Bài Giáo Lý số 31 

LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

T

âm linh cho chúng ta thấy loài người chúng ta là loài “nhân linh ư vạn vật”, ở chỗ, chúng ta có lương tri và tự do. Thế nhưng, kinh nghiệm đồng thời cũng cho chúng ta ý thức được thân phận hết sức bất toàn và bất lực của mình. Ở chỗ, có lương tri mà nhiều lúc chúng ta cũng không thể phân biệt được ngay, phân biệt được chính xác, phân biệt được hoàn toàn đâu là chân là giả, đâu là đúng là sai, đâu là thiện là ác, đâu là lợi là hại. Thảm hơn nữa, cho dù đã biết chắc chắn được đâu là sự thật, biết được mình phải làm lành lánh dữ, ấy thế mà, chúng ta vẫn không thể nào tự mình, dù có nỗ lực mấy đi nữa, thực hiện được những gì lương tri đòi hỏi, can ngăn hay thúc giục, một cách mau mắn, thường xuyên và bền bỉ. Chưa hết, tự mình, con người vốn đã và luôn ở trong một tình trạng bối rối về nhận thức và quằn quại về năng lực như thế, ngày nay, họ lại còn tiến đến chỗ tỏ ra cho thấy mình là kẻ “biết lành biết dữ” (Gen 2:17) nữa, nghĩa là đi đến chỗ tự mình quyết định đâu là lành là dữ, đâu là phải là trái. Không phải hay sao, những khoản luật cho phép ly dị và phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh ngoại nhiên, đã chẳng chứng tỏ thực tại phũ phàng hết sức phi nhân bản và phản luân thường đạo lý này ư?

 

Như thế, loài người chúng ta chẳng lẽ sẽ không bao giờ đạt tới Chân, Thiện, Mỹ là Thực Tại Thần Linh hay sao, một Thực Tại Siêu Việt Tối Thượng làm viên mãn hữu thể hữu hình và hữu hạn của chúng ta, một hữu thể có khả năng lúc nào cũng hướng về và tìm kiếm những gì là vô hình và vô biên, những gì là trường sinh vinh phúc hay sao? Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã cho chúng ta biết rằng: “Được kêu gọi hưởng phúc nhưng lại bị tội lỗi làm tổn thương, con người cần được Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Ơn trợ giúp thần linh được ban cho họ nơi Đức Kitô, qua lề luật hướng dẫn họ cũng như qua ân sủng nâng đỡ họ” (số 1949). Vậy:

 

  1. Lề luật là gì và có tác dụng ra sao? Được chia ra làm bao nhiêu thứ?

  2. Ân sủng là gì và có tác dụng như thế nào? Được chia ra làm bao nhiêu loại?

  3. Làm sao con người có thể nắm vững được đâu là những khoản lề luật thật sự làm cho họ sống đẹp lòng Thiên Chúa, nhất là làm sao họ có thể lãnh nhận ân sủng để sống trọn lề luật này?

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

1.      LỀ LUẬT LÀ GÌ VÀ CÓ TÁC DỤNG RA SAO? ĐƯỢC CHIA RA LÀM BAO NHIÊU THỨ?

 

Về bản chất (là gì) và tác dụng (ra sao) của lề luật, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác định vị trí của chúng trong mối tương quan với các thứ lề luật (phổ quát hay đặc thù), đúng hơn, với các hạng lề luật (tự nhiên hay mạc khải), được sắp xếp theo bậc thang giá trị như sau: thứ nhất là luật Luân Lý Tự Nhiên, thứ hai là luật Mạc Khải Cựu Ước, và thứ ba là luật Mạc Khải Phúc Âm.

 

Lề Luật là gì?

