Bài Giáo Lý số 5 
THÁNH KINH

 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH

 

 

N

ghe thấy một hiện tượng lạ có mầu sắc linh thiêng, như phép lạ xẩy ra (chẳng hạn việc chữa lành nơi Phong Trào Thánh Linh), hoặc Đức Mẹ hiện ra (như ở Nam Tư hay việc Đức Mẹ khóc ở Ý hay ở Đại Hàn), người nghe thường có ba thái độ: một là tin liền, hai là coi thường, và ba là thắc mắc tìm hiểu cho đến khi thật sự đáng tin theo phán đoán của họ hay như họ được nhãn tiền mắt thấy tai nghe. Để điều tra sự thật, thành phần thắc mắc này tìm hiểu những hiện tượng siêu nhiên ấy thường căn cứ vào bốn sự kiện sau đây: sự việc, nhân sự, sứ điệp và thành quả. Nếu cả bốn yếu tố này, ít là, không có gì mê tín dị đoan, thì đó là một hiện tượng siêu nhiên đáng tin. Những trường hợp đã được Giáo Hội Công Giáo công nhận như Biến Cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917, hay những phép lạ Đức Mẹ làm ở Lộ Đức từ trước đến nay.

 

Việc Thiên Chúa Thần Linh mạc khải cho con người phàm hèn xác thịt đã là một Hiện Tượng Siêu Nhiên cao cả nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, việc con người ghi nhận tất cả những gì họ được Ngài mạc khải cho, cũng như việc con người công nhận những gì được viết lại ấy chính là và thực là tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho mình, lại càng là những Hiện Tượng Siêu Nhiên, rất khó chứng thực và chấp nhận đối với những trí óc duy nghiệm ngày nay. Vậy tất cả những gì con người viết ra được Giáo Hội Công Giáo công nhận là những cuốn Sách Thánh làm nên toàn bộ Thánh Kinh, có thực sự tự mình chất chứa tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho con người chăng, hay chúng sở dĩ được gọi là Sách Thánh là vì Giáo Hội công nhận như vậy?

 

1.      Nếu Thánh Kinh là Lời Chúa, (như câu Giáo Lý 81 của bài trước xác nhận), mà Thánh Kinh lại do con người vốn lầm lẫn và thiên lệch viết ra trong thời điểm đặc biệt của mình, thì làm sao có thể tin được rằng, tất cả những gì trong Thánh Kinh đều là sự thật do Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người biết để nhờ tin họ được sự sống đời đời?

2.      Giáo Hội Công Giáo đã công nhận toàn bộ Thánh Kinh có bao nhiêu cuốn sách, nhất là đã căn cứ vào đâu để lập thành sổ bộ Thánh Kinh chứa đựng tất cả Mạc Khải Thần Linh này?

3.      Nếu tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải cho con người biết đã được Ngài hoàn toàn tỏ ra nơi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, thì phải chăng phần Thánh Kinh Tân Ước nói chung và 4 Phúc Âm nói riêng mới là chính yếu và trọn vẹn (xem Giáo Lý số 124-125), không cần đếùn phần Thánh Kinh Cựu Ước nữa?

4.      Vậy muốn hiểu đúng tất cả sự thật Thiên Chúa đã mạc khải cho mình được ghi nhận trong Thánh Kinh, Giáo Hội Công Giáo đã theo đường lối nào?

 

 
KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

1.      NẾU THÁNH KINH LÀ LỜI CHÚA, (như câu Giáo Lý 81 của bài trước xác nhận), MÀ THÁNH KINH LẠI DO CON NGƯỜI VỐN LẦM LẪN VÀ THIÊN LỆCH VIẾT RA TRONG THỜI ĐIỂM ĐẶC BIỆT CỦA MÌNH, THÌ LÀM SAO CÓ THỂ TIN ĐƯỢC RẰNG, TẤT CẢ NHỮNG GÌ TRONG THÁNH KINH ĐỀU LÀ SỰ THẬT DO THIÊN CHÚA MUỐN MẠC KHẢI CHO CON NGƯỜI BIẾT ĐỂ NHỜ TIN HỌ ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI?

 

Giải đáp vấn nạn này, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã căn cứ vào Hiến Chế Mạc Khải Dei Verbum của Công Đồng Vaticanô II để xác nhận là, các tác giả viết Sách Thánh đã được Chúa Thánh Thần linh ứng viết ra những điều chính Thiên Chúa muốn họ viết, do đó, tác giả của Thánh Kinh vừa là Thiên Chúa vừa là con người.

