Bài Giáo Lý số 4 
VIỆC LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI THẦN LINH

 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

Tâm lý và kinh nghiệm chung chung cho thấy, con người ta khó lòng giữ được những điều bí mật, dù đã được kỹ lưỡng dặn dò, thậm chí thề thốt nhất định không nói ra. Tuy nhiên, khi bí mật được tiết lộ, người nghe cũng chưa chắc đã tin ngay điều bí mật đó đúng là một sự thật, nhất là trong trường hợp điều bí mật ấy không hợp với ý nghĩ hay khuynh hướng của họ, hay điều bí mật ấy lại là một điều hay, điều tốt trực tiếp liên quan đến người họ vốn không ưa, không thích. Vẫn biết, dù không được chấp nhận, thì sự thật vẫn là sự thật. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận được một sự kiện hết sức thực tế khác, đó là có những sự thật, khi chúng được truyền đi từ người này sang người nọ, từ miệng này tới tai kia, đã không còn giữ nguyên tính chất tuyền vẹn của chúng, tức không nhiều thì ít đã có thể bị thiên kiến cá nhân pha trộn hay bị cảm tình tư riêng làm co giãn. Nếu chỉ vì hợp với mình mà tin vào, hay mới tin vào, điều người khác truyền lại cho mình, thì sự thật được tin tưởng đó, một ngày kia, chân tướng bị lộ tẩy, nó sẽ trở thành một sự thật phũ phàng, một sự thật không tưởng. Nếu trong những điều tầm thường con người ta truyền lại cho nhau còn có thể sai lầm, thì việc lưu truyền Chân Lý Vĩnh Cửu, được chất chứa trong kho tàng Mạc Khải Thần Linh, làm sao có thể giữ được tính chất nguyên tuyền của mình? Nếu Chân Lý Cứu Độ không thể hoàn toàn được bảo đảm 100% nguyên chất Mạc Khải Thần Linh qua tiến trình lưu truyền như thế, thì phần rỗi đời đời của thành phần tin theo Chúa Kitô sẽ chẳng vô cùng nguy hiểm hay sao?! Vậy Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy thế nào về vấn đề lưu truyền Mạc Khải Thần Linh vô cùng hệ trọng này:
 

1.      Việc lưu truyền Mạc Khải Thần Linh được gọi là gì và bao gồm những gì?

2.      Tại sao cần phải lưu truyền Mạc Khải Thần Linh?

3.      Trọng tâm của việc lưu truyền Mạc Khải Thần Linh là gì?

4.      Mạc Khải Thần Linh được lưu truyền ra sao?

5.      Tất cả những gì Giáo Hội hiện giữ có phải đều được lưu truyền từ Mạc Khải Thần Linh hay chăng?

6.      Truyền Thống, hay Thánh Truyền cũng vậy, có khác với Thánh Kinh không, và bộ Thánh Kinh Tân Ước có phải là một trong những gì thuộc về Thánh Truyền hay Truyền Thống không?

7.      Làm sao biết chắc được tất cả những gì thuộc Thánh Truyền do Giáo Hội nắm giữ và truyền dạy đều được thực sự phát xuất từ Mạc Khải Thần Linh?

 

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

 

1.      VIỆC LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI THẦN LINH ĐƯỢC GỌI LÀ GÌ VÀ GỒM NHỮNG GÌ?

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải cho con người, được thể hiện và hoàn tất nơi Chúa Kitô, đều đã được lưu truyền một cách đặc biệt thành văn theo tác động của Chúa Thánh Linh trong Giáo Hội Chúa Kitô, ngay từ các vị Tông Đồ là những chứng nhân tiên khởi, rồi qua các vị thừa kế của các ngài là hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, gồm cả các vị giáo hoàng là những người thừa kế Thánh Phêrô và các vị giám mục thừa kế các Tông Đồ.

 

·        “’Để luôn luôn bảo trì trọn vẹn Phúc Âm sống động trong Giáo Hội, các tông đồ đã để lại các vị giám mục làm những người thừa kế của mình. Các ngài cho các vị nắm vai trò có thẩm quyền giảng dạy của các ngài’ (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 7.2; Thánh Irênêô, Adv. haeres 3,3,1: PG 7, 848; Harvey, 2, 9). Thật vậy, ‘việc giảng dạy tông truyền, được thực hiện một cách đặc biệt nơi các bản văn được viết ra theo thần hứng, đã được bảo trì theo đường lối thừa kế liên tục cho đến tận thế (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 8.1)”. (số 77)

 

·        Việc lưu truyền sống động được hoàn thành trong Thánh Linh này được gọi là Truyền Thống”. (số 78)

 

Nếu Mạc Khải Thần Linh là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ cho loài người, thì  tất cả những gì Giáo Hội lưu giữ và bảo trì theo Truyền Thống sẽ bao gồm hết mọi sự Giáo Hội có được, tức hết mọi sự Giáo Hội tin tưởng trước Mạc Khải Thần Linh, theo đúng như Mạc Khải Thần Linh, được diễn tả nơi tín lý, phụng vụ và đời sống của mình.