 

·        Lề luật là qui tắc tác hành được ban bố vì công ích bởi một thẩm quyền”. (số 1951)

 

·        Luật luân lý được diễn đạt khác nhau, tất cả đều liên hệ với nhau, như luật vĩnh cửu, ở nơi Thiên Chúa, là nguồn của mọi lề luật; luật tự nhiên; luật mạc khải, bao gồm cả  Luật Cũ và Luật Mới hay Luật Phúc Âm; sau hết là dân luật và giáo luật”. (số 1952)

 

Luật Luân Lý Tự Nhiên

 

·        Luật ‘thần linh và tự nhiên’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 89.1) cho con người thấy đường lối phải theo để làm lành cũng như để đạt được cùng đích của họ. Luật tự nhiên cho thấy những qui định đầu tiên và thiết yếu chi phối đời sống luân lý... Những qui định chính của nó được thể hiện ở bản Thập Điều. Luật này được gọi là ‘tự nhiên’, không phải vì nó liên quan đến bản tính của các hữu thể vô tri, mà vì lý trí để ban hành nó một cách xác đáng là tài năng thuộc về bản tính con người”. (số 1955)

 

·        Luật tự nhiên, hiện diện nơi tâm can của mỗi người và do lý trí thiết lập, có những qui định phổ quát, với một thẩm quyền bao gồm tất cả mọi người. Nó nói lên phẩm giá con người và xác định nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của họ”. (số 1956)

 

·        Việc áp dụng luật tự nhiên hết sức khác nhau... Tuy nhiên, trong tính cách đa diện về văn hóa, luật tự nhiên vẫn là một qui tắc để liên kết họ lại với nhau và áp đặt nơi họ các nguyên tắc chung vượt lên trên những khác biệt không thể tránh được”. (số 1957)

 

·        Luật tự nhiên không thay đổi và trường tồn qua những biến thiên của lịch sử (x Gaudium et Spes, 10); nó tồn tại theo giòng tư tưởng và các tập tục, cùng nâng đỡ bước tiến của giòng tư tưởng và các tập tục này. Các qui tắc thể hiện nó vẫn thực sự có giá trị. Cho dù các nguyên tắc của nó có bị phủ nhận đi nữa, luật tự nhiên vẫn không thể bị hủy hoại hay loại trừ khỏi lòng trí con người. Nó luôn luôn tái hiện nơi đời sống cá nhân cũng như đoàn thể”. (số 1958)

 

·        Không phải mọi người thấy được rõ ràng và thấy được ngay lập tức các qui định của luật tự nhiên. Trong hiện trạng của mình, con người cần đến ân sủng và mạc khải để ‘mọi người’ thấy được các chân lý về luân lý và đạo lý ‘một cách dễ dàng, chắc chắn và không lẫn lộn’ (Đức Piô XII, Humani Generis: DS 3876; x Dei Filius 2: DS 3005). Luật tự nhiên cống hiến cho luật mạc khải cũng như cho ân sủng một cơ sở do Thiên Chúa đặt nền và phù hợp với công việc của Thần Linh”. (số 1960)

 

Luật Mạc Khải Cựu Ước

 

·        “... Luật Moisen cho thấy nhiều chân lý tự nhiên hợp với trí khôn. Những chân lý này được công bố và chứng thực nơi giao ước cứu độ”. (số 1961)

 

·        Luật Cũ là bước đầu của Luật Mạc Khải. Các chỉ thị luân lý của Luật Cũ được gồm tóm trong Mười Điều Răn. Các qui định của Thập Giới đặt nền tảng cho ơn gọi của con người được hình thành theo hình ảnh Thiên Chúa; những qui định ấy cấm đoán những gì phản lại tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, cùng ấn định những gì chính yếu cho tình yêu này. Thập Giới là ánh sáng chiếu soi lương tri mọi người, để họ biết được lời mời gọi và đường lối của Thiên Chúa, cũng như để ngăn ngừa họ khỏi sự dữ”. (số 1962)

 

·        Theo truyền thống Kitô giáo, Lề Luật thì thánh hảo, linh thiêng và tốt lành (x Rm 7:12, 14, 16), tuy nhiên nó vẫn còn bất toàn. Giống như một người nhắc nhở (x Gal 3:24), nó cho thấy những gì phải làm, nhưng tự mình không cho sức mạnh, cho ân sủng Thần Linh, để có thể hoàn tất nó. Vì tội lỗi là những gì nó không thể loại trừ được, mà nó vẫn là một thứ luật ràng buộc. Theo Thánh Phaolô, phận sự đặc biệt của Lề Luật là công bố tội lỗi và vạch mặt tội lỗi là những gì làm nên một thứ ‘luật đam mê nhục dục’ nơi tâm trí con người (x Rm 7). Tuy nhiên, Lề Luật vẫn là giai đoạn đầu tiên trên con đường tiến đến vương quốc của Thiên Chúa. Lề Luật sửa soạn và giúp cho dân tuyển chọn cũng như cho mỗi người Kitô hũu biết hoán cải và tin vào Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa. Lề Luật cũng ban bố một giáo huấn kéo dài mãi mãi giống như là Lời của Thiên Chúa vậy. (số 1963)

