Bài Giáo Lý số 7
THIÊN CHÚA DUY NHẤT LÀ CHA TOÀN NĂNG

 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH 

 

 

L

ịch sử cho thấy, trước khi “ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian” (Jn 1:9) là “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), thì hầu hết loài người bấy giờ vẫn còn tôn thờ đa thần (x Wis 13:2-4), kể cả dân Hy Lạp được coi là trí thức nhất hồi ấy về triết lý đi nữa (x Tông Vụ 17:23). Tuy nhiên, cho dù người Do Thái là dân theo độc thần bấy giờ đi nữa, qua giòng lịch sử của mình, họ cũng vẫn tỏ ra khuynh hướng đa thần, vẫn nhiều lúc (nhất là trong thời các vua từ vua Solomon) tôn sùng những thần ngoại lai, hay tôn sùng ngẫu tượng không phải thực sự là Thiên Chúa của họ, điển hình nhất là trường hợp họ đúc thờ bò vàng trong sa mạc (x Ex 32:1,4,8).

 

Sau Chúa Kitô giáng sinh, lịch sử cũng cho thấy không còn một tôn giáo đa thần nào xuất hiện nữa. Tuy nhiên, kể từ thời Cách Mạng Kỹ Nghệ vào thế kỷ 17, thay vào hiện tượng đa thần, lịch sử cho thấy hiện tượng vô thần bắt đầu phát xuất. Thật ra, về nội dung, vô thần tân tiến cũng là một hình thức đa thần cổ xưa, tức một hình thức tôn thờ những gì không phải là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3), chẳng hạn, thế giới tân tiến đã và đang tôn thờ các chủ nghĩa vô thần như duy vật, duy lý, duy nghiệm, duy nhân v.v. Chính vì thế, chính vì càng chối bỏ Thiên Chúa, càng phủ nhận Sự Thật Tối Thượng, mà con người, càng về cuối thế kỷ 20, lại càng thấy hiện tượng đầy những “giáo phái” (sects) lan tràn khắp nơi, nhất là hiện tượng phá sản luân thường đạo lý khắp thế giới, không còn biết tội là gì nữa, thậm chí còn cho tội là phúc và phúc là tội. Bởi vậy, chúng ta cần phải nắm vững niềm tin của mình nơi “Thiên Chúa chân thật duy nhất” đúng như Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo truyền dạy. Thế nhưng,

 

1.      Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo căn cứ vào đâu để tin tưởng chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất, và theo Kitô Giáo nói chung cũng như Giáo Hội Công Giáo nói riêng hiểu thì Thiên Chúa Duy Nhất ở chỗ nào?

2.      Nếu chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất thì tại sao Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo còn dạy rằng vị Thiên Chúa Duy Nhất này lại có Ba Ngôi (xem SGL số 233), mà Ngôi nào cũng thực sự là Thiên Chúa (số 253), vậy phải có “ba Thiên Chúa” (số 253) chứ làm sao lại chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất được?

3.      Nếu chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất và nơi vị Thiên Chúa Duy Nhất này có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, vậy thì tại sao ngay trong câu mở đầu của Kinh Tin Kính, Giáo Hội lại chỉ tuyên xưng có một mình Ngôi Cha: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha”, mà không tuyên xưng “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần”?

4.      Nếu tiếng “cha” theo ý nghĩa của mình thường được gắn liền với yêu thương và nguồn sống, vậy thì tại sao Kinh Tin Kính lại không tuyên xưng “Thiên Chúa là Cha yêu thương” mà lại tuyên xưng “Thiên Chúa là Cha toàn năng”?

 

 

 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN

 

1.      GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CĂN CỨ VÀO ĐÂU ĐỂ TIN TƯỞNG CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT, VÀ THEO KITÔ GIÁO NÓI CHUNG CŨNG NHƯ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NÓI RIÊNG HIỂU THÌ THIÊN CHÚA DUY NHẤT Ở CHỖ NÀO?

