Bài Giáo Lý số 33 

THẢO KÍNH CHA MẸ

Luật Chúa: Điều Bốn

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

M

ặc dù con người, theo kinh nghiệm tôn giáo cho thấy, tự nhiên chỉ có và thường có mặc cảm tội lỗi với loài sinh vật và nhất là đối với đồng loại của mình, hơn là đối với Ông Trời, với Đấng Tối Cao, như phần “cảm nghiệm nhân sinh” bài trước nhận định. Tuy nhiên, chính cái mặc cảm tội lỗi không thể chối cãi này nơi con người, tự bản chất của nó, cũng chứng tỏ cho thấy con người mặc nhiên tin có Trời Cao, tin có Chân Lý Tối Thượng, bằng không, không có Trời Cao, không có Công Lý, họ đã sống theo luật rừng chẳng khác gì như loài hoang thú, không biết đến trời cao là gì, chỉ biết cái bụng là trên hết, chỉ biết phản ứng theo bản năng sinh tồn của mình mà thôi, mặc kệ cho “bay chết mặc bay” hay bất kể sống chết của vật khác.

 

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nếu không biết Đấng Tối Cao thực sự như thế nào, con người đã và vẫn có thể áp dụng nguyên tắc “ái nhân như kỷ”, “yêu người như mình”, theo đường lối vị kỷ hơn là xả kỷ. Ở chỗ, họ sợ rằng, nếu mình không yêu thương tha nhân, không tỏ ra giúp đỡ người khác khi họ cần đến mình, một ngày nào đó, khi rủi có bị sa cơ lỡ bước theo luật tuần hoàn “bỉ cực thái lai”, nhất là luật nhân quả “ác giả ác báo”, mình cũng sẽ bị người khác đối xử như vậy. Bởi thế, họ có công nhận quyền lợi căn bản của nhau là vì chúng có liên quan sâu xa đến quyền lợi của mình, hơn là thấy được quyền lợi ấy phát xuất bởi chính bản tính làm người bẩm sinh của con người, chứ không phải do họ nghĩ ra hay do các bản tuyên ngôn nhân quyền mà có, một bản tính được hình thành bởi chính Đấng Tạo Hóa Tối Cao. Nghĩa là, trong trường hợp chưa thực sự nhận biết Đấng Tối Cao và chưa biết Ngài như thế nào, con người vẫn có thể chỉ vì mình mà yêu người hơn là thuần túy vì yêu thương, và như thế, mặc cảm tội lỗi của con người đối với người khác chỉ là mối sợ hãi cho bản thân họ hơn là mối quan tâm lo cho đồng loại, giống hệt như trường hợp họ sợ bị phạt hơn là sợ cảnh sát, bởi thế, nếu không bị phạt thì cảnh sát cũng chẳng có giá trị gì.

 

Thế nhưng, đối với Do Thái Giáo và Kitô Giáo, chính vì có giới răn thứ nhất là giới răn kính mến Thiên Chúa hết mình và trên hết mọi sự mới có giới răn thứ hai, một giới răn cũng có một giá trị tương đương với giới răn thứ nhất, một giá trị được chính Chúa Kitô xác nhận: “cũng giống như giới răn thứ nhất” (Mt 22:39). Nghĩa là: “Ai kính mến Thiên Chúa cũng phải yêu thương anh em mình” (1Jn 4:21); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà có” (1Jn 4:7); “Ai bảo rằng ‘tôi thiết tha kính mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, họ là kẻ nói dối” (1Jn 4:20). Mà tha nhân đầu tiên phải kể đến, phải yêu mến, đó là các vị đã sinh thành dưỡng dục con người, rồi mới tới các thành phần khác. Bởi đó, trong Thập Giới, sau ba giới răn đầu con người phải giữ đối với Thiên Chúa, cũng như trước sáu giới răn phải giữ đối với những người lạ khác, mới có giới răn “thứ bốn thảo kính cha mẹ”.  

 

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

 

V

ề điều răn thứ bốn thảo kính cha mẹ này, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho thấy bốn vấn đề như sau: thứ nhất về phạm vi của điều răn thứ bốn, thứ hai về ý nghĩa và giá trị của cơ cấu gia đình, thứ ba về nhiệm vụ của con cái và cha mẹ trong gia đình, và thứ bốn về nhiệm vụ của chính quyền và công dân trong một nước.

