Bài Giáo Lý số 40
CẦU NGUYỆN:
KINH LẠY CHA
(các số 2759-2865)
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
K
hi cần phải trao tặng cho nhau vào một dịp nào đó, người ta thường tìm những gì hợp với ý thích của nhau, chứ không phải những gì họ thích, bằng không, dù quà tặng của họ tự bản chất có quí giá đến mấy đi nữa, và chúng ta phải mua nó bằng một số tiền không nhỏ, món quà này cũng không đạt được mục đích của nó. Trái lại, một khi món quà tặng của mình được hân hoan chấp nhận, được trân quí nâng niu, gìn giữ và sử dụng thì người trao tặng tự nhiên sẽ cảm thấy rất hãnh diện và sung sướng. Thế nhưng, vấn đề ở đây là làm sao chúng ta biết được ý thích của người chúng ta muốn tặng để có thể sắm cho họ một tặng vật họ lấy làm yêu quí, nếu chúng ta không thân thiết với họ. Như thế, nghĩa là, có thân thiết chúng ta mới tặng quà cho nhau, và càng thân thiết càng tặng món quà đắt quí, nói đúng hơn, càng tặng món quà hợp với ý thích của nhau, vì chúng ta hiểu nhau hơn ai hết. Bởi vậy, tấm lòng của người muốn tặng quà chính là món quà tặng trên hết, món quà tặng trước nhất và quí nhất. Tặng vật bề ngoài chỉ là những gì tiêu biểu, những gì tỏ lộ và phản ảnh chính món quà nội tâm này mà thôi.
Đối với “Thiên Chúa là thần linh” (Jn 4:24) cũng thế, nếu không thân thiết với Ngài, tức nếu không nhận biết Ngài hay thực tâm yêu mến Ngài, nhân loại “thuộc hạ giới” (Jn 8:23) chúng ta sẽ không biết phải đối xử với Ngài ra sao, phải giao tiếp với Ngài như thế nào, theo lòng chúng ta vốn hướng về, khát vọng, tìm kiếm và vươn lên Thực Tại Thần Linh Chân Thiện Mỹ. Đó là lý do Đấng “thuộc về thượng giới” (Jn 8:23) đã tự động đến với nhân loại chúng ta qua Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô, để tỏ tất cả bản thân của Ngài ra, hầu con người, nhờ Con, qua Con và với Con, có thể đạt đến Ngài. Thật vậy, chỉ có Con “hằng ở nơi Cha” (Jn 1:18), “Đấng từ trời xuống” (Jn 3:13), mới biết Cha, mới có đủ tư cách và khả năng nói rõ ràng và tường tận về Cha cho con người biết để họ có thể sống hiệp nhất với Cha (x Jn 17:26). Có thể nói, tất cả những gì Đức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta biết về Cha, cũng như dạy cho chúng ta sống hiệp nhất với Ngài, đều ở Kinh Lạy Cha hay được tóm gọn trong Kinh Chúa Dạy.
Vậy Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã hiểu và dạy Kitô hữu về ý nghĩa, tâm tình và nội dung của Kinh Lạy Cha vô cùng cao quí nhưng hết sức sâu xa này ra sao?
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã cảm nhận và trình bày Kinh Lạy Cha qua ba khía cạnh của kinh này: ý nghĩa của kinh này là ở chỗ “gồm tóm toàn bộ Phúc Âm” (GL số 2773-2776), tâm tình của kinh này là ở mối liên hệ Cha con (GL số 2797-2802), và nội dung của kinh này là bảy ước nguyện của con dâng lên Cha mình (GL số 2857-2865).
TÓM LẠI:
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã cảm nhận và trình bày Kinh Lạy Cha qua ba khía cạnh của kinh này: ý nghĩa của kinh này là ở chỗ “gồm tóm toàn bộ Phúc Âm” (GL số 2773-2776), tâm tình của kinh này là ở mối liên hệ Cha con (GL số 2797-2802), và nội dung của kinh này là bảy ước nguyện của con dâng lên Cha mình (GL số 2857-2865).
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. “Tất cả các lời Thánh Kinh – Lề Luật, Tiên Tri và Thánh Vịnh – đều được nên trọn nơi Chúa Kitô (x Lk 24:44). Phúc Âm là ‘Tin Mừng’ ấy. Việc công bố lần đầu Tin Mừng này đã được Thánh Mathêu tóm gọn ở Bài Giảng Trên Núi (x Mt 5-7); kinh nguyện cầu cùng Cha là trọng tâm của việc công bố ấy. Mỗi một lời nguyện cầu Chúa Kitô dạy chúng ta xin đều được sáng tỏ ở nơi chính mối liên hệ này. ’Kinh Chúa Dạy là kinh nguyện tuyệt hảo nhất… Qua kinh này, chúng ta chẳng những cầu xin cho được tất cả những gì chúng ta có thể ước muốn một cách chính đáng mà còn cầu xin theo thứ tự những điều ước muốn ấy nữa. Kinh nguyện này chẳng những chẳng những dạy các điều chúng ta xin mà còn theo thứ tự chúng ta cần ước muốn nữa’ (Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học II-II, 83, 9)”. (số 2763)
1. “Tặng ân được thừa nhận cách nhưng không đòi hỏi phần chúng ta phải liên tục hoán cải và sống sự sống mới. Việc cầu nguyện cùng Chúa Cha phải làm phát sinh nơi chúng ta hai tâm tình căn bản sau đây: Thứ nhất là ước muốn được trở nên như Ngài, vì cho dù được dựng nên theo hình ảnh Ngài, chúng ta cũng được ân sủng phục hồi cho nên giống Ngài; vậy chúng ta phải đáp lại ân huệ này…” (số 2784)
2. “Thứ hai là một tấm lòng khiêm tốn và tin tưởng khiến chúng ta ‘hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ’ (Mt 18:3), vì chính cho ‘các trẻ nhỏ’ mà Chúa Cha đã tỏ mình ra… ‘Lạy Cha chúng con: tình yêu rộn lên trong chúng ta nơi danh hiệu này… cả lòng tin tưởng cậy trông sẽ được những gì chúng ta định xin nữa… Còn gì mà Ngài không ban cho những đứa con cầu xin của mình, vì Ngài đã chẳng ban cho chúng tặng ân được làm con cái của Ngài rồi sao?’ (Thánh Augustino, De Serm. Dom. in monte 2, 4, 16: PL 34, 1276)”. (số 2785)