Bài Giáo Lý số 39
CẦU NGUYỆN:
TRUYỀN THỐNG VÀ ĐỜI SỐNG
(các số 2650-2758)
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
N
ói đến cầu nguyện là nói đến chia trí. Chia trí là những gì chi phối nội tâm của con người, khiến cho họ không thể hay không hoàn toàn chú hết tâm trí của họ vào việc cầu nguyện. Đó là lý do, muốn cầu nguyện sốt sắng, con người cần phải biết tập trung tâm tưởng và thường tìm đến những nơi thanh vắng. Thế nhưng, chính vì cái bấn loạn trong tâm hồn, cộng với những biến động trong đời sống, lại là những động lực thúc đẩy con người tìm kiếm bình an trong tâm hồn và tìm đến những nơi thanh vắng. Thiền hay Yoga có thể nói là những phương pháp do con người nghĩ ra để tìm cách giúp cho họ dễ định thần và bình tâm trước cuộc đời chao đảo quay cuồng. Tuy nhiên, Thiền và Yoga tự chúng cũng không thể giúp con người hoàn toàn định thần và bình tâm, như lúc nghe tin người thân yêu nhất của mình chết, hay như lúc chính mạng sống của Thiền sinh hay Yoga nhân đang bị đe dọa hoặc sắp nguy tử đến nơi, nếu chính bản thân con người bấy giờ không có một niềm tin siêu việt, một niềm tin khiến họ chẳng những sáng suốt mà còn có đủ thần lực để làm chủ mình, đến nỗi, họ vừa không sợ chết lại còn sẵn sàng tự hiến cho Chân Lý Tối Thượng nữa.
Thế nhưng, để đạt tới mức cầu nguyện siêu đẳng này, tức đạt tới mức Cầu Nguyện Thần Hiệp, mức con người được hoàn toàn hiệp nhất nên một với Thực Tại Thần Linh, với Nguồn Sống Viên Mãn, với Vinh Phúc Trường Sinh, với Chính Đấng Tối Cao, con người cần phải tập luyện ra sao? Họ phải trải qua những giai đoạn nào và cần phải cần có những điều kiện gì?
Đó là những vấn đề đã được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến và bàn giải liên quan tới hai lãnh vực sau đây:
1. Truyền Thống Cầu Nguyện và
2. Đời Sống Cầu Nguyện.
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN
Nói đến Truyền Thống Cầu Nguyện, trước hết, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã cho thấy bản chất của việc cầu nguyện gắn liền với đức tin như sau: “Truyền thống cầu nguyện Kitô giáo là một trong những đường lối góp phần vào việc xây dựng và phát triển truyền thống đức tin, nhất là qua việc chiêm niệm và nghiên cứu của người tín hữu, thành phần ôm ấp trong lòng những biến cố và những ngôn từ của công cuộc cứu độ, cũng như qua việc họ sâu xa thấu hiểu những thực tại thần linh theo cảm nghiệm của mình (x Hiến Chế Mạc Khải, 8)” (số 2651). Thế nhưng, cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, “việc chiêm niệm và nghiên cứu của người tín hữu” chỉ được bắt nguồn từ Các Mạch Nước Cầu Nguyện, và “việc họ sâu xa thấu hiểu những thực tại thần linh theo cảm nghiệm của mình” được tỏ hiện qua Những Đường Lối Cầu Nguyện.
Các Nguồn Mạch Cầu Nguyện
“Chúa Thánh Thần, Đấng chúng ta được xức dầu thấm nhiễm vào toàn hữu thể của chúng ta, là Vị Thày nội tâm dạy cho Kitô giáo cầu nguyện. Ngài là thủ công viên tạo nên một truyền thống cầu nguyện tồn tại. Tất nhiên có bao nhiêu người cầu nguyện là có bấy nhiêu đường lối cầu nguyện, thế nhưng, chỉ có duy một Thần Linh tác động nơi tất cả mọi người và với tất cả mọi người. Chính nơi mối hiệp thông với Thánh Linh mà việc Kitô hữu cầu nguyện là việc họ cầu nguyện trong Giáo Hội”. (số 2672)
“Chúa Thánh Thần là nước hằng sống ‘vọt lên sự sống trường sinh’ (Jn 4:14) nơi tâm hồn cầu nguyện. Chính Ngài là Đấng dạy cho chúng ta biết kín lấy nước hằng sống này ở ngay nguồn nước là Chúa Kitô. Thật vậy, trong đời sống Kitô hữu, Chúa Kitô vẫn chờ đợi chúng ta ở một số mạch nước hầu ban cho chúng ta Thánh Linh để uống” (số 2652).
Các Mạch Nước Cầu Nguyện này là gì, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã xác định đó là Lời Chúa, Phụng Vụ, Thần Đức và Thần Hứng.