 

Niềm tin chỉ có một Thiên Chúa Duy Nhất được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo căn cứ vào Mạc Khải Thần Linh, nhất là trong phần Thánh Kinh Cựu Ước, qua việc Thiên Chúa tỏ cho Moisen biết tên gọi của Ngài:

 

·        Việc tuyên xưng duy nhất tính của Thiên Chúa, một phẩm tính được bắt nguồn từ mạc khải thần linh trong Cựu Ước, là việc không thể tách biệt khỏi việc tuyên xưng Thiên Chúa hiện hữu và cả hai đều trọng yếu như nhau”. (số 200)

 

·        Thiên Chúa đã tỏ mình ra là Thiên Chúa Duy Nhất cho dân Yến-Duyên, dân Ngài tuyển chọn: ‘Hỡi Yến-Duyên, hãy nghe đây: Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất; bởi thế các người phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình’ (Deut 6:4-5). Qua các tiên tri, Thiên Chúa còn kêu gọi dân Yến-Duyên cũng như tất cả mọi dân nước hãy trở về với Ngài là một Thiên Chúa duy nhất: ‘Hỡi khắp cùng bờ cõi trái đất, hãy trở về với Ta để được cứu độ! Vì Ta là Thiên Chúa, ngoài ra không có Chúa nào khác… Trước nhan của Ta, mọi đầu gối phải qùi xuống và mọi miệng lưỡi phải thề nguyền. Ta sẽ được tuyên xưng rằng ‘Công minh chính trực và quyền uy sức mạnh chỉ có ở nơi Chúa’ (Is 45:22-24; x. Phil 2:10-11)”. (số 201)

 

·        “Thiên Chúa đã càng ngày càng tỏ mình ra cho dân Ngài dưới nhiều danh xưng, thế nhưng, mạc khải làm nền tảng cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước là mạc khải tỏ cho Moisen biết về tên gọi thần linh trong cuộc thần hiển ở bụi gai cháy, trước cuộc Xuất Ai Cập và trước giao ước Núi Sinai”. (số 204)

 

Nếu “tên gọi nói lên yếu tính và căn tính của con người cùng với ý nghĩa cuộc sống của con người ấy. Thiên Chúa có một tên gọi; Ngài không phải là một quyền lực vô danh” (SGL số 203), thì căn cứ vào mạc khải thần linh về tên gọi của Thiên Chúa, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hiểu được Thiên Chúa Duy Nhất chính là một Vị Thiên Chúa trung thành, một Vị Thiên Chúa hiện hữu, một Vị Thiên Chúa Chân Thật và là một Vị Thiên Chúa Yêu Thương.

 

·        Bằng việc mạc khải danh tính của mình, Thiên Chúa cũng muốn mạc khải cả lòng trung thành của mình ra nữa, một lòng trung thành từ muôn đời đến muôn kiếp, đã xẩy ra trong cả quá khứ (‘Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi’) lẫn tương lai (‘Ta sẽ ở với ngươi’) (Ex 3:6,12). Thiên Chúa, Đấng tỏ danh tính ‘Ta Hiện Hữu’ của mình ra, cũng tỏ mình cho thấy Ngài như là một Vị Thiên Chúa luôn luôn có đó, luôn luôn hiện diện nơi dân của Ngài để giải cứu họ. (số 207; xem cả cuối các số 205 và 212)

 

·        “Bởi thế, mạc khải về danh tính ‘Ta là Đấng Hiện Hữu’ không thể phai mờ này chất chứa chân lý cho thấy rằng chỉ một mình Thiên Chúa là CÓ. Bản Bảy Mươi dịch các Cuốn Sách Thánh Do Thái ra tiếng Hy Lạp, cũng như Truyền Thống của Giáo Hội dựa theo bản dịch này, đã hiểu ý nghĩa danh tính thần linh ấy thế này: Thiên Chúa là toàn hữu và toàn hảo, vô thủy và vô chung. Tất cả mọi tạo vật đều lãnh nhận mọi sự chúng là và chúng có từ Ngài; thế nhưng, chỉ có duy một mình Ngài là chính bản thân Ngài và Ngài tự mình có mọi sự Ngài là”. (số 213)

 

