Bài Giáo Lý số 30 

CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

N

hìn vào loài vật, con người thấy chúng là một tập thể hơn là những cá thể. Trước hết, về ngoại diện, chúng trông giống hệt nhau và sinh động cũng như phản ứng theo bản năng sinh tồn hoàn toàn như nhau. Thứ hai, về nội tại, chúng không hề biết chúng là ai, không biết thời gian là gì, không hồi tưởng quá khứ cũng chẳng hướng đến tương lai, chết là hết.  Trong khi đó, con người thực sự là một cá thể biệt lập. Với trách nhiệm bản thân. Biết tùy cơ ứng biến. Có diện mạo, giọng nói, điệu bộ, kiểu cách, dấu tay không giống ai. Biết mưu cơ tính toán và dùng đủ mọi đường lối để đạt được mục đích của mình. Có tư kiến, chủ trương và ý riêng. Biết che giấu những gì xấu hổ. Có danh dự và tự ái v.v.

 

Thế nhưng, về nguồn gốc, con người cá thể không tự mình mà có, nếu không được cha mẹ sinh thành. Rồi, về phương diện thành nhân, con người cá thể có mặt trên đời đó cũng không thể tự mình tồn tại về thể lý và phát triển về tâm lý, nếu không được các đấng bậc tiên sinh dưỡng dục. Chưa hết, về phương diện truyền sinh, con người hoàn toàn không thể tự mình sinh con đẻ cái, nếu không có yêu thương kết ước với nhau. Vì gia đình là nền tảng của xã hội, do đó, vào tuổi dậy thì, chính lúc con người đang phát triển về cả thể lý lẫn tâm sinh lý thì con người bắt đầu hướng về người khác phái tính với mình. Hình ảnh xã hội sống động và đích thực nhất được phản ảnh nơi hình ảnh mẹ cưu mang con, và hình ảnh sữa ở nơi người mẹ là của người con và cho người con, hơn là của người mẹ và cho người mẹ. Đó là lý do “con người cần sống trong xã hội. Xã hội đối với con người không phải là một cái gì thêm thắt phụ trội mà là nhu cầu đòi hỏi thuôc bản tính của họ. Nhờ việc trao đổi với người khác, việc giúp đỡ lẫn nhau và việc đối thoại với anh em mình mà con người phát triển khả năng của họ …” (GL số 1879). “Nhờ xã hội, mỗi người trở thành một ‘người thừa hưởng’, được lãnh nhận một số ‘tài năng’ làm phong phú căn tính của mình và là những tài năng cần họ phát triển thêm“ (GL số 1880). Vậy

1.      Con người có bị xã hội hóa hay không?

2.      Con người có cần phải tham dự vào sinh hoạt xã hội chăng?

3.      Thế nào là một xã hội công chính?

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

1.      CON NGƯỜI CÓ BỊ XÃ HỘI HÓA KHÔNG?

 

Để biết con người có bị xã hội hóa không, cần phải biết xã hội là gì và thế nào là xã hội hóa? Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy như sau:

 

Xã hội là gì?

 

·        Xã hội là một nhóm người liên kết với nhau thành cơ cấu theo nguyên lý hiệp nhất vượt ra ngoài mỗi một người. Là một tập đoàn vừa hữu hình vừa linh thiêng, xã hội tồn tại qua thời gian, ở chỗ nó tụ hợp lại quá khứ và sửa soạn cho tương lai…”. (số 1880)

 

·        Mỗi một cộng đồng được xác định bởi mục đích của mình và từ đó tuân theo các qui luật riêng; thế nhưng ‘con người… là và phải là nguyên lý, chủ thể và cùng đích của tất cả mọi cơ cấu xã hội’ (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 25.1)”. (số 1881)

 

Thế nào là xã hội hóa?