Lời Chúa
“Giáo Hội ‘hết sức và đặc biệt thúc giục tất cả mọi tín hữu Kitô giáo... học biết kiến thức siêu việt về Chúa Giêsu Kitô (Phil 3:8), bằng việc năng đọc Sách Thánh... Tuy nhiên, họ hãy nhớ rằng cầu nguyện phải được kèm theo bằng việc đọc Sách Thánh, nhờ đó mới có việc trao đổi giữa Thiên Chúa và con người. Vì ‘chúng ta nói với Ngài khi chúng ta cầu nguyện; chúng ta nghe Ngài khi chúng ta đọc các lời thần linh’ (Hiến Chế Mạc Khải, 25; x Phil 3:8; Thánh Ambrose, De Officiis Ministrorum 1, 20, 88: PL 16, 50)”. (số 2653)
“Các nhà tu đức, khi viết lại đoạn 7 câu 7 của Phúc Âm Thánh Mathêu, đã tóm tắt các điều kiện một tấm lòng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa cần phải có để cầu nguyện như sau: ‘Hãy tìm kiếm nơi việc đọc sách, anh em sẽ thấy nơi việc suy niệm; hãy gõ cửa tâm nguyện, chiêm niệm sẽ mở ra cho anh em’ (Guigo the Carthusian, Scala Paradisi: PL 40, 998)”. (số 2654)
Phụng Vụ
“Nơi phụng vụ bí tích của Giáo Hội, sứ vụ của Chúa Kitô và của Thánh Linh là loan truyền, hiện thực và thông ban mầu nhiệm cứu độ, một mầu nhiệm được tiếp diễn nơi tâm hồn cầu nguyện. Các tác giả tu đức đôi khi so sánh tâm hồn với bàn thờ. Việc cầu nguyện được thấm nhiễm và đồng hóa với phụng vụ trong khi và sau khi cử hành phụng vụ. Cho dù được thực hiện ‘trong âm thầm’ (x Mt 6:6), việc cầu nguyện bao giờ cũng là việc cầu nguyện của Giáo Hội; nó là việc hiệp thông với Chúa Ba Ngôi (Lời Giới Thiệu Tổng Quan Phụng Vụ Giờ Kinh, 9)”. (số 2655)
Thần Đức
“Qua cửa hẹp đức tin, con người tiến hành việc cầu nguyện cũng như khi họ tiến hành việc cử hành phụng vụ. Chúng ta tìm kiếm và ước ao Dung Nhan của Chúa qua các dấu Người hiện diện; chính Lời của Người là những gì chúng ta muốn nghe và giữ”. (số 2656)
“Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta trong việc cử hành phụng vụ với lòng trông đợi Chúa Kitô trở lại, dạy chúng ta cầu nguyện trong hy vọng. Ngược lại, việc Giáo Hội cầu nguyện cững như việc cầu nguyện riêng của chúng ta nuôi niềm hy vọng nơi chúng ta...” (số 2657)
“... Được hấp thụ bởi đời sống phụng vụ, việc cầu nguyện sẽ làm cho mọi sự được tình yêu thấm nhiễm, một tình yêu đã yêu chúng ta trong Chúa Kitô và là tình yêu khiến chúng ta có thể đáp lại Người bằng tình yêu Người đã yêu thương chúng ta. Tình yêu là nguồn mạch nguyện cầu; ai kín múc được tình yêu là tiến đến tuyệt đỉnh của việc cầu nguyện. Cha Sở Họ A đã thốt lên những lời như sau: ‘Con yêu mến Chúa, Ôi Thiên Chúa con ơi, ước vọng độc nhất của con là yêu mến Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Con yêu mến Chúa, Ôi Thiên Chúa vô cùng khả ái của con, con thà chết vì yêu Chúa còn hơn sống mà không yêu Chúa. Con yêu mến Chúa, lạy Chúa, ơn duy nhất con xin là được đời đời yêu mến Chúa... Lạy Thiên Chúa của con ơi, nếu từng giây từng phút lưỡi con không thể nói lên lời con yêu mến Chúa, thì con muốn rằng trái tim con sẽ lập lại lời này với Chúa mỗi lần con hít thở’ (Thánh Gioan Vianney, Cầu Nguyện)”. (số 2658)
Thần Hứng
“Chúng ta biết cầu nguyện vào những lúc nào đó, bằng việc nghe Lời Chúa và thông phần vào mầu nhiệm Vượt Qua, thế nhưng, Thần Linh của Người được ban cho chúng ta trong mọi lúc, qua các biến cố mỗi ngày, để thực hiện việc cầu nguyện nơi chúng ta. Giáo huấn của Chúa Kitô dạy về việc cầu nguyện cùng Cha chúng ta cũng theo chiều hướng của giáo huấn Người dạy về việc Chúa quan phòng (x Mt 6:11, 34), đó là, thời gian ở trong tay Chúa Cha; chính trong hiện tại mà chúng ta gặp Ngài, chứ không phải hôm qua hay ngày mai mà là hôm nay: ‘Ôi nếu hôm nay các người nghe thấy tiếng Ngài! Thì đừng có cứng lòng’ (Ps 95:7-8)’”. (số 2659)
Những Đường Lối Cầu Nguyện
Cầu cùng Chúa Cha
“Kitô giáo không có một đường lối cầu nguyện nào khác ngoài Chúa Kitô. Dù cầu nguyện chung hay riêng, khẩu nguyện hay tâm nguyện, nếu chúng ta cầu nguyện ‘nhân danh’ Chúa Giêsu, thì việc cầu nguyện của chúng ta cũng vươn lên tới Chúa Cha. Nhân tính thánh hảo của Chúa Giêsu bởi thế mới là đường lối Thánh Linh sử dụng để dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha của chúng ta”. (số 2664)
Cầu cùng Chúa Giêsu
“Việc cầu nguyện của Giáo Hội, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa cũng như bằng việc cử hành phụng vụ, dạy chúng ta cầu nguyện cùng Chúa Giêsu. Mặc dù việc Giáo Hội cầu nguyện trước hết ngỏ cùng Chúa Cha, việc cầu nguyện này cũng bao gồm nơi tất cả mọi truyền thống phụng vụ những thể thức cầu nguyện ngỏ cùng Chúa Kitô. Có một số thánh vịnh, khi được sử dụng trong việc Giáo Hội Cầu Nguyện, cùng với Tân Ước đã đặt vào môi miệng chúng ta và ghi khắc trong tâm hồn chúng ta việc cầu nguyện cùng Chúa Kitô qua thể thức kêu cầu, như kêu cầu cùng Con Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa, Chúa, Đấng Cứu Thế, Chiên Thiên Chúa, Quốc Vương, Con Dấu Ái, Con Đức Nữ Trinh, Vị Mục Tử Nhân Lành, Sự Sống của chúng tôi, Ánh Sáng của chúng tôi, Hy Vọng của chúng tôi, Phục Sinh của chúng tôi, Người Bạn của nhân loại v.v.” (số 2665)