·        “Thiên Chúa, ‘Đấng hiện hữu’, đã mạc khải mình ra cho dân Yến-Duyên thấy Ngài như là một Đấng ‘đầy lòng yêu thương bền vững và trung thành’ (Ex 34:6). Hai từ ngữ này (biệt chú của người biên soạn: “yêu thương” và “trung thành”) tóm tắt cho thấy tính chất phong phú của danh tánh thần linh ấy. Trong tất cả mọi việc làm của mình, Thiên Chúa chẳng những cho thấy lòng nhân từ, thiện hảo, sủng ái và tình yêu bền vững của mình, mà còn cho thấy cả tính cách khả tín, nhất trí, trung thành và chân thật của Ngài nữa. ‘Tôi tạ ơn danh tánh của Ngài vì tình yêu Ngài bền vững và vì lòng trung thành của Ngài’ (Ps 138:2; x. 85:11). Thánh Tông Đồ Gioan dạy, Ngài là Sự Thật: Thiên Chúa là ánh sáng, trong Ngài không có tối tăm’, và ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 1:5, 4:8)”. (số 214)

 

“Thiên Chúa là chính Sự Thật” (số 215): ở “những lời Ngài không lừa dối” (số 215), ở “đức khôn ngoan của Ngài chi phối toàn thể lãnh vực tạo sinh và cai quản thế giới“ (số 216), cũng như ở “việc Ngài tỏ mình ra… ‘Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến để làm cho chúng ta hiểu để nhận biết Ngài là Đấng chân thật’ (1Jn 5:20; x. Jn 17:3)” (số 217).

 

“Thiên Chúa là tình yêu”: vì Ngài đã nhưng không yêu thương tỏ mình ra cho dân Do Thái và đã tuyển chọn họ (số 218), vì tình yêu của Ngài vượt trên việc họ bất trung và còn ban cho họ tặng ân cao quí nhất (số 219), vì tình yêu của Ngài đối với dân Ngài là một tình yêu vĩnh viễn (số 220), và nhất là vì chính bản thân Ngài là tình yêu (số 221).

 

 

2.      NẾU CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT THÌ TẠI SAO GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÒN DẠY RẰNG VỊ THIÊN CHÚA DUY NHẤT NÀY LẠI CÓ BA NGÔI (xem SGL số 233), MÀ NGÔI NÀO CŨNG THỰC SỰ LÀ THIÊN CHÚA (số 253), VẬY THEO LÝ THÌ PHẢI CÓ “BA THIÊN CHÚA” (số 253) CHỨ LÀM SAO LẠI CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT ĐƯỢC?

 

Sở dĩ chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất mà lại có Ba Ngôi, Ngôi nào cũng thực sự là Thiên Chúa, song không phải là ba Thiên Chúa, thật ra chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất, bởi vì “Ba Ngôi đồng bản thể”:

 

·        Ba Ngôi là Một. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, mà tuyên xưng một Thiên Chúa có ba ngôi, ‘Ba Ngôi đồng bản thể’ (Công Đồng Chung Contantinôpôli II năm 553: DS 421). Các ngôi vị thần linh không thông phần cùng một thần tính mà mỗi ngôi là Thiên Chúa hoàn toàn và trọn vẹn: ‘Ngôi Cha là tất cả những gì Ngôi Con là, Ngôi Con là tất cả những gì Ngôi Cha là, Ngôi Cha và Ngôi Con là tất cả những gì Ngôi Ba là, tức là, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính’ (Công Đồng Tolêđô XI năm 675: DS 530: 26). Theo lời của Công Đồng Chung Latêranô IV năm 1215 thì ‘Mỗi ngôi là chính thực tại cao cả, tức là chính bản thể, yếu tính hay bản tính thần linh (DS 804)”. (số 253)

 

Tuy Ba Ngôi chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất vì “đồng bản thể”, chứ không phải là Ba Thiên Chúa, thế nhưng, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Ba Ngôi vẫn hoàn toàn khác biệt nhau theo liên hệ về nguồn gốc:

 

