Bài Giáo Lý số 8
THIÊN CHÚA TẠO THÀNH TRỜI ĐẤT
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
"'Mọi sự hiện hữu từ đâu mà có và sẽ đi về đâu?’ Hai vấn nạn này, vấn nạn thứ nhất về nguồn gốc và vấn nạn thứ hai về cùng đích, là những vấn nạn không thể tách lìa nhau. Chúng là những vấn nạn quyết liệt đối với ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống cũng như hoạt động của chúng ta” (Sách Giáo Lý hay viềt tắt là SGL, số 282). “Vấn nạn về nguồn gốc của thế gian cũng như của con người đã là mục tiêu của nhiều cuộc nghiên cứu khoa học, là những gì làm cho chúng ta hiểu biết một các sáng tỏ hơn nữa về tuổi hạc và các chiều kích của vũ trụ, về việc phát triển của các hình thức sự sống, cũng như về việc xuất hiện của con người…”. (SGL số 283)
“Lợi ích cả thể từ những cuộc nghiên cứu này đó là nó càng mạnh mẽ gợi lên một vấn nạn thuộc về cấp độ khác, một cấp độ vượt ra ngoài lãnh vực xứng hợp của các khoa học tự nhiên. Vấn nạn này không phải chỉ là vấn nạn muốn biết về việc vũ trụ này thực sự xuất hiện từ khi nào và ra sao, hay về lúc con người xuất hiện, mà chính là vấn nạn muốn khám phá ra ý nghĩa của một nguồn gốc như vậy, tức là vấn nạn về việc vũ trụ này có bởi ngẫu nhiên, bởi định mệnh mù quáng, bởi cần thiết nào đó, hay bởi một Hữu Thể siêu việt, thông biết và tốt lành được gọi là ‘Thiên Chúa’? Và nếu thế gian này từ Thiên Chúa khôn ngoan và thiện hảo mà có thì tại sao lại có cả sự dữ? Sự dữ ấy từ đâu mà đến? Ai gây ra sự dữ này? Có việc giải phóng cho khỏi sự dữ chăng?”. (SGL số 284)
“Từ ban đầu, đức tin Kitô giáo đã phải đương đầu với những giải đáp về vấn nạn của các thứ nguồn gốc khác với những câu giải đáp của mình. Các tôn giáo và các nền văn hóa đã tung ra nhiều huyền thoại liên quan đến các thứ nguồn gốc. Một số triết gia đã cho rằng mọi sự là Thiên Chúa, thế gian này là Thiên Chúa, hay việc phát triển của thế gian này là việc phát triển của Thiên Chúa (Thuyết Phiếm Thần Pantheism). Những triết gia khác lại cho rằng thế gian là một phóng tỏa tất yếu phát ra từ Thiên Chúa và quay trở về lại với Ngài. Những vị khác chủ trương có hai nguyên lý vĩnh cửu, Thần Lành và Thần Ác, Ánh Sáng và Bóng Tối, luôn luôn tương khắc nhau (Nhị Nguyên Thuyết Dualism, Thuyết Manichaeism). Theo một số quan niệm ấy thì thế gian này, (nhất là thế gian theo thể lý), là một thế gian xấu xa, sản phẩm của một cuộc sa ngã, bởi thế cần phải loại trừ hay coi thường nó (Thuyết Ngộ Đạo Thức Gnosticism). Một số công nhận thế gian được Thiên Chúa tạo thành, thế nhưng, nó như được một người sáng chế ra chiếc đồng hồ, sau khi đã hoàn thành xong chiếc đồng hồ, thì bỏ mặc nó (Thuyết Duy Linh Deism). Sau hết, một số khác lại phủ nhận mọi nguồn gốc siêu việt đối với thế gian, coi thế gian thuần túy như là một giao tiếp giữa vật chất với nhau, một thứ vật chất vốn luôn luôn hiện hữu (Thuyết Duy Vật). Tất cả những nỗ lực giải đáp này chứng tỏ cho thấy tính cách kéo dài và phổ quát nơi vấn nạn về các thứ nguồn gốc. Việc tìm hiểu này hoàn toàn có tính cách con người”. (SGL số 285)
1. Tại sao Thiên Chúa tạo thành trời đất? Ngài tạo thành trời đất với mục đích để làm gì? Ngài đã tạo thành trời đất bằng cách nào và ra sao?