Cầu cùng Thánh Linh
“’Không ai có thể nói Giêsu là Chúa nếu không bởi Thánh Linh’ (1Cor 12:3). Mỗi khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện cùng Chúa Giêsu là mỗi lần chính Thánh Linh đưa chúng ta vào con đường cầu nguyện bằng tiền sủng của Ngài. Vì Ngài dạy chúng ta cầu nguyện bằng việc gợi nhớ Chúa Kitô, thì tại sao chúng ta lại không thể cầu nguyện cùng Thần Linh? Đó là lý do tại sao Giáo Hội kêu gọi chúng ta kêu cầu Thánh Linh hằng ngày, nhất là vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi tác động quan trọng”. (số 2670)
“Hình thức truyền thống nguyện cầu cùng Thánh Linh là kêu cầu Chúa Cha vì Đức Kitô Chúa chúng ta ban cho chúng ta Vị Thần Linh Huấn Dụ (x Lk 11:13). Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến lời nguyện cầu cần phải được thực hiện nhân danh Người này vào ngay chính lúc Người hứa ban Thần Chân Lý (x Jn 14:17, 15:26, 16:13). Thế nhưng, lời cầu nguyện đơn giản nhất và trực tiếp nhất cũng là lời cầu nguyện truyền thống, đó là lời nguyện ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến’, và mỗi truyền thống phụng vụ đã khai triển thêm lời kêu cầu này bằng các câu tiền xướng và thánh thi. ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến tràn đầy lòng tín hữu của Chúa, và xin thắp lên ngọn lửa tình yêu Chúa nơi họ’ (Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)”. (số 2671)
Cầu cùng Mẹ Maria
“Trong việc cầu nguyện, Thánh Linh liên kết chúng ta với ngôi vị của Người Con duy nhất nơi nhân tính vinh hiển của Người, một nhân tính nhờ đó và theo đó việc cầu nguyện bằng tình con thảo của chúng ta nối kết chúng ta với Người Mẹ của Chúa Giêsu trong Giáo Hội (x Acts 1:14)”. (số 2673)
“... Chúa Giêsu, Đấng trung gian duy nhất, là đường lối cầu nguyện của chúng ta; Đức Maria, Mẹ của Người cũng là Mẹ của chúng ta, hoàn toàn phản ảnh Người, ở chỗ, Mẹ ‘tỏ cho thấy đường lối’ (hodigitria), và, theo nghệ thuật ảnh tượng Đông Phương cũng như Tây Phương, chính Mẹ là ‘Dấu chỉ’ đường lối này vậy”. (số 2674)
“Từ chỗ Mẹ Maria đóng vai trò chuyên biệt trong việc cộng tác với công cuộc của Chúa Thánh Thần, Các Giáo Hội đã khai triển việc cầu nguyện của mình đối với Vị Thiên Chúa Thánh Mẫu này, ở chỗ, hướng việc cầu nguyện này về ngôi vị Chúa Kitô, một ngôi vị được tỏ hiện qua các mầu nhiệm của Người. Nơi vô vàn thánh thi và tiền xướng diễn đạt việc cầu nguyện này, chúng ta thấy có hai tác động vẫn thường luân chuyển nhau: tác động thứ nhất đó là tác động ‘ngợi khen’ Chúa về ‘những điều trọng đại’ Ngài đã làm cho tôi tớ thấp hèn của Ngài, cũng như qua người tôi tớ này, cho toàn thể nhân loại (x Lk 1:46-55); tác động thứ hai đó là tác động ký thác những lời cầu xin và chúc tụng của con cái Thiên Chúa cho Người Mẹ của Chúa Giêsu, vì hiện giờ Mẹ đang chiêm ngưỡng nhân tính của Con Thiên Chúa, một nhân tính đã hiệp hôn nơi Mẹ”. (số 2675)
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Đời Sống Cầu Nguyện của Kitô hữu chẳng những được bộc lộ qua các Cách Thức Cầu Nguyện mà còn bằng việc trải qua Cuộc Chiến Cầu Nguyện nữa, để họ có thể đạt đến tột đỉnh cầu nguyện nơi Lời Cầu Hiến Tế của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly.
Cách Thức Cầu Nguyện
“Chúa dẫn dắt tất cả mọi người theo những đường đi nước bước hợp với ý muốn của Ngài, mỗi tín hữu đáp lại bằng việc tùy nghi chọn lựa và bằng những biểu lộ cầu nguyện riêng tư của mình. Tuy nhiên, Truyền Thống Kitô giáo vẫn nắm giữ ba cách bộc lộ cầu nguyện chính, đó là khẩu nguyện, suy nguyện và chiêm nguyện. Cả ba cách bộc lộ cầu nguyện này đều có chung một đặc điểm căn bản, đó là tình trạng bình tâm. Việc khôn ngoan tỉnh thức để nắm giữ Lời Chúa và ở trước nhan Thiên Chúa như thế làm cho ba cách bộc lộ cầu nguyện này trở thành những giây phút nồng nàn trong đời sống cầu nguyện”. (số 2699)
Khẩu Nguyện
“Khẩu nguyện là yếu tố chính yếu của đời sống Kitô giáo. Chúa Giêsu đã dạy khẩu nguyện là Kinh Lạy Cha cho các môn đệ, thành phần bị thu hút bởi việc âm thầm cầu nguyện của Thày mình. Người chẳng những cầu nguyện lớn tiếng các kinh phụng nguyện của hội đường, như Phúc Âm cho thấy, Người còn lên tiếng diễn đạt lời nguyện riêng tư của Người nữa, từ lời Người hân hoan chúc tụng Cha cho tới lời Người than van đau đớn trong Vườn Cây Dầu (x Mt 11:25-26; Mk 14:36)”. (số 2701)
“Việc cần phải có cả các giác quan trong việc tâm nguyện là việc đáp ứng với đòi hỏi của bản tính tự nhiên chúng ta. Chúng ta có cả xác lẫn hồn, và chúng ta cảm thấy nhu cầu cần phải chuyển đạt các cảm xúc của chúng ta ra bên ngoài. Chúng ta phải cầu nguyện bằng cả con người của mình để nói lên lời nguyện cầu của chúng ta một cách mạnh mẽ bao nhiêu có thể”. (số 2702).
