Bài Giáo Lý số 3 
VIỆC MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 
 

Theo định luật tự nhiên, đã là một sinh vật hữu hạn thì thế nào cũng phải chết. Mà chết là tình trạng tuyệt đối bất động, hoàn toàn vô hồn, tức hoàn toàn không còn biết sinh động theo bản tính bẩm sinh của mình nữa. Thực vật chết tức là trở thành một sinh vật hết sinh hồn, hoàn toàn không còn biết hút nhựa nguyên để biến thành nhựa luyện trong việc phát triển và sinh hoa trái nữa. Một động vật chết tức là trở thành một sinh vật hết giác hồn, hoàn toàn không còn biết tìm ăn khi đói hay tự vệ khi bị tấn công nữa. Một nhân vật chết tức là trở thành một sinh vật hết linh hồn, hoàn toàn không còn biết suy nghĩ cũng như chọn lựa để tự tồn và đáp ứng nữa.

           

Như thế, sống tức là biết, biết sinh động theo bản tính bẩm sinh của mình, và biết tức là hồn sống của sinh vật, hay là nguyên lý tác động nơi sinh vật. Chính vì biết là hồn sống của sinh vật mà cấp độ giá trị sinh vật mới tùy thuộc mức độ biết của mình. Thực vật biết thua động vật, và động vật biết thua nhân vật. Thế nhưng, chính con người là sinh vật “linh ư vạn vật” này lại cảm thấy mình chưa biết đủ, tức sự sống nơi mình vẫn chưa trọn vẹn và hoàn hảo. Bởi đó, con người luôn hướng về và tìm kiếm một sự sống viên mãn hơn. Sự sống viên mãn hơn ấy là gì và ở đâu, nếu không phải ở nơi tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ cho nhân loại biết, tất cả Kiến Thức Thần Linh của Ngài qua việc Mạc Khải Thần Linh.

 

Vậy, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy như thế nào về Mạc Khải Thần Linh:

 

1.      Mạc Khải Thần Linh là gì?

2.      Thiên Chúa mạc khải để làm gì?

3.      Tâm điểm của Mạc Khải Thần Linh là gì?

4.      Tột đỉnh của Mạc Khải Thần Linh ở chỗ nào?

5.      Tiến trình của Mạc Khải Thần Linh ra sao?

6.      Mạc Khải Thần Linh đã hoàn toàn chấm dứt chưa?

 

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

 

1.      MẠC KHẢI THẦN LINH LÀ GÌ?

 

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, sự sống viên mãn, như bài giáo lý thứ 1 đã xác nhận, là “Sự Sống Vinh Phúc”, một sự sống, theo bài giáo lý thứ 3 này, được Thiên Chúa ban cho con người qua việc mạc khải, tức qua việc Ngài tỏ mình ra và ban chính mình Ngài cho con người. Bởi thế, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã cho thấy Mạc Khải Thần Linh chính là việc Thiên Chúa tỏ mình và ban mình cho con người, như sau:

 

·        Bằng một quyết định hoàn toàn tự do, Thiên Chúa đã tỏ mình và ban mình cho con người…” (số 50)

 

 

2.      THIÊN CHÚA MẠC KHẢI ĐỂ LÀM GÌ?

 

Theo Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, vì “Thiên Chúa, Đấng tự mình vô cùng thiện hảo và vinh phúc, theo ý định hoàn toàn tốt lành của mình, đã tự ý dựng nên con người để cho họ được dự phần vào sự sống vinh phúc của Ngài” (số 1), mà Ngài đã muốn mạc khải mình cho con người, để con người tự mình không thể biết Ngài như Ngài biết mình Ngài, cũng có thể nhận biết và yêu mến Ngài dự phần vào sự sống với Ngài:

 

·        “Thiên Chúa, Đấng ‘ở trong ánh sáng khôn thấu’, muốn thông truyền sự sống thần linh của mình cho con người mà Ngài đã tự ý dựng nên, để thừa nhận họ làm con cái của Ngài trong Người Con duy nhất của mình (1Tim.6:16; x.Eph.1:4-5). Bằng việc tỏ mình ra, Thiên Chúa muốn làm cho họ có thể đáp ứng Ngài, nhận biết Ngài và yêu mến Ngài, vượt trên khả năng tự nhiên của họ. (số 52)

 

Đúng vậy, chỉ nhờ có mạc khải của Thiên Chúa, tức nhờ được thông phần kiến thức thần linh với Thiên Chúa, biết Ngài như Ngài tỏ mình ra cho mình, biết Ngài như Ngài thực sự là và như Ngài hết sức muốn, con người mới “có thể đáp ứng Ngài, nhận biết Ngài và yêu mến Ngài, vượt trên khả năng tự nhiên của họ”, tức con người trần gian mới được sống Sự Sống Thần Linh như Thiên Chúa và mới được dự phần vào Sự Sống Vinh Phúc với Thiên Chúa như Ngài muốn khi dựng nên con người.