 

·        Có một số cơ cấu, như gia đình và quốc gia, trực tiếp liên quan đến bản tính con người hơn; chúng cần thiết đối với họ. Để cổ võ tối đa dân chúng tham dự vào sinh hoạt của xã hội, cần phải khuyến khích việc thành lập những hội đoàn cũng như các tổ chức tự nguyện ‘trên cả lãnh vực quốc gia cũng như quốc tế, những hội đoàn và tổ chức liên hệ tới những mục tiêu về kinh tế và xã hội, đến những hoạt động về văn hóa và giải trí, đến thể thao, đến những ngành nghề chuyên môn khác nhau, cũng như đến các việc chính trị’ (Đức Gioan XXIII, Thông Điệp Mẹ và Thày, 60). Việc ‘xã hội hóa’ này cũng nói lên cho thấy khuynh hướng tự nhiên đối với con người trong việc liên kết với nhau để đạt tới những mục tiêu quá tầm tay của cá nhân mỗi người. Việc xã hội hóa ấy làm phát triển những phẩm chất của con người, nhất là cảm quan về ý thức và trách nhiệm, cũng như giúp bảo đảm các quyền lợi của họ (x Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 25.2; Thông Điệp Bách Niên, 12)”. (số 1882)

 

·        Việc xã hội hóa cũng có những nguy hiểm nữa. Việc can thiệp thái quá của chính quyền có thể đe dọa đến tự do và sáng kiến cá nhân. Giáo huấn của Giáo Hội đã đề ra nguyên tắc về hỗ trợ, theo nguyên tắc này ‘một cộng đồng thượng cấp không được nhúng tay vào sinh hoạt nội bộ của cộng đồng hạ cấp, bằng cách không cho phép các cộng đồng hạ cấp hoạt động, trái lại, luôn luôn nhắm đến công ích, phải nâng đỡ khi cần thiết và giúp vào việc điều hợp các hoạt động của chúng với các hoạt động của chung xã hội’ (Thông Điệp Bách Niên, 48.4; x Đức Piô XI, Tứ Thập Niên I, 184-186)”. (số 1883)

·        Nguyên tắc hỗ trợ đi ngược lại với tất cả mọi hình thức tập quyền. Nguyên tắc này giới hạn việc can thiệp của chính quyền. Nó nhắm đến việc hòa hợp những liên hệ giữa cá nhân và các cơ cấu tổ chức. Nó hướng đến việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực”. (số 1885)

 

·        Xã hội cần thiết cho việc hoàn trọn ơn gọi của con người. Để đạt được mục đích này, cần phải tôn trọng cấp trật chính đáng của các giá trị, những giá trị ‘đặt những chiều kích về thể lý và bản năng ở bên dưới những chiều kích về nội tại và tâm linh’ (Thông Điệp Bách Niên, 36.2)”. (số 1886)

 

·        Việc đảo lộn phương tiện và mục đích (x Thông Điệp Bách Niên, 41) làm phát sinh ra những cơ cấu bất chính, một việc đảo lộn đưa đến chỗ gán giá trị của mục đích tối hậu cho những gì chỉ là phương tiện được dùng để đạt đích, hay đến chỗ coi con người thuần túy là phương tiện để đạt mục đích”. (số 1887)

 

 

2.      CON NGƯỜI CẦN PHẢI THAM DỰ VÀO SINH HOẠT XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?

 

Trong việc con người cần phải tham dự vào sinh hoạt xã hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến ba yếu tố chính yếu làm nên xã hội, đó là quyền bính, công ích và hợp tác. Quyền bính là để tổ chức xã hội. Công ích là để đoàn kết xã hội. Và hợp tác là để xây dựng xã hội.