 

·        Luật Cũ là để dọn đường cho Phúc Âm. ‘Lề Luật là việc giáo huấn và tiên báo cho những gì sẽ đến’ (Thánh Irênêô, Adv. Haeres. 4, 15, 1: PG 7/1, 1012). Lề Luật tiên ngôn và báo trước cho thấy việc giải thoát khỏi tội lỗi là việc sẽ được nên trọn nơi Đức Kitô: Nó hiến cho Tân Ước những hình ảnh, ‘mẫu thức’ và biểu hiệu diễn đạt sự sống theo Thần Linh. Sau hết, Lề Luật được hoàn thành bởi giáo huấn của các sách khôn ngoan cũng như bởi các vị tiên tri là những gì hướng nó về Tân Ước cũng như về Nước Trời”. (số 1964)

 

·        Việc phân chia và đánh số thứ tự các Giới Răn xẩy ra khác nhau theo giòng lịch sử. Sách giáo lý này theo kiểu phân chia của Thánh Âu Quốc Tinh, một kiểu phân chia đã trở thành truyền thống của Giáo Hội Công Giáo...” (số 2066). “Công Đồng Chung Triđentinô dạy rằng Kitô hữu buộc phải giữ Mười Điều Răn và cả người công chính cũng buộc phải giữ những điều răn này nữa... (x DS 1569-1570)” (số 2068). “Bản Thập Điều làm nên một khối chặt chẽ. Mỗi một ‘lời’ đều có liên quan tới từng điều khác và tất cả mọi điều khác. Hai bia đá chiếu tỏa trên nhau; cả hai làm nên một cơ cấu duy nhất. Phạm đến một giới răn là lỗi đến tất cả những giới răn khác (x Jas 2:10-11)” (số 2069). “Mười Điều Răn thuộc về những gì Thiên Chúa mạc khải. Mười Điều Răn này cũng dạy chúng ta sống đúng với bản tính của con người” (số 2070). “Mặc dù trí khôn có thể biết được các giới răn của Thập Giới nhưng các giới răn đó cũng đã được Thiên Chúa tỏ cho biết. Để hiểu được một cách hoàn toàn và chắc chắn những đòi hỏi của luật tự nhiên, nhân loại tội lỗi cần đến một mạc khải như thế” (số 2071).

 

Luật Mạc Khải Phúc Âm

 

·        Luật Mới hay Luật Phúc Âm ở trên thế gian này là tầm mức toàn hảo của luật thần linh, luật tự nhiên và luật mạc khải. Luật Mới là công việc của Chúa Kitô và được diễn đạt đặc biệt ở bài Giảng Trên Núi. Luật Mới cũng là công việc của Thánh Linh, và nhờ Ngài nó trở nên luật đức ái nội tâm: ‘Ta sẽ thiết lập một Giao Ước Mới với nhà Yến Duyên... Ta sẽ đặt lề luật của Ta nơi tâm trí họ, và sẽ ghi khắc nó trên tâm can họ, rồi Ta sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân của Ta’ (Heb 8:8, 10; x Jer 31:31-34)”. (số 1965)

 