·        Các ngôi vị thần linh thực sự khác biệt nhau. ‘Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc’ (Fides Damasi: DS 71). ‘Cha’, ‘Con’ và ‘Thánh Thần’ không phải chỉ là các danh xưng tiêu biểu cho những thể thức của hữu thể thần linh, vì các danh xưng này thực sự khác biệt nhau: ‘Con không phải là Cha cũng như Cha không phải là Con, và Thánh Thần không phải là Cha hay là Con’ (Công Đồng Tolêđô XI năm 675: DS 530:25). Các danh xưng này khác biệt nhau theo liên hệ về nguồn gốc : ‘Cha là Đấng phát sinh, Con là Đấng được sinh ra và Thánh Thần là Đấng được xuất phát (Công Đồng Chung Latêranô IV năm 1215: DS 804). Thiên Chúa Duy Nhất là Thiên Chúa Ba Ngôi. (số 254)

 

Cũng chính vì Ba Ngôi chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất bởi “đồng bản thể”, song Ba Ngôi lại hoàn toàn khác biệt nhau về nguồn gốc như thế, mà Ba Ngôi cùng làm chung một việc song theo cách thức khác nhau tùy vai trò xứng hợp riêng với Ngôi Vị mình.

 

·        Toàn thể công cuộc thần linh là công việc chung của cả ba ngôi vị thần linh. Bởi vì Ba Ngôi chỉ có cùng một bản tính nên cũng chỉ có cùng một hoạt động: ‘Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của việc tạo thành mà chỉ là một nguyên lý duy nhất’ (Công Đồng Chung Florence năm 1442: DS 1331; xem Công Đồng Chung Contantinôpôli II năm 553: DS 421)”. (số 258)

 

·        “Tuy nhiên, mỗi một ngôi vị thần linh góp phần vào công việc chung này theo đặc tính riêng tư đặc thù của mình (biệt chú của người biên soạn: như trong Mầu Nhiệm Tạo Dựng, Ngôi Cha đóng vai trò tác nhân, Ngôi Con đóng vai trò khôn ngoan và Ngôi Ba đóng vai trò động lực, hay trong Mầu Nhiệm Cứu Chuộc, Ngôi Cha đóng vai trò nguyên nhân, Ngôi Con đóng vai trò tác nhân và Ngôi Ba đóng vai trò tác động, hoặc trong Mầu Nhiệm Thánh Hóa, Ngôi Cha đóng vai trò đích điểm, Ngôi Con đóng vai trò mô thức và Ngôi Ba đóng vai trò tác nhân). Bởi thế, dựa vào Tân Ước, Giáo Hội tuyên xưng ‘Tất cả mọi sự có bởi một Thiên Chúa cũng là Cha duy nhất, tất cả mọi sự có nhờ một Chúa Giêsu Kitô duy nhất, và tất cả mọi sự có trong một Thánh Thần duy nhất’ (Công Đồng Chung Contantinôpôli II năm 553: DS 421). Sứ vụ Nhập Thể của Ngôi Con và sứ vụ ban tặng của Ngôi Thánh Thần trước hết là để chứng tỏ cho thấy đặc tính của các ngôi vị thần linh”. (số 258, xem thêm câu đầu của số 259)

 

 

3.      NẾU CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT VÀ NƠI VỊ THIÊN CHÚA DUY NHẤT NÀY CÓ BA NGÔI LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN, VẬY THÌ TẠI SAO NGAY TRONG CÂU MỞ ĐẦU CỦA KINH TIN KÍNH, GIÁO HỘI LẠI CHỈ TUYÊN XƯNG CÓ MỘT MÌNH NGÔI CHA: “TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA LÀ CHA” MÀ KHÔNG TUYÊN XƯNG “TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN”?

 

Sở dĩ Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi, song ngay trong câu mở đầu Kinh Tin Kính, Giáo Hội Chúa Kitô chỉ tuyên xưng “tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha”, chứ không phải “là Cha và Con và Thánh Thần”, là vì vai trò khởi nguyên (về thần tính cũng như việc tạo thành) và tính cách yêu thương nơi danh xưng Cha của Thiên Chúa. Thật vậy:

 

·        “Giáo Hội nhìn nhận Ngôi Cha là ‘nguồn gốc và khởi thủy của toàn thể thần tính’ (Công Đồng Tôlêđô VI năm 638: DS 490)”. (số 245)

 