 

Quyền bính

 

·        Nói đến ‘quyền bính’ là nói đến khả năng được con người hay tổ chức sử dụng để lập luật và truyền lệnh cho dân, muốn dân phải tuân hành theo”. (số 1897)

 

·        Mỗi một cộng đồng con người cần phải có quyền bính để quản trị nó (x Đức Lêô, Immortale Dei; Diuturnum illud). Nền tảng của một quyền bính như vậy nằm ở ngay nơi bản tính của con người. Nó cần cho việc hiệp nhất của quốc gia. Vai trò của nó là bảo đảm công ích cho xã hội tối đa bao nhiêu có thể”. (số 1898)

 

·        Quyền bính tuân theo đòi hỏi của chỉ thị luân lý là quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa: ‘Mọi người phải phục tùng các quyền bính quản trị. Vì không có quyền bính nào không bởi Thiên Chúa, và những ai nắm quyền bính đều là những vị được Thiên Chúa đặt để. Thế nên, ai chống lại quyền bính là chống lại những gì Ngài đã chỉ định, và những người chống lại ấy sẽ bị phán xử’ (Rm 13:1-2; x 1Pet 2:13-17)”. (số 1899)

 

·        Nếu quyền bính thuộc trật tự Thiên Chúa thiết định, thì “quyền chọn lựa thể chế chính trị và việc ủy nhiệm cho các lãnh đạo viên thuộc quyền tự do chọn lựa của dân chúng (Hiến Chế Gaudium et Spes, 74.3)... Các thể chế mang bản chất phản lại với lề luật tự nhiên, với trật tự chung cũng như với các quyền lợi căn bản của con người thì không thể nào đạt được công ích của quốc gia bị chúng áp đặt”. (số 1901)

 

·        Quyền bính được thi hành một cách hợp pháp chỉ khi nào nó biết tìm kiếm công ích cho nhóm người liên hệ cũng như khi nó biết sử dụng phương tiện luân lý được phép để đạt đến công ích. Nếu các nhà lãnh đạo ban hành những khoản luật bất chính hay có những chế tài phản lại với chỉ thị luân lý thì theo lương tâm những ấn định đó không buộc phải tuân hành ” (số 1903)

 

Công ích

 

·        Công ích được hiểu là ‘tổng số tất cả những điều kiện thuộc xã hội cho phép con người, với tư cách là tập thể hay cá nhân, đạt tới mức thành toàn của mình một cách trọn vẹn hơn và dễ dàng hơn’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 26.1; x cả 74.1)… Công ích có ba yếu tố chính”. (số 1906)

 

·        Trước hết, công ích đòi phải có lòng tôn trọng con người cách xứng đáng… Công ích đặc biệt ở nơi những điều kiện thực thi các quyền tự do tự nhiên không thể không có trong việc phát triển ơn gọi làm người, như ‘quyền được tác hành theo qui tắc lành mạnh của lương tâm, quyền được bảo toàn… đời tư, và quyền được tự do chính đáng trong cả các vấn đề về tôn giáo’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 26.2)”. (số 1907)

 

·        Sau nữa, công ích đòi xã hội phải được an ninh và chính tập thể phải được phát triển. Phát triển bao gồm tất cả mọi phận vụ của xã hội. Chính quyền chắc chắn có bổn phận phải nhân danh công ích để phân giải những lợi ích riêng biệt khác nhau; thế nhưng, nó phải giúp mỗi người có thể có được những gì cần thiết để sống một đời làm người thực sự, như thực phẩm, quần áo, sức khỏe, việc làm, giáo dục và văn hóa, kiến thức xứng hợp, quyền lập gia đình v.v. (x Hiến Chế Gaudium et Spes, 26.2)”. (số 1908)

 

·        “Sau hết, công ích đòi phải có hòa bình, tức là, phải có trật tự đích thực một cách vững chắc và bảo đảm…”. (số 1909)

 

·        Công ích bao giờ cũng hướng đến việc tiến bộ của con người: ‘Cấp trật của sự vật phải tùy thuộc vào cấp trật của con người, chứ không được đảo ngược’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 26.3). Cấp trật này được thiết lập trên chân lý, được xây dựng trong công bình và được sinh động bởi yêu thương”. (số 1912)

 

Hợp Tác

 

·        ’Dự phần’ là việc con người tự nguyện và quảng đại tham gia vào sinh hoạt của xã hội. Tất cả mọi tham dự viên, mỗi người tùy theo vị thế và vai trò của mình, cần phải cổ động cho công ích. Điều đòi buộc này vốn có nơi phẩm giá con người”. (số 1913)