 

·        “Theo Truyền Thống, ‘Giáo Hội lưu tồn và truyền đạt cho mọi thế hệ tất cả những gì chính Giáo Hội có, tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng, qua tín lý, đời sống và việc phượng tự của mình (Hiến Chế Mạc Khải 8.1)”. (số 78)

 

 

2.      TẠI SAO CẦN PHẢI LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI THẦN LINH?

 

Như thế, không thể nào không có Truyền Thống, tức không thể nào không thực hiện  việc lưu truyền Mạc Khải Thần Linh, bởi vì:

 

·        Thiên Chúa ‘muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý’ (1Tim.2:4), tức nhận biết Chúa Kitô (x.Jn.14:6). Chúa Kitô phải được loan báo cho tất cả mọi dân nước và mọi người, để mạc khải này vang đến tận cùng trái đất…” (số 74)

 

3.      TRỌNG TÂM CỦA VIỆC LƯU TRUYỀN MẠC KHẢI THẦN LINH LÀ GÌ?

 

Nếu trọng tâm của việc Mạc Khải Thần Linh là Chúa Kitô, và đối tượng Đức Tin Thần Linh được thể hiện nơi Truyền Thống của Giáo Hội cũng là Chúa Kitô, thì trước hết, trọng tâm của việc lưu truyền Mạc Khải Thần Linh phải là chính Chúa Kitô, một “Chúa Kitô phải được loan báo cho tất cả mọi dân nước và mọi người, để mạc khải này vang đến tận cùng trái đất” (Giáo Lý số 74 vừa trích dẫn), một Chúa Kitô thật sự được hiện thân sống động nơi Phúc Âm Người đã truyền các tông đồ phải đi khắp thế gian rao giảng:

 

·        ’Chúa Kitô, Đấng gồm tóm tất cả Mạc Khải của Thiên Chúa tối cao, đã truyền cho các tông đồ đi rao giảng Phúc Âm, một Phúc Âm được các tiên tri hứa hẹn trước đó, cũng là một Phúc Âm Người đã hoàn tất nơi bản thân Người và đã dùng môi miệng mình để công bố. Trong việc rao giảng Phúc Âm, các vị thông đạt các tặng ân của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Phúc Âm là nguồn mạch của tất cả mọi chân lý cứu độ và tất cả mọi qui luật luân lý (Hiến Chế Mạc Khải 7; xem Mt. 28:19-20; Mk. 16:15)”. (số 75)

 

Như thế, Phúc Âm của Chúa Kitô là trọng tâm của việc lưu truyền Mạc Khải Thần Linh.

 

4.      MẠC KHẢI THẦN LINH ĐƯỢC LƯU TRUYỀN RA SAO?

 

Tất nhiên, Mạc Khải Thần Linh được lưu truyền, như đã được giải đáp chính yếu ở câu hỏi đầu tiên trong bài này, một cách sống động qua các vị thừa kế Thánh Phêrô cũng như các Thánh Tông Đồ. Thế nhưng, ở đây, vấn đề được đặt ra là các Thánh Tông Đồ nói chung đã dùng cách nào để truyền lại cho các vị thừa kế của mình tất cả những gì các ngài đã nghe, đã thấy, đã chứng kiến (xem 1John 1:1-3) nơi “Chúa Kitô, Đấng gồm tóm tất cả Mạc Khải của Thiên Chúa tối cao” (Giáo Lý số 75 vừa trích dẫn). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận như sau:

 