2. “Trời đất” được Thiên Chúa dựng nên đây bao gồm những gì? Tột đỉnh của những gì Thiên Chúa dựng nên trên “đất” và tột đỉnh của chính việc Ngài tạo dựng nên “đất” đây là gì?
3. Nếu Thiên Chúa là Đấng vô cùng toàn hảo và khôn ngoan, do đó mọi sự được Ngài tạo dựng cũng hoàn toàn tốt đẹp, vậy thì tại sao sự dữ lại có thể xẩy ra nơi tạo vật của Ngài?
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. TẠI SAO THIÊN CHÚA TẠO THÀNH TRỜI ĐẤT? NGÀI TẠO THÀNH TRỜI ĐẤT VỚI MỤC ĐÍCH ĐỂ LÀM GÌ? NGÀI ĐÃ TẠO THÀNH TRỜI ĐẤT BẰNG CÁCH NÀO VÀ RA SAO?
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo công nhận rằng “trí thông minh của con người chắc chắn đã có thể tìm thấy câu trả lời cho vấn nạn về các thứ nguồn gốc” (SGL số 286). Tuy nhiên, cũng cần phải “có đức tin để xác nhận và soi sáng trí khôn trong việc hiểu cho đúng sự thật này” (SGL số 286). Chính vì thế, căn cứ vào Mạc Khải Thần Linh (xem SGL số 287, 288), nhất là “ba đoạn đầu của Sách Khởi Nguyên… những đoạn văn vốn là nguồn mạch chính yếu cho vấn đề giáo lý về các mầu nhiệm ‘khởi nguyên’, như mầu nhiệm tạo dựng, sa ngã và lời hứa cứu chuộc” (SGL số 289), Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã giải đáp cho những chi tiết của câu hỏi thứ nhất này như sau.
Về lý do và mục đích Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, đó là vì Ngài và cho Ngài, vì Ngài yêu thương và thiện hảo, và cho vinh quang của Ngài:
· “Thánh Kinh và Truyền Thống không ngừng dạy và xưng tụng chân lý nền tảng này là, ‘thế gian được dựng nên cho hiển vinh Thiên Chúa’ (Dei Filius, can. 5: DS 3025). Thánh Bonaventura giải thích rằng, Thiên Chúa đã dựng nên tất cả mọi sự ‘không phải để tăng thêm vinh hiển cho Ngài, mà là để chiếu tỏ vinh hiển của Ngài cũng như để thông ban vinh hiển ấy’ (In II Sent. I, 2, 2, 1), vì Thiên Chúa không có một lý do nào khác trong việc tạo dựng hơn là tình yêu và thiện hảo tính của Ngài…” (số 293)
· “Vinh hiển của Thiên Chúa là ở việc hiện thực cuộc biểu lộ và thông ban thiện hảo tính của Ngài ra cho thế gian được dựng nên… Mục đích tối hậu của việc tạo dựng này là ở chỗ Thiên Chúa, ‘Đấng tạo nên tất cả mọi sự, cuối cùng trở nên tất cả trong mọi sự, nhờ đó, Ngài được vinh hiển và chúng ta cũng được vinh phúc’ (Ad Gentes, đoạn 2; xem 1Cor 15:28)”. (số 294)
Về phương tiện và cách thức Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chủ trương và truyền dạy là Thiên Chúa đã dựng nên trời đất bằng sự khôn ngoan và lòng yêu thương của Ngài, và Ngài tạo dựng nên trời đất từ hư không, một cách tốt đẹp và lâu bền.