“Nhu cầu cần phải diễn tả tâm nguyện này ra bề ngoài cũng hợp với những gì Thiên Chúa muốn nữa. Thiên Chúa tìm kiếm những ai tôn thờ Ngài trong Thần Linh và Chân Lý, do đó, kinh nguyện sống động là kinh nguyện phát xuất từ tận đáy lòng. Ngài cũng muốn thân thể phụ họa để bộc lộ tâm nguyện nữa, vì việc bộc lộ này là việc tôn kính hoàn hảo xứng với Ngài”. (số 2703)
“Vì tính cách ngoại tại và thật người như thế mà khẩu nguyện là thể thức cầu nguyện rất dễ sử dụng cho các nhóm người. Dù có sống tâm nguyện chúng ta cũng không được bỏ khẩu nguyện. Việc cầu nguyện được ý thức ở chỗ chúng ta nhận biết Đấng ‘chúng ta thân thưa’ (Thánh Têrêsa Mẹ, The Way of Perfection 26, 9 trong The Collected Works of St Teresa of Avila, tr. K. Kavanaugh, OCD, and O. Rodriguez, OCD – Washington DC: Institute of Carmelite Studies, 1980 – II, 136). Như thế, khẩu nguyện sẽ trở thành thể thức khai mào cho việc chiêm nguyện vậy”. (số 2704)
Suy Nguyện
“Suy nguyện trước hết là một việc tìm cầu. Tâm trí tìm hiểu nguyên do tại sao và cách thức phải sống đời Kitô hữu thế nào để có thể thiết tha đáp lại những gì Chúa mong muốn”. (số 2705)
“Suy nguyện về những gì chúng ta đọc sẽ giúp chúng ta biến nó trở thành của chúng ta, khi đối chiếu nó với bản thân chúng ta. Đến đây, một cuốn sách khác được mở ra, đó là cuốn sách đời sống. Chúng ta đi từ tâm tưởng đến thực tại. Tùy theo lòng khiêm tốn và thành thực, chúng ta sẽ thấy trong khi suy nguyện có những biến chuyển đánh động lòng chúng ta, và chúng ta có thể nhận ra những biến động này. Đó là vấn đề tỏ thái độ thành tâm nhìn nhận sự thật: ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?’”. (số 2706)
“Có nhiều thầy dạy tu đức thế nào cũng có nhiều phương thức suy nguyện khác nhau như thế. Chính Kitô hữu cần phải suy nguyện để làm sao cho mình thích thường xuyên suy nguyện, kẻo họ sẽ trở nên giống như ba loại đất đầu tiên trong dụ ngôn người gieo hạt giống (x Mk 4:4-7, 15-19). Thế nhưng, dầu sao phương pháp cũng chỉ là cách dẫn lối mà thôi; điều quan trọng là phải theo Chúa Thánh Linh tiến triển trên con đường cầu nguyện duy nhất là Chúa Giêsu Kitô”. (số 2707)
“Suy nguyện bao gồm việc suy tưởng, tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn. Cần phải có việc vận động của các quan năng này để chúng ta có thể thấm thía hơn niềm xác tín tin tưởng của mình, có thể khơi động tấm lòng ăn năn hối cải và kiên cường ý chí theo Chúa Kitô. Kinh nguyện Kitô giáo trước hết nhắm đến việc suy nguyện các mầu nhiệm Chúa Kitô, như trong lectio divina hay kinh Mân Côi. Thể thức cầu nguyện suy tư này rất có lợi, thế nhưng việc cầu nguyện Kitô giáo cần phải tiến xa hơn thế nữa, đến chỗ nhận biết tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, tới độ hiệp nhất nên một với Người”. (số 2708)
Chiêm Nguyện
“... Chiêm nguyện là việc tìm kiếm Đấng ‘hồn tôi yêu mến’ (Song 1:7, 3:1-4). Người là Chúa Giêsu và Cha Người ở nơi Người. Chúng ta tìm kiếm Người, vì lòng khát vọng Người bao giờ cũng là tác động khởi đầu cho lòng yêu mến, và chúng ta tìm kiếm Người bằng một thứ đức tin tinh tuyền có tác dụng làm cho chúng ta được hạ sinh bởi Người và sống trong Người. Trong việc cầu nguyện nội tâm này chúng ta vẫn có thể suy gẫm, nhưng lòng trí chúng ta gắn chặt vào chính Chúa”. (số 2709)
“... Người ta không thể nào suy nguyện luôn được, nhưng lúc nào họ cũng có thể thực hiện việc cầu nguyện nội tâm, một việc cầu nguyện hoàn toàn không lệ thuộc vào điều kiện sức khỏe, việc làm hay trạng thái cảm xúc. Việc tìm cầu và gặp gỡ này xẩy ra nơi tâm hồn, trong tinh thần nghèo khó và lòng tin tưởng”. (số 2710)
“Bắt đầu thực hiện việc chiêm nguyện cũng giống như bắt đầu việc cử hành phụng vụ Thánh Thể, ở chỗ, chúng ta cần phải ‘bình’ tâm, tập trung toàn thể con người mình trước tác động của Chúa Thánh Thần, bản thân tự tại như nơi Chúa ngự, giục lòng tin để ra trước nhan Chúa là Đấng đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta hãy lột bỏ những gì là giả tạo mà hướng lòng mình về Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, để có thể phó mình cho Người như một hiến dâng cần được thanh tẩy và biến đổi”. (số 2711)
“Chiêm nguyện là việc cầu nguyện của người con Thiên Chúa, của một tội nhân được thứ tha muốn tiếp nhận tình yêu đã yêu họ và muốn yêu hơn nữa để đáp lại tình yêu (x Lk 7:36-50, 19:1-10). Thế nhưng, họ biết rằng tình yêu họ đáp lại được tuôn đổ vào lòng họ bởi Thần Linh, vì mọi sự đều là ân ban từ Thiên Chúa. Chiêm nguyện là việc phó mình một cách khiêm hạ và nghèo khó cho ý muốn yêu thương của Chúa Cha trong mối hiệp nhất thật sâu xa với Con yêu dấu của Ngài”. (số 2712)