·        “Phúc Âm đã được truyền lại bằng hai cách: Bằng truyền khẩu, ‘bởi các tông đồ là những vị, qua lời các vị rao giảng, qua gương mẫu các vị để lại (biệt chú riêng của người biên soạn, như không truyền chức linh mục cho nữ giới), qua các cơ cấu các vị thiết lập (như vai trò phó tế), truyền lại những gì chính các ngài đã lãnh nhận, từ môi miệng của Chúa Kitô, từ lối sống và các việc làm của Người, hay các vị biết được nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (là Thần Chân Lý dẫn Giáo Hội vào tất cả sự thật, như đã giúp cho các Vị Tông Đồ suy ra từ ý hướng của Chúa Kitô về việc không cần chịu phép cắt bì của Do Thái mới được cứu rỗi, một quyết định có thể được căn cứ vào lời Chúa Giêsu phán: “ai tin vào Phúc Âm và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” – Mk 16:16 - chứ không phải ai chịu phép cắt bì mới được cứu rỗi)’ (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 7). Bằng văn tự, ‘bởi chính các vị tông đồ (như Phúc Âm do Thánh Mathêu hay Thánh Giaon viết, hoặc các Thư Mục Vụ do Thánh Phaolô viết), cũng như bởi các người, có liên hệ với các tông đồ (như Thánh Marcô là môn đệ Thánh Phêrô đã viết cuốn Phúc Âm thứ hai hay Thánh Luca là môn đệ Thánh Phaolô đã viết cuốn Phúc Âm thứ ba cũng như cuốn  Tông Vụ), đã cố công viết thành văn sứ điệp cứu độ theo thần hứng của cùng một Thánh Thần’ (Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 7)”. (số 76; xin xem cả câu đầu của số 83)

5.      TẤT CẢ NHỮNG GÌ GIÁO HỘI HIỆN GIỮ CÓ PHẢI ĐỀU ĐƯỢC LƯU TRUYỀN TỪ MẠC KHẢI THẦN LINH HAY CHĂNG?

 

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là tất cả những gì Giáo Hội hiện giữ đều được lưu truyền từ Mạc Khải Thần Linh. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã minh xác điều này như sau:

 

·        Cần phải tách biệt Truyền Thống ra khỏi các tục truyền về thần học (biệt chú riêng của người biên soạn: như phải học triết rồi mới học thần học), về qui luật (như luật độc thân linh mục hay giữ chay), về phụng vụ (như việc làm lễ quay lên hay quay xuống, rước lễ bằng tay hay bằng miệng), hay về việc sùng kính (như việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria) được xuất phát nơi các giáo hội địa phương qua giòng thời gian. Những tục truyền này là những thể thức riêng biệt, để diễn đạt Truyền Thống chính thích ứng với các địa điểm và thời điểm khác nhau. Căn cứ vào ý nghĩa của Truyền Thống, các tục truyền này có thể được giữ lại, điều chỉnh hay thậm chí bị loại bỏ (như sau Công Đồng Chung Vaticanô II, niên lịch Phụng Vụ hằng năm của Giáo Hội đã bỏ đi một số lễ kính các thánh không có tính cách phổ quát đặc biệt), tùy theo huấn quyền của Giáo Hội hướng dẫn”. (số 83)

 

 

6.      TRUYỀN THỐNG, HAY THÁNH TRUYỀN CŨNG VẬY, CÓ KHÁC VỚI THÁNH KINH KHÔNG, VÀ BỘ THÁNH KINH TÂN ƯỚC CÓ PHẢI LÀ MỘT TRONG NHỮNG GÌ THUỘC VỀ THÁNH TRUYỀN HAY TRUYỀN THỐNG KHÔNG?

 

Nếu trọng tâm của việc lưu truyền Mạc Khải Thần Linh, như đã được giải đáp trong câu hỏi thứ ba, là Phúc Âm của Chúa Kitô, thì tất nhiên, “Truyền Thống khác biệt với Thánh Kinh, tuy gắn bó chặt chẽ với Thánh Kinh” (Giáo Lý số 78). Công Đồng Chung Vaticanô II, qua Hiến Chế Dei Verbum về Mạc Khải, đoạn 9, đã rõ ràng phân biệt bản chất khác biệt giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nhắc lại nguyên văn điều Công Đồng minh định này như sau:

 

·        “Thánh Kinh là lời Thiên Chúa nói được viết thành văn theo hơi thở Thánh Linh. Còn Thánh Truyền là việc thông đạt toàn vẹn Lời Chúa, gồm những gì Chúa Kitô và Thánh Linh đã ký thác cho các tông đồ. Thánh Truyền thông đạt Lời Chúa cho các vị thừa kế của các tông đồ, để nhờ được Thần Chân Lý soi sáng, các vị thừa kế này có thể trung thành bảo trì, diễn giải và truyền bá Lời Chúa bằng việc rao giảng của mình”. (số 81)

 

Tuy nhiên, nếu Truyền Thống là tất cả Mạc Khải Thần Linh được các tông đồ truyền lại cho các vị thừa kế của mình, thì thực tế cho thấy, bộ Thánh Kinh Tân Ước, trong đó có cả bốn cuốn Phúc Âm, được chính các tông đồ và các môn đệ trực tiếp của các ngài viết ra, cũng thuộc về Truyền Thống của Giáo Hội ngay từ đầu. Do đó, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nhận định rồi thừa nhận như sau:

·        “Thế hệ Kitô hữu tiên khởi bấy giờ chưa có bản văn Tân Ước, nên chính Tân Ước đã biểu lộ cho thấy việc tiến trình của Truyền Thống sống động”. (số 83)

 

 

7.      LÀM SAO BIẾT CHẮC ĐƯỢC TẤT CẢ NHỮNG GÌ THUỘC THÁNH TRUYỀN DO GIÁO HỘI NẮM GIỮ VÀ TRUYỀN DẠY ĐỀU ĐƯỢC THỰC SỰ PHÁT XUẤT TỪ MẠC KHẢI THẦN LINH?

 

Theo Truyền Thống chung của Giáo Hội Công Giáo, một Truyền Thống luôn được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc lại và lấy đó làm nền tảng của mình, thì Đức Tin Công Giáo chẳng những được bắt nguồn từ Thánh Kinh, tức từ Mạc Khải Thần Linh, và từ Thánh Truyền, tức từ Truyền Thống Tông Đồ, mà còn được căn cứ vào Huấn Quyền, tức Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội nữa. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã lập lại nguyên văn niềm xác tín của Công Đồng Chung Vaticanô II, được diễn tả qua Hiến Chế Mạc Khải, ở đoạn 10.3, về Ba Yếu Tố Đức Tin bất khả phân ly này như sau:

 

·        Theo sắp xếp vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa thì Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền của Giáo Hội liên hệ và liên kết với nhau đến nỗi một trong ba không thể nào tồn tại nếu không có hai điều kia”. (số 95)

 

Nếu chỉ có Thánh Kinh mà không cần Thánh Truyền và Huấn Quyền, như chủ trương của Anh Em Tin Lành (trong đó có cả Anh Giáo), hay cho dù công nhận Thánh Kinh và Thánh Truyền mà lại thiếu Huấn Quyền Tối Cao, như chiều hướng của các Giáo Hội Chính Thống, thì thực tế cho thấy, Giáo Hội Chúa Kitô sẽ không còn là một “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” nữa, như Kinh Tin Kính được toàn thể Giáo Hội tuyên xưng (trước khi xẩy ra phân rẽ giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma với Chính Thống Giáo Đông Phương năm 1054, cũng như với Phong Trào Thệ Phản Tin Lành từ thế kỷ 16). Trái lại, Giáo Hội Chúa Kitô sẽ bị phân mảnh, bởi những ý nghĩ đối chọi nhau về chính Mạc Khải Thần Linh, từ đó mới gây ra những bất đồng về tín lý, luân lý, phụng tự, và luật phép.

 

Đối với Giáo Hội Công Giáo, yếu tố có thể hoàn toàn bảo đảm được tính chất đích thực và nguyên vẹn của Mạc Khải Thần Linh được Truyền Thống bảo trì và lưu tồn đó là chính Huấn Quyền của Giáo Hội:

 

·        Công việc thực hiện việc giải thích chính đáng Lời Chúa, dưới hình thức văn tự (biệt chú riêng của người biên soạn: như Thánh Kinh) hay  hình thức Truyền Thống (vì Truyền Thống, theo câu Giáo Lý số 76, bao gồm cả Truyền Khẩu, chứ không phải chỉ có văn tự, tức bao gồm cả những việc các Tông Đồ làm gương như không truyền chức linh mục cho nữ giới, hay nơi việc các vị tổ chức, như thiết lập vai trò phó tế), đã được trao phó cho một mình vai trò giảng dạy sống động của Giáo Hội. Giáo Hội thực hiện thẩm quyền về vấn đề này nhân danh Chúa Giêsu Kitô (Hiến Chế Mạc Khải 10.2). Như thế có nghĩa là công việc giải thích Lời Chúa đã được ủy thác cho các giám mục hiệp thông với vị thừa kế Thánh Phêrô là Giám Mục Rôma”. (số 85)

 

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Huấn Quyền Tối Cao của Giáo Hội là yếu tố chính của Đức Tin Công Giáo, hay là yếu tố quan trọng và thiết yếu hơn Thánh Kinh và Thánh Truyền. Trái lại, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã lập lại nguyên văn chủ trương của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề vô cùng hệ trọng này, qua Công Đồng Chung Vaticanô II, nơi Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 10.2, như sau:

 