· “Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên thế gian theo sự khôn ngoan của Ngài (x. Wis 9:9). Thế gian không phải là một sản phẩm bởi tất yếu cần có, hay bởi định mệnh mù quáng hoặc bởi ngẫu nhiên mà có. Chúng ta tin rằng thế gian phát xuất từ ý muốn tự do của Thiên Chúa; Ngài muốn cho các tạo vật của Ngài được tham dự vào hữu thể, sự khôn ngoan và thiện hảo tính của Ngài…”. (số 295)
· “Chúng ta tin rằng Thiên Chúa không cần sự vật có sẵn hay bất cứ một trợ giúp nào để thực hiện việc tạo dựng, việc tạo dựng cũng không phải là một thứ phóng tỏa tất yếu nào từ bản thể thần linh (x. Dei Filius, can 2-4: DS 3022-3024). Thiên Chúa tự ý tạo dựng nên mọi sự ‘từ hư không’ (Công Đồng Chung Latêranô IV năm 1215: DS 800; x. DS 3025)”. (số 296)
· “Vì Thiên Chúa tạo dựng bằng sự khôn ngoan của mình, nên việc tạo dựng của Ngài có thứ tự lớp lang: ‘Ngài đã sắp xếp mọi sự theo tầm vóc, số lượng và cân lượng’ (Wis 11:20). Vũ trụ, được tạo dựng nên trong Lời và bởi Lời, ‘hình ảnh Thiên Chúa vô hình’, là để cho và hướng về con người, loài tạo vật được dựng nên theo ‘hình ảnh Thiên Chúa’ và được kêu gọi đến mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa… Vì phát xuất từ thiện hảo tính của Thiên Chúa, nên tạo vật được tham dự vào thiện hảo tính này…, bởi Thiên Chúa muốn tạo vật trở nên như một quà tặng cho con người, một di sản dành riêng cho họ và được ký thác cho họ…”. (số 299)
· “Nơi việc tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ mặc kệ các tạo vật của Ngài. Ngài chẳng những ban cho chúng hữu thể và làm cho chúng được hiện hữu, Ngài còn nâng đỡ và bảo trì chúng luôn luôn hiện hữu nữa, giúp chúng tác hành và đạt đến cùng đích của chúng…” (số 301)
2. “TRỜI ĐẤT” ĐƯỢC THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ĐÂY BAO GỒM NHỮNG GÌ? TỘT ĐỈNH CỦA VIỆC THIÊN CHÚA DỰNG NÊN TRÊN “ĐẤT” VÀ TỘT ĐỈNH CỦA TẤT CẢ CÔNG CUỘC THIÊN CHÚA TẠO DỰNG NÊN “TRỜI ĐẤT” ĐÂY LÀ GÌ?
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hiểu ý nghĩa về “trời đất” được Thiên Chúa dựng nên như sau:
· “‘Trời đất’ theo kiểu diễn tả của Thánh Kinh nghĩa là tất cả những gì hiện hữu, là toàn thể mọi tạo vật. Nó cũng cho thấy mối liên hệ sâu xa nơi tạo vật, mối liên hệ chẳng những liên kết mà còn phân biệt trời với đất: ‘đất’ là thế giới con người, còn ‘trời’ hay ‘các tầng trời’ có thể chỉ về cả bầu trời lẫn ‘nơi chốn’ riêng của Thiên Chúa – ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’, do đó, ‘trời’ cũng là vinh quang chung cuộc. Sau hết, ‘trời’ ám chỉ các thánh nhân và ‘nơi’ của các loài thần thiêng là các thiên thần, những vị chầu chực Thiên Chúa (Ps 115: 16, 19:2; Mt 5:16)”. (số 326)
Đối với loài tạo vật thiêng liêng là các thiên thần, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy
· “Với tất cả bản thể của mình, các thiên thần là tôi tớ và là sứ giả của Thiên Chúa”. (số 329).
· “Là loài tạo vật thiêng liêng, các thiên thần có trí khôn và lòng muốn: các ngài có bản vị và bất tử, vượt trên tất cả mọi thụ tạo hữu hình về mức độ kiện toàn, như ánh vinh quang của các vị cho thấy (x. Đức Piô XII Humani Generis: DS 3891; Lk 20:36; Dan 10:9-12)”. (số 330);
· “Các thiên thần có mặt từ lúc tạo thành và qua suốt giòng lịch sử cứu độ, bằng việc loan báo ơn cứu độ xa xa hay gần kề, và giúp vào việc hoàn thành dự án thần linh”. (số 332).