 

 

3.      TÂM ĐIỂM CỦA MẠC KHẢI THẦN LINH LÀ GÌ?

 

Nếu đối tượng của Mạc Khải Thần Linh chính là con người, và mục tiêu chính yếu của Mạc Khải Thần Linh này là làm cho con người có đủ Kiến Thức Thần Linh để có thể tham dự vào Sự Sống Vinh Phúc của Thiên Chúa và với Thiên Chúa như thế, thì tâm điểm của Mạc Khải Thần Linh, tức cốt lõi của tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải chính là Dự Án Cứu Độ hay Ý Định Cứu Độ của Ngài.

 

·        “Theo sự thiện hảo và khôn ngoan của mình, Thiên Chúa muốn tỏ chính mình ra cũng như muốn tỏ cho thấy mầu nhiệm ý muốn của Ngài. Ý muốn của Ngài đó là con người phải đến cùng Chúa Cha, qua Đức Kitô, Lời hóa thành nhục thể, trong Chúa Thánh Thần, nhờ đó họ trở thành những người được thông dự vào bản tính thần linh (Hiến Chế Dei Verbum về Mạc Khải , đoạn 2; x.Eph.1:9, 2:18; 2Pet.1:4)”. (số 51)

 

 

4.      TỘT ĐỈNH CỦA MẠC KHẢI THẦN LINH Ở CHỖ NÀO?

 

Vì “Sự Sống Vinh Phúc” (Giáo Lý số 1) là sự sống Thiên Chúa muốn con người được thông phần khi dựng nên con người, mà sự sống vinh phúc này chính là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, do đó, tột đỉnh của Mạc Khải Thần Linh, tức tột đỉnh của tất cả những gì Thiên Chúa muốn “tỏ mình và ban mình” (Giáo Lý số 50) cho con người, đó là khi Ngài hoàn toàn tỏ mình cho con người thấy Ngài là ai nơi Lời Nhập Thể Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và khi Ngài ban mình cho con người qua việc đổ Thánh Linh của Ngài xuống trên chúng ta.

 

·        “Thiên Chúa đã làm điều này (tỏ mình và ban mình cho con người), bằng việc mạc khải cho thấy một mầu nhiệm, đó là dự án thiện hảo yêu thương của Ngài đã được phác họa từ đời đời nơi Chúa Kitô vì lợi ích của tất cả mọi người. Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn dự án này ra bằng việc sai đến với chúng ta Người Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và cả Chúa Thánh Linh”. (số 50).

 

 

5.      TIẾN TRÌNH CỦA MẠC KHẢI THẦN LINH RA SAO?

 

·        Dự án thần linh của Mạc Khải được hiện thực cùng một lúc ‘bởi cả việc làm và lời nói liên kết nội tại với nhau’ (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 2) và làm cho nhau sáng tỏ. Dự án này bao gồm cả khoa sư phạm thần linh: tức là việc Thiên Chúa thông mình cho con người một cách từ từ. Ngài sửa soạn cho họ từng giai đoạn để họ đón nhận Mạc Khải siêu nhiên, một Mạc Khải đạt đến tột đỉnh của mình nơi con người và nơi sứ mệnh của Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô”. (số 53)

 

Thiên Chúa đã tỏ mình ra một cách từ từ, như lịch sử cứu độ cho thấy, qua những giai đoạn đặc biệt sau đây, thứ nhất với hai nguyên tổ, sau đó với Noe, rồi với Abraham, với dân Do Thái, tới tột đỉnh của những gì Ngài muốn mạc khải là chính Lời nhập thể.

 

·        “’Ngài đã tỏ mình cho cha mẹ đầu tiên của chúng ta ngay từ ban đầu’ (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 3; x.Jn.1:3; Rm.1:19-20). Ngài đã mời họ đến hiệp thông thân tình với Ngài” (số 54). “Sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa làm cho họ vững tâm trong niềm hy vọng cứu độ, bằng lời hứa cứu chuộc” (số 55).