·        Luật Phúc Âm làm trọn các giới răn của Lề Luật. Bài Giảng Trên Núi của Chúa, chẳng những không hủy bỏ hay hạ giá những chỉ thị luân lý của Luật Cũ, mà còn làm cho những chỉ thị ấy thoát ra các tiềm lực và từ các chỉ thị này mới có những đòi hỏi mới, ở chỗ nó cho thấy toàn diện sự thật thần linh và nhân loại của những chỉ thị ấy. Bài Giảng Trên Núi của Chúa không thêm những qui định mới nào cả, nhưng tiến đến chỗ canh tân cội nguồn của tác hành con người là lòng trí họ, nơi con người chọn lựa giữa tinh tuyền và ô uế (x Mt 15:18-19), nơi đức tin, cậy, mến được hình thành cùng với các nhân đức khác. Như thế, Phúc Âm mang Lề Luật  đến chỗ kiện toàn nhờ việc phản ánh sự trọn lành của Cha trên trời, bằng cách thứ tha cho kẻ thù và nguyện cầu cho kẻ bách hại mình, noi theo gương đức bao dung thần linh (x Mt 5:44, 48)”. (số 1968)

 

·        Luật Mới thực hành các tác động đạo đức, như bố thí, nguyện cầu và chay tịnh, hướng chúng về ‘Cha là Đấng thấy nơi kín nhiệm’, ngược lại với lòng muốn ‘được người ta trông thấy’ (x Mt 6:1-6, 16-18). Kinh nguyện của Luật Mới là Kinh Lạy Cha (x Mt 6:9-13; Lk 11:2-4)”. (số 1969)

 

·        Luật Phúc Âm đòi chúng ta phải dứt khoát chọn giữa ‘hai con đường’ và phải thực hành lời của Chúa (x Mt 7:13-14, 21-27). Nó được tóm gọn trong Khuôn Vàng Thước Ngọc là ‘bất cứ điều gì các con muốn người ta cho các con thì các con cũng hãy làm như thế cho họ; đó là lề luật và lời các tiên tri’ (Mt 7:12; x Lk 6:31). Tất cả Luật Phúc Âm được chất chứa nơi ‘giới răn mới’ Chúa Giêsu dạy, là hãy yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta (x Jn 15:12, 13:34)”. (số 1970)

 

·        Luật Mới được gọi là luật yêu thương, vì nó làm cho chúng ta tác hành vì tình yêu được Thánh Linh phú bẩm cho, hơn là vì sợ hãi; là luật ân sủng, vì nó ban sức mạnh theo ân sủng để tác hành, bằng đức tin và các bí tích; là luật tự do, vì nó giải thoát chúng ta khỏi những tuân giữ theo nghi thức và pháp lý của Luật Cũ, thúc đẩy chúng ta hành động một cách hồn nhiên theo hứng khởi của đức ái và, sau hết giúp chúng ta vượt từ tình trạng của một kẻ làm tôi ‘không biết những gì chủ làm’ sang tình trạng của bạn hữu Chúa Kitô, thậm chí đến thân phận làm con cái và làm kẻ thừa tự nữa (Jn 15:15; x Jas 1:25, 2:12; Gal 4:1-7, 21-31; Rm 8:15)”. (số 1972)

 

·        “Ngoài những qui định của mình, Luật Mới còn có cả những lời khuyên phúc âm nữa... Những qui định thì nhắm đến việc loại trừ những gì bất xứng với đức ái. Còn mục đích của các lời khuyên là loại trừ những gì có thể làm cản trở việc phát triển của đức ái, cho dù những điều ấy không phản nghịch lại với đức ái (x Thánh Tôma Aquinas, STh II-II, 184, 3)”. (số 1973)

 

 

2.      ÂN SỦNG LÀ GÌ VÀ CÓ TÁC DỤNG NHƯ THẾ NÀO? ĐƯỢC CHIA RA LÀM BAO NHIÊU LOẠI?

 

Con người nhiễm nguyên tội chẳng những mù tối cần phải được hướng dẫn bởi các luật lệ, mà còn yếu đuối, cần phải được trợ giúp bởi ân sủng nữa. Nói đến ân sủng, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trước hết nói đến việc công chính hóa con người, sau đó đến những ân sủng cần thiết để con người sống công chính, và sau hết đến ý nghĩa của công nghiệp do con người công chính lập được trong việc nên thánh.