·        Trước hết, việc dự phần vào sinh hoạt xã hội được thể hiện bằng cách đảm nhận những lãnh vực mình có trách nhiệm riêng, ở chỗ, nhờ để ý đến việc giáo dục cho gia đình mình, nhờ làm việc một cách hữu trách, v.v. con người dự phần vào thiện ích của người khác cũng như của xã hội (x Thông Điệp Bách Niên, 43)”. (số 1914)

 

·        Người công dân phải tích cực dự phần vào sinh hoạt chung bao nhiêu có thể”. (số 1915)

 

·        Cũng như bất cứ đòi buộc nào về luân thường đạo lý, việc dự phần vào sinh hoạt xã hội của mọi người, khi nhắm đến công ích, mời gọi các thành viên của xã hội tiếp tục tái hoán cải”. (số 1916)

 

 

3.  THẾ NÀO LÀ MỘT XÃ HỘI CÔNG CHÍNH?

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, một xã hội công chính là một xã hội thực thi đức công chính xã hội, “một đức công chính xã hội có liên hệ với công ích và việc hành xử quyền bính” (số 1928), một đức công chính được thể hiện qua việc tôn trọng con người, qua việc bình đẳng giữa con người khác nhau, và qua việc đoàn kết nhân loại.

 

Tôn trọng con người

 

·        Việc tôn trọng con người dẫn tới việc tôn trọng các quyền lợi phát xuất từ phẩm vị của họ là một tạo vật. Những quyền lợi này có trước cả xã hội và phải được xã hội công nhận”. (số 1930)

 

·        Việc tôn trọng con người được thực thi bằng cách tôn trọng nguyên tắc ‘mọi người phải nhìn tha nhân của mình (không trừ ai) như một bản thân khác của mình, nhất là phải lưu ý đến sự sống của họ cùng với những phương tiện cần thiết để họ sống xứng với phẩm vị của họ’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 27.1)”. (số 1931)

 

Bình đẳng giữa những con người khác nhau

 

·        Con người bình đẳng chính yếu là ở phẩm vị làm người của họ cũng như ở các quyền lợi phát xuất từ phẩm vị này. (số 1935)

 

·        Khi vào đời, con người không được trang bị đầy đủ mọi sự họ cần để họ phát triển đời sống thể lý cũng như tâm linh của họ. Họ cần lẫn nhau. Những khác biệt giữa họ gắn liền với tuổi tác, khả năng về thể lý, tính cách về tâm trí hay luân lý, những lợi lộc từ thương trường xã hội, và việc phân phối giầu sang phú quí (x Hiến Chế Gaudium et Spes, 29.2). Những ‘nén bạc’ không được phân phối đồng đều như nhau (x Mt 25:14-30; Lk 19:11-27)”. (số 1936)

 

·        Những cái khác biệt này là do Thiên Chúa định liệu như vậy, Đấng muốn rằng mỗi người phải lãnh nhận từ nhau những gì họ cần, và những ai được hưởng những ‘nén bạc’ đặc biệt thì đem chia sẻ với những ai cần đến những nén bạc ấy. Những cái khác biệt này phấn khích và thường buộc con người phải thực hành đức quảng đại, lòng từ nhân và đem chia sẻ sản vật; chúng hỗ trợ cho việc làm phong phú văn hóa của nhau”. (số 1937)

 

Đoàn kết nhân loại

 

·        Tình huynh đệ nhân loại và Kitô hữu đòi phải có nguyên tố đoàn kết, cũng được gọi là ‘thân hữu’ hay ‘bác ái xã hội’ (x Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo rei socialis,  38-40; Thông Điệp Bách Niên, 10)”. (số 1939)

 

·        Việc đoàn kết được biểu lộ trước hết ở việc phân phối các sản vật và việc trả lương nhân công. Đoàn kết cũng đòi phải nỗ lực để thiết lập một trật tự xã hội chính trực hơn, một trật tự giảm bớt những căng thẳng và ổn định mau chóng những xung khắc bằng đường lối thương lượng”. (số 1940)