 

·        Giao ước với Noe sau hồng thủy cho thấy đường lối của công cuộc thần linh đối với các ‘dân nước’” (số 56). “Giao ước với Noe vẫn hiệu lực trong thời Dân Ngoại, cho đến thời điểm thực hiện việc loan báo Phúc Âm chung cho cả hoàn cầu”. (số 58)

 

·        Để tụ họp nhân loại phân tán lại với nhau, Thiên Chúa đã kêu gọi Abram từ quê quán của ông” (số 59). “Dân thuộc giòng dõi Abraham là người bảo quản lời Thiên Chúa hứa với các vị tổ phụ, là dân được tuyển chọn, được kêu gọi để sửa soạn cho ngày Thiên Chúa sẽ tụ họp tất cả mọi con cái của Ngài lại trong cuộc hiệp nhất của Giáo Hội” (số 60).

 

·        Sau các vị tổ phụ, Thiên Chúa đã hình thành Yến Duyên làm dân của Ngài, bằng việc giải thoát họ khỏi làm tôi ở Ai Cập” (số 62). “Nhờ các vị tiên tri, Thiên Chúa đã hình thành dân Ngài trong niềm hy vọng cứu độ… một ơn cứu độ bao gồm hết tất cả mọi dân nước” (số 64).

 

·        Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, tuyệt hảo và trổi vượt. Nơi Người, Thiên Chúa đã nói hết mọi sự” (số 65).

 

 

6.      MẠC KHẢI THẦN LINH ĐÃ HOÀN TOÀN CHẤM DỨT CHƯA?

 

Quả thật Thiên Chúa “đã nói hết mọi sự” nơi Con Ngài, đến nỗi Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo còn dứt khoát khẳng định: “không còn mong đợi một mạc khải thần linh nào mới nữa trước cuộc tỏ hiện vinh hiển của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Giáo Lý số 66). “Tuy nhiên”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng vẫn thừa nhận rằng, tuy về lượng không còn thêm thắt gì nữa, song về phẩm:

 

·        Mạc Khải vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ; đức tin Kitô Giáo còn phải từ từ thấu triệt đầy đủ ý nghĩa của Mạc Khải qua các thế kỷ nữa” (cũng số 66).

 

 

TÓM LẠI:

 

Để con người được tham phần vào Sự Sống Vinh Phúc của mình (xem SGL số 52), Thiên Chúa đã từ từ (xem SGL số 53), tỏ mình và ban mình cho con người (xem SGL số 50), theo giòng lịch sử cứu độ (xem SGL số 53, 54, 55, 56, 58, 59, 60, 62, 64, 65), giúp họ biết rõ về bản thân Ngài cũng như về ý định cứu độ của Ngài (xem SGL số 50, 51), cho tới khi Ngài tỏ hết và thông hết mình ra nơi Đức Giêsu Kitô, Con Ngài (xem SGL số 53, 65), nhờ đó, con người mới có khả năng trong việc nhận biết và yêu mến Ngài (xem SGL số 52), như Ngài là và như Ngài muốn.

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

1.      Nhờ lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa một cách chắc chắn căn cứ vào các việc Ngài làm. Thế nhưng, có một cấp độ kiến thức khác con người không thể đạt tới bằng quyền năng riêng của mình, đó là cấp độ Mạc Khải thần linh” (Giáo Lý số 50). Như thế, yếu tố để biết thực mạc khải thần linh, đó là tất cả những “kiến thức” vượt trên “quyền năng” của con người, tức là con người không thể tự mình nghĩ ra (về tín lý) hay giữ được (về luân lý) nếu không có ân sủng đặc biệt của chính Đấng tỏ mình ra.

 

2.      Mạc Khải thần linh chẳng những cần phải có ơn đặc biệt của Thiên Chúa con người mới thấu hiểu được, Mạc Khải thần linh còn là chính tặng ân Thiên Chúa ban cho con người, để con người nhờ “kiến thức” thần linh của Ngài có thể sống theo bản tính thần linh như Ngài. Bởi thế, phải sống trong Chúa Kitô là tuyệt đỉnh và là chính tất cả Mạc Khải thần linh, con người mới “được sự sống và được sự sống viên mãn hơn” (Jn.10:10).