 

Việc công chính hóa con người

 

·        Ân sủng của Chúa Thánh Thần có năng lực làm cho chúng ta nên công chính, tức là, thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và thông truyền cho chúng ta ‘đức công minh chính trực của Thiên Chúa nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô’ cũng như nhờ vào Phép Rửa’ (Rm 3:22, x 6:3-4)”. (số 1987)

 

·        Công việc đầu tiên ân sủng của Chúa Thánh Thần làm là hoán cải con người... Được đánh động bởi ân sủng, con người hướng về Thiên Chúa và trở mặt với tội lỗi, nhờ đó chấp nhận ơn tha thứ và đức công chính từ trên cao. ‘Việc công chính hóa không phải chỉ là việc xóa bỏ tội lỗi mà còn là việc thánh hóa và canh tân con người nội tâm nữa”. (số 1989)

 

·        Việc công chính hóa làm con người dứt bỏ tội lỗi là những gì phản lại tình yêu của Thiên Chúa, và thanh tẩy tâm trí họ khỏi tội lỗi...” (số 1990)

 

·        Việc công chính hóa đồng thời còn là việc chấp nhận đức công minh chính trực của Thiên Chúa nhờ niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Đức công minh chính trực (hay ‘công chính’) đây nghĩa là sự chính trực của tình yêu thần linh...” (số 1991)

 

·        Việc công chính hóa thiết lập việc hợp tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và tự do của con người. Nơi con người, đức công chính được thể hiện bằng việc đức tin ưng thuận Lời của Thiên Chúa, Đấng mời gọi họ hoán cải, cũng như bằng việc đức ái hợp tác với thúc động của Thánh Linh, Đấng có trước cả việc ưng thuận của họ và bảo trì việc họ ưng thuận này”. (số 1993)

 

Những ân sủng cần thiết để con người sống công chính

 

·        Việc công chính hóa chúng ta là do ân sủng của Thiên Chúa ban cho. Ân sủng là niềm ưu ái, là việc Thiên Chúa tự mình và hết mình trợ giúp chúng ta để chúng ta đáp ứng lời Ngài mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa, nên những người con được thừa nhận, nên những người được thông phần vào bản tính thần linh cũng như vào sự sống đời đời (x Jn 1:12-18, 17:3; Rm 8:14-17; 2Pet 1:3-4)”. (số 1996)

 

·        Ân sủng là một cuộc dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Ân sủng đưa chúng ta vào mối thân tình của sự sống Chúa Ba Ngôi...”. (số 1997)

 

·        Ân sủng của Chúa Kitô là một tặng ân nhưng không Thiên Chúa dùng để ban cho chúng ta sự sống riêng của Ngài, một sự sống được Thánh Linh phú bẩm vào linh hồn chúng ta để chữa lành linh hồn khỏi tội lỗi cũng như để thánh hóa linh hồn chúng ta. Đó là ơn thánh hóa hay thần hóa được lãnh nhận nơi Phép Rửa. Nơi chúng ta, ân sủng này là nguồn mạch của việc thánh hóa (x Jn 4:14, 7:38-39)”. (số 1999)

 

·        Ơn thánh hóa là một hằng sủng, một trang bị siêu nhiên kiên định, một trang bị hoàn hảo hóa linh hồn để linh hồn có thể sống với Thiên Chúa, tác hành theo tình yêu của Ngài. Hằng sủng, một trang bị thường xuyên để sống động và tác hành hợp với ơn gọi của Thiên Chúa, được phân biệt với hiện sủng là ơn liên quan đến việc can thiệp của Thiên Chúa, hoặc vào lúc bắt đầu của việc hoán cải hay trong giai đoạn của việc thánh hóa”. (số 2000)

 

·        Việc sửa soạn để con người lãnh nhận ân sủng đã là việc của ân sủng làm rồi. Cần có tác động của ân sủng để khơi dậy cũng như để bảo trì việc hợp tác của chúng ta trong việc công chính hóa theo đức tin và việc thánh hóa theo đức mến. Thiên Chúa làm hoàn thành nơi chúng ta những gì Ngài đã khởi sự...” (số 2001)

 

·        Ân sủng trước hết và trên hết là tặng ân Thần Linh, Đấng công chính hóa và thánh hóa chúng ta. Thế nhưng, ân sủng cũng bao gồm cả các tặng ân Thần Linh ban cho chúng ta để liên kết chúng ta với công việc của Ngài, để cho phép chúng ta hợp tác vào việc cứu độ kẻ khác cũng như vào việc phát triển của Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Có những tích sủng, những tặng ân xứng hợp với các bí tích khác nhau. Cũng có những đặc sủng, cũng được gọi là đoàn sủng... hướng đến ơn thánh hóa và nhắm đến lợi ích chung của Giáo Hội...”. (số 2003)

 

·        Trong số các ân sủng phải kể đến ơn theo bậc giúp vào việc thực thi những trách nhiệm của đời sống Kitô hữu cũng như của các thừa tác vụ trong Giáo Hội”. (số 2004)

 

Ý nghĩa của công nghiệp do con người công chính lập được trong việc nên thánh.