 

·        Những vấn đề thuộc lãnh vực kinh tế xã hội chỉ có thể được giải quyết bằng tất cả mọi hình thức đoàn kết: đoàn kết giữa người nghèo với nhau, giữa người giầu với người nghèo, giữa nhân công với nhau, giữa chủ nhân với nhân viên trong một công ăn việc làm, đoàn kết giữa các quốc gia và các dân tộc với nhau. Việc đoàn kết hoàn vũ là những gì lãnh vực luân lý đòi hỏi cần phải có; hòa bình thế giới một phần lệ thuộc vào việc đoàn kết này”. (số 1941)

 

 

TÓM LẠI:

 

Để biết con người có bị xã hội hóa không, cần phải biết Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy xã hội là gì (GL số 1880-1881) và thế nào là xã hội hóa (GL số 1882-1883, 1885-1887). Trong việc con người cần phải tham dự vào sinh hoạt xã hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến ba yếu tố chính yếu làm nên xã hội, đó là quyền bính (GL số 1897-1899, 1901, 1903), công ích (GL số 1906-1909, 1912) và hợp tác (GL số 1913-1916). Quyền bính là để tổ chức xã hội. Công ích là để đoàn kết xã hội. Và hợp tác là để xây dựng xã hội. Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, một xã hội công chính là một xã hội thực thi đức công chính xã hội, “một đức công chính xã hội có liên hệ với công ích và việc hành xử quyền bính” (số 1928), một đức công chính được thể hiện qua việc tôn trọng con người (GL số 1930-1931), qua việc bình đẳng giữa con người khác nhau (GL số 1935-1937), và qua việc đoàn kết nhân loại (GL số 1939-1941).

 

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

1.      “ ‘Con người… là và phải là nguyên lý, chủ thể và cùng đích của tất cả mọi cơ cấu xã hội’ (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 25.1) (GL số 1881)”. Bởi thế, xã hội không thể biến con người thành phương tiện sản xuất như một cái máy, không thể bóc lột lao công của họ và không thể coi thường hay loại trừ họ vì họ bị bất lực hoặc kém cỏi về phương diện nghề nghiệp.

 

2.      Công ích bao giờ cũng hướng đến việc tiến bộ của con người: ‘Cấp trật của sự vật phải tùy thuộc vào cấp trật của con người, chứ không được đảo ngược’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 26.3). Cấp trật này được thiết lập trên chân lý, được xây dựng trong công bình và được sinh động bởi yêu thương” (số 1912). Bởi thế, không được coi của hơn người, không được xài hoang hay phí của, vì nhiều người đang không có của ăn, áo mặc, nhà ở, đồ dùng v.v.

 

3.      Những cái khác biệt này là do Thiên Chúa định liệu như vậy, Đấng muốn rằng mỗi người phải lãnh nhận từ nhau những gì họ cần, và những ai được hưởng những ‘nén bạc’ đặc biệt thì đem chia sẻ với những ai cần đến những nén bạc ấy. Những cái khác biệt này phấn khích và thường buộc con người phải thực hành đức quảng đại, lòng từ nhân và đem chia sẻ sản vật; chúng hỗ trợ cho việc làm phong phú văn hóa của nhau”. (số 1937). Bởi thế, người công dân phải tích cực dự phần vào sinh hoạt chung bao nhiêu có thể” (số 1915)

 

4.      Xã hội cần thiết cho việc hoàn trọn ơn gọi của con người. Để đạt được mục đích này, cần phải tôn trọng cấp trật chính đáng của các giá trị, những giá trị ‘đặt những chiều kích về thể lý và bản năng ở bên dưới những chiều kích về nội tại và tâm linh’ (Thông Điệp Bách Niên, 36.2)” (số 1886). Bởi thế, phải đặt ưu tiên cho những gì là thiêng liêng, bất tử, như linh hồn, phần rỗi, đời sau, dù có bị thiệt thòi, thiệt hại, thua thiệt tất cả những thiện ích ở đời này đi nữa.