“Chiêm nguyện là tác động diễn đạt đơn giản nhất của mầu nhiệm cầu nguyện. Đây là một tặng ân, một ân huệ; chỉ có lòng khiêm nhượng và nghèo khó mới có thể nhận được ân ban này. Chiêm nguyện là mối liên hệ giao ước được Thiên Chúa thiết lập nơi tâm hồn cửa chúng ta (x Jer 31:33). Chiêm nguyện là một mối hiệp thông, trong đó, Ba Ngôi làm cho con người là hình ảnh Thiên Chúa trở nên ‘giống như Ngài’”. (số 2713)
“Chiêm nguyện cũng là lúc cầu nguyện thu hút nhất. Qua việc cầu nguyện này, Chúa Cha kiên cường con người nội tâm của chúng ta, bằng quyền năng do Thần Linh của Ngài, để ‘Chúa Kitô có thể ngự trong lòng chúng ta bởi đức tin’, nhờ đó chúng ta được ‘đâm rễ sâu trong đức ái’ (Eph 3:16-17)”. (số 2714)
“Chiêm nguyện là hướng con mắt đức tin ngắm nhìn Chúa Giêsu. ‘Tôi nhìn Người và Người nhìn tôi’, đó là những gì một người dân quê họ A sống vào thời cha xứ thánh thiện của ông thường nói khi cầu nguyện trước nhà tạm. Việc tập trung vào Chúa Giêsu như thế là việc từ bỏ bản thân mình. Ánh mắt của Người thanh tẩy tâm hồn chúng ta; ánh sáng từ dung nhan của Chúa Giêsu chiếu soi con mắt tâm hồn chúng ta và dạy cho chúng ta biết nhìn mọi sự theo ánh sáng chân lý của Người cũng như theo lòng xót thương Người đối xử với tất cả mọi người. Việc chiêm niệm cũng hướng mắt nhìn tới các mầu nhiệm đời sống của Chúa Kitô nữa. Nhờ đó, nhờ có được ‘kiến thức sâu xa về Chúa’, họ sẽ càng yêu Người và theo Người hơn (x Thánh Ignatiô Loyola, Linh Thao, 104)”. (số 2715)
“Chiêm nguyện là việc nghe Lời Chúa. Việc chuyên chú lắng nghe ấy chẳng những không phải là một việc thụ động mà còn là việc tin tưởng tuân phục, một tác động chấp nhận vô tư của một người tôi tớ, và là một tác động tha thiết dấn thân của một người con. Việc lắng nghe Lời Chúa này là việc thông dự vào tiếng ‘Xin Vâng’ của Người Con mang thân phận tôi tớ, cũng như thông dự vào tiếng ‘Fiat’ người tỳ nữ thấp hèn thưa cùng Thiên Chúa”. (số 2716)
“Chiêm nguyện là việc thinh lặng, ‘biểu hiệu cho một thế giới mai sau’ (x Thánh Isaac of Nineveh, Tract. myst. 66) hay cho một ‘tình yêu âm thầm’ (Thánh Gioan Thánh Giá, Maxims and Counsels, 53 trong The Collected Works of St John of The Cross, tr. K. Kavanaugh, OCD, and O. Rodriguez, OCD – Washington DC: Institute of Carmelite Studies, 1979 – 678). Ngôn từ trong loại cầu nguyện này không phải là lời nói; chúng giống như cái ngòi châm lửa yêu thương. Trong cái thinh lặng ngoài sức chịu đựng của con người ‘hướng ngoại’ này, Chúa Cha nói với chúng ta Lời nhập thể của Ngài, Đấng khổ nạn, tử giá và phục sinh; trong sự thinh lặng này, Vị Thần Linh của ơn làm nghĩa tử làm cho chúng ta được thông phần với kinh nguyện của Chúa Giêsu”. (số 2717)
“Chiêm nguyện là hiệp nhất với việc cầu nguyện của Chúa Kitô, ở chỗ nó làm cho chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm của Người. Mầu nhiệm Chúa Kitô được Giáo Hội cử hành trong bí tích Thánh Thể, và Thánh Linh làm cho mầu nhiệm này sống động nơi việc chiêm nghiệm, để chúng ta thể hiện đức ái nơi các việc làm của chúng ta”. (số 2718)
“Chiêm nguyện là một mối hiệp thông yêu thương mang lại Sự Sống cho nhân trần, đến độ nó sẵn sàng chấp nhận sống trong đêm tăm tối đức tin. Đêm Phục Sinh Vượt Qua diễn ra từ đêm vườn nhiệt và đêm mộ đá – ba giây phút căng thẳng cho Giờ của Chúa Giêsu, những giây phút Người đã sống trong nguyện cầu được Thần Linh của Người (chứ không phải ‘xác thịt thì yếu đuối’) làm phát sinh sự sống. Chúng ta phải sẵn sàng ‘tỉnh thức với (Người) một giờ’ (x Mt 26:40)”. (số 2719)
Cuộc Chiến Cầu Nguyện
“Cầu nguyện vừa là một tặng ân được ban cho vừa là một đáp ứng dứt khoát về phía chúng ta. Những nhân vật có tiếng về cầu nguyện trong Cựu Ước trước Chúa Kitô, cũng như Mẹ Thiên Chúa, các thánh nhân, và chính Người, tất cả đều dạy cho chúng ta biết điều này: cầu nguyện là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ai? Với chính bản thân mình cũng như với những mưu chước của tên cám dỗ, hắn làm đủ mọi cách để ngăn trở con người trong việc cầu nguyện và hiệp nhất nên một với Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện thế nào cũng sống như vậy, vì chúng ta sống thế nào cũng cầu nguyện như thế. Nếu chúng ta không muốn tác hành thường xuyên theo Thần Linh của Chúa Kitô, thì chúng ta cũng không thể thường xuyên nhân danh Người mà cầu nguyện. ‘Trần chiến thiêng liêng’ nơi đời sống mới của Kitô hữu không thể tách khỏi cuộc chiến cầu nguyện”. (số 2725)