· “’Bên cạnh mỗi một tín hữu có một thiên thần hộ vực họ và dẫn dắt họ đến sự sống’ (Thánh Basiliô, Adv. Eunomium III, 1: PG 29, 656B)” (số 336)
Đối với loài tạo vật hữu hình, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng dạy những điểm chính yếu như sau, đặc biệt vấn đề con người là tột đỉnh của chúng và vấn đề ngày nghỉ là tột đỉnh của chung việc tạo dựng:
· “Chính Thiên Chúa dựng nên thế giới hữu hình với tất cả tính cách phong phú, đa dạng và cấp trật của nó” (số 337);
· “Mỗi một tạo vật có nét tốt đẹp và hoàn hảo của mình… Theo hữu thể của mình, mỗi một loài tạo vật khác nhau đều phản ánh quang vô cùng khôn ngoan và thiện hảo của Thiên Chúa” (số 339);
· “Thiên Chúa muốn các tạo vật liên thuộc nhau… Cảnh sắc vô cùng đa dạng và bất đồng đều cho chúng ta thấy rằng không một tạo vật nào tự mình là hoàn bị cả. Các tạo vật chỉ hiện hữu trong việc tùy thuộc vào nhau, bổ túc cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau mà thôi” (số 340);
· “Cấp trật tạo vật được thể hiện nơi thứ tự của ‘sáu ngày tạo dựng’, từ mức độ ít hoàn bị cho tới mức độ hoàn bị hơn” (số 342);
· “Con người là tột đỉnh của việc Thiên Chúa tạo dựng” (số 343);
· “Tất cả mọi tạo vật liên kết với nhau, bởi tất cả đều có cùng một Đấng Hóa Công và tất cả đều được dựng nên cho vinh quang của Ngài” (số 344);
· “Tạo vật được hình thành theo chiều hướng của ngày nghỉ ngơi, và bởi thế, hướng đến việc tôn thờ và tôn vinh Thiên Chúa” (số 347);
· “Ngày thứ bảy là ngày hoàn tất việc tạo dựng đầu tiên. Ngày thứ tám mở màn cho cuộc tạo dựng mới. Như thế, công việc tạo dựng đạt đến tột đỉnh của mình nơi công cuộc cứu chuộc cao cả hơn” (số 349).
3. NẾU THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG VÔ CÙNG TOÀN HẢO VÀ KHÔN NGOAN, DO ĐÓ MỌI SỰ ĐƯỢC NGÀI TẠO DỰNG CŨNG HOÀN TOÀN TỐT ĐẸP, VẬY THÌ TẠI SAO SỰ DỮ LẠI CÓ THỂ XẨY RA NƠI TẠO VẬT CỦA NGÀI?
Vấn nạn này, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, là một vấn đề trực tiếp liên quan đến việc quan phòng vô cùng huyền nhiệm của Thiên Chúa, tức liên quan đến quyền phép tuyệt đối của Thiên Chúa cũng như đến nguyên nhân đệ nhị, trong đó có tự do tương đối của con người:
· “Tạo vật có đặc tính tốt lành riêng biệt cũng như có mức độ hoàn bị xứng hợp của mình, thế nhưng, nó không phát xuất một cách hoàn bị từ bàn tay Đấng Hóa Công. Vũ trụ được dựng nên ‘trong tình trạng tiến hành’ (in statu viae) hướng đến mức độ toàn hảo tối hậu theo ý muốn của Thiên Chúa song chưa đạt tới mức độ ấy. Chúng ta gọi ‘việc quan phòng thần linh’ là những gì Thiên Chúa sắp xếp để hướng dẫn tạo vật của Ngài đến mức độ toàn hảo này”. (số 302).