 

·        Công nghiệp của con người trước nhan Thiên Chúa nơi đời sống Kitô hữu xuất phát từ sự kiện là Thiên Chúa đã tự tình muốn con người liên kết với công cuộc ân sủng của Ngài. Tác động phụ thân của Thiên Chúa trước hết là do sáng kiến của Ngài, sau đó tác động của Ngài còn đi theo với tác hành tự do của con người trong việc hợp tác của họ nữa, bởi thế, công nghiệp của các việc lành trước hết phải được qui về cho ân sủng của Thiên Chúa, rồi mới tới tín hữu. Hơn nữa, công nghiệp của con người tự nó thuộc về Thiên Chúa, vì các việc lành của họ đã được tiến hành trong Chúa Kitô, nhờ Thánh Linh dọn đường mở lối và trợ giúp thực hiện”. (số 2008)

 

·        Theo trật tự ân sủng, Thiên Chúa là Đấng tác động trước, nên không ai có thể kiếm  được ơn tha tội và công chính hóa ngay từ đầu. Được Thánh Linh và đức ái tác động, sau đó chúng ta mới có thể lập công cho chúng ta cũng như cho kẻ khác những ân sủng cần cho việc thánh hóa của chúng ta, cho việc tăng thêm ân sủng và đức ái, cũng như cho việc chiếm đạt sự sống vĩnh cửu. Ngay cả những sự vật tạm bợ ở đời này, như sức khỏe và tình thân hữu, cũng chỉ có thể kiếm được tùy theo đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Những ân sủng và sự vật này là đối tượng nguyện cầu của Kitô hữu. Cầu nguyện mang lại ân sủng cần thiết để chúng ta thực hiện được những việc đáng thưởng công”. (số 2010)

 

·        Đức ái của Chúa Kitô là nguồn mạch nơi chúng ta cho mọi công nghiệp của chúng ta trước nhan Thiên Chúa. Bằng việc liên kết chúng ta với Chúa Kitô trong tình yêu chủ động, ân sủng bảo đảm tính chất siêu nhiên của các việc chúng ta làm, nhờ đó cũng bảo đảm cả công nghiệp của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và loài người nữa...” (số 2011)

 

·        Việc tiến bộ thiêng liêng hướng đến việc hiệp nhất sâu xa hơn với Chúa Kitô. Việc hiệp nhất này được gọi là ‘mầu nhiệm’, vì nó tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Kitô qua các bí tích – là ‘các mầu nhiệm thánh’ – rồi trong Người, vào mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi...” (số 2014)

 

·        Đường lối nên trọn lành băng ngang qua con đường Thập Giá. Không từ bỏ và chiến đấu thiêng liêng cũng sẽ không có sự thánh thiện (x 2Tim 4). Việc tiến bộ thiêng liêng đòi phải sống khổ hạnh và hãm mình là những gì từ từ dẫn con người đến cuộc sống bình an và hoan lạc theo các Phúc Đức”. (số 2015)

 

 

3.      LÀM SAO CON NGƯỜI CÓ THỂ NẮM VỮNG ĐƯỢC ĐÂU LÀ NHỮNG KHOẢN LỀ LUẬT THẬT SỰ LÀM CHO HỌ SỐNG ĐẸP LÒNG THIÊN CHÚA, NHẤT LÀ LÀM SAO HỌ CÓ THỂ LÃNH NHẬN ÂN SỦNG ĐỂ SỐNG TRỌN LỀ LUẬT NÀY?

