Kitô hữu được bảo trì bởi các tặng ân của Chúa Thánh Thần. Những tặng ân này là những quán năng thường trực làm cho con người dễ dạy trong việc tuân theo các tác động của Chúa Thánh Thần” (số 1830). “Bảy tặng ân của Chúa Thánh Thần là khôn ngoan, hiểu biết, huấn dụ, dũng cảm, kiến thức, đạo đức và kính sợ Chúa” (số 1831). Trong khi đó, “bị tội lỗi làm tổn thương, con người không dễ dàng giữ được đời sống luân lý cho quân bình. Ơn cứu độ của Chúa Kitô hiến cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên trì theo đuổi đường nhân đức. Mọi người hằng phải xin ơn soi sáng và sức mạnh này, thường xuyên lãnh nhận các bí tích, cộng tác với Chúa Thánh Thần, và theo lời Ngài mời gọi trong việc yêu mến những gì là thiện hảo và xa tránh những gì là xấu xa” (số 1811).