“Trong cuộc chiến đấu cầu nguyện, chúng ta phải đối diện với những quan niệm sai lầm về cầu nguyện nơi chính chúng ta cũng như chung quanh chúng ta. Có người coi cầu nguyện như là một sinh hoạt thuần tâm lý, người khác lại cho nó như là một nỗ lực tập trung để đạt đến tình trạng tâm thần trống không. Có những người còn biến việc cầu nguyện thành những lời kinh và cử điệu theo nghi thức. Nhiều Kitô hữu thiếu ý thức coi việc cầu nguyện như một cái gì bận bịu mất giờ, không hợp với tất cả những thứ cần phải làm khác, nên họ cảm thấy mình ‘không có giờ’ cầu nguyện. Nếu không nhìn nhận cầu nguyện là việc bởi Thánh Linh mà có chứ không phải bởi chính họ thì những ai tìm kiếm Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện rất dễ trở nên chán nản”. (số 2726)
“Chúng ta cũng phải đối diện với sự kiện là có một vài thái độ phát xuất từ ý hệ về thế giới hiện sinh này mà, nếu không tỉnh táo đề phòng, chúng có thể ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Chẳng hạn như một số người chủ trương chỉ có những gì lý trí và khoa học kiểm chứng được mới là thật; trong khi đó, cầu nguyện lại là một cái gì bí nhiệm vượt quá cuộc sống ý thức lẫn vô thức của chúng ta. Có những người quá coi trọng việc sản xuất và lợi lộc; bởi thế, cầu nguyện là vô dụng vì chẳng sinh xuất gì cả. Còn có những người đề cao cảm giác và thỏa mãn như là tiêu chuẩn của chân, thiện và mỹ; trong khi đó cầu nguyện là ‘lòng mộ mến cái đẹp’ (philokalia) lại chỉ mê man với vinh quang của Thiên Chúa hằng sống và chân thực. Sau hết, một số lại coi cầu nguyện như là một cách trốn tránh thế gian, phản lại với khuynh hướng hiếu động; thế nhưng, thật ra, việc cầu nguyện của Kitô giáo không trốn lánh thực tại cũng chẳng tách rời khỏi cuộc sống”. (số 2727)
“Sau hết, trận chiến cầu nguyện của chúng ta còn phải đương đầu với những gì chúng ta cảm thấy như bị thất bại trong việc cầu nguyện nữa, như chán nản trong thời gian khô khan; buồn phiền vì có ‘nhiều của cải’ (x Mk 10:22) song chúng ta đã không hiến dâng tất cả cho Chúa; bất mãn vì Chúa không ban cho được như ý nguyện cầu; tự ái bị tổn thương nên chai cứng vì thân phận tội nhân bất xứng của chúng ta; ác cảm với tư tưởng cho rằng cầu nguyện là một tặng ân nhưng không chứ không do công nghiệp của con người; vân vân và vân vân. Tóm lại thì tất cả bao giờ cũng chỉ là cầu nguyện có lợi gì? Để thắng vượt những trở ngại này, chúng ta phải chiến đấu để được đức khiêm nhượng, tin tưởng và kiên tâm”. (số 2728)
“Vấn đề khó khăn thường tình trong việc cầu nguyện là vấn đề lo ra chia trí. Nó có thể ảnh hưởng đến ngôn từ và ý nghĩa của lời kinh khẩu nguyện; nó còn liên quan một cách sâu xa hơn nữa với cả Đấng là đối tượng chúng ta đang nhắm tới để cầu nguyện, qua việc khẩu nguyện (phụng vụ hay tư riêng), suy nguyện và chiêm nguyện. Việc xua đuổi lo ra chia trí không khéo lại gây ra chia trí, chỉ cần trở về với lòng mình là đủ, vì vấn đề lo ra chia trí cho chúng ta thấy những gì chúng ta đang gắn bó, và việc khiêm tốn nhận thức như thế trước nhan Chúa sẽ làm cho chúng ta bừng lên lòng luyến ái đối với Ngài, và giúp chúng ta dứt khoát dâng lên Ngài con tim cần được thanh tẩy của chúng ta. Cuộc chiến cầu nguyện là ở chỗ ấy, ở chỗ chọn một vị chủ để làm tôi (x Mt 6:21, 24)”. (số 2729)
“Đặc biệt đối với những ai thành tâm muốn cầu nguyện thì tình trạng khô khan là một vấn đề khó khăn khác nữa. Khô khan xẩy ra trong việc chiêm nguyện, ở chỗ tâm hồn cảm thấy xa biệt Thiên Chúa, không còn hứng thú trong việc suy tư, tưởng nhớ, cảm xúc, ngay cả những cảm xúc thiêng liêng. Đây là những giây phút của một đức tin thuần túy, kiên trung ở với Chúa Giêsu trong vườn nhiệt và mộ đá của Người... Nếu tình trạng khô khan này xẩy ra là do bởi không đâm rễ sâu, vì lời Chúa đã rơi xuống trên một mảnh đất sỏi đá, thì chúng ta cần phải chiến đấu để cải thiện đời sống (x Lk 8:6, 13)”. (số 2731)