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì Giáo Hội chính là kho tàng chân lý và ân sủng được Đấng “đầy ân sủng và chân lý” (Jn 1:14) thiết lập để trao ban cho chung nhân loại cũng như cho riêng chi thể của Người: “Chính trong Giáo Hội, trong mối hiệp thông với toàn thể những ai được lãnh nhận phép rửa mà Kitô hữu hoàn tất ơn gọi của mình. Họ lãnh nhận từ Giáo Hội Lời Chúa chứa đựng các giáo huấn về ‘lề luật của Chúa Kitô’ (Gal 6:2). Họ lãnh nhận từ Giáo Hội ân sủng của các bí tích để nâng đỡ họ ‘tiến bước’. Họ học được từ nơi Giáo Hội gương thánh đức... qua chứng từ đích thực của những người đã sống” (số 2030). Như thế, đời sống luân lý của Kitô hữu đặc biệt trực tiếp liên quan đến Huấn Quyền, đến sinh hoạt Phụng Vụ cũng như đến việc chứng nhân truyền giáo.

 

Đời sống luân lý của Kitô hữu liên quan đến Huấn Quyền

 

·        ’Giáo Hội luôn luôn có quyền truyền đạt các nguyên tắc luân lý ở mọi nơi, kể cả những nguyên tắc luân lý liên quan đến lãnh vực xã hội, cũng như có quyền phán quyết về sinh hoạt của loài người một khi quyền căn bản làm người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi’ (Giáo Luật khoản 747.2)”. (số 2032)

 

·        Huấn Quyền thông thường và phổ quát của Giáo Hoàng và các vị giám mục hiệp thống với ngài dạy tín hữu chân lý phải tin tưởng, đức ái phải thực hành và phúc đức phải hy vọng”. (số 2034)

 

·        Quyền bính của Huấn Quyền cũng bao gồm cả những qui định của luật tự nhiên, vì việc tuân giữ những qui định của luật tự nhiên theo ý định của Đấng Tạo Hóa cần thiết cho phần rỗi...”. (số 2036)

 

Đời sống luân lý của Kitô hữu liên quan đến sinh hoạt Phụng Vụ.

 

·        Các qui định Giáo Hội đặt ra liên quan đến đời sống luân lý thì dính liền với sinh hoạt phụng vụ và được bồi dưỡng bởi sinh hoạt phụng vụ. Tính cách bó buộc của các khoản luật xây dựng này là do thẩm quyền mục vụ nhắm đến việc bảo đảm mức tối thiểu không thể châm chước người tín hữu phải có nơi tinh thần cầu nguyện cũng như nơi nỗ lực luân lý, để tình yêu Thiên Chúa và tha nhân được phát triển”. (số 2041)

 

·        Qui định thứ nhất (‘xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc’)...; Qui định thứ hai (‘xưng tội trong một năm ít là một lần’)...; Qui định thứ ba (‘chịu Mình Thánh Chúa Giêsu trong Mùa Phục Sinh...” (số 2042); “Qui định thứ bốn (‘giữ thánh hảo các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc’, theo diễn nghĩa trong bản ‘Hội Thánh có sáu điều răn’ của Việt Nam là ‘chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc); Qui định thứ năm (‘giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc’); Tín hữu cũng có nhiệm vụ đóng góp giúp các nhu cầu vật chất của Giáo Hội tùy theo khả năng của mình” (số 2043).

 

Đời sống luân lý của Kitô hữu liên quan đến việc chứng nhân truyền giáo

 

·        ’Chứng từ của đời sống Kitô hữu và các việc lành được thực hiện trong tinh thần siêu nhiên có một quyền lực mạnh mẽ trong việc lôi kéo con người về với đức tin và Thiên Chúa’ (Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, 6.2)”. (số 2044)

 

·        “Vì là phần thể của Thân Thể có Chúa Kitô là Đầu (x Eph 1:22), nên Kitô hữu cần phải đóng góp vào việc xây dựng Giáo Hội, bằng việc kiên trì với niềm tin và đời sống luân lý của mình. Giáo Hội tăng tiến, lớn lên và phát triển là nhờ ở sự thánh thiện nơi tín hữu của mình, cho đến khi ‘tất cả chúng ta đạt đến tình trạng hiệp nhất trong đức tin cũng như trong kiến thức về Con Thiên Chúa, đạt đến tình trạng thành nhân, đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô’ (Eph 4:13; x Lumen Gentium, 39)”. (số 2045)