 

·        Những thực tại mạc khải thần linh, được chứa đựng và trình bày trong văn bản Sách Thánh, đã được viết lại theo ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần (Hiến Chế Mạc Khải Dei Verbum, đoạn 21). ‘Căn cứ vào đức tin tông truyền, Mẹ Hội Thánh đã công nhận toàn bộ Cựu Ước và Tân Ước tất cả đều là các sách thánh thuộc sổ bộ Thánh Kinh, là vì các sách này được viết theo ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần, có Thiên Chúa là tác giả và được truyền lại nguyên như vậy cho chính Giáo Hội (Hiến Chế Mạc Khải Dei Verbum, đoạn 11)”. (số 105).

 

·        Để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người, và Ngài đã toàn dụng các tài năng và khả năng của họ trong khi sử dụng họ làm công việc này, để mặc dù Ngài có tác động trong họ và bởi họ, họ cũng thực sự đóng vai tác giả trong việc viết lên những gì Ngài muốn viết không hơn không kém”. (số 106)

 

Chính vì toàn bộ Thánh Kinh đã được linh ứng viết ra như thế, cũng theo cùng một Hiến Chế của Công Đồng Chung Vaticanô II về Mạc Khải, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã tuyên nhận rằng: tất cả những gì chứa đựng trong Thánh Kinh đều là sự thật, không thể sai lầm.

 

·        Bởi thế, vì tất cả những gì các tác giả được linh ứng hay các người viết sách thánh xác nhận phải được coi như Chúa Thánh Thần xác nhận, mà chúng ta phải công nhận rằng, các sách này đã truyền dạy, một cách chắc chắn, chân thực và không sai lầm, sự thật Thiên Chúa muốn trao gửi nơi các cuốn Sách Thánh vì phần rỗi của chúng ta”. (số 107)

2.      GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÃ CÔNG NHẬN TOÀN BỘ THÁNH KINH CÓ BAO NHIÊU CUỐN SÁCH, NHẤT LÀ ĐÃ CĂN CỨ VÀO ĐÂU ĐỂ LẬP THÀNH SỔ BỘ THÁNH KINH CHỨA ĐỰNG TẤT CẢ MẠC KHẢI THẦN LINH NÀY?

 

Theo Truyền Thống của Giáo Hội, toàn bộ Thánh Kinh được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 120) liệt kê, gồm có 72 cuốn (nếu tính sách của Tiên Tri Giêrêmia và Ai Ca của ngài là một cuốn) hay 73 cuốn (nếu không tính như vậy), trong đó có 45 hay 46 cuốn thuộc phần Cựu Ước và 27 cuốn thuộc phần Tân Ước.

 

Anh Em Tin Lành công nhận 27 cuốn Tân Ước như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo, tuy nhiên, họ chỉ công nhận số sách Cựu Ước đúng như dân Do Thái công nhận mà thôi, còn những cuốn sách khác (như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo công nhận) họ gọi là ngụy kinh (như bốn cuốn về lịch sử là Sách Tôbia, Bà Giuđích, Anh Em Macabê 1 và 2; hai cuốn về giáo huấn là Sách Khôn Ngoan và Huấn Ca, và hơn một cuốn về tiên tri là Sách Barúc và 3 đoạn trong Sách Đaniên là 3:24-90 + 13 + 14). Chính Giáo Hội Công Giáo cũng không công nhận một số ngụy kinh: (phần Cựu Ước có Sách Esdra 1 và 2, Thư của Tiên Tri Giêrêmia, Bà Susanna, Bel và Con Rồng, Anh Em Macabê cuốn 3 và 4, Kinh Nguyện của Manasê, Khúc Ca của Ba Người Do Thái v.v.; phần Tân Ước có rất nhiều, tiêu biểu là các cuốn Phúc Âm Thánh Phêrô, Phúc Âm Thánh Philiphê, Phúc Âm Thánh Tôma, Phúc Âm Thánh Batôlômêô, Phúc Âm Thánh Matthia, Phúc Âm Ông Nicôđêmô, Phúc Âm 12 Tông Đồ, Phúc Âm Thánh Anrê, Phúc Âm Thánh Banabê, Phúc Âm Giuđa Ích-Ca, Phúc Âm Thánh Thađêô, Phúc Âm Bà Evà, Sách Tông Vụ Thánh Phêrô, Tông Vụ Thánh Gioan, Tông Vụ Thánh Anrê, Tông Vụ Thánh Tôma, Tông Vụ Thánh Batôlômêô, Tông Vụ Thánh Phaolô, Tông Vụ Thánh Phêrô và Phaolô, Tông Vụ Thánh Philiphê, Tông Vụ Thánh Mathêu, Tông Vụ Thánh Banabê, Tông Vụ Thánh Simon và Giuđa v.v.)