 

 

PHẠM VI CỦA ĐIỀU RĂN THỨ BỐN

 

·        Điều răn thứ bốn bắt đầu bia đá thứ hai của Thập Giới. Điều răn này cho chúng ta thấy thứ tự của đức bác ái. Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ của mình là những vị truyền đạt sự sống cho chúng ta cũng là những vị truyền đạt kiến thức về Thiên Chúa cho chúng ta nữa. Chúng ta buộc phải tôn kính và trọng kính tất cả những ai Thiên Chúa ban quyền bính vì lợi ích của chúng ta”. (số 2197)

 

·        Điều răn thứ bốn nhắm thẳng đến thành phần con cái trong mối liên hệ giữa họ với cha mẹ của họ, vì đây là mối liên hệ phổ quát nhất. Điều răn này cũng liên quan đến cả những ràng buộc về huyết tộc giữa các phần tử họ hàng trong gia đình. Nó đòi phải có lòng tôn kính, quyến luyến và tri ân đối với các vị tiên sinh và tiên tổ. Sau hết, nó bao gồm cả những phận sự của học sinh đối với thầy cô, nhân viên đối với chủ nhân, thuộc hạ đối với thủ lãnh, công dân đối với tổ quốc cũng như đối với thành phần điều hành hay cai trị đất nước. Điều răn này bao gồm và bao hàm cả những phận vụ của cha mẹ, của vị bảo hộ, của thày cô, của thủ lãnh, của quan chức, của thành phần quản trị, của tất cả những ai thi hành quyền bính đối với những người khác hay đối với một cộng đồng”. (số 2199)

 

·        Điều răn thứ bốn làm sáng tỏ các mối liên hệ khác trong xã hội. Nơi anh chị em của mình, chúng ta thấy con cái của cha mẹ chúng ta; nơi anh em họ hàng của mình, chúng ta thấy tổ tiên của chúng ta; nơi đồng bào của mình, chúng ta thấy con cái đất nước của chúng ta; nơi thành phần đồng đạo, chúng ta thấy con cái của mẹ Giáo Hội; nơi hết mọi người, chúng ta thấy con trai con gái của Đấng muốn được gọi là ‘Lạy Cha chúng con’. Như thế, mối liên hệ của chúng ta với tha nhân có tính cách cá thể. Tha nhân không phải là một ‘đơn vị’ trong tổng hợp loài người; họ là ‘một người nào đó’, một nhân vật có gốc gác tỏ tường, đáng được đặc biệt chú trọng và kính trọng”. (số 2212)

 

 

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA CƠ CẤU GIA ĐÌNH

 

·        ’Gia đình Kitô hữu làm sáng tỏ và hiện thực mối hiệp thông của Giáo Hội, vì thế gia đình có thể được gọi và phải được gọi là một giáo hội tại gia’ (Tông Huấn Familiaris Consortio, 21; x Hiến Chế Lumen Gentium, 11). Gia đình là một cộng đồng đức tin, đức cậy và đức mến; gia đình có một tầm quan trọng đặc biệt trong Giáo Hội, như Tân Ước rõ ràng cho thấy (x Eph 5:21-6:4; Col 3:18-21; 1Pt 3:1-7)”. (số 2204)

 

·        Gia đình Kitô hữu là một cộng đồng nhân vị, là dấu chỉ và là hình ảnh của cộng đồng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong việc truyền sinh và giáo dục con cái, gia đình phản ánh việc tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào lời nguyện cầu và hy tế của Chúa Kitô. Việc cầu nguyện hằng ngày cũng như việc đọc Lời Chúa làm cho gia đình thêm vững mạnh trong đức ái. Gia đình Kitô hữu có nhiệm vụ phải thực hiện việc phúc âm hóa và truyền giáo”. (số 2205)

 

·        Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội. Nó là một xã hội tự nhiên, một xã hội người chồng và người vợ được kêu gọi để hiến thân cho nhau trong yêu thương cũng như trong việc ban tặng sự sống. Quyền bính, tình trạng ổn định và cuộc sống tương giao trong gia đình là những gì đặt nền tảng cho tự do, tình trạng an toàn và tình yêu thương huynh đệ trong xã hội. Gia đình là một cộng đồng giúp cho con người từ nhỏ biết được những giá trị về luân lý, biết tôn kính Thiên Chúa và biết đàng hoàng sử dụng tự do. Đời sống gia đình bước đầu đưa con người vào cuộc sống trong xã hội”. (số 2207)

 

 

NHIỆM VỤ CỦA CON CÁI VÀ CHA MẸ TRONG GIA ĐÌNH

 