“Khuynh hướng thông thường nhất song cũng sâu kín nhất đó là thiếu đức tin. Tình trạng thiếu đức tin này tự nó cho thấy là chúng ta yêu thích những gì thực tế hơn những gì khó tin được tuyên xưng. Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện thì cả trăm ngàn công việc hay lo toan xuất hiện khiến chúng ta cảm thấy cần phải làm gấp cho xong; đó là giây phút cũng cho chúng ta thấy thực sự lòng của chúng ta, ở chỗ nó cho chúng ta thấy được chúng ta thực sự yêu thích những gì? Đôi khi chúng ta quay về với Chúa như cách vớt vát cuối cùng, song chúng ta có thực sự tin vào Ngài hay chăng? Đôi khi chúng ta kể Chúa vào thành phần liên minh của mình, nhưng lòng chúng ta vẫn tỏ ra cao ngạo. Trong cả hai trường hợp này, tình trạng thiếu đức tin của chúng ta cho chúng ta thấy rằng chúng ta chưa thực sự có một tâm hồn khiêm cung gì cả: ‘Ngoài Thày ra các con không làm gì được hết’ (Jn 15:5)”. (số 2732)
“Một khuynh hướng khác phát xuất từ niềm cao ngạo đó là tình trạng ơ hờ nguội lạnh. Các tác giả tu đức cho tình trạng này là một hình thức chán chường, do tại thái độ thả lỏng không thực hành việc khổ chế, thiếu tỉnh thức và tâm hồn chẳng còn tha thiết gì nữa. ‘Tinh thần thực sự thì linh hoạt song xác thịt lại yếu nhược’ (Mt 26:41). Càng cao ngạo thì càng ngã đau. Mặt trái của cao ngạo là khổ đau chán chường. Người khiêm nhượng không lấy làm lạ lùng khi thấy mình sầu khổ, một nỗi sầu khổ làm cho họ càng kiên trì tin tưởng hơn”. (số 2733)
Lời Cầu Hiến Tế
“Đến ‘giờ của mình’, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha (x Jn 17). Lời cầu nguyện dài nhất được Phúc Âm truyền lại này bao gồm toàn thể công cuộc tạo dựng và cứu độ, bao gồm cả cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người. Lời cầu nguyện đến Giờ của Chúa Giêsu luôn luôn vẫn là của Người, như Cuộc Vượt Qua của Người ‘chỉ một lần là vĩnh viễn’ hiện diện trong phụng vụ của Giáo Hội vậy”. (số 2746)
“Nơi lời cầu nguyện Vượt Qua và hy hiến này, mọi sự được qui tụ lại trong Chúa Kitô (x Eph 1:10): Thiên Chúa và thế giới; Ngôi Lời và nhục thể; sự sống trường sinh và thời gian; tình yêu tự hiến và tội lỗi bội phản tình yêu; thành phần môn đệ hiện diện bấy giờ và những ai nhờ lời họ mà tin vào Người; khiêm hạ và vinh quang. Đây là lời cầu hiệp nhất nên một”. (số 2748)
“Chúa Giêsu đã hoàn toàn làm trọn công việc của Chúa Cha; như hiến tế của Người, lời cầu nguyện của Người cũng kéo dài tới tận cùng trái đất. Lời cầu nguyện đến Giờ của Người này đã làm cho những giây phút sau cùng nên trọn và làm cho những giây phút này đạt đến ngày hoàn thành của chúng...” (số 2749)
“... Lời cầu nguyện tư tế của Người tự bản chất làm trọn những nguyện cầu chính nơi Kinh Chúa Dạy: mối quan tâm đến danh Cha (x Jn 17:6, 11, 12, 26); lòng nhiệt thành với vương quốc (vinh quang) của Ngài (x Jn 17:1, 5, 10, 22, 23-26); việc hoàn tất ý muốn của Cha, ý muốn cứu độ của Cha (x Jn 17:2, 4, 6, 9, 11, 12, 24); và việc giải cứu cho khỏi sự dữ (x Jn 17:15)”. (số 2750)
“Sau hết, trong lời nguyện đến Giờ này, Chúa Giêsu còn tỏ cho chúng ta thấy và ban cho chúng ta ‘kiến thức’, một kiến thức bất khả phân về Chúa Cha cũng như về Chúa Con (x Jn 17:3, 6-10, 25), một thứ kiến thức làm nên mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện vậy”. (số 2751)
TÓM LẠI:
Nói đến Truyền Thống Cầu Nguyện, trước hết, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã cho thấy bản chất của việc cầu nguyện gắn liền với đức tin như sau: “Truyền thống cầu nguyện Kitô giáo là một trong những đường lối góp phần vào việc xây dựng và phát triển truyền thống đức tin, nhất là qua việc chiêm niệm và nghiên cứu của người tín hữu, thành phần ôm ấp trong lòng những biến cố và những ngôn từ của công cuộc cứu độ, cũng như qua việc họ sâu xa thấu hiểu những thực tại thần linh theo cảm nghiệm của mình (x Hiến Chế Mạc Khải, 8)” (số 2651). Thế nhưng, cũng theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, “việc chiêm niệm và nghiên cứu của người tín hữu” chỉ được bắt nguồn từ Các Mạch Nước Cầu Nguyện (số 2672, 2652) là Lời Chúa (số 2653-2654), Phụng Vụ (số 2655), Thần Đức (số 2656-2658) và Thần Hứng (số 2659), và “việc họ sâu xa thấu hiểu những thực tại thần linh theo cảm nghiệm của mình” được tỏ hiện qua Những Đường Lối Cầu Nguyện, cùng Chúa Cha (số 2664), Chúa Giêsu (số 2665), Chúa Thánh Thần (số 2670-2671) và Mẹ Maria (số 2673-2675). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Đời Sống Cầu Nguyện của Kitô hữu chẳng những được bộc lộ qua các Cách Thức Cầu Nguyện, như khẩu nguyện (số 2701-2704), suy nguyện (số 2705-2708) và chiêm nguyện (số 2709-2719), mà còn bằng việc trải qua Cuộc Chiến Cầu Nguyện nữa (số 2725-2729, 2731-2733), để họ có thể đạt đến tột đỉnh cầu nguyện nơi Lời Cầu Hiến Tế (số 2746, 2748-2751) của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly.