·        Dầu vậy, Huấn Quyền này cũng không vượt trên Lời Chúa song là tôi tớ phục vụ Lời Chúa. Huấn Quyền của Giáo Hội chỉ giảng dạy những gì được truyền lại. Theo lệnh truyền thần linh và nhờ ơn Thánh Linh trợ giúp, Huấn Quyền của Giáo Hội chuyên chú lắng nghe Lời Chúa, cẩn thận canh giữ Lời Chúa, và trung thành diễn giải Lời Chúa. Tất cả những gì Huấn Quyền của Giáo Hội đề ra để tin tưởng như là những gì được Thiên Chúa mạc khải đều phát xuất từ một kho tàng đức tin duy nhất”. (số 86)

 

Trên thực tế, “tất cả những gì Huấn Quyền của Giáo Hội đề ra để tin tưởng như là những gì được Thiên Chúa mạc khải đều phát xuất từ một kho tàng đức tin duy nhất” được thể hiện rõ ràng, chính thức và long trọng nhất qua việc Giáo Hội tuyên bố các tín điều:

 

·        “Huấn Quyền của Giáo Hội thực thi thẩm quyền Chúa Kitô đã trao cho mình nắm giữ đến mức độ trọn vẹn nhất, đó là khi Huấn Quyền Giáo Hội xác quyết một tín điều (biệt chú riêng của người biên soạn: như tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Thánh Cha Piô IX công bố ngày 8/12/1854, tín điều Mẹ Maria Mông Triệu do Đức Thánh Cha Piô XII công bố ngày 1-11-1950, tín điều Giáo Hoàng Vô Ngộ do Công Đồng Chung Vaticanô I năm 1870 tuyên nhậnv.v.), tức là lúc Huấn Quyền của Giáo Hội nêu lên những chân lý được chất chứa trong Mạc Khải Thần Linh (như chân lý Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể), hay những chân lý có liên hệ thiết yếu với những chân lý ấy (như chân lý biến thể của Bí Tích Thánh Thể, tức thực tại hình bánh và hình rượu được trở nên chính Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu sau lời truyền phép), bằng một thể thức buộc dân Kitô giáo phải chấp nhận với một đức tin bất khả vãn hồi”. (số 88)

 

TÓM LẠI

 

Vì Thiên Chúa muốn hết mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (xem SGL số 74) mà tất cả những gì được Ngài mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Kitô cần phải được bảo tồn trong Giáo Hội Chúa Kitô và truyền đạt cho thế giới đến tận cùng trái đất (xem SGL số 78 và 75). Việc duy trì và truyền đạt Mạc Khải Thần Linh cứu độ này của Thiên Chúa đã được các tông đồ theo lệnh truyền của Chúa Kitô (xem SGL số 75) thực hiện, bằng truyền khẩu cũng như bằng văn tự (xem SGL số 76 và 83 cũng như 81), qua những vị thừa kế của các ngài (xem SGL số 77), để nhờ Huấn Quyền của Giáo Hội (xem SGL số 85, 86 và 88), Mạc Khải Thần Linh được thấu triệt đúng Truyền Thống Tông Đồ (xem SGL số 95).

 

 
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

1.      Giáo Hội trần gian giống như một thửa ruộng, trong đó có một kho tàng vô cùng quí giá được chôn giấu (xem Mathêu 13:44), đó là Kho Tàng Đức Tin, Kho Tàng Mạc Khải Thần Linh và Truyền Thống Tông Đồ. Bởi thế, Kitô hữu chúng ta chỉ cần tậu được thửa ruộng ấy là có thể chiếm trọn Kho Tàng Đức Tin này. Nghĩa là chỉ cần chúng ta thuộc về Giáo Hội “Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền” là chúng ta còn thuộc về Chúa Kitô, Đấng là tất cả Mạc Khải Thần Linh, được các Thánh Tông Đồ truyền giảng và chứng thực.

 

Kitô hữu Công Giáo chúng ta đã thực sự thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Giáo Hội khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nói cách khác, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là Kitô hữu Công Giáo chúng ta đã bán đi tất cả những gì mình có, được thể hiện rõ ràng qua lời chúng ta trước khi được thanh tẩy tuyên xưng nhất định từ bỏ ma qủi, từ bỏ những việc làm của ma qủi và từ bỏ những chước cám dỗ của ma qủi, để thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Giáo Hội, hay nói cách khác, để tậu lấy thửa ruộng Giáo Hội có Kho Tàng Chúa Kitô. Bởi vậy, Kitô hữu Công Giáo chúng ta lúc nào cũng phải như cành nho dính liền với thân nho (xem John 15:4-5), bằng việc tuân giữ Lời Chúa được Mẹ Giáo Hội giảng dạy.