Nhiệm vụ của con cái đối với cha mẹ

 

·        Vai trò thân phụ thần linh là nguồn gốc của vai trò làm cha trần thế (x Eph 3:14); đó là nền tảng cho việc tôn kính phải có đối với cha mẹ. Việc con cái, dù nhỏ hay lớn, tỏ ra kính trọng cha mẹ mình (x Pro 1:8; Tob 4:3-4) được nuôi dưỡng bằng cảm tình tự nhiên xuất phát từ mối liên hệ giữa họ với nhau. Giới răn Thiên Chúa đòi phải có lòng kính trọng cha mẹ này”. (số 2214)

·        Việc thảo kính cha mẹ bắt nguồn từ lòng biết ơn đối với những vị đã dùng tặng ân truyền sinh, tình yêu thương cùng với việc làm của mình để mang con cái vào trần gian cũng như làm cho họ lớn lên về hình thể, khôn ngoan và ân sủng”. (số 2215)

 

·        Lòng con cái thảo kính cha mẹ được tỏ hiện bằng việc thực tình dễ dạy và phục tùng”. (số 2216)

 

·        Bao lâu còn sống với cha mẹ như một người con, thì con cái phải vâng lời cha mẹ  trong tất cả những gì các vị bảo mình làm vì lợi ích của mình cũng như của gia đình. ‘Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng  Chúa’ (Col 3:20; x Eph 6:1). Con em cũng phải vâng theo những chỉ dẫn hợp lý của thày cô cũng như của tất cả những vị được cha mẹ tin tưởng trao phó chúng cho trách nhiệm của họ. Thế nhưng, một khi đứa nhỏ theo lương tâm cho rằng nếu vâng theo một mệnh lệnh nào đó là sai lầm thì không buộc nó phải thi hành. Khi lớn khôn, con cái vẫn phải tiếp tục trọng kính cha mẹ mình. Chúng phải dự đoán được cha mẹ mình muốn gì, sẵn sàng bàn hỏi với các ngài và chấp nhận những khiển trách chính đáng của các ngài. Việc con cái thôi vâng lời cha mẹ khi chúng không còn chung sống với các ngài nữa, nhưng chúng vẫn luôn phải trọng kính các ngài. Lòng trọng kính này bắt nguồn từ lòng kính sợ Thiên Chúa, một trong những tặng ân của Chúa Thánh Thần”. (số 2217)

 

·        Điều răn thứ bốn nhắc nhở những người con đã trưởng thành các trách nhiệm của họ đối với cha mẹ họ. Họ phải giúp đỡ các ngài bao nhiêu có thể về vật chất cũng như về luân lý trong tuổi già của các ngài cũng như trong lúc các ngài yếu đau, cô độc hay ưu phiền. Chúa Giêsu đã nhắc đến nhiệm vụ phải biết ơn này (x Mk 7:10-12)”. (số 2218)

 

·        Lòng con cái trọng kính cha mẹ tạo nên tình trạng thuận hòa trong tất cả mọi sinh hoạt gia đình; nó cũng liên quan cả đến tình giao hảo giữa anh chị em với nhau nữa”. (số 2219)

 

·        Kitô hữu cũng phải biết ơn cả những người giúp họ lãnh nhận tặng ân đức tin, ân sủng Rửa Tội và sự sống trong Giáo Hội nữa. Những người này có thể là cha mẹ, ông bà hay các phần tử khác trong gia đình, có thể là cha sở, giáo lý viên và các thày cô hay bạn bè khác”. (số 2220)

 

Nhiệm vụ của cha mẹ đối với con cái

 

·        “Tình yêu vợ chồng phong phú không phải chỉ vỏn vẹn ở trong việc sinh con đẻ cái, mà phải bao gồm cả vấn đề giáo dục về luân lý và hình thành về tinh thần cho chúng nữa. ‘Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục quan trọng đến nỗi hầu như không thể nào thay thế cho hoàn toàn đầy đủ được’ (Tuyên Ngôn Gravissimum Educationis, 3). Quyền lợi và bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái mình là những gì cốt yếu và bất khả nhượng”. (số 2221)

 

·        Cha mẹ phải coi con cái của mình như con cái của Thiên Chúa cũng như phải tôn trọng chúng như là những con người. Cho chúng thấy mình thuận phục ý muốn của Cha trên trời là cha mẹ giáo dục con cái mình giữ trọn lề luật Thiên Chúa”. (số 2222)

 