 

Bởi thế, để lập thành Sổ Bộ Thánh Kinh này một cách chính xác, Giáo Hội Công Giáo đã phải căn cứ vào truyền thống của mình, một truyền thống đã được Công Đồng Chung Triđentinô năm 1546 chính thức công bố. Theo Hiến Chế Mạc Khải của Công Đồng Vaticanô II (8.3), Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng đã tái xác nhận như sau:

 

·        Chính nhờ Truyền Thống tông đồ của mình Giáo Hội đã nhận ra những bản văn nào cần phải được cho vào sổ bộ các sách thánh. (số 120 cũng xem số 105.2)

 

 

3.      NẾU TẤT CẢ NHỮNG GÌ THIÊN CHÚA MẠC KHẢI CHO CON NGƯỜI BIẾT ĐÃ ĐƯỢC NGÀI HOÀN TOÀN TỎ RA NƠI LỜI NHẬP THỂ LÀ CHÚA GIÊSU KITÔ, THÌ PHẢI CHĂNG PHẦN THÁNH KINH TÂN ƯỚC NÓI CHUNG VÀ 4 PHÚC ÂM NÓI RIÊNG MỚI LÀ CHÍNH YẾU VÀ TRỌN VẸN (xem Giáo Lý số 124-125), KHÔNG CẦN ĐẾÙN PHẦN THÁNH KINH CỰU ƯỚC NỮA?

 

Tuy phần Thánh Kinh Cựu Ước đặc biệt thuộc về dân Do Thái, và phần Thánh Kinh Tân Ước thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, nhưng Mạc Khải Thần Linh đã được bắt đầu từ Cựu Ước rồi mới được hoàn trọn nơi Tân Ước. Do đó, không thể tách rời Cựu Ước với Tân Ước, trái lại, cả hai cần phải bổ túc lẫn cho nhau để làm sáng tỏ tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho loài người. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã minh định chủ trương của mình về vấn đề này và dẫn giải như sau:

 

·        Cựu Ước là một phần không thể thiếu của Thánh Kinh. Các sách của phần này được linh ứng và vẫn còn giá trị vĩnh viễn của mình (x. Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 14), vì Giao Ước Cũ không bao giờ bị vãn hồi”. (số 121)

 

·        “Thật vậy, ‘công cuộc Cựu Ước cần phải có là để hướng đến việc sửa soạn và tiên báo cho việc Chúa Kitô là Đấng Cứu chuộc mọi người đến’ (x. Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 15). ‘Mặc dù có những vấn đề bất toàn và tạm bợ’ (x. Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 15), các sách Cựu Ước cũng là chứng cớ cho toàn thể phương thức thể hiện thần linh nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: những bản văn này ‘là kho chứa giáo huấn cao quí về Thiên Chúa cũng như chứa đức khôn ngoan tốt lành về đời sống con người, và là một bảo tàng cầu nguyện tuyệt vời; mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta cũng kín đáo hiện diện ở nơi các cuốn sách này’ (x. Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 15)”. (số 122)

 

·        “Bởi thế, Kitô hữu đọc Cựu Ước theo chiều hướng Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Việc đọc Cựu Ước theo chiều hướng biểu hiện như thế cho thấy nội dung khôn lường của Cựu Ước; thế nhưng, chúng ta cũng không được quên rằng, Cựu Ước tự mình vẫn có giá trị như là một Mạc Khải được chính Chúa của chúng ta tái xác nhận (x.Mk.12:29-31). Ngoài ra, Tân Ước cũng phải được đọc theo chiều hướng Cựu Ước. Các giáo lý viên Kitô hữu ban đầu đã luôn luôn sử dụng Cựu Ước (x.1Cor.5:6-8; 10:1-11). Theo một câu cổ ngữ thì Tân Ước được ẩn thân nơi Cựu Ước và Cựu Ước được sáng tỏ nơi Tân Ước (x. Thánh Âu-Quốc-Tinh, Quaest. in Hept. 2, 73: PL 34, 623; x. Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 16)”. (số 129)

 

 

4.      VẬY MUỐN HIỂU ĐÚNG TẤT CẢ SỰ THẬT THIÊN CHÚA ĐÃ MẠC KHẢI CHO MÌNH ĐƯỢC GHI NHẬN TRONG THÁNH KINH, GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ĐÃ THEO ĐƯỜNG LỐI NÀO?