 

 

TÓM LẠI:

 

Về bản chất (là gì) (GL số 1951-1952) và tác dụng (ra sao) của lề luật, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác định vị trí của chúng trong mối tương quan với các thứ lề luật (phổ quát hay đặc thù), đúng hơn, với các hạng lề luật (tự nhiên hay mạc khải), được sắp xếp theo bậc thang giá trị như sau: thứ nhất là luật Luân Lý Tự Nhiên (GL số 1955-1958, 1960), thứ hai là luật Mạc Khải Cựu Ước (GL số 1961-1964, 2066, 2068-2071), và thứ ba là luật Mạc Khải Phúc Âm (GL số 1965, 1968-1970, 1972-1973). Con người nhiễm nguyên tội chẳng những mù tối cần phải được hướng dẫn bởi các luật lệ, mà còn yếu đuối, cần phải được trợ giúp bởi ân sủng nữa. Nói đến ân sủng, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trước hết nói đến việc công chính hóa con người (GL số 1987, 1989-1991, 1993), sau đó đến những ân sủng cần thiết để con người sống công chính (GL số 1996-1997, 1999-2001, 2003-2004) và sau hết đến ý nghĩa của công nghiệp do con người công chính lập được trong việc nên thánh (GL số 2008, 2010-2011, 2014-2015). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì Giáo Hội chính là kho tàng chân lý và ân sủng được Đấng “đầy ân sủng và chân lý” (Jn 1:14) thiết lập để trao ban cho chung nhân loại cũng như cho riêng chi thể của Người: “Chính trong Giáo Hội, trong mối hiệp thông với toàn thể những ai được lãnh nhận phép rửa mà Kitô hữu hoàn tất ơn gọi của mình. Họ lãnh nhận từ Giáo Hội Lời Chúa chứa đựng các giáo huấn về ‘lề luật của Chúa Kitô’ (Gal 6:2). Họ lãnh nhận từ Giáo Hội ân sủng của các bí tích để nâng đỡ họ ‘tiến bước’. Họ học được từ nơi Giáo Hội gương thánh đức... qua chứng từ đích thực của những người đã sống” (số 2030). Như thế, đời sống luân lý của Kitô hữu đặc biệt trực tiếp liên quan đến Huấn Quyền (GL số 2032, 2034, 2036), đến sinh hoạt Phụng Vụ (GL số 2041-2043) cũng như đến việc chứng nhân truyền giáo (GL số 2044-2045).

 

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

1.      “Luật Chúa trao cho Giáo Hội phải được dạy dỗ tín hữu như là một đường lối của sự sống và của chân lý. Bởi thế, tín hữu có quyền được chỉ dẫn theo những qui định cứu độ thần linh là những gì thanh tẩy phán đoán, và cùng với ân sủng, chữa lành trí khôn bị tổn thương của con người (x Giáo Luật khoản 213). Họ có nhiệm vụ tuân giữ những qui chế và chỉ thị được thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội ban bố. Cho dù những qui chế và chỉ thị đó có liên quan đến những vần đề về kỷ luật đi nữa, thì những định đoạt ấy cũng kêu gọi tinh thần dễ dạy theo đức ái”. (số 2037)

 

2.      “Các thừa tác vụ phải được thi hành trong tinh thần phục vụ huynh đệ và hiến thấn cho Giáo Hội nhân danh Chúa (x Rm 12:8, 11). Cũng thế, lương tâm mỗi người phải tránh thu hẹp mình vào những cân nhắc có tính cách cá nhân nơi những phán đoán về luân lý đối với các việc họ làm. Lương tâm phải hết sức chú trọng tới thiện ích của tất cả mọi người, như được thể hiện nơi luật luân lý, luật tự nhiên và luật mạc khải, theo đó, nơi cả luật của Hội Thánh cũng như nơi giáo huấn uy tín của Huấn Quyền về các vấn đề luân lý. Lương tâm và lý trí cá nhân không được nghịch lại với luật luân lý hay Huấn Quyền của Giáo Hội”. (số 2039)