·        Cha mẹ có trách nhiệm trước tiên trong việc giáo dục con cái mình. Các vị chứng tỏ trách nhiệm này trước hết bằng việc tạo nên một mái ấm gia đình trong một bầu khí nhân ái dịu dàng, thứ tha, tương kính, thành tín và vô tư phục vụ. Gia đình là nơi rất thích hợp cho việc giáo dục cuộc sống đức hạnh. Việc giáo dục này đòi phải biết bỏ mình, phán đoán lành mạnh và tự chủ, những điều kiện tiên quyết để sống tự do thực sự. Cha mẹ phải dạy cho con cái mình biết đặt ‘những chiều kích về vật chất và bản năng dưới chiều kích về nội tâm và tinh thần’ (Thông Điệp Bách Niên, 36.2). Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng trong việc làm gương sáng cho con cái của mình. Bằng việc tỏ ra nhận biết lỗi lầm của mình đối với con cái, cha mẹ mới có thể dẫn dắt và sửa dạy chúng”. (số 2223)

 

·        “... Cha mẹ phải dạy cho con cái của mình biết xa tránh những ảnh hưởng dung túng và thấp hèn đe dọa xã hội loài người”. (số 2224)

 

·        Việc cha mẹ giáo dục đức tin phải được bắt đầu khi con cái còn rất nhỏ. Việc giáo dục này được thực hiện khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin bằng chứng từ của đời sống Kitô hữu hợp với Phúc Âm. Việc dạy giáo lý trong gia đình phải đi trước, kèm theo và làm phong phú hơn các cách thức hướng dẫn đức tin khác. Cha mẹ có sứ mệnh dạy cho con cái biết cầu nguyện và nhận ra ơn gọi của chúng trong việc làm con cái Thiên Chúa (x Hiến Chế Lumen Gentium, 11)...”. (số 2226)

 

·        Việc cha mẹ tôn trọng và thương mến con cái được thể hiện bằng việc các vị chăm sóc và chuyên tâm nuôi nấng con cái nhỏ tuổi của mình, và bằng việc cung cấp những nhu cầu vật chất và tinh thần cho chúng. Khi con cái lớn lên, việc cha mẹ tôn trọng và thương mến con cái vẫn thúc đẩy các vị giáo dục chúng để chúng biết sử dụng đúng đắn lý trí và tự do của chúng”. (số 2228)

 

·        “Là những người có trách nhiệm đầu tiên đối với việc giáo dục con cái, cha mẹ có quyền chọn học đường cho chúng hợp với niềm tin của họ”. (số 2229)

 

·        “Khi con cái thành nhân, chúng được quyền và có bổn phận chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống lấy cho chúng... Cha mẹ phải ý tứ không được làm áp lực con cái mình cả trong việc chúng chọn nghề nghiệp hay trong việc chúng chọn người phối ngẫu. Tuy nhiên, việc giới hạn này không có nghĩa là các vị không được ban cho chúng những lời khuyên khôn ngoan, nhất là khi chúng dự tính lập gia đình”. (số 2230)

NHIỆM VỤ CỦA CHÍNH QUYỀN VÀ CÔNG DÂN TRONG NƯỚC

 

Nhiệm vụ của chính quyền đối với công dân

 

·        Những ai cầm quyền phải hành xử nó như là một việc phục vụ... Việc hành xử quyền bính theo luân lý được thẩm định căn cứ vào nguồn gốc thần linh của nó, vào bản chất hợp lý của nó cũng như vào đối tượng chuyên biệt của nó. Không ai có thể truyền khiến hay thiết lập những gì trái với phẩm vị con người cũng như trái với luật tự nhiên”. (số 2235)

 

·        Vấn đề hành xử quyền bính nhắm đến việc làm cho cấp bậc thực sự của các giá trị được thể hiện ra bề ngoài để mọi người có thể dễ dàng sử dụng tự do và thi hành trách nhiệm của mình. Những ai cầm quyền phải khôn ngoan thi hành công lý phân minh, bằng cách để ý đến các nhu cầu và việc đóng góp của từng người, theo chiều hướng hòa thuận và an lạc. Họ phải coi chừng đừng để cho những qui chế và hạn định họ ban hành trở thành mối tranh chấp giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của công đồng (x Thông Điệp Bách Niên, 25)”. (số 2236)

 

·        Quyền bính chính trị buộc phải tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người... Các quyền lợi về phương diện chính trị là để hành xử cho công ích của quốc gia cũng như của cộng đồng nhân loại”. (số 2237)