·        “Nhiều tôn giáo kêu cầu Thiên Chúa như một ‘Người Cha’. Thần tính thường được coi là ‘cha của các thần cũng như của con người’. Thiên Chúa được gọi là ‘Cha’ trong dân Yến-Duyên, vì Ngài là Đấng tạo thành nên thế gian (xem Deut 32:6; Mal 2:10). Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Cha vì giao ước và vì đã ban lề luật cho dân Yến-Duyên, ‘trưởng tử của Ngài’ (Ex 4:24). Thiên Chúa cũng được gọi là Cha của các vua dân Yến-Duyên. Đặc biệt Ngài là ‘Cha của kẻ nghèo khổ’, của kẻ mồ côi và kẻ góa bụa, thành phần được Ngài yêu thương che chở (xem 2Sam 7:14; Ps 68:6)”. (số 238)

 

·        “Gọi Thiên Chúa là ‘Cha’, ngôn ngữ đức tin muốn nói lên hai điều: Thiên Chúa là nguồn gốc trước hết của mọi sự và có một quyền hạn siêu việt; đồng thời Ngài cũng có lòng nhân hậu và yêu thương săn sóc cho tất cả mọi con cái của Ngài…”. (số 239)

 

 

4.      NẾU TIẾNG “CHA” THEO Ý NGHĨA CỦA MÌNH THƯỜNG ĐƯỢC GẮN LIỀN VỚI YÊU THƯƠNG VÀ NGUỒN SỐNG, NHƯ VẤN ĐÁP 2 TRÊN ĐÂY VỪA CHO THẤY, VẬY THÌ TẠI SAO KINH TIN KÍNH LẠI KHÔNG TUYÊN XƯNG “THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG” MÀ LẠI TUYÊN XƯNG “THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG”?

 

Sở dĩ trong Kinh Tin Kính, tiếng “Cha” không đi liền với yêu thương hay với nguồn sống, mà lại được ghép với “toàn năng”, là vì phẩm tính “toàn năng” của “Thiên Chúa là Cha” ở đây chẳng những chỉ có ý nghĩa “Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mọi sự cũng như cai quản mọi sự và có thể làm được mọi sự” (SGL số 268), mà còn bao gồm cả ý nghĩa yêu thương nữa:

 

·        “Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng mà vai trò làm cha của Ngài và việc Ngài có quyền năng cả hai đều hỗ trợ cho nhau, ở chỗ, Thiên Chúa tỏ quyền toàn năng làm cha của mình ra bằng việc chăm sóc các nhu cầu của chúng ta; bằng việc làm cho chúng ta trở nên dưỡng tử của Ngài (“Ta sẽ là cha của các ngươi và các ngươi sẽ là con cái nam nữ của Ta, Chúa Toàn Năng phán” – 2Cor 6:18; x. Mt 6:32); sau hết, bằng tình thương vô biên của mình, vì Ngài bộc lộ quyền năng của Ngài ra đến tột đỉnh khi tự động thứ tha tội lỗi”. (số 270, và xem cuối số 272 về quyền năng nơi việc Chúa Kitô phục sinh)

 

 

TÓM LẠI:

 

Khi tin tưởng và tuyên xưng “tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất (SGL số 200, 201), ở chỗ Ngài là Đấng trung thành (SGL số 207) và là “Đấng Hiện Hữu” (SGL số 213). Thế nhưng, Vị Thiên Chúa duy nhất này lại có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, tuy đồng bản thể (SGL số 253), tức đều là Thiên Chúa, song Ba Ngôi vẫn khác biệt nhau về ngồn gốc (SGL số  254), và tuy cùng làm chung một việc song mỗi ngôi làm theo thể thức riêng của mình (SGL số 258). Trong Ba Ngôi, Ngôi Cha là chính, cả về đối nội (SGL số 245) cũng như đối ngoại (SGL số 238), được thể hiện qua quyền toàn năng của Ngài (SGL số 270).

 

 

THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

 

Một khi tin vào Một Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất là Cha Toàn Năng, Kitô hữu chúng ta phải tỏ ra:

 

·        Nhận biết sự cao cả và uy nghi của Thiên Chúa” (SGL số 223);

·        Sống trong niềm cảm tạ tri ân” (số 224);

·        Công nhận niềm hiệp nhất và phẩm giá thực sự của tất cả mọi người” (số 225);

·        Lợi dụng mọi tạo vật để mưu ích” (số 226);

Tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh” (số 227).