· “Chứng từ Thánh Kinh đồng loạt cho thấy rằng việc Thiên Chúa quan tâm đến tạo vật là một việc cụ thể và trực tiếp; Thiên Chúa chăm sóc cho tất cả mọi sự, từ những vật nhỏ mọn nhất đến những biến cố lớn lao trên thế giới cũng như trong lịch sử”. (số 303)
· “Thiên Chúa toàn quyền làm chủ dự án của Ngài. Thế nhưng, để thi hành dự án ấy, Ngài cũng sử dụng đến việc hợp tác của tạo vật nữa. Việc sử dụng này không phải là dấu hiệu yếu kém mà là chứng cớ cho thấy sự cao cả và thiện hảo của Thiên Chúa toàn năng. Vì Thiên Chúa chẳng những ban cho tạo vật của Ngài được hiện hữu, mà còn ban cho chúng đóng vai trò tự mình tác hành nữa, vai trò là căn nguyên và là yếu tố cho nhau, nhờ đó, chúng cũng đóng cả vai trò được cộng tác vào việc hoàn thành dự án của Ngài nữa”. (số 306)
· “... Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, Đấng hoạt động trong và qua các nguyên nhân đệ nhị... Sự thật này chẳng những không làm giảm giá tạo vật mà còn bồi đắp cho nó nữa. Được Thiên Chúa quyền năng, khôn ngoan và thiện hảo dựng nên từ hư vô, tạo vật không thể làm gì được nếu tách ra khỏi nguồn gốc của mình, vì ‘không có Hóa Công tạo vật liền tan biến’ (Gaudium et Spes, 36.3). Tạo vật lại càng không thể đạt đến cùng đích tối hậu của mình, nếu không có ơn trợ giúp của Thiên Chúa”. (số 308)
· “Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, là Đấng Tạo Hóa của một thế gian có thứ tự và tốt lành, chăm sóc cho tất cả mọi tạo vật của Ngài, thì tại sao lại có sự dữ?…” (số 309). Tại sao Thiên Chúa không dựng nên một thế gian hoàn hảo đến nỗi không còn sự dữ ở đó nữa? Bằng quyền năng vô cùng của mình, Thiên Chúa lúc nào cũng có thể dựng nên một cái gì đó tốt đẹp hơn (x. Thánh Tôma Aquina, STh I, 25, 6). Thế nhưng, là Đấng vô cùng khôn ngoan và thiện hảo, Thiên Chúa lại tự ý muốn dựng nên một thế gian ‘ở trong một tình trạng tiến hành’ hướng về mức độ hoàn thiện tối hậu của nó. Theo dự án của Thiên Chúa, tiến trình trở nên này bao gồm cả việc xuất hiện của một số hữu thể này cũng như việc biến mất của các hữu thể khác, việc hiện diện của vật hoàn hảo cùng với vật khuyết hảo, bao gồm quyền lực tự nhiên cho cả việc xây dựng cũng như hủy hoại. Bao lâu tạo vật chưa đạt đến mức hoàn hảo, thì hễ có sự thiện về thể lý cũng có sự dữ về thể lý (x. Thánh Tôma Aquina, SCG III, 71)”. (số 310)
· “… Thiên Chúa không thể, dù trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân của sự dữ về luân lý (x. Thánh Âu-Quốc-Tinh, De Libero Arbitrio 1, 1, 2: PL 32, 1223; Thánh Tôma Aquina, STh I-II, 79, 1). Tuy nhiên, Ngài cho phép nó xẩy ra, vì Ngài tôn trọng tự do nơi tạo vật của Ngài, và Ngài kỳ diệu rút lấy sự thiện từ sự dữ”. (số 311, xem cả số 312) “’Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm mọi sự cho lợi ích của những ai yêu mến Ngài’ (x. Rm 5:20)”. (số 313)
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. “Bởi Thiên Chúa muốn tạo vật trở nên như một quà tặng cho con người, một di sản dành riêng cho họ và được ký thác cho họ… (mà) trong nhiều trường hợp, Giáo Hội đã phải bênh vực cho sự tốt lành của tạo vật, kể cả sự tốt lành của thế giới về thể lý” (SGL số 299).
2. Vì “Thiên Chúa chăm sóc cho tất cả mọi sự, từ những vật nhỏ mọn nhất đến những biến cố lớn lao trên thế giới cũng như trong lịch sử” (số 303), và vì “’Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm mọi sự cho lợi ích của những ai yêu mến Ngài’ (x. Rm 5:20)”. (số 313), nên “Chúa Giêsu kêu gọi hãy phó mình như một con trẻ cho việc quan phòng của Cha trên trời, Đấng chăm sóc những nhu cầu hèn mọn nhất của con cái mình” (SGL số 305).