 

Nhiệm vụ của công dân đối với chính quyền

 

·        Những người thuộc quyền phải coi những ai cầm quyền như là những vị đại diện của Thiên Chúa, Đấng dùng họ làm quản lý trông coi các tặng ân của Ngài (x Rm 13:1-2)... Việc trung thành hợp tác bao gồm quyền lợi, đôi khi cả bổn phận, phải lên tiếng phản đối một cách chính đáng những gì có vẻ làm tổn hại đến phẩm vị của con người cũng như đến thiện ích của cộng đồng”. (số 2238)

 

·        Công dân có nhiệm vụ cùng với các nhà cầm quyền dân sự góp phần vào thiện ích của xã hội, bằng một tinh thần chân thật, công bằng, đoàn kết và tự do. Việc yêu mến và phục vụ quê hương đất nước phát xuất từ nhiệm vụ biết ơn và thuộc về lãnh vực đức bác ái. Việc phục tùng quyền bính hợp pháp cũng như việc phục vụ công ích đòi người công dân phải hoàn tất các vai trò của mình trong đời sống cộng đồng chính trị”. (số 2239)

 

·        Việc phục tùng quyền bính và việc có chung trách nhiệm đối với công ích, theo luân lý, cũng đòi buộc người công dân phải đóng thuế, phải thi hành quyền bầu cử và phải bảo vệ quê hương xứ sở của mình”. (số 2240)

 

·        Theo lương tâm, người công dân không buộc phải tuân theo những chỉ thị của chính quyền dân sự khi những chỉ thị ấy trái với những đòi hỏi của phạm vị luân lý, với các quyền lợi căn bản của con người hay với các giáo huấn của Phúc Âm. Việc không chịu tùng phục các quyền bính dân sự, khi những đòi hỏi của họ trái với những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, có lý do chính đáng ở chỗ việc phụng sự Thiên Chúa với việc phục vụ cộng đồng chính trị là hai việc khác nhau. ‘Hãy trả về cho Cêsa những gì của Cêsa và cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa (Mt 22:21). ‘Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người (Acts 5:29). ‘Khi người công dân bị đè nén bởi một thứ công quyền vượt quá quyền hạn của mình, họ vẫn phải cống hiến hay làm theo những gì công ích đòi buộc họ một cách khách quan; thế nhưng, họ cũng được phép bảo vệ quyền lợi riêng của họ cũng như của những người công dân như họ để chống lại việc lạm dụng của thứ quyền bính này, trong giới hạn của phạm vi luật tự nhiên cũng như Luật Phúc Âm(Hiến Chế Gaudium et Spes, 74.5)”. (số 2242)

 

·        Việc võ trang chống lại cuộc đàn áp của chính quyền là việc không hợp pháp, trừ khi hội đủ tất cả những điều kiện sau đây: 1) xẩy ra việc vi phạm các quyền lợi căn bản của con người một cách chắc chắn, trầm trọng và lâu dài; 2) đã vận dụng tất cả mọi phương tiện có thể để chữa trị; 3) việc kháng cự như vậy sẽ không gây nên những đổ vỡ tệ hại hơn; 4) chắc chắn hy vọng nắm được thành công; và 5) không thể nào tìm thấy được một giải pháp hợp lý nào tốt hơn”. (số 2243)

 

·        Phần Giáo Hội có sứ vụ phải ‘đưa ra những phán quyết về luân lý ngay cả trong những vấn đề liên quan đến chính trị, khi các quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Phương tiện, một phương tiện duy nhất Giáo Hội sử dụng đó là những gì hợp với Phúc Âm cũng như với an sinh của tất cả mọi người, tùy theo tính cách khác nhau của thời gian và trường hợp’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 5)”. (số 2246)

 

 

TÓM LẠI:

 

Về điều răn thứ bốn thảo kính cha mẹ này, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho thấy bốn vấn đề như sau: thứ nhất về phạm vi của điều răn thứ bốn (GL số 2197, 2199, 2112), thứ hai về ý nghĩa và giá trị của cơ cấu gia đình (GL số 2204-2205, 2207), thứ ba về nhiệm vụ của con cái (GL số 2214-2220) và cha mẹ (GL số 2221-2224, 2226, 2228-2230) trong gia đình, và thứ bốn về nhiệm vụ của chính quyền (GL số 2235-2237) và công dân (GL số 2238-2240, 2242-2243, 2246) trong một nước.