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
“Lòng tin tưởng của con cái bị thử thách và được chứng thực trong cơn gian truân (x Rm 5:3-5). Khó khăn chính trong vấn đề này liên quan đến việc nguyện cầu cho chính mình hay việc chuyển cầu cho nhau. Một số người thậm chí không cầu xin nữa vì họ nghĩ rằng Chúa không nghe lời nguyện cầu của họ. Ở đây có hai vấn nạn được đặt ra là: Tại sao chúng ta nghĩ rằng Chúa không nhận lời nguyện cầu của chúng ta? Làm sao để lời cầu xin của chúng ta được Chúa khấng nhận, tức làm sao để lời cầu xin của chúng ta có ‘hiệu lực’?” (số 2734)
“Trước hết, chúng ta phải lấy làm kinh ngạc bởi sự kiện là khi chúng ta chúc tụng Thiên Chúa hay dâng lời cảm tạ Ngài về chung các phúc lộc Ngài ban, bấy giờ chúng ta không đặc biệt quan tâm đến vấn đề lời cầu xin của chúng ta có được Ngài khấng nhận hay chăng. Trái lại, khi nguyện cầu chúng ta lại đòi phải thấy được kết quả của nó. Chúng ta đã quan niệm về Thiên Chúa thế nào đã khiến chúng ta chạy đến cầu xin Ngài: Ngài là một phương tiện chúng ta cần phải sử dụng, hay là Cha của Chúa Giêsu Kitô?” (số 2735)
“Chúng ta có thâm tín rằng ‘chúng ta không biết chúng ta phải cầu nguyện ra sao’ (Rm 8:26) chăng? Chúng ta có xin Thiên Chúa ban ‘những gì tốt lành cho chúng ta?’ chăng? Cha của chúng ta biết những gì chúng ta cần trước khi chúng ta xin Ngài (x Mt 6:8), thế nhưng Ngài chờ chúng ta nguyện cầu vì phẩm vị làm con cái của chúng ta cũng có tự do của mình. Bởi vậy chúng ta cần phải cầu nguyện bằng Thần Linh tự do của Ngài để có thể thực sự biết được những gì Ngài muốn (x Rm 8:27)”. (số 2736)
“’Anh em cầu xin mà không nhận được là vì anh em xin không đúng, cầu xin theo đam mê của anh em’ (Jas 4:3 và cả đoạn 4:1-10, 1:5-8, 5:16). Nếu chúng ta cầu xin với một tấm lòng chia sẻ thì chúng ta là những ‘kẻ ngoại tình’ (Jas 4:4); vì Ngài muốn chúng ta được an lành, được sự sống mà Thiên Chúa không thể nào đáp lời cầu của chúng ta được... Nếu chúng ta có được ước vọng Thần Linh của Ngài thì chúng ta sẽ được Ngài nhận lời”. (số 2737)
“... Việc cầu nguyện của Kitô giáo là việc cộng tác với việc Thiên Chúa quan phòng, với dự án yêu thương giành cho con người”. (số 2738)
“... Việc biến đổi nơi tâm hồn cầu nguyện là việc Thiên Chúa trước hết đáp lại lời nguyện cầu của chúng ta”. (số 2739)
“Việc Chúa Giêsu cầu nguyện làm cho việc Kitô hữu cầu nguyện thành một lời nguyện cầu có hiệu lực. Vì trái tim của Người Con chỉ tìm kiếm những gì làm đẹp lòng Chúa Cha, thì làm sao việc cầu nguyện của thành phần con cái được thừa nhận lại chỉ chú ý vào các ân ban hơn là vài chính Đấng Ban Ơn?” (số 2740)
“Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho chúng ta nữa, cầu thay chúng ta và cầu cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta nguyện cầu đều được gồm tóm, một lần vĩnh viễn, nơi lời Người kêu lên trên Cây Thập Giá cũng như trong việc Người Phục Sinh, đã được Chúa Cha khấng nhận. Đây là lý do tại sao Người không ngừng chuyển cầu cho chúng ta trước Chúa Cha (x Heb 5:7, 7:25, 9:24). Nếu việc cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn được liên kết với việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, bằng lòng tin tưởng và mạnh dạn của con cái, chúng ta sẽ đạt được tất cả những gì chúng ta cầu xin nhân danh Người, còn đạt được hơn bất cứ một sự gì nữa, đó là chính Thánh Linh, Đấng bao gồm tất cả mọi tặng ân”. (số 2741)
“Việc cầu nguyện và đời sống Kitô hữu không thể tách rời nhau, vì cả hai đều liên hệ đến cùng một tình yêu cũng như đến cùng một việc bỏ mình được bắt nguồn từ yêu thương; vì cả hai có cùng một lòng con cái ưu ái sống hợp với dự án yêu thương của Chúa Cha; vì cả hai cùng được Thánh Linh là Đấng làm cho chúng ta càng ngày càng nên giống Chúa Giêsu Kitô hiệp nhất biến đổi; vì cả hai cùng tỏ tình yêu thương đối với loài người, một tình yêu Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. ‘Những gì các con nhân danh Thày mà xin cùng Cha thì Ngài sẽ ban cho các con. Thày truyền cho các con điều này là các con hãy yêu thương nhau’”. (số 2745)