 

Thật vậy, theo Giáo Lý câu 35 (bài số 2), “để con người có thể thực sự đi sâu vào mối thân tình với Ngài, Thiên Chúa cần phải vừa mạc khải chính mình ra cho con người vừa ban cho họ ơn để họ có thể đón nhận mạc khải này bằng đức tin”. Tuy nhiên, theo truyền thống của mình, Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Vaticanô II (xem Hiến Chế Mạc Khải, đoạn 12.4), đã hướng dẫn “ba tiêu chuẩn để cắt nghĩa Thánh Kinh theo Thần Linh là Đấng đã linh ứng viết lên”, tức để hiểu đúng ý nghĩa những gì Thiên Chúa mạc khải được ghi nhận trong Thánh Kinh. Ba tiêu chuẩn này là:

 

1.      Phải đặc biệt chú ý tới ‘nội dung và tính cách thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh; (số 112) (biệt chú của người biên soạn: tức là các câu Thánh Kinh phải ăn khớp với nhau mới đúng, ngoài ra có thể sai)

 

2.      Đọc Thánh Kinh theo ‘Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội’; (số 113)

 

3.        “Phải để ý đến tính cách tương hợp của đức tin (x. Rm.12:6)”. (số 114) (như tín điều Mẹ Maria Đầu Thai Vô Nhiễm và Mẹ Maria Được Lên Trời cả Hồn lẫn Xác liên quan đến và bắt nguồn từ tín điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa).

 

Ngoài cách tìm hiểu ý nghĩa về những gì Thiên Chúa muốn mạc khải được Thánh Kinh ghi nhận ra, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, ở số 115, còn cho biết Thánh Kinh có những ý nghĩa chính sau đây: “nghĩa đen (biệt chú của người biên soạn: như câu “Này là Mình Thày” hay “Này là Máu Thày”, cũng xem cắt nghĩa ở số 116) và nghĩa bóng (xem cắt nghĩa ở số 117), nghĩa bóng được chia ra thành nghĩa biểu tượng (như biến cố vượt qua Biển Đỏ ám chỉ cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, theo thí dụ và cắt nghĩa ở số 117.1), nghĩa luân lý (như Bài Giảng Phúc Đức Trên Núi của Chúa Giêsu, cũng xem cắt nghĩa ở số 117.2)  và nghĩa thần bí (như Sách Diễm Ca, Sách Các Tiên Tri, Sách Khải Huyền hay Các Dụ Ngôn Phúc Âm, cũng xem cắt nghĩa ở số 117.3). 

 

·        Một câu thơ nhị cú thời trung cổ đã tóm gọn bốn ý nghĩa này như sau:

Chữ Nghĩa chỉ việc làm; Biểu Tượng chỉ niềm tin;

Luân Lý để tác hành; Thần Bí nhắm trọng tâm. (câu 118)

 

 

TÓM LẠI

 

Sổ bộ Thánh Kinh (xem SGL số 120), cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (xem SGL số 105), không thể tách rời nhau (xem SGL số 129, 122, 121), có bốn Phúc Âm là trọng tâm (xem SGL số 125), như Giáo Hội Công Giáo theo truyền thống công nhận (xem SGL số 122, 105.2), gồm những cuốn sách được Chúa Thánh Thần linh ứng cho con người viết lên tất cả những gì Thiên Chúa muốn (xem SGL số 105, 106). Do đó, tác giả của Thánh Kinh vừa là Thiên Chúa vừa là loài người (xem SGL số 105, 106), và những gì được viết lên đều là chân lý (xem SGL số 107), cần phải theo tiêu chuẩn chắc chắn (xem SGL số 111, 112, 113, 114) để hiểu đúng nghĩa của Thánh Kinh (xem SGL số 115, 116, 117, 118).

 

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

1.      Thánh Kinh chứa đựng tất cả sự thật liên quan đến phần rỗi đời đời của con người sống trên trần gian này, đến sự sống viên mãn ngay ở trên đời của họ. Do đó, Kitô hữu chúng ta phải tận đáy lòng mộ mến trên hết mọi sự, và phải chuyên chú nghiền gẫm hơn việc học hỏi hiểu biết bất cứ một điều gì khác, để làm sao Lời Chúa trở thành tiêu chuẩn sống động của chúng ta, trong việc chúng ta phán đoán, chọn lựa, tác hành và phản ứng.

 

2.      Tuy nhiên, muốn sống Lời Chúa, cách hay nhất và thực tế nhất là suy niệm Phụng Vụ Lời Chúa theo Thánh Lễ hằng ngày cũng như Thánh Lễ Chúa Nhật hằng tuần. Vì Phụng Vụ Lời Chúa là bàn tiệc vô cùng thịnh soạn gồm tóm tất cả những gì về Mầu Nhiệm Chúa Kitô, do chính Giáo Hội, Hiền Thê của Người cũng là Mẹ của chúng ta, dọn ra cho chúng ta, để nuôi chúng ta tới khi chúng ta đạt tới tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là đầu (x.Eph.4:15).